Chương XII
Áng mây mù

Hội Kê thành cần lao, thịnh vượng như hoa viên vào một ngày xuân, cỏ hoa tươi tốt dưới gió xuân đưa, mưa xuân rây rắc. Nhưng đây là hoa cừu cỏ hận.
Câu Tiễn, một vị vua từng chịu nhục đã gieo rắc khắp nước mối hận thù của chính mình. Ngày, tháng, năm chồng chất, hận thù cũng theo đó chồng chất. Hôm nay, mỗi người dân Việt đều có khái niệm lấy việc phục thù rửa hận làm ý nghĩa tồn tại trong cuộc sống. ý sống của họ là phải diệt Ngô.
Ai là người trai Việt hôm nay cũng đều cầm đao thuơng chiến đấu. Ai là chiến sĩ cũng đều được Việt vương kính trọng.
Gần như lấy việc phục thù làm cơn ru ngủ, Việt vương đã xem nỗi phẫn hận là thần minh. Một hôm, Việt vương hướng dẫn lính đi tuần, bắt gặp trên đất sình một con ốc đang giận dữ, giưng vòi, chuẩn bị chiến đấu. Việt vương ra lệnh cho toàn đội tránh ra, không làm kinh động con ốc. Nhà vua còn nói với mọi người có mặt:
- Bất luận là người, thú, hay côn trùng, nếu biết chiến đấu đều có giá trị đáng kính trọng. Không phải trẫm xem trọng một con ốc mà là trẫm kính trọng ý chí phấn đấu!
Đối với thần dân Việt quốc, lời ấy là một khi thị quan trọng. Nghĩa là không lười, không mệt mỏi gìn giữ phấn chí, đốt lửa căm thù.
Nhưng Gia Kê Dĩnh nhân lúc Ngô vương đi đánh trận xa mà xâm nhập nước Ngô thì người ở Hội Kê không mảy may hay biết.
Gia Kê Dĩnh đã rút quân về rồi, lưu đội ngũ ở bên kia sông Tiền Đường, chỉ kéo một tiểu đội sang sông về Hội Kê.
Câu Tiễn, Văn Chủng, Tiết Dung v.v... kéo tới Vũ Xã (1) chờ đợi Gia Kê Dĩnh. Vị tướng quân dừng ngựa ngoài miếu thờ, đứng yên một lúc mới bước vào hành lễ với Quân vương. Đoạn móc trong người ra một tấm vải có đường nét ngang dọc và viết chữ chi chít, dâng hai tay cho Văn Chủng.
Lúc mới gặp nhau, tất cả đều lặng thinh.
Văn Chủng trải tấm vải ra trên bàn lễ, nói nhỏ:
- Đây là đồ hình tỉ mỉ ghi sự bố trí của quân Ngô ở Bình Vọng.
Việt vương cũng nói nhỏ:
- Đợi Thiếu Bá về sẽ xem lại.
Vì vậy, Văn Chủng quay hỏi Gia Kê Dĩnh:
- Tại sao Phạm đại phu không về cùng lượt với tướng quân?
Hiểu được dụng ý của Văn Chủng, Gia Kê Dĩnh đáp:
- Phạm đại phu đưa sứ giả vào Ngô, có lẽ sắp đến rồi.
Câu Tiễn hạ giọng thật thấp:
- Người Ngô không biết có Phạm đại phu ở trong quân sao?
- Tâu phải. Ngay trong đội ngũ của hạ thần cũng chỉ có hơn mười người biết Phạm đại phu có mặt. (Gia Kê Dĩnh nhếch cười) Phạm đại phu cải trang thành một vu sư rất giống. Đại phu biết cả đọc thần chú. Mọi người trở lại trầm mặc.
Kh6ong một khắc sau, Phạm Lãi đội mũ cao hăm hở bước vào. Trông thấy chàng, Câu Tiễn mới cười được tươi tắn, tự nhiên nói:
- Thiếu Bá! Nghe nói Thiếu Bá cải trang làm vu sư sao bây giờ mặc lễ phục đại phu?
