Dịch giả: Vưong Quỳnh Ngân
Chương VII
Tình yêu

Ba năm sau. Tháng ba một chiều xuân, Ngô vương đem theo bốn mươi chiến xa, đưa Tây Thi du xuân bên bờ Trường Giang.
Cả hai ngồi riêng trên một chiếc xe lộng lẫy do thợ nước Lỗ tinh chế, y như chiếc xe năm nào vua nước Tề đã dùng chở Văn Khương.
Nóc xe lợp xanh, thân xe làm bằng đá xanh khảm đỏ. Màu xe làm toàn bằng lụa màu vàng óng ánh.
Như thế thì phải là những tháng ngày hạnh phúc. Che bọc bằng giàu sang nhung lụa, mở chuyến du hành trên đất không một chút âu lo, ấy thế mà lòng Tây Thi không vui. Sau cái chết của Trịnh Đán, lòng nàng dường như có mưa thưa giữa vời, người cứ trầm trầm u uất.
Mùa hạ năm thứ nhất, nàng lên cơn đau tim dữ dội. Bên Thái Hồ, bao phen nàng ngỡ mình chết rồi. Về mặt tâm lý, nàng cho chết là hạnh phúc, là giải thoát tất cả, là phủi hết tất cả.
Quốc gia không thể đổ trách nhiệm cho một người chết. Đối với người yêu, cũng không ai đi trách cứ cái chết của một người. Lòng nàng mâu thuẫn bời bời, chỉ có chết mới vứt hẳn đi được.
Nhưng với sự bao bọc của Ngô vưng, bệnh tim của nàng rồi cũng lành. Mùa hạ năm thứ nhì, bệnh tim không tái phát.
Sang năm thứ ba, cảm nắng bên Trường Giang, Tây Thi lại bệnh. Bệnh xoàng thôi nhưng Ngô vương lo lắm. Ngài cho đi tìm khắp nơi chọn bốn danh y. Sau đó, ngài cho trưng hoàng hiệu, cỡi thuyền nhập Trường Giang. Ngô vương cho rằng cuộc sống trên thuyền thích hợp với bệnh thể của Tây Thi hơn.
Thuyền đến Vô Tích bên Thái Hồ.
Mấy lúc sau này, Tây Thi dễ rơi nước mắt, một chuyển biến không sao giải thích được. Hai năm đầu đến cung Ngô, nàng dịu dàng như nước, reo vui như chim nhỏ, luôn luôn ngọt ngào thư thái. Nhưng bây giờ nàng thay đổi lạ lùng. Lắm lúc, nàng cố ý tự đày đọa mình.
Lúc Ngô vương khuyên giải, nàng không hiểu sao lại đi trút giận sang nhà vua. Hơn nữa, nàng còn dùng nhiều phương thức không sao chịu đựng được để khiêu khích nhà vua.
Một lần... vào một chiều hạ nóng bức, Tây Thi nằm trong thuyền rồng lộng lẫy, bắt Ngô vương kể chuyện đời xưa cho nàng nghe.
Nghe kể, dần dần nàng ngủ vùi. Ngô vương liền dùng mền lụa nhẹ đắp cho nàng. Khi thức giấc, vừa mở mắt, nàng đá tung mền lụa.
Ngô vương mỉm cười, chịu khó kéo mền sang bên, đợi nàng ngủ lại sẽ đắp. Nhưng vừa đắp lần thứ hai, nàng lại đá mền hơn nữa, còn giận dữ lăn mình vào sát tường.
Ngô vương cũng vẫn chịu đựng, lẽ tự nhiên là chịu đựng hơn nữa, không phải chỉ chịu đựng một lần. Nhà vua chịu đựng vì yêu. Vả lại, nàng đang cơn bệnh, người thấy khó chịu, dĩ nhiên nhà vua phải chịu đựng.
Tây Thi chỉ mặc áo che ngực và quần ngắn, dưới mền lụa lung linh tuyệt diệu. Nàng có ốm hơn song ốm chỉ để cho vừa vặn người hơn. Chân nàng dài, bắp chuối no đều, bàn chân thon với năm ngón thật xinh xắn. Bộ phận nào trong nàng cũng đẹp, mát mắt và đó là một trong những nguyên nhân làm cho nàng thay đổi thái độ.
Trước sau, Ngô vương vẫn một giọng dịu dàng:
- Tây Thi, không có gì không dễ chịu chứ, phải không?
Tây Thi rút người, đáp cộc lốc:
- Đừng lo cho tôi!
Ngô vương ngồi xuống, đặt một tay lên vai nàng:
- Tây Thi!
- Đừng chạm vào người tôi!
Tây Thi lắc vai hất tay nhà vua. Nàng lăn trở mình, xoay mặt lại nhà vua, nhắm mắt, trề môi!
