Phần I
Dựng

“…Mày hãy diệt hết những con người cũ ở trong mày đi… Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã. Mày hãy lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày.”
(Nguyễn)
Bị phát vãng lên đường ngược, ở một tỉnh phía tây Bắc bộ vào những năm khủng bố thời Pháp thuộc ấy, tôi đã chú ý đến một người tù. Anh Lịnh.
Thật vậy, trong đời sống hằng ngày của trại an trí, người bị đi đày kia là tượng trưng cho đời tù của bọn trí thức say đắm với công cuộc, vướng luỵ vì hoài bão, đưa Cách Mệnh lên thành một tôn giáo, và trong cảnh đày ải tù tội, tinh thần lúc nào cũng vững vàng như cái thái độ bất diệt của bậc chân tu chuyên nhất trong niềm đạo hạnh.
2910 – phải, Lịnh đeo con số ấy khi đi tù –, đã là một đối tượng phức tạp để tôi gởi vào đấy một dấu? và một dấu! rất đậm.
Trại an trí V.B. chỉ thuần có tù chính trị người Kinh lẫn người Thổ. Ở đấy, ngoài cái áo số vải nâu, chúng tôi có quyền dùng những đồ may mặc đem theo. Ngoài nắm cơm của căng, chúng tôi có quyền mua bán thực phẩm riêng bằng những số tiền do thân quyến hoặc cố hữu gởi lên. Và được viết và đọc – trong một cái chừng hạn tự do tương đối nào đó.
Lịnh có rất nhiều áo len của người quen đan gởi lên cho. Không chuyến nào mà người phu trạm già ấy lại không có một gói bưu kiện áo quần giao cho Lịnh. Người ở ngoài, dưới vùng hạ bạn, đã nghĩ nhiều đến một kẻ ở trong và thiết tha đến cái khí núi giết được người nơi đường ngược đây. Lịnh có rất nhiều măng-đa. Ở cuốn sổ gởi tiền của tù kí trên buồng giấy trại, Lịnh có riêng một trang đặc. Còn thư tín ở bên ngoài đưa đến vào những hòm phát thư, người Tây quản trại kì nào cũng phải gọi đến 2910.
Rất nhiều anh em cùng trại ít được chăm sóc bởi người của đời sống bên ngoài, ít nhận được măng-đa và thư, nhìn Lịnh 2910 bằng con mắt thèm tủi. Ai đời đã đi đày lên thượng du, mà ngày tết Nguyên Đán còn có người lặn ngòi ngoi nước đến trại xin phép Tây cho gặp Lịnh để giao cho Lịnh một của thuỷ tiên, một cân mứt sen trần kèm bình trà mạn!
Tôi đã phải bận tâm đến Lịnh mà nhiều người lính đã liệt vào hạng tù cậu vì Lịnh có cái bề ngoài của một người tù phong lưu (!) Không, Lịnh không phải là một người tù cậu. Lịnh là một người tù thuộc, đời sống tinh thần đã được luyện qua gần khắp các nhà giam ở xứ ta, đã từng nhiều phen tuyệt thực, vượt ngục và sở dĩ chuyến này lại lên đây nữa là vì vẫn chưa chịu chán mỏi với hoài bão. Một hôm quét vôi trên đồn, muốn tò mò đến quá khứ của tù 2910, tôi đã lẻn vào buồng giấy quản trại và đọc tập lí lịch của Lịnh gởi kèm lên theo.
Chao ôi, sao đời Lịnh nhiều án tích chính trị, nhiều hoạt động và không sờn gan mệt trí với đề lao đến như thế! Có thể nói rằng Lịnh có ở cuộc đời bất công này là để riêng đi ở tù vì lí tưởng, ở tù cho đến chết thì thôi chứ không thèm yên nghỉ với cái sống tự do giả vờ của bên ngoài. Đời hoạt động của Lịnh hình như đã nêu ra được vấn đề này: là định một cái nghiệp dĩ cho kẻ tri thức giác ngộ cả trong hoàn cảnh câu thúc và cả ở hoàn cảnh ngoài đề lao nó cũng đầy rẫy những tội ác và tù túng của đời sống mâu thuẫn.
