Dịch giả : PHÙNG ĐỆ - LÊ THI
KHÁM PHÁ ENĐÔRAĐÔ

Năm 1834. Một chiếc tàu thủy Mỹ từ Havrơ thẳng đường về Nữu Ước. Trong đám đông những hành khách, có Jôhan Oguýt Xuytơ, người gốc Ruynenbéc gần Balơ, ba mươi mốt tuổi. Anh ta nôn nóng chờ đến lúc đại dương ngăn cách hẳn anh với các tòa án châu Âu. Vỡ nợ, ăn cắp, lừa đảo, anh ta chẳng chút bịn rịn, bỏ lại vợ và bốn con, anh ta kiếm được ở Pari ít tiền bằng một chứng thư giả và lên đường đi tìm cuộc sống mới. Ngày 7 tháng bảy anh tới tàu, lên Nữu Ước. Tại đây, trong hai năm anh làm đủ mọi thứ nghề cả những nghề bình thường lẫn những nghề quái gở. Anh lần lượt trở thành người gói hàng, người bán dược phẩm, thợ chữa răng, người nhồi rơm, bồi bàn tiệm cà phê. Cuối cùng, khi phần nào đã quen phong thổ, anh ta mở cửa hàng làm chủ quán, rồi lại bán tài sản đi và theo trào lưu thời đó, di cư về Mitxuri. Ở đấy anh làm ruộng, và chỉ trong một thời gian ngắn, gây dựng cho mình được chút ít tài sản và có thể sống yên ổn. Nhưng những đoàn người hối hả không ngớt kéo qua trước cửa nhà anh: đó là những thợ săn, người buôn da lông, những con người mạo hiểm, những binh sĩ. Họ từ miền Tây đến, hoặc đi đến miền Tây và tiếng “ miền Tây “ đó dần dà có cái gì như một ma lực đối với anh. Anh ta hình dung đến những chuyến đi nhiều ngày, nhiều tuần xuyên qua những đồng cỏ hoang vắng, ở đó có những bầy trâu bạt ngàn và qua lại chỉ có người da đỏ. Rồi những núi cao, chưa ai đặt chân tới đỉnh và sau cùng, cái xứ sở chưa ai khám phá, nơi không ai biết chút gì thực đích xác, thế mà người ta vẫn ca ngợi là giàu có thần kỳ: xứ Caliphoocnia - một cõi đất hứa hẹn đón nhận tất cả những ai muốn đến, có điều là nơi ấy quá xa, xa vô cùng và phải liều mạng mới tới được.
Nhưng Jôhan Oguýt Xuytơ vốn có máu mạo hiểm: anh không thỏa mãn viễn cảnh sống cuộc đời yên tĩnh, cày cấy những thửa ruộng màu mỡ. Một ngày, vào năm 1837, anh bán tài sản, chuẩn bị cho một chuyến đi xa, mua sắm xe ngựa, mấy con bò kéo và từ Pho-Anhđêpăngđăngxơ anh lên đường tìm đến vùng xa lạ.

