Phần 3

Thế là cuối năm đó, hôn lễ của chnúg tôi cử hành. Đúng như ba má nàng muốn, như mẹ tôi muốn.
Bạn bè tôi kéo đến chia mừng đông đảo, nhưng tôi biết trong bụng chúng khá buồn vì vừa mất đi một người bạn trung thành trong những cuộc rong chơi thâu đêm suốt sáng. Dĩ nhiên vào ngày đó, cũng có đủ tất cả những thứ cần phải có theo thông lệ: Rượu qúy, thức ăn, hoa hồng, bánh ngọt, bắt tay bắt chân, chụp hình v.v...Khi ống kính nhắm vào nàng, nàng cười rất tươi và đến bây giờ tôi mới thấy nàng đẹp thật. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chính tôi cũng cười hết sức vô duyên khi bị chụp hình.
Sáu tháng sau đám cưới, chúng tôi có đứa con đầu lòng. Tôi đặt tên riêng gọi trong nhà là Bé Sớm. Quả thật nó ra đời hơi sớm, sớm hơn thông lệ đến ba tháng mười ngày.
Vợ tôi mở một cửa hàng tiểu tạp hoá ở trong xóm. Tôi xin được một chân thơ ký đánh máy tại công sở. Tôi đi làm đủ sáu ngày trong tuần, mỗi ngày đủ tám giờ đồng hồ, buổi tối tôi dọn dẹp mọi thứ giúp đỡ cho vợ tôi, ngày chủ nhật tôi đèo nàng bằng xe " mô bi lết" vào Chợ Lớn mua hàng hóa, đủ thứ đồ từ một đôi dép Nhật đến một chiếc lược chải đầu. Tóm lại tôi quên bẵng cách đấy một năm có một chàng trai trẻ rất hào hoa phong nhã tên là "tôi". Bây giờ, tôi sống ngược lại với ngày xưa một cách đau lòng. Vợ tôi lại hoàn toàn không có một ý thích nào giống tôi. Nàng không bao giờ đụng vào một cuốn sách hay một tờ tạp chí.
Nàng không thích âm nhạc, không thích điện ảnh, không thích bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào hết. Đối với nàng, tất cả bảy ngành nghệ thuật của nhân loại đều thâu gọn lại vào chương trình cải lương trên Tivi vào mỗi tối chủ nhật.
Một đêm, ôm nàng trong tay, tôi kể cho nàng nghe mơ ước của tôi:
- Thời buổi này nhiều bất công qúa. Anh sẽ làm một nhà cách mạng. Để râu tóc kiểu Hippi như Ché Guevara. Lúc đó em sẽ là một người bạn đời lẫn bạn đường của anh, em phải học môn cứu thương để săn sóc cho anh mỗi khi anh đụng trận.
Nàng reo lên:
_ À...Nhờ anh nói em mới nhớ. Bà Tư trước nhà hồi chiều mua hai hộp bông gòn mà chưa trả tiền để em ghi vô sổ đã.
Rồi nàng vùng dậy khỏi vòng tay tôi. Đợi nàng xong xuôi các thứ, tôi thầm thì nói tiếp:
- Chắc anh làm chính trị gia "ngon" hơn em à. Anh sẽ ứng cử dân biểu tranh đấu cho dân nghèo. Vài năm sau, đủ uy tín, anh sẽ "bắt" một cái ghế bộ trưởng, em sẽ là bà phu nhân. Chà....Bộ trưởng Kinh tế, lúc đó anh sẽ giảm bớt thuế má....
Nàng thở dài:
- Ờ...ờ, mà sao thuế má gì bây giờ cũng cao quá, buôn bán càng ngày càng khó. Tiền nước,tiền điện, tiền nhà, tiền gạo, tiền sữa......cái gì cũng tăng gía cả. Mới tháng trước một "ki lô watt" điện đâu có bao nhiêu...
Và nàng với tay lên đầu nằm tắt đèn. Trong bóng tối, tôi tiếp tục nói với nàng, lần này tôi cố tìm một mơ ước nào có vẻ gần gũi với nàng hơn.
- Thôi, anh nhất định đi buôn lậu cho mau giàu. Anh sẽ là tỉ phú. Biệt thự của mình ở Đà lạt trồng đầy hoa hồng trên sân thượng, có đủ cả quầy rượu, sàn nhẩy, bàn "bi da", hồ tắm nước nóng. Em sẽ đeo đầy nữ trang từ biú tóc cho đến ngón chân út....
Nàng cầm bàn tay tôi đưa lên môi hôn tỏ vẻ cám ơn, bỗng nàng ngồi bật dậy:
- Uả! Chiếc nhẫn đám cưới của anh đâu rồi không thấy đeo?
Tôi bối rối:
- Anh đem đi "cầm" rồi.
- Trời ơi!
