Phục thiện

     . Gần cuối năm lớp mười, vì kiêu ngạo và xấc xược mà tôi đã gây ra khối chuyện điên rồ. Đỉnh cao là một vụ cãi nhau bên rặng tre vàng ở sân trường với Bí thư chi đoàn của lớp. (Nói cho đúng, đây không hẳn là vụ cãi nhau vì thực ra chỉ mình tôi lớn tiếng, còn cái chức Bí thư chi đoàn thì không hẳn là của ai, của tôi hay của anh ta, vì khi ấy, lớp 10A5 của tôi chỉ vỏn vẹn có hai đoàn viên; thế nên khi bầu cán bộ Đoàn, mọi người gạt đi, bảo: “Thôi”, còn nếu trên văn phòng có micro gọi họp thì hai đứa tôi nhìn nhau, và sau một hồi đấu trí bằng mắt như vậy, thường thì Dân chịu thua, xếp sách vở, kéo ghế, lên văn phòng).
Dân hiền lành, nghiêm túc, người to ngang và tóc ngắn ba phân. Sau trận cãi nhau đầy ngang ngược của tôi, cả lớp tiện thể trút ra bao nhiêu uất ức sẵn có vào những phiếu phân loại Đoàn viên của trường. Kết quả: tôi “lưu Đoàn”. Chiều ấy mưa, Dân đứng trước lớp, trong cái phòng học tối tăm vì thiếu đèn ấy, nói như năn nỉ mọi người: “Tôi biết các bạn đã hiểu lầm Thái Anh!... ”. Tôi bảo: “Không! Kết quả này đúng đấy. Tôi có định làm việc tốt bao giờ đâu mà hiểu lầm”. Và tôi cố gắng để không khóc bằng cách cắn môi và nheo mắt. Tôi muốn khóc vì cảm động, khóc vì nhục, thấy tư cách thật chẳng ra gì so với Dân!
Lớp tôi khi ấy phần lớn là con gái. Thật ngộ nghĩnh, họ đề nghị: “Bỏ phiếu lại”. Trẻ con có một đặc điểm hơn hẳn người lớn là có thể nhanh chóng thay đổi những hành động của mình mà hoàn toàn không tự ái. Tôi khi ấy cũng vậy, các bạn 10A5 của tôi cũng vậy... Kết quả: người ta không để tôi bị lưu Đoàn, và tôi thấy mình cần phải làm lại từ đầu, phải trở thành một người khác, một người khác tôi chưa rõ, nhưng phải khác...
... Công cuộc phục thiện của tôi bắt đầu chỉ có vài ngày đã có hiệu quả. Các bạn đối xử nhẹ nhàng với tôi như với một người bị bỏng nặng, mọi người chứng tỏ cho tôi hiểu rằng họ biết tôi đang hoàn lương, và thế là tôi không chịu nổi. Một ngày kia, không hiểu sao Dân lại gửi thêm cho tôi một cái thư, mực thước và đầy đạo lý. Tôi về nhà, đập nó lên bàn, mẹ tôi xem và bảo: “Dân nó người lớn quá, con thật không bằng một góc của nó”. Vì đang “phục thiện” nên tôi tập không cãi lại ai, tôi vào giường, phủ chăn kín mặt và nghĩ: “Cứ thế này, mình phải chuyển trường”. Và tôi mơ, ở một ngôi trường hoàn toàn lạ, không ai biết tôi là ai, tôi sẽ “phục thiện” mà không bị ai giám sát.
2. Khi tôi sang trường mới, cảm giác đầu tiên mà tôi có được là: “Mệt”. Tôi phải đạp xe gần bảy cây số để đến trường, tôi lại phải phì phò bước ba chặng cầu thang để lên lớp. Ngày đầu, tôi đến sớm, đang tựa lan can đợi cô chủ nhiệm nhận vào, một anh gầy đét, mũi hếch ngược nhảy qua cửa sổ, đến trước mặt tôi, chìa hai cục kẹo dừa: “Mời bạn”. Tôi lí nhí: “Cảm ơn”, và thấy mình thế là lọt vào thế giới văn minh! Anh “kẹo dừa” hỏi: “Tôi tên Văn. Còn bạn?”. Tôi lịch sự: “Tôi tên Thái Anh, tôi chuyển trường từ X về đây”. Hai bên nhún nhường cười, một thằng mập mạp đầy vẻ trân tráo đi ngang, nắm lấy gáy anh “kẹo dừa” lịch sự của tôi, cười cười: “Tán gái nha mày”. Hai bên thụi nhau vài quả vui vẻ, như một nghi lễ gặp mặt, và tôi lại thấy trường này lại hóa ra cũng lỗ mãng y như trường tôi.
