Chương 11

--Hạnh Dung ơi! Chị về tới rồi nè!
Vừa đặt chân vào cái quán cốc nhỏ nhà dì Hai, Hạnh Kiều đã cất tiếng gọi em.
Hạnh Dung từ trong nhà bước ra, trông thấy chị, cô kêu lên mừng rỡ:
--Chị tư! Chị mới về hả? Trời ơi, lâu ngày không gặp, bữa nay em trông chị trắng da, dài tóc, gương mặt hồng hào, đẹp hơn lúc trước nhiều...
Hạnh Kiều phì cười:
--Cái con nhỏ này, giỏi nhất là tài nịnh người ta thôi! Đừng khen nữa, chị có quà đặc biệt cho em nè.
--Hay quá!
Hạnh Dung vỗ tay reo mừng như trẻ con.
Hạnh Kiều kéo túi xách, lấy cái hộp lớn trao cho em gái. Hạnh Dung mở ra, kêu "ồ" lên một tiếng, vẻ mặt sung sướng rạng ngời. Chị Kiều đã mua cho cô bộ áo dài màu tím mồng tơi có thêm lá trúc, đó là màu mà cô thích nhất từ trước đến nay. Đi kèm với xấp vải là một xâu chuỗi tuyệt đẹp.
Hạnh Dung xuýt xoa:
--Thật tuyệt vời! Em cảm ơn chị nhé, chị tư!
--Dì hai đâu sao không thấy vậy Dung?
--Dì Hai vừa đi chợ lấy hàng... ơ kìa, chị tư!
Theo tay chỉ của em, Hạnh Kiều nhìn ra ngoài cửa. Dì Hai đang đi vào con đường đất nhỏ, hai tay xách hai giỏ đồ nặng trĩu.
Hạnh Kiều thấy vậy liền chạy ra phụ với dì một tay. Gặp cô, dì lộ vẻ mừng:
--Mới về đó hả Kiều? cháu đi hồi nào mà về tới đây sớm vậy?
--Dạ, cháu đi chuyến xe bốn giờ sáng. Dì khỏe không, dì Hai? Buôn bán ra sao?
--Sức khỏe dì vẫn tốt, dạo này buôn bán cũng đựơc lắm Kiều à. Nhờ có Hạnh Dung phụ việc với dì nên buôn bán đắt hàng và thuận lợi lắm. Mai mốt cháu khỏi gởi tiền về hàng tháng nữa, để dì lo cho nó được rồi.
Hạnh Dung xen vào:
--Con cũng từng viết thư nói với chỉ như vậy, nhưng chị Kiều nói con còn trẻ, không nên để dì phải gánh nặng vấn đề cơm gạo, vả lại chị ấy còn dành dụm được thì để chỉ phụ với dì chút ít lo cho con...
Vào nhà rồi, Hạnh Kiều nhìn quanh và hỏi:
--Dượng Hai với anh Quang đâu, sao con không thấy hở dì?
--Ối! Hai cha con ổng đi Mỹ Tho ăn đám giỗ, không chừng mai chiều gì mới về. Có cháu về thăm, dì thấy vui lắm! Mấy bữa nay Hạnh Dung nó than buồn và nhớ cháu nữa. Dì có hứa, nếu nó đậu đại học dì sẽ cho nó tiền lên thăm cháu đó Kiều à.
Hạnh Kiều nhìn em:
--Em ráng học cho giỏi đi nha! Thi đậu rồi, chị sẽ dành một tuần lễ đi đây đó với em. Lên chỗ chị, em sẽ thấy nhiều bất ngờ đầy thú vị...
Hạnh Dung hớn hở:
--Thật vậy à? Được! Em sẽ cố gắng có kết quả học tập tốt để khỏi phụ lòng dì Hai và chị đã chăm lo cho em trong bấy lâu nay...
Hạnh Kiều lấy trong giỏ ra một túi trái cây lớn và các thứ khác nào là sữa, đường, bánh ngọt, trao cho dì Hai.
--Dì à, đây là chút quà mọn con mua cho dì... À! Còn nữa! Con tặng dì cái khăn choàng này đây.
Vừa nói Hạnh Kiều vừa đưa bà dì một gói giấy nhỏ, bên trong đựng chiếc khăn bông mềm mại. Dì Hai nhận quà, cảm động nói:
--Hạnh Kiều, lâu lâu cháu rảnh về thăm dì và em cháu thì cũng đáng quý rồi, bày đặt mua quà cáp làm chi nhiều vậy, bộ cháu làm việc không biết mệt hay sao?
