Hồi 166
Cao tôn giả chết đi sống lại

Thi Lang cáo từ rồi rút lui, Vi Tiểu Bảo liền sai người kêu bọn Phong Tế
Trung, Từ Thiên Xuyên, Huyền Trinh đạo nhân là những anh em trong Thiên
Địa hội vào phủ. Gã kể cho mọi người nghe những chuyện đã trải qua một cách
tường tận.
Từ Thiên Xuyên hỏi:
- Tên tặc tử họ Thi đã sát hại Quan phu tử, lại toan công phá đảo Đài Loan, hãm hại Tổng đà chúa. Lòng trời xui khiến đưa hắn lọt vào tay Vi hương chủ.
Chúng ta phát lạc hắn cách nào cho ổn?
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Thần Long giáo cấu kết với Ngô Tam Quế và nước La Sát. Nay Hoàng đế
phái tiểu đệ đem Thi Lang đi tiễu trừ Thần Long giáo thì để hắn cùng giáo phái kia
đánh nhau một trận trời sầu đất thảm, hai bên cùng khốn đốn. Chúng ta là ngư ông
ở giữa thủ lợi.
Quần hào đều khen là tuyệt diệu.
Vi Tiểu Bảo lại nói tiếp:
- Bữa trước Thi Lang hạ sát Quan phu tử, giải cứu Trịnh Khắc Sảng không
chừng hắn ngó thấy tiểu đệ rồi. Nhưng một là hôm ấy tiểu đệ hóa trang thành
người khác, dù hắn có ngó thấy một lần chưa chắc đã nhớ được. Hai là tiểu đệ
hiện đang cầm đầu hắn chắc hắn không dám giở trò gì.
Gã ngừng lại một chút rồi dặn:
- Các vị đại ca cũng nên thận trọng, đừng để hắn nhìn thấy chỗ sơ hở.
Cao Ngạn Siêu đưa ra đề nghị:
- Chúng ta cải trang làm bọn Thát Đát ở Kiêu Kỵ doanh, bình nhật ít khi chạm mặt Thi Lang, dù hắn có nhận ra chắc cũng không dám đắc tội với bọn Thát Đát.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Hay lắm! Các vị đổi thêm bộ mặt đi một chút. Từ đại ca cạo râu nhẵn nhụi,
Phong đại ca thêm vào hai túp ria mép, Cao đại ca làm thành vết sẹo lớn trên
trán. Thằng cha họ Thi là người rất tinh quái, chúng ta cẩn thận là hơn. Bây giờ
chúng ta phải dựa vào hắn để tiến đánh đảo Thần Long, không nên hạ sát hắn
ngay.
Quần hào y kế chia nhau chuẩn bị cải trang.
Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:
- •Chuyến này mình tiến đánh đảo Thần Long, không nên cho Uỷ Tôn Giả
và Lục Cao Hiên đi theo để cơ mưu khỏi bị tiết lộ•.
Gã liền bảo hai lão Uỷ, Lục ở lại Bắc Kinh chỉ đem Song Nhi đi theo để ả
phục thị.
Sau hai bữa vua Khang Hy ban thượng dụ truyền cho Vi Tiểu Bảo đem theo
mười khẩu Thần Võ đại pháo từ sông Đại Cô đi ra biển tiến đến phía bắc vịnh
Liêu Đông, ở đó làm lễ tế Liêu Hải rồi lên bờ đến núi Trường Bạch bắn súng tế
trời.
Vi Tiểu Bảo tiếp thượng dụ thống lãnh nhân mã ở Kiêu Kỵ doanh tiến đến
Thiên Tân.
Văn võ bá quan đều kính cẩn nghinh tiếp Khâm sai đại thần, bất tất phải
tường thuật.
Tối hôm ấy Vi Tiểu Bảo cho mời viên Tổng binh coi thủy quân ở Thiên Tân tới
để tiếp mật chỉ của nhà Vua.
Viên Tổng binh thủy quân tên gọi Hoàng Phủ thấy trong mật chỉ dặn bảo y
phải điều động toàn thể quan binh cùng thuyền bè nghe theo sự chỉ huy của
Khâm sai đại thần để thi hành sứ mạng trọng yếu. Y tiếp chỉ rồi khom lưng kính cẩn
nghe lời huấn dụ.