... Cô chủ nhiệm 11A8 dẫn tôi đến bàn ba, dãy giữa, một bàn ba đứa. Bọn con trai cuối lớp đùa: “Cô ơi, cô cho bạn ấy xuống đây bọn em kèm cặp”. Giá như ngày xưa, tôi quay lại trừng mắt, còn lúc này, tôi chỉ cười nhẹ nhàng chào hai bạn gái cùng bàn. Cô chỉ một người tóc ngắn, mắt nâu lúc nào cũng mở to như muốn hỏi: “Cái gì vậy?”, bảo tôi: “Đây là Hồng Hải”, rồi chỉ người còn lại, tóc cũng ngắn, mắt cũng to nhưng phẳng lặng như muốn nói: “Tao biết nhiều rồi, chán lắm rồi”, bảo tôi: “Còn đây là Thanh An”. Hải và An cười đáp lại và nhích ra hai bên, chừa cho một chỗ ngồi thật to ở giữa, tôi cười thầm: “Thôi rồi, chắc lại ghét nhau rồi”, và tôi rón rén mở cặp, rút ra một quyển vở mới, một cây bút mới, một cây thước mới... tất cả đều mới (tôi đã vứt hết những gì của năm học trước) để bắt đầu một năm học cũng hoàn toàn mới.
3. Tôi bắt đầu sống những ngày bình an của năm 11. Buổi trưa, từ nhà, tôi đội cái mũ cói rộng vành như một cái nấm, đạp cái xe mini vàng, đến lớp, vừa đạp xe vừa nghĩ vơ vẩn đủ loại chuyện bình an, tuyệt nhiên không phải để chuẩn bị đối phó với ai, xỉ vả ai... như xưa. Vào đến lớp, tôi cố gắng bình tĩnh để không tham gia vào cái việc nói xấu mọi người như An và Hải. Tan học, tôi đạp xe chậm chạp giữa phố đặc người: quần áo, tay chân ngày nào cũng có vết mực... Buổi tối, sau khi đã học bài xong, tôi lấy quyển nhật ký trong tủ quần áo ra, ghi ngày, tháng và gạch các đầu dòng, xem thử ngày hôm nay mình đã làm được gì, chưa làm được gì cho công cuộc thay đổi tính tình.
Cứ vậy, sang tuần thứ ba. Một bữa nọ, giờ ra chơi, cả trường xuống tập thể dục, tôi và Mỹ ở lại trực lớp. Hai đứa rủ nhau ra tựa lan can, nhìn xuống sân trường lô nhô đầu đen mà cười, bảo với nhau: “Giống kiến!”. Tôi chợt sững lại vì nhận ra trong cái đám đông xa lạ này, có một đứa con gái học cùng trường X với tôi năm ngoái, lọt vào. Bất ngờ nó ngẩng lên nhìn thấy tôi, nó cũng sững ra vài giây, rồi chào. Trên cao, tôi cũng gật đầu chào lại và từ phút đấy, tôi thấy nặng nề trở lại, tôi nhớ đến những ngày bị cả lớp 10A5 tẩy chay, tôi nhớ đến Dân đã độ lượng với tôi (và điều đó càng làm tôi thêm ghét nó). Tôi bảo Mỹ: “Vào đi, Thái Anh đau đầu”. Mỹ lo âu: “Bắt gió nhe”. Vào lớp, tôi nhắm mắt lại và Mỹ trổ hết tài nghệ của đôi tay xoa xoa, giật giật trên trán, trên thái dương, được vài phút cũng kêu lên: “Trời ơi! Gió quá trời!” (Tôi lấy làm lạ, sao Mỹ lại có thể tìm được “gió” từ một con bệnh không phải tại “gió” như tôi). Giờ ra chơi cũng vừa hết, cả lớp lục tục kéo vào, tụi nó ân cần hỏi tôi: “Bệnh hả?”. Tôi cười, gật đầu, đột nhiên thấy mình sao mà hay lo lắng vớ vẩn. Bởi vì cho đến lúc này, mọi người vẫn nhìn tôi như một người hiền và tôi cũng sẽ hiền như vậy. Giả sử như đứa con gái kia, một ngày nào đó mắt trước mắt sau kể lại: “Lớp mày có con Thái Anh mới chuyển vào hả? Xưa kia ở trường tao, nó... ”, thì chắc gì đã có ai tin? Người ta nhìn tôi lầm lũi như một cục đất, ra về tay ôm cặp, tay ôm cái mũ cói to, cùng lắm chỉ đánh giá một cách đầy tự hào thành thị: “Coi lờ đờ vậy mà tụi ngoại thành cho là ‘quậy’ lắm rồi đó” rồi cười.
