Phùng Cung
Dạ Ký

Thông Điệp Xanh xin giới thiệu với bạn đọc trích đoạn truyện ngắn Dạ Ký của nhà văn Phùng Cung( sinh năm 1929 tại Sơn Tây).
ở ngoài nước, Phùng Cung chỉ được biết tới như một nhà văn trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, với truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh( Nhân Văn số 4,10-1956).
Trong thời gian 56-59, ông đã hoàn thành một tập 6 truyện ngắn, với tựa đề Dạ Ký. Tác phẩm này chưa bao giờ được xuất bản, và khi tác giả vừa viết xong, thì ông bị bắt và bị tù biệt giam trong 11 năm trời. Cũng như Nguyễn Hữu Đang(15 năm tù), Phùng Cung là một trong vài ba người rất hiếm không chịu tự phê, và lại càng không chịu tố điêu người khác.
Đêm lặng, hơi có gió nhưng là gió nóng; có lẽ gió từ dưới đất lên. Tôi cảm thấy hai mắt như được băng lại bằng lụa mỏng- một thứ lụa chuyên dùng của thần ru ngủ? Tai tôi vẫn còn thức, nhờ gió đón nhận được những âm thanh của đêm thu. Âm thanh cũng đứt, nối, nổi, chìm, to, nhỏ, gió ý thức điều chỉnh?
...Một không gian đỏ, xanh, vàng, tím bao la quay cuồng biến ảo; bỗng tối bưng lấy mắt, rồi lại thay bằng một thứ ánh sáng dìu dịu của đêm trăng, rồi ngả sang màu ánh sáng của bình minh ảo- không gian phù thịnh.
Tôi nhìn lên ngọn cây chòi mòi kề bên cổng một ngôi đền cổ kính, muốn ghé nơi cảnh vắng độ chân, luôn thể ăn mày ngụm nước. Vừa bước khỏi cổng, bỗng thấy khác lạ: rõ ràng vừa rồi là một cổng đền, nay lại biến thành một tam quan đẹp- Chùa hay đền?Chợt tiếng"đậu phụ chùa" sủa dữ dằn. Tôi để mắt tìm chẳng biết con vật ấy ở đâu. Tiếng sủa từ bốn phía giáp công giòn giã đan vây. Tôi biết làm gì đây để thanh minh mình không phải là kẻ gian phi. Tôi cố gắng nhìn ngó muốn tìm đến chủ của chúng dù là nhà sư hay ông từ để nói lên cái yêu cầu không nhỏ của mình. Rất tiếc, tôi chẳng thấy bóng một ai! Chẳng biết sức gì lôi cuốn, khiến tôi tò mò ngoan bước. Vào đến thềm đại bái tôi chợt nghe tiếng lịch kịch bên trong như tiếng thu dọn đồ đạc. Tôi bước hẳn vào bên trong, nhìn lên tam bảo uy nghi. Cái mắt tò mò chuộng lạ của tôi dè dặt tôn kính từ ba vị tam thế, đến hai bên hành lang, đủ loạt: tượng phật, tượng thánh gỗ hay đất chẳng biết, đầu sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Trời! Tôi bỗng rủn cả người! Các tượng tĩnh toạ ở cái thế thiên thu bất biến, nhất loạt chăm chắm nhìn tôi. Tôi rẽ sang hành lang bên tả, các vị cũng nhất loạt đánh mắt sang tả lườm tôi. Tôi rẽ sang hành lang bên hữu các vị cũng nhất loạt đánh mắt sang hữu- còn nhanh hơn- lườm tôi! Sự hoạt động của nhãn tượng nhạy bén tựa cái vô- lăng ô- tô quành trái, quành phải trên con đường chữ phi, ổ gà, do một tay lái tột bậc điều khiển. Tôi cảm thấy lạnh toát người; tôi cố trấn tĩnh làm nhanh bản tự thuật trong đầu. Tôi vẫn biết đã là tự thuật thì thành khẩn tự nhận tội lỗi là cốt lõi của vấn đề. Tôi tự nhủ có lẽ con mắt của thần, phật; chỉ con mắt của thần phật mới nhìn thấu hết. Hẳn kiếp trước mình là kẻ bất lương, bất hảo!...
Tôi khép nép đi lùi theo lối cận thần sau khi vào bệ kiến đức vua mà tôi đã có nhiều dịp chứng kiến trên các chiếu hát chèo. Lùi đến khi gót chân va vào bậc cửa tôi mới dám cúi đầu quay ngang và bước hẳn xuống thềm.
Khát quá! Nhìn thấy một bể nước kề sát tường, tôi vội nghĩ: thôi thì dẫu sao thì mình cũng đã bị kiềm kim ấn ba kiếp thì liều thành tâm ăn mày trộm ngụm thanh thuỷ! Rủi thay! Tôi nhìn vào bể chẳng còn lấy một giọt nước, đáy bể đã chớm rêu. Góc bể phía trong, một con cá đã chết từ bao giờ trong môi trường thiên định, chỉ còn nguyên bộ xương trắng màu gạo hẩm! Chờ ăn vạ. hay đợi thời gian mài dũa để siêu thoát, hay chờ bàn tay mầu nhiệm cho tái sinh? Duyên kiếp người cũng như ngư, điểu đều may ít, rủi nhiều, cứ nằm đây chờ đợi! Tôi nhớ lõm bõm lời phật tổ:"Nước bốn đại dương dồn chứa chưa bằng nước mắt chúng sinh trong thế giới ba ngàn!"Nếu được xét tái sinh hẳn con cá này sẽ được thung thăng ưu ái trong nước mắt mênh mông vô tận.
