Trưng Nữ Vương
Anh Thư Khởi Nghĩa Mở Đường

    
ăm Giáp Ngọ (34) là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, thường sử dụng những thủ đoạn chính trị tàn ác, nên bị người Giao Chỉ rất oán giận.
Hai Bà Trưng là con gái của một lạc tướng huyện Mê Linh(làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên), một trong 12 huyện của quận Giao Chỉ. Hai Bà thuộc giòng giõi Vua Hùng, mẹ Hai Bà là bà Man Thiện Trần Thị Ðoan. Chồng bà Man Thiện mất sớm, bà ở vậy trồng dâu nuôi tằm, chăm lo nuôi dạy hai con gái và cho con học võ nghệ với ông Ðỗ Năng Tế (khi Hai Bà phất cờ khởi nghĩa, ông thầy dạy võ nầy trở thành vị tướng đắc lực của Hai Bà).
Dưới thời Ðông Hán, chánh sách đồng hóa vô cùng khốc liệt xuyên vào các đơn vị làng kẻ của người Việt. Chính quyền cho mở các trường dạy chữ Hán để dùng người địa phương làm tay sai. Từng lớp trí thức và một số người Việt đã bắt đầu tiếp thu văn hóa Hán và học đòi lễ nghi, cung cách ứng xử của người Hán. Nhưng cũng có các trí thức yêu nước nhân cơ hội nầy mở các lớp học bên ngoài dạy chữ Hán nhưng bên trong truyền bá lòng yêu nước trong giới trẻ. Bà Man Thiện hết lòng khuyến khích con gái nhân dịp nầy cố gắng giao thiệp rộng, tiếp xúc với các lạc hầu, lạc tướng chung quanh vùng hầu chuẩn bị cho việc khởi nghĩa sau nầy.
Năm 19 tuổi Bà Trưng Trắc về làm vợ ông Thi Sách, một lạc tướng huyện Chu Diên (phủ Vĩnh Tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên). Sự kết hôn giữa hai gia đình danh giá của hai huyện Mê Linh và Chu Diên tạo ra uy danh lớn trong quận Giao Chỉ. Ông Thi Sách và Bà Trưng Trắc đã hiệp lực vạch ra sách lược khởi nghĩa chống quân cai trị nhà Hán giành lại độc lập và bảo vệ nòi giống Việt.
Ông bà đã bí mật hình thành một tổ chức có tên là Núi Tản - Sông Cái. Tổ chức được đa số nhân dân các quận ủng hộ. Ðể tránh sự dòm ngó của Tàu, người trong tổ chức truyền nhau mật lệnh và các dấu hiệu để nhận nhau. Khi ra đường họ nhận nhau bằng cách chào quyết tâm, bốn ngón tay của bàn tay trái nắm lấy lóng thứ nhất ngón cái của bàn tay trái và để ngón cái bàn tay phải lên lóng thứ hai của ngón cái bàn tay trái, ba ngón kia để xen kẽ giữa các ngón tay của bàn tay trái và ngón út bàn tay phải nằm trên ngón út bàn tay trái. Trong nhà họ nhận nhau bằng tấm khăn điều phủ lên giá gương hay trên bài vị
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Tổ chức bí mật nầy dần dà mở rộng khắp các quận trên đất Việt. Ðâu đâu người dân cũng đều đợi chờ ngày khởi nghĩa để giải phóng dân tộc ra khỏi lầm than và nô lệ. Nhưng chẳng bao lâu, tổ chức bí mật Núi Tản Sông Cái bị bại lộ, ông Thi Sách bị Tô Ðịnh bắt giết. Tin buồn chấn động khắp các châu quận làm dân chúng càng thêm căm hận.
