Nhật ký đi Pháp từ tháng 3 đến tháng 9, 1922
Phần 5

VIII [1]
Paris, thứ tư 17 tháng 5
Bấy lâu khao khát được đến Paris, nay đã nghiễm nhiên ở Paris rồi đây. Lúc còn mơ tưởng Paris, tưởng được trông thấy mừng rỡ xiết bao. Nay đã đến nơi, thấy điềm nhiên như không, tựa hồ như mình ở đây đã lâu năm rồi. Sáng ngày thức dậy, mở cửa phòng trông ra ngoài phố, mơ màng như vẫn ở nước nhà, sực nhớ ra mới biết rằng mình đương ở một nơi đô thành đệ nhất trong thế giới. Nghĩ người ta cũng lạ: mơ tưởng cái gì mà chưa được thì bồn chồn háo hức, tưởng được rồi sướng không biết bao; đến khi được thật, thấy cũng chẳng sướng hơn gì trước, đã sẵn lòng coi thường, coi rẻ. Không biết rằng sự sướng, sự khổ, sự vui, sự buồn ở đời, không phải là bừng bừng như lửa cháy, cuồn cuộn như nước lên, vụt phát ra, vụt biến đi, như trong khi diễn kịch ở trên sân khấu. Phàm tình cảm của người ta, phải dần dần dà dà, nhật tẩm nguyệt tí [2], lâu ngày đằm thắm, mới thật là chân tình; còn ngoại giả là những sự háo hức nhất thời mà thôi, càng nóng nẩy bao nhiêu, lại càng dễ nguội bấy nhiêu.
Một nơi đô hội lớn như Paris này, chắc là có một cái tinh thần riêng, một cái “hồn” riêng; cái hồn ấy, không thể trong một buổi mà cảm giác được. Mà có cảm giác được cái “hồn” ấy, mới thật là biết Paris, chứ không phải xét cảnh tượng bề ngoài mà đủ biết. Mình còn ở đây lâu, thử cố xem có cảm được cái “hồn” thiêng của một nơi danh thắng đệ nhất trong hoàn cầu. Chớ nên vội vàng hấp tấp mà đã xét đoán theo cái cảm giác một buổi đầu.
Đến Paris, việc thứ nhất là phải mua một cái bản đồ, và chiếu bản đồ đi chơi mấy buổi để lấy phương hướng. Cả buổi chiều hôm qua là đi chơi lấy phương hướng (tiếng tây gọi là courses d'orientation). Ở Paris có thứ xe điện ngầm gọi là Métropolitain, nghe nói lạ lắm. Bèn tự trọ [3] ra nơi đỗ xe gần nhất, cũng cách đến hai phố dài. Chỗ này xe lại không chạy ngầm mà chạy ở trên cầu, vì là chỗ trũng nhất ở Paris. Lấy vé, rồi vào xe đứng, không đầy một phút xe chạy, chạy mau vùn vụt như tên bắn vậy, một loáng thời vào đường hầm, tối như cái đường phố hẹp ban đêm mà có thấp thoáng mấy cái đèn điện. Tuy đi dưới đất như thế, nhưng cũng thoáng hơi, không đến nỗi hầm lắm, vì mỗi đầu phố lại có cửa lên xuống, xe đến nơi đỗ độ nửa phút cho khách lên xuống, rồi lại vùn vụt chạy. Đứng trong xe thấy mỗi chỗ đỗ kẻ lên người xuống tấp nập, mình chẳng biết đâu vào đâu cả, cứ đứng bên. Sau đứng mãi mỏi chân, đến một chỗ thấy người ta lên mình cũng lên, thì ra xe đã chạy ngầm dưới sông Seine mà sang bên kia sông, là chỗ phồn hoa náo nhiệt nhất thành Paris. Sau mới hiểu ra rằng lối xe điện ngầm này là chạy vòng quanh khắp thành Paris, người nào định đi đâu thì phải chọn đường mà đi và phải biết trước đến đầu phố nào phải xuống, không thì xe kéo đi khắp thành phố, ra đến ngoài ô. Cho nên ở Paris này, nếu thuộc địa đồ biết đường xe nào đối chiếu với đường xe nào, thì đi đâu cũng tiện lắm, vì các đường sắp đặt rất khéo, đối nhau như in. Nhưng khách lạ bỡ ngỡ như mình, mới trông vào địa đồ thật là hoa mắt rối trí, đứng trong xe thời cứ thấy chạy bắn đi, mà nhìn chung quanh tối om như hũ nút, đến chỗ đỗ mình chưa đọc rõ tên chỗ nào, xe đã chạy vụt đi rồi!
Ở dưới hầm lên, thấy đứng giữa một con đường thông cù [4] lớn, hai bên nhà cửa nguy nga, hàng quán la liệt. Mở địa đồ xem mới biết là chỗ này gần dinh quan Giám quốc. Anh em nói đùa nhau rằng bọn mình đến Paris, không rắp định và cũng không có tư cách vào chào ông quốc trưởng của Đại Pháp, vậy mà tình cờ đưa chân ngay đến trước cửa dinh ngài, ấy cũng là một sự không ngờ. Âu là ta đi dạo quanh một lượt xem hình thế cái dinh quan Giám quốc thế nào, ấy cũng là một cách thi lễ của người khách đối với ông chủ nhà vậy. Cơ ngơi cũng to tát rộng rãi thật, vườn tược um tùm, nhưng kể đẹp thì không lấy gì làm đẹp cho lắm, nước Pháp tưởng còn nhiều nơi cung điện đẹp hơn nhiều. Có lẽ lấy cái tính cách bình đẳng một nước dân chủ, ông quốc trưởng không nên ở nơi lộng lẫy quá chăng? Xem bề ngoài không có cái gì là đặc biệt với các nhà lầu khác, duy có mỗi cửa hai tên lính “đầu rồng” (dragons) đeo gươm trường đứng canh là hơi có cái vẻ quan cấm một chút. Bên ta chưa được trông thấy thứ lính “đầu rồng” này bao giờ, chỉ được xem trong tranh, bây giờ mới mục kích: lính này mặc áo dạ đen nẹp đỏ, đầu đội cái mũ đồng bóng nhoáng có đuôi dài rủ xuống sau lưng, một tay cầm gươm vác vai, một tay cầm vỏ gươm kéo xuống đất, mà người nào cũng lực lưỡng cao lớn, trông thật oai vệ. Thứ lính này chỉ dùng về việc nghi vệ mà thôi.
