Chương 19

- Cô Uyên.
Dì Thuần gọi khẽ. Uyên vẫn thừ người ra như đang suy nghĩ xa xôi một điều gì.
- Cô Uyên! - Dì lặp lại, rõ hơn.
Uyên giật mình. Cô sực tỉnh nhìn quanh và nhận ra cô đang ngồi ở quầy. Có lẽ đã quá trưa, nên khách muộn còn vài bàn.
Cô ngẩng lên với dì Thuần:
- Có việc gì vậy dì?
Dì chìa ra tờ hóa đơn thanh toán:
- Cô Uyên, phiếu tính tiền này viết lộn rồi.
Trong lúc Uyên bối rối dò lại để sửa, dì nhìn cô e ngại:
- Dì trông cô có vẻ mệt mỏi lắm. Nếu không khỏe, cô cứ về nhà nghỉ đi. Để ở đây dì lo cho được rồi.
Uyên ngần ngừ. Dì cười thông cảm:
- Chắc sắp đám cưới nên nhiều chuyện lo lắng phải không?
Uyên cười gượng, cô không đính chính câu hỏi phỏng đoán của dì. Hôm qua ở văn phòng Hội, Trường và Minh Thư cũng đã trêu ghẹo khi thấy thái độ lo ra đến thẫn thờ của cô, họ cũng nghĩ như dì Thuần, cho là Uyên vì hồi hộp, vì lo lắng cho lễ cưới sắp tới.
Uyên lắc nhẹ đầu. Cô muốn tỉnh táo, nhưng càng suy nghĩ, càng rối thêm. Cô gọi dì Thuần:
- Có lẽ cháu mệt thật. Nãy giờ cháu đã ghi sai đến ba phiếu rồi.
- Vậy nghe lời dì, cô Uyên về nghỉ đi.
Uyên gật đầu:
- Dạ phiền dì.
Cô với tay lấy túi xách, chào dì Thuần và mấy nhân viên rồi rời quán.
Cô uể oải ngoắc một chiếc Taxi chạy trờ đến. Không khí mát lạnh với hệ thống điều hòa trong xe làm dịu đi cái nóng bức của xế trưa với ánh nắng gay gắt bên ngoài, làm dịu cả tâm trạng nặng nề của Uyên.
Trúc đã đi Hà Nội mấy ngày nay, chiều mai là ngày anh hẹn về. Suốt thời gian làm việc ở xa, tối nào anh cũng gọi điện về cho cô. Những cú điện thoại một chiều. Vì chỉ có anh nói chuyện lan man và hỏi, cô thì trả lời, những câu trả lời gọn, đơn giản.
Thoạt đầu anh không để ý, cứ huyên thuyên nào là áo cưới cô đã chọn được chưa vì chỉ còn nửa tháng, e tiệm may không chịu nhận. Anh cứ nhất định rằng áo cưới của cô phải may để chỉ có cô mặc và là chủ nhân duy nhất của chiếc áo ấy, anh phản bác ý kiến đi mướn áo của cô, để rồi khuân về cả chồng catalogue bắt cô chọn kiểu. Hết chuyện áo cưới anh lại nói qua chuyện nơi nào họ hưởng tuần trăng mật, rằng cô nên xin nghỉ mười ngày cho chẵn... Nhưng cuối cùng, anh cũng nhận ra sự khác lạ của cô, anh cuống quýt khi nghĩ cô như hờ hững với cái đám cưới sắp tới. Anh thắc mắc sao cô không hỏi han gì anh...
Uyên cười buồn. Cô có cả một câu có dấu hỏi to tướng dành cho anh, nhưng lại không dám hỏi. Cô e sợ anh không thể trả lời được câu hỏi của cô.
Linh tính phái nữ làm cô hoang mang. Cô nhận ra dường như dạo gần đây, anh dấu giếm cô một điều gì đó. Suốt thời gian rảnh rỗi, anh đều ở bên cô, vui đùa với cô về đám cưới hai người, nhưng đằng sau sự vui vẻ đó, anh như có một tâm sự gì, một uẩn ức gì đó được nén chặt lại, được kềm giữ lại để không bộc phát.
Đã quen và yêu anh, Uyên hiểu rõ anh, đủ để biết rằng anh là một người nóng tính và cương quyết. Anh khó mà chịu đựng một sự việc không rõ ràng nào. Vậy mà, với lần này... Đó là chuyện gì nhỉ?