--Dạ, cháu biết, nhưng lâu lắm cháu mới về quê một lần, chút quà có đáng gì đâu, đó chỉ là tấm lòng của cháu, mong dì không từ chối.
--Thôi được rồi, cháu thu dọn đồ đạc rồi đến chiếc đi văng kia nằm nghỉ một chút cho khỏe, đường xe mệt mỏi lại ngồi xe suốt mấy tiếng đồng hồ - Hay là cháu ngủ lại một chút đi, để dì với Hạnh Dung làm cơm, chừng nào xong sẽ gọi cháu dậy ăn Kiều nhé.
Hạnh Kiều mỉm cười:
--Dạ, cám ơn dì Hai, cháu không thấy mệt mỏi gì đâu, ai lại để dì nấu sẵn cho ăn chứ. Cháu là cháu gái của dì chứ có phải khách khứa gì đâu, dì cứ mặc kệ cháu, nếu thấy mệt cháu sẽ tự động tìm chỗ ngã lưng mà...
Hạnh Dung xen vào:
--Dì Hai, dì thấy chưa? Chị tư lên thành phố chưa đầy một năm thì con người chị ấy đã thay đổi rồi, bây giờ trông chị ấy thật là chững chạc.
Dì Hai gật đầu:
--Phải đó! Người mỗi ngày một trưởng thành thì cách suy nghĩ, cách biểu lộ tình cảm và ngôn ngữ cũng phải khác đi chứ! Ai như cháu, sắp vào đại học rồi mà cứ như trẻ con, lại còn hay "mè nheo" nữa chứ. Cháu nên học cách làm người lớn của chị cháu tốt hơn.
Hạnh Dung dẩu môi:
--Thôi, cháu không ham làm người lớn đâu dì! Làm người lớn thì có gì vui chứ! Chỉ toàn là những toan tính lo âu, lại còn phải gánh vác đủ thứ. Theo cháu thì, làm một người vô tư vẫn sướng hơn nhiều!
Hạnh Kiều lườm em:
--Nói như em là sai! Chẳng lẽ em cứ như thế này mãi cho đến già sao hả? Ai mà chẳng đến lúc trưởng thành! Cho dù mình không muốn thì cũng phải chịu thôi. Như em đó, nếu thi đậu đại học thì năm tới đã là sinh viên rồi, đâu còn gọi là học sinh nữa.
--Thôi, hai chị em đừng ở đó tranh luận nữa. Hạnh Kiều nếu không mệt thì giúp dì một tay làm bếp nhé, còn Hạnh Dung cháu soạn hàng hóa ra trưng bày vào tủ kính giúp dì. Làm nhanh tay lên để còn ăn cơm.
Nghe dì Hai lên tiếng thúc giục, chị em Hạnh Kiều không ai nói gì thêm, cả hai đều tập trung vào phụ giúp dì.
--Anh hai, anh ba dạo này thế nào rồi hả Dung? Lâu rồi chị không gặp hai ảnh, còn em có tin tức gì về họ không?
Hạnh Kiều hỏi em gái khi hai chị em nằm chung nhau một chiếc giường, lúc trời xẩm tối. Hạnh Dung gác một tay lên trán, nghĩ ngợi mông lung. Đợi chị lập lại câu hỏi lần thứ hai, cô mới đáp thật khẽ:
--Anh hai thì đã có vợ rồi chị ạ. Hai người tự sống với nhau, không có kết hôn. Chị dâu của mình thường trú ấp Bắc, thành phố, em sẽ đưa chị tới nhà anh chị hai cho biết.
Hạnh Kiều sửng sốt. Cô không bao giờ nghĩ rằng anh hai cô lại sớm có vợ như vậy. Chống một tay nâng đầu lên cao, Hạnh Kiều nghiêng người hỏi Hạnh Dung:
--Hả! Anh hai có vợ rồi ư? Sao không ai cho chị hay hết vậy? Rồi.. ảnh ở luôn bên quê vợ không về à?
Hạnh Dung thở dài:
--Ảnh không có nói gì với ai hết, có một lần ảnh đưa vợ về ra mắt dì hai, và dặn em đừng viết thư cho chị, để khi chị về rồi hẳn nói cũng chẳng muộn màng gì. Anh hai bảo rằng, ảnh lấy vợ không có đám cưới, hãnh diện gì đâu mà khoe khoang.
--Thế còn bên gia đình cô dâu? Bộ.. bộ họ chấp nhận như vậy hả?