Nét giận của nàng cũng đẹp. Môi nàng nhếch lên nổi bật nét thơ ngây! Vì vậy Ngô vương rút tay về, cười.
Tây Thi lăn mình vào trong:
- Ngài chỉ có cái nước phá!
- Trẫm sợ khanh lạnh nên mới đắp mền. Hồi đầu, cũng tại cảm lạnh mà khanh bệnh!
Trong lòng Tây Thi có sự phản đối lạ lùng. Nàng hận cái gì nàng có, kể cả hận chính nàng. Bởi không có lối thoát, nỗi phẫn hận tràn lòng chất chứa của nàng phải chảy tràn. Nàng nói:
- Tôi không cần ngài lo.
- Tây Thi! Nhưng ta quan tâm tới nàng!
- Khỏi! (Tây Thi ứa nước mắt). Ngài quan tâm là quan tâm đến cái đẹp. Ngài quan tâm chỉ vì tôi đẹp... Tôi là mỹ nhân.
Câu ấy làm thương tổn Ngô vương biết bao nhiêu. Cách xưng hô thay đổi của Tây Thi làm cho nhà vua cúi gầm. Từ bao giờ, Ngô vương nghĩ rằng Tây Thi phải biết sự chí thành của mình. Nào ngờ, trải bao săn sóc, yêu chiều, nàng lại nỡ nói thế! Trước tình yêu đã trở bằng không, Ngô vương ảo não thở dài.
- Ngài không nói gì tức là tôi nói đúng nên ngài không có gì để nói? Ngài đối tốt với tôi chỉ vì lòng ích kỷ của ngài thôi! Chỉ vì ngài yêu nhan sắc Tây Thi!
- Tây Thi!
Ngô vương cắn môi, có cảm giác đầu óc mình rướm máu:
- Tây Thi! Khanh phải biết trẫm đối với khanh...
Di Quang ở trong nhận thấy tình hình đi đến chỗ nghiêm trọng liền không kể gì thân phận mình, bước tới hai bước gọi:
- Tây Thi phu nhân!
Di Quang hy vọng bằng vào thanh âm của mình có thể nhắc nhở Tây Thi đừng đi quá đà. Nhưng Ngô vương lại phát giận, liếc qua Di Quang, khoát tay lia lịa:
- Đi ra! Không phải là việc của ngươi!
Nhà vua quay sang Tây Thi, phát tiếng thở dài.
Tiếng gọi của Di Quang tuy không có tác dụng gì đối với Ngô vương, song đối với Tây Thi thì quả có giá trị “nhắc chừng” có kết quả. Dầu vậy, nàng vẫn tròn xoe mắt, nhìn Ngô vương đầy ác ý.
Toàn thân nhà vua nóng như lửa đốt. Nếu trước mặt có người thứ hai - cho dầu người ấy là cha ruột - nhà vua cũng sẽ tuốt đao giết chết liền. Nhưng trước mặt không có ai cả, nhà vua đành cúi gầm, ứa nước mắt, do đã quá yêu sâu đậm Tây Thi. Mang giận bao nhiêu, nhà vua cũng không thể trút giận với người mình yêu!
Nhìn lâu, nhìn mãi, ánh mắt Tây Thi lần lần dịu lại. Nàng chợt nhận thấy nàng không nên xử sự như vậy đối với người đã yêu nàng.
Nàng thầm nghĩ:
- Nhà vua yêu ta. Bất luận thế nào cũng không phải là sai lầm của người. Tất cả đều do chính ta và quốc gia ta tạo nên.
Nàng thở dài, che mặt, không tìm được con đường nào hơn là khóc.
- Tây Thi! (Vua một nước lớn bỗng tự thấy quá nhỏ, bối rối). Khanh đừng tự dày vò nữa! Nếu thấy trẫm không tốt, khanh cứ đánh trẫm, mắng trẫm... Nói chung là, Tây Thi đừng tự dày vò.
Tây Thi xốn xang, bỗng ngồi bật dậy, dang tay ôm chầm nhà vua, khóc mướt:
- Quân vương, tại sao ngài đối xử với thiếp như thế?
Không thể trả lời, nhà vua chỉ ôm siết nàng để bày tỏ tình mình.
- Quân vương! Ngoài cái đẹp của cơ thể, thiếp không có một điểm nào coi được. Tại sao quân vương lại chịu đựng...
Ngô vương xoa lưng nàng như một người cha hiền đối với con gái:
- Tây Thi, chúng ta đừng nói đến chuyện ấy nữa.
Cả hai ôm chầm nhau, nín lặng.
Khá lâu sau, Tây Thi ngưng khóc, Ngô vương đặt nàng nằm xuống, ôm cho nàng ngủ.