CON ĐƯỜNG ĐI CALIPHOOCNIA

Năm 1838. Một sĩ quan, năm nhà truyền giáo, ba phụ nữ cùng với Xuytơ ngồi trên những chiếc xe bò kéo đi xuyên qua vùng mênh mông quạnh hiu. Họ băng qua những đồng cỏ ngút ngàn rồi leo lên núi, đi về phía Thái bình dương. Phải mất ba tháng trời họ mới tới Pho Van-Cuvơ. Viên sĩ quan và hai phụ nữ dừng lại dọc đường. Mấy nhà truyền giáo không đi xa hơn, người phụ nữ thứ ba chết vì kiệt sức trên đường đi.
Xuytơ còn lại một mình. Người ta đã tìm cách giữ anh lại Van-Cuvơ, cũng hoài công mời anh nhận một việc làm. Anh từ chối tất cả, sức mê hoặc huyền bí của từ “ Caliphoocnia “ đã thấm vào máu anh. Anh vượt qua Thái bình dương trên một chiếc thuyền buồm nhỏ ọp ẹp, đến tận các hòn đảo Xăng-uých và, cuối cùng, sau khi đã khắc phục bao nhiêu khó khăn, suốt dọc bờ biển Alaska, anh cặp bến lên một miền heo hút gọi là Xan Phrăngxiscô. Xan Phrăngxiscô lúc đó không phải là cái thành phố hiện nay, cái thành phố kể từ sau trận động đất, đã phát triển có hàng mấy chục vạn dân. Lúc ấy, nó chỉ là một làng đánh cá tồi tàn, sở dĩ mang tên như vậy là do có đoàn giáo sĩ dòng Phrăngxiscanh đến đây truyền giáo và nó thuộc một tỉnh chưa mấy ai biết tới của Mêhicô, tỉnh Caliphoocnia, một tỉnh còn hoang hóa trải dài trong một vùng trù phú nhất của lục địa mới.
Tình trạng lộn xộn kiểu Tây Ban Nha ngự trị tại đây lại càng nghiêm trọng thêm vì không có chính quyền. Loạn lạc hoành hành. Súc vật canh tác và nhân công đều thiếu. Mọi năng lượng cần cho hoạt động đều ở dưới mức cần thiết. Xuytơ thuê một con ngựa và đi xuống vùng thung lũng Xacramentô phì nhiêu: Chỉ cần một ngày cũng đủ cho anh ta hiểu rằng ở đây không chỉ đủ cho một trang trại, một đồn điền lớn, mà cho cả một vương quốc. Ngày hôm sau, anh đi ngựa đến Môntơrây, thủ đô tồi tàn, ra mắt quan thống đốc, trình bày với ông ta dự định của anh đến sinh cơ lập nghiệp ở xứ này. Anh ta mang theo những thổ dân Mêlanêzi, những người này sẽ khai khẩn đất hoang. Đó là những con người ngay thực và cần cù. Anh sẽ mộ thêm nữa. Anh tuyên bố là sẽ thành lập một “ ransô “ (1) quan trọng, một tiểu bang mà anh sẽ đặt tên là “ Henvêxi mới “.
- Vì sao anh lại lấy tên đó? – Quan thống đốc hỏi.
- Vì tôi là người Thụy Sĩ và thuộc phái cộng hòa.
- Được, anh muốn làm gì thì làm, tôi cấp cho anh giấy phép khai khẩn trong mười năm.
Rõ ràng là ở đây công việc được giải quyết nhanh chóng. Cách xa mọi nền văn minh hàng vạn dặm, nghị lực của một cá nhân có giá trị khác ở châu Âu.

ĐẤT HENVÊXI MỚI

Năm 1839. Một đoàn người thong thả đi ngược ven bờ sông Xacramentô. Xuytơ cưỡi ngựa đi đầu, súng đeo sau lưng. Phía sau anh là hai, ba người châu Âu, theo sau có một trăm năm mươi thổ dân Mêlanêri mặc áo cộc, tiếp đến một đoàn ba mươi xe bò chất đầy lương thực, giống má và đạn dược, năm mươi ngựa, bảy mươi lăm con la, nhiều đoàn bò cái và cừu, cuối cùng là một đội tập hậu nhỏ. Chính với đội quân đó, với những phương tiện đó, Xuytơ lên đường chinh phục vùng Henvêxi mới.
Một màn lửa chạy phía trước họ. Họ phóng lửa đốt rừng. Phương pháp đó thuận tiện hơn là đốt rừng bằng rìu. Đám cháy khổng lồ vừa đi qua là họ bắt tay vào việc. Những ngôi nhà được xây cất. Nhiều giếng nước được đào lên. Người ta cày ngay bên những gốc cây còn bốc khói, rồi gieo hạt, thành lập những bãi thả súc vật rộng thênh thang với những đàn súc vật nhiều vô kể. Dần dần nhân công các vùng lân cận và các đoàn truyền giáo bị bỏ rơi tràn đến.
Thành công hết sức lớn lao. Mùa màng sinh lợi gấp năm lần. Những vựa thóc đầy ních, chẳng bao lâu sau, cừu, ngựa, gia súc có sừng đã có đến hàng nghìn và mặc dầu những khó khăn không ngừng nảy sinh, luôn luôn phải chống lại những người bản xứ thường xuyên muốn tràn vào cướp bóc vùng đất mới khai phá, Henvêxi mới vẫn phát triển với quy mô khổng lồ. Tại nơi đây, người ta xây dựng những dòng kênh, những xưởng cưa, những nhà máy, tàu bè xuôi ngược các dòng sông. Xuytơ không chỉ cung cấp lương thực cho vua Cuvơ và các đảo Xănguých, mà còn cung cấp cho cả các thuyền buồm lúc này bỏ neo trong vịnh. Anh trồng cây ăn quả và đã thành công rực rỡ. Anh gửi mua cây nho ở Pháp và Rênani, và chỉ trong vài năm nhỏ đã phủ kín những vùng rộng lớn. Anh cho xây những ngôi nhà và những trang trại lộng lẫy, mua một chiếc dương cầm Plâyen ở Pari, cách đó một trăm tám mươi ngày đường và cho đưa từ Nữu Ước về, xuyên qua suốt lục địa một máy chạy bằng hơi nước phải chuyên chở bằng vô vàn cặp bò. Anh có ngân khoản và vốn gửi ở các ngân hàng lớn nhất của Anh, Hoa Kỳ và Pháp. Năm bốn mươi lăm tuổi, khi đã thành công đến tột bậc, anh chợt nhớ ra là đã bỏ lại ở đâu đó trên cõi đời này một người vợ và bốn đứa con. Anh viết thư bảo vợ con tới hầu quốc của mình. Lúc này anh cảm thấy mình là người có thế lực, là chúa tể của Henvêxi mới, là một trong những người giàu có nhất đời và sẽ cứ như thế mãi. Về sau Hoa Kỳ sẽ giành giật xứ thuộc địa xa xôi này khỏi tay người Mêhicô, nhưng cho đến lúc ấy tất cả đều được bảo hộ an toàn. Chỉ một, hai năm nữa là Xuytơ sẽ thành người giàu có nhất thế giới.