Tôi liền có cảm tình với Lịnh, tìm cách gần Lịnh. Ngày tháng trên rừng trôi qua trên sự cầu thân đó, cũng bớt được nặng nề. Ngoài những lúc phải theo lính canh vào rừng ngả cây cổ thụ phát quang rừng lau, phá đồi, đánh gianh lợp nhà, cắt cỏ cho trâu dê bên đồn, lấy nước suối ngọt cho bên trại anh em, những lúc được về ăn nghỉ trong trại, tôi ngắm Lịnh. Những cử chỉ vụn vặt của Lịnh đã đi vào con người tôi không sót một nét. Tôi ngắm Lịnh, lặng lẽ và kính cẩn. Mệt lắm thì tôi chợp đi một lúc, chờ một hồi kèn chiều bên đồn dựng đứng mình dậy để vào rừng làm nốt công việc trong một ngày tù. Một buổi trưa, Linh vỗ vai lay nhẹ tôi: “Anh xuống nhà ăn, uống với tôi chén trà nóng. Tôi đã bắc ấm lên bếp, nước gần sủi rồi.” Buổi trưa rừng, ở trại giam, có người mời uống nước trà nóng là một điều thú vị nhất. Trà nóng vừa chuyên xong vào một đoạn vầu gọt làm chén, Lịnh nhìn thẳng vào mặt tôi: “Tôi đoán không nhầm. Anh không chịu khó cưỡng lại giấc ngủ trưa ở thượng du thì chẳng mấy chốc mà sốt đến nơi đấy. Người lính 125 bên đồn cũng ngủ trưa như thế trong nửa tháng nay rồi đái ra máu rồi chết. Từ giờ, anh đừng ngủ trưa nữa. Mặt anh đã bắt đầu vàng rồi. Anh chiêu mấy viên thuốc này đi.” Lịnh đưa tôi chén nước nóng và mấy viên thuốc. Thì ra không phải là một buổi nhậm sà chơi vui mà là một buổi chữa bệnh và Lịnh đã để ý đến sức khoẻ của tôi từ hôm nào rồi. Tôi ngoan ngoãn nuốt mấy viên thuốc tròn dẹp và ngà ngà như màu ngô nếp. Lịnh nhìn qua tấm hàng rào nứa tép ken cánh sẻ dày đến sáu lượt nứa, gởi tầm mắt vào rừng xa đang nhấp nhánh khí núi hâm nóng, thủ thỉ nói tiếp: “Càng ở vào hoàn cảnh tù tội, chúng ta càng phải giữ mình làm trọng. Để lúc trở về trung châu, còn có mặt trong hàng ngũ của đoàn thể. Ta sẽ có lỗi nhiều với công cuộc, nếu phải để thân ở thượng du vì nỗi bất cẩn đối với cái thân mình lúc này. Mỗi người chúng ta phải gởi xương ở đây vì sốt rét rừng, hàng ngũ về sau sẽ hở kẽ. Thiếu đi – dù là một người – công cuộc sẽ chậm ít ra là một bước trong thời gian”. Tôi yêu kính câu nói của Lịnh chứa đầy một niềm sốt sắng giống như lối nói của nhà lãnh đạo kí trú với những đồng chí chưa hoàn toàn nhập điệu.
Và từ hôm ấy, để đánh lừa giấc ngủ trưa ở rừng tù, tôi đã học chữ Ăng-Lê và Lịnh, mỗi trưa, dành ra hai mươi phút để dạy tôi học ngoại ngữ. Trong việc này, ông thầy bao giờ cũng chuyên cần hơn người học trò, bởi vì có nhiều buổi hễ có người rủ chơi cờ tướng là tôi đã bỏ lớp học của Lịnh. Nhiều độ lượng, Lịnh chỉ điềm đạm: “Cũng chẳng sao. Điều cần nhất, là đừng ngủ trưa. Đánh cờ trưa, cũng là một cách vui gọn để chống sốt rét rừng.”
