Dịch giả: Minh Đăng Khánh
Lời tác giả

LAGHIN LADARI IÔXÍP (1903-1979): Nhà văn Xôviết, Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1920. Các tác phẩm chính: truyện cổ tích hiện đại cho trẻ em. Ông già Khốttabít (1938), tiểu thuyết giả tưởng Atavia Prôxima (1956), Người xanh (1966)...
(trích Từ điển BÁCH KHOA TOÀN THƯ LIÊN XÔ, Mátxcơva, 1983)
Sáng tác của L. Laghin đặc sắc và độc đáo. Trong các tác phẩm của ông, tính sắc sảo trào lộng kết hợp chặt chẽ với tính xác thực của vấn đề được miêu tả. Tính giả tưởng và tính hiện thực ở các tác phẩm của ông gắn bó hữu cơ với tính giản dị có sức thuyết phục và tính tự nhiên.
(trích lời giới thiệu L. LAGHIN TUYỂN TẬP, NXB Văn học nghệ thuật Mátxcơva, 1975)
“Ông già Khốttabít” (1938-1955) được in nhiều lần ở Liên Xô trước đây và ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, đồng thời được dựng thành phim. Hai từ “Cụ Khốt” quen thuộc ở ta bắt nguồn từ tác phẩm này.
Bản dịch tiếng Việt “Ông già Khốttabít” được NXB Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh), in lần thứ nhất năm 1984, NXB Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1985, NXB Cầu Vồng (Mátxcơva) hợp tác với NXB Kim Đồng (Hà Nội) tái bản năm 1990...
LỜI TÁC GIẢ
Trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm có “Chuyện người đánh cá”. Khi kéo lưới từ dưới biển lên, người đánh cá nọ thấy trong lưới có một cái bình bằng đồng, trong bình lại có một ông thần cao lớn, người Arập gọi là “gin” (1). Ông thần này bị giam cầm trong cái bình ấy gần 2.000 năm. Ông ta đã thề sẽ đem lại hạnh phúc cho ai giải thoát được ông ta: làm cho người đó trở nên giàu có, mở cửa tất cả các kho báu trên trái đất cho người đó, làm cho người đó trở thành một xuntan (2) hùng mạnh nhất trong tất cá các xuntan và ngoài ra còn thỏa mãn ba điều ước của người đó.
Hay chẳng hạn, truyện “Alađanh và cây đèn thần”. Một cây đèn cũ kỹ tưởng chừng chẳng có gì đáng chú ý, có thể nói rằng đó chỉ là một thứ đồ vứt đi. Ấy thế mà chỉ cần miết ngón tay vào cây đèn là bỗng nhiên một ông thần từ đâu đó hiện ra và thỏa mãn bất kỳ điều ước nào của người chủ cây đèn, kể cả những điều ước phi lý nhất. Các bạn muốn thưởng thức những đồ ăn, thức uống cực kỳ hiếm có ư? Xin mời! Các bạn muốn có những cái rương chất đầy vàng và đá quý ư? Xin sẵn sàng! Các bạn muốn có một cung điện nguy nga tráng lệ ư? Xin có ngay! Các bạn muốn biến kẻ thù của các bạn thành một dã thú hoặc một con vật bò sát ư? Xin hết sức vui lòng!
Cứ để cho ông thần ấy tùy ý trao tặng vật cho người chủ của mình thì những cái rương quý báu kia lại hiện ra tới tấp và những cung điện nọ cua các xuntan lại biến thành của riêng cho người chủ dùng.
Theo quan niệm của các ông thần trong truyện cổ tích và theo những điều ước mà họ đã thỏa mãn trong truyện ấy thì đó chính là niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất của con người, một niềm hạnh phúc mà người ta chỉ có thể mơ ước mà thôi.
