P 14 - P 15

Trước tiên, bàn chuyện lấy vợ cho bố... Vái mẹ ba vái. Thở sống, có lần mẹ nói: “Mẹ mất là bố con sẽ lấy vợ ngay thôi”. Câu nói lửng lơ của mẹ, của đàn bà. Nghe đến rợn người. Nhưng đàn ông nào cũng cần tình ái, cần lấy vợ. Dù bố đã bẩy mươi chín. Tôi ủng hộ. Tôi nói với người chị gái: “Vợ bố, chỉ cần hơn chị hai, ba tuổi là được. Tức là lấy vợ trẻ cho bố”. Thế mới đáng tự hào, là bố có vợ trẻ. Cũng đã nhắm nhe. Có một chị quãng tuổi ấy. Người tròn, mông còn nở, đảm đang. Tôi định nói: “không dám hỏi chị làm vợ cho cụ. Nhưng em muốn coi chị là mẹ của em”. Hỏi, biết mẹ chị này mới năm nhăm. Bố tôi đã bẩy chín. Nên chưa dám mở miệng.
Vào Giáp Tuất, có bỏ cấm vận. Tức bỏ những điều cốt yếu gì đó. Như là trù úm và khăng khăng hận thù của nhóm người này với nhóm người kia. Như anh và tôi. Tôi thấy cần cởi mở. Nhiều thứ. Việc của bố, cũng vậy. Thêm nữa, là những luật sinh học. Nghe nói đàn ông lên lão, bước vào gia đình rất tốt. Các cụ ông bẩy ba tuổi mới sinh con là rất hay! Có đại văn hào từng bộc bạch đời mình: “Đến tám mươi, bế đứa con đỏ hỏn của mình, tôi mới biết là mình đang tuổi thanh niên”. Thế đấy. Đùa, nhưng rất thật.
Bây giờ nói về hài cốt. Thật lạ. Trước hết là trao xong hài cốt, mới bỏ cấm vận. Mới biết những bộ hài cốt thật là thiêng. Đừng cho đó chỉ là những bộ xương mục. Nó mở ra quan hệ cho người đang sống. Cho cả tương lai. Chắc những xứ sở văn minh coi hài cốt có sức mạnh hơn người đang sống nhiều. Họ đỡ những bộ hài cốt dậy. Tôi ngẫm nghĩ suốt mấy hôm, từ ngày có cái gọi là “bỏ cấm vận”. Hôm nay tôi quyết định đi về xứ hài cốt của ta - tức Văn Điển. Mẹ ở đấy. Thắp hương và hỏi hài cốt nhiều điều. Nhất là chuyện nhân duyên như đã nói trên. Cho nhiều người, chứ không phải riêng bố.
Tôi ra đi ở thời khắc canh ba chuyển dần sang canh bốn. Mang theo một con thú lạ, đủ màu, thổi bằng bong bóng của trẻ con. Nó có dáng quái vật. Chẳng ra một con gì cả. Mặt chó. Tai hổ. Mình lợn. Râu mèo. Đuôi như đuôi sóc và đuôi chồn. Người nào, thú ấy. Mỗi phần cơ thể một màu. Buộc nó lửng lơ đầu giỏ xe. Thế là tốt.
Lúc này đâu cũng cần có một con vật lạ mang theo, để yểm. Nhất là đi đêm, đến những xứ lạ, nghĩa địa. Con vật của tôi cứ chồm lên trong gió đêm. Như muốn vồ tất cả. Tôi mắng nhỏ: “Phải trầm chứ. Đừng dữ quá”. Nó vẫn cứ chồm lên.
Kể mỗi người xứ Bắc hoặc chí ít là người Thăng Long, nên viết một bài luận, tức bài văn về Văn Điển. Tôi bắt đầu đây. Đường Văn Điển trong đêm là con đường hương. Hương bốc lên rất lạ. đó là tàn khói hương khổng lồ, bò chầm chậm trên mặt đất thành đường đi. Xứ Thiên thai của những linh hồn đi về thăm viếng. Các tán cây trong nghĩa trang hắt ngược lên nền trời như một đàn thú lạ trong rừng hoang. Gió rít như láng giếng nói xấu hoặc cãi nhau. Gằn và dài. Sao trời buông xuống từng chùm. Sao đi chơi, chứ không phải là sao băng. Hương đến đây thì tan hẳn, chỉ còn lại mùi cỏ dại hơi lạnh. Tôi không dám nhìn vào, sợ đánh thức những giấc ngủ nghìn năm. Sợ nhìn thấy những gì trong đó. Cổng nghĩa trang nửa khép nửa mở. Quái vật của tôi càng chồm lên. Tôi mắng: “Yên nào. Nhắm mắt lại và cụp tai xuống”. Nó im bặt.
