Phần 2

 Phú ơi là Phú...!". "Phú ơi là Phú!". Đang lơ mơ ngủ ngồi trong ghế, lão bỗng choàng dậy bởi tiếng mụ Cháu. Rõ ràng tiếng mụ, gọi như không gọi. Chẳng vọng vào con. Chẳng vọng vào ai. Thằng con điên cứ đi. Xóm cứ dửng dưng. Mụ đi sau, nó đi trước. Nó đi trước, mụ theo sau. Hai mẹ con cứ thế vô ra xóm hàng chục bận.
Thằng Phú tay bao giờ cũng sờ cằm, miệng nhai răng nhóp nhép. Ông bố già ho lao da bọc xương của nó thì cắp tay sau đít, cũng "hàm liên tục". Nhà có năm người thì ba vô ra mòn hẻm. Còn hai thằng anh ngồi nhẵn cả ngã ba! Khi chưa có bệnh cao huyết áp, bà mẹ bán hột vịt lộn. Giờ chỉ có thằng con thứ hai thi thoảng được kêu phụ thợ nề. Được đồng nào lập tức đem ra quán bà Lành đổi rượu, về ngã ba xỉn, quậy tưng bừng hoa lá, hết gáy như gà đến vỗ ngực la "Tao là ma-xi-a đây!". Nó muốn nói là mafia đấy. Thằng anh cả, người nhẹ hẫng như sắp bay, ai hỏi trả lời: "Dại chi làm, chơi sướng hơn". Xóm gọi là nhà "hai đờ" - điên và đói. Giờ tự nhiên nhà "hai đờ" lại hiện ra, bơi liêu xiêu trong nắng. Bóng ngả vào những trang viết chứa chan nỗi khổ và tình người của lão như mỉa mai: "Được cái mồm. Thử đưa tay kéo chúng tao vào bờ đi nào!".
Lão bắt tay viết truyện Nhà hai đờ với mục đích tốt đẹp - nhuận bút cho nhà ấy. Nhưng mãi vẫn không xong. Hội bia bọt la cà tán gẫu làm lão mất thì giờ không ít. Phần cái động cơ nhân đạo ấy không hề hấp dẫn. Phần lão sinh chứng ngủ gật. Vào giường, mắt mở thô lố. Nhưng ngồi trước máy tính khoảng nửa giờ là "cái ngủ" ùn ùn kéo đến. Thần trí lơ mơ, đôi tay gà gật trên bàn phím, lão làm việc trong trạng thái ngủ, thành thử Nhà hai đờ vẫn là bản Lambada nổi loạn của những con chữ. Chúng muốn điều khiển lão thay vì để lão điều khiển như bấy lâu nay. Nổi cáu cuối buổi làm việc, lão vo viên sản phẩm. Bộ xương "Hai đờ" mãi không đắp nổi thịt da để trở thành một tác phẩm. Thì ra biến điều thiện thành hành động không dễ chút nào!