Còn một điểm thắc mắc nhỏ khác mà Uyên vừa nhận ra. Dường như công việc làm ăn của anh đang có rắc rối, thời gian anh đến với cô nhiều hơn. Chuyến đi Hà Nội này, anh không cho cô ra phi trường tiễn, cũng không cho cô biết số điện thoại chỗ trọ để cô liên lạc, viện cớ rằng anh đi suốt, rằng mỗi tối anh sẽ gọi cho cô...
Người tài xế lên tiếng nhắc Uyên, cô mới biết mình đã về đến đầu ngõ. Cô đi về nhà, đầu cúi xuống để tránh ánh nắng rát da với chiếc ví che bóng trên đầu. Cô không nhìn thất trước nhà mình có hai vị khách. Có lẽ gọi cửa không được, họ đã định quay ra, nhưng nhận ra dáng Uyên, nên họ đứng lại chờ.
- Xin lỗi, cô là cô Uyên?
Người đàn bà lên tiếng trước. Uyên giật nảy cả mình vụt buông rơi chiếc ví.
Sát cánh cổng nhà cô, dưới rào hoa giấy, một người đàn bà phốp pháp trong chiếc áo mút xơ lin màu đen, như một vật thể u ám của trưa hè nắng gắt. Bà ta nhìn Uyên lạ lùng trước sự hoảng hốt của cô.
- Cô là Uyên phải không?
Bà ta lập lại, cao giọng hơn.
Uyên cúi xuống nhặt lại ví. Cô đứng thẳng lại, nhìn người đàn ông nho nhỏ đang lảng tránh ánh mắt giận dữ của cô. Đến mấy giây sau, cô mới trả lời, rõ ràng:
- Tôi là Uyên.
Người đàn bà nghếch mặt lên:
- Chúng tôi muốn trò chuyện với cô. Có thể vào nhà được không?
Uyên dời mắt qua bà ta, nghiêm trang nói?
- Xin hỏi, là chuyện gì?
Bà ta cười nhạt:
- Tôi nghĩ cô tiếp chúng tôi trong nhà tiện hơn đấy.
Uyên chậm rãi lắc đầu:
- Nếu bà cho tôi một lý do để tôi tiếp ông bà.
Người đàn ông sau lưng bà ta liếc nhìn cô, ánh mắt cú vọ như thú vị trước sự ương ngạnh của cô. Còn bà ta có lẽ tức giận, quai hàm bạnh ra:
- Cô mà biết được chúng tôi là ai, nội dung buổi nói chuyện này, cô sẽ không còn cái kiểu làm phách và lì lợm này đâu.
Uyên nhếch miệng:
- Vậy sao? Vậy ông bà là ai?
Bà ta liếc ra sau, nhường lời cho người đàn ông. Ông ta tằng hắng và cất giọng như âm thanh rắn rít:
- Chúng tôi là cậu mợ của Quân Trúc.
Uyên sững sờ. Cô vừa nghe thấy điều gì? Người đàn ông đáng ghê tởm trước mặt là cậu ruột của Trúc sao? Bác sĩ Kiên, con quỷ ám cứ hành hạ tinh thần cô lại là người thân của anh?
- Chúng tôi muốn nói chuyện với cô về thằng cháu của chúng tôi.
Uyên đưa mắt lạc thần nhìn từng người. Rồi cô trấn tĩnh, lục chùm chìa khóa trong ví ra mở cửa khóa cổng.
- Mời vào! - Cô bình tĩnh hơn, mở rộng cửa.
Hai vợ chồng, ông Kiên và bà Thúy, kẻ trước người sau lần lượt vào nhà.
Uyên ngồi đối diện hai người, lấy lại tự chủ và phong thái của chủ nhà. Cô im lặng chờ đợi. Sau khi ngắm nghía xoi mói khắp phòng khách nhỏ bé, nhưng gọn ghẽ và thanh nhã của cô, bà Thúy - người đàn bà mở lời trước:
- Cách đây non tháng, chúng tôi có được nghe Quân Trúc báo là muốn lấy vợ, và người đó là cô.
Bà ngừng lại ở đó, chăm chú nhìn Uyên. Cô vẫn không biểu hiện gì, mặt kín bưng lắng nghe. Bà nói tiếp:
- Chúng tôi là cậu mợ ruột và là những người thân duy nhất của Quân Trúc còn ở lại Việt Nam. Cả gia đình nó lẫn dòng họ hầu hết đều ở nước ngoài, chắc cô có biết?
Uyên gật đầu. Cô nghiến rằng thầm nhủ, mình phải bình tĩnh, nhưng ánh mắt của ông Kiên cứ dán thật chặt vào gương mặt, vào cử động của cô làm cô muốn nôn mửa.
