Chương 14

Từ nhà Tiểu Song trở về. Tôi im thin thít, không dám để lại cho ai biết chuyện vợ chồng họđã cãi nhau. Tôi chỉ cho mẹ và Nội biết là Tiểu Song đã có bầu. Thế là Nội tôi nhảy dựng lên.
- Thấy chưa, con người ta nhỏ hơn Thi Tịnh, Thi Bình mà đã làm mẹ rồi. Coi như đã đoạt giải Nobel rồi đấy. Nhưng mà... Ờ!... còn nhỏ quá, không có biết cách lo cho con không? điệu này Nội phải qua bên đó chỉ bảo.
Tôi cảnh cáo:
- Nè... nè... Nội đứng trước mặt Hữu Văn với Tiểu Song, nhớ không được nói đến giải Nobel cả nhé.
Nội có vẻ không hiểu:
- Sao vậy? Bộ cái chữ đó xúi quẩy lắm ư? Sao tao thấy Hữu Văn nhắc hoài vậy, mà mỗi lần đều nhắc một cách kiêu hãnh?
Tôi không biết phải giải thích thế nào với Nội, nên nói:
- Thì con bảo đừng nhắc là Nội cứ không nhắc là xong.
Nội là người nhanh nhẹn, việc gì nói làm là làm ngay. Thế là qua ngày sau, người tới ngay nhà Tiểu Song. Và vừa về tới nhà người đã thở ra:
- Thật tức chết đi thôi, tức thật đó.
Mẹ tôi hỏi:
- Sao vậy? Tiểu Song nó cũng lễ độ lắm mà, nó làm mẹ giận ư?
Nội vừa thở vừa nói:
- Không phải Tiểu Song. TAo vừa vô nhà mày biết tao thấy gì không? Cái con nhỏ đó nó bò dưới sàn lau nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tao kéo nói lại rầy, có nghén không được làm chuyện nằ.ng như vậy. Nó chỉ cười bảo vận động một chút cho khỏe. Mẹ tức quá nói: Vậy sao không để cho Hữu Văn vận động một chút? Nó không chịu nói, chuyện này là chuyện của đàn bà làm, mày thấy giận không?
Anh Thi Nghiêu đứng gần đó, hỏi:
- Thế lúc Nội nói chuyện, Hữu Văn đứng ở đâu?
Nội nói:
- Thì thằng đó vắng nhà. Cái con Tiểu Song mở miệng ra là tội nghiệp ảnh. Con làm khổ ảnh. đúng ra ảnh phải dành hết cuộc đời mình để lo chuyện viết lách, không phải đi làm, thế mà vì có con... Tóm lại, lúc nào Tiểu Song cũng bao che, lo lắng, còn chồng nó tỉnh bơ. đâu phải chỉ vậy không? Mấy con biết không, khi Nội chưa kịp ngồi xuống thì có một người đàn bà mập ơi là mập... Coi coi lớn khoảng gấp đôi Nội...
Tôi tò mò:
- Bà ấy làm gì?
Nội không chịu được nên bước tới nói: Người ta đã xin lỗi, đã chịu hoàn tiền một phần cho bà đủ rồi, bà còn đòi hỏi gì nữa chứ? Nội chỉ mới nói có mấy câu thì bà ta hùng hổ nói: " Rồi sao mấy người định đánh tôi phải không? " Tiểu Song phải chạy tới can nói: "Bác ơi con lạy bác, thôi con xin hoàn lại cả ba tháng tiền học cho con bác. Bác cho con hẹn mấy ngày con sẽ trả, như vậy mới yên.
Anh Thi Nghiêu vẫn chưa hả giận:
- Nhà bà ta ở số mấy? Con tới đó cho bả một trận biết tay.
Nội nói.
- Thôi. Đụng với mấy bà như vậy chỉ thiệt mình. Chuyện cũng chưa hết.
- Sao vậy?
- Lúc Hữu Văn về, Nội thấy tức quá mới kể lại cho Hữu Văn nghe, Tiểu Song không chịu đứng bên cứ kéo tay kéo chân Nội. Nội đã không ngờ chuyện làm của mình càng gây thêm rắc rối.
