Họa Sĩ và Cây Thông

Dựng giá vẽ giữa rừng để nguệch ngoạc đủ màu sắc thiên nhiên. Thông hỏi họa sĩ:
- Sao ngươi lại đem sự sống động vào một khung giấy?
Họa sĩ trả lời:
- Ngươi lầm rồi, ta chỉ thu nhỏ sự sinh động của thiên nhiên thôi.
Thông hỏi tiếp:
- Cảnh vật, tự nó đã là hơi thở và hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ, vậy sao ngươi lại tiếp tục thu nhỏ vào trang giấy, trong khi ở đó sẽ thiếu dưỡng khí?
Họa sĩ mỉm cười:
- Ngươi chẳng phải là họa sĩ, không có cái đam mê, xúc cảm của con người trước cảnh vật thì làm sao ngươi khẳng định bức tranh ta sắp vẽ xong thiếu dưỡng khí?
Thông không đồng ý:
- Ngươi không phải là thông cũng đâu phải là cảnh vật, ngươi biết được cảnh vật thở ra sao?
Họa sĩ trầm giọng:
- Này nhé, ta chính là cảnh vật, không phải ta đang đứng trong cảnh vật hay sao?
Thông tiếp:
- Ngươi là cảnh vật, thế ngươi không biết thiên nhiên tính sao? Thiên nhiên chỉ cảm chứ không thể ghi lại bằng hình ảnh.
Họa sĩ cười đáp:
- Ngươi là thiên nhiên, vậy ta là gì, không phải thiên nhiên như ngươi sao?
Thông suy nghĩ rồi đáp:
- Nếu ngươi cũng giống ta, vậy ngươi suy nghĩ lại khác ta?
Họa sĩ hỏi:
- Thế ngươi và tảng đá, thác, suối, cọng cỏ có suy nghĩ giống nhau không? Các ngươi đều là thiên nhiên. – Rồi họa sĩ tiếp – Ta vừa là thiên nhiên, vừa là người chiêm ngưỡng thiên nhiên, đồng cảm với thiên nhiên.
Thông tỏ thân thiện:
- Ngươi cũng khá triết lý nhỉ.
Họa sĩ chỉ đáp:
- Ta không phải là triết gia, không có triết gì cả. Ta chỉ làm những gì theo bản tính tự nhiên của ta mà thôi.
Mây kéo đến. Một hồi sau, mưa trút xuống làm ướt nhạt nhòa bức tranh dang dở. Chỉ có họa sĩ và thông hiểu được chuyện gì đã xảy ra.