Không phải dạy tôi học thì Lịnh lại dùng thời giờ ấy đọc sách và biên chép luôn tay vào những cuốn sổ tay dành riêng mỗi cuốn cho một việc. Có người lính nào vào trại tìm đến Lịnh thì Lịnh lại bỏ việc riêng đấy mà giúp họ. Vẽ hộ một bức truyền thần. Viết hộ một bức thư, và nhiều bức thư của người lính thượng du nhớ nhà gởi về thăm vợ con hoặc vấn an thầy mẹ. Thư lại viết theo thể thơ lục bát. Chiều theo ý những người lính, Lịnh đã xoay cái thư ấy ra thành những câu vè mộc mạc và anh lại còn phải viết bằng chữ nôm. Ra Lịnh vẫn có cái đức dung người và Lịnh vẫn vui vẻ trong khi làm những việc tầm thường đó không ngày nào là không xảy tới. Ở một cái đồn thượng du, lúc nào mà chẳng có một người lính nhớ vợ thương cha. Lịnh được thiện cảm của cả đồn. Các ông quản đội trên đồn, có việc hiếu hỉ gì ở quê nhà, là đều có nhờ đến Lịnh cho chữ câu đối – lúc nôm, lúc chữ Hán, tuỳ theo trường hợp. Cả ngay đến lão quản trại an trí là người Pháp, cũng nhờ Lịnh dạy Việt ngữ. Nhưng đến việc này thì Lịnh chối từ, mặc dầu quản trại hứa sẽ để cho Lịnh ở nhà không phải vào rừng mà sương nắng ngày hai buổi. Lịnh đã lẩm bẩm riêng với anh em: “Dạy mày học tiếng ta để rồi mày dò la chuyện bên căng và kiểm duyệt thư của anh em cho kĩ phải không?”. Vì có người tọc mạch mà tôi mới biết rằng Lịnh đang nghiền ngẫm bộ Kinh Dịch và đang xoay nó vào Biện Chứng Pháp Duy Vật. Một buổi nghỉ ngày chủ nhật, thấy tôi đến ghé nhòm vào trang vở chi chít những chữ Pháp và chữ Hán, Lịnh tươi tỉnh – bao giờ Lịnh cũng hoà nhã tươi tỉnh – hỏi tôi: “Tôi đố anh biết Pearl Buck có giỏi chữ Hán không? Và André Malraux tập viết chữ Hán theo lối thiệp nào?” Câu đố ấy rồi cũng bỏ lửng. Nhưng tôi ngờ rằng Lịnh biết nhiều lắm. Cũng như tôi đã thấy rõ cái đức làm người của Lịnh mà cảnh tù chung mỗi ngày càng làm bật hẳn lên.
