Phần sáu

KHOE
THẠNH
Ngày Xưa, khi có ai hỏi con bố bạn làm nghề gì, bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm nhiều hơn để nuôi con ăn học sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt và lấy chồng, mỗi lần khách đến chơi câu đầu tiên bố thường nghe con khoe ''Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận''. Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố.
CHUYỆN ĐỜI
NGUYỄN XUÂN HOANG
Học chung với nhau từ mẫu giáo đến đại học, họ thân nhau đến độ ruột mấy khoanh biết hết.
Ra trường, anh dạy học, Q theo nghiệp thương trường.
Ra đường có khi gặp anh, Q ngó lơ. Vợ nổi quạu, anh bảo: “Q đang gặp thời!”.
Q từ trưởng phòng nhảy lên phó rồi giám đốc công ty lớn.
Đột nhiên Q đến chơi nhà, nhắc lại bao kỷ niệm xưa. Anh thầm nghĩ: “Hắn đang gặp nạn!.”
Mấy hôm sau truyền hình đưa tin Q bị bắt khẩn cấp, nhà cửa bị niêm phong.
NƯỚC MẮT
MẠNH HÙNG
Ba vốn chỉ huy quân đội, tính cương nghị. Ba dạy: ''Con trai không được khóc, khóc là yếu mềm''.
Đi học bị bạn đánh, không đủ sức chống lại, một vết bầm ở mắt. Chạy vội về nhà, thấy ba đứng trước cửa, tôi thinh lặng, cúi đầu bỏ đi.
Ngày nhập ngũ, mẹ khóc rất nhiều, còn ba thì không. Tôi nhìn ba, nhìn mẹ, rồi ra đi, không khóc.
Chiều nay bên quan tài mẹ, ba đứng lặng yên, cúi đầu, rồi đưa tay rút khăn mùi xoa. Ba khóc. Tôi nhìn ba, nhìn quan tài mẹ, mắt cay xè.
THẰNG ÚT
MẠNH - HÙNG
Nhà có ao cá, mỗi lần muốn bắt, má lại nói đợi thằng út về rồi tát luôn. Nghĩ thương má nên thôi.
Những ngày cuối năm, anh em gặp nhau muốn lai rai một chút. Nhà có bầy vịt nhưng má nói, đợi ít bữa thằng út về. Má nói thấy thương, lại thôi.
Chiều 30 tết, má đứng ngồi không yên, rồi lại lân la ra đầu ngõ, mãi đến tối mịt mới về. Má đưa tấm giấy cho anh hai bảo là thư thằng út. Anh Hai thắp đèn đọc, chỉ vài hàng xin lỗi vội vã.
SỢ
MẠNH HÙNG
Thấy đồ chơi đẹp, con sung sướng chỉ tay muốn ba mua cho. Ba trừng mắt nhìn, không nói.
Con sợ quá, quay lưng im lặng.
Đi học bị bạn đánh, về nhà tủi thân, đứng vào xó khóc. Ba nhìn thấy, trừng mắt quát lớn. Con sợ quá, im luôn.
Kinh tế khó khăn, ba càng trở nên nóng tính hơn. Lo nghĩ nhiều, ba mất sức. Nằm trên giường bệnh, má lặng lẽ chăm sóc cho ba. Thấy thương, con bưng cho ba tô cháo. Ba quay lại nhìn, run quá, con đánh rơi.
MỒ CÔI
NGUYỄN VĂN HÙNG
Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: - Giá như mẹ đừng ''đi xa'', thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói: - Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: - Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...
KHOẢNG CÁCH
HOA HUYỀN
Lúc còn đi bộ nó thường cho tiền người ăn xin ngồi lết bên lề đường. Rồi nó có xe đạp, việc dừng lại để cho tiền dường như là chuyện kỳ kỳ. Nó vờ bận rộn, đạp xe nhanh hơn khi đi ngang qua ông nhưng lòng áy náy. Bây giờ chạy xe Dream, mắt phải tập trung nhìn về phía trước hơn, nó không còn nhìn ông nữa, cảm giác bị cắn rứt cũng không còn. Thỉnh thoảng thấy ông, nó nhủ: ''Thôi, để người đi bộ cho''.