- Thưa, thần đã thay đổi đồ trên sông. Sau khi đưa sứ giả vào Ngô, tự nhiên cần phải mặc lễ phục. (Phạm Lãi cười hỉ hả tiếp) Đại vương! Lần này chúng ta thâu hoạch thật lớn. Những bẫy rập bố trí quanh Bình Vọng thần đều biết. (Phạm Lãi quay bảo kẻ hầu cận) Nào, dâng rượu mừng cho Đại vương chúng ta.
Đó là ly rượu mừng. Đợi Việt vương uống cạn, Phạm Lãi mới lần lượt báo cáo:
- Tại Bình Vọng, quả Ngũ Tử Tư đã bố trí như thiên la địa võng. Trên một tuyến dài bảy mươi dặm, Ngũ Tử Tư đã kiến lập trên ba trăm bao lũy, thần đều có ghi trong họa đồ. Vừa rồi, chúng ta bại trận lần thứ nhất song đều là trá bại về mọi phương diện.
Việt vương vội hỏi:
- Thái tử Hữu của Ngô là người như thế nào?
- Một tín đồ của Ngũ Tử Tư song không phải là đối thủ của hạ thần. Sau này tấn công, thần sẽ giết chết thái tử Hữu tại Bình Vọng.
- Thiếu Bá định bao giờ chúng ta mới có thể cất binh?
- Thưa, thần không thể đưa ra lời dự đoán. Bằng vào ý chí chiến đấu của quân Ngô, tạm thời chúng ta không nên hành động.
Câu Tiễn rất đỗi ngạc nhiên:
- Tử Tư chết rồi quân Ngô còn đánh được à?
- Vâng. Tại Ngô, không một ai quên Ngũ Tử Tư! (Phạm Lãi nghiêm giọng tiếp) Nhưng thời gian thì không còn bao lâu. Thần nhận được tin, Phù Sai công Tề lại thắng nữa, do đó, Người sẽ bị các nước phương Bắc hấp dẫn nên không dừng lại được. Về phần chúng ta sẽ có cơ hội phát binh tấn công sau lưng họ.
Cuộc họp để quyết định tương lai quốc gia ở Vũ Xã kéo dài hai giờ mới giải tán. Câu Tiễn đích thân đưa Phạm Lãi về nhà. Trên đường về, nhà vua nói:
- Thiếu Bá! Lúc Thiếu Bá rời Hội Kê, ở nhà có chuyện bất hạnh xảy ra... Phu nhân của Thiếu Bá đã qua đời!
Tin thật đột ngột. Phạm Lãi giật nẩy, hơn nữa, không tin là thật, lúc chàng rời Hội Kê, sức khỏe của vợ chàng rất bình thường.
- Quân phu nhân đã vì nàng mà lo liệu chu toàn hậu sự. Trẫm chọn Sơn Dương của Hội Kê làm nơi an táng... (Giọng Câu Tiễn thật thấp) Trẫm cũng có đưa đi...
- Đại vương!
Phạm Lãi gọi hai tiếng rồi thôi. Một thứ tình cảm phức tạp đã làm cho chàng không nói thêm được.
- Cuộc đời, ôi, thật vô thường! (Câu Tiễn bỗng như trở thành nhà thơ) Nàng trẻ hơn chúng ta... Nàng, ôi, Thiếu Bá, may là nàng chứ nếu đổi là trẫm hay Thiếu Bá thì chuyện thù hận của chúng ta vứt hẳn rồi!
Lời ấy làm cho Thiếu Bá chấn động.
- Thiếu Bá! Nếu trẫm chết trước, hy vọng Thiếu Bá tiếp tục sự nghiệp phục thù, tiêu diệt Phù Sai! Nếu Phù Sai chết trước chúng ta, trẫm sẽ quật mồ hắn lên như Ngũ Tử Tư, dùng roi đập vào thi thể.
- Đại vương, thần tin tưởng tự mình có thể tấn công tiêu diệt Ngô quốc!
Giọng Phạm Lãi nặng về, lòng Phạm Lãi răn rúm.
Trong giây phút này, chàng bỗng nhận ra vị vua nước Việt không có chút nhân tình nào. Cừu hận, nhà vua chỉ biết cừu hận! Và toàn thể nhân dân nước Việt chỉ là công cụ cho nhà vua phục thù rửa hận mà thôi.