Anh Thi Nghiêu nói:
- Con biết rồi, có phải Hữu Văn nghe nói đã nổi nóng và đi tìm người đàn bà mập kia gây sự không?
Nội nhìn anh Thi Nghiêu:
- Mâỳ chỉ nói đúng có một nửa. Đúng là Lư Hữu Văn nổi sùng lên, nhưng nó lại quay sang gây với Tiểu Song mới tức chứ.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy?
- Tụi con không biết Nội lúc đó giận run lên, thằng Hữu Văn nó vừa chỉ Tiểu Song vừa chửi: "Tôi đã bảo cô rồi mà tối ngày chỉ giỏi kiếm chuyện không hà. Với những đứa ngu và những bà lắm mồm như thế thì đừng có đụng vào? Tôi có bảo cô dạy đàn, thu nhận học sinh đâu? Cô làm tôi mất mặt quá!" Tụi con biết không, tội nghiệp con nhỏ. Tiểu Song chỉ biết đứng đó ràn rụa nước mắt, nó vừa thút thít vừa nói: "Em chỉ muốn kiếm tiền”. Nhưng không ngờ câu nói làm Hữu Văn nổi nóng thêm. Nó nhảy dựng lên nói: "Ai bảo cô kiếm tiền, cô định trước mặt Nội của Thi Bình làm xấu tôi ư? Lư Hữu Văn này nghèo thật, không có tiền, chuyện đó ai cũng biết. Tại sao lúc cô lấy tôi, cô nói là cô có thể chịu được, cô không chịu khổ nổi thì cô lấy tôi làm gì? Lư Hữu Văn này không cần phải bám vào cái nghề dạy học của cô mới sống nổi" Các con biết không nó vừa nói vừa hét. Tao đứng đó mà tay chân tao giận run. Tao định lên tiếng, tội nghiệp con Tiểu Song nắm lấy tao van nài: "Xin Nội đừng nói gì anh ấy hết, tại anh ấy đang giận đấy, bình thường anh ấy rất tốt với con... " đứng trước cảnh như vậy tao biết nói sao. Thôi thì đành hậm hực bỏ về.
Lời kể của Nội làm không khí trong phòng nặng nề, một lúc lâu mới nghe tiếng mẹ thở dài:
- Tội nghiệp sao con nhỏ này nó khổ quá!
Anh Thi Nghiêu đứng dậy bỏ về phòng, tôi thấy trên mặt anh thoáng nét buồn, tôi yên lặng bước theo anh, thấy anh bước tới bên bàn cầm một cây bút chì lên bẻ đôi. Tôi bước tới, anh ngẩng đầu lên nhìn lạnh lùng:
- Cô giỏi lắm Thi Bình!
Tôi ngẩn ra. Ồ! Khi không sao lại trút cơn giận lên đầu tôi, không lẽ Tiểu Song bị ức hiếp rồi tôi phải lãnh? Tôi nói:
- Em có làm gì nên tội đâu anh?
Anh Thi Nghiêu rít lên:
- Tại sao cô giấu tôi? Cô biết mà cái gì cô cũng giấu? Tiểu Song đang sống trong điạ ngục mà cô cũng giấu?
Tôi hỏi:
- Theo anh thì sự khác biệt nhau giữa địa ngục với thiên đàng ở chỗ nào? Anh tưởng cô ấy đang ở địa ngục, nhưng cô ta lại cho rằng mình đang ở thiên đàng thì sao? Vì vậy, anh Nghiêu, em nghĩ là anh khéo lo.
Anh Thi Nghiêu trừng mắt, những sợi gân xanh như hằn lên trán anh, anh ném thật mạnh cây bút chì gãy trong tay lên vách và hét lớn:
- Tôi làm được gì đây hỡi trời?
