Con vện

Con chó ấy nó vện. Nó ít thân tôi vì tôi hơi lớn và hay im lặng.
Nó thân thằng Tịch. Tịch ta suốt ngày cứ cởi truồng để đỡ tốn quần. Chả còn gì chơi, cậu ta chỉ đùa với chó.
Vện dựng hai chân sau thì hai chân trước quàng được cổ Tịch. Hai đứa vật nhau thở hồng hộc, bất phân thắng bại.
Bữa nào Vện cũng được ăn cơm cháy, cộng lại với thức ăn đầu thừa đuôi thẹo cũng chưa được lưng bát. Nó chỉ xốc hai miếng là hết, lại ngẩn ngơ liếm mép. Bữa bữa, Vện ngồi nhìn mọi người và cơm, cái đầu cử động theo từng đôi đũa khi mọi người gắp thức ăn.
Mâm cơm dù không đậy điệm, chả ai trông, nó cũng không bao giờ ăn vụng. Nhưng hắn ta lại lúi húi ăn vụng cám lợn. Có lần nó đang sục vào nồi cám, thấy tôi vào nó giật mình quay ra, giả vờ ngoe nguẩy đuôi ra điều không có chuyện gì. Tôi bèn múc cho nó hai muôi gáo. Nó nhìn tôi mãi rồi mới dám ăn. Tôi nghĩ: "Hôm nào được mùa, tao cho Vện ăn một bữa no xem hết mấy bát cơm". Không! Chả bao giờ có!
Sang nhà bên, sau bữa ăn, tôi thấy hai đống cơm thừa mà chó nhà họ cứ dửng dưng bỏ đó, tôi nhớ Vện.
Trở về, thấy Vện nằm bẹp. Cái bụng thóp mỏng dính giơ hàng loạt xương sườn, hắn chỉ đưa mắt chào tôi và đuôi hơi ngoe nguẩy, còn mình và đầu thì không nhúc nhích.
Lạ thật, cái tường ngăn vườn cao ngang giọt gianh, mà sao bố tôi về đến cổng vườn nó đã biết và mừng. Có lẽ nó ngửi thấy hơi người thân. Có lẽ nó nghe thấy bố tôi ho từ xa. Có lẽ nó thấy cái cần câu quăng của bố tôi nhô khỏi tường?...
Lạ lắm, thấy người nhà đi xa về bao giờ chó cũng mừng cuống quít. Nào có ai cho cái gì đâu? Tôi chưa thấy ai đi đâu lại nghĩ đến chuyện đem quà cho chó bao giờ.
Đêm, dù rét mấy nó cũng ra cổng nằm. Chẳng bao giờ nó "chào" nhầm đã đành. Nhưng cũng chẳng bao giờ nó sủa sai. Nhà có con mèo. Người ta nói "cãi nhau như chó với mèo". Trong cuộc "cãi" nhau thường thường là chó thắng. Nhưng tôi chưa thấy Vện gây sự với mèo lần nào.
Một sớm tinh sương, tôi nghe Tịch khóc ở cổng vườn. Thì ra Vện nằm cứng đờ, đuôi không biết ngoe nguẩy nữa, cái mắt trắng dã bất động. Tôi lay gọi "Vện ơi, Vện ơi!". Nó lạnh tanh rồi!
Thì ra "ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo". Mấy chú kẻ trộm đã cho nó ăn bả. Nếu Vện no nê như chó nhà người ta thì nó không thèm ăn bả, và nếu có ăn, bả ít ngấm, cứu được. Nhưng Vện đói nên bụng trương lên toàn bả.
Mẹ lặng lẽ cho Vện vào rổ, rồi đem đi đâu? Mẹ cắp chó sang làng Vân để nhờ cậu Năm làm thịt hộ.
Nửa đêm mẹ về, gọi chúng tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở tôi thấy nửa con chó luộc.
Tịch buồn thỉu buồn thiu.
Sớm, lúc quét nhà, thấy xương xẩu vung vãi, tôi lại nhớ Vện: Giá Vện còn nhỉ!...