Vi Tiểu Bảo hỏi cho biết quân số về thủy binh cùng số lượng chiến thuyền
rồi kêu Thi Lang đến. Gã dặn hắn cùng Hoàng Phủ thương nghị kế hoạch ra khơi.
Đoạn hắn vào hậu doanh cùng binh tướng đánh bài cẩu.
ở Thiên Tân ba ngày, trại thủy quân đã chuẩn bị đầy đủ lương thảo, nước
uống, đạn dược, cung tên xếp xuống thuyền.
Vi Tiểu Bảo thống lãnh Kiêu Kỵ doanh binh, quan binh thủy quân hai ngàn
sáu trăm người, chiến thuyền hạng lớn mười chiếc, hạng vừa ba mươi chiếc.
Chiến thuyền dương buồm ra khơi, dời khỏi Đại Cô đi ra biển cả.
Bây giờ Vi Tiểu Bảo mới cho Tổng binh thủy quân Hoàng Phủ hay là mình
vâng thánh chỉ tấn công Thần Long đảo. Gã lại tuyên bố: Quan binh từ trên xuống
dưới phải tận tâm đánh giặc. Sau khi thành công hết thẩy đều được thăng thưởng.
Bọn quan binh thấy bên mình người nhiều thế lớn, quan Khâm sai đại thần lại
đem theo mười khẩu súng lớn kiểu Tây dương, oai phong cực kỳ hùng dũng.
Chúng nghĩ tới trên đảo Thần Long bất quá chỉ là một bọn cướp biển chiếm cứ,
bên mình chỉ cần bắn vài phát súng lớn là bọn hải tặc phải tan tành. Chuyến này
lập công thăng chức thật dễ dàng. Quân tướng lớn tiếng hoan hô rầm trời, phấn
khởi tinh thần lên gấp trăm lần.
Vi Tiểu Bảo ngồi trong thuyền chỉ huy bỗng nghĩ tới lần trước đã đến Thần
Long đảo và bị Phương Di lừa gạt. Tuy nàng là cô gái giảo hoạt nhưng mấy ngày
ngồi chung thuyền trên mặt biển, gã đã được hưởng mùi vị rất ôn nhu, tâm thần thư
thái. Gã tính thầm:
- "Khi chiến thuyền gần tới đảo, nếu mình cho đại pháo khai hỏa mở cuộc
tấn công lớn thì bọn giáo đồ Thần Long giáo bị bắn tan xác đến quá nửa là ít.
Sau đó mấy ngàn quan binh ào ạt đổ bộ thì dù võ công của Hồng giáo chủ cao
thâm đến đâu cũng không thể chống nổi".
Bất giác gã thở dài lẩm bẩm:
- Nhưng hỡi ơi! Diễn biến này xảy ra không chừng Phương Di hảo tỷ tỷ của
ta đã bị súng lớn bắn chết rồi. Thế thì thật là hỏng bét! Dù nàng không chết mà
bị què chân cụt tay thì cũng đáng hận vô cùng.
Nguyên Vi Tiểu Bảo vẫn khiếp sợ Thần Long giáo chủ, gã đã toan chuồn đi
cho yên thân, nhưng hiện giờ công cuộc tác chiến đã có Thi Lang chủ trương. Mấy
chục chiến thuyền dương buồm thẳng tiến, lại thêm mười cỗ Thần Võ đại pháo thì
trận đánh này đã cầm chắc phần thắng, chỉ còn lo sự an nguy cho Phương Di. Gã
mong sao vừa diệt được Thần Long giáo, vừa bảo vệ Phương Di an toàn mới là
vẹn cả hai bề. Gã nghĩ quanh nghĩ quẩn không biết làm thế nào đành kêu Thi Lang
đến để hỏi kế tấn công lên đảo.
Thi Lang mở cuốn sổ cầm tay lấy ra một tấm địa đồ lớn trải ra trên bàn, hắn
trỏ vào một cái đảo nhỏ nói:
- Đây là đảo Thần Long.
Vi Tiểu Bảo thấy trên đảo này đã vẽ một cái vòng đỏ. Ba mặt bắc, đông,
nam lại vạch ba mũi tên chĩa vào thì trong lòng rất lấy làm bội phục nói:
- Té ra tướng quân đã nghĩ s½n kế hoạch tấn công đảo Thần Long. Sau khi
dời Đại Cô ta mới đưa mật chỉ của Hoàng thượng ra mà sao tướng quân đã chuẩn
bị được địa đồ sớm thế?
