P 10 - P 11- P12 - P 13

10
Khi chúng tôi chuyển đến khu tập thể có nhiều năm tuổi xây cất trên khu đất nghĩa địa Tây đen, thì đã gặp gia đình anh Hội. Anh là một trong những hộ đầu tiên, khi chưa ai muốn ở nhà tập thể, lại xây ở nghĩa địa, được phân đến ở. Tuy vậy trên giấy tờ phân phối thì toàn trí thức, gia đình có công... được phân nhưng chưa thấy ai đến. Anh Hội đến ở đây như một số phận. Đông con, làm thợ lâu năm, thừa tiêu chuẩn. Mệnh kim, cứng, ngay thẳng, lại toàn con trai, tức là dương khí, chẳng sợ một cái gì cả.
Nhưng ban đầu trước mắt mọi người có phần ngại gia đình anh Hội. Người bố đang tuổi, về hưu non, đàn con trai đông, cũng khó kiếm công ăn việc làm. Từ hộp nhà đông đúc thực chất là chỉn chu lại luôn vang lên mấy tiếng “Kệ mẹ nó”. Trong khi các nhà khác im thít, khôn ngoan, nhất là hai ông chức cao, lương cao, một làm ở thành phố, một ở Tổ chức Quận.
Cho đến một ngày thằng Hiếu, một trong mấy đứa con trai ngỗ ngược của anh, nối dây lửa vào vòi nước máy công cộng, nhiều người cầm vào bị giật, trong đó có mẹ tôi. Tay đang ướt, vặn vòi nước, giật tung người trong khu vệ sinh tập thể. May điện ngày ấy chỉ 110 vôn. Mọi người càng gờm nhà anh Hội.
Nhưng mẹ tôi và tôi không ngán anh Hội. Bấy giờ mất điện suốt ngày, đầu hôm chỉ như đom đóm. Chỉ nửa đêm về sáng thì điện mới hồi sức được chút. Mẹ tôi bảo: “Già rồi đau nhức không ngủ được, mới hiểu bố Hội, thương bố Hội. Trong khi ai cũng ngủ như chết thì mình bố Hội thức, bấy giờ mới có điện để chữa đồ điện, quấn mô tơ. Ngọn đèn đỏ sáng cháy bên mái tóc đã chớm bạc rồi. Chẳng ai làm thâu đêm, làm tận lực như bố Hội”.
Tôi thì hiểu anh Hội qua những mớ dây điện tập thể mắc chằng chịt đến trời cũng không tìm ra mạch được. Điện thời ấy như hơi thở. Sống phố xá mà không có điện thì thở sao được. Chỉ anh Hội là người tìm ra đầu mối để câu chỗ này, câu chỗ kia. Đến bữa ăn thì có chút sáng cho tầng nhà. Nhà nào có việc như việc hiếu, việc hỉ thì được dành cho. Điện cũng vậy, nước cũng vậy. Tức là phải tự lực, phải tự làm lấy. Tức là phải ăn cắp. Chúa bảo: Con thiếu mà lấy, biết hối thì không có tội. Anh Hội như một đứa con của Chúa. Lấy được nước, được điện thì tất cả hể hả. Đến khi xẩy chuyện, tức có người báo, người kiểm tra thì hai ông chức cao ở quận, ở thành phố chui tọt vào nhà trốn trước. Chỉ có anh Hội đương đầu, với những lý lẽ này nọ. Đương nhiên chẳng bao giờ anh Hội thắng, nhưng nó biểu hiện phẩm chất dám đương đầu, dám sống, dám ngay thẳng. Nếu không thì hộp nhà toàn người già trẻ con, những người đàn ông có lương có chức mà chui lủi, khôn vặt. Sau mỗi lần như vậy ngọn đèn bên nhà anh lại chong suốt sáng, bên mái đầu chớm bạc. Như vọng lên từ đó mấy tiếng “Kệ mẹ nó”. Tôi hiểu anh Hội từ đó.
Mẹ tôi và mẹ anh Hội chơi thân với nhau. Nhiều hôm mất điện, hai cụ nói chuyện thầm. Bà cụ bên anh Hội thường nói: “Tôi chỉ tiếc cho nó học ít cái chữ, bà ạ”. Mẹ tôi thì nói: “Nhưng bố Hội có tình, có trí lắm”.