VÔ TÂM
NGUYỄN NGUYỄN LƯU HUỲNH
Ngày còn nhỏ, tôi thường được dì - dượng kề về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lúc ấy cả hai người đều thích...
Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì - dượng.
Người bạn gái đi cùng bỗng hỏi: “Ba mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?”
Tôi chợt giật mình. Tôi có vô tâm lắm không khi mà tôi cũng chẳng biết được ba mẹ tôi thích điều gì nhất!
CU LÌ
NGUYỄN HỶ
Cu lì năm nay lên hai. Nó đang nói bập bẹ một vài tiếng. Tính nó ngang bướng và hay khóc khi gây lộn với chị. Mồi lần như thế, mẹ nó quát:
“Im đi, nhịn nhau không được hả!”.
Hôm nọ, bố mẹ Cu Lì cãi nhau. Mẹ nó khóc sụt sùi. Cu lì hét lên với giọng ngọng nghịu:
''Im... i, nhịn nhau... ông... ước ha?''.
CHA TÔI
NGUYỄN HỶ
Thằng cu Út, con tôi bướng bỉnh và nghịch ngợm. Nó được ông nội rất cưng và nuông chiều.
Tôi thường nhắc với vợ: ''Không nên đánh nó trước mặt ông''.
Một hôm ông tâm sự với vợ chồng tôi:
"Mấy con phải đánh cho nó sợ, kẻo sau này nó hư đấy''.
Chiều hôm sau, nó lại nghịch, vợ tôi quất cho nó một trận. Ông chẳng nói một lời bỏ đi ngủ sớm. Hình như ông giận.
CHIA TAY
NGUYÊN KHANG
Gởi Anh...
Một năm trước hai đứa nói chia tay. Miệng thì nói thế mà nhất cử nhất động gì của nhau cũng biết. Có khi điện thoại reo lên: ''A lô, em ơi! Anh xỉn quá!''. Hay như chuyện bất ngờ: ''Anh ơi! Xe em mất tiêu rồi!''.
Rồi một ngày điện thoại cũng reo lên: ''Em ơi! Anh có người khác rồi. Cô ấy tội nghiệp lắm!''. Em như người bước hụt chân. Như mất đi một phần cơ thể. Sáu năm trời bên nhau, vui buồn lẫn lộn. Sáu năm có anh. Những tháng ngày tới em biết gọi ai?
HƯƠNG BƯỞI
NGUYỄN GIA KHANH
Ngoại mất. Lo hậu sự xong, mẹ ngồi tóc rối khóc thương ngoại, vun lại gốc bưởi trước sân ngả rạp vì mấy ngày tang.
Giỗ đầu ngoại, tôi theo mẹ về ngôi nhà mái ngói âm dương cũ kỹ. Mộ ngoại phủ kín cỏ xanh giữa bông bưởi trắng ngần.
Đêm trăng, bên thềm mẹ gói bánh cúng ngoại, kể chuyện ngày con gái vẫn hái bông bưởi gội thơm tóc dài óng mượt.
Cay mắt tôi nhớ, sinh thời ngoại cứ bền lòng không chịu theo mẹ về bên chợ.
Hương bưởi đã giữ ngoại mãi với đất quê.
NGHỈ LỄ
NGUYỄN TUẤN KIỆT
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: ''Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng... đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ''.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ đón nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: ''Vậy là Tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nũa...''.
BÁNH KEM CHÁY
QUÂN THIÊN KIM
Sinh nhật bạn, không được mời, em buồn xo. Hôm sau tan học về, manh áo cũ sờn của em rách toạc, mặt rướm máu. Chị hai, em òa khóc nói bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem. Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem.
Chị nghỉ học lên thị trấn. Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có một bông hồng. ''Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem''.
Em ăn ngon lành. Mắt chị ngấn lệ. Cái bánh cháy chủ bỏ, chị đã lén bắt bông hồng tặng em.
KỶ VẬT
PVL
Ngày sơ tán, tôi chỉ mang theo ruột tượng gạo và chiếc áo bờ lu vải tám. Chiếc áo theo tôi suốt chiều dài đất nước, chia sẻ sự sống cùng cái chết. Sau tiếp quản vài năm, tôi cất kỹ vào đáy tủ.