Giọng bà Thúy cứ vang vang:
- Không cha có chú, nên chúng tôi đương nhiên phải có trách nhiệm với đứa cháu của mình. Hôn nhân là chuyện cả đời nên chúng tôi rất ngạc nhiên khi Quân Trúc về Việt Nam chưa lâu lại quen biết và quyết định kết hôn với cô gấp như vậy, tính từ ngày nó báo cho chúng tôi cho đến ngày hai người dự định cưới nhau sắp tới thì chưa được hai tháng.
Uyên bắt đầu khó chịu với cách rào đón dài dòng của bà vợ Ông Kiên:
- Cuối cùng rồi và muốn nói những gì? Xin cứ nói thẳng.
Ánh mắt bà Thúy thoáng có nét giận vì Uyên làm cụt hứng bà. Bà cao giọng hỏi:
- Tôi muốn hỏi cô Uyên một điều then chốt.
Đã biết trước mối ác cảm của hai người trước mặt đối với mình, Uyên chờ đợi đối phó.
- Xin cứ việc. - Cô nói.
- Cô có thật sự yêu Quân Trúc?
Uyên cười khẩy, nhìn hướng khác:
- Bà thật hỏi một câu quá thừa.
Bà Thúy gật đầu ngay:
- Tốt. Câu trả lời gián tiếp của cô cho tôi biết cô muốn nói cô yêu nó.
Uyên nhướng mắt lặng thinh. Cuộc đối thoại làm cô bắt đầu chán và bực mình.
- Bà cứ nói ra ý của mình cho rồi. - Ông Kiên lên tiếng.
Bà Thúy liếc xéo ông và nói một tràng:
- Nếu vậy cô hãy nhìn lại cô đã làm gì cho nó. Cả gần tháng nay, nó mất việc, và sau đám cưới tôi bảo đảm sự việc sẽ còn tệ hơn, có kinh nghiệm làm việc về thiết kế, nó sẽ không bao giờ chịu nổi và chấp nhận làm việc tay chân bình thường, mà những công việc chuyên môn của nó thì sẽ đóng cửa với nó, nếu nó lấy cô. Hãy thử nghĩ xem, nếu vì tình yêu thì đừng làm hại nó như vậy, còn nếu vì tiền thì, xin lỗi cô, gia đình nó hoàn toàn không chấp nhận cô là con dâu. Và sẽ không bào giờ có chuyện gởi tiền hay giúp đỡ gì nó, nếu nó cãi lời lấy cô làm vợ.
Bà Thúy ngưng một chút, để dò xét trên gương mặt Uyên, rồi bà giở luôn những quân bài cuối:
- Tóm lại, chúng tôi đại diện gia đình nói khuyến cáo cô hãy buông tha lấy nó, hãy để nó yên. Loại người như cô đừng mơ dụ dỗ để được cái đám cưới, hãy trở về vị trí tình nhân như trước kia, nếu điều tôi biết là chính xác thì cô đã từng bồ bịch với một vài người đàn ông trước thằng Trúc.
Bà cười khoái trá khi thấy vẻ mặt tái nhợt của Uyên:
- Đừng tính sai nước cờ nhé, cô Uyên.
Uyên khàn giọng:
- Quyết định cưới nhau là từ cả hai chúng tôi, Trúc và tôi. Tại sao ông bà không đợi đến chiều mai Trúc về, để nói chuyện? Ông bà nghĩ gì khi đến đây tự nhận mình là cậu mợ của anh để nói những lời khó nghe và khó tiếp nhận như vậy? Nếu ông bà thật sự là cậu mợ của anh ấy, tôi thật sự muốn biết ý kiến của anh ấy về vấn đề này.
Bà Thúy quắc mắt:
- Cô nghĩ chúng tôi không phải là cậu mợ của nó?
Uyên cười nhạt:
- Nếu có Trúc ở đây, dĩ nhiên tôi đâu dám nghĩ như vậy. Nhưng thú thật - Cô nhìn thẳng vào ông Kiên - Tôi không thể nào tin nổi ông lại là cậu ruột của anh ấy.
Bà Thúy ngạc nhiên quay nhìn ông chồng. Ông cụp mắt lại, lúng túng.
Uyên cay đắng:
- Nhưng trái lại, tôi lại tin nếu ông nói ông là tác giả của sự việc Quân Trúc liên tiếp bị mất việc. Tôi tin điều ấy. Vì nếu hành vi bỉ ổi bắt nguồn từ bản chất một con người thì tất nhiên có thể lập lại theo cách khác.