NHÁT CUỐC RỦI RO

Tháng giêng năm 1848, Giêm Maisan, người thợ mộc của Jôhan Oguýt Xuytơ hối hả bước vào, vẻ mặt xúc động ghê gớm: hắn nằng nặc đòi nói chuyện riêng với ông chủ. Xuytơ ngạc nhiên: ông đã cử Maisan lên trại của ông ở Côlôma để thành lập ở đó một xưởng cưa mới. Thế mà chưa có lệnh hắn đã trở về. Gã ta đứng trước mặt ông, run rẩy vì xúc động, gã đẩy ông vào phòng làm việc, đóng cửa lại và móc ở túi ra một nắm cát óng ánh mấy hạt màu vàng. Hôm qua khi đào đất, hắn ta kinh ngạc nhìn thấy thứ kim loại lạ kỳ này mà hắn cho đó là vàng, thế mà những người khác lại chế nhạo hắn. Xuytơ nghiêm nét mặt, nhặt lấy mấy hạt, đem thử, đúng là vàng. Ông định hôm sau cùng lên trại với Maisan nhưng cơn sốt dữ dội mà chẳng bao lâu nữa sẽ gieo rắc tàn phá trên khắp thế giới, đã nhiễm vào anh chàng thợ mộc. Bất chấp bão tố, hắn ta quay về ngay đêm hôm đó, không bụng dạ nào mà ở nán lại được.
Ngày hôm sau, Xuytơ đến Côlôma. Người ta tháo nước qua các cửa cống cho kênh đào cạn hẳn và xem xét cát. Chỉ cần xúc đầy sàng và lắc nhẹ mấy cái là trên tấm lưới kim loại sẫm màu đã hiện lên những vụn vàng óng ánh. Xuytơ tập họp vài người da trắng giúp việc đang có mặt, bắt họ lấy danh dự hứa là sẽ giữ kín cho đến khi mọi việc trang bị được hoàn thành. Rồi ông trở về trại, vẻ mặt trang nghiêm và quả quyết. Những ý nghĩ lớn lao làm đầu óc xáo động: từ xưa đến nay chưa bao giờ người ta tìm thấy vàng dưới tầm tay như thế, ngay sát mặt đất, và đất đó lại thuộc quyền sở hữu của ông. Mười năm tưởng như trôi qua trong có một đêm: ông là người giàu có nhất thế giới.