Nhưng sau cơn xung động ấy, Tây Thi lại bệnh. Không phải đau tim mà là nàng phát nóng, khiến cho các cô gái Việt theo hầu hết sức kinh sợ. Bởi vì trong cơn mê sảng, nàng thường gọi Thiếu Bá! Cũng có mấy lần nàng nhắc đến Hội Kê. Các cô sợ rủi ra Tây Thi có thể tiết lộ bí mật thì hậu quả không sao lường được. May là Ngô vương không nghe được những lời ấy. Hơn nữa, Ngô vương cũng không để ý. Nhà vua chỉ lo chuyện Tây Thi bệnh, không một nghĩ ngợi gì khác hơn.
Tây Thi lên cơn sốt liên tiếp năm ngày năm đêm. Ngô vương phí biết bao tâm lực để cận kề bên nàng đủ năm ngày năm đêm. Mãi đến khi nhiệt độ Tây Thi hạ dần, nhà vua mới yên tâm.
Trải năm ngày năm đêm, bản thân Tây Thi không hay biết gì cả, nàng vẫn ngỡ như nàng nằm mộng vậy thôi, một giấc mộng đáng sợ, cũng rất ngọt ngào. Sau cơn sốt, nàng không nhớ gì cả.
Nhìn thấy Di Quang bên giường, Tây Thi buồn buồn hỏi:
- Mấy ngày qua, mình làm sao rồi?
- Chị làm chị em sợ chết đi được! (Di Quang thở phào). Gần như chuyện gì chị cũng muốn nói ra. Tây Thi, chị nhắc tên Phạm đại phu không phải có một lần.
- Thật à? (Tây Thi nhếch miệng cười). Ngô vương có nghe không?
- Có.
Di Quang thâm trầm nói thêm:
- Năm ngày đêm qua, ngài luôn ở bên chị. Tây Thi, thật tôi không ngờ Ngô vương yêu chị đến thế. Trong năm ngày qua, tôi nhận thấy nhà vua hoàn toàn quên mình.
- Ờ!...
Không cách nào tập trung được thần trí, Tây Thi đáp bâng quơ và hỏi cho có hỏi:
- Nghe mình nhắc đến tên Phạm đại phu, Ngô vương biểu lộ thế nào?
- Không, ngài không biểu lộ một thái độ nào cả.
Di Quang hạ giọng nói thêm:
- Ngô vương còn vì chị mà khấn vái thánh thần. Đồng thời mời đồng bóng đến múa may cúng bái.
- Người tốt như thế...
Di Quang nghiêm giọng chận lời:
- Nhưng vẫn là kẻ thù của chúng ta.
- Bao năm rồi, chị vẫn không quên?
- Có chết chúng ta vẫn phải nhớ mình là gái Việt.
- Ơ.
Tây Thi đáp bâng quơ, chập sau bo Di Quang đem gương đồng tới.
Bất luận đẹp xấu, người con gái nào cũng đều chú ý đến nhan sắc. Nhìn chăm chú mình trong gương, hai tay Tây Thi run run:
- Mỹ nhân nước Việt đã tiều tụy rồi! (Nàng nói với hình nàng trong gương). Thế cũng hay, có thể bớt được khá nhiều phiền não.
Một thiếu phụ, sau cơn bệnh, phục sức rất mau. Một tháng sau, Tây Thi lấy lại vẻ xinh tươi, không phải như cũ mà còn hơn thế nữa.
Sau cơn bệnh, tình cảm trong Tây Thi lại biến đổi.
Bao nhiêu khổ sầu, mâu thuẫn đóng kết bỗng như mây khói bay đi. Tây Thi không nghĩ đến mối hận nghìn đời giữa Ngô - Việt, không nghĩ đến ước hẹn với người yêu ở Hội Kê. Cuộc đời một người là một chuyến đi không lâu, thôi thì cứ để nó tự nhiên đi đến.
Ái tình phải ở cả hai mặt. Người đi yêu, lắm lúc phải hết sức cố gắng và cảm thấy hạnh phúc trong sự dâng hiến. Người được yêu cảm thấy nhẹ nhàng, trải thời gian dài, lần hồi cũng nảy nở tình yêu.
Trong lòng Tây Thi chợt thấy áy náy, xốn xang đối với Ngô vương. Giữ chút thiên lương, nàng nhận thấy nàng đã mang tội phụ bạc.
Giữa trai gái, giận hờn hay thù hằn cũng đều có tình yêu phảng phất. Tây Thi đã từng căm giận Ngô vương để rồi trở nên yêu không biết không hay.
Ba ngày trước tiết Trung thu, Tây Thi và Ngô vương rời thuyền rồng ở Vô Tích, lên xe lộng lẫy quay về. Ngày giờ do Tây Thi định. Nàng muốn cùng Ngô vương lên đài Cô Tô thưởng trăng.