Cách dinh Giám quốc một ít, lại có một cái dinh nữa cũng có “lính đầu rồng” canh: hỏi ra mới biết là Bộ Nội vụ, trông ra nơi công trường Beauveau. Ta thường đọc báo tây cứ thấy trong báo nói đến các bộ mà không có nói rõ là bộ gì bộ gì, chỉ gọi tên đường phố mà thôi, như Nội vụ thì gọi là Place Beauveau, Ngoại vụ là Quai d'orsay, Lục quân là Rue Saint Dominique, Thuỷ quân là Rue Royale, Bộ Thuộc địa là Rue Oudinot, v.v., cũng là một cái thói quen riêng của các nhà làm sách làm báo, tức như bên ta gọi người không gọi bằng tên và họ mà gọi bằng tên làng, như cụ Yên Đổ, cụ Đồng Tỉnh, ông tú Đông Ngạc, ông đồ Lương Đường, vân vân.
Đi chơi lan man đường nọ ra phố kia, xem đã thích mắt, nhưng còn ngơ ngác như chú Mán đường ngược xuống chơi Hà Nội vậy. Cứ thế mà đi suốt đường thông cù Champs Elysées hai lượt, đi bên này phố từ nơi dinh quan Giám quốc đến cửa Bắc đẩu khải hoàn môn (Arc de triomphe de l'étoile), rồi lại đi bên kia phố tự cửa Khải hoàn về đến Cộng hoà trường [5] (Place de la Concorde), hai bên phố cách nhau đến trăm thước, mà con đường dài cũng tới ngàn thước. Ngắm cảnh tượng con đường thông cù này mới biết thành Paris là lớn là đẹp. Nhưng chắc còn nhiều cảnh đẹp nữa, ta chớ nên vội hăm hở mà nức nỏm khen như chú Mán nọ, về chốn kinh kỳ kẻ chợ, thấy cái gì cũng lạ mắt lạ tai, mỗi mỗi kêu lên: “úi chà, to! úi chà, đẹp!” Người đi quan sát mà đứng trước một cái cảnh tượng gì, dù to dù đẹp lạ lùng thế nào mặc lòng, không cầm được cái tiếng kêu “úi chà!” đó, là người chưa đủ tư cách quan sát vậy. Tuy vậy, lúc ghi chép vào quyển nhật ký này, tưởng tượng đến cái đường thênh thang đó, hai bên hai dãy cây um tùm, một đầu sừng sững cửa khải hoàn, một đầu chon von cái cột đá (là cột đá Ai Cập ở giữa Cộng hoà trường), kể cũng đã trang nghiêm, kể cũng đã tráng lệ, kể cũng có khí tượng, kể cũng có hùng uy, bất giác cũng lẩm bẩm khen thầm: “úi chà, đẹp!” Như vậy thời cũng chửa khỏi là chú Mán mà đã dám tự cao…
Tự đường thông cù Champs-élysées mà không biết đi quanh đi co, đi luẩn đi quẩn thế nào, lại về đến trước cửa nhà Ga Lyon là nơi mình xuống xe lửa lúc nãy. Đi đất tự 4 giờ, bây giờ đã hơn 7 giờ, bụng vừa đói, chân vừa mỏi, gặp hàng cơm ở đường Lyon, vào ăn cơm tối, thế là bữa cơm thứ nhất ở thành Paris vậy. Bữa này ăn ngon quá, duy nói đến “cơm” mà thèm “cơm”, vì từ khi sang đây đến giờ chỉ mới được hai lần là ăn cơm gạo thật, còn tuy gọi là “cơm” mà là “cơm tây” cả! Cái tiếng “cơm tây” ấy cũng kỳ; ta nói thường quen miệng đi, ai cũng hiểu “ăn cơm tây” là dùng đồ ăn tây, nhưng nghĩ ra, - mà có sang đây, không được thường ăn cơm của mình, mới nghĩ đến, –thật không có nghĩa gì cả; cơm mà của Tây, Tây mà có cơm, thế là cái gì? Cho hay ngữ ngôn của mỗi nước là đặc biệt cho nước ấy, xét ra cho kỹ, không có một tiếng một chữ nào là giống nhau như hệt, kháp nhau như in được. Chẳng qua là miễn cưỡng mà dùng, rồi dùng mãi thành quen mà thôi. Như ăn lối tây thì gọi là “ăn cơm tây”, nằm lối tây thời gọi là “nằm giường tây”, nhưng mà “cơm tây” với “giường tây” có gì là giống với cơm ta và giường ta không? Người đã ăn theo lối tây, nằm theo lối tây, thì nói đến cơm tây, giường tây, mới hiểu là cái gì, chứ người chưa từng ăn bánh bột mì, chưa từng nằm giường “lò so”, thì nói đến những tiếng ấy phỏng có nghĩa lý gì? Nói mà không có nghĩa lý thì dẫu nói luôn miệng cũng chẳng ăn thua gì. Chẳng qua là truyền khẩu như con yểng mà thôi. ấy là thí dụ những tiếng tầm thường về sự ăn sự nằm cũng đã cách xa nhau một vực một trời như thế; huống những tiếng có ý nghĩa sâu xa u ẩn thì còn cách nhau đến thế nào! Cứ xét một điều đó thì biết học tiếng ngoại quốc khó là dường nào. Học một thứ tiếng nước ngoài mà cho đến “nhập diệu”, nghĩa là đọc một chữ lên mà tưởng tượng hay là suy nghĩ ngay ra cái sự vật hay là cái nghĩa lý nó bao hàm ở trong chữ ấy, đúng như trong óc một người sinh trưởng trong thứ tiếng ấy, thì phải đến mấy chục năm, lại phải sinh hoạt theo như người nước ấy, biến hoá tâm tính theo như người nước ấy, mới có thể được. Còn thời chẳng qua là nhồi óc cho đầy những cái vỏ chữ của ngoại quốc, mà trong vỏ nhiều khi không có tí ruột nào. ấy người mình học chữ tây đại để như thế. Có công có sức học được thì cứ việc mà học. Nhưng mà chỉ sợ một điều, là trong khi cố công dùng sức nhồi óc cho đầy những cái vỏ chữ của người, thì cái ruột chữ của mình mất hết cả, rút cục xôi hỏng bỏng không, tiếng người chửa biết, tiếng mình đã quên, ấy mới nguy, ấy mới hại!…
Rõ mình cũng lẩm cẩm thật, nhân chuyện “cơm tây” mà nói đến dài dòng văn tự như thế, nhật ký đâu lại nhật ký lôi thôi như vậy? Nhưng mà trong khi nằm trọ ở chốn tha hương, duy có quyển nhật ký là bạn liền tay, cả ngày thơ thẩn ở đất nước người, tối đến giở sách ra biên, như nói chuyện với người bạn thân, gặp chuyện gì nói chuyện nấy, việc gì mà sợ lôi thôi, ai chê là người lẩm cẩm?
Nhưng mà nói chuyện đâu đâu, đến chuyện ngày hôm nay vẫn chưa biên, mà đêm thời đã khuya, giấy cũng đã hết rồi