Lịnh không trốn việc hoặc đùn nó cho những anh em khác. Kỉ luật của anh em trong trại đặt ra để giữ trật tự chung cho cả căng, anh tuân theo. Ra ngoài làm việc rừng, lúc nào túi dết Lịnh cũng có sách vở, nhưng chặt xong phần cây hoặc cuốc xong phần đất của mình rồi anh mới chui vào bụi khuất mà đọc mà viết. Cái điều lạ nhất là anh ít viết thư, mặc dầu thư ở ngoài gởi lên rất nhiều. Tiền măng-đa của anh kí trên buồng giấy rất nhiều mà anh ít dùng tới. Thỉnh thoảng biết đến những anh em túng thiếu vì không có sự chu cấp của bà con vùng xuôi đoái tưởng đến thì anh lại rủ họ mua đồ ăn thức dùng vào số tiền gởi kho của anh. Mỗi kì có phiên ở bên kia sông quạnh họp chợ Mường, Tây cho anh em ở căng ai có tiền gởi thì kê những thứ định mua rồi uỷ cho người đi chợ. Người mua bánh ngọt thuốc lá trà tàu, xà phòng, gà vịt, trứng, đỗ; người mua guốc nón, diêm đinh; có người mua cả rượu lậu và ba ba núi. Đến lúc anh giữ việc kinh tế ở căng hỏi Lịnh xem anh muốn mua những gì thì lần nào cũng vậy, anh chỉ cần có giấy mực và bút chì. Chỗ giấy mực đó anh dùng để biên chép – chứ không phải để viết thư hoặc trả lời thư như nhiều người – và để biếu các anh em người Thổ nghèo theo lớp học chữ quốc ngữ do anh trông nom. Mỗi kì được phép viết thư trong tuần lễ, anh toàn ngồi đề bì hộ anh em Thổ và cho tất cả anh em trong trại vay tem của mình. Anh nghĩ đến anh rất ít và rất hoà nhã khi được chia sẻ với anh em. Kì tắm giặt hằng tuần nào ở bên con sông quạnh là bánh xà phòng nửa cân của anh cũng vẹt hẳn đi và nhiều khi tan hết ra bọt nổi ở mặt dòng nước rừng. Lịnh ít nói, nhưng không trở nên người khó chịu; ít cười, nhưng vẫn tươi sáng và cái sáng ấy làm lùi được bóng đen của nhà tù. Buổi sớm dậy, Lịnh luyện phép thở, ôn ít quyền thuật với anh em Thổ rồi cắp bị nón đứng vào hàng. Không bao giờ Lịnh khai ốm để đi nhà thương và nghỉ nhà. Ngày hai bữa cơm, có thức ăn hoặc không, anh cũng chỉ ăn đủ ba lưng bát. Ăn cơm chiều xong, anh đi bộ quanh rào trại. Rồi lúc mặt giời gần lặn để chiếu hết cho một ngày mất tự do, cái việc Lịnh lấy làm thú nhất là được anh em lại cử cho đọc nhật báo – báo ở tỉnh vừa về kì thư – và phê bình thời cục thế giới. Tình hình chính trị và ngoại giao các nước, Lịnh tinh suốt và thuộc lầu lầu. Lúc cần phải ôn đến những biến cố xã hội trên khắp thế giới, Lịnh có cường kí của nhà viết sử. Ngồi chót vót trên thang đu tập thể thao, đọc xong một lượt tin tức trong và ngoài nước, Lịnh mới mổ sẻ đến cái chương trình Đại Đông Á của Đại Nhật Bản (!) Phải nghe những nhời Lịnh vang rền lúc ấy thì mới biết đến cái say sưa của môn thuyết khách và mới hiểu tại sao chúng ta không chịu ở yên với trật tự hiện đại của sự vật. Lúc Lịnh ở chỏm thang leo xuống, tôi yêu Lịnh quá, muốn nói đùa Lịnh rằng anh giỏi như thế, tin tưởng vào Cách Mệnh như thế thì làm gì mà Tây nó chẳng bắt, ví Tây nó có tha anh ra bây giờ thì cũng lại đến Nhật bỏ tù lại mất thôi, chứ ai cho anh yên ở ngoài đề lao để anh dựng trật tự mới và xây đắp cái Thị Trấn Ngày Mai trên phá hoại gây ra theo đúng ý nguyện của Cách Mệnh. Nhưng thấy Lịnh nghiêm chỉnh quá, tôi lại không dám đùa.
