Chương I


Chương VII
Anh Vô Tình, Em Có Nghĩa

Thằng Tý với con Quyên được ở chung một nhà rồi, mà lại ở nhằm nhà nhơn đức, thì chẳng có việc chi lạ mà phải tả cho dài.
Bữa nào bà Hương quản cho con Quyên hoặc bánh, hoặc trái cây, thì nó ăn phân nửa mà thôi, còn phân nửa nó ca củm dấu để dành đặng tối nó lén cho anh nó ăn.
Trong một vài tháng Hương thị Tào xuống thăm hai cháu một lần, mà hễ lâu xuống thì sắp nhỏ xin phép bà Hương quản rồi dắt nhau về mà thăm ông.
Tuy hồi mới để cho con Quyên ở, Hương thị Tào không chịu lấy tiền, song cách ít tháng sau bà Hương quản đưa năm chục đồng bạc, bà nài nỉ ép quá, nên Hương thị Tào phải lấy.
Thằng Tý mỗi năm bà Hương quản trả thêm tiền công cho nó năm ba đồng hoài, mà trả bao nhiêu nó cũng giao hết cho ông ngoại nó, chớ nó không chịu lấy mà xài đồng nào.
Nó ở cho tới nó được hai mươi tuổi. Ông ngoại nó già yếu nên đau hoài. Nó thấy vậy mới xin bà Hương quản cho nó thôi, đặng nó về nhà nuôi dưỡng ông ngoại nó. Bà Hương quản mướn nó ở trong nhà trọn tám năm bà biết tánh nó thiệt thà siêng năng, không chơi bời, không gian giảo, nên bà cho nó thôi, mà bà còn cho nó mướn năm chục công đất và bà giúp cho nó mượn năm chục đồng bạc để làm vốn mà làm ruộng ấy.
Hương thị Tào nhờ cháu ở đợ mấy năm, ông lấy tiền nên ông hết túng rối, mà chừng thằng Tý trở về, ông lại có dư trong nhà được ba bốn chục đồng bạc. Ông đưa hết số bạc ấy cho cháu. Thằng Tý không lấy, ông không chịu, túng thế nó phải lấy mà nhập với năm chục đồng bạc của bà Hương quản cho mượn đó để mướn công phát công cấy.
Thằng Tý ở trong nhà làm ruộng được tám năm, nó thông thạo nghề ấy lắm. Năm đầu nhờ trúng mùa, nhờ chủ ruộng cho mướn rẻ, mà lại nhờ lúa phát giá nữa, nên nó có dư được vài trăm đồng bạc. Nó đem trả năm chục đồng bạc lại cho bà Hương quản. Bà muốn cho nó mượn nữa, mà vì nó nói nó có vốn đủ rồi, nó không chịu lấy, nên bà phải thâu mà cất.
Nó làm ruộng mới vài mùa, mà đã dư tiền, mua được một đôi trâu. Nó thấy ông ngoại nó đã già yếu, lại buôn bán nhỏ nhỏ không lời bao nhiêu, nên nó dẹp quán, rồi hỏi đất của bà Hương quản ở đầu dưới xóm Dồng Ké, dỡ nhà về đó cất rộng hơn mà ở, đặng có chỗ cầm trâu, đạp lúa.
Người ở trong làng trong xóm thấy thằng Tý nhỏ tuổi mà biết lo làm ăn, lại có bà Hương quản đỡ đầu, chắc trong ít năm nó sẽ làm giàu được, nên ai cũng muốn gả con, hoặc gả em cho nó. Chẳng hiểu vì cớ nào hễ nó nghe ai nói tới chuyện cưới vợ, thì nó xụ mặt chau mày rồi bỏ đi chỗ khác.
Có một bữa nó xuống thăm bà Hương quản với con Quyên, bà Hương quản thình lình hỏi nó rằng:
- Tý, tao nghe họ nói mầy kén vợ lắm, con ai mầy cũng chê hết thảy, thiệt có như vậy hay không?
- Thưa bà tôi có dám chê ai đâu.
- Không chê, sao mà đã hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi rồi lại chưa chịu cưới vợ?
- Thưa, tại tôi không muốn vợ, để ở như vầy đặng nuôi ông ngoại tôi.
- Vậy chớ có vợ rồi mầy nuôi ông ngoại mầy không được hay sao?
- Thưa, cũng được. Mà đàn bà con gái đời nầy kỳ cục lắm, cưới họ về mà mang khốn chớ có ích gì.