Tôi nghiêm nghị nói:
- Anh không thể làm được gì cả! người ta đã là đàn bà có chồng lại sắp làm mẹ Cái mà anh cần làm nhất hiện nay là làm sao xóa đi hình ảnh của Tiểu Song trong đầu anh, đừng nghĩ đến cô ấy nữa, chuyện Tiểu Song có hạnh phúc hay bất hạnh thì cũng chỉ là chuyện của cô ấy, điều anh nên làm hiện nay là nên đi tìm một người bạn gái mới, lấy vợ đẻ con cho ba mẹ, anh cũng đừng tưởng rằng Nội đã được giải phóng khỏi quan niêm cũ, Nội hiện nay rất cần cháu chắt đấy anh ơi.
Anh Thi Nghiêu tròn mắt nhìn tôi. Anh nhìn tôi như nhìn một con quái vật, anh nghiến răng nói:
- Thi Bình, cô đúng là một thứ không có lương tâm, một động vật máu lạnh, không tình cảm.
Tôi quay lưng định đi ra ngoài và nói:
- Tốt lắm. Em chỉ là một con vật máu lạnh thì để xem động vật máu nóng anh sẽ làm được gì trong chuyện này.
Anh Thi Nghiêu nắm tôi kéo lại:
- Khoan hãy đi!
Tôi đứng lại. Anh nhìn tôi với đôi mắt đỏ ngầu:
- Thi Bình, em làm ơn giúp anh một việc, nếu không anh cũng không biết làm sao.
- Anh muốn em làm gì?
- Em hãy giúp anh sắp xếp thế nào, để anh được gặp riêng Tiểu Song một lần, anh có rất nhiều điều muốn nói với cô ấy, Thi Bình em hãy làm ơn.
Tôi lắc đầu:
- Không, không thể được. Anh không có quyền làm thế anh ạ em cũng không thể giúp được anh làm chuyện đó, như điều anh đã nói, anh đã đánh mất ba trăm bảy mươi tám cơ hội, và bây giờ trễ thật rồi. Nếu muốn, tại sao những ngày đầu tiên cô ấy đến nhà ta, khi Lư Hữu Văn chưa xuất hiện, khi họ chưa yêu nhau, anh lại không nhờ em. Em rất sẵn sàng để sắp xếp, nhưng bây giờ thì tuyệt đối không, không thể được.
Anh Thi Nghiêu giữ chặt lấy tay tôi giọng xúc động:
- Thi Bình, em phải giúp anh. Anh biết mọi sự đều trễ hết rồi. Anh cũng không phải gặp cô ấy để tỏ tình, em cũng biết con người của anh cao ngạo đến chừng nào, thế mà bây giờ anh cô đơn như một thanh gỗ mục. Anh biết mình đã mất đi cái quyền tán tỉnh Tiểu Song. Anh chỉ muốn gặp cô ấy để nói với cô ta là, lúc nào anh cũng bên cạnh, cũng sẵn sàng giúp đỡ và làm mọi thứ, anh muốn Tiểu Song hiểu anh, hiểu thật rõ về con người của anh....
Tôi nghiêm túc:
- Anh Nghiêu. Tất cả những gì anh muốn nói em biết, Tiểu Song đều hiểu cả, bây giờ tốt nhất em nghĩ là anh không nên làm gì cả. Vì nếu anh hành động chỉ có thể gây đau khổ thêm cho Tiểu Song mà thôi.
Anh Thi Nghiêu đứng lặng nhìn tôi. Cả hai anh em tôi yên lặng nhìn nhau. Mắt anh ấy ngập đầy nỗi buồn tuyệt vọng, cô đơn, anh buông tay tôi ra và buông người xuống giường.
- Em nói đúng, anh sẽ không làm gì cả, nhưng mà...
Anh Nghiêu chợt nghiến răng.
- Nếu cái thằng chết bầm Lư Hữu Văn mà còn ức hiếp Tiểu Song nữa thì anh sẽ giết nó.
Tôi bước tới ngồi xuống cạnh anh:
- Anh Nghiêu, anh đừng có điên như vậy, không lẽ anh không hiểu là Tiểu Song đã yêu Lư Hữu Văn đến độ nào ư? Dù Lư Hữu Văn bạc đãi thế nào thì Tiểu Song vẫn yêu chồng, em dám bảo đảm với anh là nếu anh đụng đến một sợi lông chân của Hữu Văn thì người đau khổ chính là Tiểu Song chứ không ai khác.