Tôi kính yêu Lịnh 2910 như một người anh cả trong cõi học và trong cõi đức. Những lúc đi rừng hai buổi tôi thường cố điều đình với lính để cùng đứng vào một kíp với Linh mà ra ngoài làm việc. Những người lính đáng yêu ấy đã làm theo ý của tôi. Hễ thấy 2910 đứng vào kíp đẩy xe nước, thì họ lại tủm tỉm chỉ vào tôi: “790! Cho 790 đẩy xe nước với 2910. Tha hồ mà đưa sách lẫn cho nhau trong bụi sim nhé.” Hễ thấy Lịnh đứng vào kíp củi, mặc dầu là số người đi lấy củi đã quá đủ số rồi, họ lại kéo tôi vào hàng ngũ đi củi: “Ấy, 790, trả cuốc lại cho kíp đất. Cho đi lấy củi. Vào mà thay dao năm đi.” Rồi họ lại hóm hỉnh mà cười sát vào tai tôi: “Tha hồ khuất mặt Tây mà đánh chén trong rừng với 2910 nhé!” Những người lính khả ái ấy đã lầm. Chẳng bao giờ Lịnh uống rượu. Người đàn ông nào đã đi tù và đã từng lấy rượu ra để đánh lừa những ngày dài như nghìn năm của mình, ai ngạc nhiên thì cứ ngạc nhiên đi, nhưng suốt một thời ở căng với tôi, Lịnh 2910 không hề nhắp đến một chén rượu nào, mặc dầu rượu tù là rượu quý, – quý ở chỗ khó khăn của hoàn cảnh – mặc dầu nhiều lần các ông đội quản cai bên đồn đã giận Lịnh vì Lịnh từ chối những chén chân thành của họ. Về chuyện rượu, tôi chỉ nhớ Lịnh thốt ra môt câu này: “Thử như ngày xưa thì tôi… thì…”. Hôm ấy là tết Nguyên Đán, tôi nhớ cuộc đời tự do ở ngoài quá, lúc say ngày đầu năm, tôi phá cả kỉ luật của anh em, làm kinh động cả trại an trí, suýt nữa quản trại Tây phạt chung cả những bạn không uống. Lúc tôi tỉnh rượu, đang ngán ngẩm với một rừng chiều mịt mùng sương lam, trước giờ điểm, Linh đến gần tôi, cho tôi liều thuốc nhức đầu và nói với tôi một câu không hết ý như thế. Đánh bạn tù với Lịnh, tôi hay gợi đoán đến cuộc đời tình cảm bên trong của Lịnh và tôi ngờ Lịnh đã từng có một câu thề độc hoặc một nỗi oan khiên đối với rượu nên anh tránh rượu, dẫu rằng chỉ nhắp một tí để mọi người ở cảnh tù vừa lòng trong một cuộc họp mà chỉ có mượn đến rượu thì mới làm vui được thôi. Cơ thể người đàn ông nào – thứ nhất lại là đàn ông bị đi đày – mà lại không chịu được một chén hạt mít rượu trắng! Gia chi dĩ ở rừng tù, rượu, nếu uống theo một điều độ nào đó, lại còn có công dụng trị được sốt rừng và giá ngự sơn lam chướng khí nữa. Hẳn phải có một duyên cớ gì ghê gớm lắm thì cái người rất yêu cả trại đó mới không chiều anh em cùng hội và cơ hội bên đồn canh đến mực không chịu nhượng bộ như thế. Tôi cũng không gạn hỏi thêm Lịnh và không có mời Lịnh uống. Ăn chung mâm, bao giờ 2910 cũng chỉ ăn cơm và hễ cơm tù có rượu thì chỉ một mình 790 tôi uống thôi.