Xe về đến cửa, Câu Tiễn cầm tay Phạm Lãi nói:
- Thiếu Bá nghỉ ngơi đêm nay, ngày mai chúng ta bàn tiếp.
Từ trong nhà, hai con Phạm Lãi mặc đồ tang ra đón cha.
Nhìn con, Phạm Lãi chợt thấy buồn man mác, mênh mông.
Chàng cưới vợ chỉ vì thi hành quốc sách tăng gia dân số. Ngoài ra, thực không có ý nghĩa gì nên chàng chưa bao giờ yêu vợ thật sự. Nhưng cả hai vợ chồng đã sống chung bao năm, nàng đã là vợ của chàng... Mười tám năm qua, các cô gái Việt gần như không được hưởng một hạnh phúc nào. Vì mối hận thù của nhà vua, họ làm việc quần quật ngày đêm như đàn ông. Họ có nhiệm vụ sinh con nuôi cái, tề gia, tăng gia sn xuất.
Trong dòng tư tưởng đó, Phạm Lãi chạnh lòng nghĩ đến thời gian. Từ ngày chàng theo vua đi làm nô lệ ở Cô Tô về đến nay là đã mười tám năm. Chàng lại nghĩ đến Tây Thi: Nàng bị chọn đưa đi sau ba năm chàng quay về nước Việt. Tính ra thì nàng rời Hội Kê đã mười lăm năm. Mười lăm năm, không thời gian dằng dặc ấy đã cho chàng biết bao thê thiết... Con chàng đã mười hai tuổi. Mười lăm năm, việc đời thay đổi cả rồi!
Phạm Lãi tự hỏi:
- Mười lăm năm... Tây Thi còn nhớ đến ta không?
Rồi chàng tự trả lời:
- Không đâu! Có là năm mươi năm, nàng cũng không thể quên đâu! Tình yêu của ta và nàng...
Ký ức quay lại, bao nhiêu hình ảnh ngày xưa như vạn cổ trường xuân. Trong ký ức, mười lăm năm biệt ly như mới là ngày hôm qua. Mỗi lời nói của nàng, mỗi thư thái của nàng đều rõ ràng như nghe lại, thấy lại được.
Nhưng rồi, Phạm Lãi không có nhiều ngày giờ để ôn nhớ. Sáng ngày hôm sau, chàng lại bận rộn dị thường, bận rộn đến không có thì giờ nói chuyện với hai con.
Chàng bận rộn bố trí trận chiến sau cùng với Ngô quốc mà chàng bắt buộc phải thắng. Hơn nữa, chàng tin là chàng có thể thắng.
ở Việt có biết bao nhiêu người nghĩ như chàng, tin như chàng. Nhưng sau trận đánh Bình Vọng, Nam Lâm Xứ Tử lại không tin Việt thắng. Sự phòng vệ và chiến khí của quân Ngô khiến cho con người thần bí ấy đâm lo, đem nói ý mình với Việt vương và cả Văn Chủng.
Văn Chủng rất bình tĩnh, sau khi nghe hết, bỗng trở nghiêm hỏi:
- Nam huynh đã đem tài bộ truyền dạy hết chưa?
Nam Lâm Xứ Tử liền miệng vâng dạ, đồng thời giải thích:
- Chuyện này không liên quan gì đến kỹ thuật của tôi. Mà là vì bên họ...
- Tôi biết, tôi lo trong hàng ngũ chúng ta... Mà không, ý tôi là học trò của Nam huynh đã không học được bản lĩnh của Nam huynh.
- Họ học được hết. Trong hơn mười năm qua, trong số học trò của tôi có đến bốn người chẳng kém tôi.
Nam Lâm Xứ Tử cảm khái nói thêm:
- Ôi, tôi cũng già rồi!
- Ha ha... (Văn Chủng bỗng bật cười nói tiếp) Chúng ta uống một ly rượu, chúng ta sắp già cả rồi!
Sau đó Nam Lâm Xứ Tử thần bí và là nhà huấn luyện quân sự nổi danh đã uống rượu say như chết tại nhà Văn Chủng. Mọi người cho thế là thường nhưng Phạm Lãi được tin lại thấy không thường. Chàng vội vã đến hỏi, được Văn Chủng đáp cách lạnh nhạt:
- Tôi phục rượu Nam Lâm Xứ Tử. Sứ mạng của hắn đã xong rồi.