Tôi vừa đi vừa nghĩ bỗng cơn mưa ập đến nghe tiếng mưa rào rào, tôi tìm xa gần để tìm nơi trú. Nhưng lạ thay, mưa mà áo quần tôi không ướt. Mới ở chùa ra, có lẽ mưa tưởng tôi là người nhà phật, hay ít nhất cũng vương mùi phật nên kiềng nể chăng? Lại thình lình một mũi giày đá vào mông tôi. Đá khá mạnh nhưng không đau. Tôi giật mình quay lại. Chẳng phải ai xa lạ, ông bạn cao tuổi, nhà thơ giả thiểu số- Tôi hơi bất bằng cái lối mở đầu sự gặp gỡ kiểu này, nhưng không tiện tỏ thái độ, chưa hẳn sợ anh mà là ngại anh thì đúng hơn. Anh đá tôi bằng giầy vải của quân đội nước bạn Trung Hoa viện trợ. Trong giầy nó có sức điều tiết lúc êm, lúc đau- phát đá hữu nghị giao hảo thì nghe êm; ngược lại thì gấp ngàn vạn lần giầy săng- đá của lính Lê- dương. Anh hất hàm hỏi tôi:"Đã thật thành khẩn chưa?" Tôi chưa kịp trả lời mà nghĩ nhanh: sao anh ta lại hỏi đột ngột thế nhỉ?Anh ta có ở trong đầu mình đâu mà biết được bản tự thuật lúc nãy mình chỉ mới nghĩ, chứ có viết hoặc nói ra đâu. Lạ thật! Chả lẽ tiếng lịch kịch khi tôi nghe thấy lúc còn đứng ở thềm đại bái lại là tiếng do anh ta tạo nên. Có lẽ anh ta nấp đâu ở trong chùa mà tôi không biết. Cái khoa "phật vận" của anh làm tôi phục anh sát đất. Như người bị bắt quả tang, tôi cứ ngớ ra: chút bình tĩnh dần dần được hồi phục, vì mình không khuất tất, không trộm cắp gì. Vả lại nhà tôi cũng nuôi chó. Người lạ đến nhà là nó sủa; bất kể là ai. Nhiều con khôn còn biết sủa lập công phò chủ. Tôi ít nhiều bị chúng hiểu lầm nhưng chẳng đáng để ý. Anh nhà thơ lên mặt giáo dục tôi:" Chưa thật thành khẩn, phải đào sâu suy ghĩ, còn phải bộc lộ!..."Tôi nghĩ đây đâu phải là đang cuộc chỉnh huấn. Nếu là chỉnh huấn tôi cũng chẳng tiếc gì vài cái gãi đầu đấm ngực, lên án mình- dù thật hay vờ miễn học uỷ gật đầu chấp nhận... Anh nhà thơ lại hạ giọng:"Cũng tạm được, cũng đã có ít nhiều chuyển biến!..."Nói song anh quay đi, đi rảo bước cho kịp một người bạn đồng hành của anh. Tôi được giải thoát, tôi thở phào nhìn theo hai người. Quái lạ! Anh nhà thơ, lúc nãy tôi có thấy anh ta cầm cái gì đâu. Bây giờ lại thấy tay phải cầm ngang một chiếc côn gỗ đầu đen, đầu đỏ.
Nhà lý luận một tay bá cổ nhà thơ, một tay cũng một cái côn, giữa sơn vàng hai đầu đỏ; màu sắc tất nhiên khác hẳn côn của nhà thơ- nó tượng trưng cho cái gì thì tôi cũng xin chịu- côn nào cũng có tính năng của nó- không phải chuyện trang trí, tạo dáng.
Một lúc sau, không biết hai người đã rẽ lối nào, tôi chẳng quan tâm, ngã ba ngã tư thiếu gì. Đến một ngã ba, thấy lối rẽ bên phải đường nhẵn cát pha, tôi liền rẽ theo ngả này. Ôi! Vô phúc thế nào lại dấn thân vào nơi cấm địa;lầu son, gác tía dựng ngay trước mặt. Tại sao mắt tôi không nhìn thấy từ xa nhỉ. Tôi dừng chân nhìn một ngôi hoá hai, hai hoá ba, ba hoá bốn, hoá năm, liên khu lâu đài, biệt thự- như trời hoá phép vậy! Tôi tưởng đây chỉ là ảo giác. Tôi xoa mắt, định thần. tôi đứng bên ngoài hàng rào cấm nhìn lên thấy một tấm biển màu đỏ, chữ vàng, chữ loà nhoà tôi không được rõ- treo ngay ngắn trước một biệt thự chính giữa. Hai hàng người quần áo đồng màu cắp côn đỏ, xếp thứ tự nghiêm chỉnh từ dưới chín cấp lên tận cửa son. Chả có công việc gì mà cứ luân quân nhìn ngó dễ bị sơi đòn nên tôi liền lảng nhanh.
Tôi chợt nghe giọng âm ấm ngâm câu thơ..."Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...". Tôi nghĩ ai đó đang ngâm thơ Quang Dũng thì thấy đúng Quang Dũng xuất hiện. Tôi cảm thấy may mắn, gặp anh. Tôi vội hỏi anh đi đâu đến chốn này. Anh cười vẻ buồn buồn:" Ơ Tây Tiến về! Hôm nay sinh nhật mình, mình đang muốn tìm bạn dự sinh nhật!" Tôi nghĩ bụng: thế thì đúng lúc, mình đang đói, khát, lại có bạn rủ đi sinh nhật thì còn gì bằng. Tôi ngỏ lời chấp thuận. Thế là anh ta kéo tôi ngồi xuống gốc cây bên cạnh giở ra trong bọc ra mấy củ khoai lang luộc, và tháo từ nách ra một bi- đông nhôm hơi méo đựng nước chè xanh. Hai thằng cùng ăn khoai, cùng uống nước. Anh ta giới thiệu khoai quê mình đấy, chè thì ở Gốt cũng gần quê mình- ta lấy khoai làm bánh kẹo, lấy nước chè làm rượu - Anh vừa nói vừa cười, hỏi tôi:"Cậu chúc gì mình nào?" Tôi đáp:" Chúc ông làm nhiều thơ hay!"- Anh ta lắc đầu, im lặng. Tôi thấy sinh nhật một nhà thơ sơ sài quá! đơn giản quá! Nhưng tôi lấy nội dung làm chính. Anh ta lại nói:" Khoai lang ăn nó dễ đi ỉa, nhuận tràng; chè xanh mát ruột!" Tôi cũng miễn cưỡng cho là phải- và đang nhìn mơ hồ lên bầu trời cao xanh. Bỗng anh lấy từ trong túi đựng khoai ra một con dao dài chừng một gang tay, chuôi đồng, lưỡi dao sáng loáng, anh ta vừa nhổ nước bọt vào gan bàn chân, vừa liếc dao, vừa khóc! Nước mắt lăn rơi đầy mặt. Liếc dao song, anh ta đứng phắt dậy, mắt gườm gườm nhìn tôi. Tôi sửng sốt không hiểu nổi cái gì sẽ xẩy ra đây? Tôi cũng đứng dậy. Anh ta cầm lăm lăm con dao sắc trong tay:" Tao thiến mày!". Tôi hoảng sợ nhưng vẫn nghĩ là anh đùa:" Đừng đùa dại thế anh!" - Anh nhảy bước tới tôi. Tôi lùi nhanh. Anh nói:" Đùa à! Tao thương mày, mày có muốn làm quan hoạn không?"Tôi nghĩ: thằng này phát điên hay sao đây mà lại quái gở thế này?- Anh ta nói liền liền:" Tao thương mày! Tao thương mày! Cùng quê nhau cả, tao dành cho mày mọi sự ưu ái!". Nhấp nhỏm có ý rình miếng chụp gọn lấy tôi. Tôi vừa sợ, vừa nghĩ: anh ta phát điên hẳn rồi! Ưu ái- quan hoạn- lộn xộn chẳng còn biết ra thế nào! Tôi lùi một bước, anh ta tiến một bước, tôi lùi hai bước anh ta tiến hai bước. Anh ta một tay múa dao, một tay chuẩn bị chụp hạ bộ tôi. Chạy là thượng sách! Tôi phá chạy, anh ta huyềnh huỵch đuổi theo sau. Rõ ràng tôi cắm cổ gắng sức mà vẫn như chạy tại chỗ. Anh ta cũng không đuổi kịp được tôi.