- Sao vậy?
- Tôi thấy vợ của họ ăn no xách đít đi chơi hoài, rồi còn sanh sứa lấy trai nữa, hễ họ nói nó chửi tướp lên đầu, tôi ghê quá nên tôi không thèm cưới vợ.
- Thằng nầy nó nói kỳ quá! Đàn bà con gái có đứa nên đứa hư, chớ hư hết hay sao. Mầy lựa đứa thiệt thà mà cưới, ai biểu cưới đồ tầm bậy làm chi.
- Thưa, biết ai tử tế mà lựa.
- Thiếu gì. Để thủng thẳng tao kiếm cho.
- Thôi, đừng có kiếm, bà.
- Sao vậy?
- Tôi không muốn có vợ, khó lòng lắm.
- Mầy tu hay sao?
- Thưa, không phải tôi tu, tôi sợ có vợ rồi lộn xộn lắm, nên tôi không dám.
- Ế! Nói bậy nà! Lộn xộn cái gì? Để tao kiếm chỗ tử tế rồi tao nói dùm cho. Đừng có cãi. Phải cưới vợ đặng nó lo cơm nước cho mà ăn chớ.
Thằng Tý nó nghe bà Hương quản rầy, nó không dám cãi, nhưng mà bộ nó coi không vui.
Đó, trong khoảng mấy năm đã qua rồi, chuyện thằng Tý chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi.
Bây giờ phải thuật tới chuyện con Quyên.
Con Quyên ở với bà Hương quản trong ba năm đầu chẳng có việc chi lạ, bà cứ thương yêu nó, nó lo phục sự bà.
Chừng nó được mười một tuổi, có một thầy giáo gốc ở Gò Ân, xuống Phú Tiên xin ở đậu nhà Hương thân Lái, rồi mở trường tư mà dạy con nít trong xóm học.
Bà Hương quản Tồn vốn là người ham cho con đi học, ngày trước bà ép cậu ba Giai không được, bà lấy làm tức giận vô cùng. Hôm nay bà nghe có thầy giáo khai trường mà dạy một bên nhà, thì bà mừng nên bà cho con Quyên đến đó mà học, mà bà lại dặn thầy giáo dạy cho cần, muốn ăn tiền thêm bà trả cho.
Con Quyên mới học một năm thì chữ quốc ngữ nó viết mau, mà nó đọc cũng lẹ. Bà Hương quản đắc ý lắm, bà đi Vĩnh Long mua các thứ thơ với truyện mà để trong nhà, rồi tối tối bà biểu con Quyên đọc cho bà nghe. Bà nghĩ cho con Quyên học, bà không thất công tốn của bao nhiêu, mà bây giờ nó giúp vui cho bà được, bởi vậy bà muốn cho nó học thêm nữa, học hoài chừng nào hết chữ của thầy giáo mới thôi. Tiếc thay! Thầy giáo mới dạy được một năm rưỡi rồi thầy mích lòng sao với thầy giáo trường làng Dồng Ké đó không biết, thầy sợ người ta kể thầy dạy lậu, thầy bị tội, nên thầy thTôi thấy con nhỏ nầy, sao tôi thương nó quá. Hôm qua tôi không cho nó về. Tôi nhắn chú xuống đặng tôi nói với chú để cho nó ở luôn với tôi, được hôn? Nó ở có anh có em vậy nó vui. Chú để nó ở nhà thì nó đi chơi chớ có ích gì”.
Hương thị Tào ngồi lặng thinh, không biết sao mà trả lời. Bà Hương quản bèn nói tiếp rằng: “Chú Hương cũng biết gia đạo của tôi, nên tôi chẳng dấu làm chi. Tôi có hai đứa con, mà con lớn thì có chồng xa, cả năm nó mới về thăm một lần, còn thằng nhỏ thì nó hoang đàng tôi giận tôi đuổi nó đi mất mấy năm nay. Tôi ở nhà có một mình buồn quá, nên tôi muốn có một đứa con gái nhỏ ở hủ hỉ, coi têm trầu pha nước cho tôi vậy mà. Tôi coi bộ con nhỏ nầy được, nên tôi muốn nuôi nó như con cháu trong nhà. Vậy để tôi cho chú ít chục đồng bạc làm vốn mà buôn bán. Chú để nó ở với tôi, tôi may quần áo cho nó bận, tôi sắm vòng sắm kiềng cho nó đeo. Ở gần một bên đây, chú có nhớ thì chạy xuống thăm nó, hoặc tôi cho nó về thăm chú, xa xắc gì đó mà sợ”.