Mẹ tôi thường nói, rất hiểu anh: “Bố Hội từng thợ đèn, lòng dạ sáng như đèn, lại ưa sự chính xác tuyệt đối như những cỗ máy chính xác. Làm việc với người đời nay khó lắm, khổ là phải”. Hiểu nhau thì quý nhau. Dạo này mẹ anh Hội và mẹ tôi chuyển qua mùa lạnh, yếu nhiều. Anh Hội chăm thắp hương trên bàn thờ và tối tối nâng kích ngọn đèn đom đóm bằng cái survontơ do anh chế được, để có ngọn đèn sáng hơn, anh nhìn gương mặt mẹ mỗi tối. Mẹ anh bậc chị, cao tuổi và yếu hơn mẹ tôi. Anh nói: “Chỉ cuối mùa đông này là mẹ tôi mất thôi, chú ạ”. Năm ấy kiệt cả điện, cả nước. Anh có một việc làm táo tợn quá, khiến tôi không đồng ý với anh. ấy là vì mẹ anh đau đầu quá, anh đục cả đoạn đường ống cuối cùng dẫn vào nhà để lấy nước cho mẹ gội đầu. Anh bảo tôi: “Các cụ ăn chẳng mấy, ưa sạch sẽ. Tôi bớt chút nước, chú lấy cho bà cụ gội đầu, cụ sẽ khỏe ra”.
Mùa đông kế đó mẹ tôi đau ốm. Anh tùng tiệm chữa đồ điện, ra chợ mua một quả tim và một quả thận lợn đem sang giục tôi nấu cháo cho mẹ tôi. Hôm ấy anh cũng xoay bóng đèn, nhìn mãi vào gương mặt mẹ tôi, rất ân tình và lạ lùng. Rồi anh như linh ứng: “Chú cũng phải chuẩn bị đấy”. Tôi hoảng quá. Muốn nói với anh bao nhiêu điều dâu bể, bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu nỗi niềm khi không còn mẹ trên đời... Anh nói, cái câu của riêng anh: “Kệ mẹ nó”. Chú cứ dốc lòng chăm cụ, cho cụ thỏa...”. Cuối mùa lạnh đó thì mẹ tôi mất.
11
Bình thường mẹ tôi gọi vui tôi là “Tôn Ngộ Không”, ý khen tôi nhanh nhẹn và biến hóa như Tôn Ngộ Không vậy. Khi sâu lắng hoặc bực bội một điều gì đó thì Người lại gọi tôi là thi nhân hoặc lái trâu. Chắc thi nhân là khi tôn vinh mẹ, và lái trâu. Chắc thi nhân là khi tôn vinh mẹ, và lái trâu là khi vì túng tiền túng tiền, tôi kẹt xỉn hoặc mưu chước ngay cả với mẹ mình. Kể đằng nào cũng đúng.
Bình thường mẹ kể: Bà Thân bên xóm bảo trong mấy con trai, con gái của bà thì chỉ có chú này, tức là tôi, giống ông nhà hơn cả. Nhất là cái chân bước vội, nhìn đằng sau. Điều này không ai muốn tham gia vào, kể cả đúng hoặc sai. Đáng ghi vào truyện là ngày mưa gió hoặc giá lạnh, mẹ tôi nằm dài trên giường, đắp tấm vải chăn hoa cũ và mỏng. Mẹ bảo tôi giống hệt ông ngoại, tức bố mẹ, nhất là khi lo toan việc gì. Nói rồi mẹ kéo cái vỏ chăn đắp kín đầu và nói lầm rầm trong đó điều gì nữa, như người tụng kinh hoặc kể chuyện khan. Điều này cũng dễ hiểu. Người mẹ quí nhất thằng con nào thì chỉ thấy nó giống bên mình, khác hẳn bên chồng, thậm chí tôn vinh đến mức giống cả người sinh ra mình nữa.