Lại một buổi chiều nữa, cuối xuân đất trích nhớ nhà, tôi say và 2910 ngồi cạnh lập-là tôi, xem tôi say. Thời tiết cuối xuân sang hè, rừng lim trổ hoa xám bỗng nổi cơn giông. Gió ngàn bị quấn trong kẹt thung lũng đâm ra cuồng và cứ vật mãi vào hàng rào nứa tép của đất tập trung. Gió xoay quanh căng chúng tôi đủ bốn hướng tám mặt. Mỗi lần gió đổi chiều, lướt qua những đầu nứa vát tréo nhọn, cái hàng rào lại rung lên như một cây phong cầm đồ sộ bị hiếp bởi một tay nhạc công cường bạo. Có những thanh âm gùn ghè gầm thét, có rất nhiều cung bực của than thở. Tôi không tách được tiếng rỉ rền nào là riêng của hàng rào nứa và tiếng oán tiếc thở dài nào là riêng của gió rừng biến động. Tôi chỉ biết tai tôi đang nghe một thứ nhạc đàn đầy thanh âm tấm tức. Gió giông không tìm được lối thoát lại càng nghẹn ngào và vật mình vật mẩy với mấy tường nứa rừng nhọn hoắt. Bỗng Lịnh để nhẹ tay vào vai tôi: “Này nghe nó như các khổ dựng của cây đàn dây ấy, 790 ạ”. Tôi vội đặt chén xuống.
Tôi nhìn trừng trừng vào mắt Lịnh. Tôi trông thấy rõ cái ảnh đảo ngược của tôi trong tròng mắt Lịnh. Tôi muốn cả người tôi đi thẳng vào ngưòi Lịnh bằng cách lọt qua hai cái lỗ của con người mở kia, để lòng tôi hoà chung vào giữa cái lòng Lịnh, trên một nỗi niềm nhớ nhung gì. Chừng như Lịnh cũng đoán được cái ý quái gở đó ở tôi, bèn nheo mắt lại và làm lệch nhỡn tuyến ra phía khác.
Thế rồi rừng rú tan trận gió cuồng. Và điệu đàn gió ngạt thở đang gục dưới hàng rào nứa tối dần với ngày tắt gió tắt nắng. Dư vị của bữa rượu tù nhớ trung châu để lại nơi đáy họng tôi một chất bồ kết. Lịnh bỏ tôi đấy, đi ra thang đu thể thao và bắt đầu đọc báo hằng ngày cho cả trại nghe.
Tôi cứ ngồi bệt đấy với chén rượu tàn. Câu nói vừa rồi của Lịnh đã như một thứ nước cường toan làm bốc khói độc ở một thứ kim khí trong người cũ tôi giắt theo lên đây.
Tôi vốn là một người hay la cà đắm đuối với tất cả những gì là đàn sáo ca hát. Hát bộ, hát chèo, hát gõ. Ca Huế, ca cải lương Nam Kì. Tôi đã đem một phần đời văn sĩ của tôi mà đặt vốn vào đàn hát. Lời lãi lấy về trong khoảng rung động, không phải là không có, nhưng hệ luỵ tự gây lấy, thực cũng không là ít vậy. Từ khi bị bắt, bị giam cầm ở ty Mật Thám rồi bị phát vãng lên chỗ rừng xanh, cái tâm sự ấy tôi đã hắt trả cho cuộc sống dưới đồng bằng. Ngày ngày ở căng làm việc tay chân – chém cây, ngả gỗ, đào đường, lợp nhà, đẩy nước, vân vân – thể xác quần quật nhiều, cũng chẳng còn mấy tâm tư mà nghĩ đến chuyện tơ trúc của thời tự do trước nữa. Vả chăng, có rảnh tâm lúc nào, thì lòng lại chỉ tràn ngập những lo lắng về nỗi ốm đau và ý chết vì nước độc vì tai nạn lao động trong rừng thâm. Một buổi chiều tù rừng nổi gió giao mùa, nỗi u hoài mở toang lòng tôi và không bị ngăn ngừa mảy may, câu so sánh của Lịnh vừa rồi đã xộc thẳng vào người tôi, làm tôi hoang dại ra mất vài hôm.
Rồi nó cũng qua đi. Cũng như bất cứ cái gì ở cuộc sống này. Có một chút gì còn lại, là tôi lại ngờ thêm được một điều nữa về thân thế Lịnh. Ngoài sự oan khiên về rượu, hẳn người bạn tù này còn đeo thêm một cái nghiệp trái về âm nhạc.