ĐỔ XÔ ĐẾN

Người giàu nhất thế giới ư? Không, xin thưa, là kẻ nghèo nàn nhất, đáng thương nhất, khốn khổ nhất trên đời. Tám ngày sau, điều bí mật bị tiết lộ: Một người đàn bà – bao giờ cũng lại là đàn bà – đã kể chuyện cho một người khách qua đường nào đó nghe và đã cho y vài hạt vàng. Và sự thể diễn ra thật không tiền khoáng hậu. Tất cả những người làm công cho Xuytơ đều bỏ việc ngay tức khắc. Thợ rèn vội vã bỏ lò rèn, người chăn cừu bỏ đàn cừu, người thợ trồng cây bỏ cây cối, lính ném súng đi. Tất cả mọi người như bị quỷ ám, lao về phía xưởng cưa, mang theo những chiếc sàng và chậu, vơ quàng lấy để đãi vàng. Trong một đêm, cả xứ sở trở nên hoang vắng: bò sữa không có người vắt sữa kêu rống lên và chết gục... bò và ngựa phá tung hàng rào, xung quanh bãi thả, súc vật dẫm nát các cánh đồng, lúa mì chưa gặt, thối ngay tại chỗ, các xưởng làm pho mát im lìm, những vựa thóc đổ sụp, cả bộ máy kinh doanh khổng lồ ngừng hoạt động, tiếng lách cách của máy điện báo truyền qua biển cả và các đại châu tiếng gọi của vàng. Và rồi người từ các thành phố, bến cảng đổ đến, thủy thủ bỏ tàu, viên chức bỏ nhiệm sở, từ phía đông và từ phía tây, họ đi bộ, đi ngựa, đi xe, những người đi tìm vàng như một đám mây chắc chắn, lũ lượt kéo đến hàng đoàn, hàng lô dài bất tận. Một đám người ô hợp hung hãn tàn bạo, đám người không còn biết cái quyền khác ngoài quyền của sức mạnh, không còn biết luật lệ nào khác ngoài luật lệ của những khẩu súng lục của họ, đám người này tràn ngập khắp cái xứ thực dân vừa mới hôm qua còn làm ăn thịnh vượng. Đối với bọn chúng, không có ai làm chủ, không có ai dám chống lại các “ desperados “. Chúng hạ sát đàn bò cái của Xuytơ, phá những kho thóc của ông để xây nhà cho mình. Chúng phá nát các cánh đồng, ăn cướp máy móc của ông. Chỉ trong một đêm, Xuytơ lâm vào thân phận kẻ ăn mày như Miđax (2) chết ngạc vì vàng của chính mình.
Cuộc đổ xô đi tìm vàng chưa từng thấy đó ngày càng dữ dội. Tin tức lan truyền khắp thế giới. Chỉ riêng thành phố Nữu Ước đã có hàng trăm chiếc tàu rời đi vào các năm 1848, 1849, 1850, 1851. Những đám người mạo hiểm đông kinh khủng từ Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha kéo đến. Một số đi vòng quanh mũi Hoocnơ là con đường mà những kẻ hăm hở nhất coi là quá dài. Bọn này chọn con đường nguy hiểm hơn, qua eo Panama. Một công ty được nhanh chóng hình thành, hối hả thiết lập một đường xe lửa, công trình này làm hàng nghìn thợ chết vì sốt rét, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để những kẻ nôn nóng rút ngắn cuộc hành trình được vài tuần và nhanh chóng đến hốt vàng. Những đoàn người hằng hà sa số băng qua lục địa, gồm đủ mọi chủng tộc, nói đủ thứ tiếng, tất cả đều đào xới đất đai của Xuytơ, y như đấy là tài sản của họ. Trên giải đất Xan Phrăngxiscô mà chính quyền đã ký giấy thừa nhận quyền sở hữu cho Xuytơ, một thành phố mọc lên nhanh chóng đến choáng người. Những người ngoại quốc bán đất lẫn cho nhau và cái tên “ Henvêxi mới “ tiểu bang của ông ta biến mất nhường chỗ cho cái tên gọi thần kỳ: Enđôrađô, Caliphoocnia.
Khuynh gia bại sản một lần nữa, Jôhan Oguýt Xuytơ như bị chết sững nhìn trận mưa châu chấu đó đổ xuống. Lúc đầu, ông cũng định tìm vàng như những người khác và khai thác đất đai của mình với sự giúp đỡ của những gia nhân và những người làm công cuối cùng còn lại, nhưng tất cả họ đều bỏ mặc ông. Thế là ông rời bỏ hẳn khu vực có vàng, trở về trại Ecmitagiơ của ông ở gần núi, xa con sông đáng nguyền rủa và bãi cát dơ bẩn đó. Cuối cùng, vợ ông và bốn đứa con đã lớn đến được với ông. Nhưng vừa tới nơi bà vợ đã chết, kiệt sức vì cuộc hành trình. Tuy vậy, ba con trai của ông đã ở đây và được chúng giúp sức, Jôhan Oguýt Xuytơ sẽ lại cày cấy ruộng nương. Một lần nữa, ông ta gây dựng lại cơ nghiệp nhờ tám cánh tay lao động và nhờ sự màu mỡ kỳ lạ của đất đai. Thế là ông lại nghiền ngẫm một dự định mới to lớn.

