Chương 10


Chương 3
Cuộc chiến quanh chân Lèn Một

Sáng hôm sau chuyện những người đánh cá bị lũ khỉ khố đỏ hành hung lật thuyền được chính họ kể lại. Câu chuyện được bàn tán xôn xao khắp chợ, rồi lan nhanh ra trong hai xóm dân cư cạnh Lèn Một.
Lúc mới nghe kể, còn có người hoài nghi, cho là mấy ông đánh cá bịa chuyện cho vui. Họ không thể tưởng tượng được lũ khỉ khố đỏ lại gan góc đến thế, khôn ngoan đến thế. Nhưng rồi chuyện thật vẫn là chuyện thật.
Trưa hôm ấy những ai qua lại trên đoạn Dốc Cây Sung đều ngạc nhiên. Trên những mô đá, những cành cây trơ trụi của hai vách đá bạc phau, thì vách này là đàn khỉ khố đỏ ngồi trấn ngự; còn vách kia là đàn vượn mình đen đuôi dài lồng lộn, giận dữ.
Bấy giờ người ta mới lo ngại nhớ lại chuyện lũ khố đỏ này tấn công những người đánh cá. Thế lá cuộc đổ bộ lên vùng Dốc Cây Sung của bọn khố đỏ chưa làm lũ vượn mình đen đuôi dài khiếp sợ mà đã gây nỗi kinh hoàng cho khách vãng lai trên Dốc Cây Sung này và cho trẻ con hai xóm nhà cạnh lèn.
Lúc đầu bọn trẻ chăn trâu chúng tôi chưa biết trong vùng Dốc Cây Sung có lũ khỉ khố đỏ. Bởi thế chúng tôi hết sức kinh ngạc nghe tiếng kêu, tiếng hộc huyên náo, ghê người trên lưng chừng lèn.
Cùng với tiếng kêu, tiếng hộc, tiếng chếch ọp, không rõ là tiếng của vượn đen đuôi dài hay của vượn bạc má, còn có cả tiếng đá sỏi rơi rào rào, tiếng cành cây gãy răng rắc, tiếng cành lá lay động ào ào như bị bão cuốn.
Mãi sau chúng tôi mới nhận ra đàn khỉ khố đỏ và đàn vượn mình đen đuôi dài đánh nhau. Chúng tôi quên cả trông nom trâu bò, háo hức xem cuộc đọ sức giữa khỉ và vượn mãi không biết chán. Đây là cuộc đấu mà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chúng tôi mới thấy lần đầu.
Cuộc đánh nhau tranh giành lãnh địa cư trú giữa hai đối thủ xem chừng ngang sức, ngang tài này rất quyết liệt, tưởng bất phân thắng bại. Lúc đầu phần thắng có vẻ nghiêng về lũ vượn mình đen đuôi dài.
Lũ vượn có ưu thế là thông thạo các ngõ ngách, các vách đá, lùm cây. Chúng nấp kín trong các khém đá, trong các hang hốc trên vách đá như tuồng thua trận. Kỳ thực chúng vừa nhử vừa rình bọn khỉ khố đỏ.
Bọn khỉ khố đỏ lầm tưởng đối phương đã lẩn trốn vì sợ hãi. Chúng còn lạ nước lạ cái nên phải lò dò bên các cửa hang, bên mép các khe đá... tìm kiếm.
Bất thình lình lũ vượn mình đen đuôi dài từ trong chỗ nấp nhào ra cưỡi lên lưng, ôm lấy cổ kẻ thủ mà cắn xé, mà cào cấu.
Bọn khỉ khố đỏ bị tấn công bất ngờ, kêu như bị báo vồ, bỏ chạy tán loạn. Lũ vượn được thể, hò nhau đuổi theo. Có những cặp ham đánh, không chịu buông tha, ôm chặt lấy đầu, lấy cổ nhau.
Rồi cứ thế hai địch thủ vật lộn, cắn xé nhau lăn lông lốc trên những tảng đá, trên vách đá. Chúng đánh nhau say máu đến mức có khi cả hai ôm chặt lấy nhau, cùng rơi từ trên vách cao xuống đất chết lịm. Nhưng chỉ rời nhau ra một lúc, chúng lại lăn xả vào nhau, ghì chặt lấy nhau mà cắn xé.
Bọn khỉ khố đỏ hình như nhận ra rằng, rời khỏi các vách đá thì lũ vượn yếu thế. Vì thế khi lũ vượn đuôi dài ra xa vách đá, lập tức bọn khỉ khố đỏ quay lại tấn công.
Lũ vượn mình đen đuôi dài hai tay dài hơn bọn khỉ khố đỏ, nên khi đánh giáp lá cà, chúng dễ cào cấu, gây thương tích cho đối phương.
Khỉ khố đỏ tuy to con hơn, khỏe hơn, có bước quăng mình xa hvn. Nhưng ban đầu bọn chúng ham đánh giáp lá cà, nên bị lũ vượn nấp trong các giàn dây leo kín mít thò đôi tay dài quá khổ ra tóm chân, tóm đuôi, rồi xúm vào cắn xé.
Bọn xâm lăng hoảng vía, vùng vẫy, giật ra khỏi tay lũ vượn, rồi quăng mình bỏ chạy. Lũ vượn lại hè nhau đuổi theo.