Lão coi đồng hồ rồi lật đật đạp xe đi. Xỉn mẹ, Xỉn con không có đồng hồ nhưng bao giờ cũng có mặt ở điểm hẹn khoảng 5 giờ chiều. Đồng hồ sinh học của chúng chỉ xê xích với đồng hồ khoa học của lão nhiều nhất là mươi lăm phút. Về thấu xóm cũ, lão đã thấy hai mẹ con nó ngồi chồm hổm đợi trước cánh cửa đóng kín. Đó là cánh cửa hông nhà cũ của lão. Hồi lão còn ở, cứ vào giờ ấy cửa lại mở ra để chờ một con chó đen xơ xác không hề nhậu nhưng lại có tên Xỉn. Những ngày có xương lão chờ nôn nóng nhất. Lão ngóng nó như ngóng người thân và khi con chó cái xơ xác vì đẻ và thiếu ăn xuất hiện, ngửi ngửi cánh cửa rồi bước vào, nằm xoài gác mõm lên nền, thở hắt ra như một kẻ trở về nhà nằm trên giường sau một ngày mệt mỏi, lão nghe lòng cười. Nó nằm, chưa ăn ngay đâu. Con nhà nghèo nhưng ra vẻ lắm! Nó nằm một lúc để hưởng cảm giác an bình thương yêu cho đến khi lão đẩy thức ăn đến, vuốt đầu nó, dịu dàng bảo: "Ăn đi con!" mới đứng dậy ăn. Chủ nó rất ít khi cho nó ăn. Gã sống bằng rượu hơn bằng cơm và thường hãnh diện khoe: "Tao nuôi chó khỏe re! Không tốn cơm mà vẫn béo tốt". Lão kết bạn với con chó cái này có mấy năm rồi. Bao giờ cũng thấy nó có bầu, có con. Con mở mắt, chủ đem đổi rượu, chỉ giữ lại một con khỏe nhất, đẹp nhất nuôi lớn bán thịt. Con Xỉn bao giờ cũng dắt con đó ra trình diện với lão. Đó là thời kỳ nó xơ xác nhất vì cho con bú và nhường cho con ăn. Vợ lão cằn nhằn ghê lắm nhưng lão không hề nhượng bộ. Lão yêu con Xỉn, yêu cái cách nó đón nhận tình cảm của lão và biểu lộ tình cảm của nó - lặng lẽ, từ tốn, tự trọng. Nó nằm dài, tin tưởng cho lão vuốt ve chuyện trò nhưng chưa bao giờ liếm tay, liếm người mừng đến cuống quýt như đối với gã chủ sặc mùi rượu của nó. Loài chó không muốn hai chủ, nó phân biệt rạch ròi ai là chủ, ai chỉ là người tốt với nó. Chính nó đã làm nên dòng nước mắt khi lão giã từ xóm Quậy. Từ đó cứ khoảng 5 giờ chiều là lão lại trở về xóm cũ với bịch thức ăn thừa của nhà hoặc một gói xương từ chỗ nhậu. Con Xỉn vẫn chờ lão trước cánh cửa hông nhà cũ cùng con nó.
Khi xa xóm Quậy, lão chợt nhận ra đó cũng chính là xóm Khổ. Khổ tứ xứ, khổ thâm căn về hội tụ đó. Khổ nối khổ, nghèo nối nghèo, quậy nối quậy. Nơi khác đến nhập xóm cũng khổ lây như gã -chở-giường-đi-lại-chở-giường-về! Chiều qua lão lại gặp gã ở ngã ba, mặt chảy dài, vêu vao. Đứa con nhỏ ngồi trên giường cùng với nồi niêu mền chiếu. Chiếc giường dừng ở ngã ba như mọi bận để gã trút nỗi niềm với xóm còn con vợ xắn quần chõ miệng về phía nhà mình chửi. Về nhà gã thì cha mẹ gã không chấp nhận con gái xóm Quậy là con dâu. Lên nhà cha mẹ vợ thì năm lần y năm bận ở khoảng một hai tuần. Lần này để được ở lâu, gã bỏ cả nửa chỉ vàng sửa lại mái tôn. Thế mà chỉ mươi hôm lại bắt đầu chửi nhau loạn xạ. Cái giường của gã bị quẳng ra đường, đe dọa chẻ chụm nếu không chở đi. Nó đứng bơ vơ ở ngã ba xóm, chất đầy rối rắm đau khổ. Xe qua lại phải lui đi ngả khác vì cái giường cứ ì ra đó. Đám đông ở ngã ba cũng không chịu giải tán, tụ tập đông vui, nói cười ầm ĩ. Sự cố cuộc đời đối với dân xóm Quậy chẳng có gì quan trọng. Quen rồi!