Hương thị Tào đứng dậy chắp tay thưa rằng: “Thưa bà, bà thương cháu tôi, bà muốn như vậy thì tôi đội ơn bà lắm. Cháu tôi nó ở dưới nầy thì sung sướng tấm thân nó. Nó ở với tôi thì nó chơi chớ mới bây lớn mà biết làm việc gì. Ngặt vì tôi làm như vậy, thì e sợ miệng thế gian họ nói con rể tôi chết, để hai đứa con lại cho tôi, tôi đợ một đứa, còn một đứa tôi bán mà ăn, nghe cũng kỳ quá”.
Bà Hương quản cười và đáp rằng:
- Chú sợ như vậy cũng phải. Mà họ nói sao nói, thây kệ họ, miễn là chú không có bụng như vậy thì thôi, sợ làm sao? Tại tôi muốn, chớ phải chú đem đi bán hay sao mà chú ngại?
- Thưa bà, như bà muốn con Quyên ở với bà, thì tôi để nó ở, song tôi không nỡ lấy đồng tiền nào hết, nếu bà thương nó bà cho nó quần áo đặng nó mặc cho lành lẽ thì cũng đủ rồi.
- Tự ý chú. Như chú ngại không lấy tiền, để tôi sắm đồ cho con nhỏ cũng được. Bữa nay sẵn có chú xuống đây, thôi để tôi nói chuyện thằng Tý với chú luôn thể. Nó còn ở vài tháng nữa thì đủ. Tôi muốn nói với chú để nó ở luôn với tôi, chừng nào nó khôn lớn rồi chú sẽ đem về lo vợ cho nó đặng nó làm ăn, chớ bây giờ nó còn nhỏ quá, chú bắt nó về làm gì. Chú để nó ở với tôi, bắt đầu năm tới tôi cho chú hai mươi bốn đồng, thủng thẳng nó lớn thì tôi cho nó thêm tiền lần lần. Tôi biết xét công cho bạn bè trong nhà lắm, chớ không phải hẹp hòi như người ta đâu. Tôi thấy tánh ý nó tôi thương, nên tôi không muốn nó thôi. Chú thử hỏi nó coi ở với tôi có cực khổ gì không thì biết.
- Thưa bà, thuở nay nó thường nói nó mến cái đức của bà lắm, chớ nó có phiền bà chi đâu.
- Chú để nó ở luôn với tôi, chừng mười chín, hai mươi tuổi nó cưới vợ rồi, tôi để đất cho nó làm kiếm cơm mà ăn.
- Bà thương con nhà nghèo côi cút, nên bà tính như vậy, thiệt tôi cảm ơn bà không biết chừng nào. Đã biết hễ nó ở với bà thì tôi có tiền tôi ăn, mà điều làm như vậy thì tội nghiệp thân nó quá.
- Để chiều nó về, chú hỏi coi nó chịu ở nữa hay không thì biết.
- Tôi biết ý cháu tôi. Hễ hỏi thì nó chịu ở liền. Nó thấy tôi nghèo nó muốn giúp đỡ tôi. Năm trước nó nói quá nên tôi mới đem mà cho nó ở với bà, chớ có phải tại tôi muốn đợ nó đâu. Bây giờ thêm con em nó ở đây, sợ tôi bắt nó về nó cũng không thèm về nữa chớ.
- Thôi, để nó ở với tôi. Chú có cần dùng tiền bạc đặng mua lúa gạo mà ăn, hoặc mua đồ đạc mà bán thì nói cho tôi biết, tôi đưa trước cho. Muốn mấy chục cũng được, đừng có ngại chi hết.
- Thưa bà, lúc nầy tôi chưa túng.
- Ờ như có tiền thì thôi, chừng nào có túng thì xuống đây tôi đưa cho.
Bà Hương quản kêu con Quyên mà nói rằng: “Ông ngoại mầy chịu để mầy ở dưới nầy với bà rồi đó. Để sáng mai bà dắt đi chợ Vũng Liêm bà mua đồ về may quần áo cho mà bận. Bữa nào có nhớ ông ngoại, thì bà biểu thằng Tý nó dắt đi về thăm, không sao đâu mà sợ”.