Bị truy đuổi gấp, bọn khố đỏ chỉ cần một cái quăng mình là đã bỏ xa đối thủ vài chục mét. Bấy giờ bọn khố đỏ mới sực nhớ ra thế mạnh nhảy xa của mình.
Thế là trong lúc lũ vượn đang ng ngác, không rõ kẻ thù đang lẩn trốn ở đâu, thì từ xa, khỉ khố đỏ đã quăng mình lao tới, tóm lấy đầu đối phương mà cào cấu, cắn xé trả miếng.
Đánh lộ mặt với bọn khỉ khố đỏ xem chừng núng thế hơn, lũ vượn lại trở về lối đánh rình rập. Chúng nép mình trong các tán lá, lùm cây rậm mắt không rời bọn khỉ khố đỏ.
Nhưng bọn khỉ khố đỏ không lần tìm đối phương từ trên các tán lá nữa. Chúng như thể chia nhau mỗi con ngồi một chỗ đưa mắt quan sát trên mặt giàn lá, lùm cây.
Không thấy lũ vượn mình đen đuôi dài đâu cả. Bọn cộc đuôi khố đỏ chuyển sang lối đánh khác.
Bọn khỉ khố đỏ chuyển xuống phía dưới tán lá. Chẳng mất mấy công sức và thời gian tìm kiếm, chúng đã thấy ngay những chiếc đuôi dài buông thõng xuống dưới những tán cây, giàn dây leo.
Không ồn ào, náo động, bọn khố đỏ ranh ma, len lén bò tới nắm lấy những chiếc đuôi dài mà giật. Bị giật đuôi đau buốt tận xương sống, lũ vượn kêu như bị cắt tiết, cố vùng vẫy tháo chạy.
Bọn khỉ khố đỏ vừa to con, vừa cả sức. Con thì giữ chặt lấy đuôi lũ đuôi dài. Có con kéo xềnh xệch đối phương trên các cành cây. Lại có con cắn đứt cả đuôi của địch thủ nữa.
Cuộc vật lộn, giằng xé, cào cấu giữa hai đối thủ cứ thế kéo dài. Một bên cố giữ chặt địch thủ để hành hạ. Một bên thì cố sức bứt ra để tháo chạy trở về bên những vách đá.
Lũ vượn tưởng rằng chúng lâm vào thế bất lợi là vì đánh nhau với bọn khỉ khố đỏ trên các tán cây. Vừa vùng ra khỏi tay bọn khỉ khố đỏ, vượn đầu đàn vội cất tiếng hú gọi đàn, rồi chuyền nhanh về các vách đá.
Cũng may cho đàn vượn, bọn khỉ khố đỏ chỉ quăng xa được khi di chuyển từ cao xuống thấp, hoặc di chuyển ngang. Còn khi di chuyển ngược từ dưới lên thì chúng lại kém vượn.
Lũ vượn đã chuyển về được bên các vách đá. Lợi dụng các hang hốc, các khe đá, khém đá, chúng lại rải quân ra, nấp kín, rình rập chờ bọn khố đỏ. Nhưng chúng quên rằng chúng còn những chiếc đuôi dài buông thõng xuống không sao giấu kín được.
Còn bọn khố đỏ vốn tinh ranh hơn. Vừa đến bên các vách đá, chúng đã phát hiện ra những chiếc đuôi dài đen nhánh, vắt vẻo bên mép khe, mép hang đá.
Cứ mỗi con nhằm một cái đuôi dài như một con rắn đen, bọn khố đỏ bám vào các mấu đá bò đến. Chúng nhanh chóng nhảy ngay tới vồ lấy những con rắn màu đen ấy, rồi đu mình xuống.
Lũ vượn bị bọn khố đỏ giạt ra khỏi hang hốc, khém đá, khe đá một cách dễ dàng. Rồi cả khỉ khố đỏ cùng vượn đuôi dài từ trên vách đá cao, ào ào rơi xuống đất, xuống ngọn cây, tán lá như sung rụng.
Bây giờ cuộc vật lộn quyết liệt lại diễn ra trên mặt đất, trên các mô đá, trên ngọn cây. Một lần nữa chân Lèn Một lại náo động bởi tiếng vượn kêu, tiếng khỉ hộc, tiếng cành cây gãy, tiếng đá lăn...
Cuộc giành giật lãnh địa cư trú giữa vượn mình đen và khỉ khố đỏ kéo dài suốt một ngày ròng. Sang ngày thứ hai thì trên chân Lèn Một, vùng Dốc Cây Sung, nơi giáp giới với những mảnh ruộng và con đường cái quan, đoạn Dốc Cây Sung chỉ còn thấy bọn khỉ khố đỏ.
Như vậy là cuộc giành giật lãnh địa đã kết thúc. Lũ vượn đành bỏ lại đất đai, vách đá và cây cao, giàn lá, đang đêm đã lặng lẽ rút đi. Sáng ra bọn trẻ chăn trâu bò chúng tôi nhìn cảnh tượng ấy, trong lòng chợt gợi lên một nỗi bất bình, một nỗi bùi ngùi khó tả...
Nhưng lũ vượn không đi hẳn. Thỉnh thoảng chừng như nhớ quê hương. Khi thì vài ba con, có khi chục con vượn đực lại kéo nhau về chân núi đá cũ. Những lúc ấy cuộc đối đầu lại diễn ra...