Thi Lang đáp:
- Ty chức nghe nói từ Đại Cô vượt biển đến Liêu Đông nên đã chuẩn bị
mấy tấm địa đồ cùng hải đồ. Nguyên ty chức xưa nay vẫn ưa thích cách sinh nhai
ngoài đại dương nên những hải đồ đã coi quen rồi.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Té ra là thế. Trận đánh này của chúng ta chắc là kỳ khai đắc thắng, mã
đáo thành công.
Thi Lang đáp:
- Được như thế là trông vào thánh đức của Hoàng thượng cùng phước khí
của Vi đại nhân.
Hắn ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Theo thiển ý của ty chức thì chúng ta nên chia quân làm ba mũi theo ba
mặt bắc, đông, nam tiến đánh vào đảo mà chỉ bỏ ngỏ phía tây không tấn công.
Sau khi nổ đại pháo một hồi, bọn giặc cướp trên đảo không chống nổi tất phải
chạy hết ra phía tây. Chúng ta mai phục s½n hai chục chiến thuyền ở mặt tây cách
phía sau đảo chừng ba chục dặm. Khi bọn phỉ đồ cướp đường chạy về phía này
thì chiến thuyền của ta ào ạt bơi ra cản đường. Đại pháo khai hỏa rồi, chiến
thuyền ba mặt bắc, đông, nam mở cuộc bao vây khiến cho bao nhiêu thuyền địch
không lọt ra được. Như thế là quăng một mẻ lưới là có thể quét hết bọn hải tặc
trên đảo, chẳng một mống nào chạy thoát.
Vi Tiểu Bảo vỗ tay khen là diệu kế.
Thi Lang nói:
- Xin Vi đại nhân đốc thúc trung quân vẫn ngồi soái thuyền đốc chiến, bất
tất phải lên hòn đảo nhỏ xíu vô danh này làm chi. Trung quân phải là nơi vững như
bàn thạch. Nếu xảy ra chuyện gì với thống soái tất nhiên lòng quân không khỏi
nao núng. Ty chức xin thống xuất chiến thuyền tấn công ba mặt. Còn Hoàng tổng
binh chỉ huy đạo quân mai phục chẹn đường. Còn ngoài ra để lại mười con thuyền
nhỏ chạy đi chạy lại báo cáo quân tình. Cách hành động thế nào xin Vi đại nhân
tùy thời ban hiệu lệnh ra cho ty chức cùng Hoàng tổng binh tuân hành.
Vi Tiểu Bảo cả mừng nghĩ bụng:
- "Thằng cha này thật khôn ngoan. Hắn biết mình sợ chết nên để mình trấn
đóng dưới thuyền cách đảo ba chục dặm thì thật không còn điều gì đáng ngại
nữa. Dù cho toàn quân tan vỡ, lão gia sẽ qua thuyền nhỏ chạy trốn cũng còn kịp
chán.".
Bất giác gã lẩm bẩm:
- Diệu kế, chân diệu kế!
Gã nức nở khen ngợi một hồi.
Thi Lang nói:
- Ty chức đã ngưỡng mộ dại danh của Vi đại nhân từ lâu. Ty chức được biết
ngày trước Vi đại nhân cầm đao đâm chết tên đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu là Ngao
Bái, đoạt lấy danh hiệu "Mãn Hán đệ nhất dũng sĩ". Do đó Vi đại nhân được
Hoàng thượng ban cho tước hiệu "Ba Đồ Lỗ". Ty chức chỉ lo một điều là Vi đại
nhân muốn báo đáp hoàng ân sẽ quên mình trong khi chiến đấu. Nếu lỡ để đại
pháo bắn vào làm tổn thương đến ngón tay út của Vi đại nhân thì ty chức có
muôn thác cũng không đủ đền tội. Đức Hoàng thượng cũng quyết chẳng dung tha.
Bước tiến trình của ty chức từ đây cũng bị hủy diệt. Vì vậy mà ty chức xin đại
nhân lượng thứ cho ty chức mạo muội hiến kế cùng xin đại nhân bảo trọng tấm
thân ngàn vàng khôn đổi.
Vi Tiểu Bảo thở dài nói:
- Ngồi thuyền đáng giặc vốn là điều thú nhất của ta. Ta đã định thân hành
xung phong, làm gương cho sĩ tốt, hầu lên đảo tóm cổ Thần Long giáo chủ lôi về.