Tối đó, tôi về, theo thói quen cũ là kể hết mọi chuyện cho mẹ và tập thói quen mới là ngồi im nghe cho hết ý kiến của người lớn. (Mẹ tôi, ngây ngất vì lấy lại được uy quyền, đôi khi nghe xong, nặng lời: “Con ngu không tả nổi! Làm mà không biết nghĩ. Vì sao con lại... ” Tôi theo quán tính, đang nằm dài trên xa-lông, ngồi bật dậy, tóc tai dựng ngược, và chỉ trong tích tắc, tôi “thắng” lại kịp, nghĩ: “Lại sắp như cũ rồi đấy!”, rồi mệt mỏi dựa phịch vào ghế, ôn hòa bảo: “Mẹ cứ nói tiếp đi”, và mẹ tôi bắt đầu hạ giọng...)
Lần này, tôi kể lại mọi diễn biến tâm lý cho mẹ. Mẹ tôi cười: “Có đáng gì! Dù sao đây cũng là chuyện trẻ con”. Tôi cắt ngang: “Trẻ con với mẹ nhưng không trẻ con với con! Mẹ cũng từng trải qua cái tuổi của con, mẹ cũng hiểu được mà”. Mẹ tôi nghiêm túc hẳn lên, bảo: “Con lo làm gì, mới chỉ có một người biết chuyện của con thôi mà! Giả sử như hè vừa rồi con không chuyển trường được, không biết năm nay con sống ra sao?” Rồi mẹ cười: “Mà mẹ nghĩ, phải có đứa con gái ấy lọt vào trường của con mới được. Hàng ngày con phải nhìn thấy nó, có thế con mới nhớ mình phải làm gì. Chứ cái bộ con, không nhìn thấy ai một tháng là đã quên bén người ta, không có cái ách trên cổ thì sửa tính làm sao nổi!”
4.... Cứ thế, lớp 11 và 12 trôi qua. Tôi không về thăm lại X. Và chỉ gặp lại các bạn cũ 10A5 vào những chủ nhật đi chợ. Một cái chợ to bán chủ yếu là rau cỏ - đặc sản của vùng tôi ở, gặp nhau, vừa trả giá, vừa chọn cà chua, vừa ngoái lại hỏi han nhau vài câu vớ vẩn, đại loại: “Học có vui không?”, “Bên ấy có phải vẽ nhiều bản đồ không?”... cũng đủ để mọi người gật gù nhận xét về tôi: “Dạo này người lớn lắm, đỡ lóc chóc hẳn!”. Trong khi đó, các bạn bè trường mới ngày càng thấy rằng tôi thật ra không lờ đờ như buổi mới “ra tỉnh”. Hai năm trời, tôi hài lòng vì mình đã không bắt nạt ai và cũng không ai bắt nạt mình, và theo cái lẽ thường tình, khi anh lùn không thể mặc những bộ quần áo dài, anh ta sẽ thèm thuồng ngắm những người cao diện chúng. Tôi cũng vậy, vì quyết tâm trở thành một “người khác”, tôi phải vứt đi những ý thích bốc đồng cùng vô vàn trò bạt mạng, và vì thế mà tôi thèm thuồng nhìn Thái Hà đeo trên mình toàn những gì tôi không được phép mang.