Phạm Lãi phản đối, hỏi lại:
- Sứ mạng xong là phải giết sao?
- Thiếu Bá, huynh cũng xúc động nữa à?...
Văn Chủng cười nhạt, lấy bình rượu đưa Phạm Lãi xem. Chàng nhìn nhãn hiệu vương thất, cảm thấy ngạc nhiên:
- Rượu của quân vương cho hả?
- Phải. Sau trận Bình Vọng, Xứ Tử gặp tôi, gặp cả quân vương, tỏ ra mất tin tưởng vào tương lai của chúng ta. Trong quân ngũ, loại tư tưởng ấy truyền nhiễm sẽ hết sức nguy hiểm. Quân vương đã nói với tôi: “Chúng ta không cần người bi quan, chúng ta không cần người mất tin tưởng” Thế là, quân vương bo tôi đầu độc Nam Lâm.
- Thế à? - Thế thì quá ác độc! Nam Lâm thiếu tin tưởng thì cứ trả về quê có hơn không? Mười mấy năm rồi, Nam Lâm đã tận tụy phục vụ quốc gia đó.
- Được rồi, chúng ta đừng bàn đến chuyện đó nữa.
Văn Chủng trở giọng, trở đề:
- Thiếu Bá! Thử hỏi anh có lễ vật gì cần đưa sang Ngô không?
- Không! Không!
Cái chết của Nam Lâm Xứ Tử làm cho Phạm Lãi bấn loạn, đáp thế. Nhưng Văn Chủng lại nhếch cười bí mật:
- Không à? Theo tôi nghĩ, nếu anh muốn thông tin tức với Tây Thi thì bây giờ có thể được rồi...
- Bây giờ? (Hai tiếng Tây Thi đã hấp dẫn Phạm Lãi hỏi thêm) Tại sao?
- Chúng ta sẽ đưa một số lớn cống vật sang Ngô để tạ tội với Ngô vương. Trong đó có một phần dành tặng Tây Thi. Phùng Đồng đã báo cho biết, địa vị của Tây Thi ở Cô Tô đài rất vững, tặng phẩm cho nàng là danh chánh ngôn thuận. Thế nên, tôi muốn hỏi anh có định gởi phụ thêm vật gì không?
- Tôi... Tôi có gì để đưa sang Ngô?
- Chúng ta sẽ đưa sang Ngô hai trăm cặp da thú, một ngàn thạch thóc, một ngàn bao lúa giống, hai trăm ngựa, hai trăm bò, một ngàn dê, có cả hai ngàn hũ “Hội Kê tửu”.
Nói đến rượu, Văn Chủng mỉm cười:
- Rượu chúng ta chế tạo có thể được Phù Sai thích. Ngoài hai ngàn hũ rượu ấy, còn có thêm hai trăm hũ đặc biệt tặng riêng Phù Sai nữa. Hơn nữa, chúng ta sẽ ngỏ ý ngầm cho Phù Sai biết nên dùng rượu của chúng ta trong các hội minh với chư hầu Trung Nguyên.
- Thế thì, phần nào tặng cho Tây Thi?
- Lông chim, tơ lụa và giày vớ.
Trầm ngâm một lúc Phạm Lãi mới nói:
- Tôi không có gì để tặng cho nàng cả.
Tại Cô Tô, vết thuơng Ngô vương dần lành nhưng tâm tính nhà vua không còn như trước, Tây Thi nhận ra, sau chuyện công Tề hào tình van tương của Ngô vương dần dần mòn mỏi, tiêu trầm. Râu tóc nhà vua điểm bạc, trán khắc sâu mấy rãnh tháng năm.
Điểm làm cho Tây Thi lo nghĩ là Ngô vương vẫn không chịu nằm im dưỡng thuơng. Sau khi từ Cú Khúc về, vào còi hiệu báo sáng mỗi ngày, Ngô vương liền trở dậy cắp kiếm đi vào giáo trường. Xem ra thì quang cảnh bây giờ có phần giống với hồi Ngũ Tử Tư năm xưa.