Tôi đánh bạo vào ngay khu mồ mẹ. Cổng Đài Hoàn Vũ, quẹo trái dăm bước. Tôi thấy bộ hài cốt của Người ánh lên. Chung quanh thì im ắng. Sợ quá, tôi lùi ra phía cổng. Gặp ngay một cái bóng, nói tiếng người: “Ai đấy, sớm quá nhẩy”. Tôi im bặt, trở lại. Thấy cái bóng này có đeo băng đỏ ở tay trái. Chắc đó là người trực nghĩa trang.
Thắp hương. Hóa cho mẹ tờ báo và xấp “đô-la”. Để mẹ tiêu thoải mái. Cắm con quái vật phía chân mẹ. Nghe rõ giọng mẹ khàn khàn và tiếng ho húng hắng quen thuộc:
Mẹ hỏi con sức khỏe?
Mẹ yên tâm. Bố mạnh. Chị Hoàng năm rồi bị ung thư, được mẹ đỡ, y tế hết lòng, thế mà lành. Anh Chớp, đúng dịp bốn mươi chín ngày mẹ mất, bị choáng, ngã trong nhà toa-lét khi một giờ sáng, gẫy hai đốt sống cổ, tưởng hỏng. Thế mà được mẹ đỡ, y tế hết lòng, đã qua khỏi... Ghi lòng cái sự đỡ của tổ tiên và mẹ.
Con?
Vẫn ngất ngưởng. Năm rồi mẹ nhớ, là Thái Bạch tuổi bốn chín của con, tưởng hỏng trăm phần trăm. Vậy mà được mẹ đỡ, cộng vào nội lực, đã vượt được, để đến với mẹ đây. Đi làm cũng theo được anh em, được lao động tiền tiến. Việc này thì con xin vái mẹ hai lần ba, là sáu vái.
Nghe tiếng cười gằn và khúc khích từ dưới mồ. Chắc mẹ cười vì cái tính hay làm hề của tôi. Gió rất nhẹ. Hỏi tiếp:
Thổ trạch? Nhà cửa?
Thưa mẹ. Đất đai nhà mọc như nấm. Đường sá thẳng băng. Cơi nới đủ kiểu. Duy nhà ta, thổ trạch, cửa nhà đều đang kém.
Mẹ bảo:
Yên tâm. Mấy khẩu phần đất của các con ngoài Bắc trong Nam, được cả.
Không có tà khí ở dưới, có nơi còn sót lại dăm đốt xương của kẻ hành khất xưa, nhưng không sao. Mẹ sẽ nhặt nhạnh cho.
Tôi vái mẹ. Mẹ hỏi tiếp:
Thế chuyện chính trường?
Thưa mẹ, có bỏ cấm vận.
Mẹ vốn hiểu chính trị. Dạo còn sống hôm nào mẹ cũng xem sách báo, nghe đài, xem ti vi. Dù hồi ấy gia đình chúng tôi mới có được cái ti vi đen trắng bề mặt chỉ bằng cái bánh chưng ngày tết.
Thế điều trước tiên của việc đó là gì?
Thưa mẹ, đó là hài cốt.
Mẹ vốn sắc sảo, hay hỏi lục vấn, như ngày còn trên dương gian.
Thế sau hài cốt là gì?
Thưa mẹ, con dốt về việc này. Nhưng con đoán sau đó là lẽ công bằng.
Không phải xứ ta, mà chắc là khắp trên nhân gian, đây là chuyện tày đình. Giữa người dốt và người giỏi. Người tốt và kẻ xấu. Vô học và có học. Có tài và bất tài. Bình tĩnh mà nói thì đang lộn tùng phèo cả. Nước nào cũng vậy. Chỉ ở xứ ta thì phạm vào điều này hơi...
Hương cháy khét. Chắc mẹ không muốn nói chuyện này của dương gian nữa.
Gió thổi ràn rạt. Có vài láng giếng của mẹ nghe tiếng rì rầm của người dương gian, đã cựa mình thức dậy. Dăm cánh chim đã sải trên nền trời. Con vật của tôi mắt lim dim, nghiêm trang hết sức. Nó hiểu. đến lượt tôi xin mẹ:
Thứ nhất, con cầu xin mẹ cho mọi người sức khỏe.
Thứ hai, con xin mẹ làm ăn được, có tiền tiêu.
Thứ ba, con xin mẹ xây căn nhà để ở, như anh em ở cơ quan.