Hai Bà cố nén đau thương cùng cực, nắm lấy cơ hội phát động ngay cuộc khởi nghĩa và lập Đàn Thề tại vùng sông Hát (Hát Môn, Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây) chiêu tập binh sĩ... thấy nếu cứ để các nơi đơn độc chống đỡ với kẻ thù, không có sự liên kết với nhau, thì kẻ thù sẽ lần luột tiêu diệt từng nơi, như bẻ từng chiếc đũa. Thấy rõ nguy cơ đó, Hai Bà Trưng đã truyền hịch cứu nước và cử người đi khắp nơi để tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ chỉ huy thống nhất của Trưng Nữ Vương. Các nơi đã nhiệt liệt hưởng ứng, kéo quân hoặc cử đại biểu về Mê Linh tụ nghĩa.
Mùa xuân năm Canh Tý (3-40), Trưng Nữ Vương hội quân ở Hát Môn làm lễ tế cờ chính thức phát động nhân dân cả nước khởi nghĩa đuổi giặc Hán, lật đổ ách thống trị của ngoại tộc. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy dưới cờ lệnh của Trưng Nữ Vương.
Trưng Trắc ra lệnh nổi trống đồng họp binh quyết trả thù cho chồng, rửa nhục cho nước. Nghe tiếng trống ầm ào nổi lên, dân Mê Linh cung nỏ, dao búa, khiên mộc, giáo lao trong tay cuồn cuộn đổ về nhà làng. Trên bành voi cao, nữ chủ tướng Mê Linh mặc giáp phục rực rỡ. Dân Mê Linh trông thấy nữ chủ tướng đẹp đẽ, oai phong lẫm liệt thì hò reo dậy đất, ào ào bám chân voi, theo chủ tướng mà xốc tới. Trước khí thế ngút trời của đoàn quân khởi nghĩa, toà đô úy trị của nhà Hán trên đất Mê Linh phút chốc đã tan tành.
Sức mạnh đại đoàn kết của dân ta được nhân lên gấp bội, khí thế ngút trời, như triều dâng thác đổ, làm cho kẻ thù không kịp chống đỡ, chỉ trong một thời gian ngắn, 65 thành trì đã lần lượt về tay nghĩa quân, chỉ còn thành Luy Lâu, sào huyệt cuối cùng của Tô Ðịnh...
Quân dân ta đạp bằng dinh lũy giặc tiến xuống Luy Lâu. Trong khi đoàn quân trẩy đi phá quận Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về. Thành Luy Lâu cũng không đương nổi cuộc công phá của một biển người ào ào xung sát, dũng mãnh theo hiệu trống đồng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. cuối cùng cũng bị phá vỡ trước sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân ta, Tô Ðịnh kinh hoàng đến nỗi phải bỏ giáp, cắt râu, cắt tóc và quẳng cả ấn tín tìm đường lẩn trốn về nước... mới thoát chết về chịu tội với vua Hán.
Tin thắng trận dồn dập bay đi. Nỗi vui mừng quá lớn khiến cho người dân Việt nhiều đêm liền không ngủ. Trải qua hàng chục đời, nay đất nước của vua Hùng mới được khôi phục, nợ nước thù nhà của chủ tướng Mê Linh đã được trả. Trai gái rìu đồng, giáo sắc nắm chắc trong tay, những chiếc lông chim cắm ngất ngưởng trên đầu, bộ áo lông chim xòe rộng theo nhịp trống đồng dồn dập như không bao giờ dứt. Tin thắng trận bay đi. Các quận Nam Hải (đảo Hải nam ngày nay), Cửu Chân (Bắc Việt ngày nay), Nhật Nam (Trung Việt ngày nay), Hợp
Phố (Quảng Đông ngày nay) cũng nổi lên theo về với Hai Bà Trưng.
Ðất nước sạch bóng quân thù, cả nước suy tôn Trưng Trắc lên là Trưng Nữ Vương đóng đô ở Mê Linh. Trưng Nữ Vương ra lệnh miễn thuế khóa cho dân hai năm.
Năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng quân cùng với quan Lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.
Mã Viện là một danh tướng khét tiêng của nhà Đông Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem hơn 20 vạn quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng Bạc, Trưng Nữ Vương và các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng đã đưa quân ra chống giặc từ biên giới,...
