Phần tám

MƯA
NGÔ THỊ NGÃI
Mưa! Hà Nội, phố trắng xoá mịt mờ. Mình con nơi gác trọ ước thật nhiều mưa rơi.Chiều nay, lại mưa! Trời đất muốn giao hoà. Thơ con dường như có cánh. Mưa! Quê nhà, ruộng muối của mẹ thành hư không, mái nhà thêm nhàu nát.Cầm lá thư của con gái trên tay, mẹ nén tiếng thở dài. Sáng mai ra tất tả ngược suôi, mẹ chay vạy sao cho kịp tiền gửi cho con trước ngày thi. Mưa! Con hoá nhà thơ. Mẹ còng lưng thêm một chút.
ANH HAI
HOÀNG NGÂN
Ba mẹ mất. Mười lăm năm qua, anh Hai lo cho ba chị em tôi ăn học. Khi tất cả vào Đại học, anh mừng lắm. Chi phí ăn học cũng tăng dần lên.
Anh vừa đạp xe đi dạy, vừa bán thêm quầy báo trong nhà xe. Học trò thương anh mua báo nhiều, anh vui lắm. Anh lo lắng tất cả trong nhà, không thiếu gì…
Đột ngột, anh bị tai biến, có lẽ vì đạp xe trong sương sớm đi lấy báo. Anh nằm bất động. Ngày thứ mười, anh nói được câu đầu tiên: “Mua mấy tờ báo mới, đọc anh nghe…”.
CHIẾC ĐỒNG HỒ
VŨ ĐỨC NGHĨA
Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều, anh cứ nhìn chòng chọc vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ: “Chắc là con nó cần…”
Ăn cơm xong, người cha gọi con trai ra bàn uống nước, ông bảo: ''Con mới đi làm, cũng cần biết giờ biết giấc''. Rồi ông tháo đồng hồ đưa cho con.
Người con trai cầm đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha, rươm rướm nước mắt:
- Dạo này ba gầy quá, dây đồng hồ tuột cả xuống bàn tay!
BÀN TAY MẸ
LÊ THỊ MINH NGHĨA
Một tai nạn làm hỏng đôi mắt mẹ. Hàng ngày mẹ ôm con sờ nắn. Những lúc ấy con thấy mẹ cười.
Ba bỏ mẹ lấy người khác. Con nhớ mẹ, chạy về thăm mẹ. Mẹ ôm lấy và tay mẹ lại sờ nắn khắp người con. Mẹ khóc: “Sao con gầy quá...!?”
Con nén khóc: ''Mẹ ơi, vì da thịt con nhớ hơi bàn tay mẹ...!''.
THẤT NGHIỆP
BẢO NGỌC
Công ty làm ăn thua lỗ, sa thải nhân viên. Sau mấy tháng viết đơn xin việc khắp nơi, tôi chán nản quay về. Thất nghiệp! Vợ tôi cũng quay về với hàng cà phê cóc, tảo tần nuôi chồng con.
Sáng nay tôi dậy trễ. Nhà vắng tanh, mọi người đi cả rồi. Cầm tờ 5.000đ được để sẵn trên bàn - tiền sáng - vụt nhớ lại ánh mắt tủi tủi của vợ lúc cúi nhặt mấy tờ giấy bạc gọi là tiền chợ tôi vứt đại xuống giường mỗi lần vội đi làm.
CHA VÀ CON
NGUYỄN MẠNH BÍCH NGỌC
Hắn hục hặc với cha từ nhỏ. Ông bỏ hắn từ khi hắn bắt đầu nghiện ngập, thề không bao giờ thèm đoái hoài đến hắn nữa. Trong những lần tù tội, chỉ có mẹ hắn lụi hụi đi thăm. Lần trốn trại vừa rồi, hắn càng thêm căm thù cha khi mẹ đang nuôi giấu hắn thì ông đi tố cáo công an để hắn bị bắt lại.