"Ri-ri-ri-ri... ri-ri-ri... Ri-ri-ri...". Lão dỏng tai đón âm thanh quen thuộc như vọng tự thời thơ ấu phát ra từ đám cỏ dại lẫn với đất đá bên lề đường, dấu vết của công trình đô thị hóa. "Cơ-ri-ri... Cơ-ri-i...". Chao ôi chuyển gam rồi! Đúng là giọng một anh chàng dế cô đơn đang da diết gọi tình. Một anh chàng dế lạc loài vì lưu luyến chỗ cũ. Đáp trả chỉ có tiếng nhạc xập xình văng vẳng từ đám "cù lao nhân tạo" mọc khoảng hai tháng nay trên đám ruộng rau mênh mông trải dài bên kia đường, cách nhà lão khoảng vài chục mét. Đèn xanh đỏ chớp lòe như vạt đom đóm dỏm. "Cầu khỉ" bắc qua quán cũng dỏm nốt nhưng trò khỉ thì thật nên thiên hạ dập dìu lui tới. Hồi lão mới về ở, bên kia con đường mới mở rộng mang dáng dấp xa lộ là ruộng rau, ruộng lúa bát ngát hương đồng gió nội. Giờ đường đến đâu, quán đến đó. Đủ loại - cà phê vườn, biệt thự quán, cù lao quán, bạch đàn quán, tre trúc quán... Chỉ trong vòng mấy tháng, khu phố mới ngó ra con đường mới quay cuồng trong dịch mở quán. Dịch phát triển mạnh đến nỗi vợ lão đứng ngồi không yên, hăm he: "Viết không ra thì tránh bên cho tui làm. Tui mở Đồng Sông quán. Ông kéo giới văn nghệ sĩ của ông đến. Bảo đảm vài năm tui mua biệt thự cho ông". Lão phải xáng vỡ một cái bình pha lê mới trấn áp được nỗi sợ trước viễn cảnh ấy. Thế nhưng Đồng Sông quán vợ lão phác họa lại lừng lững hiện ra, rõ ràng đến từng dải yếm. Này thơ đề vách theo lối thư họa. Này tranh khỏa thân sao chép của các danh họa. Này gái đẹp vận váy thâm, yếm đào chuốc bia Heineken và rượu ngoại. Rồi tên quán. Ai lại gọi bằng cái tên nhà quê đặc thế! Đổi là Điền Dã quán nghe vừa chữ vừa nghĩa. Ả vào tận phòng văn núp sau các con chữ. Ả cũng theo lão về tận xóm cũ khiến lão buột miệng nói với hai mẹ con Xỉn: "Rồi chúng mày tha hồ gặm xương!". Ả bám dai như đỉa. Cả trong giấc ngủ bể nát của lão, ả vẫn mọc thêm lông, tóc. Lão làm việc trong trạng thái hoang mang không biết mình thích hợp với nhà văn xóm Quậy hay chủ quán Đồng Sông? Truyện của lão cũng bắt đầu mất hồn vía. Xác chữ ngổn ngang, ý tứ lẩy bẩy như âm binh chưa đủ ngày tháng. Lão đâm nhớ cái ngã ba trần ai, nơi xóm Quậy giải tỏa sự đời. Sự đời ở đó diễn ra hồn nhiên như thế giới vẫn đầy man rợ, dối lừa, xinh đẹp. Dân xóm Quậy không hoài công chia cái thế giới nhỏ hẹp của họ thành hạnh phúc-đau khổ, thiện-ác, hữu hạn với vô cùng... Họ để nguyên trạng và điềm nhiên dự phần. Tiếng đời ở đó vọng đến khiến lão thành nhà văn. Còn đám ruộng rau xanh rì, rặng bạch đàn ngả ngớn sát con đường lịch sự láng cóng kia có cơ biến lão thành chủ quán thịt rừng. Ngồi trên sân thượng bằng phẳng có ban-công mà lão cứ có cảm giác chông chênh như trên sóng tôn nhà cũ. Căn gác xép ọp ẹp có một ô cửa nhỏ mở ra mái tôn, vừa là sân phơi quần áo vừa là chỗ hóng mát. Lão để ở đấy mấy chậu cây tưới ngày hai bận mới cầm cự với cái nắng ghê người. Khi bức bối bực bội chạm sắc lá xanh