Hôm qua, phát hiện chiếc áo nằm co rơ trong yên xe bẩn thỉu, tôi la toáng lên:
- Đứa nào lấy áo bố lau xe?
- Tôi đấy, vợ tôi nói vọng ra từ phòng khách, của nợ đó để chi thêm chật tủ!
Bóp chặt chiếc áo trong tay, ngẩn ngơ hoài, không biết cất vào đâu.
KIẾP SAU
THANH LAM
Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở:
- Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.
Ứa nước mắt, người chồng nói:
- Không thương bà, sao có được bốn mặt con. Đứa lớn gần 40, đưa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.
Người vợ còn sụt sùi:
- Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!
Người chồng (giọng kiên quyết):
- Được đầu thai lên, tôi cũng cứ tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà.
Tối, họ đưa nhau đi xem phim: ''Anh vẫn yêu em''.
VÔ ĐỀ
HUỲNH BẢO LÂM
Ông bà ngoại tôi nghèo chuyên làm ruộng mướn cho chủ điền, nên mẹ tôi cũng quanh năm quần vo quá gối. Thức ăn đạm bạc, chỉ cơm độn rau và dưa cà qua bữa.
Có lần, thấy bà hàng xóm làm gà để cúng, tôi chạy về thủ thỉ: ''Mẹ ơi, con thèm thịt gà''. Mẹ trầm ngâm gật gật ''Ừ, mẹ cũng thèm''. Bỗng mẹ ''À'' một tiếng và tiếp ''Mẹ có cách'' rồi chạy ra ngoài, lát sau trở vào mẹ xòe tay ra... Trong tay mẹ một nắm lá chanh tươi thơm phức...
TÂM BÃO
VĂN LIÊM
Bao đời nay báo vẫn say sưa du hí, du thực trên quê tôi, nghèo và xớt xa lắm! Nhưng người vẫn sống, lúa vẫn xanh, khoai vẫn ngọt, vậy mà em lại bỏ lên thành phố. Em nói: ''Tui đi mấy năm, kiếm chút đỉnh rồi tui dìa, tụi mình mần đám cưới''. Ngày tôi lên thành phố tìm thì em đã biết mặc củng, biết chở Tây bằng Honda. Tôi về mà nẫu ruột!
Bên sông, hàng điên điển vẫn vàng hực, gió vẫn mát, cá vẫn tung tăng, chỉ có em là... Xa xa có tiếng ai văng vẳng hò:
 ''... Gió đưa bông lách, bông lau. Gió đưa em bậu (ờ)... xuống tàu Ănglê''...
MỘT THỜI
HỒ THỤY LIÊN
Bước vào năm thứ nhất, lũ con trai thi nhau xếp hàng làm đuôi của chị. Chị cười bảo ''một lũ điên''.
Bước sang năm thứ hai, một nửa trong số đó ước ao được xách cặp cho chị. Ngó lơ, chị ''mím chi cọp''.
Bước sang năm thứ ba, chỉ còn duy nhất một người, chị chê hắn cù lần.
Năm cuối cùng, kẻ cù lần ngày ấy trở thành cái đuôi của một nữ sinh viên năm thứ nhất.
Không có ai theo đuổi, chị lại ước mình là sinh viên năm thứ nhất.
HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG
NHỮ THỊ TRÚC LINH
Mẹ vắng nhà. Mấy hôm nay cha con nó xoay quanh nồi thịt kho hột vịt được mẹ chuẩn bị sẵn. Chiều, nó nấu canh chua bông điên điển và cá linh kho, nghĩ rằng cha sẽ khen nó. Bác Hạnh đi Bắc vào biếu lọ cà pháo cùng ít mắm nêm. Cha gắp trái cà vào chén nó, ''con ăn đi''. Nó lắc đầu quầy quậy, ''con không ăn cà này, nhà mình có cha là thích ăn''. Cha trầm ngâm. ''Cha thích cà pháo cũng như mẹ và con thích canh chua bông điên điển với cá linh kho vậy! Vì nó có hương vị quê hương con ạ!''