Con Quyên ngó ông ngoại nó trân trân, nửa muốn ở đây cho gần anh nó, mà nửa sợ bỏ ông ngoại ở nhà một mình quạnh hiu, nên nó lặng thinh, không biết sao mà nói. Hương thị Tào thấy như vậy mới nói rằng: “Bà thương cháu, bà muốn như vậy, thôi cháu ở đây với bà. Ông cũng để thằng Tý nó ở luôn với cháu. Có nó đó, không sao đâu mà cháu sợ. Lâu lâu ông xuống ông thăm, hay là cháu có nhớ thì xin phép với bà về trển chơi. Cháu chịu hôn?”.
Con Quyên gật đầu, mà ứa nước mắt.
Bà Hương quản cầm Hương thị Tào ở chơi, đến chiều thằng Tý về, bà kêu mà hỏi nó thì nó cũng chịu ở nữa. Nó nói rằng: “Tôi ở với bà hoài, ở tới lớn rồi sẽ về”. Bà Hương quản gắn bó quá, mà hai đứa cháu cũng thuận theo bà, Hương thị Tào không biết nói sao cho được, nên phải cho hai đứa nhỏ ở.
Từ đây con Quyên được bà Hương quản yêu mến, nên phận nó sung sướng vô cùng, còn thằng Tý, tuy là ở đợ, song nó được ở chung với em nó một nhà, nên nó chẳng việc chi làm buồn lo nữa, duy nó thương ông ngoại già cả vào ra quạnh hiu, sớm tối một mình mà thôi.
Bà Hương quản thiệt là tử tế. Con Quyên mới chịu ở với bà bữa trước, thì qua bữa sau bà mua cho nó một đôi bông tai nhỏ, một cái lược cài, một cái khăn lụa màu bông hường. Bà biểu thợ bạc đo tay mà làm cho nó một chiếc vòng trơn với một chiếc đồng bánh ú. Bà lại mua một cây lãnh, một xấp lụa đem về, lãnh thì bà cắt may quần, còn lụa thì bà may áo dài, áo vắn đủ thứ cho nó bận.
Bà không cho nó làm việc chi khác trong nhà, bà dặn nó ngày như đêm phải ở xẩn bẩn bên bà, đặng bà sai nó têm trầu, rót nước, thay ống nhổ, cạo bình vôi cho bà mà thôi. Tối thì nó nói chuyện thỏ thẻ cho bà nghe, trưa thì nó nhổ tóc ngứa cho bà ngủ.
Tuy con Quyên chưa đủ trí khôn, song nó thấy bà Hương quản thương yêu nó, cho nó mặc quần lãnh áo lụa, cho nó đeo vòng vàng, cho nó bánh nó ăn, cho nó mền nó ngủ, thì nó cảm ân nghĩa của bà, nó quyết ráng sức làm cho vừa lòng bà, bà dặn việc gì thì nó làm y lời, chẳng hề dám để sai sót.
Có một đêm, bà buồn không biết chuyện gì mà nói, bà bèn hỏi thăm con Quyên về việc cha mẹ nó. Chẳng hiểu thằng Tý có dặn trước nó hay không, mà nó nói mẹ nó ngủ ban đêm bị ăn trộm lén vô nhà đánh chết, còn cha nó đi sông lớn bị chìm ghe chết trôi. Nó dấu biệt, không chịu nói tới Hương hào Hội, mà cũng không chịu nói cha nó đạp mẹ nó té bể đầu. Mà nó nói chuyện cha mẹ nó, thì sắc mặt nó coi sầu thảm lắm, dường như đau đớn mà nhắc tới mẹ cha. Bà Hương quản thấy vậy bà động lòng, nên từ đó về sau, bà không hỏi tới chuyện ấy nữa.
Bà Hương quản ít con, không có cháu, nên bà thấy con Quyên ngộ nghĩnh bà thương, nghĩ chẳng lạ gì. Mà bà thương nó, khác hơn thương mấy đứa ở trong nhà, bà nuôi nó mới được năm bảy tháng, thì bà cho nó ăn một mâm, ngủ một mùng với bà, đi đâu bà cũng dắt nó theo, ở nhà thì bà không rời nó một giây phút.
Người lạ họ không biết gốc tích con nhỏ, ai thấy cách bà đối đãi với nó như vậy thì cũng tưởng nó là con cháu ruột của bà.
Cô hai Phiên, là con gái của bà, về thăm ngó thấy bà nuôi con Quyên, cô cũng vui lòng, cô không ngăn cản chi hết.