Tôi giải thích
- Hôm nọ, bọn anh phải mua quà mừng ông chủ thăng chức. Sau đó là đến ngày sinh nhật thứ 50 của bà chủ, sau đó nữa là đến đám cưới của con gái ông bà chủ và sau hết còn lại một ít anh đi nhậu nhẹt với một thằng bạn cả mấy năm mơi gặp lại.
Nàng bắt đầu khóc. Tôi hôn nàng như mưa bấc. Giọng nàng nức nở:
- Sao anh không hỏi tiền em mà lại đem cầm chiếc nhẫn...kỷ niệm đó...
Tôi đau đớn hơn nàng nữa, tôi vuốt ve nàng.
- Thôi... em nín đi. Tháng sau lãnh lương anh chuộc lại chứ mất gì đâu.
Nàng đột ngột bắt bẻ:
- Vậy tiền lương của anh để đâu mà lại phải đi đến tiệm cầm đồ?
Trời ơi, nàng đã quên hết rồi sao. Nàng không nhớ mỗi tháng tôi đều đem về cho nàng gần hết số lương nhỏ bé của tôi cho nàng chơi "hụi", tôi chỉ giữ lại chút ít để mua một tấm vé số Kiến thiết Quốc Gia và chơi số "đề".
Nhưng tôi không muốn làm nàng phiền lòng thêm gì nữa. Tôi cố nhớ lại những cách thức tán tỉnh đàn bà của tôi ngày xưa mà ngày nay khi làm chồng tôi đã quên mất. Tôi âu yếm nàng, dần dần nàng cũng nguôi ngoa và trở nên thật mềm mại, dịu dàng, đáng yêu trong lòng tôi. Phòng ngủ của chúng tôi vẫn còn tắt đèn nhưng bây giờ không phải là vì sợ tốn điện nữa.
Cứ thế mỗi đêm tôi đều thức khuya để kể lể về tương lai huy hòang, nàng cũng thức dầu không biết có nghe tôi nói không. Có điều là cả hai vợ chồng đều trằn trọc không ngủ được. Và nàng lại có bầu.
Một hôm tôi thổ lộ cho nàng nghe giấc mơ thầm kín nhất của tôi và rất mới lạ đối với nàng:
- Anh sẽ viết truyện. sách của anh sẽ được in ra hằng triệu cuốn, được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Khắp thế giới sẽ biết đến tên anh. Anh sẽ viết những tác phẩm làm rơi nước mắt những con người hay cười cợt phè phỡn nhất, và làm cho những con người khổ đau bất hạnh nhất cũng nở được nụ cười. Những kiệt tác của anh sẽ làm chấn động điờ sống, trí óc, tình cảm của nhân loại. Anh sẽ là nhà văn Á châu thứ ba, nhà văn Việt Nam đầu tiên đoạt giải Nobel.
Nàng ngắt lời:
- " Nô en " vừa rồi cũng vui chứ anh.
Tôi nói dằn từng tiếng:
- Nobel. Đó là một giải thưởng văn chương cao qúy nhất ngoài số tiền thưởng....
- Bao nhiêu anh?
- Khỏang 80 triệu đồng VN.
Nàng húyt sáo tỏ vẻ ngưỡng mộ. Nhưng rồi nàng lại ngẩn người, lý luận theo lối thương mại:
- Không được đâu anh. Nếu anh muốn kiếm đươc 80 triệu đồng, anh phải có một số vốn cả trăm triệu. Anh thì đời nào có nổi số tiền đó nên không bao giờ anh được giải Nô en cả.
- Nobel!
Tôi nhắc lại một cách chán nản.Tôi biết nàng nói đúng, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đạt được vinh dự đó, mặc dầu đấy không phải là một vụ buôn bán gì mà tính số vốn với số lời. Cho dù sách tôi có hàng triệu độc giả, nhưng chắc chắn không có nàng trong số đó. Nàng không bao giờ đọc sách văn chương, một tác phẩm dày 500 trang của tôi chỉ có công dụng gói được 500 gói ô mai bán cho trẻ con. Hơn nữa, sống cái kiếp vợ chồng quần quật suốt đời này, tôi còn biết viết gì nổi ngoại trừ viết thư cho má tôi: " Thưa má, vợ chồng con vẫn được mạnh khỏe hạnh phúc. Vợ con vừa sinh đứa con thứ bẩy, lần này chúng con đồng ý xin nhường cho má đặt tên cháu...
Chóng thật. Mới đó mà đã bảy năm trôi qua kể từ ngày lấy nhau. Vợ tôi sinh năm một. Ba đứa đầu tôi còn công phu đặt những cái tên thật văn hoa cho chúng, nào là Ẩn Lan, Ly Ngân, Hoài Ngọc...Những đứa sau tôi phó cho vợ tôi muốn đặt tên gì thì cứ việc, và nàng đặt tên con ảnh hưởng mấy lon sữa hộp trong tủ Văn Phước, Văn Lộc, Văn Thọ...Tôi cũng đóan trước được tên những đứa sau: Thị Mai, Thị Quế, Thị Lộ.