Trở lại thành Cô Tô, Ngô vương được dân chúng nhiệt liệt hoan hô. Ngô vương là vị vua được dân chúng kính mến. Trong những ngày Phù Sai tại vị, binh lực nước Ngô rất hiển hách. Trước kia, nước Ngô khép nép ở phía Đông - Nam, không được người Trung Nguyên chú ý. Còn giờ, các đấng chư hầu Trung Nguyên đều ngưỡng phục, tôn sùng. Sau khi công phá thủ phủ vài nước và chiến thắng vẻ vang nước Việt, mọi người đều xem nước Ngô ở hướng Đông - Nam như nước Tần ở phương Tây, hay nước Tấn ở phương Bắc.
Tây Thi lên đài trước, Ngô vương còn ở lại chờ quần thần triệu kiến.
Nửa tháng rời Cô Tô đài, Tây Thi bỗng thấy thân thuộc quá nơi này, giờ gặp lại như là gặp một bạn thân cũ. Nàng có quà tặng cho mỗi thị nữ, thị vệ và nội thị.
Nghỉ qua loa một chút, nàng thay đổi y phục, phấn khởi bước lên bình đài, nhìn về Thái Hồ.
Triền Ba bước tới nói nhỏ:
- Người ở nơi này nói, tình hình giữa Ngô - Việt tương đối khẩn trương.
- Ờ! - Tây Thi buông thõng, mong cho chính mình không nghĩ đến việc của Ngô - Việt.
Triền Ba nói thêm:
- Gia Tề nói, nước Việt có thể cử binh sang phục thù.
Tây Thi không thể không quan tâm được rồi. Nàng quay phắt lại, hỏi dồn:
- Gia Tề đâu? Mau đưa Gia Tề đến đây!
Gia Tề là trưởng đoàn vũ nữ từ Việt sang Ngô. Lúc rời Cô Tô, Tây Thi đem theo tám cô gái Việt, số còn lại đều giao cho Gia Tề trông nom.
Chẳng bao lâu, Gia Tề đến, báo cáo tin tức do các cô thâu lượm được từ sự tiết lộ của Thái tể Bá Hi. Gia Tề nói:
- Có lần, Ngũ tướng quốc đến phủ Thái tể, khiển trách Thái tể đã chủ trương phóng thích Việt vương ngày trước. Tướng quốc chắc chắn Việt quốc sẽ hưng binh.
Tây Thi trịnh trọng hỏi:
- Thái tể trả lời làm sao?
- Người bảo, Việt vương quyết không dám cử binh xâm lấn.
- Chỉ có bao nhiêu tin đó?
- Còn nữa... Ngũ tướng quốc đã phái một cánh quân đến vùng biên cảnh tra xét, dò xem động tĩnh của nước Việt. (Gia Tề hạ giọng thật thấp). Xem ra thì tùy thời, cuộc chiến có thể nổ bùng.
Lúc các nàng nói chuyện, thị vệ trên đài bỗng cất cao tiếng hô:
- Quân vương giá lâm!
Tây Thi chỉ vào trong, bảo Gia Tề lách tránh, đoạn tha thướt bước tới nghênh đón. Nhưng lúc nhìn mặt Ngô vương, Tây Thi bỗng nhiên thâu lại nụ cười. Bởi phía sau Ngô vương còn có Ngũ Tử Tư.
Không hiểu vì sao, cứ mỗi lần nhìn mặt Ngũ Tử Tư, Tây Thi có phần khiếp sợ. Nàng từng cố gắng tự kiềm chế, song bao nhiêu cách đem ra áp dụng đều không đạt kết quả nào.
Tây Thi lấm lét gọi:
- Quân vương!
- A, khanh đã thay xong y phục. (Nhà vua nhìn lướt qua nàng). Có tướng phụ cùng theo trẫm lên đây.
- Tướng phụ!
Tây Thi gọi chào bằng tiếng nói nhỏ. Lúc chạm phải đôi mắt thâm nghiêm của Ngũ Tử Tư, nàng không sao ngăn được cúi gầm.
Ngô vương vui vẻ nói với nàng:
- Nước Tề và nước Lỗ đánh nhau rồi. Nước Lỗ sang Ngô cầu viện đúng lúc trẫm vừa về. Tây Thi!... (Nhà vua vẫy tay phải). Binh sĩ chúng ta lại có cơ hội giương uy ở Trung Nguyên.
- Tâu vâng!
Tây Thi đáp xuôi. Có Ngũ Tử Tư bên cạnh, nàng không dám để lộ nỗi bồn chồn trong nàng.
Ngũ Tử Tư lẳng lặng đầy ngạo mạn, dường như không xem Tây Thi là nhân vật ngang hàng với mình. Dường như xem nàng thấp thỏi như giun dế!