Hàng trăm và hàng trăm năm đã trôi qua từ khi những truyện cổ tích đó được kể lần đầu tiên, song những quan niệm về hạnh phúc vẫn còn gắn rất lâu với những cái rương chất đầy vàng và kim cương, với quyền lực đối với người khác. Và cho đến tận nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhiều người vẫn đang gắn quan niệm hạnh phúc với những thứ như vậy.
Ôi, những con người đó chỉ ước mơ sao chính cái ông thần bị giam hãm lâu ngày trong truyện cổ tích kia hiện đến với họ cùng những cung điện và những châu báu của mình! Dĩ nhiên, họ nghĩ rằng bất cứ một ông thần nào bị giam cầm tới 2.000 năm cũng phải lạc hậu đôi chút so với cuộc sống. Và có thể cái cung điện mà ông ta trao tặng sẽ không hoàn toàn tiện nghi theo quan điểm của những thành tựu kỹ thuật hiện đại. Quả là so với thời quốc vương Hồi giáo Harun An Rasít (3) khoa kiến trúc đã tiến bộ quá chừng! Đã xuất hiện những phòng tắm, những thang máy, những cửa sổ lớn đầy ánh sáng, hệ thống sưởi bằng hơi nước, ánh sáng đèn điện.., Nhưng thôi được, cũng chẳng nên chê ỏng chê eo làm gì. Cứ mặc cho ông thần ấy tặng những cung điện tùy theo ý thích của ông ta. Chỉ cần có những cái rương chất đầy vàng và kim cương là tuyệt rồi, còn mọi thứ khác rồi ắt sẽ có thôi: nào là sự tôn kính, nào là quyền lực, nào là những món ăn, nào là cuộc sống sung sướng, nhàn hạ của một kẻ vô công rồi nghề thường coi khinh tất cả những ai sống bằng các thành quả lao động của mình. Với một ông thần như vậy, có thể phải chịu đựng đủ thứ chuyện bực mình. Và cũng chẳng sao, nếu ông ta không biết nhiều quy tắc sinh hoạt công cộng hiện nay và những cử chỉ thanh lịch, nếu ông ta thỉnh thoảng lại đặt bạn vào một tình cảnh trớ trêu. Những con người ở cái nước tư bản chủ nghĩa đó sẽ tha thứ mọi chuyện cho ông thần có thể quăng ra những cái rương chứa đầy châu báu...
Thế nhưng sẽ ra sao nếu một ông thần như vậy bỗng nhiên rơi vào đất nước chúng ta, nơi có những quan niệm hoàn toàn khác về hạnh phúc và chính nghĩa, nơi quyền lực của bọn giàu có đã bị xóa bỏ vĩnh viễn từ lâu, nơi chỉ có lao động lương thiện mới mang lại cho con người hạnh phúc, sự kính trọng và vinh quang?
Tôi cố hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu một chú bé Liên Xô bình thường nhất - ở đất nước xã hội chủ nghĩa hạnh phúc cua chúng ta có hàng triệu chú bé như thế! - giải thoát được một ông thần khỏi cái bình đã giam cầm ông ta.
Và bỗng nhiên, các bạn thử tưởng tượng xem, tôi biết được rằng chú bé ấy tên là Vônca Côxtưncốp, trước kia ở cùng với chúng tôi tại Ngõ Ba Ao và chính chú bé Vônca Côxtưncốp ấy đã lặn giỏi nhất ở trại hè năm ngoái... Nhưng tốt hơn hết, các bạn hãy để cho tôi kể lại mọi chuyện theo thú tự.
---
(1) Vị thần lửa nhiều mặt trong truyện thần thoại và truyện cổ dân gian của các dân tộc theo đạo Hồi - N.D.
(2) Quốc vương Hồi giáo - N.D.
(3) Harun An Rasít (763 hay 766-809): Quốc vương Hồi giáo nổi tiếng trong triều đại Abátxít (750-1258). Hình tượng Harun An Rasít được lý tưởng hóa trong tác phẩm Nghìn lẻ một đêm - N.D.