lòng dịu lại. Nằm trên sân tôn ngắm mảnh trăng gầy, lão an ủi: "Nguyệt lai môn hạ, nhàn". Nhưng "nhàn" cứ giật mình thon thót bởi những câu chuyện ngã ba. Trăng cũng tái mặt vì tiếng gào ăn, gào thuốc của thằng Phú điên, tiếng hờ người tình đã khuất của mụ Ba bán bún bò, tiếng bà-già-mèo tha thiết gọi con... Bà già ấy cũng có tên tuổi hẳn hoi nhưng xóm Quậy thường đặt tên lần nữa cho ai nhập xóm. Chồng con bốc hơi mỗi người mỗi kiểu để bà già một mình trên trần thế. Bà-già-mèo bán vé số nuôi thân và khoảng nửa chục con mèo. Nuôi lớn độ vài ký, thanh niên xóm Quậy lại bắt làm thịt nhậu còn chơi ác thả lông trước cửa. Mụ chửi nhưng hơi sức chẳng còn bao lăm nên chẳng đứa nào sợ. Mất con nào mụ đau con ấy. Nếu không có nhúm lông để chắc rằng con vật yêu thương đã chết, mụ gọi nó đến khản cả tiếng. Biết tẩy, tụi ác ôn bắt mụ bỏ tiền chuộc. Thèm rượu đến xin đểu. Tính mạng mỗi con mèo được tính bằng xị. Bà già đột tử khi chứng kiến cái chết thương tâm của con mèo đen mắt vàng mà bà yêu nhất. Con mèo ấy đã trèo lên được bức tường ngăn xóm để nhảy vào nhà thì bị thằng Bì trông thấy. Nó túm đuôi giật xuống và cứ thế cầm đuôi quay tít rồi quật mạnh xuống mặt đường. Bà-già-mèo đi bán vé số về chứng kiến từ xa vừa chạy vừa la nhưng không làm gì được. Âm thanh phát ra chỉ là tiếng ú ớ cuồng loạn. Bà già té quỵ, đầu va xuống đường nhưng không chết vì vết thương ở đầu mà vì vỡ tim. Xóm Quậy rúng động vì hai cái chết tươi cùng một lúc ấy. Thằng Bì bị công an giam mấy ngày giáo dục rồi cũng thả vì người ta không thể ở tù vì giết một con mèo. Sau "sự cố" ấy, không khí xóm Quậy trầm xuống hẳn, ít ra ba ngày xóm lo đám tang. Chuyện ấy cũng ám ảnh lão cả mấy tháng trời nhưng biến nó thành truyện thì lão không làm. Cái ác hồn nhiên và cái đẹp rưng rưng chua xót ấy ngôn từ của lão không đủ sức diễn tả!
Chiều nay lão lại đem xương về xóm Quậy cho con Xỉn. Nhưng lão chỉ thấy một mình Xỉn con ngồi chóc ngóc trước cửa hông nhà cũ. "Mẹ mày đâu?"- Lão bàng hoàng - " Âu... âu... âu... âu?" - Cún con cũng ngơ ngác hỏi lão, mắt như có nước - Thôi rồi! - Lão rên lên, thả rơi gói xương trên tay. Chuyện chó chết, xóm này xảy ra như cơm bữa, nhất là khi cuối xóm có một nhà làm thịt chó. Ngày hôm nay không giống ngày hôm qua làm sao lão lại cứ tin rằng con Xỉn mãi chờ lão vào 5 giờ trước cánh cửa nhà cũ? Lòng tê tái, lão bế Xỉn con lên nhưng nó nhoài người xuống, nhìn lão như muốn hỏi tại sao mẹ nó không hiện ra. "Về với tao, không như mẹ mày!" - Lão nhìn quanh rồi bế thốc cún lên. Đêm ấy, cả nhà không ngủ được vì tiếng khóc của Xỉn con. Nó nhớ mẹ và xó bếp tồi tàn quen thuộc.
Con chó nhỏ chỉ còn là một nhúm mềm oặt trên xa lộ khi lão tìm thấy. Nó bị xe tông trên đường tìm về nhà cũ. Giữa máu me và dòng nước mắt, lão chợt thấy mình đã cập bờ, không lênh đênh nữa.
Ít ra trên trang viết, lão không bất lực như trong cuộc đời!
Hết

Xem Tiếp: ----