Có đợt thăm nuôi, người ta gọi tên hắn. Bàng hoàng, hắn nhận ra người đến thăm là cha hắn, mắt người đàn ông có gương mặt khắc khổ và tóc lốm đốm nhiều sợi bạc. Cha hắn nói: ''Mẹ mày đau, tao đi thế đây. Gắng cải tạo tốt để về sớm nhé...''.
NƯỚC MẮT
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Ông mất. Nhà rộng. Bà sống hằng ngày lặng lẽ như chiếc bóng. Mỗi sáng, trước khi dâu con đi làm, bao giờ bà cũng dặn chúng đón ảnh của ông và lư hương xuống đặt ở thành giường vì bàn thờ cao quá. Con trai làu bàu. Còn con dâu bĩu môi.
Bà lặng im...
Hôm bà mất, đứa con trai dời ảnh của ông bà lên bệ thờ cao, nó phát hiện ra cát trong lư hương đã vón cục. Tuyệt nhiên, không có chân nhang nào.
TÔ MÌ
LÊ NGUYỄN
Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm. Ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó: Con ăn đi, ba no rồi!
Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì.
Mười lăm năm trôi qua, em tôi đã là một cô giáo. Hôm lĩnh tháng lương đầu tiên về, nó cầm xấp tiền tần ngần mãi. Tôi hỏi:
- Mi định mua sắm gì đây?
- Em mua tô mì thật ngon cúng ba!
Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe.
MẸ VÀ CON
TRẦN MAI NHÂN
Con học xa về thăm nhà, mẹ cho thúng khoai lang và 50.000đ, dặn: ''Gắng bồi dưỡng để có sức học''.
Con đi rồi, mẹ khóc: ''Tội nghiệp, tiền đâu mà bảo bồi dưỡng''. Vội mượn 20.000đ gửi thêm cho con.
Thanh toán xong ''nợ nần'', con nghĩ: ''Nhà hết gạo, sao mình không để bớt tiền cho mẹ''. Liền ra bưu điện: ''Con đã tìm được chỗ dạy... Gửi mẹ...''
Về phòng, anh nhận được thư mẹ. ''Còn tiền bán gà để dành cho con. Mẹ quên mất...''. Nhìn tờ bạc xếp rất nhỏ bỏ trong thư, nước mắt anh chảy dài.
KHOẢNG CÁCH
TỈ NHIÊN
Cậu đi học tập. Mợ chật vật nuôi bầy con. Nhà Nhiên đủ ba mẹ cùng chạy gạo, tạm đủ sống. Mẹ chia sớt cho mợ bát canh, lon gạo... Mợ và các em thường ở chơi nhà Nhiên, đầm ấm tiếng cười.
Cậu về. Cả nhà xuất cảnh. Nhiên mừng cho các em được học hành ở đất nước mình từng mơ du học. Mợ và các em về thăm quê, chỉ hỏi thăm nhà Nhiên qua điện thoại.
Nhiên tần ngần mở tấm bản đồ thế giới. Nước Mỹ rộng, xa; và hình như xa hơn mình tưởng.
HAI MẢNH ĐỜI
NGUYỄN THỊ NHƯ
Mưa bất chợt, tôi tấp vội vào hiên nhà bên đường, nép sát của để trốn nhũng giọt mưa đang hối hả tìm mình.
- Con ngoan nè, ùm miếng nữa nào, đi con...
Tôi tò mò nhìn qua khe cửa. Một bé gái tròn trĩnh, chắc nịch, đang khóc rưng rức vì mẹ nó ép ăn cơm.
Ngoài hiên, một con bé hành khất gầy còm, yếu ớt, đang đói… Tôi cúi xuống bỏ vào nón nó tờ hai nghìn.
Hai mảnh đời chênh vênh, đối lập. Tôi vội rời chỗ đứng, đội mưa đi về.