--Chị hai cũng mồ côi cha mẹ, sống với ông bà nội, hoàn cảnh cũng khó khăn như mình. Chị ấy đi làm nhân công lò gạch rồi gặp anh hai và hai người tự sống với nhau, sau đó mới nhận tội với ông bà nội chị ấy. Hai cụ chẳng làm khó dễ gì, còn chấp nhận cho anh hai ở chung để vợ chồng cùng đâu lưng gánh vác làm ăn!
Hạnh Kiều gật đầu:
--Như vậy cũng tốt. Quan trọng nhất là anh hai và chị ấy thật lòng thương yêu nhau. Biết đâu họ sẽ sống hạnh phúc đến bạc đầu, sau này sẽ làm ăn phát đạt. Còn hơn những người đám cưới rình rang rồi chỉ vài ba tháng sau là ly dị nhau...
--Em không tán thành quan niệm của chị như vậy đâu, chị tư. Vì hoàn cảnh thì có thể thông cảm, nhưng không nên khuyến khích những cảnh ngộ này mà! Bất đắc dĩ thôi! Dù sao có một cái lễ ra mắt vẫn hay hơn chứ! Một chén trà, một chum rượu lạt cũng đủ để tuyên hôn rồi. Nói như chị vậy hóa ra chị ủng hộ những cuộc sống chung không hợp pháp hay sao? Thà là đám cưới nghèo, còn tốt hơn không có.
--Em bảo có gì mà không hợp pháp hả Dung? Cho dù không tổ chức lễ cưới, anh chị hai vẫn có thể đăng ký kết hôn mà. Chẳng lẽ họ... họ không làm hôn thú hay sao?
--Việc này thì có, nhưng em cảm thấy dường như anh hai ảnh không vui. Lần đó ảnh nói với em là nếu ảnh không làm ăn phát đạt, thì ảnh sẽ không về đây đâu.
--Như vậy là ảnh có chí hướng đấy chứ.
--Thế còn anh ba? anh ba thì sao?
--Đã lâu rồi em không có tin tức gì về ảnh. Có một lần anh hai đi tìm hỏi thăm thì được biết ảnh theo mấy người bạn đi làm ở công trường thành phố...
--Bộ ảnh không viết thư về hay sao?
--Nếu có thì em đã biết ảnh ở đâu rồi, hiện em cũng mong tin anh ba lắm!
Hạnh Kiều chép miệng:
--Nhà chỉ có bốn anh chị em, mà mỗi người lưu lạc một nơi, nghĩ cũng buồn ghê há, Hạnh Dung?
--Trong số bốn người, kể ra chỉ có em là người may mắn nhất, được ở lại quê nhà, được sự đùm bọc thương yêu của dì Hai, lại không phải làm lụng vất vả vì có chị chu cấp. Em nghĩ lại càng thẹn cùng lương tâm...
Hạnh Kiều động viên em:
--Có gì đâu mà thẹn hả Dung? Em còn đang ngồi ghế nhà trường, đâu ai trách em chuyện này được. Nếu như em có chí, muốn báo đáp tình yêu thương của những người thân, thì phải gắn vào được đại học, tốt nghiệp rồi tìm một chỗ làm để tự lo thân...
--Chị tư! Chị không cần nhắc em việc học, em biết tự lo liệu cho mình. Tương lai và hy vọng em đặt hết vào đấy, làm sao dám lơ là được chứ!
Hạnh Kiều vuốt nhẹ làn tóc mượt mà của Hạnh Dung, giọng cô thật dịu dàng:
--Em biết nghĩ như vậy, chị thấy rất vui lòng. Thôi, trời đã khuya rồi, ngủ đi để mai còn phụ dì Hai bán hàng nữa đó. Nhắm mắt lại đi nào!
Nói đoạn Hạnh Kiều đưa tay vuốt nhẹ vào mi mắt Hạnh Dung, hệt như những ngày cô còn bé, Hạnh Dung mỉm cười, đôi mắt đẹp khép lại tìm giấc ngủ. Một lát sau, Hạnh Kiều đã nghe thấy tiếng thở đều của em. Cô khẽ lắc đầu: "con bé này đúng thật là vô tư! Hễ nói ngủ là ngủ, không có gì cần phải suy nghĩ. Phải chi mình cũng giống như nó thì hay biết mấy!" Hạnh Kiều xoay lưng lại, cô cũng nhắm mắt nhưng lại không tài nào ngủ được. Lòng cô đang nghĩ đến một người