Nhà thơ tôi may mắn gặp sau một phen hết hồn bị thiến trượt là Hoàng Cầm, một người bạn vong niên kể tuổi đời tuổi văn thơ cũng xứng đáng là bậc" liền anh"của tôi. Anh có dáng thư sinh nho nhã- nghe nói cũng có đôi người phái đẹp chê anh là ẽo uột! - Vói tư thế một sĩ quan văn học trong đoàn quân bách chiến, trời phú trong cổ họng có cái còi mạ vàng; nhờ đó anh xổng giọng vàng mười sang sảng khi ngâm thơ - Có người đó kị bảo thơ anh đầy vẻ lấp lánh trang kim hàng mã - Cũng vẫn lối đố kị có kẻ khen anh nổi tiếng nhờ ngâm thơ chứ không phải vì thơ hay. Cứ cho là đúng; cứ cho là không đúng đi - Tất cả là phù phiếm có giới hạn - Nhờ tài hoa, duyên phận, anh đã " cuỗm" được một phụ nữ nạ dòng" đờ luých" - đó là lời đùa quá chớn của bạn anh - chẳng thấy cần phải nêu tên; nhưng thôi, tôi cứ nêu béng tên ra để khỏi mập mờ - đó là Tử Phác. Tôi biết Tử Phác với Hoàng Cầm có thể nói là đôi bạn nối khố nhưng, cũng không ít lời cay độc ngay trong lúc trò truyện với nhau. Hình như Tử Phác ta cũng ít nhiều có sự ghen tị với Hoàng Cầm, ai khác cũng nói lời của Tử Phác như vậy, tức thì Tử Phác bênh bạn chầm chập:" Ôi chà! nạ dòng loại chúa như thế còn gấp triệu lần loại váy đụp lên ngôi - Loại váy đụp đã lên ngôi thì khiếp lắm!... - được thôi mà!..." Đương nhiên cái lối nói này lạc hậu tầm cỡ quốc tế!Nên chỉ là nói vụng.
Hoàng Cầm nắm vai tôi hổn hển:" Mình đang nghỉ giải lao, đang bận tập, nếu không thì mời cậu về nhà tôi chơi".Tôi vội hỏi:" Tập tành gì?"; Hoàng Cầm quay sau lưng, lấy tay chỉ trỏ. Tôi nhìn theo tay anh, thấy một bãi tập rộng, cỏ mọc xanh rờn xung quanh đều có hàng rào thép gai cao chừng hai tầm đầu người lớn. Hai bên phía bãi tập là mấy ngôi biệt thự mới: cái thì mái cong như mái chùa; cái thì mái vòm, trên nóc có hình củ tỏi. Bỗng một hồi chuông vang lên, Hoàng Cầm định bắt tay tôi để vào bãi. Nhưng anh lại dừng ngay và nói với tôi:" Chưa đến đợt bọn mình!". Tôi lại hỏi anh:" Tập tành gì vậy - và nơi đây là gì?. Anh trả lời tôi:" Cứ đứng đây nhìn sẽ biết!".