Cả ba bước vào chính sảnh, Ngô vương khách sáo mời Ngũ Tử Tư ngồi. Tây Thi ý thức được giữa họ có điều quan trọng cần thảo luận, liền mượn cớ chuẩn bị tiệc rượu để rút lui.
Ngô vương định giữ nàng nhưng Ngũ Tử Tư lấy mắt ngăn cản nhà vua.
Ngô vương ngọt ngào giải thích:
- Tướng phụ, nàng là người không thích chen vào việc phải trái.
- Vâng! (Ngũ Tử Tư trầm trầm nói thêm). Nhưng nói chung thì Tây Thi là người Việt. Chúng ta sắp phải bàn về chuyện nước Việt.
- Nước Việt làm sao? Vừa rồi Thái tể bẩm báo, nước Việt có dâng cống phẩm gồm mười gánh lụa nguyên chất và...
- Đại vương!
Tử Tư móc một tấm vải trải ra, trên vải đầy dẫy nét chữ chi chít. Tử Tư vừa nhìn vào vải vừa nói:
- Câu Tiễn có ý súc tích lực lượng, luyện tập binh mã, chờ đợi thời cơ. Văn Chủng lo về chính sự, Phạm Lãi lo về quân sự, họ đã cho đóng thuyền lớn ở Đông Hải, đóng chiến xa ở Đông Dương và Gia Kê. Thần nhận tin thám mã nói rằng Phạm Lãi đã luyện xong ba trăm tên lái chiến xa làm đội ngũ chính.
Ngũ Tử Tư dừng lại một chút mới tiếp:
- Suốt năm năm rồi, Câu Tiễn hoạt động ngày đêm, thề quyết tẩy nhục Hội Kê!
Phù Sai là một vị vua anh minh. Tình yêu tuy có làm cho ngài sơ xuất khá nhiều việc song không làm ngài mê muội đắm chìm. Sau khi nghe Ngũ Tử Tư báo cáo, nhà vua hít một hơi dài nói:
- Câu Tiễn dám liều lĩnh như vậy à?
- Quân vương! (Tử Tư xếp vải cất vào mình, nghiêm trang nói tiếp). Câu Tiễn là người có thể chịu nhục thì cũng có thể chịu khổ. Hiện tại người đã vứt bỏ hết các trò hưởng thụ. Thần nghĩ rằng Câu Tiễn đã hạ quyết tâm nuôi chí lớn.
Ngô vương cau mày:
- Câu Tiễn không biết cảm ân báo đức! Năm xưa, trẫm đã không giết hắn, lại tha cho về làm vua mà lại còn dám mưu đồ chống trẫm!
- Người ấy thâm độc dị thường. Văn Chủng, Phạm Lãi là những người có tài....
Ngập ngừng một thoáng, Ngũ Tử Tư dường sực nhớ ra chuyện gì, tiếp:
- Hãy còn một nguồn tin không được chắc chắn lắm. Nghe đâu có một đại phu nước Việt tên Tiết Dung đã trà trộn vào Cô Tô thành để do thám tình hình quân sự nước ta.
Ngô vương không nói gì, cúi đầu, trầm ngâm. Ngũ Tử Tư lại nói:
- Quân vương! Sở dĩ thần phản đối việc đem binh cứu Lỗ là vì muốn đề phòng có sự biến động từ nước Việt. Tề, Lỗ ở cách chúng ta xa quá, mối lợi hại không thiết thân. Nhưng nước Việt lại là lân bang, thần trộm nghĩ Câu Tiễn mới là mối họa tâm phúc!
- Đối với chúng ta, cứu Lỗ là phát triển thanh thế quá lớn... Một đại chư hầu Trung Nguyên lần đầu tiên ngửa tay cầu viện với chúng ta! Đây là một cơ hội tốt, trẫm tin rằng chúng ta cất binh sẽ thắng.
- Nếu Câu Tiễn hưng binh công phạt, tình hình của ta còn ở đất xa thì có phải là phiền không? Đại vương, thần nghĩ rằng chúng ta nên đối phó với nước Việt trước hết.
Ngô vương không trả lời. Ngài biết, mối họa tâm phúc không sao để được, nhưng bây giờ phạt Việt thì cũng không có lý lẽ nào để nói cho xuôi. Bởi vì về mặt ngoại giao, nước Việt đã giữ thân phận thần phục tiến cống đều đều cho Ngô quốc.
- Thần đã phái một cánh quân đến tuần tra biên cảnh, có ý cảnh cáo Câu Tiễn không nên vọng động.
- Chúng ta sẽ bàn lại. Trẫm muốn mời Tử Cống của nước Lỗ đến để hỏi ý. Tử Cống là học trò của Khổng Trọng Ni (tức Khổng Tử) ắt sẽ có những kiến giải đặc biệt.