Thế đó, cuộc dời dần dần trôi qua, sóng gió lẫn êm thắm nhưng đều đều như quả lắc đồng hồ. Ngày nay tôi đã là một công chức chánh ngạch và thượng hạng của bộ Phát Triển kế hoạch, chỉ làm việc ở đây tôi mới được giải toả một phần nào những ẩn ức, những kế hoạch trù tính của tôi thời trẻ tuổi.
Đôi ba tháng một lần, vợ chồng tôi mới đi chơi và cũng chẳng biết đi đâu ngoại trừ đến thăm viếng nhà vợ chồng bạn. Trong khi tôi và bạn tôi vừa binh xập xám vừa âu sầu bùi ngùi nhắc lại thời oanh liệt xa xưa, vợ tôi đánh tứ sắc với vợ bạn tôi, con chúng tôi chạy chơi rượt bắt với con vợ chồng bạn. Tôi đánh bài có khi ăn, khi thua, còn vợ tôi thì luôn luôn thua, nàng không có khiếu về cờ bạc, mặc dù cũng biết chơi đủ thứ bài. Những lần nàng cháy túi, tôi đến bên nàng, nói một cách nhẹ nhàng:
_ Nếu em để dành số tiền thua bạc trong vòng vài năm, em sẽ mua được một két "Mạc ten" ba sao, làm của hồi môn cho con gái.
Nàng hơi đỏ mặt, mỉm cười âu yếm nhìn tôi. Tôi vừa làm sống lại cả một thời con gái với chữ NẾU bất hủ của nàng. Giữa đám đông người, nàng vẫn đưa cánh tay của nàng víu cổ tôi xuống, hôn nhẹ vào má tôi. Trong giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy, tôi chỉ hận rằng sao mình không là một ông giám đốc ngân hàng, để cho nàng mỗi tối khiêng một két sắt đầy bạc đi " đậu chén".
Đêm đêm, vẫn như trong mấy năm trước, tôi ôm nàng mơ màng nói về những giấc mộng của tôi, dần dần giấc mộng đó đi vào giấc mộng ngủ say, và trở thành giấc mộng thực sự.
Chút an ủi cho tôi, là thỉnh thoảng chợt thức vào nửa đêm, tôi lặng ngắm nàng còn đang mê ngủ. Khuôn mặt nàng vẫn đầy đặn phúc hậu như ngày nào, môi nàng hình như hơi mỉm cười có vẻ hài lòng. Tôi hôn nhẹ vào vầng trán ấm áp của nàng, và thì thầm nói nhỏ: " Em cười là phải. Rốt cuộc mọi chuyện đều như em muốn. Tất cả, cuối cùng đều như em muốn..."
Rồi tôi nằm quay mặt đi, nhắm mắt lại, nói với chính mình: " Còn anh....Anh cũng không hối hận gì. Chắc anh cũng được hạnh phúc...nhưng dầu sao, anh không thể nào cười nổi..."
Rồi tôi thiếp ngủ, tránh cho vợ tôi cái cảnh mang bầu lần thứ tám.
Nhưng không ai tránh mãi được. Hiện nay, chúng tôi đã có mười một đứa con và chậm lắm sau tết này, vợ tôi sinh thêm một đứa cho vừa chẵn một tá. Tôi hy vọng rằng nàng cũng tin dị đoan như tôi để không bao giờ có thêm đứa thứ mười ba nữa.
Thế là xong một đời, bao nhiêu mơ mộng ngày xanh của tôi đã thực sự như những chiếc lá uá vàng lìa cành, lá xanh còn trên cây là của những người nào đó. Tôi rồi cũng như hàng triệu người khác. Chúng ta nuôi những chuyện vá trời lấp biển rồi rốt cuộc chúng ta phải chạy hộc hơi để thuê một căn nhà lá, chạy toát mồ hôi kiếm một ngày hai bữa cơm, chạy tiền cưới vợ, chạy tiền nuôi con, chạy tiền gạo tiền sữa, chạy một chỗ làm êm thắm trong thành phố, chạy một chỗ an toàn trong quân đội.....Chạy suốt đời. Đặc điểm của thời đại này là chạy. Không còn được đi dạo thảnh thơi hay nhảy múa vui ca nữa.
Chúng ta xây những lâu đài trên cát, mình không đối phó nổi với sóng biển từ ngàn khơi kéo vào xóa vỡ tan tành.
Ngày nay, mỗi khi có người bạn nào nhắc lại ngày xưa kia tôi thường nói sẽ làm những điều vĩ đại này nọ, tôi cảm thấy mắt tôi cay cay nóng, nhưng tôi sẽ không để cho vợ tôi biết điều đó. Tôi chỉ nói với nàng thật dịu dàng:
- Em à, lấy cho anh một chai bia lớn
Trong tập "Học trò" - Truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn

Xem Tiếp: ----