Tôi nhìn vào trong đã thấy sáu bảy hàng người, mỗi hàng chừng vài chục. Có hai người đang đứng trước những hàng người, nói gì tôi không nghe rõ. Một người cao đen, mà trong anh em văn nghệ mệnh danh là bầu bếp vụng; người kia là nhà thơ giả thiểu số-Theo Hoàng Cầm cho biết người cao đen là giáo sư viện trưởng qua đào luyện theo hệ Nam Hải. Người nhà thơ là giáo sư viện phó, qua đào luyện theo hệ Đông Phương. Cả hai tôi đều biết, nhưng tôi thắc mắc: Nam Hải gì? Đông Phương gì? sao anh lại nói mập mờ khó hiểu vậy- tôi không tiện hỏi. Sau mấy tiếng hò hét của mấy vị giáo sư -giáo sư viện trưởng vươn ra một cái lưỡi đỏ, dài hàng trượng và hơn thế nữa. Cái lưỡi cứ ngoằn ngoèo lượn như xiếc Trung Hoa múa lụa. Mấy hàng học viên do giáo sư này chỉ huy cũng phóng lưỡi đỏ, cũng ngoằn ngoèonhưng còn ngắn hơn giáo sư nhiều. Còn vị phó giáo sư thì phóng một loại lưỡi khác thẳng đơ như dùi cui cao su, bề dài cũng hàng trượng, có kém cũng không đáng kể- cái lưỡi của vị phó giáo sư không múa liệng mà cứ đập lên đập xuống, cái lối dẻo cứng. Mấy hàng học viên dưới sự huấn luyện của vị này cũng phóng lưỡi ra, cũng đập lên đập xuống, tất nhiên so với phó giáo sư còn kém nhiều! Tôi nhìn thấy cũng ngoạn mục, cũng lại sờ sợ. Tôi chưa được nghe ai nói về sự việc này. Nay được thấy tận mắt mới biết mình còn ngờ nghệch nhiều trong cuộc sống! Đột nhiên tôi thấy một người nhỏ thó, mắt hơi lé, nói giọng kim từ đâu vừa đến. Viện trưởng, viện phó cung kính cúi nửa người-hẳn có lắp bản lề trong lưng.Rồi lại thẳng người, vươn lưỡi lăng qua, lăng lại - nghi thức lễ tân của học viện chào thượng cấp. Tôi hỏi Hoàng Cầm xem ai đó.Hoàng Cầm nói nhỏ:"Thi hào, viện trưởng danh dự của viện!".Tôi cố hỏi Hoàng Cầm:"Học viện gì và làm sao anh lại được vào theo học?".Hoàng Cầm khẽ trả lời:"Học viện múa lưỡi đấy!".Anh còn thổ lộ với tôi trong viện có nhiều giáo sư và tuy cùng một viện nhưng hai ngành múa khác nhau. Thỉnh thoảng hai ngành có thi đấu. Lưỡi nọ quần lưỡi kia nhưng vẫn chưa phân thắng bại:về lý thuyết thì hai bên đều đầy sức thuyết phục.Cũng theo anh kết luận thì hình như lưỡi lụa đang có đà thắng thế. Anh cũng thè lưỡi cho tôi xem. Tuy đã được nhận vào viện nhưng lưỡi anh cũng mới dài gấp hai lưỡi người thường. Anh tâm sự:có lẽ phải bỏ dở, vì vốn anh không có sở trường ; bỏ thì cũng tiếc, nếu theo hết khoá, ra viện thì cũng có chỗ đứng vững vàng - Tôi muốn ngỏ ý được xem trận đấu lưỡi, chỉ một lần thôi. Hoàng Cầm huơ tay ra hiệu:"Không được! Không được! Đây là việc cơ mật quốc gia!"Tôi thấy anh nói vậy cũng không giám vật nài. Anh còn cẩn thận vỗ vai tôi khuyên:"Chớ có bép xép- oan gia đấy!".Tôi cũng khuyên lại anh, nếu như cảm thấy không hợp sở trường thì xin thôi mà làm thơ, ngâm thơ, tội gì mà lao vào, cho mệt. Hoàng Cầm suỵt! một tiếng khẽ, vừa đủ tôi nghe:"Lúc nào viện thấy không đủ khả năng thì viện sẽ loại, chứ tự mình xin ra thì trước hết mất lưỡi; lưỡi mất còn ngâm ngợi cái gì. Đến kẻ hành khất cũng phải nhờ cái lưỡi mới sống nổi. Cậu khuyên dại dột thế!"Tôi câm miệng, cảm thấy hãi hùng! Tôi lại tò mò hỏi anh với điều kiện nào mà được tuyển vào viện? Hoàng Cầm cười:"Trải qua một cuộc thử thách ; trời phú cho mình cái bản chất co giãn, lúc nào cần cứng thì cũng xương đồng da sắt, lúc nào cần mềm thì cũng nhũn nhùn như bánh đa nhúng nước; nhờ vậy đấy!"Nói vừa dứt lời, Hoàng Cầm liền biểu diễn sức co giãn;anh gồng người lên, tôi sờ vào quả là cứng thật; anh làm mềm, tôi sờ vào người anh chẳng thấy có xương cốt gì hết, toàn thịt và gân nhẽo nhèo. Anh còn cho tôi biết đây mới chỉ là hình thể nhìn thấy bằng mắt, còn cái phần vô hình - tâm hồn, tư tưởng- sức co giãn còn gấp ba bốn lần là ít. Tôi phục anh bằng lời nói vui”Chịu ông anh!”Hoàng Cầm hắt nhanh lời nói vào mặt tôi đầy vẻ tự phụ "Chứ sao!”
Tôi cứ theo con đường đầy ánh sáng pha lê mà đi. Phía trước tôi không xa là mấy bà đồng nát lông vịt, vừa đi vừa rao mua;tiếng rao cất lên như đồng ca hai bècủa bản hành khúc "Đồng nát - lông vịt”. Tôi nghe cũng được, giả như tiếng ca nhỏ bé chút nữa thì đỡ chối tai hơn. Mỗi lúc họ càng tấu to hơn,ra điều ta đây đang làm chủ mặt đường, làm chủ ít nhất cũng một khoảng không gian tương đối rộng lớn. Tôi đành dừng lại chỗ cho họ đi khuất. Dư âm của bản đồng ca cũng không còn lảng vảng bên tai. Thính giác tôi đã trở lại bình thường;nó đón nhận tiếng ồn ào, ồn ào từ xa xôi bên trái. Tôi biết đó là tiếng họp chợ. Tôi liền rẽ bước theo hướng đó, đi chừng hơn một dặm thì đến một cái chợ. Chẳng để mua bán gì, nhưng phởn dạ bước chân muốn học đòi du khách rẽ vào chơi chơi. Chỉ nhìn thoáng cũng đủ nhận biết đây là một cái chợ pha tỉnh, pha quê, gần giống như chợ Mơ; gần giống chợ Chi Đông, Phúc Yên;gần giống chợ Nghệ Sơn Tây; gần giống chợ Rồng Nam Định. Bụng bảo dạ: cả đến cái mặt chợ búa trên trần gian - cũng cứ na ná giống nhau, huống hồ trăm, ngàn,vạn mớ những cái khác khiến người ta dễ nhầm lẫn là phải. Khi tôi để ý nhìn lên đầu tường của một quán gạch lợp ngói - chìa bày mấy chữ đắp bằng vôi, xung quanh chữ cũng đóng khung vôi vuông vắnnhư một bức phù điêu - tất cả cùng đều một màu vôi vàng đã cũ. Mấy chữ Pháp lộn chữ Việt Marché de Yên Thái. Thôi đúng là chợ Bưởi!Hẳn là từ thời vong quốc "đề huề” mà bàn tay của hôm nay hoặc bỏ quên chưa xoá ;hoặc để làm lưu niện ;hoặc để làm một cáo trạng ngắn gọn của dấu chân đô hộ; hoặc để làm gì khác? Thắc mắc trong đầu là quyền mình; nếu như muốn chất vấn, muốn được giải đáp thì chất vấn cái mặt tường vôi ư?
