Chương 6

Tú là cô em nhỏ của Mỵ. Hiện đang ở cái tuổi của Mỵ vào lúc tôi mới gặp nàng. Chị em giống nhau thế không biết. Tú cũng xinh đẹp, hao hao dáng dấp của chị. Con bé này còn theo thời trang hơn cả chị nữa.
Tôi thương Tú và hay rủ Tú đi chơi với vợ chồng tôi. tuy nhiên Tú lại hay bị tôi cằn nhằn nhất trong lũ em của Mỵ, cái "tội" mà Tú bị tôi mắng thường xuyên nhất là Tú hay trang điểm quá lố, lạm dụng phấn son và mỹ phẩm. Tôi bảo Tú:
- Tú soi gương xem. Da dẻ mịn màng thế mà cứ trát mãi phấn vào hư hết cả da mặt. Son nữa, cái son mầu đỏ chói ấy.
- Sao cơ?
- Cách đây nhiều năm, ngay hồi anh còn nhỏ người ta đã dùng thứ son ấy rồi.
- Thế ạ?
- Nhưng giới phụ nữ dùng nó lúc đó không phải là các cô tử tế. Mà là giới me Tây, gái bán phấn buôn hương hay me Mỹ sau này... Bây giờ nhìn thấy các cô tô son ấy, tôi em rằng nhiều người sẽ khó chịu vì bị ám ảnh...
Tú nhún vai thật điệu:
- Đời mới mà anh. Phải quên dĩ vãng đi chứ.
- Nhưng trông chói chang khó chịu lắm.
- Anh thấy mấy cô kiểu mẫu quảng cáo đồng hồ trên xi nê không? Họ tô son đỏ chót mà đẹp ghê.
- Họ là những người ngoại quốc. Khác nhau ở sự hợp lý đối với mỗi thành phần xử dụng.
- tụi trẻ bây giờ đều giống nhau. Em nghĩ là anh sẽ quen mắt.
Tôi cũng dần dần quen mắt thật, và cũng bắt đầu thấy hay haỵ Nhưng đồng thời, dù vẫn còn dùng mầu son đó, Tú đã tô nhạt hơn, như ý tôi muốn. Và thật bất ngờ, một hôm tôi đã thấy trên bàn phấn của Mỵ có thỏi son mầu đỏ. Mỵ hỏi:
- Anh ghét lắm phải không?
tôi thản nhiên:
- Không. Anh quen mắt rồi.
Tuy nhiên, có một thứ mà tôi không quen mắt, dù nhìn thấy từ lâu. Đó là loại túi vải có tua mà mấy anh "Tây" Hippy đeo lủng lẳng bên vai, trông hết sức bụi đời. Cái túi ấy bây giờ xuất hiện nhan nhản trên vai các cô trong đủ kiểu trang phục, tệ hại nhất là lủng lẳng bên cạnh những chiếc áo dài tha thướt.
Một sự đua đòi lố lăng, tôi vẫn mong sẽ biến mất nhanh như những mốt xách giỏ mây, bóp to cầm tay hay mái tóc dài "gà chết" của bọn con trai bệnh hoạn.
Buổi tối tôi và Mỵ đang coi ti vi thì Tú đến. Con bé con này mặc sơ mi đỏ, quần pát trắng, đeo chiếc dây kim khí loằng ngoằn quanh cổ. Tú nhẩy tí tách vào nhà, miệng hét vang:
- Chào ông bà.
Tôi cười với Tú, còn Mỵ vẫn thản nhiên nằm gối đầu trên đôi chân duỗi dài của tôi nhìn Tú hất hàm:
- Có gì vui thế mày?
- Đến rủ ông bà đi xi nê.
- Phim gì?
- TÌnh Hận ở Eden đấy.
- Mày bao tao hả?
- Ừ.
Tôi kêu lên:
- TÚ ngon nhỉ. Chuyện lạ.
Tú lườm tôi:
- Anh làm như em là vua keo kiệt xưa nay.
- Không phải thế. Nhưng ít khi Tú nổi hứng bất tử như vậy mà.
- Mẹ mới cho em năm xấp đền công khó em đi thu tiền hụi cho mẹ trong ba ngày qua.
- À, ra thế.
Mỵ nhìn tôi:
- Đi anh?
Tôi gật đầu:
- Đi, cho Tú khỏi buồn.