Khi bực quá mẹ bảo tôi giống bác Cả bên nội như đúc. Chẳng là hồi ấy làm việc giỏi, Tây thường thưởng cho bố tôi nhiều xà phòng thơm, nước hoa. Bác Cả cậy “quyền huynh thế phụ” cứ đến tháng là đạp xe vào vơ hết. Cũng được, vì bác Cả là thợ cắt tóc nổi tiếng khắp vùng, bác cần những thứ ấy để làm nghề. Chắc mẹ tôi có lúc cũng lấy lòng đôn hậu mà nghĩ rộng ra như tôi. Bình thường thì mẹ lại bảo tôi là “tổng hợp”, của bốn anh em bên nội. Tức bác Cả, bố tôi, chú Ngân, chú Nga. Giống đây là giống cái trí lực, sự chịu đựng và phần nào là giải hoạt của kẻ nghèo hèn. Lúc vui thì mẹ lại à lên một tiếng mà rằng, tôi giống cả bên ngoại. Tức cậu Song, cậu Nguyên, cậu Quì, cậu Chín. Cậu Song thì giỏi chim gái, cậu Nguyên thì chắt chiu, cậu Quì thì cách mạng, cậu Chín thì khéo tay và nghiện rượu. Nhất là mẹ bảo tôi giống cậu Chín, nghiện rượu có hạng.
Nói gì thì nói, khi vui khi buồn. Cuối cùng bao giờ mẹ cũng chốt lại một câu:
Chỉ có Tôn Ngộ Không là được. Còn thi nhân và lái trâu thì khổ. Thời nào cũng khổ. Thương lắm!
12
Tôi và anh Sáng học đại học nhân văn nhiều năm, sau đó còn học lên trương trình trên đại học nữa. Có nghĩa là nhiều trang sách kim cổ từng học qua, cả chương trình lịch sử, kinh tế và triết học biện chứng. Ngày mẹ tôi còn sống, dù vật đổi sao dời, mẹ tôi vẫn cố giữ được nét đẹp xửa xưa, bà coi bạn học của con mình như chính con mình, ít ra cũng được như hồi các ông Thạch Lam, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương... Mẹ tôi rất quý anh Sáng.
Một hôm anh Sáng đến gõ cửa phòng tôi. Số là anh vừa cưỡi chiếc xe con tiêu chuẩn của mình cùng vợ về trong Nghệ lo việc mồ mả của ông cụ thân sinh và tổ tiên. Vợ anh là người phụ nữ đảm, buôn bán phát tài, kinh doanh hàng điện tử. Công việc xong đâu đấy, trên đường ra, đến một khu vực núi non diễm lệ của di chỉ Đông Sơn thì vợ anh cho xe dừng lại. Một bên cây cầu bến nước, dốc xuống thì đã nhiều xe và người. Những ao sen, ao súng quây tụ, giữa những mái điện thờ nhỏ. Mọi người thắp một cây hương, rồi ngồi lặng im, không xưng một điều gì về mình. Cứ thế mà trôi vào mơ hồ, cho đến một lúc người con gái xinh đẹp hăm nhăm tuổi nhập vai “Tiên nữ” đánh thức từng người dậy để trò chuyện với người thân đã khuất.
“Tôi gặp chuyện này, không biết kể cùng ai - anh Sáng sửng sốt, khác hẳn với cái vẻ tự tin tự tại ngày thường của anh... Chờ sáng ra đến để kể với anh đây. Tôi vừa được “gặp” bố tôi, cụ xưng tên mình, gọi tên tôi và tên từng cháu con thân thiết. Cả tên vợ tôi nữa... Và mọi chuyện sau đó đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng của tôi anh à. Chỉ tiếc là tôi chưa được gặp mẹ của chúng ta. Hay anh vào ngay đi!
Chẳng đợi anh Sáng kể hết. Mấy ngày sau tôi đã có mặt bên “Tiên nữ”. Rõ ràng là một vẻ đẹp khác thường. Mẹ tôi, qua “Tiên nữ” đã gọi tên tôi, các anh em, con cháu trong gia đình tôi. Chuyện thật đến mức, dù đã được tập dượt qua anh Sáng, tôi cứ sững sờ không biết mình tỉnh hay mơ. Về nhà bằng cây bút của mình, tôi và anh Sáng định viết chung một bài ngắn về chuyện linh hồn kỳ lạ đó. Không phải viết báo cáo, cũng không viết văn chương, chỉ ghi lại cho thật điều mình đã gặp. Cả hai còn định ký tên dưới bài viết, với một dòng cam đoan như mọi đơn từ hệ trọng. “Xin cam đoan đúng sự thật. Nếu sai chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Lần ấy, mẹ tôi dặn: “Mẹ muốn được gặp con vào rằm tháng bảy xá tội vong nhân ở đây nhé. Bây giờ mẹ phải đi đây!”.