Bà Thúy trợn mắt nhìn Uyên, rồi lại nhìn ông Kiên nghi ngờ:
- Có chuyện gì vậy? - Bà hỏi chồng. Ông Kiên làm thinh. Bà lập lại - Đã có chuyện gì trước đây? Cô ta biết chuyện gì?
Uyên mím môi. Vậy là đã rõ. Hai vợ chồng ông Kiên chính là nguyên nhân làm Trúc lo lắng dạo này. Họ đã phá những công việc của anh. Uyên nghiêm giọng:
- Ông bà thừa nhận mình đã cản trở không cho anh ấy có chỗ làm?
Đang hằm hằm nhìn chồng chờ câu trả lời hoài không được, bà Thúy nổi nóng quay ngoắt lại với Uyên
- Phải thì sao? Chúng tôi làm đó. Và chúng tôi còn làm hơn thế nữa. Thằng Trúc sẽ không có chỗ mà làm, không có nơi mà ở, nếu nó lấy cô. Nó chỉ có con đường duy nhất là về nước thôi.
Uyên lắc đầu, mắt sáng rực:
- Bà lầm rồi. Quân Trúc không dễ dàng thua cuộc đâu. Anh ấy sẽ có việc. Bằng chứng là anh ấy vẫn làm công việc thiết kế ở Hà Nội. Chúng tôi sẽ vẫn kết hôn. Nếu việc làm khó khăn, anh Trúc sẽ kiếm việc khác. Tôi cũng có nghề nghiệp ổn định. Chúng tôi không sợ ông bà đâu.
Bà Thúy phá lên cười:
- Công việc ở Hà Nội? Cô sắp làm vợ nó mà hời hợt đến nỗi nó nói láo mà cô cũng tin. Cô là thứ vợ sắp cưới gì kỳ lạ vậy? Thằng Trúc không có việc gì làm ở Hà Nội, mà chính là nó phải bay về Úc để binh vực cô trước gia đình.
Bà nhếch miệng ra vẻ thương hại:
- Nhưng bọn tôi biết chắc kết quả rồi. Ba mẹ nó quá biết tính bụi đời và bốc đồng của nó. Thêm vào đó là tin tức về cô do anh Kiên cho biết. Cô thử nghĩ họ tin vào em trai mình hay tin lời thằng con khờ khạo đang bị u mê dẫn dụ?
Uyên ngồi sững, không thể ngờ đến điều này. Trúc không ở Hà Nội, anh đã dối cô để về Úc? Cha mẹ anh khó tính và đã ghét bỏ cô ra sao, để anh phải phân trần như vậy?
Bà Thúy có lẽ nói đúng. Bất kể em trai xấu xa, ghê tởm ra sao, họ tất nhiên phải tin hơn đứa con trai vì yêu mà binh vực người yêu. Chưa kể ông bà Kiên còn đặt điều cho cô nhiều hơn nữa, họ đã quyết định phá cuộc hôn nhân này, đến cháu trai mà họ còn triệt đường sinh sống thì cô là cái gì mà họ nương tay.
Chừng thấy Uyên hiểu rõ vị thế yếu kém của mình và đang thấm thía với đòn phép của mình, bà Thúy đứng dậy:
- Giờ chắc cô đã hiểu rõ vị trí của mình rồi chứ? Biết khôn thì buông thằng Trúc ra đi. Đi mà mồi chài người khác.
Uyên ngẩng phắt đầu lên, mắt hằn uất ức. Bà Thúy hoảng hốt, tự nhủ mình đã đi quá xa, bà bước lùi sang kéo tay chồng:
- Thôi ta về. Ngồi đó làm gì? Nói bao nhiêu đó đủ rồi.
Ông Kiên ném cái nhìn cuối vào Uyên. Trong cơn giận, cô lại có một vẻ đẹp rất khác lạ, rất thu hút. Ông theo bà vợ ra khỏi nhà Uyên, thầm hài lòng vì vai trò phụ mình đóng quá đạt, hài lòng vì dáng ngồi cô đơn, thua cuộc của Uyên. Ông tin chắc sau trận nói chuyện đầy môi mép của vợ, cô sẽ rời xa Trúc, cô sẽ lại một mình.
Ông chỉ tiếc mỗi một điều là bà Thúy kè ông sát quá, ông không thể nói câu nào ngọt ngào với cô. Ông chép miệng, thôi thì ráng chờ một thời gian ngắn, cho sự việc nguôi đi cái đã. Miếng mồi xinh xinh sẽ còn đó, lo gì!