NGÂY THƠ
NGUYỄN THỊ NHƯ
Cả nhà rộn ràng chuẩn bị đưa dâu. Bé Na hí hửng, mừng. Mỗi mẹ Na là không vui, chị cứ bần thần: Không biết ngày mai con mình ra sao? Từ lúc lọt lòng tới giờ, nó chưa rời chị đêm nào, đêm nay...
Chị giấu giọt nước mắt sau chiếc khăn voan. Mọi người giục chị: - Xe nhà trai tới! Chị ôm Na: ''Tối nay con ngủ với bà, ngoan nhé!'' Na nũng nịu: ''Không, con ngủ với mẹ à... làm cô dâu xong, tối mẹ về với con...''. Chị nát cả ruột gan, bước lên xe hoa.
TIẾNG MẸ ĐẺ
NGUYỄN THỊ NHƯ
Tôi lấy chồng xa, cách quê nhà đến nửa vòng trái đất. Tôi sinh đôi hai thằng nhóc. Chúng lên năm, nghịch lắm! Mỗi lần mắng nó bằng tiếng Việt, nó đâu hiểu, lại phải dùng tiếng Anh.
Cứ thế, tiếng mẹ đẻ thưa dần. Cái quyết định dành thời gian dạy tiếng Việt cho con ngày càng vô hiệu. Tôi không nản.
Năm năm sau. Vào một sáng đẹp trời, tôi có tin vào tai mình không nữa, tiếng con trai tôi:
- “Quê hương là chùm khế ngọt...”
Tiếng Việt đàng hoàng, chuẩn!
Vậy là tôi vẫn còn quê hương...
BẾP QUÊ
NGUYỄN TẤN ON
Thuở ở quê, đi học về thấy khói đùn trên từng nóc nhà xóm nhỏ. Mẹ ngồi thổi lửa, đưa tay vần hũ dưa chua vào góc bếp, khói bay làm cay đôi mắt. Hỏi mẹ, mẹ nói để dành mưa dông chớp bể. Cha gánh rạ ngoài đồng về chất thành cây. Hỏi cha, cha bảo: Để dành nhóm lửa cho ấm trời mùa đông.
Mẹ qua đời, cha không còn, tôi lấy vợ, lên phố.
Mỗi khi mùa mưa dông về, tôi vẫn còn nghe mũi mình cay cay mùi khói bếp rơm đồng.
KHỜ QUÁ
TRẦN THÁI PHONG
Buổi hẹn đầu tiên. Ngồi bên nhau chàng biết nói gì. Bao nhiêu ý tứ trong đầu bỗng bay đi đâu mất. Thu hết can đảm, tôi nắm lấy tay nàng, nàng rụt tay lại và đứng dậy đi.
Tôi thơ thẩn nhìn theo nàng rồi ngồi phịch xuống. Hôm đưa nàng về quê, tôi đánh liều hỏi:
- Sao bữa đó...
Nàng mỉm cười
- Ai biểu hổng... Khờ quá!...
HOA VÀNG
KHUẤT TÙNG PHONG
Ở tuổi bảy mươi bà vẫn chân bùn, tay lấm. Suốt ngày cặm cụi dưới vườn. Khi tưới bông, lúc trồng rau, tỉa đậu. Đất quanh năm rực rỡ ngồng cải, cúc vàng... Nhờ vườn, các cháu nội ngoại của bà, đứa nào cũng có phần quà: Áo mới vào đầu năm học; ký đường, lon sữa khi ốm, khi đau; nên vợ nên chồng có cái xoong, cái ấm...
Đi xa về, mất bà, như một thói quen, vội chạy xuống vườn. Lối xưa hoang vắng. Đầy vườn cỏ dại. Bỗng dưng khắp chốn, đâu đâu cũng lấm tấm hoa vàng...
BỐ ƠI!