Nhưng tướng quân đã nói vậy thì ta nhường công lao này cho tướng quân.
Thi Lang kính cẩn nói:
- Dạ dạ! Đại nhân lượng tình cho kẻ dưới, ty chức lấy làm cảm kích vô cùng.
Vi Tiểu Bảo bụng bảo dạ:
- "Hắn ở Bắc Kinh ba năm đã tinh thông nghệ thuật làm quan. Lão gia đang
muốn chơi hắn một vố, nhưng hắn khôn ngoan thế này thì lão gia cũng không nỡ.
Cái hàm "Mãn Hán đệ nhất dũng sĩ" bữa nay lão gia mới nghe hắn nói là lần đầu.
Hắn nghĩ ra câu này để tâng bốc lão gia là khá lắm."
Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, gã hạ thấp giọng xuống nói:
- Trên đảo Thần Long này có mấy trăm vị tiểu cô nương. Trong đám này có
mấy cô ở thâm cung trốn ra đây. Đức Hoàng thượng ân cần dặn ta phải bắt sống.
Vậy lúc tấn công lên đảo phải cẩn thận lắm mới được, đừng khai pháo bừa bãi. Lỡ
ra bắn chết mấy tên cung nữ, đức Hoàng thượng nhất định trách phạt. Bao nhiêu
công lao của tướng quân dù to lớn đến đâu cũng không đủ đền tội. Đây là một
điều hệ trọng, tướng quân cần nhớ kỹ.
Thi Lang giật mình kinh hãi đáp:
- Nếu đại nhân không có lòng chiếu cố thì ty chức đã gây nên đại họa. Vậy
chuyến này tấn công lên đảo là phải bắt sống hết đám đàn bà con gái, không
được sát thương người nào, để tùy đại nhân phát lạc.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Chính là thế đó. Mấy tên cung nữ này ta đã quen mặt hết, cứ ngó thấy là
nhận ra ngay. Có điều...có điều...sự việc chốn cung vi thế nào chắc tướng quân
đã hiểu rồi?
Thi Lang đáp:
- Dạ dạ! Xin đại nhân cứ yên tâm, ty chức nhất định bưng kín miệng bình.
Sự tình ở chốn Hoàng cung há phải là chuyện bạ đâu nói đấy.
Đoàn chiến thuyền tiến về phía đông bỗng gặp luồng gió ngược nên đi rất
chậm.
Một hôm đoàn thuyền cách đảo Thần Long không còn xa mấy, Thi Lang trỏ
một hòn đảo nhỏ ở mé tả nói:
- Nơi đây dùng làm đại bản doanh cho Đô thống đại nhân. Hòn đảo này
trước đây không có tên gọi, xin đại nhân đặt tên cho.
Vi Tiểu Bảo gãi đầu gãi tai nói:
- Bảo ta đặt tên cho đảo thì không khác gì đòi mạng ta vậy. Hừ! Thật khó
quá! Chuyến này ta làm nhà cái, tướng quân là thủ hạ vơ tiền giúp ta. Chúng ta
đánh ván bài cẩu làm sao phải ăn cho kỳ hết cả đảo Thần Long. Vậy hòn đảo này
đặt tên cho là đảo Thông Cật là xong.
Thi Lang cười đáp:
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Vi đại nhân ngồi trấn trên đảo Thông Cật
là một điều đại cát đại lợi. Bất luận địch quân lợi hại hay ngoan cố đến đâu cũng
bị xơi tái hết sạch sành sanh. Một cặp Thiên Bài Bảo ở Tiền quan chính là mình
đại nhân, một cặp Chí Tôn Bảo ở Hậu quan dĩ nhiên là của Hoàng thượng. Hai cặp
bài này tung ra thì bao nhiêu mà không ăn hết?
Vi Tiểu Bảo nổi lên tràng cười khanh khách rồi lớn tiếng hô:
- Tam quân y nhất lệnh ta truyền! Thông Cật đảo mau mau trực đáo.
Câu hô này gã đi coi hát học được, bây giờ lớn tiếng hô lên, nghe cũng oai
phong lẫm liệt, hào khí ngất trời.
Mấy chục chiến thuyền tiền hô hậu ủng xung quanh soái hạm từ từ tiến về
phía Thông Cật đảo.