Đánh mãi không thắng... Mã Viện xin tăng cường thêm quân rồi tiếp tục kéo binh xâm lược... quân ta đã anh dũng chiến đấu, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở Lãng Bạc, Ðông Triều, Yên Phong, Hà Bắc,... trước thế giặc quá đông và hung hãn, hai Bà đã thu quân rút về giữ ở Cấm Khê (Thạch Thất - Quốc Oai) để tử thủ. Hàng vạn người Việt đã ngã xuống trong các trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình.
Sau một thời gian dài cầm cự... trước thế giặc quá mạnh và đông, Trưng Nữ Vương phải bỏ Cấm Khê lui quân về đến Hát Giang ( xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc (nay là huyện Phúc Thọ), tỉnh Sơn Tây),... nơi đây vì quân ít,... đến thế bức quá, sau khi đã bắn hết cả tên nỏ... hai vị anh thư không muốn rơi vào tay quân địch bèn gieo mình xuống sông Hát (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà) tự tận, chớ không thèm đầu hàng giặc,.. các nữ tướng theo bà bấy lâu đều tự vận theo... Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43). Theo Nam Sử, Trưng Trắc hưởng dương 29 tuổi.
Một số những tướng của Hai Bà là nhóm Đô Dương chạy vào giữ huyện Cư Phong thuộc quận Cửu Chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, nhóm Đô Lương cũng đều phải ra hàng.
Sau ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đất nước lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai kéo dài đến 5 thế kỷ (43-544).
Ngày nay, ngoài quê hương Mê Linh, tại bãi Đồng Nhân ở vùng ngoại ô thành phố Hà Nội có ngôi đền cất từ năm Nhâm Tuất (1142) thờ Hai Bà Trưng rất lớn....
Tại xã Hát Môn (là nơi lập đàn ăn thề, là nơi tế cờ khởi nghĩa và cũng cùng là nơi hai bà tự tận) có Miếu Hát thờ Hai Bà Trưng, theo dân gian, nơi nầy rất linh thiêng...
Người ta truyền tụng rằng đền thờ hai bà rất linh thiêng. Đời vua Anh Tông nhà Lý, gặp năm trời đại hạn, ruộng đất không cấy được, nhà vua sai Uy Tĩnh thiền sư đến đền thờ hai bà để cầu mưa. Quả nhiên giữa hôm ấy trời mưa tầm tã, vua thấy linh ứng hiển nhiên bèn ra lệnh cho xây lại đền thờ hai bà thêm nguy nga và phong tặng là Trinh Linh Nhị Phu Nhân. Đến đời nhà Trần lại gia phong là Uy Liệt Chế Thắng Thuần Trinh Bảo Thượng Lưỡng Phu Nhân.
Để tỏ lòng tôn kính, hàng năm vẫn tổ chức lễ kỷ niệm hai vị anh thư Trưng Trắc và Trưng Nhị vào ngày mùng 6 tháng 2 Âm lịch.
Hai Bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để tiếng thơm lại muôn đời. Ngày nay có rất nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà để ghi tạc danh tiếng hai người nữ anh hùng của nước Việt Nam ta.
Đây là hai vị nữ lưu đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã dấy lên ngọn cờ khởi nghĩa, chống trả ách xâm lược của Bắc Phương.
Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có bốn câu:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...
Sách “Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” có những vần thơ vịnh Hai Bà Trưng:
Giúp dân dẹp loạn trả thù mình
Chị rủ cùng em kết nghĩa binh
Tô Định bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
Mới dày bảo vị gia ơn trọng
Đã đội hoa quan xuống phúc lành
Còn nước, còn non, còn miếu mạo
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh..
Vua Tự Đức đã đề cập về hai vị nữ anh thư:
Hai Bà Trưng là khách quần thoa, thế mà lóng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán! Dẫu thế lực yếu, thời vận ngửa nghiêng, cũng đủ dấy dức lòng người, rỡ ràng sử sách...