Tử Tư phản đối:
- Đại vương! Tử Cống đến để thuyết khách, tất phải dùng trăm phương ngàn cách nói cho chúng ta đem binh cứu Lỗ.
- Cái đó... trẫm biết. Trẫm muốn hỏi chuyện Người để biết tình hình Trung Nguyên. Tề, Lỗ đối với chúng ta quá ư xa lạ! (Ngô vương đầy tự tin lên giọng) Đối với Tề, Lỗ bang giao của ta đối với họ như nhau. Thành thật mà nói, xuất binh hay không toàn vì mối lợi của chúng ta.
Tử Tư nhấn mạnh:
- Kính mong Đại vương để ý đến nước Việt gồm toàn những người có quỷ kế. Hơn nữa, còn các cô gái Việt trong cung...
Ngô vương nhếch cười thản nhiên:
- Tướng phụ lo ngại Tây Thi à? Không, nàng không thể thông tin tức gì với Câu Tiễn, bởi nàng đã trở thành người Ngô rồi.
- Phù Sai!
Ngũ Tử Tư bỗng gọi thẳng tên nhà vua. Trước khi Phù Sai đăng vị, Tử Tư vẫn luôn gọi như thế. Sau này, tuy cả hai có nghĩa quân thần, do mối quan hệ cũ, giữa cả hai vẫn hết sức thân mật và Phù Sai chưa bao giờ tỏ ra bất mãn khi nghe kẻ bề tôi gọi thẳng tên mình.
Tử Tư nhếch cười u uất, tiếp:
- Thần mong Tây Thi là của Ngô quốc. Nhưng, có lẽ do thần suy nghĩ quá nhiều nên về mặt ý thức vẫn xem nàng là gái Việt. Hình như trên mặt nàng có nét gì đặc biệt, nét đặc biệt của người Việt... (Tử Tư thở dài) Phù Sai, xin tha thứ cho thần có tội đa nghi. Thành thật mà nói, thần lo ngại Tây Thi. Nàng đẹp quá, lại hiền quá, không nghị luận chuyện phải trái nào hết.
Ngô vương sờ cằm, bỗng nhếch cười:
- Sao tướng phụ biết? Tại sao cứ nhất định một người gái đẹp phải có lòng dạ xấu xa, đa sự, hay chen vào chuyện phải trái?
- Phù Sai nên biết, thần không phải là người đàn ông không thích phụ nữ. Hình như thần có nói qua, lúc mới đến Cô Tô, gặp gái vùng này, thần đã giao tiếp cũng không ít.
- Ô, phải rồi, lúc ấy người đẹp Cô Tô tên là gì nhỉ?
Tử Tư cười đáp cách tự nhiên:
- Nàng tên Nguyệt Oa.
- Đúng, Nguyệt Oa, trẫm biết có dạo hai người rất quấn quít nhau, nhưng về sau thì tướng phụ bỏ nàng!
Tử Tư lại thở dài:
- Không thể không rời xa nàng. Lúc ấy thần cần hưng binh phạt Sở, không thể để có sự trì kéo.
Phù Sai chấn động, hít một hơi dài:
- Nguyệt Oa bây giờ ra sao rồi? Già lắm thì phải!
- Nàng chết rồi, chết sau khi thần phạt Sở về. (Tử Tư để lộ u buồn) Nghe nói, nàng chết vì ưu tư, thương cảm.
Ngô vương như tìm được một lối thoát, kết luận:
- Thế thì, về phương diện ái tình, tướng phụ là người phụ bạc.
- Lòng thần rất đỗi xốn xang!...
Tử Tư hạ thấp giọng, trở đề:
- Phù Sai, chúng ta trở lại nghiên cứu vấn đề đối phó với Việt đi!
- Ồ, Câu Tiễn có thể sanh lòng nhưng trẫm đoán chừng hắn không dám. Thứ nhất, phân nửa binh lực của ta đã đủ chinh phục nước Việt. Thứ hai, năm xưa ta đánh Hội Kê là vì thù cha, phụ hoàng đã bị nước Việt giết chết đấy. Chiếu lẽ thường tình thì trẫm phải giết hại Câu Tiễn. Nhưng trẫm có lòng dạ nhân từ, không kết tội dĩ vãng! Câu Tiễn là một con người, giữa con người với con người phi có nhân tánh. Trẫm ân xá Câu Tiễn, còn cho trở về lo phục quốc, đứng về phương diện đạo nghĩa thì Câu Tiễn không thể phản trẫm được.