Đoàn thuyền đang đi, đột nhiên binh sĩ trên một con thuyền nhỏ bỗng kêu
réo om sòm.
Lát sau con thuyền nhỏ này bơi tới báo cáo nói là trên mặt biển phát hiện
một xác chết nổi lềnh bềnh.
Vi Tiểu Bảo chau mày tự hỏi:
- Ra quân đụng phải xác chết là điềm bất lợi. Chẳng lẽ canh bạc này nhà
cái phải giam hết?
Thi Lang tiến ra nói:
- Cung hỷ đại nhân kỳ khai đắc thắng. Chưa nổ súng bên địch quân đã chết
một đứa. Đúng là điềm đại cát. Ty chức xin đi coi thế nào.
Hắn nói rồi nhảy sang con thuyền nhỏ.
Lát sau Thi Lang về soái hạm báo cáo:
- Khải bẩm Đô thống đại nhân! Xác chết trôi này tay chân bị trói quặt lại,
đây dường như là kết quả của bọn cướp biển mưu tài hại mạng rồi đẩy xác xuống
biển.
Hắn vừa nói tới đây trên thuyền nhỏ lại xôn xao nhộn nhịp. Chúng nói là
phát giác hai xác chết trôi nữa.
Vi Tiểu Bảo sắc mặt nghiêm trọng rất khó coi.
Lúc này Thi Lang cũng không dám thốt ra những điều đại cát đại lợi nữa, vọt
ngay sang thuyền nhỏ rồi trở về soái hạm.
Nỗi vui mừng lộ ra ngoài mặt, Thi Lang nói:
- Đô thống đại nhân! Ba xác chết này có lẽ đúng là người trên đảo Thần
Long.
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Sao tướng quân biết?
Thi Lang đáp:
- Xác chết đầu tiên còn chưa nhìn ra lai lịch, nhưng hai xác sau hiển nhiên
là quân cướp biển vì thân thể tráng kiện, nhất định là người có học võ công.
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Chẳng lẽ trên đảo Thần Long đã xảy ra cuộc tranh chấp nội bộ?
Thi Lang đáp:
- Gió từ phía đảo Thần Long thổi lại, ba xác chết này chắc theo chiều gió
đưa tới. Nếu địch nhân xảy ra tranh chấp nội bộ thì canh bạc này Vi đại nhân xơi
ngon như húp đậu hũ, chẳng cần nhai, nuốt một cái là xong hết.
Vi Tiểu Bảo dương mắt nhìn ra xa thấy trên mặt biển hơi nước ùn ùn, mù
trắng mờ mịt, chưa nhìn rõ đảo Thần Long.
Đột nhiên gã nhìn thấy trên mặt nước lềnh bềnh một vật tròn ủng như trái
banh khổng lồ, chợt nổi lên, chợt chìm xuống, trôi gần lại dần dần. Gã hỏi:
- Cái gì thế kia?
Thi Lang chú ý nhìn một lát rồi đáp:
- Cái này hơi kỳ lạ đây.
Hắn truyền cho con thuyền nhỏ bơi ra coi.
Con thuyền nhỏ y lệnh bơi ra, bọn quân sĩ la lên:
- Lại xác chết trôi, người lùn tịt mập ú.
Vi Tiểu Bảo động tâm tự hỏi:
- Chẳng lẽ lại là hắn?
Rồi gã ra lệnh:
- Vớt lên đem vào đây cho ta coi.
Ba tên thủy binh vớt xác chết lên khiêng sang soái hạm đặt xuống sạp
thuyền.
Xác chết lùn mập này tay chân đều bị cột bằng gân bò. Quả nhiên là Cao
Tôn Giả. Hắn đã béo chùn béo chụt, bây giờ lại uống no nước, bụng phồng lên
như cái trống, coi chẳng khác nào một trái banh lớn.
Bọn quan binh la hoảng:
- Xác chết sống lại rồi.
Thi Lang nhấc bổng người Cao Tôn Giả lên, để lưng hắn dựa vào đầu thuyền,
đầu chúc xuống. Nước biển từ trong miệng chảy ra càng lẹ.
Sau một lúc đột nhiên Cao Tôn Giả đột nhiên nhảy tung người lên, miệng cất
tiếng thoá mạ:
- Tổ bà nó!
