Lảo sư

     ọc được hai tháng, lảo sư bảo: “Tuần sau tụi con nghỉ, lảo sư đi Pháp chơi, con lảo sư bên đó”. A cái bà già Tàu bé nhỏ này sắp đi Pháp, sắp đi Tây, tụi tôi sẽ nghỉ trong ba tháng, chữ nghĩa sẽ quên sạch. Khi lảo sư về, sẽ lại bắt đầu bằng “ơ, xan, xư, ù...”
Quân hỏi: “Lảo sư biết tiếng Pháp chớ?” “Biết cả tiếng Anh nữa, trước lảo sư là cô giáo bên Nam Vang mà”. Một cô giáo bên Nam Vang, giờ đây gần bảy mươi, thu lại ở một phòng chung cư, ngày xưa có cậu giáo nào đã từng theo đuổi?...
Tôi yêu mến lảo sư lắm, có phần hơi láo lếu. Mỗi lần đến học, tôi cởi dép ra, trợn mắt rồi phụng phịu theo cái kiểu “trẻ con già” để chào bà. Bà lấy sách ra cho tôi, một cuốn sách lớp một Hoa văn nhàu nát với những hình ảnh minh họa bị tô màu sai bét, sản phẩm của hai đứa cháu nội của lảo sư, hai đứa lúc nào cũng rình rập nhau để mách tội báo công. Hai mươi hai tuổi, tôi đọc những câu ngây ngô của trẻ con: “Con chó nhảy, con mèo kêu, chúng ta cười ha ha...”
... Chiều nay trời âm u, Quân bảo: “Lảo sư về nhớ mang quà cho tụi con. Bây giờ con hát tặng một bài, bài Bến Thượng Hải, con hát bằng tiếng Quảng Đông nha, lảo sư” Quân hát, cả nhà cười rồi hát theo, vô tư và cảm động. Cả lảo sư, cả người con trai lớn, con dâu và mấy đứa cháu... Bến Thượng Hải xa xôi, ở một vùng chúng tôi không biết, đang trở về...
Trong căn phòng chật chội và mù mịt phấn này, lần đầu tiên tôi được viết mẫu tự Quan thoại, tôi viết nguệch ngoạc nên không tượng nổi một hình gì. À, ngày xưa, các cụ ta cũng phải tập viết nó đây. Có điều ngày xưa nó là miếng cơm, là công danh, còn bây giờ, tôi học chỉ để biết, vì tò mò... vậy thôi. Bạn tôi bảo: “Mày lẩn thẩn”. Tôi chỉ cười, ở đời biết mỗi thứ một tí cũng là điều vui. (Cũng là cái thú vui biết mỗi thứ một tí này mà tôi đã làm cái điều khá là “dại dột”, thí dụ học may và học thêu, ở những lớp nữ công, tôi lóng ngóng như một thằng con trai, cảm thấy có một sự thiếu hài hòa đến lố bịch trong cảnh một cái đầu tóc cụt ngủn cúi xuống, tỉ mẩn trên một mẫu thêu vịt gà...)
Tôi bảo: “Chiều nay, tụi con nghỉ luôn nha, lảo sư, lảo sư còn sắp xếp va-li”. “Thôi, có gì đâu con, lảo sư đơn giản lắm”. Bà cười, tóc uốn, miệng đã móm, cái áo xẩm xam xám... như tất cả các bà cụ người Hoa. Không, chiều nay tôi muốn về, chẳng rõ vì sao, chỉ hẹn lại ngày lảo sư ra sân bay sẽ đến tiễn.

*

Rồi ngày lảo sư đi Pháp chơi, tôi không ra tiễn được. Hình như hôm ấy xe tôi hỏng. Sau ba tháng, tôi nghỉ: Chắc lảo sư đã về, để bà nghỉ một tháng đã nên cũng không đến chào và bày tỏ ý tốt của mình. Hằng ngày tôi đi qua chung cư không nhìn lên.
Một chiều, tôi đem sách vở đến, cửa mở, nhà như nhà khác, không bảng, không bàn học, ảnh treo tường biến hết. Một anh thanh niên ngồi bắt bọ chó nhìn tôi ngơ ngác: “Đi rồi, đi rồi” “Lảo sư đi Pháp mà” “Ừ về rồi, đi nữa rồi, đi luôn mà”. “Ờ, đi rồi”. Tôi thẫn thờ xuống thang. Cầu thang chung cư ọp ẹp. Bà thầy có đợi chúng tôi đến chào suốt một tháng không? Chắc có. Tôi nhớ những lần đến lớp trễ, bà ra đứng ngoài lan can đợi. Ngày nào tôi cũng đi qua, sao tôi không vào?
Hỏi mà không thể trả lời, trong tâm trạng lơ mơ của một đứa vô tâm, tôi về. Quà 20-11 này tôi đã ghi tặng lảo sư nhưng biết gửi về đâu bây giờ?