Bỗng có tiếng huyên náo khác thường nhưng êm dịu vì không pha chút thết gào. Tôi lét mắt phía ồn ào thấy lối dãy hàng tôm, hàng cá nối liền dãy hàng chó mèo có một giai nhân xuất hiện. Quần lĩnh nhóng nhánh; áo cũng lĩnh nhóng nhánh; khăn cũng lĩnh nhóng nhánh - đội rất điệu đàng. Trên cõi mặt hoa da phấn duyên dáng, răng cũng đen nhóng nhánh - tất nhiên không phải răng lĩnh - chẳng qua để cho nó uy-ni mền mại. Giai nhân bước đi nhẹ nhàng tha thướt uốn éo nhún nhẩy, nhún nhẩy nhịp đánh bồng. Miệng tủm tỉm, mắt liếc qua liếc lại - khi giai nhân đi đến cách tôi quãng một tàm nước bọt. Tôi sững cả người” Anh Tô Hoài! ", tôi thốt gầm trong bụng. Một người anh về tuổi đời cũng như về văn chương. Từ rừng Việt Bắc trong các khuôn mặt đàn anh quắc thước, sành sứ thì tôi chọn mặt anh để gửi vàng. Anh Xuân Diệu lại nhìn anh bằng con mắt xanh khen " Toujoursaimable! "- Tôi không lầm. Anh đã giúp đỡ tôi nhiều về mọi mặt. Qúa khứ ân tình ấy tôi có muốn quên cũng không sao quên được. Nhưng liệu có phải anh thật không:::Cái va-li cũng đen bóng màu lĩnh, bên tay trái người đẹp. Tôi níu vào cái nghề cổ truyền lĩnh Bưởi quê anh để đỡ ngộ nhận. Nhìn cho rõ thì hoàn toàn là một com-pra-đo hãng dệt lĩnh. Nếu tôi khẳng định như vậy thì nảy ra một thắc mắc làm sao anh tôi phải đổi nghề::: Tôi thiết tưởng sự kiếm sống bằng nghề nghiệp tầm cỡ, có bề dày rất đáng kể về thời gian, tôi chưa nói đến bề dày quyền lực cũng như mọi bề dày khác. Cái gì đã thôi thúc đổi nghề::: Nếu không muốn nói đến số phận. Cái mũi thèm văn cố hữu của tôi; tôi đánh hơi thấy mùi sách trong chiếc va-li căng phồng. Nếu có tiền, nếu cá cược, tôi xin đặt giá mười ăn một; trong va-li không có vải lĩnh! Đầu tôi đang muốn được giải toả cái tiếng com-pra-đo! Song tôi vẫn nghi hoặc, vẫn rất băn khoăn. Một thứ băn khoăn rối lộn, nó chao qua, chao lại như đánh võng trong đầu, khiến tôi phải nhắm mắt lại. Khi mở mắt không thấy bóng giai nhân đâu cả. Chẳng biết cái gì đã đẩy tôi đến một không gian khác. Anh Tô Hoài hoàn toàn Tô Hoài, nhà văn Tô Hoài. Tầm vóc anh không thay đổi, chỉ có con dế mèn bên cạnh anh là to lớn khác thường, nó xấp xỉ một con ngựa - loại ngựa gié - đang tuổi phát nha. Anh đã dắt nó, hay nó dắt anh không rõ - tranh thủ đại diện ruổi rong đất lạ, ê hề! nay đang cùng nhau nghỉ dưới một gốc cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Con dế đang lóm lém ăn cỏ, còn anh cũng đang ngồi đọc bản thảo, tay phải cầm bút máy thỉng thoảng có ghi hay sửa chữa gì đó. Cả người và vật toát lên đầy vẻ hả hê, sung túc. Trước mặt anh là một quan lộ, một dãy người gánh toàn sách là sách. Họ gánh đi bán rong hay chuyển đi phân phối cho đại lý. Họ nhìn anh, anh nhìn họ gật gù cười cười, rõ ràng là quen thuộc nhau cả. Có người nói văn anh đang thuộc thời vận! Quyển nào anh viết ra cũng có tẩm ít mùi dế mèn nhưng chẳng thấm tháp mấy. Có thể ví như người bán trà ấm, vẩy vài hạt ét-te sen, nhài vậy. Anh đã đạt đến mức quán quân thực hiện khẩu hiệu "nhanh, nhiều, tốt, rẻ ". Sách anh được phát hành số lượng không hạn định bầy tại quầy sách quốc doanh; cứ như gạo cửa hàng mậu dịch vậy. Làm gì có chuyện đong gạo ngoài cửa hàng! Lòng nhân ái, sợ người người đói văn khát sách nên anh trổ tài đáp ứng. Ngồi chỗ nào anh cũng viết được. Đứng chỗ nào anh cũng viết được, tay cứ thoăn thoắt tãi nhả đều đều. Có người nói anh viết như đan len! Và anh đã chiếm lĩnh một góc trongcái tam giác thơm Tô Hoài - Lê Văn Trương - Hồ Biểu Chánh.
Ngồi nghỉ đã lâu lâu, anh đứng dậy, kéo theo con dế, anh vỗ vào lưng dế như vỗ vào lưng ngựa! - Hẳn anh đang lấy lưng để làm chuẩn, tập thể dục, thể thao. Anh cứ nhấp nhỏm nhảy mãi vẫn không qua, lưng con đế mèn! Anh bị ngã! Chống tay nhổm dậy; nhìn trước, nhìn sau, xem có ai nhìn thấy không?Anh đứng hẳn dậy, lắc đầu ngán ngẩm...