Lúc người hắn hạ xuống ngồi ở đầu thuyền, bọn quan binh đều sợ giật bắn
người lên, nhưng tiếp theo chúng đều nổi tràng cười hô hố.
Cao Tôn Giả chết rồi, bây giờ sống lại, thần trí hãy còn hồ đồ. Hai tay hắn
rẫy rụa không ngớt nhưng gân bò ngâm nước biển càng dai, cựa đứt thế nào được.
Hắn gục gặc cái đầu, đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh lớn tiếng hỏi:
- Con mẹ nó! Đây là Long cung hay âm phủ?
Vi Tiểu Bảo cười nói:
- Đây là Long cung. Ta là Hải Long Vương.
Bọn quan binh đều cười ồ.
Cao Tôn Giả dương mắt lên nhìn chằm chặp vào mặt Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Sao....sao ngươi lại ở đây?
Vi Tiểu Bảo sợ hắn làm bại lộ chuyện kín của mình liền hô:
- Tên hán tử kỳ hình quái trạng này không chừng đã hiểu rõ mọi chuyện trên
đảo Thần Long. Các ngươi mau đem hắn vào trong khoang thuyền cho ta mở cuộc
thẩm vấn.
Hai tên thâm binh liền khiêng Cao Tôn Giả vào.
Vi Tiểu Bảo dặn chúng:
- Các ngươi ra ngoài chờ đợi. Nếu không nghe thấy ta hô hoán thì không
được tiến vào.
Hai tên thân binh thi lễ trở lui rồi khép cửa khoang lại.
Vi Tiểu Bảo tiến đến trước mặt Cao Tôn Giả khẽ hỏi:
- Cao Tôn Giả! Lão đến đảo Thần Long ăn cắp thuốc giải bị Hồng giáo chủ
bắt được phải không?
Cao Tôn Giả "ủa" một tiếng, nét mặt lộ vẻ cự kỳ kinh hãi, lão hỏi lại:
- Sao ngươi lại biết? Thế này thì kỳ thiệt! Lạ thiệt!
Vi Tiểu Bảo lại hỏi:
- Phải chăng cái mạng của lão là do ta cứu thoát?
Cao Tôn Giả đáp:
- Hãy tạm kể như vậy.
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Sao lại còn "Hãy tạm kể". Nếu lão bảo không phải ta cứu thì dễ dàng lắm.
Cao Tôn Giả hỏi:
- Làm sao mà dễ dàng?
Vi Tiểu Bảo cười nói:
- Ta lại liệng lão xuống biển thì kể như không cứu là xong.
Cao Tôn Giả la lên:
- Không được! Không được! Ngươi để ta chết chìm dưới đáy biển thì cũng
chẳng cần gì, nhưng Mao Tích Tích của ta cũng không sống được.
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Mao Tích Tích là ai?
Cao Tôn Giả ấp úng nói:
- Mao Tích Tích là....tiểu biểu muội của ta.
Lão nói câu này vẻ mặt cực kỳ bẽn lẽn.
Vi Tiểu Bảo tỉnh ngộ ngay, miệng lẩm bẩm:
- "Té ra Mao Tích Tích là mụ điếm già giả Thái hậu. Hôm ấy ở cung Từ Ninh
giả Thái hậu đã xưng ra với Cửu Nạn sư thái rằng mụ là con gái của đại tướng Mao
cái gì Long ở triều nhà Minh. Ai biết mụ lại mang cái tên quái gở này?"
Gã liền cười hỏi:
- Lão có lấy được thuốc giải không?
Cao Tôn Giả hằn học nói:
- Lấy thì lấy được rồi, nhưng đáng tiếc lại bị con đượi non Hồng phu nhân
lừa gạt mất.
Vi Tiểu Bảo cười khanh khách nói:
- Nhất định lão thấy Hồng phu nhân đẹp quá mà mê mẩn tâm thần rồi quên
mẹ nó cả mình là ai mới ngoan ngoãn hai tay dâng lên cho phu nhân.
Cao Tôn Giả tức giận nói:
- Không phải! Không phải! Ta một dạ trung thành với Mao cô nương, quyết
chẳng hai lòng. Hồng phu nhân biết sử dụng yêu pháp. Y dương mắt lên nhìn ta
khiến ta tự nhiên hồn lạc phách bay. Nhất quyết chẳng phải vì y đẹp quá mà làm
ta điên đảo thần hồn.