Sử gia Lê Văn Hưu nói rằng: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu, mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng!".
Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lịch sử thật kỳ lạ (và chỉ xảy ra có một lần trong lịch sử của nhân loại -- Phụ nữ nổi lên lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang để giải phóng dân tộc ). Ðó là ngay thế kỷ đầu Công Nguyên (39-40) dân tộc ta đã theo lời kêu gọi của hai người phụ nữ trẻ tuổi (Trưng Trắc, Trưng Nhị) nổi lên nắm quyền lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang để giải phóng dân tộc, giảu phóng đất nước. Có lẽ do khí thiêng sông núi, do truyền thống bất khuất và tinh thần thượng võ của dân tộc ta mới hun đúc và sản sinh ra hai vị nữ anh hùng kiệt xuất và hàng chục nữ tướng tài ba như vậy.
Hai Bà Trưng đã được sử sách đời đời ghi chép công ơn, còn hơn hai mươi nữ tướng của Hai Bà Trưng tài ba lỗi lạc tuy chưa được ghi trong chính sử, song sự tích kỳ tài của các nữ tướng anh hùng đó đã được tạc trên bia đá, ghi vào thần phả và được nhân dân ta đời đời truyền tụng.
Sau đây là danh sách các vị nữ anh hùng đó để minh họa cho sự kiện lịch sử đặc biệt oanh liệt dưới thời Hai Bà Trưng.
1. Thánh Thiên Nữ Tướng Anh Hùng: Khởi nghĩa ở Yên Dũng, Bắc Ðái - Bắc Giang. Ðược Trưng Vương phong làm Thánh Thiên Công Chúa. Hiện có đền thờ ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Giang.
2. Lê Chân - Nữ Tướng Miền Biển: Khởi nghĩa ở An Biên, Hải Phòng, được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân miền Biển. Hiện có đền Nghè, ở An Biên, Hải Phòng thờ.
3. Bát Nạn Ðại Tướng: Tên là Thục Nương, khởi nghĩa ở Tiên La (Thái Bình), được Trưng Vương phong là Bát Nạn Ðại tướng, Trinh Thục công chúa. Hiện có đền thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
4. Nàng Nội - Nữ Tướng Vùng Bạch Hạc: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc (Phú Thọ) được Trưng Vương phong là Nhập Nội Bạch Hạc Thủy công chúa. Hiện TP Việt Trì có đền thờ.
5. Lê Thị Hoa - Nữ Tướng Anh Hùng: Khởi nghĩa ở La Sơn (Thanh Hóa) được Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Nga Sơn -Thanh Hóa có đền thờ.
6. Hồ Ðề - Phó Nguyên Soái: Khởi nghĩa ở Ðộng Lão Mai (Thái Nguyên) được Trưng Vương phong là Ðề Nương công chúa, lãnh chức Phó Nguyên soái. Ðình Ðông Cao, Yên Lãng (Phú Thọ) thờ Hồ Ðề.
7. Xuân Nương, Trưởng Quản Quân Cơ: Khởi nghĩa ở Tam Nông (Phú Thọ), được Trưng Vương phong là Ðông Cung công chúa chức Nhập nội trưởng quẩn quân cơ nội các. Hiện có đền thờ ở Chương Nha (Tam Nông), Phú Thọ.
8. Nàng Quỳnh - Nàng Quế - Tiên Phong Phó Tướng: Khởi nghĩa ở Châu Ðại Man (Tuyên Quang) được Trưng Vương phong làm Tiên phong phó tướng. Hiện ở Tuyên Quang còn có miếu thờ hai vị nữ anh hùng.
9. Ðàm Ngọc Nga - Tiền Ðại Tả Tướng: Khởi nghĩa ở Thanh Thủy, Thanh Sơn - Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong làm Nguyệt Ðiện Tế Thế công chúa giữ chức Tiền đạo tả tướng quân.