°

Thứ năm, 18.5.1922
Hai ngày hôm nay cũng được nhiều việc.
Hôm qua thì đi thăm các viên chức ở “Kinh tế cục” (Agence économique) là sở thay mặt chính phủ Đông Pháp để giao thiệp về các việc kinh tế ở bên này. Hồi ở nhà đi, có mấy ông quý quan ở bên ta gửi giấy giới thiệu cho các ông ở Kinh tế cục, vậy phải đến tiếp mặt các ông ấy cho phải phép. Các ông tiếp đãi ân cần và hứa có cần hỏi han việc gì sẽ hết sức giúp. Mình cũng cảm ơn cái bụng tốt của các ông, nhưng trong bụng cũng mong rằng không có việc gì phải phiền đến các ông lắm. Sự giới thiệu vẫn là một sự hay, vì nhân đó mà được quen biết rộng, đỡ lạ lùng lúc mới đầu. Nhưng mà cũng có khi phiền, phiền cho người giới thiệu mình, phiền cho người mình được giới thiệu tới, mà phiền cả cho mình nữa. Đi đến một nơi xa lạ, được một vài chỗ giới thiệu đích đáng, để giúp cho việc đưa đón hành lý, tìm kiếm trọ ở, chỉ dẫn cho biết những cách thức ăn ở, giá hạng các đồ, v.v… thế là đủ, còn không cần phải nhất nhất quấy phiền người ta làm gì. Đến đâu phải tuỳ đáo tuỳ biện, không nên nhất thiết ỷ lại vào kẻ khác. Phương ngôn ta nói: “khỏi nhà ra thất nghiệp”, là nói sai. Người nào mà đến ra khỏi nhà thành thất nghiệp, thì người ấy chỉ nên ở nhà với “mẹ đĩ”, chẳng nên ra khỏi cửa làm gì. Nhất là người du lịch, lại cần phải tự do lắm, muốn đi đâu thì đi, muốn xem gì thì xem, gặp đâu có ăn thì ăn, gặp đâu có nằm thì nằm, phải hơi “bông lông” một tí như thế thì mới thường gặp được sự bất kỳ. Nếu mỗi bước có người chỉ dẫn, đi đâu cũng phải nhờ kẻ đón người đưa, như cậu học trò mới ở trường ra, thì sự du lịch mất cả thú, và nhiều khi thành một sự phiền. Mình nghĩ như thế, nhưng có ông lại không nghĩ thế. Cho rằng bọn mình là “phái bộ” của Chính phủ đi quan sát quý quốc, thì phải có quan Nhà nước đưa đi mọi nơi, như ông giáo dắt lũ học trò vậy. Có ông lấy thế làm vẻ vang, tự mình cho thế khí [6] đê tiện. Mình không phải là lũ trẻ con đi xem hội mà cần phải có người lớn chỉ cho từng trò, đây là phường múa rối, nọ là lũ leo dây. Có mắt để mà xem, có tai để mà nghe, có trí để mà nghĩ, hà tất phải ai chỉ cho vạch cho mới biết. Nếu còn cần phải có người chỉ vạch cho như thế, thì sang đây mà làm gì? Còn nói rằng đi đâu nên đi cả đoàn, có quan Tây đưa dẫn, trọng sự thể hơn, thời điều đó tôi lấy làm ngờ lắm. Có lẽ ở bên mình đi theo sau một vị quý quan, hoặc có điều vẻ vang chăng, vì có thể huyễn diệu [7] được kẻ khác, chứ ở đây thời họ cho là một lũ mán xá phải có người cai quản hướng đạo. Nhưng mà ở đời mỗi người một ý, mình cho thế là không nên, họ cho thế là nên, cũng là tuỳ cái ý riêng của mỗi người, chẳng nên nghị luận làm gì.
Cả ngày hôm qua xem điện Panthéon là nhà kỷ niệm các danh nhân nước Pháp. Ở trọ đi ra gần lắm, cách có vài phố. Đi qua con đường d'Ulm, thấy trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường d'Ulm” (la maison d'Ulm), nhà cũng thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm, nhưng có cái vẻ nghiêm trang bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng. Chung quanh có vườn, cây cao bóng mát, dưới gốc cây có ghế đá, dưới bóng cây khoác tay thơ thẩn dăm mươi thày học sinh, người thời vừa đi vừa nói, ra dáng hăng hái nghị luận; người thời tay để dưới cầm, ra bộ nghĩ ngợi xa xôi; người thời con mắt đăm đăm, ra tuồng mơ màng tưởng vọng. Nhìn nét mặt các người sinh viên đó, như có cái hào quang của sự học, trong lòng cảm phục cái chí cao của kẻ thanh niên nước Pháp, mà lại bùi ngùi cho cái công học hành dở dang của mình. Than ôi! mình không phải là không có cái lửa nhiệt thành về sự học, nhưng mà sinh trưởng vào giữa buổi thanh hoàng [8] học không ra gì cả, nho đã chẳng ra nho, mà tây cũng chẳng thành tây. Phàm sự học phải cho đến nơi đến chốn thì sở học sở hành mới điều hoà dung hợp nhau, mà gây nên cái nhân cách thanh cao. Hễ còn dở dang, còn nửa chừng, thì không ra con người gì cả. Ông cha mình mấy mươi đời học nho, nghiệp nhà đến mình là đoạn tuyệt. Bây giờ muốn cầu làm ông đồ cổ, bàn nghĩa tính lý, ngâm thơ nhà Đường, nhắp dăm ba chén chếnh choáng cho tiêu sầu khiển hứng, bảo mươi lăm thằng trò chẹt [9] biết dã, giả, chi, hồ, an nhàn vô sự, ngày tháng vui qua, cũng không được nữa. Nói đến học tây, thì chẳng qua học mấy câu tiếng tây để đi làm thuê, cũng tự biết còn thiếu thốn, muốn ra công học thêm, nhưng thày đâu sách đâu, ở trường thông ngôn ra, được học mấy ông hương sư ở Tây sang, thế đã là tột phẩm rồi, nào đã bao giờ được từng ngồi qua cái ghế một trường Đại học như trường Sư phạm này? Mà đã không được học đến bậc đó, thì còn mong lập nên sự nghiệp gì về đường học vấn? Dở dang, dở dang, thôi mình đã đành là một con người dở dang! - mà cả nước mình cũng là một nước dở dang! … Mỗi lần đi qua những nhà học nghiêm trang như chốn này, trông thấy những học trò anh tuấn, giáo sư đạo mạo, người nào trong con mắt cũng hình như mơ màng những sự cao xa, mà “thèm” người ta biết nhường nào! Tưởng giá phải ăn bánh hẩm, uống nước lã, mà được làm một người trong những người tha thẩn dưới bóng cây, thấp thoáng trong rào sắt nọ, cũng cam tâm. Nhưng mà thôi, đã sinh vào buổi lỡ làng thì cũng phải chịu cái phận hẩm hiu vậy, biết sao bây giờ? Duy phải biết rằng học đã chẳng ra gì, thời làm cũng chẳng nên chi, vì có gốc mới có lời, vốn ít mong sao được lời to? Cho nên cũng chớ có mong mỏi những sự to tát quá sức không làm nổi; chỉ nên hinh hương chúc vọng [10] cho kẻ đến sau này họa được may mắn hơn mình chăng…