Đúng vậy, Ngô vương Phù Sai đã học theo Ngũ Tử Tư.
Thời gian càng làm cho Ngô vương ngày thêm hối hận. Một phút xung đột năm nào, nhà vua đã truyền giao Thuộc Lâu bửu kiếm cho Ngũ Tử Tư tạo nên bi kịch. Ngày nay, để đền bù lầm lỗi của mình, Ngô vương làm theo các việc Ngũ Tử Tư làm.
Thi thể của tên thích khách đã bị bằm nát vứt vào một khu ác hiểm ở Cú Khúc. Hơn nữa, còn có vu sư (các thầy đồng, bóng) trù ếm. Nhưng sau khi Ngô vương về Cô Tô chẳng bao lâu thì ngài lại sai người lượm mót thây Bị Ly đem chôn bên phần mộ của Lâu Đông Trường Nhơn Ngu. Tuy bị Bị Ly hành thích thọ thuơng rất nguy song Ngô vương nhìn nhận lỗi giết lầm Ngũ Tử Tư nên tự thấy không nên ngược đãi Bị Ly đã chết.
Đó là tâm lý mâu thuẫn trong lòng một vị anh hùng, người ngoài không sao hiểu được.
Sáng nay, Tây Thi thức dậy chẳng bao lâu, ngồi đọc tin hàng ngày ở đại sảnh trên hai thanh trúc đầy dẫy những tin liên quan đến nước Việt. Đó là cống phẩm của Việt đưa sang Ngô, do Bá Hi đề nạp.
Tây Thi hỏi thầm:
- Lại âm mưu gì nữa đây?
Nàng biết rõ, về phía người Việt tuyệt đối không thể không có âm mưu trong việc tiến cống. Hôm nay, nàng muốn bình yên, muốn sống cầu an. Được tạm thời yên ổn, không phải nghe không phải biết gì, nàng cảm thấy rất dễ chịu! Nhưng cống phẩm của nước Việt lại làm cho mất ngày giờ thư thái của nàng.
Bấy giờ, Di Quang chợt xuất hiện hỏi Tây Thi xem gì, nàng tảng lờ đáp:
- Không có gì, Thái tể báo cáo nước Việt đưa sang một số cống vật gồm ngựa, bò, dê...
Sau lần đánh nhứ rồi rút lui của quân Việt, tinh thần Di Quang xuống rất thấp. Nhưng quan niệm của nàng khác hẳn Tây Thi. Nàng xuống tinh thần vì quân Việt không đánh thẳng vào Cô Tô. Thế nên, nghe Tây Thi đáp, Di Quang chỉ nhếch cười.
Chợt có tin báo: Đại vương về. Tây Thi chậm rãi bước khỏi đại sảnh, nghênh đón Ngô vương ở dưng đài.
Trán lấm tấm mồ hôi, mắt ra chiều mệt mỏi, lúc nhìn thấy Tây Thi, Ngô vương đứng lại, với cầm tay Tây Thi, thở phào nói nhỏ:
- Tây Thi! Không hiểu sao hôm nay trẫm mệt quá, dường như gân cốt rã rời!
Dùng khăn riêng lau mồ hôi trán cho Ngô vương, Tây Thi nhìn nhà vua âu yếm hỏi:
- Có phải vì hôm qua quân vương ngủ chẳng ngon giấc không?
- Có thể. (Ngô vương kéo tay nàng cùng đi vào nói thêm) Liên tiếp đến giáo trường cũng có phần ảnh hưởng. Sinh lực của trẫm không còn được như xưa nữa.
- Không phải đâu! Thiếp nghĩ là tại quân vương không nghỉ dưỡng đầy đủ. Nhiều người nói, sau khi bị thuơng phải nghỉ dưỡng một thời gian dài!
Ngô vương ậm ờ, bước vào đại sảnh liếc qua miếng trúc báo trên bàn rồi đi luôn vào trong. Nhà vua ngồi nghỉ ở phòng ngoài phòng ngủ, lúc Tây Thi cúi xuống cởi giúp hia thì tự nhà vua mở kiếm...
- Tây Thi! (Nhìn kiếm lúc lâu, nhà vua bỗng nói) Khanh giữ kiếm này thay trẫm, trẫm không muốn đeo nữa.