- Phù Sai! Nhưng giữa nước này và nước kia có qui luật riêng để tồn tại chứ không phi đạo nghĩa. Câu Tiễn là một con người mà thần luôn cho là nguy hiểm. Mong rằng ân đức của Phù Sai có thể cảm hóa hắn, nhưng chúng ta không thể không phòng! Huống chi, bây giờ Câu Tiễn đã có xu hướng phát động chiến tranh rồi!
Ngũ Tử Tư mở một vòng tròn rồi lôi vấn đề vào giữa. Nhưng Ngô vương có cách tính toán riêng. Phạt Việt thành công chẳng đương danh chi trong khi chính lòng Ngô vương thì muốn hướng vào Trung Nguyên xưng bá.
Thêm một lần nữa Ngô vương tỏ ra cự tuyệt. Tử Tư có phần ái ngại song giữ lặng thinh.
Ngô vương bỗng nhếch mép cười:
- Hãy còn một điểm này nữa, tướng phụ! Về Tây Thi, tướng phụ nhận xét có thể lầm. Nàng sẽ như tướng phụ, trở thành người Ngô hoàn toàn. Trẫm tin... tướng phụ, trẫm không hiểu sao có sự tự tin này: Ngô quốc có thể chứa khách và có thể làm cho khách từ các phương lại bị đồng hóa, an cư. Tướng phụ năm xưa không phải cũng bị người kỳ thị sao? Nhưng đến bây giờ thì không ai nghĩ tướng phụ từ Sở đến. Tây Thi rồi cũng vậy.
Lời nhà vua làm cho Ngũ Tử Tư có phần thuơng cảm. Tử Tư muốn giải thích nguyên nhân nhập Ngô của mình khác hẳn Tây Thi. Nhưng rồi, Tử Tư lại nghĩ, có nhiều việc không nên nói thẳng với nhà vua. Tử Tư chỉ cúi đầu, vâng dạ.
Ngô vương cười cởi mở:
- Nhưng có một việc tướng phụ đúng. Một người đẹp, ít nhiều gì cũng có chút đỉnh tính xấu. Tây Thi không ngoại lệ. Sau khi ngã bệnh, tính tình nàng thay đổi rất lớn. Thành thật mà nói, ở nàng cái gì cũng đẹp, duy có tính tình lúc bệnh thì trẫm chịu không nổi! (Ngừng lại một chút, Ngô vương nói thêm) Nhưng trước nàng, tính trẫm lại rất tốt!
Ngô vương có vẻ thú vị thuật lại chuyện riêng giữa hai người. Ngũ Tử Tư biết ngay cuộc bàn tho hôm nay đến đây là thôi, không mong gì tiến triển hơn. Vì vậy, Tử Tư đứng lên, cố không để lộ thất vọng, nói lời cáo biệt.
Đợi tướng quốc đi rồi, Ngô vương gọi:
- Tây Thi!
Di Quang bước ra đáp thay:
- Muôn tâu, Tây Thi phu nhân đang ngủ, phu nhân có dặn bao giờ quân vương xong việc cứ vào.
Thật ra Tây Thi đã núp sau màn nghe lén. Và đã nghe được hết những lời qua lại giữa Ngô vương với Ngũ Tử Tư. Hơn nữa, sự thẳng thắn và thân mật giữa hai vua tôi đã ảnh hưởng đến nàng rất lớn. ánh mắt của Ngũ Tử Tư lại bén nhạy quá, khiến nàng nghĩ rằng Tử Tư đã nhìn thấy tất cả.
Việc thứ hai khiến Tây Thi phát run là phần lý giải của Ngô vương về mối quan hệ Ngô Việt. Đã nhận sự giáo dục của nước Việt, Tây Thi từ Hội Kê đến với mối sỉ nhục của một công dân vong quốc, mối sỉ nhục vì quân vương bị bắt cầm tù. Theo nàng, vì nước thì có thể áp dụng bất cứ phương thức nào để rửa được nhục là đúng. Tình yêu của Ngô vương dành cho nàng là chuyện riêng. Nhưng giờ nàng nghe Ngô vương nói rõ lại chuyện Ngô phạt Việt là để trả thù cha. ấy thế mà Ngô vương không giết Việt vương, còn để cho Việt tồn tại, ân đức ấy quả không nhỏ! ấy thế mà Việt vương lại xem ân đức thành thâm cừu!
Sau khi nghe rõ nhân quả, Tây Thi cảm thấy nàng không có đất đứng. Vì vậy, nàng vội vã rút lui, lên giường trầm tư.
Chẳng bao lâu, Ngô vương hân hoan bước vào, vươn vai nói:
- Tây Thi! Ngũ Tử Tư cùng trẫm bàn khá nhiều chuyện... Có nhắc đến khanh nữa.
- Nhắc đến thiếp? (Tây Thi trề môi)! Nói xấu sau lưng người ta, thiếp không thích chút nào!