Tôi đang bận tâm suy nghĩ; vừa chớp mắt một cái bỗng tôi lại thấy mình đang ở giữa chợ. Trong đầu tôi lại nối vào cái mạch cũ, từ khi gặp giai nhân. Mối ghi ngờ dâng lên mỗi lúc một cao - không sao tự mình giải đáp được. Tôi định rẽ hẳn vào dãy hàng chó xem người ta bán, mua, người ta khen, chê tướng mạo lũ chó má. Chợt cùi tay ai đó huých nhẹ vào sườn tôi. Qua cái kiểu huých ấy, tôi đoán ngay là cùi tay của bạn thân. Tôi quay cổ lại, đúng là Đào Công Đạt - Lê Đạt - cái tên do anh Nguyễn Huy Tưởng đặt cho từ rừng Việt Bắc. Lê Đạt, tôi rất có cảm tình với anh, phục anh mặc dù anh ra đời sau tôi tám tháng. Anh thông minh, anh có tú tài tây và còn học cao hơn nữa. Đầu toàn quốc kháng chiến, anh còn theo học trường pháp lý Đỗ Xuân Sảng. Còn tôi không dám giấu giếm, chỉ có cái trung học - phải thi lại lần hai. Anh hay lắp bắp, lắp bắp vui miệng như tép nhảy. Tôi chỉ hơi khó chọi với anh một chút vì với bất cứ ai anh hay giở giọng” lãnh tụ non”. Tôi cũng đại khái biết anh, có giai đoạn anh đã nhận chức secrétaire particulier cho một vị cỡ nào đó - anh nói chuyện hay chen tiếng Pháp - khi đang nói, anh ngừng lại, đấm nhẹ lên trán, để tìm từ Việt cho thích hợp - na ná như người ở Pháp lâu năm mới trở về nước - bất đắc dĩ - có kinh nghiệm - phụt tiếng Pháp. Theo tôi không chắc chắn lắm - phần nào để tạo dáng kẻ nhiều chữ?
Lê Đạt là người sòng phẳng, ngay thẳng, đôn hậu chỉ phải nỗi tính đôi khi tắt mắt; hoặc hay cầm nhầm - có kinh nghiệm chữ của người khác khảm sâu trong sáng tác văn thơ của mình - dẫu có vết, thì ngọc vẫn là ngọc! Tôi còn quý anh ở một điểm nữa là anh hay cho tôi đi ăn phở. Có lần tôi vui miệng hỏi anh:” Tiền đâu mà cậu cứ cho mình ăn phở mãi thế?”. Anh nói nhỏ vừa đủ tôi nghe:” Bà cụ mình vẫn có chút buôn bán nhỏ kiếm thêm!...” Tôi cười, không phải chê bai gì. Nhưng anh hiểu lầm như là tôi có ý chê việc buôn bán - vào cái thời mà gia đình cán bộ vẫn phần nào dựa vào buôn bán để cải thiện đời sống đều bị coi là thiếu trong sáng - anh liền cười văng tục:” Chả thế lấy đéo đâu ra mà mày ăn!...”. Tôi chẳng phật ý về câu nói. Tóm lại tôi vẫn thấy có bổn phận đối với anh như bát nước đầy.
Hôm nay, gặp nhau đây, anh lại hỏi tôi:”Đã ăn gì chưa?phở chứ?” Tôi đón lòng thảo của anh:”Gì cũng được!” Nhân dịp gặp anh, tôi khẳng định sự nhìn nhận của mình về anh Tô Hoài, về giai nhân. Tôi đưa mắt hỏi anh, không chần chừ Lê Đạt khẳng định:” Đúng luý!” Tôi hỏi lại:” Có chắc không?” Lê Đạt nói:” Chắc!”Tôi lại hỏi tiếp:” Sao lại như vậy nhỉ?” Lê Đạt cười cười:”Ai mà biết được, ông anh lắm mưu nhiều mẹo; có thể nói là đương kim vô địch đấy!” Tôi ngỡ ngàng hỏi:”Về cái gì?” Lê Đạt đập mạnh bàn tay vào vai tôi:” Thôi đừng vờ! mày mà không biết à?” Tôi nói:” Không biết thật mà!”. Bây giờ Lê Đạt mới nói toạc ra:”Về cái khôn chứ cái gì!”. Tôi công nhận lời nói của Lê Đạt: chẳng những Lê Đạt mà anh em trong văn nghệ thường cũng nói như vậy. Lê Đạt lúc nào cũng lại đưa tay vỗ vỗ lên trán nói:” Tao nghĩ về văn ông anh đã bội thu còn muốn gì nữa cho nhọc xác!” Tôi chưa kịp đáp lời, Lê Đạt mau miệng tiếp:”Bọn mình nhặt được vài hạt khôn của ông anh rơi vãi thì cũng lấy làm mãn nguyện phải không mày?”.
Tôi thần cả người, tâm trạng tôi ngổn ngang, không vui, cũng chẳng buồn, chẳng ước ao hay nuối tiếc gì cái hạt khôn của anh Tô Hoài để rơi vãi.