Kiếm ấy là Thuộc Lâu bửu kiếm, là hung khí giết chết Ngũ Tử Tư.
Tây Thi rất đỗi ngạc nhiên, nhìn sững Phù Sai rồi từ từ nhận kiếm.
- Tây Thi, nàng vừa nói gì? Trẫm vẫn đầy đủ sinh lực phải không?
- Dạ.
Ngô vương vẫn thở dài:
- Chỉ một lần trẫm không nghe khanh mà gây ra lầm lẫn lớn.
- Quân vương! Chuyện gì thế?
- Chuyện giết Ngũ Tử Tư!
Tây Thi ôm chầm chân nhà vua:
- Chuyện đã qua rồi, nhắc lại làm gì?
- Chuyện đã qua rồi... (Ngô vương buồn bã lắc đầu) nhưng ảnh hưởng của nó chưa qua, cũng có thể vĩnh viễn không qua. Tây Thi! (Tiếng nói Ngô vương thật nhỏ) Hôm nay, đứng trên chiến xa, trẫm bỗng nháy mắt lia lịa, lúc nhắm mắt lại thì thấy Ngũ Tử Tư.
- Đại vương!...
- Trẫm hối hận lúc bấy giờ đã không nghe lời khanh mới để xảy ra tình trạng hôm nay.
Ngô vương cúi gầm, im lặng một lúc mới xoa vai Tây Thi nói nhỏ:
- Tây Thi, nhưng trẫm tin rằng sẽ bổ cứu được.
- Đại vương! Đại vương!
Tây Thi nức nở, nhưng chỉ thoáng sau nàng ngăn lại được, nói giọng thản nhiên:
- Tình hình chúng ta rất tốt. Tuy lúc đánh Tề, chúng ta có tổn thất nhưng rồi cuộc chiến thắng lợi rất khả quan. Tấn đã phát binh vẫn không dám chống với chúng ta, chứng tỏ uy vọng của Đại vương đã lan truyền rất xa.
Đúng vậy, sau khi chinh Tề, uy vọng của Ngô vương như vào trưa trong ngày chói chang, sáng lòa. Song đó là chỉ đối với các nước chứ với bản thân thì Ngô vương âm thầm tự biết: quốc lực đã bị tổn thuơng khá nặng... Không phải chỉ có việc hao binh tổn tướng mà là chiến khí xuống đến mức thật thấp. Ngô vương còn nhận ra, sau cái chết của Ngũ Tử Tư, trong quân dần có hiện tượng biếng nhác. Thế nên, sau khi hồi sư, Ngô vương đích thân đôn đốc, mong cứu vãn không khí về chiều ấy.
Ngô vương nói:
- Trẫm không biết lúc toàn thịnh, tình trạng của Tề Hằng công và Tấn Văn công như thế nào?
- Quân vương đã qua mặt họ! Sự thành tựu của họ không thể bì kịp với quân vương. Những điều chúng ta thấy ghi trong lịch sử có lẽ do người đời sau phụ họa tuyên truyền thêm. Phù Sai! Thiếp cho rằng, bây giờ không ai dám xâm phạm chúng ta. Chúng ta có thể tự thủ. Còn về phần nước Việt...
Ngô vương nối lời:
- Câu Tiễn hận trẫm, cũng sợ trẫm! Trẫm biết, lần xâm phạm biên cảnh trước là Câu Tiễn muốn thử thăm dò thực lực của Ngô lúc trẫm không có mặt. Giờ biết trẫm về rồi, Câu Tiễn lại sợ dâng cống phẩm tạ tội.
- Quân vương, thiếp vừa nhìn thấy báo cáo của Thái tể bên ngoài.
- Thế là cống phẩm đến rồi!
Không xem trọng lễ vật, Ngô vương thư thả nói thêm:
- Sáng nay, trẫm và Vương Tôn Hùng có bàn, với tình thế này thì xem chừng tạm thời người Việt không dám vọng động. Về phần chúng ta, chỉ cần hai năm nghỉ ngi, bồi dưỡng thì sẽ lấy lại mức độ cường thịnh như trước lúc chinh Tề.
- Hai năm? (Tây Thi cười yêu kiều). Không có lâu dữ vậy đâu!