Thứ tư, mẹ xá cho con mới dám nói, sau khi sang cát cho mẹ. Mẹ cho chúng con tìm một người thay mẹ, chăm sóc bố tuổi già. đã là dương gian, là phải hạnh phúc. Con vái mẹ ba vái... Tức thì bó hương cháy bùng lên. Chẳng hiểu ra sao cả. Nó cháy nhanh đến mức liếm vào tay tôi như một vết bỏng. Tôi vội tung lên. Nó lả tả như pháo hoa. Chùm pháo hoa trong nghĩa trang.
Vái mẹ thêm ba vái. Nhờ mẹ thăm bà con và láng giềng mới của mẹ. Chúc mọi người khang an, thịnh vượng. Tôi ghi một bài thơ tặng mẹ. Bài thơ này như đã tỉnh cơn mơ.
Đến mẹ, định ở lâu
Định ở luôn với mẹ
Một ngày, rồi hai ngày
Và mẹ ơi, cứ thế...
Nhưng, chỉ một nấm đất
Gọi đời, đời không thưa
Gọi mẹ, mẹ không nói
Con phải về nơi xưa...
Định ở luôn với mẹ
Biết mẹ chẳng cho về...
(Văn Điển, Giáp Tuất)
(13-2-1994)
Tôi ra cổng. Mấy xe tang tiến vào. Đó là những cái xác nán lại ăn Tết mấy ngày, bây giờ vội đến đây để ổn định chỗ ở. Cũng vội như cảnh dọn nhà trên dương gian. Mấy phu mộ cầm xẻng, cuốc đi nhanh hơn lúc thường. Đài hóa thân Hoàn Vũ cũng bắt đầu khởi động. Nghe tiếng máy chạy, âm âm như tiếng máy lạnh. Mặt trời đã lên, sương sớm bâu kín quanh mặt trời trắng nhạt và lạnh. Vầng mặt trời lúc này như một gương mặt không thành đạt.
Con quái vật bằng nhựa, sau khi nghe cuộc đối thoại giữa người với ma, bỗng đổi lốt trở thành một chú chó hồng, dễ thương đến lạ lùng. Nó vẫn chồm lên, nhưng không phải dữ dằn, mà là vui sướng. Ghé nhà người thân, chếch cửa nhà máy Phân Lân. Sát nghĩa trang, những hộp nhà vôi trắng đã mọc lên san sát. đó là nhà của những ông giám đốc, hoặc phó, hoặc kẻ hưng thịnh. Các nhà xây nhìn ra hướng mặt trời, rất vượng khí. Các nhà đều có giếng nước rất trong. Phần nhiều các giếng đào chỉ cách nghĩa trang dăm chục mét. Có cáichỉ cách mươi, mười lăm mét là cùng. Tôi hỏi: “Sợ ô nhiễm không?”. Họ bảo: “Nước rất trong”. Tôi sợ không dám uống nước. Thậm chí không dám ăn thứ gì cả. Gửi con chó hồng lại nhà người thân. “Thôi mày ở lại, trông nhà cho bà nhé. Ngoan”.
15
Tôi ngưng viết. Chạy vội ra quán tân dược bên kia đường hỏi mua thuốc ho. Hai thanh niên ép từ hai cánh hùng hổ tiến vào, tưởng mua thuốc cấp cứu,hóa ra mua bao cao su. Hai chàng thực ra không quen biết nhau, nghiên người ra hai phía, bỏ thứ vừa mua được vào trong ví tiền. Tôi một phút lặng người đi. Già là khổ, bệnh là khổ, chẳng có gì để hưởng lạc. Người bán hàng tinh ý hỏi: “Hai loại thuốc ho nước Chỉ khái lộ và Cao bách bộ, chú mua loại nào?”. “Loại nào tốt hơn?”. Bây giờ quảng cáo thì loại nào cũng tốt. Nhưng chắc Cao bách bộ tốt hơn. Vì nó đắng hơn”.
Chạy vội về bàn viết với nhân vật thân yêu đang viết dở là thầy Lịch. Tôi mạn phép gọi là anh Lịch cũng được, vì anh em cùng quê Hà Tĩnh, anh biết tỏng những thằng em ba trợn. Anh Lịch là chàng trai Đức Thọ thứ thiết. Có cá tính, có học vấn, bao dung, cao cả. Nói chung nam nhi quê tôi là vậy. Chính trị, quân sự, kinh tế, cầm kỳ thi họa đủ cả. Anh dạy tôi ở Đại học Văn khoa. Bộ môn thời thượng bấy giờ là Văn học Nga Xô Viết. Nhưng anh lại đảm đương phần cứng nhất của văn học Nga, với những bộ tiểu thuyết đồ sộ như Chiên tranh - Hòa bình, với những tính cách Nga điển hình.