°

Thứ năm, 18 tháng 5.1922
Ở đường d'Ulm đi lại, vừa trông thấy mặt tả điện Panthéon, sừng sững trước mắt như một cái vách đá trăm thước cao. Quy mô coi cũng hùng. Điện hình chữ thập, trừ mặt tiền có cột đá, có cửa vào, còn ba bề bịt bung kín mít, không có một chỗ hở. Tưởng như một cái mả xây bằng đá của một con thú lớn đời tiền cổ nào. Mà thật điện này chính là một cái mả chung của danh nhân nước Pháp. Nguyên trước là nhà thờ bà thánh Genevière, là thần bảo hộ của thành Paris, đời Cách mệnh dùng làm đền kỷ niệm danh nhân, sau lại mấy lần làm nhà thờ, rồi đến năm 1885 mới định hẳn là đền kỷ niệm. Bây giờ trong đền chỉ có tượng và tranh mà thôi. Tượng thời cũng thường, không lấy gì làm lạ, duy tranh có những bức bích họa lớn, khắp từng gian tường, vẽ các tích trong lịch sử nước Pháp. Nét đan thanh, hồn tổ quốc, tức là những bài sử học hiển nhiên cho người Pháp đời nay, giục lòng nhớ đến công nghiệp đời trước. Nào tích vua Charlemagne, nào truyện bà Jeanne D’Arc, đẹp nhất là những bức của ông Puvis De Chavannes vẽ sự tích bà thánh Geneviève. Ông là một nhà danh họa đời nay, mới mất mươi lăm năm nay, đọc sách vẫn biết tiếng ông, nay mới được xem bức vẽ của ông. Người đời nay mà vẽ một người liệt nữ về nghìn năm trước, chắc là không có bằng cứ gì, chẳng qua là ở sự tưởng tượng cả. Vậy mà tưởng tượng thế nào đến tả mạc [11] ra hiển nhiên như thực, khiến cho người xem phải cảm động, thật cũng phải có cái bút tài thế nào mới vẽ được như thế. Bà Geneviève là một người con gái thành Paris, hồi tướng Hung Nô Attila vào đánh phá thành ấy, bà đốc suất dân quân ra chống cự, kinh thành được thoát nạn. Đời sau Giáo hội phong tặng cho bà lên bậc thánh. Tức cũng như truyện Hai Bà Trưng nước ta, nửa thực nửa huyền, không gì bằng cứ. Ngày nay ai biết hình dung mặt mũi Hai Bà Trưng thế nào? Nhưng nếu có một tay vẽ giỏi, lấy sức tưởng tượng mà tả mạc ra hình ảnh hai bà, hiển nhiên ra hai người con gái Lạc tướng, con mắt nét mặt như chan chứa cái lòng căm giận vì nước vì nhà, thế chẳng là phục sinh được người đời trước và giúp cho người đời sau học quốc sử dư? Thực hay hư, việc đã đến ngoài nghìn năm, không biết đâu mà đoán định. Bà Geneviève với bà Trưng Trắc có thực như truyện trong sử thuật lại không? Không thể biết được, và cũng không cần phải biết cho rõ làm gì. Nhà mĩ thuật có thể bằng không mà sáng tạo ra được, thời há chẳng nên mượn tích của lịch sử mà tả mạc những người đời xưa, để nuôi lấy tấm lòng yêu nước của người đời sau dư? Đó là cái nhiệm vụ tối cao của nhà mỹ thuật. Nước ta bao giờ mới có một tay họa sĩ có tài biết nghĩ đến những sự đó?… Trong mấy bức của ông Puvis De Chavannes tả về tích bà Geneviève, có một bức tôi lấy làm khéo lắm, là bức đề là “Bà Geneviève thức đêm canh cho thành Paris”. Bóng trăng chiếu rọi, trong tỉnh thành ai nấy đều ngủ yên cả, duy có một người thức. Người ấy là ai? Là một người con gái mộc mạc, ở một cái phòng nhỏ, bên cái góc sân con, ra đứng trước bao lơn, nhìn xuống dưới phố phường, nét mặt đau đớn, con mắt đăm đăm, trong bụng nghĩ những gì? Chắc nghĩ rằng: “Cái vận mệnh thành này chỉ còn một sợi tóc, mà người dân trong thành không ai biết lo cả. Âu là ta phấn nhiên [12] ra cứu cho lũ mê ngủ đó. Nay đêm còn trường, ngày chưa sáng, ta nên thức mà canh cho bọn đó ngủ…” Nét vẽ khéo lắm, linh hoạt như người sống thật.
Xem xong trong điện rồi, xuống dưới hầm; dưới hầm cũng rộng như trên, có mả của mấy bậc danh nhân ở đấy. Mới đến có cái điện nhỏ thờ quả tim của ông Gambetta; rồi đến mả ông J. J. Rousseau, ông Voltaire, ông Soufflot là người họa kiểu dựng ra điện Panthéon này; mộ ông Lazare và Sadi Carnot, ông Victor Hugo, ông Emile Zola, ông bà Berthelot, v.v.
Xem xong dưới hầm, trèo lên trên mái. Mái đây là một cái mái tròn, như một cái vung úp ở trên cái mộ vậy. Cao ngót trăm thước, có thang cuốn đi lên tận trên đỉnh, trèo hết mấy trăm bậc thang, đã thấy chồn chân. Đứng trên ấy thu quát được cả cảnh tượng một phần thành Paris.
Có người cho kiểu điện Panthéon này là nặng nề và nghiêm lặng quá. Tôi tưởng đã là cái đền kỷ niệm, lại là một cái nhà mồ, thời có cái vẻ nghiêm trang lạnh lẽo là phải. Còn cho là nặng nề quá, tôi tưởng cũng không phải là không hay; cái mả phải có vẻ vững vàng kiên cố, như thiên niên bất dịch vậy.
Ra ngoài cửa, ngoảnh lại nhìn, thấy lồng lộng chữ vàng trên biển đá một câu đề rằng: “Nhà nước cảm ơn kẻ danh nhân”.