Ngô vương cả cười đi đến bên giường, bồng xốc Tây Thi như bồng một đứa bé. Tây Thi không phòng, đành nắm tay đấm thùm thụp trên lưng nhà vua:
- Phù Sai, ngài lại khinh thiếp rồi. Không được đâu!... Mà thôi, ngài đã xem Tây Thi như người tù! Thiếp biết, từ bao giờ ngài chỉ đùa với thiếp chỉ vì thiếp không phải là người Ngô!
Ngô vương ôm Tây Thi càng chặt, càng cười lớn tiếng. Cười đến Tây Thi ngạc nhiên, mềm nhũn rồi bật khóc.
Ngô vương hôn tóc nàng, bảo nhỏ:
- Ngũ Tử Tư nói người đẹp tất nhiên có tính khó chịu. Thoạt đầu, trẫm không nhận thấy, sau mới hiểu ra. Kể từ sinh bệnh đến giờ, khanh đối với trẫm có nhiều chuyện tệ, dường như trẫm còn thiếu cái gì với khanh vậy. Nhưng lúc nàng đối tốt thì lại quá tốt. Ôi, quá tốt và quá tệ!
Tây Thi sững sờ, thôi nức nở. Thật sự nàng thấy áy náy. Bởi cho dầu thế nào, nàng cũng là một người có âm mưu. Nàng có lý do gì để xử tệ với Ngô vương?
Với nàng, Ngô vương không một chút khinh bạc, chỉ có nàng khinh bạc người ta!
Nghĩ ra, Tây Thi cảm thấy khổ sở khôn cùng. Khổ nỗi, nàng không thể tiết lộ. Và việc đau khổ nhất của người đời là có miệng không thốt nên lời.
Phù Sai hôn mũi nàng, nói tiếp:
- Tây Thi, mọi người nghi ngờ nàng vĩnh viễn vẫn là người Việt. Nhưng theo trẫm, hai năm trước thì có thể nói thế. Chứ như bây giờ, nàng đã là người Ngô.
- Nghĩa là thiếp được giải thoát khỏi thân phận tội tù?
Tây Thi cố ý hỏi bằng giọng còn nước mắt thừa. Nhưng giọng nàng mềm nhũn, nghẹn ngào như hãy còn đang khóc.
Ngô vương lại hôn nàng và véo nàng:
- Được rồi, lòng dạ trẫm đã làm tù làm tội, làm nô lệ trẫm đấy!
Tây Thi cười rồi giẫy giẫy đôi chân, kêu lên:
- Phù Sai, thiếp sợ nhột!
Nàng dãy dụa mạnh làm cho quần dài tuột ra, để lộ đôi chân dài đều tuyệt mỹ.
Ngô vương nhìn chân nàng, gót son, ngón nhỏ. Thân thể này đã thuộc về nhà vua nhưng bỗng nhiên nhà vua cảm thấy bị kích thích bằng thứ cảm giác thật mới mẻ như mới thấy lần đầu. Tim đập loạn, máu huyết như sục sôi, nhà vua có cảm tưởng như trái tim mình sắp vọt ra.
- Tây Thi!... Nhà vua gọi với giọng run run.
- Tây Thi!... Nhà vua gọi với ánh mắt như phát lửa.
Tây Thi chấn động, tuy đang mang tâm sự bời bời, tự nàng không biết khao khát gì. Nhưng tiếng gọi kia, ánh mắt kia làm cho nàng không sao ngăn được đưa tay ra, dùng hai ngón tay véo nhẹ lỗ tai nhà vua.
Cử chỉ ấy như một khuyến khích tuyệt vời. Ngô vương thở hổn hển và hôn tới tấp khiến Tây Thi bối rối:
- Phù Sai, đang giữa ban ngày ban mặt đấy!
- Nào đã có sao đâu!
- Không biết mắc cỡ mà còn nói!... Ơ, Phù Sai... Ôm chặt nữa!
Tây Thi bỗng trở giọng, đổi lời khác hẳn. Hàng ngày, Tây Thi rất trầm tĩnh, nét trầm tĩnh phiêu dật như tiên. Không như bây giờ, mũi nàng, trán nàng, cả chân tóc nàng cũng xuất mồ hôi.
Trong cơn điên đảo buổi xuân thời, Tây Thi quên hết những lý lẽ của ân cừu, Ngô vương cũng quên cuộc hẹn tiếp Tử Cống.
Dưới đài Cô Tô, Tử Cống đứng mãi trong nội điện, chờ mãi nhà vua nước Ngô. Ngài hy vọng thuyết phục được đoàn hùng binh Giang Nam kéo rốc lên mặt Bắc, giải nguy giúp quốc gia của ngài. Ngài hy vọng có người của nước khác vì quốc gia của ngài mà đầu rơi máu đổ.