Anh Nghiêu trừng mắt nhìn tôi:
- Cái thằng Lư Hữu Văn kia lại đáng hưởng một tình yêu như vậy à?
Tôi buồn buồn nói:
- Em cũng không biết. Có điều em hiểu là Tiểu Song chỉ vui khi Hữu Văn vui và buồn khi chồng cô ấy buồn.
Anh Thi Nghiêu nằm quay mặt vào trong, không nói thêm một tiếng nào nũa, và tôi bỏ ra ngoài.
Qua lời kể của Nội và một loạt những sự thăm dò của tôi, mọi người trong nhà đều biết là, cuộc hôn nhân của Tiểu Song không đẹp như mọi người tưởng. Nhưng gia đình nào lại chẳng có những bứt rứt của nó, trên quả đất này cũng không thể tìm được hạnh phúc vẹn toàn, chúng tôi nghĩ như vậy, chúng tôi đau khổ cho Tiểu Song. Nhưng còn bản thân Song cô ấy có hối tiếc về cuộc hôn nhân của mình chăng? điều ấy không ai biết, và một tháng sau khi chuyện xảy ra, chúng tôi còn đang ưu tư, thì Tiểu Song một mình đến trong bộ y phục tươm tất. Lúc đó là buổi tối, cả nhà có mặt đông đủ, Tiểu Song trong chiếc áo màu hồng váy đen tóc xõa ngang vai, mặt được điểm một tí phấn hồng nên trông rất tươi. Anh Thi Nghiêu vừa nhìn thấy Tiểu Song vào là ngồi bật dậy như một sợi dây thun, anh ấy chăm chú nhìn Tiểu Song đến độ cô ấy phát ngượng, hỏi:
- Bữa nay chẳng có ai ra phố cả à?
Nội thì nắm lấy tay của Tiểu Song âu yếm:
- Hôm nay trời tốt con đi đó đi đây thế này phải lắm, chứ tối ngày làm những việc nặng nhọc như lau nhà là chẳng được nha.
Tiểu Song nhìn Nội cười:
- Lâu lâu làm một lần bị Nội bắt gặp, chứ con ở nhà rất hiếm khi đụng tay đến việc đó.
- Còn Hữu Văn ở nhà viết văn ư?
Anh Vũ Nông hỏi. Anh cũng có một chút mặc cảm phạm tội vì nghĩ rằng mình là người đã giới thiệu Văn với Tiểu Song. Tiểu Song quay sang vui vẻ:
- Anh Nông biết không? Anh Hữu Văn đã tìm được việc làm.
Vũ Nông trợn tròn mắt.
- Đi làm hả? Làm ở đâu thế?
- Ở một công ty thương mại. Anh ấy giữ chức nghiên cứu thư văn bằng tiếng Anh, ngày làm tám tiếng. Mới di làm nên cũng chưa quen về bữa nào cũng than nhức mỏi, đau bụng.
Tôi tò mò:
- Ủa làm việc sao lại đau bụng?
Tiểu Song cười và nói rất tươi.
- Anh ấy bảo là, phải cong lưng nhiều quá nên ảnh hưởng đến bụng.
Lâu lắm rồi tôi mới được thấy cô ấy vui như thế.
- Dù sao thì anh ấy cũng đã chịu đi làm, bảo anh ấy đi làm còn khó hơn bảo anh ấy uống thuốc chuột.
Vũ Nông hỏi:
- Vậy còn việc viết lách của ông ấy ra sao?
Tiểu Song nói với một chút bối rối.