°

Thứ sáu, 19 tháng 5.
Hôm qua gặp ông B. đưa vào xem sách ở nhà “Đại Pháp Đồ thư quán” (Bibliothèque Nationale [13] ). Ông này đỗ văn khoa cử nhân, đã học đến năm thứ ba trường Cao đẳng Sư phạm, không biết vì cớ gì, nay ở ngoài làm việc cho một công sở nọ, nhưng vẫn học để thi Agrégation. Người còn trẻ, mới chừng 24, 25 tuổi, nhưng uyển nhiên [14] là một nhà học vấn nho nhã.
Hai người mới gặp nhau cũng có ý tương đắc. Trước ông đưa vào qua báo quán Le Temps, ông có bạn làm việc ở đấy. Nhà báo này tuy có tiếng khắp hoàn cầu, nhưng nhà sở và cách bày biện không có vẻ trang hoàng lộng lẫy như mấy nhà báo Le Matin, Le Journal. Các nhà báo kia là những báo phổ thông cho công chúng, dùng những cách cổ động tối tân, để làm cho thiên hạ chú ý, cho nên nhà cửa nguy nga, tối đến đèn điện thắp như ngày hội, chữ tên sáng rực một góc trời, đi ngoài phố trông cũng đã rực rỡ thay! Báo Le Temps là báo của bọn thượng lưu học thức xem, nên không phải dùng những cách quảng cáo lộng lẫy, những cách trang hoàng loè loẹt, mà có cái vẻ dịu dàng kín đáo, đứng đắn, “quân tử” hơn. Xem giọng văn đã biết, trông cái cảnh tượng báo quán lại rõ hơn nữa. Nhà báo nào cũng có một gian rộng để yết các điện tín trọng yếu cho thiên hạ đến xem, gọi là “phòng tin tức” (salle des dépêches). Phòng tin tức của báo Le Temps thời chỉ có mấy cái bàn lớn, trên bầy mấy bộ báo đóng thành tập cho khách đến xem, còn tịnh không có trang sức loè loẹt, không có cả những tranh ảnh, những bức họa, những chùm đèn pha lê tự trên trần rủ xuống, những ghế ngồi bọc nhung để la liệt hai bên, như các báo quán lớn kia. Lại người đến xem cũng phần nhiều là các cụ già, người đứng đắn, chứ không phải là chú đánh xe, cậu hầu bàn, cô đi khâu, thày làm việc, đi qua rẽ vào xem tranh, xem ảnh cho vui, như mấy nhà báo kia đâu. Lạ thay, mỗi tờ báo có một cái thái độ riêng, mà thái độ ấy lộ ra khắp cả, từ lời văn trong báo cho đến cách bầy biện ngoài. Nay đến trông thấy báo quán mới nghĩ ra như thế, nhưng tưởng cứ đọc báo Le Temps cũng đã đủ tưởng tượng biết vậy.
Ở báo quán ra, đi thẳng ra nhà sách Nationale, tức là “Đại Pháp Đồ thư quán”. Nhà thư viện này mình vẫn biết tiếng là kho sách giàu nhất trong thế giới, có đến hơn 360 vạn quyển sách in, không kể các tả bản (manuscrits) và các họa đồ (plans, cartes); nay mới được bước chân vào đây, thật là rừng sách, chứ không phải nói ngoa. Không biết “Tứ khố” của ông Khang Hi, ông Càn Long bên Tàu ngày xưa được bao nhiêu sách, nhưng kể cổ kim thư tịch, sưu tập lại thời khắp hoàn cầu không đâu bằng đây, nhà British Museum ở Luân Đôn đã có tiếng mà cũng chửa bằng. Ở nước văn minh, sự học vấn của người ta có cách dễ dàng tiện lợi, như thế không trách người ta giỏi hơn mình. Nghề phổ thông ấn loát đã giúp cho văn minh tiến bộ được một bước lớn, các thư viện công lại giúp cho sự học tiện biết bao nhiêu, tưởng cũng là một cái lợi khí cho văn minh. Loài người biết tư tưởng, biết học vấn, kể đã mấy vạn năm nay; biết chế tác ra văn tự để ghi nhớ lấy những sự học vấn tư tưởng ấy, kể đã mấy nghìn năm; trong mấy nghìn năm mấy vạn năm ấy, cái óc con người khám phá cũng đã được nhiều điều hay lẽ phải. Người đời nay tự cho là khôn hơn đời xưa, không biết rằng có khôn, - nhưng vị tất đã là khôn hẳn, - cũng là nhờ cái công suy tầm khảo sát của người trước mấy mươi đời tích lũy mới được như bây giờ. Các cổ thư tịch chính là cái kho chứa sự khôn ngoan của người trước (cũng có khi chứa cả cái dại, nhưng dại đây cũng là khôn, vì đủ làm gương cho đời sau). Nếu cứ vài thế kỷ lại xuất hiện ra một kẻ bạc quân như Tần Thủy Hoàng, bao nhiêu sách vở đời trước đốt sạch, thời sự tiến hoá của nhân quần ắt cũng bị ngăn trở nhiều. Cổ triết Tây phương đã có câu nói rằng: “ở dưới bóng mặt trời, không có sự gì mới”. Về đường vật chất văn minh, có lẽ mỗi ngày một biến báo ra nhiều sự mới lạ thật, xét cho kỹ chẳng qua cũng là làm phiền cho cuộc đời, làm nhọc cho thân người mà thôi; nhưng về đường tinh thần thời tưởng bao nhiêu nghĩ lý cao sâu, người đời nay tự phụ là đã phát minh ra được, các tiên hiền tiền triết đã từng suy nghĩ tới lâu đời rồi, chỉ vì không còn vết tích lại rõ ràng nên ta không biết mà thôi. Lại đến tâm lý người ta, xưa nay cũng ít thay đổi lắm: đời nào cũng có bấy nhiêu kẻ hiền, kẻ ngu, người khôn, người dại, bấy nhiêu kẻ loạn thần tặc tử, bấy nhiêu người chí sĩ nhân nhân [15]. Lại đến sự biến thiên trong lịch sử, đời nọ qua đời kia, cũng là theo một điệu bất dịch, là cái điệu trị loạn, hết trị rồi loạn, loạn chán lại trị, như mặt bể khi phong ba khi bình tĩnh vậy. Như thế thì ở dưới bóng mặt trời không có sự gì lạ thật, mà sự kinh lịch của người trước có thể làm bài học cho người sau được. Như thế thì thư tịch là quý thật, vì thư tịch là cỗ xe để truyền, để chuyển cái đạo học, cái tâm thuật của cổ nhân cho hậu thế.
Mình là một người “dâm” sách, mê sách như mê gái đẹp, mà được vào một nơi rừng sách như thế này, sướng biết bao nhiêu! Còn nhớ năm trước ở trường Bác Cổ, chì vì ham đọc sách mà nhiều khi xao nhãng cả việc làm, đến bị ông chủ Tây mắng!…
Nhà Đồ thư quán thành Paris này có hai “phòng đọc sách” rất lớn, mỗi phòng ngồi được tới bốn năm trăm người: một phòng công đồng cho thiên hạ vào xem, một phòng riêng cho những người đến khảo cứu. Phòng khảo cứu này có bàn ghế, bút mực, lại la liệt những tủ sách nhỏ và thấp, đựng những bộ tự điển, bộ tùng thư có nhiều quyển, để tiện cho người ta tra cứu. Vào khảo cứu ở đây phải có giấy phép của viện trưởng hay phòng trưởng; vào đến nơi, muốn dùng sách gì thời tra trong thư mục, biên rõ tên sách và số sách vào mảnh giấy, giao cho người làm việc đi tìm và đem lại cho. Thư viện mở cửa từ 9 giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều, trong tịnh không có một ngọn đèn điện nào, là sợ sự hoả họan. Duy mấy phòng đọc sách thời mái bằng mặt kính cả, nên ánh sáng thiên nhiên lại càng tốt lắm.
Tôi có ý nhận những người đến khảo cứu ở đây, ra dáng chăm chỉ nhất có mấy ông cụ già đầu bạc phơ, chừng là những ông giáo học hay là những cụ lão nho đến tìm tài liệu để làm sách; còn người khác, vừa đàn ông đàn bà, thời có lẽ phần nhiều là những nhà làm sách, những nam nữ học sinh các trường đại học, đến khảo sách để soạn bài thi cử nhân hay tiến sĩ gì đó; người ngoại quốc cũng nhiều lắm.
Xem ra mấy ông lão nho chăm lắm, ngồi suốt từ khi mở cửa đến khi đóng cửa, mình đến đã thấy rồi, mình về chưa đứng dậy. Bữa trưa ăn ngay trong thư viện, vì ở cạnh phòng sách ấy có một gian nhỏ cho người lĩnh trưng [16] bán cơm bữa cho khách đọc sách. Các cụ mãi đến một giờ, một giờ rưỡi trưa, mới ra ăn cơm, coi bộ như bất đắc dĩ mà phải ăn; mà ăn gì? Một miếng bánh mì, một món trứng, dăm ba miếng giồi lạp, một cốc rượu vang, thế mà thôi, mà vừa ăn vừa đọc lại những mảnh giấy “nốt” đã biên chép đặc cả, như không để ý đến miếng ăn nữa. Lúc ấy bọn mình cũng ăn ở đấy, đương gọi nhà bếp đem món thịt cừu, nghĩ lại mà ngượng thay: ăn ngon cho sướng miệng mà óc cùng chẳng bằng người, thì cũng xấu hổ thật!…
Trong thư viện không những lắm sách kim, mà cũng nhiều sách cổ, không những chỉ có sách Tây phương, mà có cả sách Đông phương nữa: sách Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Tàu. Tôi có xem cái mục lục những sách Tàu, được hàng mấy nghìn bộ, mà có bộ tùng thư tới mấy nghìn quyển. Ở Paris mà muốn khảo cứu về Hán học, về chữ nho, cũng là thừa có tài liệu.
Nhà Đại Pháp Đồ thư chia ra bốn bộ phận lớn: 1. Sách in và bản đồ; 2. Tả bản (là những sách chép bằng tay, không có in) và các văn bằng cổ (manuscrits, chartes); 3. Mộc bản (estampes); 4. Huy chương và kỷ niệm bài (médailles et antiques).
Sách in ngót 4 triệu quyển; tổng mục lục các tên sách mới đến chữ G mà đã tới 57 quyển rồi.
Các tả bản thời chia ra: sách Đông phương 2 vạn rưởi quyển; sách Hi Lạp 4 vạn 960 quyển; sách La Mã 21 vạn 544 quyển; sách Pháp 45 vạn quyển; sách bằng các văn tự cận đại của Âu châu 4 nghìn quyển (vì đến cận đại thì nghề in đã thịnh, nên các tả bản ít dần đi); sách về lịch sử các châu quận nước Pháp 2530 quyển; các sách linh tinh 8 nghìn quyển. Cộng tới 11 vạn quyển, trong đó có đến vạn quyển có tranh vẽ và các kiểu chữ cổ đẹp lắm. Những sách này thật không đâu có, vì mỗi quyển chỉ có một bản mà thôi, quý giá vô cùng.
Số các mộc bản, vừa tranh vừa sách (estampes) có tới 250 vạn bản.
Các huy chương và kỷ niệm bài thời chia ra các thời đại và để vào trong tủ kính.
Nhưng gọi là đi lượt qua cho biết mà thôi, không có thì giờ xem nhất nhất cho tường được. Vả muốn vào mỗi bộ, lại phải có giấy phép riêng.
Tính mình thích khảo cứu các thư tịch, chỉ tiếc không được ở Paris này mà học suốt đời thì sướng biết bao nhiêu.
Hôm qua vào xem thư viện mất cả ngày. Sớm hôm nay mới có rảnh thì giờ lại thăm quan nguyên soái P., có giấy của một quý quan bên ta giới thiệu cho. Nguyên soái năm nay đã ngoại bảy mươi, nhưng người còn mạnh mẽ; ngài về hưu đã lâu và đã từng làm nghị viên mấy khoá. Trong khi chiến tranh, chính ngài làm chánh Hội đồng ủy viên coi về quân sự ở Hạ nghị viện, đã có công to trong khi bàn định về việc chiến hoà. Người ôn hoà, cẩn trọng và rất ân cần. Ngài hứa sẽ giới thiệu cho biết nhiều nhà chính trị có danh giá, thứ nhất là những ông nghị viên chuyên trị về việc thuộc địa và việc Đông Dương ta.