Tú cười:
- Đúng vậy. Không biết tiêu tiền vào việc gì.
- Đưa tao tiêu cho.
Mỵ vừa nói vừa ngồi dậy:
- Bà không nên tiêu
- Sao vậy?
- Bà tiêu hoang ông Vũ lại lo âu mất công.
Chúng tôi sửa soạn một lúc rồi kéo nhau ra khỏi nhà. Tôi chở Mỵ bằng chiếc Vespa cũ và Tú đi PC.
Tú dục:
- Lẹ lên, sợ sắp vô phim chính rồi đó.
Tôi nhìn đồng hồ:
- Chưa đâu, mới 9 giờ kém mười lăm. Ít nhất cũng 30 phút nữa mới hết thời sự và phim chiếu thử.
Ráp hát đông nghẹt người, vé trên lầu đã hết tôi phải mua dưới nhà (dĩ nhiên bằng tiền của Tú). Ba đứa nắm tay nhau đi trong bóng tối như sẩm mò gậy. Tìm đựơc chỗ ngồi, Tú gác hai chân lên thành ghế trước, bỏ đôi guốc cao lênh khênh dưới gầm ghế. Loại guốc này hiện thời đang thịnh hành. Cao ít ra là một tấc.
Dĩ nhiên Mỵ và Tú không thể thiếu đôi guốc thời trang đó. Cũng như bộ đồ áo dài quần đen của hai cô đang mặc, đều đúng mốt. Áo dài bằng hàng mút-sơ-lin mỏng dính mầu rêu và mầu đỏ sẩm, vạt ngắn gần đầu gối, quần sa tanh đen gài nút giữa, ống từ năm mươi phân đến sau mươi. Loại quần này may xéo phải tốn ít ra là hai thước rưỡi vải, và nếu cô nào "đẫy đà" một chút có khi tốn đến.. năm sáu thước.
Nhìn vào một người con gái đúng thời trang là nhìn thấy ý nghĩa của câu tài hóa lưu thông. Và dễ dàng có những kết luận đúng nghĩa về con gái.
- Con gái đúng là.. con gái.
Hai chị em gác chân lên thành ghế trước, dĩ nhiên là nhon nhón đầu ngón chân thôi, không phải đưa nguyên cặp giò khả ái lên đầu, lên vai người ngồi trước mặt, nên tôi chấp nhận. Tí ta tí tách cắn hột bí Mỵ và Tú thì thầm đấu chuyện. Cuốn phim cũng chẳng hay cho lắm, đối với tôi, vì cốt chuyện thuộc loại mới quá và thiếu nội tâm. Tôi lắng nghe hai cô đấu láo:
- Nó rủ em đi Vũng Tầu...
- Mày nhận lời không?
- Không. Đi tay đôi đời nào ba mẹ cho, vả lại em cũng ngán.
- Nó có nói gì không?
- Nó bảo nó yêu em, muốn có dịp ở cạnh em.
Tôi xía vô:
- Nó nào vậy?
Mỵ quay sang:
- Xấu tính xấu nết. Nghe lóm chuyện đàn bà người ta.
- Ai bảo cứ gáy vào tai anh.
Tú chui đầu lại gần tôi:
- Tên bạn trai em rủ em đi Vũng Tầu và tán em.
- Tú bằng lòng anh chàng không?
- Không ưa hẳn nhưng cũng không ghét. Em quen chơi vậy thôi. Tụi em bạn bè nhiều nhưng không cặp kè bồ bịch với ai. Quen kiểu National cho đời vui tươi vậy mà.
- Cậu ta làm gì?
- Con một ông lớn trong giới ngân hàng. Hắn muốn giúp em vào làm ngân hàng do bố hắn làm chủ tịch Tổng Giám đốc nhưng em chê, không muốn làm ơn ai.
Tôi ngồi im, Tú hỏi:
- Em là thế có đúng không anh?
Tôi trả lời:
- Nếu Tú nghĩ là Tú có lý thì được.
Tú cười, hàm răng trắng bóng trong tối. Nụ cười như muốn nói:
- Anh vừa lòng nhé, ông anh khó tính của tôi.
Mỵ nhét nắm hạt bí vào tay tôi:
- Ăn đi.
Tôi trả lại:
- Anh không ăn.
- Ăn!
- Anh hút thuốc mà.
- Kệ. Không ăn em giận.