- Phải.
Ngô vương ôm chầm nàng, chợt thấy cảm hứng nói:
- Chúng ta đã bỏ rơi Quán Oa cung, để rồi chúng ta sẽ sang đó ở ít hôm.
- Hay lắm! Nhưng tốt nhất là đợi hai năm sau.
- Hai năm sau?... (Ngô vương nhếch cười trầm ấm, liền đó lại cảm thấy áy náy, nói thêm bằng giọng cảm khái). Tây Thi! Trẫm đã làm cho khanh lo nghĩ.
- Quân vương cũng khiến thiếp sung sướng!
Tây Thi đỡ tay nhà vua:
- Bao năm qua, chúng ta sống trong sung sướng đó! Bây giờ chúng ta vẫn còn sung sướng... Tuy có đôi điều không như ý, song rồi tất cả sẽ qua mau.
- Sẽ qua rất mau!
Ngô vương lim dim mắt, dưỡng thần. Trong giây phút ấy, với dáng vẻ đó cho thấy dường như tráng chí của nhà vua đã tiêu mất hết. Khá lâu sau nhà vua mới nói thêm:
-... Được như bây giờ, Tây Thi, chỉ có hai ta, không có bất cứ chuyện gì quấy rầy thì hay biết bao nhiêu!
Sống trong cuộc sống không bị quấy rầy vốn là khát vọng lâu rồi của Tây Thi. Năm năm trước, nàng mong cho Ngô vương trở thành một đại anh hùng hơn hẳn Tề Hằng, Tấn Văn. Không như bây giờ, có lẽ do tuổi tác chồng lên, người suy nhược đi, hoặc khó khăn mài giũa khiến nàng chỉ mong được sống bình yên. Nàng mong cảnh gió lặng sóng yên để sống nốt chuỗi ngày còn lại. Vì thế, nàng ôm chầm Ngô vương thật ấm áp, thật chí tình, không một chút dục vọng. Ngô vương mệt mỏi, ngủ vùi trong vòng tay nàng.
Chẳng bao lâu, Di Quang nhón chân đi vào nói nhỏ:
- Thái tể lên đài tấn kiến Đại vương.
Tây Thi xua tay rồi chỉ lại nhà vua. Nàng không đành gọi thức nhà vua lúc này.
Do đó, Thái tể Bá Hi chậm rãi bước xuống đài, có gia thần Phùng Đồng chờ chực hỏi:
- Thái tể, Đại vương bảo sao?
- Đại vương ngủ rồi, ta không gặp được. (Bá Hi rút vai).
Phùng Đồng cũng rút vai, nhếch mép cười.
Bá Hi dường có ý trách:
- Đại vương đối với Tây Thi rất tốt, nàng cũng rất đẹp. Nhưng lạ sao trong bao nhiêu gái Việt chỉ được có mỗi một Tây Thi. (Bá Hi lắc đầu). Tám cô kỳ này cũng đều không được.
- Kỳ này cũng có mấy cô được lắm chứ! Trong số đó có một cô tên Gia Dĩ, nghi thái phi phàm, thần nghĩ là không nhượng gì Tây Thi.
- Không bằng được đâu! (Bá Hi tỏ ý tiếc rẻ). Gia Dĩ thế nào? Ta không có lưu tâm nhìn kỹ...
- Gia thần nhận thấy nghi thái của nàng cao vời.
Bá Hi bỗng cười:
- Vậy thì ta giữ tám cô ấy lại. Mà không, ta sẽ tuyển hai cô cho ngươi! Trong số gái Việt đưa sang lần trước, ta cũng tuyển cho ngưiơ hai cô phải không?
- Bẩm phải, chỉ có hai cô thuộc phần gia thần.
- Ha ha... Người thấy thiếu à?
- Thưa, đủ rồi. Gia thần đối xử với họ rất tử tế, không bắt họ làm việc.
- Phi lý nhất là cái lão Vương Tôn Hùng. Lần trước ta đưa cho lão năm cô, lão không dùng, lại cho các cô đi dệt vải, bắt làm từ sáng đến tối, thật tội nghiệp!
Phùng Đồng nói:
- Mười năm rồi, gái đẹp nước Việt đưa sang không phải ít.