°

Thứ bảy, 20 tháng 5
Hôm nay thăm ông đốc trường Thuộc địa, ở đường Observatoire.
Mình phải làm một bài diễn thuyết ở trường này, nên phải đến tiếp chuyện ông để cùng ông định ngày. Ông này người nho nhã, chính là anh em thúc bá với ông nghị viên Nam kỳ, nhưng ông đốc coi có vẻ “trưởng giả” hơn ông nghị nhiều. Ông tiếp đãi một cách rất hoà nhã mà lại rất trịnh trọng, coi mình như một kẻ văn sĩ nước Việt Nam thật (không biết rằng cái giống văn sĩ Việt Nam đã có giá trị gì!) Ông nói rằng ông đã được giấy của Đông Dương kinh tế cục báo cho biết rằng mình sẽ diễn thuyết ở trường Thuộc địa, ông chỉ mong đợi được tiếp mặt để cho biết đầu bài và định ngày nào. Bèn nói đầu bài cho ông biết sẽ diễn về “Sự tiến hoá về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”, còn ngày diễn thời để tùy ông. Ông nghĩ một lát, rồi định vào chiều ngày thứ tư 31 tháng 5, mình cũng thuận như thế.
Nói chuyện xong rồi ông đưa đi xem cả nhà trường, qua các lớp học, vào phòng diễn thuyết, phòng đọc sách. Nhác trông thấy mấy thầy học sinh đi thấp thoáng, tự nghĩ bụng rằng những thầy này độ vài ba năm nữa tốt nghiệp lại sẽ sang bên mình làm quan cai trị đây. Bấy giờ bất giác hồi tưởng đến năm xưa có quen một ông phán nọ, hễ gặp quý quan nào cũng cúi đầu chào, hỏi sao thì ông đáp rằng: “Biết đâu đấy, ngộ nay mai người ta làm quan cai trị mà mình phải “sú-doóc” người ta thì làm sao?” Giá bụng mình cũng nghĩ như ông thì trông thấy các thầy học sinh ở đây phải ngả mũ chào cả mới là phải…
Buổi chiều lại thăm quan cai trị C. là chánh văn phòng của quan Toàn quyền, ở Kinh tế cục, nói chuyện cho ngài biết việc diễn thuyết của mình. Ngài lấy làm vui vẻ và có ý ân cần, dặn đi dặn lại rằng: “Phải nói cho “giỏi” (épatant) để cho người quý quốc biết người An Nam mới được!” Vẫn biết thế, giỏi thì cũng muốn giỏi thật, nhưng ngộ lực bất cập thời thế nào? Cũng xin cám ơn ngài đã có bụng kỳ vọng cho như thế, nhưng điều đó thì không dám cam đoan trước. Vả lại còn ngại một nỗi này: là mình lạ nước lạ non, đường đột đến diễn thuyết, ai biết mình là người thế nào? Chức tước thì không có, xưng là “chủ bút báo Nam phong”, ai biết báo Nam phong là cái “quái” gì? Hoặc diễn mà không nên thân, tất họ cho là thằng da vàng học chữ tây bất thông; diễn mà nghe được, có lẽ họ lại cho là đọc thuộc lòng một bài của người Tây nào làm gà cho. Khó quá, khó nghĩ quá! Ông C. thấy mình có ý ngại như thế, cười mà nói rằng: “Không ngại gì. Ông đốc trường Thuộc địa viết giấy bảo tôi giới thiệu ông bữa ấy. Tôi sẽ vui lòng lấy tư cách làm chánh văn phòng của quan Toàn quyền, lại lấy cảm tình riêng của tôi đối với ông mà giới thiệu ông cho thính giả. Vả tôi cũng là học trò cũ ở trường Thuộc địa, tôi đã quen cả…”.
Thế là mình yên tâm. Bây giờ chỉ còn hì hục viết cho xong mấy chục trang diễn thuyết, dẫu không được “giỏi” cũng mong rằng không đến nỗi “tồi” cho lắm.
Tối hôm nay cùng anh em đi đánh bữa cơm tàu. Ở Paris có hai nhà cao lâu Khách; vào ăn ở “Trung Hoa phạn điếm” đường Des Carmes. Bánh mì, rượu vang, thịt bò, thịt cừu mãi đã xót ruột, nay được bát cơm rang, bát canh thịt, vài món sào tàu, ăn thật thấy ngon! Vào ăn đây phần nhiều là học sinh Tàu và mấy người Tây người đầm hiếu kỳ muốn nếm đồ ăn Tàu, nhiều người thì ăn bằng thìa dĩa, nhưng có người muốn tập cầm đũa, trông buồn cười quá. Họ thấy mình cầm đũa dẻo quẹo, và nhanh thoăn thoắt, họ lấy làm kinh dị lắm, nức nỏm khen thầm với nhau, như trông một lũ leo dây múa rối làm những trò kỳ lạ vậy. Ừ, mà mình quen tay quen mắt đi không biết, chứ người ngoại quốc họ trông thấy mình chỉ có hai chiếc đũa mà gắp gì cũng được, dung dị như không, nghĩ cũng lạ thật!

°

Chủ nhật, 21 tháng 5
Ông C. trước ở bên An Nam cũng là một người Tây tốt, thường ân cần giao tiếp với người mình. Nên khi sang đến Marseille, mình có viết thư lên Paris hỏi thăm, lại khi lên Paris có điện cho biết trước. Tới nơi lấy làm lạ, không thấy ra ga đón. Ông ở bên ta vốn là người cẩn thận lắm, không hề sai hẹn bao giờ: có lẽ không tiếp được điện chăng? Mấy bữa sau đến chỗ ông làm hai ba lần, lần thì người ta bảo ông đi vắng, lần thì người ta trả lời có ý nhạt nhẽo, tựa hồ như cái lệ trong sở làm không muốn cho người làm ra tiếp khách mất thì giờ. Mãi đến lần sau mới gặp, thì xét ra khác khi xưa, không có ý vồn vã như trước, lại có nét mặt như bẽn lẽn, bấy giờ mới hiểu rằng từ ngày ông về đây cũng là làm việc nhỏ mọn ở sở này, không được phong lưu sang trọng như bên mình, nên trông thấy anh em cũ có ý thẹn. Ông nói thoái thác rằng ông nhận được điện chậm quá, không thể đi đón kịp, nhưng mình đã hiểu ý rồi. Nghĩ cũng ái ngại thay, vì ông vốn bụng tốt, không phải kiêu căng làm bộ như ai: ở bên An Nam thì nghiễm nhiên làm một ông chủ, lên xe xuống ngựa, sung sướng biết bao, về đây làm một chân thư ký hay kế toán ở công ty này, lương nhiều lắm là bẩy tám trăm quan một tháng, lấy đâu nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ như khi xưa? Thôi thời cũng an phận, vì cách sinh họat ở “mẫu quốc” đây có phần eo hẹp hơn ở “thuộc địa”, nhưng ngờ đâu lại có anh An Nam sang tận đây mà cố đến tìm mình ở tận chỗ này! Nghĩ cũng hơi ngượng thật. Nhưng ông cũng cả thẹn quá, chứ mình có ý tò mò hay thóc mách gì đâu, chỉ là vì tình thật muốn cố đến thăm ông mà thôi. Vả mình cũng là người hiểu biết, có lạ gì những sự “đổi cảnh” khi ở quý quốc sang bên ta hay khi ở bên ta về quý quốc như thế, có ai lại cười ai về sự đó…
Hỏi phu nhân và cậu con trai thì nói về quê ở, vì ở Paris này tốn kém lắm. Ông ở đây chỉ thuê một cái buồng khách sạn, ở chung với một người “bạn” gái, chắc là cô đi khâu đi khiếc gì đó. Ông định hôm nay là ngày chủ nhật cùng anh em họp mặt một bữa cho vui vầy. Mời ăn cơm trưa cùng với cô “bạn” ông, rồi thuê taxi (là xe ôtô hàng) đi chơi mấy vòng trong rừng Boulogne, lại mời vào hoa viên uống vài cốc nước mát. Một buối này cũng phí mất hơn trăm quan, ở bên An Nam thì chẳng coi vào đâu (vì có 10, 15 đồng bạc), nhưng ở đây kể cũng là một món to vậy.
Buổi chiều bọn mình mời lại ông và “cô” ăn cơm tàu ở cao lâu khách [17].

°

Thứ hai, 22 tháng 5
Lại còn một bài diễn thuyết ở trường dậy tiếng Đông phương nữa. Mình đã hứa tự Marseille để lên đây sẽ diễn thuyết ở trường ấy về vấn đề tiếng An Nam, không nghĩ rằng nói về tiếng An Nam ở đây thì ai là người hiểu mà ai là người nghe. Nhưng đã nhận lời cũng phải y lời. Vậy hôm nay đến thăm ông Paul Boyer là Chánh đốc trường Đông phương Bác ngữ (Ecole des langues orientales) để định ngày diễn thuyết. Nhà trường đã sắp nghỉ hè, và bài diễn thuyết này cũng chỉ để riêng cho mấy người học sinh chuyên trị tiếng An Nam mà thôi, vậy định làm ngay ngày thứ sáu 26 tháng 5 này.
Ông đốc này người đã có tuổi, coi đạo mạo lắm, rõ ra một tay bác học. Xét ra trường Đông phương Bác ngữ này chuyên dậy cả các thứ tiếng ở Đông phương, vừa về Cận Đông, vừa về Viễn Đông. Trường lập từ năm 1795, xưa nay có tiếng, bao nhiêu những tay chuyên trị tiếng Đông phương giỏi ở nước Pháp trong ngót một thế kỷ rưỡi nay là xuất thân ở đây cả. Khoa tiếng Tàu và chữ nho hiện nay là ông Vissière dậy, bao nhiêu những người muốn đi làm thông ngôn, làm Lãnh sự ở Tàu phải học qua. Khoa tiếng An Nam thì trước ông Deloustal, nay ông Pazyluski dậy, có một ông trợ giáo người An Nam, trước là ông Phan Văn Trường, nay là ông Dương Văn Giáo (người lục tỉnh). Còn nhớ hồi năm 1909, trường Bác Cổ Hà Nội đã cử mình sang làm chức trợ giáo ấy, nhưng bấy giờ mới lấy vợ, không chịu đi! Giá nhận đi hồi ấy, thì trường Bác Cổ không đề cử ông Phan, và sự nghiệp mình có lẽ lại xoay ra một phương diện khác. Thế nào gọi là thê tróc tử phọc!…