Tôi thở dài, đành ăn vậy. Tôi biết rõ tôi. Tôi biết tôi chiều nàng quá. Nhưng làm sao được, khi tôi mê, tôi yêu nàng quá thể. (Tuy nhiên, như vậy đâu có nghĩa là tôi sợ Mỵ nhỉ.)
Cuốn phim đang tới đoạn thiên hạ tắm biển, phô bầy những gì đáng phô bầy cho khán giả xem. Hai chị em lại xầm xì bàn về mốt quần tắm, áo tắm, mốt áo đi dạo bãi, mốt mắt kính đi biển qua hình ảnh các tài tử trên phim.
Tôi ngả người ra thành ghế, tự nhủ:
- Gì cũng được. Nhưng đừng rủ nhau đi mua sắm những thứ đó nhé. Kẻo rồi anh phải nghĩ việc sở đưa em ra Vũng Tầu để em trình bầy thời trang đúng mốt cho thiên hạ lé mắt thì mệt lắm.
Cầu nguyện xong, tôi chăm chú theo dõi cuốn phim và tự nhiên thấy phim hay hơn trước.
°
Ra khỏi rạp hát bóng chúng tôi kéo nhau đến khu Ngã Sáu ăn quà. Về khuya, trong khi thành phố đi dần vào giấc ngủ say thì còn nhiều nơi sinh hoạt sống động như khu này, ở nhìêu chỗ khác. Đủ các loại hàng quà khoái khẩu tụ họp ở đây. Mỗi đứa làm một tô bò viên, một ly sâm bổ lượng.
Đang ăn, Tú chợt kêu lên:
- À, Mỵ này.
- Gì vậy?
- Em quên chưa kể Mỵ nghe chuyện này. Hồi chiều anh Tuấn đến nhà báo tin chị ấy sanh.
Mỵ sửng sốt:
- Bà ấy sanh non à?
- Ừ.
Tuấn là bạn Mỵ từ thủa còn đi học. Tuấn có thời mê Hải như điếu đổ, nhờ Mỵ làm mai nên hai người lấy nhau.
Mỵ hỏi dồn:
- Trai hay gái?
- Con gái, cân nặng một ký rưỡi.
- Nhỏ quá.
- Mới bẩy tháng rưỡi.
- Khổ thân Hải. Rồi sao?
- Bà ấy sanh ở Biên Hòa, may mà anh Tuấn đưa vào nhà thương kịp sanh xong đứa bé được nuôi trong lồng kính, mẹ con đều khỏe mạnh.
- Hiện giờ hai mẹ con Hải nằm ở đâu?
- Một anh bạn nói giúp đưa được vào bệnh viện Cơ Đốc nuôi đứa bé, chu đáo và hợp phép dưỡng nhi lắm. Còn chị Hải về bên nhà chồng dưỡng sức rồi.
Mỵ lại kêu lên:
- Tội nghiệp Hải.
Tôi bực tức:
- Cái bệnh viện gì... đó ở Biên Hòa đáng đưa lên mặt báo quá. Để đó, ngày mai anh sẽ phang một bài để bộ Y tế chú ý tới mà sửa sai mới được. Sinh mạng người ta mà họ coi như trò đùa.
Mỵ tán thành:
- Nên làm lắm.
Tú hỏi:
- Anh chị đi thăm chị Hải không?
Tôi gật đầu:
- có chứ. tối mai mình đi thăm nhé em.
- Nhớ mua quà cho Hải anh ạ. Anh thấy chưa, tội nghiệp đàn bà tụi em không?
Và Mỵ hỏi nhỏ:
- Anh còn mong em có bầu nữa hay thôi?
Tôi tỉnh bơ:
- Mong chứ. Đàn bà đẹp nhất là ở hình ảnh cao quý đó mà.
Mỵ thì thầm:
- Em sẽ cho anh một đứa con.
- Bao giờ?
- Khi nào anh muốn.
- Con gái.
- Không, Con trai.
- Trai hay gái cũng tốt. Em không muốn kế hoạch hóa gia đình nữa sao?
- Có chứ. Nhưng nếu anh muốn..
Tôi vuốt nhẹ má nàng:
- Cám ơn em. Nhưng anh không muốn hủy bỏ chương trình của chúng mình.
Mỵ nhìn tôi, đôi mắt long lanh. Tôi đọc được cả một trời yêu thương chứa trong tia nhìn đó.