KHUẤT TÙNG PHONG
Bố đau lưng, nằm lo ngay ngáy, còn hơn chục bao cà phê ai xay, ai phơi?
Nhà neo người, hai con đi học, mẹ lương còm, bố tần tảo làm thêm. Trồng cà phê, mưa lầy nắng cháy. Gần sáu mươi, bố chẳng quản thân gầy. Áo rách lưng, mót từng hột cà phê, bố muốn cho con có thêm cái quần, cái áo. Rẫy rỗi việc, bố lại ao cá, vườn rau. Bảo đừng cố sức, bố chỉ cười: ''Làm cho vui, con à!''.
Trưa nay, cơn mưa dông bất chợt, con quặn lòng, bố lại gượng cơn đau...
CHIẾC TÃ CŨ
NGUYỄN THỊ BÍCH PHỤNG
Mẹ nghèo chỉ có thằng út là con trai. Thằng út lớn thi đậu làm quan trên tỉnh. Sợ mẹ nghèo ăn nói bổ bã nên để mẹ lại quê. Mẹ nhớ buồn ra cửa ngóng con tay cầm chiếc tã cũ rách mèm. Thằng út thua lỗ đi tù. Mẹ đi thăm tay cầm chiếc tã cũ lau nước mắt.
Ngày thằng út ra tù - mẹ đã lẫn, tay luôn cầm chiếc tã cũ âu yếm: Út cha mẹ ngoan nào!
BA
LÊ HOÀNG ĐÔNG PHƯƠNG
Lớp 12. Tôi không có thời gian để về nhà xin tiền ba như hai năm trước. Vì thế ba phải đích thân hàng tuần đem tiền xuống cho tôi: Từ nhà tới nơi tôi trọ học cách l5km. Nhà nghèo không có xe máy ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba.
Tôi chuẩn bị mua hồ sơ đăng ký thi đại học, không có thời gian về tôi lại nhắn ba. Lần này sau khi đưa 100 ngàn cho tôi, ba hỏi: ''Còn dư được đồng nào không con tôi đáp '' Dạ dư 4 ngàn ba ạ''. ''Cho ba 2 ngàn để lỡ xe hư như lần trước thì có mà sửa''. Ba đi rồi, tôi nhìn theo, nước mắt rưng rưng.
VỀ QUÊ ĂN TẾT
PHẠM HOA PHƯỢNG
Cầm chứng chỉ cử nhân luật trong tay, và sau bao lần xin việc, tôi đã đi làm được ở Công ty bao bì Thành phố.
Nhận 800.000đ lương, năm nay tôi quyết định về quê ăn tết. Tính toán cả mấy ngày để mua quà cho bố, cho mẹ, cho em, cho cháu.
Khi xe lăn bánh bỗng giật mình, không biết khi hết tết vào lại Thành phố đi làm, tiền đâu để trả tiền nhà, tiền ăn và tiền xe đi vào, chẳng lẽ lại xin tiền mẹ. Tôi bỗng thở dài.
ƯỚC MƠ ĐẠT ĐƯỢC
PHẠM HOA PHƯỢNG
Ngày Xưa, khi còn bé, tôi thích đọc báo, truyện, nhất là cứ đến mùa xuân, sách báo tràn ngập, đủ màu sắc ở các quầy. Tôi mơ ước, sau này tôi sẽ có thật nhiều báo,
nhất là báo xuân, tôi sẽ đọc cho thật đã thèm. Nay tuổi về chiều, cuộc sống khó khăn, tôi đi bán báo, cầm xi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!
TẾ NHỊ
NGỌC BÍCH HẠNH
Bạn tôi mới lấy vợ, ở chung với ông bà. Mỗi lần hai vợ chồng trẻ có chuyện cơm không lành, canh không ngọt, ông bà thường nhắc phải đóng cửa bảo nhau, chớ nên để người khác phải nghe. Mỗi khi giữa ông và bà có chuyện, ông thường bảo: “Bà vào đây tôi nhờ chút...”.