°

Thứ ba, ngày 23 tháng 5
Thăm ông M. là Chánh đốc trường Bác Cổ trước. Ông từ đầu năm 1914 về nghỉ bên Pháp, rồi gặp sự chiến tranh, từ đấy không trở lại bên ta nữa. Chính ông năm xưa (1908) đã đem mình vào làm việc trường Bác Cổ. Còn nhớ hồi bấy giờ mới thi tốt nghiệp ở trường Bảo hộ ra, ông làm Chánh chủ khảo khoa thi ấy. Mình đỗ đầu, đương khét tiếng là “cậu thủ khoa tây”! Thậm chí có người nói: - Lương Ngọc [18] có đất thật, thi chữ tây cũng đỗ thủ khoa! Các cậu học sinh trường Bưởi bây giờ, nghe nói thế chắc không khỏi buồn cười, nhưng phải biết rằng hồi bấy giờ mới đặt ra thi diplôme, trong dân gian còn lấy làm trọng lắm, trọng hơn là thi Cao đẳng bây giờ. Thôi, cậu nào mới đỗ ra là coi như ông cử ông tú ngày xưa, trong nhà tâng nhau lên, làng xóm tâng nhau lên, bạn bè bốc nhau lên, các cậu lại càng phỉnh mũi, coi người bằng nửa con mắt! Thủ khoa, mà lại thủ khoa tây, thì còn trời nào biết đâu mà dò sức học hành ra thế nào nữa! Nói cho công bằng thì mình bấy giờ còn nhỏ dại quá, cũng chưa biết làm bộ làm tịch như các cậu tân khoa khác, lại thật thà hiền lành, đến nỗi anh em đã đặt tên cho là “anh lý nhà quê”! Thủ khoa tây mà chữ nho chỉ biết viết nổi hai chữ tên, còn thời mù tịt cả. Kỳ thi có một bài Hán tự dịch ra chữ tây (còn nhớ đâu là một bài trong sách Tân quốc văn của Tàu đề là Ôn Tuyền) dịch giỏi đến nỗi chấm được một nửa điểm (1/2)! Đáng thì phải 0, hỏng “toẹt” không được đỗ, vì dịch sai cả, làm hẳn một bài chữ tây khác, không giống gì nguyên văn chữ Hán cả. Nhưng may ông Chánh chủ khảo có bụng nhân từ, xét các bài khác được cả, làm ơn cho lên nửa điểm cho khỏi hỏng, lại đến khi cộng “nốt” quyết cho đỗ thủ khoa, ơn ấy không bao giờ quên vậy. - Sau này vào làm việc với ông ở Bác Cổ, gia công học Hán tự trong mấy năm, những khi ông đưa cho dịch các sách nho ra chữ tây, ông thường tủm tỉm cười nhắc lại cái nửa điểm chữ nho khi đi thi. Ông làm việc có tính nghiêm khắc, nhưng biết người, và đối với mình cũng có bụng yêu, nên vẫn nhớ, định lên Paris tìm cho được nhà vào thăm.
Gặp ông lấy làm vui vẻ lắm. Người vẫn phì nộn như xưa, duy hơi có vẻ già một chút. Trong khi chiến tranh ông làm việc ở bộ quân lương, coi việc thu thập và vận tải các lương hướng cho quân lính: nhân đó, từ khi chiến tranh xong, có ý xoay về đường thực nghiệp. Tôi hỏi ông còn có nghiên cứu về Đông phương, và thứ nhất là về khoa Nhật Bản học là chuyên khoa của ông, nữa không? Ông nói rằng hiện không có thì giờ, nhưng các sách vở mới xuất bản ở Nhật Bản ông vẫn nhận được luôn, khi nào rảnh lại làm việc khảo cứu, không có ý bỏ hẳn. Nói đến chuyện mình, ông cũng mừng cho nay đã có một cái địa vị nhỏ trong xã hội An Nam, nhưng lại có ý tiếc rằng không ở trường Bác cổ, mà chuyên trị về khoa cổ học nước Tàu nước Nam, vì ông xét ra mình cũng có tư cách riêng về đường khảo cứu. Điều đó, tự riêng mình đã nhiều khi có ý tiếc, vì tính mình vốn ưa khảo cứu sách vở, lại không có cái chí gì về đường công danh sĩ hoạn cả, tưởng giá cứ làm bạn với quyển sách để tiêu dao ngày tháng lại yên ổn hơn. Vả đương giữa lúc quốc dân nhiệt thành về Âu hoá, đem những chuyện cũ, việc cũ, cái tinh thần cũ, cái lý tưởng cũ của Đông phương mà bàn bạc, mà nhắc lại cho người mình biết, tưởng cũng là một sự hay. Song nghĩ đi thì thế, mà nghĩ lại nước nhà còn đương buổi nhu tài [19], các việc công ích còn cần phải có người cổ động, dữ kỳ [20] an thường thủ phận mà làm một nhà khảo cứu có lẽ không bằng khua môi múa mép mà làm một nhà ngôn luận, dẫu “bí beng” chẳng ăn thua gì, nhưng cũng khiến cho xã hội có cái vẻ hoạt động một chút… Mình trả lời thế, ông cũng hiểu thế, song vẫn có ý hoài nghi một chút, và tự mình có lẽ cũng chưa chắc hẳn rằng chọn đường ấy là phải, là hợp với cái tính cách đạm bạc của mình.
Nói chuyện với ông giờ lâu rồi mới lui về. Ông hẹn ngày mai đến ăn cơm trưa để nói chuyện thêm nữa.
Trời hôm nay nắng nực quá, mùa hè ở Paris mà không khác gì mùa hè ở bên ta. Ông ăn mặc quần áo trắng, khi tiễn ra cửa, trông thấy trời nắng chang chang, cười mà nói rằng: “Tôi mặc thế này là theo lối bên An Nam, chứ ở đây nắng đến thế nào cũng không ai mặc trắng. Cứ thế này mà ra ngoài phố, người ta cho là dở hơi, và cười chết mất!” - Mà thật thế, tôi có ý nhận ngoài đường phố không ai mặc áo trắng, đội mũ trắng cả. Song lại nhận ra cái nắng này tuy nóng nực thật, nhưng không có gay gắt như bên ta: nắng ôn đới có khác!
Buổi chiều đến thăm ông Chánh sở Đông Pháp Kinh tế cục. Tự bữa đến Paris, hôm nay mới được tiếp mặt, cũng là theo lệ thường đến chào cho phải phép. Ông này hàm Thống sứ ở bên mình. Tiếp đãi ân cần, nhưng vẫn có cái vẻ quan đại hiến lắm, trong sự ân cần ấy có cái ý che chở cho kẻ dưới vậy. Mình không thể không cảm ơn ngài có bụng như thế.
Đi thăm hai chỗ thế là hết cả ngày.
Tối đến, cơm rồi, ngao du phố phường mãi đến khuya mới về trọ. Buổi tối mát, đi ngoài phố xem người, ngắm cảnh, sướng lắm. Đường đây lát bằng đá cả, xe ngựa đi không có bụi, không phải cái khổ “trần ai” như ở Hà Nội mình về mùa này.
Ngày hôm nay trời lại nóng dữ hơn hôm qua. Chỗ không có nắng, hàn thử biểu cũng lên tới 36 độ.
Ăn cơm trưa ở nhà ông M., đường Blanche, nói chuyện bên ta. Ông ở về từng thứ hai, ba bốn phòng lớn lịch sự. Ở Paris mà dọn được chỗ ở thế này là vào bậc phong lưu rồi.
Đi đến đường Blanche, qua một nơi công trường, ở giữa có nhà thờ Trinité, làm theo kiểu đời Phục hưng, hiện cái tháp chuông đương chữa, bắc gióng kín cả, không thể vào xem được. Ở đường Blanche này cũng không có gì lạ, chỉ có một sở câu lạc bộ lớn gọi là Casino de Paris, mặt trước lại ở về đường Clichy và mới bị cháy to.
Ở nhà ông M. về, đóng cửa ngồi hầm trong buồng viết bài diễn thuyết cho trường “Đông phương Bác ngữ”.