Lê Đạt kéo vai tôi lên trên đường, tìm ăn phở, vừa để hóng mát, quanh quẩn dưới chợ, thế đã đủ rồi. Tôi và Lê Đạt vừa lên khỏi dốc đến đầu hàng cây cảnh. Lê Đạt đang để mắt tìm hàng phở. Tôi đứng xem cây cảnh. Bỗng từ trong chậu cảnh hoa giấy phơi phới màu đỏ, một người bước ra, dáng vẻ mãn nguyện đàng hoàng như từ Po-bê-đa bước ra. Lẽ ra tôi phải kinh hãi cái lối tàng hình hoá phép. Nhưng không hiểu sao tôi lại coi là chuyện bình thường; chuyện tầm thường! Tóc rẽ cánh phượng, trên khuôn mặt chim, trộn không lẫn. Nách trái cặp một tập nhạc. Tôi biết ngay là ai rồi. Hình như anh ta đã nhìn thấy hai chúng tôi; anh ta đưahai tay lên che miệng cười -cái thói quen cố hữu - Lê Đạt quay đầu lại lắp bắp lên tiếng trước:” Chào cụ Tiên 2” Chỉ mấy tiếng của Lê Đạt tôi có cảm tưởng như anh đang giỡn, đang yêu cầu con tầu lịch sử dân tộc cài số lùi hàng vài thập kỷ - cái thời Tiên thứ chỉ, đầu gà má lợn - cái thứ bông phèng thiếu ý thức ấy mà lọt đến tai trên thì kiểm điểm mệt! Cụ Tiên hỏi:” Tụi mày đi đâu đến đây?” Lê Đạt trả lời gọn:” Chơi!” Cụ Tiên ta lại che miệng cười:” Có thể dẫn tao đi Văn Phú hàng Lọng được chứ? " Lê Đạt hơi ngần ngừ, đưa mắt cho tôi. Cụ Tiên kịp thời theo mắt Lê Đạt hỏi tôi:” Khá không? Nghe Phùng Quán nói dạo này sáng nào mày cũng luyện thái cực quyền à?” Tôi chưa hiểu hai tiếng " khá không” là khá về mặt nào, khá cái gì? Tôi trả lời:” Múa may vài cái cho nó qua giờ ăn sáng chứ côn quyền gì đâu!”. Tôi cũng tin rằng anh ta hỏi là hỏi chứ cũng biết thừa hoàn cảnh tôi nghèo lõ ra chứ có gì. Lê Đạt đầu cứ gật khẽ - gật đầu kiểu này không phải là đồng ý. Cụ Tiên chép miệng:” Bấy lâu nay tao chưa xem lại cái tiết mục Náo Long cung!” Thật ra lúc này tôi mới hiểu được rõ ý muốn của Cụ Tiên. Cách đây mấy năm, đoàn xiếc Tể Tể cáp nhĩ Trung Hoa có sang biểu diễn tại Nhà hát nhân dân; trong đó có tiết mục” Náo Long Cung”gồm đủ loại thuỷ tộc, ba ba, lươn, ếch nhào lộn. Từ ấy cửa hàng ăn Văn Phú mới đặt tên cho một thực đơn là” Náo Long Cung”. Tôi cũng đã có một vài lần được các ông anh Hoàng Cầm, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Cụ Tiên và cả Lê Đạt, cho tôi đến dự tiết mục đó - ai trả tiền thì không nhớ.
Trước mặt nhau đây, thấy " Cụ Tiên” vui vẻ tôi mới dám chuyện trò cởi mở. Với "Cụ Tiên” tôi vốn ngại, sợ thì đúng hơn. Bởi tôi biết "Cụ Tiên”có kèm một công tác đặc nhiệm 3; và đã vài lần lập chiến công tuy thầm lặng nhưng hiển hách. Tôi có lần được Tử Phác nói cho biết chơi với cụ là vẫn phải cảnh giác. Vui vẻ ấy nhưng nhỡ chuyện nọ sang chuỵên kia, " Cụ Tiên” cho là phạm vào " tín điều”, "đẹt” cho một cái, mình toi mạng! Bởi vậy, cũng như hôm nay, mỗi lần gặp " Cụ Tiên”, tôi chỉ giao tiếp lấy lệ để cụ khỏi mất lòng. Tôi vẫn tính bài lảng.
Phở chưa ăn, Vă Phú chưa quyết, chưa đi. Bỗng một loạt đại bác, chẳng biết từ đâu, chẳng biết vì sao, ầm ầm rung chuyển cả một không gian. Dưới chợ, trên đường huyên náo, người người đổ xô chen lấn, la hét, gà lợn chó má cũng kêu lên thất thanh. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược, xéo lên nhau mà chạy - bỏ của chạy lấy người - " Cụ Tiên và Lê Đạt đã biến nẻo nào rồi?
Trong cơn kinh hoàng, hoảng loạn, một mình tôi bơ vơ, không biết nên chạy đi đâu. Tiếng nổ mỗi lúc một dữ dội tưởng như vỡ trái đất; tưởng như phụt núi lửa, tưởng như trời sập; tưởng như Trân Châu cảng hay Hiroshima. Cuồng phong, bão tố nổi lên tiếp tay cho tiếng nổ. Cây cối ngả nghiêng, đất trời chao đảo. Trên không trung, mây ngũ sắc xanh vàng tím đỏ vun vút như cờ thiên lôi từ bắc phương tràn xuống, từ tây phương đổ về. Vừa bay vừa đổi màu biến sắc. Tất cả gặp nhau, tụm lại, tạo một vòm trời đỏ như máu. Tôi đứng dưới vòm trời, ba hồn bảy vía chỉ may ra chỉ còn lại một hai.
Từ trên trời lao xuống, hay từ dưới đất trồi lên, một trái núi - trái núi hình nón - có lẽ là ngọn tháp, tôi chưa kịp phân biệt. Thì cứ gọi là một ngọn tháp khổng lồ. Ngọn tháp rung rinh lay động. Trên đỉnh tháp là tàn vàng choé loé, hơi giống mặt trời chiều lúc gần xuống núi; có phần sáng hơn mặt trời. Bên cạnh tàn vàng là một lá cờ đại; xung quanh lá cờ đại là hàng ngàn cờ nhỏ - đều màu đỏ rực. Từ cờ đại đến cờ nhỏ đều quay tròn. Diềm cờ không dính tua kim tuyến mà là lưỡi câu thép ngoại. Cờ tạo gió, gió nhân thành bão, thì ra do cờ bay mà có tiếng gầm rú hãi hùng như vậy. Tôi lạnh cả người, cầm sẵn trong tay một cái chết móc hàm.
Ngọn tháp mỗi lúc một to ra, cao lên, cờ cũng nhiều gấp bội. Có thể nói: đây mới đúng là rừng cờ, là nguồn sinh của cờ - cũng đều diềm lưỡi câu, cũng quay tít. Tôi đưa mắt nhìn kỹ thêm ngọn tháp, thấy từ chân tới đỉnh toàn người là người lớp nọ cưỡi lên cổ lớp kia ngất ngư. Cái tháp người này sẽ là kỳ quan thứ mấy của thế giới đây? - tôi nghĩ vậy - Thật là một sự kỳ lạ! Tạo được ngọn tháp này phải là các nghệ sĩ xiếc có hạng! Ai ở trên đỉnh chót nhỉ?- Tôi tự hỏi.