VỤ KIỆN

Năm 1850, Caliphoocnia gia nhập vào khối liên bang. Nhờ có kỷ luật nghiêm ngặt, trật tự được lập lại ở cái xứ sở bị xâu xé bởi cơn sốt vàng. Tình trạng vô chính phủ bị kìm lại, luật pháp phát huy quyền lực. Chính lúc ấy, đột nhiên Jôhan Oguýt Xuytơ phát đơn kiện đòi lại quyền lợi của mình. Ông ta tuyên bố rằng toàn bộ đất đai trên đó Xan Phrăngxiscô được xây dựng là thuộc quyền sở hữu của ông với đầy đủ cơ sở pháp lý. Nhà nước phải bồi thường thiệt hại về những tài sản của ông bị đánh cắp, ông đòi lại toàn bộ số vàng người ta đã khai thác trên đất đai của ông. Vụ kiện bắt đầu có một quy mô mà loài người chưa từng thấy, Jôhan Oguýt Xuytơ đưa ra tòa hàng nghìn, hàng nghìn chủ trại đã đến ở các đồn điền của ông ta và đòi họ phải rời bỏ đất đai đã chiếm đoạt. Ông đòi chính quyền bang Caliphoocnia phải trả cho ông hai mươi lăm triệu đôla về những đường xá, sông ngòi, cầu cống, xưởng cưa do ông đã xây dựng mà bang đó đã chiếm đoạt. Ông đòi liên bang phải trả năm mươi triệu đôla đền bù tài sản của ông bị phá hoại. Ông cho con trai cả là Emilơ, sang Hoa Thịnh Đốn học luật để có thể lo liệu công việc này. Những món lợi tức đáng kể của các trang trại mới của ông chỉ dùng để chi phí cho vụ kiện tốn kém này. Trong bốn năm, Emilơ đưa vụ kiện hết tòa án cấp này đến tòa án cấp khác.
Cuối cùng, ngày 15 tháng ba năm 1885, vụ kiện được đưa ra xử. Tomsơn, viên thẩm phán hết sức thanh liêm, viên quan tư pháp cao nhất xứ Caliphoocnia thừa nhận rằng quyền sở hữu của Xuytơ về mảnh đất đang xét xử là hoàn toàn có căn cứ và bất khả xâm phạm. Jôhan Oguýt Xuytơ đạt mục đích, ông lại sắp trở thành người giàu nhất thế giới.