Vi Tiểu Bảo nhớ tới ngày trước trên đảo Thần Long, gã thấy Thanh Long sứ
Hứa Tuyết Đình đã lâm vào tình trạng chết đến nơi cũng còn bị Nhiếp Hồn đại
pháp của Hồng phu nhân làm cho mê muội. Gã liền gật đầu hỏi:
- Ai đã cột lão liệng xuống biển?
Cao Tôn Giả đáp:
- Cũng con đượi non Hồng phu nhân chứ còn ai nữa?
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Nếu ta tha lão thì lão tính sao?
Cao Tôn Giả đáp:
- Ta sẽ cảm ơn ngươi vô cùng. Ta còn trở lại đảo Thần Long ăn cắp thuốc.
Vi Tiểu Bảo chìa ngón tay cái lên nói:
- Lão là người có nghĩa, ta khâm phục lắm.
Trọng bụng gã nghĩ thầm:
- "Hoàng thượng đang muốn bắt mụ điếm già, ta đang lo không biết tìm mụ
ở đâu. Bây giờ ta cứ trông vào lão lùn tịt mập ú này là nhất định kiếm thấy mụ
ngay. Có điều thằng cha này võ công rất cao cường. Thả hổ thì dễ, nhưng bắt hổ
là một việc rất khó. Không chừng mình lại bị nó cắn lại nữa.".
Cao Tôn Giả nói:
- Hay là ở chỗ hiện giờ trên đảo Thần Long đang đánh nhau đến trời long
đất lở. Chuyến này lấy cắp thuốc sẽ dế dàng hơn lần trước nhiều.
Vi Tiểu Bảo nghe lão nói vậy bất giác phấn khởi tinh thần vội hỏi:
- Tại sao trên đảo lại xảy ra cuộc đánh nhau đến trời long đất lở?
Cao Tôn Giả đáp:
- Bọn Ngũ Long xảy chuyện xích mích rồi đánh lộn nhau đã hơn mười ngày.
Hễ bắt được người bên đối phương là cột chân tay liệng xuống biển để nuôi
rồng.
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Vì lẽ gì mà họ đánh nhau?
Cao Tôn Giả nghiêng cái đầu tròn ủng, nghếch mắt nhìn Vi Tiểu Bảo hỏi lại:
- Mao cô nương bảo ta là ngươi làm Bạch Long sứ ở bản giáo, trong tay
chấp chưởng Ngũ Long lệnh. Sao ngươi lại chẳng biết gì?
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ta vâng mệnh giáo chủ vào Trung Nguyên hành động nên không hiểu rõ
tình hình ngoài đảo.
Cao Tôn Giả đột nhiên la lên một tiếng quái gở.
- Vi Tiểu Bảo kinh hãi giật bắn người lên. Gã lùi lại hai bước, rút đao trủy
thủ ra hỏi:
Ngươi làm gì vậy?

Truyện Lộc Đỉnh Ký Phi Lộ 1 Phi Lộ 2 Phi Lộ 3 Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 Hồi 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172 Hồi 173 Hồi 174 Hồi 175 Hồi 176 Hồi 177 Hồi 178 Hồi 179 Hồi 180 Hồi 181 Hồi 182 Hồi 183 Hồi 184 Hồi 185 Hồi 186 Hồi 187 Hồi 188 Hồi 189 Hồi 190 Hồi 191 Hồi 192 Hồi 193 Hồi 194 Hồi 195 Hồi 196 Hồi 197 Hồi 198 Hồi 199 Hồi 200 Hồi 201 Hồi 202 Hồi 203 Hồi 204 Hồi 205 Hồi 206 Hồi 207 Hồi 208 Hồi 209 Hồi 210 Hồi 211 Hồi 212 Hồi 213 Hồi 214 Hồi 215 Hồi 216 Hồi 217 Hồi 218 Hồi 219 Hồi 220 Hồi 221 Hồi 222 Hồi 223 Hồi 224 Hồi 225 Hồi 226 Hồi 227 Hồi 228 Hồi 229 Hồi 230 Hồi 231 Hồi 232 Hồi 233 Hồi 234 Hồi 235 Hồi 236 Hồi 237 Hồi 238 Hồi 239 Hồi 240 Hồi 241 Hồi 242 Hồi 243 Hồi 244 Hồi 245 Hồi 246 Hồi 247 hồi 248