- Nhưng ba năm gần đây không có đưa, lần này mới được tám cô. Tổng cộng tất cả, kể luôn Tây Thi thì không một trăm.
Với gái Việt, Bá Hi nhớ rất rõ. Lão vừa cười vừa nói thêm:
- Đáng tiếc là không có gái Sở. Mấy năm rồi, ta không được gần gái Sở.
- Thái tể thấy thú gái Sở?
- Ta vốn là người Sở đấy! Sinh trưởng ở Sở nhưng ta không có một thước một tấc đất dung thân. Nhưng cứ nhắc đến gái Sở thì ta cảm thấy thú vị thật khó nói.
Câu nói ấy khiến Phùng Đồng sậm mặt nghĩ ngợi. Bởi vì Phùng Đồng cũng là người Sở, bị câu nói ấy làm cho liên tưởng đến người và cảnh ở khu vực Đông Nam. Kể từ Ngũ Tử Tư, Văn Chủng, Phạm Lãi, Bá Hi, thêm cả Phùng Đồng nữa đều là người Sở!
Người Sở đã chia đi vào hai nước Ngô, Việt và tổ tiên của vua hai nước này cũng là hậu duệ của các tông chi ở Sở. Phùng Đồng chợt nghĩ rằng nếu ba nước liên hiệp lại thì có thể thay thế ngôi bá chủ của Châu bá Vương. Tự nhiên, việc liên hiệp này tuyệt đối không thể được.
Về đến Thái tể phủ Bá Hi nhắc Phùng Đồng giới thiệu Gia Dĩ. Gia Dĩ lập tức có mặt.
Gia Dĩ rất thanh tú, có thể so sánh mặt này với Tây Thi. Ngoài ra đều kém. Hơn nữa, lúc Bá Hi nắm tay nàng thì nhận thấy liền tay nàng rất thô. Vì vậy, Bá Hi quay nói với Phùng Đồng:
- Ngươi thích nàng thì ta cho đó!
Phùng Đồng đắc ý nở cười:
- Đa tạ thái tể!
- Nhưng, kể từ ngày mai ngươi mới bắt đầu. Còn đêm nay... phần ta! (Bá Hi cười to). Ngoài ra, ngươi được tuyển thêm một cô cho phần ngươi đêm nay.
Các cô này thuộc một phưng diện khác của gái Việt đưa vào Ngô. Sau nhóm Tây Thi, Trịnh Đán, thỉnh thong, trong số cống phẩm, Việt vương có gửi kèm đôi cô. Nhưng tính chất của các cô này khác hẳn nhóm Tây Thi. Họ không đảm nhận một nhiệm vụ gì, vả lại, họ cũng không phải thuộc hàng gái đẹp nhất nước Việt. Các cô lần lượt đến Cô Tô đài nhưng Ngô vương không nhìn thấy cô nào.
Cho dầu Ngô vương không màng, cứ đôi ba năm, Văn Chủng lại gửi các cô đi, dụng ý làm cho bớt sự chú ý đối với các cô có nhiệm vụ gián điệp.
Thời gian dần trôi. Sau lần chinh Tề, nhà vua nước Ngô có mặt thường xuyên ở giáo trường nhưng quần thần nước Ngô thì lại lơ lỏng việc triều chính. Bá Hi lại là người hưởng thụ số một. Cũng có thể Bá Hi tìm hưởng thụ nhan sắc để nguôi ngoai nỗi buồn nhớ quê.
Thái tử Hữu đóng ở Bình Vọng, cẩn mật đề phòng, Vương Tôn Lạc trú quân ở phía Bắc Trường Giang, mở đường thông thuơng hai bên bờ làm thành mũi tên chĩa bắn vào Trung Nguyên. Mãnh sĩ Ngu Thúc đã đầu nhập dưới cờ Vương Tôn Lạc. Riêng ở Cô Tô thì Vương Tôn Hùng trở thành người phụ trách vấn đề quân sự cho Ngô vương.
(1) Vũ Xã là nơi thờ phượng nhà vua Vũ đời Hạ, cũng gọi là Hạ Vũ, nhà vua có công trị thủy rất lớn trong việc cứu dân kiến quốc. (Chú thích của dịch giả)