Một lần ông bảo: “Bà vào đây...”. Hai vợ chồng hắn vội lảng lên trên lầu. Chợt nghe tiếng loang xoang. Hóa ra ông nhờ bà khiêng hộ chậu ly chén, cả ông bà đều yếu nên trượt tay, rõ khổ!
VỊ PHỞ NGÀY XƯA
NGUYỄN ĐỨC HẠNH
Ngày bé, anh học trung cấp về nghỉ hè, đưa em lên thị trấn huyện chơi. Anh mua một tô phở mậu dịch ba hào hai, em ăn sao mà ngon thế. Hỏi anh sao không ăn, anh bảo không đói, thật ra anh không còn tiền.
Anh không thi vào đại học mà học trung cấp để nhanh đi làm giúp em ăn học. Sau đó em được đi du học. Em đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món đặc sản, nhưng không có món nào ngon bằng tô phở mậu dịch năm ấy.
CHẬU MAI MỚI
BẢO HÂN
Trên mười năm chăm sóc, cây mai mới đã nên dáng rồng bay, sai nụ. “Quà cuối năm này nên dành cho ai nhỉ… Giám đốc? Trưởng phòng?...” Trọn một ngày phân vân, Phong quyết định: “Thôi thì trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn sếp xa”...
Một tuần sau, giám đốc gọi Phong đến nhà riêng:
- Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại sân kiểng này. Số kiểng dạt ra kia tôi biếu cậu.
Bắt gặp chậu mai mới thân quen nằm trong đám kiểng bị loại, Phong vừa mừng vừa tủi.
MẸ TÔI
CHÍ HƯƠNG
Ba mất. Mẹ tảo tần, lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học.
Xóm giềng dèm pha nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn!
Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không có gì để lại, các con ráng học sau này mưu sinh.
Anh em tôi đã đứng được trong đời.
Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
Mẹ mỉm cười, hằn sâu những nếp nhăn.
CHIM HÓT... NGHE BUỒN
QUẾ HƯƠNG
Nhà bên cạnh nuôi con khướu hay hót.
Buổi sáng, tiếng hót lảnh lót của nó đánh thức cả xóm dậy.
Thằng cu con ngó sang dịch:
- Ngộ Không! Ngộ Không!
Má nó nhìn con chim xơ xác, cô đơn trong lồng, thở dài:
- Khổ chưa! Khổ chưa!
Bà Tư bán xôi trước cũng lại nghe:
- Chi khổ! Chi khổ... Không đầu tắt mặt tối mà có ăn như mày tao cũng hót!
Con chim vẫn ra rả hót. Nó muốn nói gì trong chuỗi âm thanh trong ngần khắc khoải kia?
Có điều... cứ nghe nó hót tôi buồn!
DẤU LẶNG
QUẾ HƯƠNG
Ngoại tẩn mẩn mở bảo-tàng-túi. Trong đó có mấy bức ảnh ố vàng gối đầu lên nhau. Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẳm đứa trẻ gầy nhom:
- Mẹ đây hở bà?
- Bà đấy. Mẹ đây nè! - Ngoại chỉ con bé trong ảnh.
- Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần!
- Lớn mới làm mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế.
- Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm lại ăn trầu xay không ăn được kẹo.
- Làm mẹ vậy - Mẹ cười.
- Hông... Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày.
Im lặng. Rồi tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi.
KHI BA MẸ RUN TAY...
QUẾ HƯONG
Bàn ăn trải khăn trắng. Mẹ gắp cho cu King cái đùi gà. Ông nội không còn răng chỉ muốn ăn canh nhưng canh để xa ông.
- Để cháu chan cho!
Cu King đứng dậy chan canh cho ông và làm đổ canh ra bàn. Mẹ mắng: - Cứ đành hanh!