°

*

Cách đây ít hôm, một buổi lấy nước ở bờ sông, ông đội kéo riêng tôi ra một chỗ:
- Này, 790 có muốn nghe hát cô đào không?
-?
- Chuyện thực đấy mà. Để rồi rủ luôn cả 2910 nữa. Hôm trước mình đi phép có việc ăn khao ở nhà quê. Đem cái bài hát nói của 2910 làm ra nhờ cô đầu hát ở bữa tiệc đông, ai cũng khen hay, 2910 làm có cả mưỡu đầu mưỡu cuối. Lão cứ củ mỉ cù mì thế mà tài hoa đáo để. Này, không cái gì là không biết. Chắc trống 2910 cũng sắc tay lắm. Để ít hôm nữa, hàng cơ góp tiền thết tiệc ông Quản được lên lương có mời ca công về hát, tôi dàn xếp để một số anh em sang sông lấy cỏ. Vừa cắt cỏ quanh nhà ông Quản khao, vừa nghe hát cho nó đỡ nhớ những chuyện dưới xuôi. Nhá!
Thế rồi đúng vào hôm hàng cơ thết tiệc ông Quản khố xanh ở bên kia sông, chúng tôi sang sông cắt cỏ. Cắt cỏ là một việc nhàn nhã hơn là đi ngả gỗ. Cắt cỏ nghĩa là gần như đi du thuỷ du sơn và lại cắt ngay gần chỗ cái nhà có tiệc vui mà nghe vọng vào những tiếng đàn hát của mâm tiệc. Trong số mấy người cùng đi cắt cỏ, bấy giờ tôi mới nhớ ra là thiếu mất Lịnh 2910. Hôm qua như lời ông đội dặn khẽ, tôi đã bảo Lịnh là sáng nay thế nào cũng đứng vào kíp đi cỏ. Lịnh gật gật, tỏ ý hiểu rõ đến những chi tiết ngầm của việc sang sông này. Lịnh không có mặt ở đây lúc này, không thể là vì quên được. Chắc là vì một lẽ gì. Những chuyện bất trắc hằng ngày như thế trong cái đời tù, làm sao mà phòng ngừa tính trước cho hết được. Buổi chiều thuật lại cho Lịnh nghe về cái buổi “nghe hát” bên sông, Lịnh chỉ điểm vào những nét cười giao thiệp, chứ không tỏ ý kiến gì. Biết đến những điều này – ông đội lại kéo tôi ra chỗ vắng mà phàn nàn riêng: “Tôi chắc 2910 không muốn đi hôm đó. Ra điều rằng không được hoàn toàn là người chính hiệu của bữa tiệc ấy thì anh không dự. Những người có tài và có chí như các anh, có bao giờ có những cái thèm khát tầm thường. Tôi biết thế mà tôi cứ bảo các anh sang sông vì tôi tưởng rằng đấy cũng là một cách bất ngờ để giải trí cho các anh ở trên rừng này. Nhưng thôi, để hôm có cái bổng lớn, để hôm nào đủ tư cách, tôi sẽ tổ chức riêng một chầu hát, – cho nó xa đồn hơn nữa – rồi tôi sang trại máy riêng các anh đi. Mấy anh thôi. Tôi sẽ bịa với Tây rằng phải đi xa rừng, phải đem cơm đi, buổi trưa không về trại, cho nó nhiều thời giờ hơn. Hôm ấy, các anh sẽ đánh trống uống rượu, tự do như là lúc ở ngoài ở dưới xuôi ấy. Tôi cũng muốn có dịp nghe trống các anh lắm. Tôi đánh hẳn phải là quê hơn. Chắc rồi 2910 phải bằng lòng. Các anh không nên bận tâm về những chi phí. Cho một bọn thuốc phiện lậu đi lọt qua đồn này, thì là thừa tiền dùng chứ gì nữa. Đó là cái lộc của đồn rừng trấn thủ, chứ tôi cũng chả mang của nhà lên đây mà phá, các anh đừng ngại. Mấy khi lại gây được ra chuyện vui để giữ làm kỉ niệm chung, phải không anh! Mà tên lính nào ton hót với quản trại Tây, tôi đã có cách trị cho nó và có cách chống chế lại với Tây.”