Hôm nay mười bốn âm trước rằm, tôi khoác tay nải lên tầu như đệ tử đi lấy Kinh, về nơi hẹn gặp mẹ. Và tôi đã được gặp mẹ.
13
Mẹ tôi có cách kể chuyện thật lạ và vui. Chuyện thường qua những gian truân, thậm chí là hãi hùng, nhưng cuối cùng bao giờ cũng thắm đẹp như miếng trầu têm đúng cách. Nghe xong chuyện, vừa nao nao buồn, vừa cảm thấy trong người như tan hết bệnh, tâm trí sáng ra.
Kể rằng...
Xưa, tổ tiên ông bà không phải đã ở bên con sông La xinh đẹp với những bến sông cuội trắng loang loáng mùa trăng như bây giờ đâu. Mà tận nơi rừng sâu núi thẳm, thâm sơn cùng cốc thuộc dải Trường Sơn. Gió Lào thời ấy như tia chớp, tia lửa điện, mầm cây chỉ cần nhô đầu lên là bị táp thành than. Mọi người lo sợ về sự tồn vong của mình. Người già suy tư đến cháy trắng cả tóc. Con trai con gái quên cả việc yêu đương, gầy quắt như nhánh củi khô.
Những người sống sót quyết đi vào tận một rừng xanh tìm nguồn sống. Khí núi ùa ra, lạnh khủng khiếp. Có người nói: “Khí độc. Chúng ta sẽ chết”. Có người lại nói: “Chúng ta sẽ quen với hơi thở của đá”. Giữa khe đá nơi sâu nhất, họ tìm thấy một thân cây leo khác thường. Tựa như một cánh tay gầy guộc nhất trên đời. Dăm chiếc lá không rõ cả hình dáng, có mầu nửa trắng như tàn tro than, nửa xanh như thớ đá. Nhìn thân cây leo, người ta biết nó đã chống chọi quyết liệt để tồn tại từ bao đời nay. Sờ vào tay, nó thô rám, đầy những lông nhỏ, cũng biểu hiện một sự chống chọi quyết liệt - Chính giữa kẽ đá nóng nhất và lạnh nhất này, nó đã mọc lên.
Đầu tiên nhấm cái lá, thấy mát ruột. Sau nhai đến thân leo vặn cứng như dây thừng. Sau cùng người ta đào đến củ của nó. Những củ dài vặn vẹo, như hình người vùi trong đất từ xưa. Nó có cả đầu, mình, tay chân, râu tóc hệt như con người thu nhỏ lại. Người già nhất sống sót nhấm một chút và nói: “Nó hình người, ắt nó sẽ cứu người”. Tổ tiên sống được từ đó.
Đời này qua đời khác. Cuộc sống của nhóm người sống sót nhóm dần lênnhư đốm lửa giữa rừng. đã có tiếng đàn suối và những cánh bướm bay đủ mầu sắc. Trai gái bắt đầu thay da đổi thịt, rậm rịch chuyện yêu đương. Sự sống từ đó. Con gái từ trong đen sạm của nắng gió đã bắt đầu ửng trắng một màu da mới, khác với nhiều vùng đất khác.
Một ngày có ông vua đi kinh lý qua và lấy làm lạ là vì sao nơi rừng hoang vu này có những thiếu nữ đẹp như công chúa. Vua hạ giá, không biết nên chọn ai làm hoàng hậu. Ngày qua ngày lại, vua giật mình như Từ Thức xưa, biết rằng mình đặt xa giá ở nơi này đã quá lâu. Khi đức vua vội về xuôi thì cả đàn thiếu nữ theo lạch suối đưa tiễn. Người xưa gọi dịp đó là “ngày hội của bướm rừng”. Cả đoàn đi mãi, đi mãi, càng đi thì lạch suối càng nới rộng ra, nước càng xanh trong hơn, tự nó biến thành con sông xinh đẹp lúc nào không hay. Sự tích ra đời của con sông La ngày nay là như thế đó.