Ông với tay chan. Lóng ngóng, run run. Canh lại đổ ra ngoài...
Mẹ nhăn mặt, ba xoa bụng còn cu King nhìn hai người:
- Khi ba mẹ run tay như ông, con sẽ chan canh cho ba mẹ. Bữa ăn tiếp tục nhưng chỉ còn tiếng nhai!
EM GÁI
VÕ THU HƯONG
Như không ít đứa sinh viên xa nhà khác, hắn bận bịu với học hành, làm thêm và... yêu. Mai - người yêu hắn, nhỏ nhắn dễ thương như một cô em gái. Thỉnh thoảng nhận lương, hắn thường mua tặng Mai, khi là cuốn sách, khi là món quà nhỏ...
Kỳ nghỉ, hắn về quê, mẹ đang ra đồng, hắn ngồi nói chuyện với đứa em đang hí hoáy bọc sách vở. Hắn ngỡ ngàng... cuốn vật lý lớp tám đã cũ nát của hắn ngày nào.
Trước tới giờ hắn không hề nghĩ tới một món quà cho em, dẫu chỉ là cuốn sách giáo khoa!
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
NGUYỄN THỊ HOA HIÊN
Sáu tuổi, tôi theo bố đến trường. Trên bờ đê nhầy nhụa, trơn ướt, bước chân bố hằn lên mạnh mẽ, vững chãi. Toi gắng sức sải chân dẫm vào, nghĩ: “Mình sẽ không trượt ngã”. Bố mỉm cười, nhìn tôi trìu mến: “Con hãy đi với chính bước chân của mình. Đừng đi trên dấu chân có sẵn”.
Tôi nhìn bố lắc đầu không hiểu.
Lớn lên. Vào đời. Tôi khao khát khẳng định mình, nhưng lại tự đánh mất chính mình. Thất bại, tôi gục khóc. Nhớ lời bố xưa. Hiểu ra, nhưng bố đã không còn.
LÁT NỮA VỀ
PHẠM THU HIỀN
Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.
Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành:
- Nín đi con! Lát mẹ về.
Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nấp báo xuân trên tay, bìa báo rực rỡ những cành mai, cành đào mà tôi nào có xem được. Nghĩ lại, mơ ước tuổi thơ, nay đã đạt được rồi
nhưng có một nửa.
CHÁU NỘI TỘI NGOẠI
DIỆP QUANG
Chị tôi sinh. ''Nhóc tì'' khóc suốt đêm. Tôi rất ''dị ứng'' tiếng trẻ. Ngoại ẵm thâu đêm. Chị ngủ như chết. Thương mẹ, lại mất giấc, tôi bẳn tính: ''Cháu nội tội ngoại''. Chị rớt nước mắt. Tôi có vợ và sinh con. Vợ bị khâu nhiều mũi, mất sữa hẳn. Thiếu sữa mẹ, ''cục cưng'' quấy hết cỡ. Nội ốm, nằm viện lâu dài. Bế một chốc, tôi gắt ầm ĩ. Bà ngoại sang, bồng thâu đêm suốt sáng. Vợ tôi ngủ li bì. Chị nhìn tôi, tôi nhìn chị, ân hận.
NỘI TÔI
DIỆP QUANG
Ba rước nội lên Sài Gòn để phụng dưỡng. Nội tôi vui lắm. Ba làm ở Bạch Hổ, tháng về một lần. Mẹ dạy ở Cần Giờ, tuần về một bữa. Tôi học sáng, chiều Anh văn, tối vi tính. Bà chèo queo một mình. Thức ăn đầy tủ lạnh kể cả trầu cau. Một hôm nội xoa đầu tôi và bảo: ''Trên này ăn lạnh, uống lạnh, ngủ lạnh, trầu cau cũng lạnh. Nội nhớ cái nóng dưới quê lắm. Bà phải về thôi''. Tôi năn nỉ nội hết lời nhưng vô hiệu.