Tôi lại đem câu chuyện này nói cho Lịnh biết. Lịnh biến hẳn sắc mặt. Và kịch liệt tuyên bố không dự: “Nhưng mà các anh không nên bận vì tôi. Và cũng đừng cho ông đội biết trước rằng tôi không đi hôm đó. Ngày mai tôi sẽ nói với anh trật tự cho tôi lên làm phụ bếp trên đồn, không đi rừng trong ít lâu vì người độ này cũng yếu lắm.”
Một buổi sáng rừng còn đọng sương. Ông đội hí hửng vào trại, nháy mấy người chúng tôi và nói to lên là lấy bọn tôi đi rừng chặt tre đực và phải đem cơm đi mà ăn buổi trưa trong rừng, đến chiều mới về. Chúng tôi hiểu ý. Đến lúc ông đội và chúng tôi tìm đến Lịnh, thì Lịnh đã lọt lên đồn giữ việc phụ bếp mất rồi. Ông đội tỏ vẻ thất vọng. Vì bây giờ sục được lên đồn để vào bếp lấy lại 2910 mà cho vào kíp đi rừng thì Tây nó đâm nghi mất. Ông đội hay đi lại với chúng tôi, vốn đã bị Tây nghi ngờ và để ý lắm rồi.
Chúng tôi đi sâu vào rừng, qua mấy làng Mường. Không có Lịnh, ông đội buồn ra mặt. Buổi trưa ấy, đốn tre xong, người lính riêng của ông đội có đem đến rượu và thức ăn thịnh soạn, nhưng không có cô đào hát. Ông đội cắt nghĩa: “Thôi để hôm khác, ta nghe hát vậy. Hôm nay chỉ đánh chén thôi anh em ạ”. Hình như ông đội biệt đãi riêng Lịnh và thiếu Lịnh thì ông không muốn bày ra chuyện trống hát nữa. Nhiều người vừa ăn uống, vừa tỏ ý oán ghen với Lịnh. Trại an trí, sau cái buổi họp trưa giữa rừng ấy, Lịnh hụt đi một số cảm tình. Riêng tôi thì tôi chỉ thấy Lịnh có tính gàn. Và ích kỉ nữa. Ừ, mình không thích, nhưng một số anh em đã thích, thì sao lại nên có cái thái độ ấy!
Chuyện trống hát ở giữa rừng cũng không bao giờ có nữa. Và cũng chẳng ai mong đợi hoặc nghĩ đến. Mùa nước độc đã đến, – lá lim, quả ngái rụng xuống mặt suối kể đã nhiều – ai cũng chỉ còn lo ốm thôi.
Bỗng một buổi chiều nắng như quay chín được người, tự nhiên Lịnh đem chuyện hát ả đào ra thủ thỉ với tôi. Anh thông thạo lắm. Lịnh nói qua về cái thái độ anh đối với việc ông đội muốn bầy điều vui bữa nọ. Anh kết luận: “Chắc anh cũng hiểu nhầm tôi”.
Rồi tiếp, giọng xa vắng: “Tôi có một cuốn vở viết. Không hiểu tại sao nó lại theo tôi lên đây. Trong túi dết này. Anh cầm lấy mà đọc. Không có gì là dài cả”.
Tôi chui vào một bụi lau cao.
Vở mở bằng một trang đề: “TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC”, dưới đề chua một dòng nhỏ: “Ai hay hát mà ai hay nghe hát.” Vở nhàu bẩn. Chữ đúng là tự dạng Lịnh, sắc và gọn.