Anh Lịch cười, nhưng nét cười khác trước. Chắc nghe đến phe phái cuộc đời, anh vừa tức cười, vừa ớn. Vả lại tôi đoán người như anh chỉ ưa ý kiến độc lập, “mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất. Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời, chứ không thích kiểu phong trào, đánh hôi. Anh Lịch nhìn tôi, mắt nheo cười xa xôi, lộ nết dĩnh ngộ tuổi thơ quê nhà, bạn bầu thoải mái, chăn trâu, bắt dế, thả diều bên bờ sông La, sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu... Hình như lúc này anh chán học thuật, muốn mọi chuyện khác đi, là cuộc đời hồn nhiên. Dù trước đây trên bục giảng đại học, anh vốn chặt chẽ ở lý luận “biện chứng pháp tâm hồn” rút từ tính cách nhân vật tiểu thuyết Nga. Giờ đến thăm thằng em, anh muốn khác, đến áo cũng để ngoài quân, không giày, không cặp táp... Anh muốn lùi xa cái “biện chứng pháp” đau đầu kia, cũng không đề thi đề cử gì nữa. Anh lấy giọng hồn nhiêm trầm ấm, kể tôi nghe một chuyện, như lôi từ trong ký ức xa xôi.
Hồi ấy mấy thằng học sinh trường huyện chúng tớ bước vào quán phở của bố mẹ cậu ở thị trấn Đức Thọ. Sông La cùng bè nứa trôi qua ô cửa phên liếp vừa buồn vừa nên thơ. Có một người phụ nữ rất đẹp đang tắm cho thằng con đỏ hỏn, cả bọn ngạc nhiên hỏi: “Ai mà đẹp vậy?”. “Vợ thầy Cung đấy!”. “Thầy Cung là ai?”. “Ông đang bê tô phở đấy!”. Ba đứa ba tô phở bò khói lên nghi ngút. Nhưngba đứa có ba cách ăn. Lại hỏi nhỏ: “Thầy bà gì lại đi bán phở?” “C’est la vie” “Cuộc sống là thế”. Chúng tớ đang học tiếng Pháp. “Thầy Cung cháu cụ Phan Điện, có các con là Phan Anh, Phan Mỹ học hành giỏi giang, về sau thành đạt. Riêng thầy Cung học và dạy tiếng Pháp nổi tiếng một vùng”. Có phải ý thơ “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” là đây không?
Đứa húp tô phở đánh soạt cái xong, lại gọi luôn tô khác. Đứa nhìn ra dòng sông La dào dạt thả hồn mộng mơ mà không nghĩ đến tô phở đang bốc khói. Còn tớ, khi thấy bố cậu bê tô phở đến là cứ gai cả người lên. Cứ nghẹn ở cổ không nuốt được. Tạo hóa trớ trêu. Bao nhiêu thằng ngu dốt đang ngồi chỉ tay năm ngón. Người có chữ sáng láng lâm vào cảnh ngộ này. Lại còn nhan sắc kia nữa. Cái mà cuộc đời mình đang khát vọng theo đuổi lại kết cục thế này ư? Tớ ngồi ngây ra. Hình như bố mẹ cậu hiểu, nhất là mẹ cậu. Bà đặt đứa trẻ xuống giường, quay vào buồng trong để cho tớ nuốt trôi bát phở. đứa bé ấy chắc là cậu. Từ nhiều năm tay tớ cứ khẳng định đứa bé ấy là cậu - Nhà văn có tiếng đang ngồi trước mặt tôi đây!
Tôi xúc động sượng sùng chen ngang kiểu phá quấy:
Khi ấy thằng bé bỗng khóc thét lên chứ?
Không, nó câm lặng...
Lại hỏi:
Về sau số phận ba người bạn ăn phở hôm ấy thế nào?
Tớ, như cậu đã biết. Cái anh mộng mơ không chịu ăn đi qua bom đạn cuộc đời rồi chết ở chốn nào. Chỉ có cái anh húp đánh soạt một cái hết gọn tô phở là chức to nhất...
Cả hai anh em nhất loạt ưỡn người ra sau ghế mà cười mà ho rũ rượi đến chảy nước mắt. Tôi ho nhiều hơn anh Lịch. Nuốt nước bọt mãi mới nói được. Bỗng anh Lịch hỏi:
Này, mẹ cậu mất chắc được mấy năm rồi phải không. Nhớ và thương cụ quá!