Chuyện thứ hai, cũng do mẹ kể lịch sử gần hơn:
Một ngày, có một nho sinh tóc búi, tay nải lạc đến vùng thâm sơn này. Mắt nho sinh vừa có tia ấm, vừa bơ vơ đượm buồn. Nhìn khắp lượt non nước như tìm kiếm, lại ngơ ngác nhìn ra chân trời. Như vị vua thuở xa xưa, lòng nho sinh ấm lại khi nhìn thấy những thiếu nữ từ cửa rừng ra. Giọng Bắc từ tốn:
Có nhời chào các chị. Các chị cửa rừng ra và gồng gánh cây củ gì vậy?
Nho sinh tìm ai? Sao lại đến đây?
Tôi tìm về quê mẹ tôi...
Nho sinh trả lời, tự giới thiệu chuyến đi của mình. Đôi mắt vẫn không rời khỏi cây lá với những củ hình người. Các thiếu nữ đẹp vẫn chưa trả lời nho sinh điều đó. Đang là điều bí mật. Chỉ biết nho sinh là người yêu cây lá biết nhường nào. Vậy thì đúng quê mẹ nho sinh là vùng này rồi. Khách, chủ hiểu lòng nhau ngay. Nho sinh nóng lòng, đưa bàn tay thư sinh cầm lên một củ nhỏ bằng cổ tay. Từ tốn hỏi:
Nho sinh muốn biết tên cây củ!
Nhưng nho sinh vẫn chưa nói mình là ai?
Nho sinh mặt ửng đỏ, đôi mắt ánh lên tia sáng tia sáng chân thành:
Quê nội nho sinh đất Bắc,vùng nhãn lồng Hưng Yên. Mẹ nho sinh ở đây.
Thế nho sinh tìm về quê mẹ nhằm việc gì nữa không?
Làm thuốc, tìm cây thuốc.
Các thiếu nữ cười lên giòn tan. Mắt lấp lánh muốn tỏ bày, muốn bắt chuyện như tình yêu. Nho sinh làm thuốc càng xúc cảm. Đây đúng là đất mẹ “địa linh nhân kiệt” mà chàng cần tìm đến. Mẹ đã sinh ra, lớn lên giữa vùng cây thuốc này. Họ ngồi bên mô đá, đầu nguồn sông La. Thiếu nữ kể cho nho sinh nghe về câu chuyện từ xửa xưa ở quê mình. Những cuộc bể dâu, vào tận rừng Trường Sơn và gặp được cây củ hình người. Cái cây thân leo mọc giữa kẽ đá, cái mầu trắng của tàn tro hòa cùng màu xanh của đá. Nó cho loài củ nuôi người, làm thuốc. Người già ăn vào tăng tuổi thọ. Trai gái thay da đổi thịt, nghĩ đến tình yêu. Đặc biệt con gái có nước da đẹp lạ lùng. Không hẳn là da tuyết như thiếu nữ Trung Hoa, da táo hồng như thiếu nữ Âu Châu. Mà nó là nét trắng hồng của sương gió, của đá, pha mầu nắng lửa. Mầu da của lao khổ và quí phái. Như vậy thì đích thực nó là mầu của tình ái, của sự sống. Chính cây củ hình người như củ sắn như củ sâm kia đã làm nên. Cái vị mát ấm của đất, của nước, của đá.
Đôi mắt chàng nho sinh nhìn trân trân vào cây củ. Thứ cây của quê mẹ chàng. Cái cây nhân duyên đưa chàng vào nghề thuốc. Chàng nhấm một chút cái vị lạ lùng của nó. Và gật gật, như ghi giống cây vào bộ nhớ... Chàng nho sinh đó về sau làm nghề thuốc trở thành một Đại Y sư. Chuyện kể để ghi ơn cái ngày Đại Y sư Hải Thượng Lãn ông - Lê Hữu Trác tìm về quê mẹ ở vùng chân núi Trường Sơn, ở Hà Tĩnh. Vùng quê kỳ lạ có phong cảnh hữu tình đó là quê hương của bố mẹ tôi.