- Thì cũng vẫn viết, nhưng tối đến mới viết. Anh Vũ Nông, không biết anh thấy thế nào, chứ em thấy anh Hữu Văn tuy có tài nhưng anh ấy không thể làm một nhà văn chuyên nghiệp vì anh ấy thiếu sự nhạy bén, em đã từng nghiên cứu rất nhiều về chuyện viết lách của anh ấy, em cũng đã thắc mắc tại sao ở Đài Loan co quá nhiều nhà văn chuyên nghiệp kiếm được tiền mà anh ấy lại không kiếm được một đồng? Rồi em cũng tìm được kết luật, gạt tất cả những nhà văn tên tuổi qua một bên, chỉ đề cập đến nhà văn mới thôi, mỗi tháng họ viết từ tám đến mười truyện ngắn, giả sử phân nửa bị bỏ vào sọt rác, thì cũng còn bốn năm chuyện, như vậy cũng còn chút đỉnh tiền, đàng này anh Hữu Văn, anh ấy chỉ thích ngồi đấy suy nghĩ, nghĩ chán rồi viết xong lại xé. Cứ thế cả một tháng trời, viết chưa được một ngàn chữ, hỏi như vậy làm sao làm nhà văn chuyện nghiệp được?
Tôi hỏi:
- Tiểu Song. Tôi hỏi thật nhé, từ lúc quen Hữu Văn hồi tháng bảy năm ngoái đến nay tính ra đã hơn năm ruỡi. Trong năm rưỡi đó Hữu Văn viết được bao nhiêu tác phẩm rồi?
Tiểu Song thật thà:
- Thật ra viết cũng nhiều lắm, nhưng anh ấy đã xé hết.
Nội không hiểu hỏi:
- Tại sao lại đem xé, đem những thứ đó lên đăng báo cũng kiếm được tiền vậy?
Tiểu Song nói:
- Dạ tại anh ấy đòi hỏi khá cao. Anh Hữu Văn muốn tác phẩm của mình phải đạt được sự đánh giá cao của độc giả, nên thấy cái nào không hợp lòng thì anh ấy lại xé. Từ ngày con quen anh ấy đến giờ, anh chỉ cho đăng một truyện ngắn có tựa “Dưới Ngưỡng Cửa Đời”, truyện này lại không có nhuận bút.
Và quay sang anh Vũ Nông nói như phân bua:
- Anh Vũ Nông biết không, anh Hữu Văn nhà tôi ít khi nào chịu đề cập đến chuyện tiền bạc. Anh ấy nói: Nếu đem nhuật bút ra để đánh giá tác phẩm là làm nhục anh ấy. Anh Văn nói không muốn đem văn chương ra đổi lấy cái ăn, mà văn chương thì để lưu văn hậu thế. Chắc quí vị ở đây cũng nghe qua cách lý luận đó. Vì vậy khuyến khích anh ấy đi làm là cả một vấn đề.
Tôi hỏi:
- Thế cô động viên bằng cách nào thế?
Tiểu Song thở dài:
- À cũng khó lắm. Trước kia tôi cũng không muốn để anh ấy bận tâm về vấn đề tiền bạc, nhưng kéo dài mãi cũng khó. Thi Bình biết không? Tháng này công ty điện lực xuống cắt điện, anh ấy vẫn ngoan cố thắp đèn cầy viết, nhưng rồi tiếp đó thủy cục xuống đòi cắt nước, mà nếu không có nước làm sao ta nhịn uống được? Em phải đi xách nước một bữa, mới quảy đôi thùng đến trước cửa em đã trợt té...
Nội kêu lên:
- Trời ơi! Con muốn giỡn chơi ư? Bầu bì như vậy mà còn gánh nước, rồi có làm sao không?
Tiểu Song đỏ mặt:
- Lúc đó đau quá con ngất đi, lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường, được chích thuốc an thai, nên cũng không sao. Anh Hữu Văn hoảng lên thề là anh ấy sẽ cố gắng kiếm tiền để lo lắng cho gia đình. Anh ấy cũng đem cái lời hứa cũ rích "Sẽ từ giã cái linh hồn cũ, sống lại một cuộc đời mới". Con tưởng là anh ấy chỉ hứa suông, không ngờ lần này làm thiệt, thật khó tin.
Tôi nói:
- Cũng nhờ cái trượt ngã của Tiểu Song đấy. Nói thật nhé, Tiểu Song biết không, tôi thấy là dù Hữu Văn có là thiên tài cỡ nào thì cậu ấy cũng phải có một công việc thật sự để làm, đàn ông không thể...
