Bình Khương Phu Nhân
Dân Gian

Liệt nữ đời Hồ. Không rõ họ tên.

    
heo truyền thuyết, bà là vợ một viên Cống sinh ở quanh vùng Tây Đô. Khi Hồ Quí Ly ra lệnh xây thành Tây Đô (tức thành nhà Hồ), chồng bà cũng bị bắt đi theo số dân phu để khiêng đá đắp thành. Vì yếu ốm đấp không đủ số 3 thước đá cao như đã định, người chồng bị tên đốc phu đánh chết rồi chôn vào chỗ tường xây thiếu. Hay tin, bà vội chạy đi tìm chồng; dưới chân thành, quá phẫn uất, bà đập đầu vào tấm đá để tự vẫn.
Về sau, cư dân trong vùng cảm thương người tiết phụ, khiêng tấm đá ra ngoài thành để lập miếu thờ. Các triều vua đều phong bà là nữ thần, gia hiệu Bình khương Phu nhân.
Danh sĩ Nhữ Bá Sĩ dưới đời vua Tự Đức triều Nguyễn có làm 2 bài thơ vịnh bằng chữ Hán như sau:
I.
Khẳng khái quyên khu xúc thạch cương,
Tòng phu thê chỉ Đốn sơn dương
Tử nhi vị tử tâm kiên thạch,
Sinh bất tử sinh tiệt ngạo sương.
II.
Xích chủy quân vương tri dả vô?
Đầu lư xúc thạch thệ tòng phu.
Túng nhiên địa lão thiên hoang hậu,
Thạch tích niên niên chỉ hậ Hồ!
(Bài dịch của Lam Giang)
I.
Quăng nằm xương mai chọi đá tường,
Non ngàn xin chứng tấm lòng thương.
Tiết trinh một thác bền hơn đá,
Nghĩa tiệt muôn đời sáng tựa gương.
II.
Mỏ đỏ vua Hồ có biết không?
Xương tan thiếp nguyện chết theo chồng.
Dầu cho trời đất thanh tro bụi,
Sắc giận nghìn thu vẫn ửng hồng.
Lời bàn:
Hồ Quý Ly ngày xưa, tuy là một nhà cải cách tài ba, nhưng cũng không tránh được tai tiếng chiếm ngôi và làm lòng người óan hận. Đáng ghét thay cái tên đốc phu kia, người cùng chung máu mủ mà nở tàn ác đến thế; cư xử với người cùng giống nòi mà còn như thế, thì việc quân Tàu bắt ông bà ta đem chiên để lấy mở, bắt xây thành đấp lũy, lên rừng tìm ngà, xuống biển mò châu, thuế má gắt gao cũng là lẽ thường tình. Tấm lòng tinh khiết của Bình Khương Phu Nhân, một viên đá vọng phu sáng ngời.