Thoắt một cái, chẳng biết từ đâu, người người lớp lớp đang chạy vòng quanh tháp - như đèn kéo quân. Chạy theo hướng cờ bay, chạy dưới bóng cờ. Từ chân tháp đổ ra không sao đếm xuể được số vòng trong, vòng ngoài là bao nhiêu. Tôi cũng là kẻ đang chạy vòng ngoài. Tôi ngỡ ngàng không hiểu do bị sắp xếp nào mà tôi có mặt trong vòng chạy này? Làm sao tôi không biết? Vòng nào cũng đủ các loại người già, trẻ, đàn bà, đàn ông - bách tính tứ dân: sĩ, nông, công, cố - nhiều nhất vẫn là dân áo vải, chân lấm tay bùn - hình như có cả tây lai. Người nào cũng cầm vũ khí từ tối tân đến thô sơ: tối tân đây là súng; nào là Rơ-manh-tông, Mút-cơ-tông,Anh-đô-si-noa,cả súng hoả mai; nào là cuốc, xẻng, mai, thuổng, đòn càn, đòn gánh, nào là tay thước, dao quắm, mã tấu. Có cả mấy vị chư-bát-giới cũng vác cào lệch ệch, hoặc xích trượng; cả mấy vị áo chùng thâm vác thánh giá chạy vòng gần chân tháp. Trong đế của đại pháp, tôi thấy đủ mặt: ông anh đẹp giai tay cầm một côn đỏ, viện trưởng, viện phó Viện múa lưỡi. Cụ Tiên hai tay hai súng lục. Ông anh Tô Hoài, cả Hoàng Cầm, Lê Đạt cùng bao nhiêu người khác tôi đã từng gặp mặt ở chiến khu Việt Bắc; đều kết thành một khối tháp vũng chắc sống động. Các vòng người đều nhất loạt hướng tai lên đỉnh tháp nghe lệnh sang sảng” Kẻ thù phía trước! Kẻ thù phía trước!”. Giữa người nọ với người kia nhất tề giữ đúng khoảng cách một tầm lê đâm trộm!
Đêm xuống lúc nào không biết. Đỏ pha đen, không gian là một màu huyết dụ; một thứ mùi rờn rợn, tanh tanh như mùi thép rỉ vây quanh. Tay tôi, chẳng biết ai đã trao cho một cái dùi gỗ, và tôi đã nhận làm vũ khí từ lúc nào? Dùi gỗ dài chừng nửa thước tây - biết máu. Chắc là chiến lợi phẩm thu được của kẻ thù tử trận. Ôi chao! Tôi nhìn gáy người phía trước tôi. Chẳng phải ai, chính là ông thầy học của mình. Trông vóc dáng của thầy, nhất là sau gáy có hai nốt ruồi đen, to liền nhau. Tôi khẽ lên tiếng:” Phải thầy Đoàn đây không? ". Thầy Đoàn giật mình, không dám ngoái đầu, không dám lên tiếng. Nước mắt tôi trào ra, cổ tôi nghẹn lại, tôi lại hỏi tiếp:” Cung đây! Thầy còn nhận ra con không? ". Thầy Đoàn lại giật mình, co cổ lại. Thầy Đoàn biết mình đang ở vị trí kẻ thù của tôi!!! Tôi bàng hoàng! Tôi đang là kẻ thù của ai phía sau tôi?!
Tôi bị trượt trân văng ra khỏi vòng hiểm hoạ, ngã sấp mặt, nhờ một” bãi cứt cứu sinh”. Tôi đau ê ẩm, nhưng vô cùng sung sướng. Tôi định thần, để ghi nhớ công cứu sống tôi. Tôi nghĩ sau này tôi phải viết một bài " Cứt tụng”. Dù có ai chê bai cũng đành chịu vậy thôi. Trong đầu tôi mới xuất được một tứ:” Cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi; nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận!...”
Tôi nằm ngơi; lúc này tôi mới nhận biết mình đang nằm trên đống máu - máu chiến thắng kẻ thù đồng loại! Gió mặt đất va vào tai tôi những tiếng khóc thê thảm tập thể từ đâu vọng lại. Tội nghiệp thầy Đoàn bây giờ ở đâu? Thầy Đoàn đang là kẻ thù của ai? - Tôi cầu khấn đất trời ra tay cứu vớt để những đau thương tràn ngập được giải thoát. Lòng tha thiết bằng an của tôi có lừa dối tôi không? Chiêm bao trong chiêm bao - vậy hẳn là tụi trẻ con mất dạy tinh nghịch bày trò chơi dại dột!
Chợt có tiếng từ đỉnh tháp đài sang sảng lói tai:” Bắt lấy nó! Băm nát thằng đào ngũ!” Tôi sợ quá, cứt máu đày người vùng dậy chạy trốn. Tiếng súng ưu binh " chíu chíu” cùng tiếng chân huỳnh huỵch đuổi phía sau tôi. Nghe mỗi lúc một gần, tôi không dám quay đầu nhìn lại. Tôi cắm cổ chạy, hờm đá cheo leo, vực thẳm ngay trước mặt. Hàng ngàn vạn con rắn đỏ, rắn vàng, to bằng thân cây cau, dựng đầu, giương bành, múa đuôi ầm ầm như bão tố dưới vực. Cùng đường, trước mặt, sau lưng, hai cái chết rùng rợn! Vừa lúc lại một loạt đạn rít lên sát vành tai bên trái, tôi nghiêng đầu tránh đạn, xẩy chân đâm sút xuống vực, chỉ kịp rú lên một tiếng” Trời!”. Tôi giật mình choàng tỉnh!
Hà Nội, 9-1959
Phùng Cung
1) Lê Đạt, trong thời kháng chiến, là thư ký riêng của ông Trường Chinh, tổng bí thư Đảng cộng sản( chú thích của Diễn Đàn)
2) Giới văn nghệ sĩ Hà Nội thường gọi đùa Văn Cao là Tiên chỉ.
3) Trong thời kỳ Cách mạng tháng 8 (1945),Văn Cao tham gia Đội ám sát (chú thích của D Đ)