Nhưng cha tôi nãy giờ ngồi yên, đã cắt ngang:
- Nói như vậy cũng không đúng. Viết văn cũng là một công việc đấy chứ. Có điều không được "Nổ cho nhiều mà làm chẳng bao nhiêu". Phê bình người khác thì thật hay, nhưng khi đụng tay vào việc thì chẳng nên tích sự. Cuộc đời không đơn giản.
Tiểu Song nói:
- Bác đừng nói câu này cho Hữu Văn nghe nhé, anh ấy kị nhất là khi nghe phê phán " Chí lớn tài hèn".
Tôi nhanh miệng:
- Nhưng rõ là như vậy cơ mà?
Tiểu Song biện bạch.
- Không phải đâu. Anh ấy có tài, chỉ vì còn trẻ quá, chưa qua tôi luyện, nên thiếu kinh nghiệm đời. Em đã khuyên nhủ nhiều lần. Nói cho anh ấy thấm là ở các nhà văn lớn họ cũng phải ăn mới sống.
Cha tôi gật gù:
- Cậu Văn cũng tối đấy chứ, cái sai của cậu ấy chỉ là mơ mộng nhiều quá nên quên thực tế.
Tiểu Song cười với nụ cười thật ngọt, một nụ cười hạnh phúc hiếm thấy.
- Bây giờ thì anh ấy thực tế lắm rồi bác ạ. Nhưng cũng tội cho anh ấy, anh ấy phải hi sinh nhiều quá vì con.
Anh Thi Nghiêu buột miệng:
- Thế mà cũng nói được! bổn phận người chồng là phải lo lắng cho gia đình, vợ con, cái đó đâu phải là sự hi sinh!
Tiểu Song quay sang nhìn anh Thi Nghiêu. Tôi tưởng nàng định biện bạch, nhưng không phải, nàng chỉ cười và quay sang đề tài khác.
- Anh Nghiêu, hôm này em đến đây là để gặp anh.
- À?
Anh Thi Nghiêu có vẻ ngạc nhiên. Chợt nhiên tôi thấy anh lúng túng, Tiểu Song lấy xấp giấy trong túi xách ra, đưa cho anh với nụ cười:
- Em đã soạn được hai bản nhạc của cha, lời em viết. Anh Văn đọc chê là lẩm cẩm, nhưng anh ấy không chịu viết cho em. Anh cứ xem thử đi, nếu sử dụng được thì sử dụng, có nhiều chỗ hơi ngượng, nhưng em không biết sửa thế nào, nhờ anh.
Anh Thi Nghiêu đọc sơ qua, rồi đứng dậy mở nắp đàn dương cầm, vui vẻ:
- Vậy Tiểu Song đàn đi, hát đi, nếu có chỗ nào trục trặc, ta sẽ bàn lại và sửa ngay tại chỗ, được chứ?
Tiểu Song ngoan ngoãn ngồi xuống ghế. Anh Thi Nghiêu đứng cạnh bên với ánh mắt dịu dàng, trìu mến. Đối với anh, Tiểu Song vẫn là Tiểu Song ngày nào, chứ không phải là một người đàn bà sắp làm mẹ Bàn tay Tiểu Song dạo nhẹ trên phím. Nàng nói:
- Bản nhạc này có tên là “Mộng”. Anh nghe lời nhạc có gì không phải đừng cười nhé?
Và nàng bắt đầu hát, cả nhà cùng lắng nghe:
- Tối qua gặp ai trong mộng
Tay trong tay chẳng thành lờI
Sáng nay thức dậy mộng không còn
Người hỡi người, sao khép vội chi
Tối qua nhìn nhau trong mộng
Bao nhiêu câu chẳng thành lờI
Sáng nay thức dậy nhớ người
Mong rằng rồi lại gặp mơ
Tối qua gặp nhau trong mộng
Tình yêu sao lắm ngọt bùi
Sáng nay thức giấc tan rồi
Giấc mộng chỉ là mơ thôi.
Tiếng hát của Tiểu Song thật ngọt. Lời cũng khá hay. Chúng tôi ngồi yên thưởng thức. Và dĩ nhiên, thấm nhất là anh Thi Nghiêu. Tôi nghĩ thế, vì tôi thấy ông anh tôi thẫn thờ như kẻ mộng du.