10. Thiều Hoa - Tiên Phong Hữu Tướng: Khởi nghĩa ở Tam Thanh - Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong là Ðông Cung công chúa giữ chức Tiên phong hữu tướng. Hiện ở xã Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ có miếu thờ.
11. Quách A - Tiên Phong Tả Tướng: Khởi nghĩa ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong là Khâu Ni công chúa giữ chức Tả tướng tiên phong. Hiện có đền thờ ở trang Nhật Chiêu (Phú Thọ).
12. Vĩnh Hoa - Nội Thị Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Tiên Nha (Vĩnh Phúc). Ðược trưng Vương phong là Vĩnh Hoa công chúa giữ chúc Nội thị tướng quân. Ðình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Ðức, huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc thờ Vĩnh Hoa.
13. Lê Ngọc Trinh - Ðại Tướng: Khởi nghĩa ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ðược Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa giữ chức Ðại tướng quân. Hiện có miếu thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
14. Lê Thị Lan - Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Ðường Lâm - Sơn Tây. Ðược Trưng Vương phong là Nữ tướng quân. Hiện ở Hạ Hòa, Phú Thọ có miếu thờ.
15. Phật Nguyệt - Tả Tướng Thủy Quân: Khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Ðược Trưng Vương phong làm Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang thượng Tả tướng thủy quân.
16. Phương Dung - Nữ Tướng: Khởi nghĩa ở Lang Tài (Bắc Ninh). Ðược Trưng Vương phong là Phương Dung công chúa giữ chức Nữ tướng quân.
17. Trần Nang - Trưởng Lĩnh Trung Quân: Khởi nghĩa ở Thượng Hồng (Hải Dương). Ðược Trưng Vương phong là Hoàng công chúa giữ chức Trưởng lĩnh trung quân. Hiện ở Yên Lãng, Phú Thọ có đền thờ.
18. Nàng Quốc - Trung Dũng Ðại Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Gia Lâm, Hà Nội. Ðược Trưng Vương phong làTrung Dũng đại tướng quân. Hiện ở Hoàng Xá, Kiêu Kỵ, Gia Lâm thờ Nàng Quốc.
19. Tam Nương - Tả Ðạo Tướng Quân: Ba chị em Ðạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Trưng Vương phong Ðạm Nương làm Tả đạo tướng quân, Hồng Nương và Thanh Nương làm phó tướng. Ðình Quất Lưu, Vĩnh Phúc thờ Tam Nương.
20. Quý Lan - Nội Thị Tướng Quân: Khởi nghĩa ở Lũng Ðộng, Chí Linh (Hải Dương). Ðược Trưng Vương phong là An Bình công chúa giữ chức Nội thị tướng quân. Hiện ở Liu sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đền thờ.
Hôm nay ôn lại trang sử oai hùng của Hai Bà Trưng, chúng ta không khỏi tự hào về một dân tộc hơn bốn ngàn năm đấu tranh để tồn tại mà chúng ta còn tri ân các bà mẹ Việt. Truyền thống Âu Cơ đã bền bỉ chịu đựng, cần cù nhẫn nại nuôi dưỡng các thế hệ anh hùng. Ðể khỏi phụ lòng và công ơn của tiền nhân, chúng ta đừng để vật chất cám dỗ, hãy chuẩn bị tâm tư và nhân cách để đứng lên làm tròn nhiệm vụ lịch sử giao phó. Chúng ta đừng đòi hỏi đất nước làm gì cho chúng ta mà hãy tâm niệm rằng chúng ta đã làm gì cho đất nước. Mỗi người chúng ta chỉ cần một bàn tay nhỏ bé đủ đẩy quả núi ù lì chắn bước tiến của dân tộc sang bên để đem lại hạnh phúc an vui cho mọi người còn hơn nhìn quá khứ trong tiếc nuối.
Ðể kết luận, xin ghi lại lời tuyên bố dõng dạc của bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu Ẩu) cách đây hơn 1700 năm:
"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể Ðông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta."