Đi thăm cha

     hủ nhật, ngày mười lăm tháng sáu âm lịch. Hôm nay rằm tháng sáu, mưa rồi tạnh, tôi và Châu lên chùa. Cha tôi, bà của Châu, cháu tôi... nằm ở đây.
Tôi vào chùa, sau khi đã vượt qua hàng chục ăn mày, toàn là trẻ con, rồi vượt qua những đứa trẻ bán nhang vây quanh mời mọc. Đi lên tháp đựng cốt, tiểu sát nhau, nhang khói vòng quanh, ngỡ đây là một chung cư ở cõi âm. Tôi trèo lên thang tìm cha. Tiểu của cha hình tháp, ở cạnh Diệu Hồng, cháu tôi. Cả hai đứng sát nhau, sau một hàng tiểu khác che lấp. Tôi như giật mình: “Cha tôi đây sao?”. Người từng nấu cơm, nấu nước cho tôi tắm đi học, người từng giảng bài cho tôi... Cha tôi thu lại một hũ tro xương?
Châu ngơ ngác: “Bà tao ở đâu?” Chúng tôi cắm nhang rồi về, và tôi tin rằng người ta có linh hồn.
Châu nhắc: “Lên cắm nhang bàn thờ Phật”. Ừ nhỉ, đây là người “quản lý” cha tôi mà. Tôi chảy nước mắt vì khói hương, vì nhớ cha, và tôi xin Phật hãy thương cha tôi ở “bên đó”, bên cái thế giới tôi mong, tôi tin là có. Tượng Phật lúc nào cũng cười, một nụ cười hơi ba phải, không vui không buồn. Người cầu xin được hay không cũng chẳng ai trách.
... Ngày rằm sao chùa vắng tanh. Tôi nhớ những ngôi chùa đã cùng đi chơi cùng cha. Chùa Hương mưa cả ngày, nhỏ thôi nhưng đủ làm đường lầy lội và đủ làm tôi nhớ đến giờ. Tôi muốn hái một bông ngân cúc bên vách núi và cái trò lãng mạn này suýt nữa làm tôi rơi xuống vực. Động Hương Tích, tôi biết viết thế nào đây? Lúc ấy, tôi còn cảm thấy sự vui sướng trong lòng khi động rộng lớn, đầy thạch nhũ, cổ thì đeo đầy khánh, tay cầm một cái gậy. Cha và các chú đứng xung quanh...
Rồi chùa Tây Phương, một ngày mùa đông lạnh cóng. Tôi đi theo cha và một bà nghệ sĩ múa rối CHDC Đức. Xe ngang qua cánh đồng, bà ấy hát bài “bắn súng”. Vui lắm. Trên đồng, một thằng bé và một con trâu nhìn theo xe. Lên chùa phải leo những bậc đá dài, chùa hôm ấy chỉ có chúng tôi... “Các vị La Hán chùa Tây Phương”... Tôi đã tìm thấy Phật Tuyết Sơn - là tên đùa của tôi lúc ấy do mẹ đặt cho vì cái ngực đầy những xương sườn giống Phật.
Chiều nay tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. Trời ơi, tôi nghĩ, người ta không thể “chết là hết” được. Từ khi cha mất, ý nghĩ “chết là hết” này theo đuổi tôi. Tôi sợ lắm, rồi cũng có lúc mình phải nằm im dưới đất, mưa nắng chầy chầy trong các nghĩa trang hoặc tồn tại dưới hình thức một nắm tro, một nắm xương hay sao? Một lần, ngồi trong quán cà phê ở cuối đường TQT, Ng - một đứa bạn giờ cũng đã xa tôi, chỉ một căn nhà trước mặt - một căn nhà xây theo kiểu cổ, quét vôi vàng và dưới vòm mái ngói, ở những khúc tường quanh, rêu bám xanh: “V.A nhìn kìa, cái nhà ấy cũng như cái chết, chúng mình ai cũng phải đi đến đấy. Trên đường đi, làm đủ việc: yêu, ghét, bon chen, kinh thật! Trước sau cũng phải chết!” Tôi bảo: “Ờ, kinh thật”. Rồi nghĩ lại, cũng chẳng có gì là kinh lắm, một tâm trạng mờ mờ chẳng hiểu ra làm sao. Ng bảo: “Thế nên Ng. cố học thật nhiều, cố làm thật nhiều...” Tôi sực tỉnh. Ờ, tôi đã chơi rất nhiều, chủ yếu là lơ vơ ngồi ở quán, đầu trống không, về đến nhà là vật ra ngủ. Tôi đã hai mươi hai, đi hết một phần ba đời người (nếu trời cho tôi sống đến sáu mươi sáu).
Đêm nay rằm, trăng sáng. Cổng chùa sẽ khép lại. Trong điện chính, các tượng Phật vẫn cười mơ hồ. Các hũ cốt đứng sát nhau, tối tăm, trong đó có cha tôi - thầy học của tôi.