Thái Hà ngồi bàn cuối, trong kẹt, sểnh tí là tựa vào góc tường, lơ lơ láo láo nhìn cả lớp, trong đầu lúc nào cũng có sẵn một trò láo lếu hay một câu nói ác... Bạn gái trong lớp ít người muốn dây với Hà, còn tôi, tôi thích Hà vì xét ra anh ta ngổ ngáo nhưng không đến nỗi du đãng như người ta tưởng. Mỗi ngày, tôi phát hiện thêm những chi tiết trái ngược ở con người ấy: Thái Hà thích nắn nót kẻ tựa bằng bút lông nhiều màu, thích viết bài học thành những quyển vở đẹp tuy rằng ít khi đọc đến. Thái Hà chơi thân với Lương - một bạn trai có tật ngồi ở bàn đầu. Lương trắng như một chú thạch sùng rơi vào chậu bột, có tật cắn lưỡi mỗi khi chép bài. Giờ nghỉ, Hà đưa Lương xuống lầu, và hai cái bóng, một cao lớn nghênh ngang, một dặt dẹo bên cái nạng, tiến vào căn tin. Rồi hai đứa ăn chè đậu xanh, Hà vừa ăn vừa oang oang với đám bạn “cá biệt” của mình, còn Lương nhỏ nhẹ với cái nạng dựa bên đùi, ngồi chênh vênh trên cái ghế đẩu hiếm hoi mà Hà chiếm được ở căn tin. Người ta hồ nghi tìm động cơ của tình bạn không cân xứng này, tìm mãi không thấy, lại quay ra phập phồng chờ đợi xem thử thằng du côn sắp dở trò gì với con người tật nguyền ấy, đợi mãi cũng không thấy, lại quên béng đi. Tôi chuyển vào lớp 11A8 được hai tháng thì cũng thành bạn thân của Hà. Gần cuối năm, chiều tan học về, không hiểu sao Hà hay có người đợi để đánh nhau trước cổng trường, đánh và quăng sách vở lung tung, tôi bất lực chạy ra nhặt lại, Lương cũng đành gác nạng, dựa tường, mặt thuột ra buồn, và đợi... Thái Hà có vẻ khoái cái cảnh đánh đấm yêng hùng này. Những ngày sau, mặt sưng mắt tím vào trường thuật lại. Tôi buồn lắm, biết khuyên cũng không được, chỉ bảo: “Hay cái nỗi gì!”. Thầy cô cũng thấy chẳng hay cái nỗi gì, thế nên cộng thêm với cái tội lười học, cuối năm 11, Hà lưu ban.
Lên 12, tôi học tầng trên, Hà tầng dưới. Tôi hay chạy xuống thăm Hà, Hà bảo: “Thái Anh là chị của Hà rồi”. Ở lại, Hà vẫn lười và nghịch như cũ. Một lần giờ ra chơi, tôi gặp Hà ở gần cửa thư viện, Hà đưa tôi một cành hoa vải: “Tặng Thái Anh, của Hà tự làm đó”. Tôi ngạc nhiên và cảm động, trân trọng cầm đi. Vào phòng giáo viên lấy phấn, thấy cô giáo hướng nghiệp cầm cái lọ không, nháo nhác: “Mất đâu cành hoa rồi”. Tôi vội kêu lên: “Phải đây không cô?”, trong lòng oán Hà tí nữa thì đẩy tôi vào một tình thế oan ức. Tôi giận mất mấy ngày, mẹ bảo tôi: “Nó vô tâm, nghịch ngốc vậy thôi!”, tôi nguôi ngoai xuống lớp dưới tìm thì Hà đã bỏ học được hai ngày, và lúc này tôi mới nhớ ra, tôi chơi thân nhưng không biết nhà Hà!. Nhớ ra, nhưng tôi không đi tìm, bởi, ngẫm cho cùng, nếu tìm ra Hà, tôi sẽ chẳng bao giờ cắt đứt được với con người cũ của mình!
5.... Hai năm học ở thành phố cứ như vậy mà hết, tôi đã gần như quên hẳn chuyện cũ. Một lần chở mẹ tôi đi ngang X... mẹ tôi chỉ cái trường bé nhỏ nằm giữa đám bạch đàn và vô vàn cây cỏ xanh um ấy mà cười: “Thái Anh nhà ta nên người ở đây đây!”. Tôi bảo: “Nhưng nếu cứ ở đây thì khéo lại không nên người”. Và tôi nhướng cổ nhìn vào trường cũ, không ngượng, không sợ, chỉ thấy nhớ và yêu thương vô cùng.