°

Thứ năm, 25 tháng 5
Hôm nay cũng ngồi hầm ở nhà để viết cho xong bài diễn thuyết. Sang đến đây mà phải bó chân ngồi một chỗ làm cái nghề “vẽ voi” như ở nhà, thật cũng buồn quá. Không biết ông Tây nào đã có nói một câu rằng: “ở đời không có cảnh gì khổ bằng một cái đầu trống không ngồi đối với một mảnh giấy trắng xoá”. Chắt óc cho thành chữ, cái khổ ấy là cái khổ hằng ngày của mình ở nhà, tưởng tránh được xa mà sang đây, ai ngờ sang đến đây cũng lại phải bưng đầu không ngồi trước mảnh giấy trắng! Tôi lấy làm khen thay những người làm văn chương trôi như nước chảy, gặp chuyện gì viết cũng được, dễ dàng như không. Tôi thì phải cái tật hễ trong óc không có gì, không tài nào nặn ra chữ được, không thể nào viết phiếm cho đầy giấy được. Muốn nói chuyện gì thì phải nghiền ngẫm kỹ, như “ngấu nghí” trong óc rồi mới xuất ra lời văn được, cho nên văn mình có ý khắc khổ mà không được lưu loát như văn người ta. Nhưng có lẽ được cái thành thực, không dám “nói láo”, không dám ‘loè” ai bao giờ. Cũng bởi thế nên vụng lối văn du hí, văn thù tạc, và những giọng ngâm phong, vịnh nguyệt thì thật không biết làm bao giờ. Chỉ biết bụng nghĩ thế nào nói thẳng ra như thế, nhưng phải trong óc có gì mới nói được, không có óc trống rỗng mà cũng cố nặn ra câu văn bóng bẩy như người ta được…
Tối đi ăn cơm tàu với ông B., ở Kinh tế cục.

°

Thứ sáu, 26 tháng 5
Thôi, thế là thoát nợ. Còn mấy trang diễn thuyết, tối hôm qua viết nốt rồi, thế là ngày hôm nay được thư thả đi chơi.
Định lên ăn cơm trưa trên tháp sắt Eiffel. Mất năm quan một người, đi thang máy lên tận từng thứ ba trên đỉnh tháp, đứng đấy trông được hết cả thành Paris. Sẵn có hộp giây thép, có bút mực, mua mấy cái cartes postales viết mấy chữ về thăm nhà, dưới đề là: “Viết tự 300 thước cao trên thành Paris”! Trẻ ở nhà nhận được thư có lẽ tưởng rằng khó nhọc nguy hiểm lắm mới lên được cao như thế, lo thay cho khách du lịch bạt thiệp [21] gian nan! Có biết đâu rằng khách du lịch chẳng phải động đến gót chân, cứ đứng vào trong thang máy là tự khắc từ từ lên hết từng ấy đến từng khác, rồi lại từ từ xuống như thế, chỉ khác khi lên thì càng lên các nhà cửa đường phố càng nhỏ tít đi như sợi tóc, mà khi xuống thì càng xuống càng to dần ra. Tháp có ba từng, xem đến từng cao nhất rồi thì xuống từng dưới cùng (cũng cách đất đến 60 thước) ăn cơm; từng này rộng lắm, như một cái phố nhỏ, có cao lâu, khách sạn, nhà cà phê, nhà hát, nhà nhẩy đầm, hàng quán bán những đồ vật kỷ niệm, như tranh, ảnh, sách, ống nhòm, v.v… - Ăn cơm đây mất mỗi người 12 quan, cũng lịch sự lắm.
Xét ra tháp Eiffel này là cái công trình kiến trúc cao nhất trong thế giới. Tháp Woolworth BuildingNew York cao 229 thước, thạch bi [22] Ai Cập ở Washington cao 160 thước, mà tháp sắt Eiffel này cao tới 300 thước. Do ông kỹ sư Eiffel nghĩ kiểu đốc công dựng lên, bắt đầu ngày 28 tháng 01 năm 1887, đến ngày 31 tháng 3 năm 1889 mới hoàn công, nặng 7 triệu cân tây, có 1 vạn 2 nghìn mảnh sắt nối lại với nhau bằng 2.500.000 cái ốc lớn nặng cả thảy là 45 vạn cân; bốn chân mỗi chân to là 26 thước vuông, chôn sâu xuống đất từ 9 thước đến 14 thước. Tháp có ba từng, từng dưới cách đất 57 thước, từng giữa cao 115 thước, từng trên cao 275 thước, còn từ đấy lên đến trên ngọn 300 thước có một sở vô tuyến điện, nhưng không được lên xem. Sở vô tuyến điện ấy cũng mới đặt từ khi có chiến tranh đến giờ. - Nghĩ cái chí người Tây họ cũng hùng thật: bỗng dưng làm một cái tháp sắt ngất trời mà chơi! Chẳng bù với người mình chơi cây uốn với chơi non bộ!…
5 giờ chiều diễn thuyết ở trường Đông phương Bác ngữ. Được chừng mươi mống đến nghe! Nói về vấn đề “Sự tiến hoá của tiếng An Nam” thì thuộc về chuyên môn quá, cả thành Paris dễ không được mười người chuyên trị tiếng An Nam. Nhưng diễn thuyết ở trường dậy tiếng Đông phương mà không diễn về ngôn ngữ học thì diễn về cái gì? Nói về một chuyên khoa thì không mong có nhiều người nghe được. Vả chủ ý mình là mượn cuộc diễn thuyết này và mượn cái thanh thế của trường Đông phương Bác ngữ để làm một bài kể về cái tình trạng của tiếng An Nam thế nào và nói rõ cho thiên hạ biết rằng tiếng An Nam không phải là hèn mạt gì, cũng có cơ tiến hoá được, rồi cho đăng báo cho người Tây họ biết, kẻo có nhiều người ở bên ta quen miệng cứ công kích tiếng ta oan quá…
Tuy có ít người như thế, nhưng xem ra họ cũng chú ý nghe, lấy cái vấn đề tiến hoá tiếng An Nam làm một điều quan hệ [23] nên khảo cứu.

[1]talawas: trong tác phẩm đã in, phần này vẫn được đánh số là VII, có lẽ do nhầm lẫn?
[2]Mặt trời nghỉ liền có mặt trăng đỡ, ý nói cái nọ dựa vào cái kia.
[3]Nói tắt chữ nhà trọ.
[4]Đường thông bốn ngả.
[5]Quảng trường Cộng hòa.
[6]Có phần.
[7]Đây không có nghĩa là hào nhoáng rực rỡ, mà nhằm ý khoe khoang.
[8]Tức buổi giao thời, cái cũ chưa đi, cái mới chưa tới.
[9]Trò chẹt: như học trò nói chung. Đồng giao có câu: học trò, học chẹt…
[10]Đốt hương lên mà mong mỏi.
[11]Vẽ nên.
[12]Mạnh mẽ, quả quyết.
[13]Ngày nay hay gọi là Thư viện quốc gia.
[14]Y như.
[15]Người có lòng nhân.
[16]Lĩnh: nhận lấy; trưng là vời đến; lĩnh trưng nghĩa như nhận thầu.
[17]Tức là cửa hàng của người Trung Hoa.
[18]Quê tác giả.
[19]Nhu tài: cần người tài.
[20]Nếu như.
[21]Đường đi khó khăn.
[22]Bia lớm làm bằng đá.
[23]Có ý nghĩa quan trọng.