KẾT CỤC

Người giàu nhất thế giới ư? Không, xin thưa một lần nữa là: không! Kẻ đói rách nhất trong đám ăn mày, kẻ rủi ro nhất, kẻ gian truân nhất trong cõi nhân gian! Định mệnh lại chơi ông ta một vố bất nhân, mà lần này nó quật ông ta ngã hẳn. Được biết kết quả vụ kiện, bão tố nổi lên ở Xan Phrăngxiscô và khắp mọi nơi trong nước. Mười nghìn người tụ tập nhau lại bạo động: Những nghiệp chủ bị hăm dọa, theo sau là đám cùng đinh, bọn vô lại lúc nào cũng khát khao cướp bóc. Bọn chúng tấn công vào Tòa án, đốt nhà, đòi treo cổ quan tòa. Rồi đoàn người kinh khủng đó kéo về dinh cơ của Xuytơ để cướp phá. Con trai cả của Xuytơ tự sát bằng một viên đạn vào đầu, người con thứ bị hạ sát, người thứ ba chết đuối trên đường trở về Thụy Sĩ. Một làn sóng hỏa tai tràn khắp xứ Henvêxi mới, những công xưởng, trang trại của Xuytơ biến ra tro, những vườn nho bị tàn phá, đồ đạc, các bộ sưu tập, tiền bạc của Xuytơ bị lấy cắp. Trong cơn thịnh nộ cùng cực, họ biến cả một vùng mênh mông thuộc quyền sở hữu của ông thành bãi sa mạc. Bản thân Xuytơ cũng khó khăn lắm mới thoát khỏi bị hành hạ.
Sau trận đó, Jôhan Oguýt Xuytơ không bao giờ hồi phục lại được nữa. Sự nghiệp của ông tan tành, vợ và các con trai đều chết cả, ông đâm ra quẫn trí. Chỉ còn một tia lý trí chập chờn dưới đáy bộ óc đã tăm tối: ông vẫn luôn luôn nghĩ đến các quyền sở hữu, đến vụ kiện của mình.
Suốt hai mươi năm, một ông già ăn mặc tồi tàn, đầu óc lẩm cẩm, đi lang thang trong những hành lang của Cung pháp đình ở Hoa Thịnh Đốn. Trong các phòng giấy, mọi người đều biết viên “ đại tướng “ mặc chiếc áo rơđanhgốt cáu ghét, đi đôi giày rách bươm, đến để đòi những tỉ bạc của ông ta. Và vẫn không ngừng có những luật sư, những tên xỏ lá, những tên ăn cắp bòn mót những đồng tiền cuối cùng mà chính phủ trợ cấp cho ông, xúi giục ông theo đuổi vụ kiện. Con người khốn khổ không đòi tiền bạc nữa, ông căm ghét vàng đã làm ông trở nên nghèo khổ, vàng đã giết ba con trai ông, vàng đã làm cuộc đời ông tan nát. Ông chỉ đòi hỏi cái quyền sở hữu của mình và bảo vệ quyền đó với một sự hăm hở không biết mệt của người mắc bệnh tâm thần. Ông khiếu nại lên Thượng nghị viện, khiếu nại lên Quốc hội. Ông giãi bày với đủ mọi hạng người, bọn này muốn vẽ chuyện cho nổi đình nổi đám, cho ông ta mặc một bộ đồng phục lố bịch và dẫn con người khốn khổ ấy như đưa một con rối đi từ công sở này đến công sở khác, từ nghị sĩ này đến nghị sĩ khác. Việc đó kéo dài từ năm 1860 đến năm 1880, suốt hai mươi năm thảm hại chỉ chuyên đi kêu nài. Ông trở thành trò cười của các viên chức, trò chơi của bọn trẻ con tinh nghịch, con người đã từng là chủ nhân của một xứ sở giàu có nhất thế giới, chủ nhân của mảnh đất trên đó đã mọc lên và phát triển từng giờ từng giờ cái thủ đô thứ hai của một đế quốc bao la. Và người ta vẫn tiếp tục bắt con người nhiễu sự đó chờ đợi. Chính trên những bậc thềm của lâu đài Quốc hội vào buổi chiều ngày 17 tháng bảy năm 1880, một cơn trúng phong đột ngột giải thoát cho ông. Người ta mang xác ông đi, xác của một kẻ ăn mày, trong túi còn có một văn bản giao cho ông và những người thừa kế của ông những quyền mà không một pháp quyền nào của loài người có thể khước từ đối với một sản nghiệp lớn nhất của Lịch sử.
Cho đến nay không có ai nêu yêu sách gì về việc thừa kế tài sản của Xuytơ, chẳng có con cháu nào của ông đòi hỏi điều đó. Xan Phrăngxiscô, cả một xứ sở nguyên vẹn, vẫn tiếp tục được xây dựng trên tài sản của người khác. Người ta vẫn không có ý kiến gì về chuyện đó và chỉ có một nghệ sĩ, một nhà văn có tài là Blaidơ Xăngđra trong tác phẩm “ Vàng “ của ông đã trả lại cho Jôhan Oguýt Xuytơ, con người lớn lao đã bị lãng quên đó sự công bằng phải có đối với một số phận lớn lao, trả lại cho ông cái quyền được đời sau nhớ đến với niềm kinh dị.
Chú thích:
(1) Trại lớn (ND)
(2) Theo truyền thuyết, vua xứ Frigi cổ là Miđax được thần Điôngdôx cho một điều là chạm vào cái gì thì cái ấy biến thành vàng. (ND)