Hạng mục cuối cùng

Đây không phải là truyện cuối cùng anh Vấn viết xong rồi ngoẻo, chấm hết một kiếp cầm bút long đong, như người ta thường nói. Nhờ Giời Phật cho khỏe thì chắc anh còn viết nhiều nữa. Mà đây là loại truyện xếp vào hạng mục nhân văn cuối cùng của đời người. Như vấn đề “nhân quả” (anh cả tên là Túng từng nói), “xa thơm gần thối” (của ông bố đẻ), “nhạt hơn người dưng” (vợ anh Vấn từng nói), “bác-ca-nông” (cái Thánh con gái đầu của ông chú từng nói) v.v...
Thực ra bố anh Vấn là người đàn ông có giá, cụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiếp người, gần được như câu ca “công cha như núi Thái Sơn”. Chỉ có điều cái lối sống củ cụ thuộc loại như dân gian nói là “xa thơm, gần thối”. Tức là ở cùng với ai thì người ấy dở, chỉ người xa mới đáng nhớ thương. Cứ thế mà yêu, ghét theo vòng cuốn chiếu luôn hồi. ở với vợ con thì chỉ nhớ thương anh em cháu chắt họ mạc của mình ở nhà. ở với anh con cả thì chỉ mong anh con hai, anh con ba... Rồi ở với anh hai, anh ba thì lại nhớ thương mong ngày đoàn tụ với anh cả. Nói theo bà cụ thì cái thói nặng nhất là ở cùng vợ con thì cứ nhớ mong đoàn tụ anh em nhà mình. Anh cả Túng thì nói:
- Khổ quá, người ta thì cầm cuốc cuốc vào, đây lại cứ cầm cào cào ra...
Mới đây, sau đám tang ông chú ruột thì anh Túng lại nói một câu, nghe chừng không dễ hiểu chút nào:
- Đúng là luật “nhân quả”!
Anh Vấn nhớ lại những năm tháng gia đình đoàn tụ, chẳng có chuyện gì nhưng chẳng hiểu sao cứ buồn thăm thẳm. Người đàn ông rường cột trong nhà, nhưng mọi vui buồn ơn huệ hận thù lại từ cái tính cách người đàn ông mà ra. Người đàn bà sớm phát hiện ra điều đó và phải chịu đựng suốt từ thời con gái.
Cái tính “xa thơm gần thối” của bố anh Vấn, biết đâu cũng chính là thủ pháp sống của ông, cái thủ pháp tráo trở giữa cuộc đời để chèo chống nuôi được vợ con. đó là cái phần cần hiểu cho đúng, đừng quy oan. Còn thực chất của nó thì quả có sinh ra phương hại.
Dịch nôm cái tính đó là: “Người được ở gần tôi dù thế nào cũng là sướng rồi. Chỉ thương anh em cháu chắt họ mạc của tôi”. Và người ở gần, trước hết là người vợ, phải chiến đấu trường kỳ với cái tính chủ quan ngu dốt ấy.
Thực ra người sống gần thì khổ, người sống xa thì sinh thói đòi hỏi hợm hĩnh. Trong mấy anh em bên nội, thì bố anh Vấn thương chú Ngần nhất. Chú Ngần thì không sao, chứ vợ con chú, nhất là các con chú, cứ cho là bác gái và các anh chị ăn hết phần “bổng lộc” của họ, lại sinh ra khắt khe keo kiệt. Cái Thánh con gái đầu của chú từ khi ra học đại học cho đến khi ra ở nước ngoài vẫn một mực hậm hực, bảo bác là “bác-ca-nông”, tức là súng ca nông bắn cũng không nhằm nhò gì! Mẹ anh Vấn ức lắm:
- Tôi là tôi cấm cửa!
Đã thế lũ cháu trai bên nội lấc cấc, to vổng như trâu mộng, mặt mày lạ hoắc từ đẩu đâu tự xưng là ở quê ra đến gõ cửa, mẹ anh Vấn không mở, hỏi lại: “Anh là ai?”. Bà sợ cánh này chỉ nhằm nhe bỏ bánh thuốc phiện vào cái túi đeo điệu đàng ở vai, buôn từ Lào sang, rồi trốn vào nhà bác giai. Đấy là bà có tính lo xa.
Bố anh Vấn buồn và hậm hực đầy lòng. Lúc nào cái nhìn cũng bực dọc gay gắt, như muốn nói: “Bà quá thể. Coi anh em cháu chắt bên tối quá người dưng nước lã...”. Rồi lẩm bẩm như ma: “Em ta, ta quí, ta thương”. Không ra câu thơ, không ra câu khấn.
Anh cả Túng đi chiến đấu trong Nam xa từ hồi trẻ, rồi ở lại lập gia đình trong đó luôn thì không thật rõ ngọn ngành. Còn những thành viên có mặt như chị Phướng và chú Đắt thì ra điều khôn ngoan, đứng về phe người chủ trì tức là ông bố, cho rằng như thế là đúng. Như cán bộ viên chức khôn ngoan cứ đứng về phía lãnh đạo là xong. Còn anh Vấn thì lưng chừng, có phần nghiêng về phía bà mẹ, dù thực lòng không dại gì coi họ mạc là người dưng nước lã, và ông bố thì cũng như mọi người đều là công tội vốn ngang nhau. Nói nhẹ nhàng thế, chứ một ngày sống chẳng dễ chút nào!
Đến ngày chú Ngần qua đời ở một vùng quê biển xa, đi trước ông anh là bố anh Vấn. Cụ xót xa lắm, choáng lắm, ở cái tuổi gần chín mưới, cái tính cũ “xa thơm gần thối” lại càng bốc mạnh lên. Bà mẹ mất đã lâu, các thành viên bước vào tuổi già, mọi chân lý xưa đã trơ toác ra. Nhưng dòng họ là dòng họ, lại sắp ở tuổi lá rụng về cội, cáo chết quay đầu về núi cả rồi, làm sao cho xứng đây?
Chị Phướng:
- Điện chia buồn là xong!
Chú Đắt:
- Chú sẽ lo cái phong bì...
Anh Vấn:
- Không được, chú cũng là cha. Phải thuê xe về tận nơi. Ba chị em ta cùng đi!
Chiếc xe máy lạnh bốn chỗ ngồi lăn bánh về vùng quê cách mấy trăm cây số. Nỗi buồn thăm thẳm về họ mạc năm nào, khởi đầu từ ông bố, như ma ám vào tận trong xe lúc này. Chị Phướng ngồi ghế trên quay cổ lại: “Mua cái phướn cho nó sang chứ cậu!”. Chú Đắt ngồi bên thì thầm: “Phong bì đây bác, chú chuẩn bị năm trăm. Bớt lại hai trăm đỡ tiền thuê xe cho bác, đi về mất gần triệu chứ ít đâu!...”
Đến nơi, một chiếc quan tài gỗ tạp méo mó, dài ngoẵng như một thân cây mục, đặt giữa căn nhà thấp lè tò mái gần chạm đến nền cát. Thực chất vùng quê là vậy, tang gia là vậy. Đám người gào khóc bơ phờ. Anh Vấn nửa thật nửa giả, nửa say nửa tỉnh, đến cái móc trước quan tài, rút xoạch mấy giải xô trắng, ba cái cho ba người, làm khăn tang. Cái Thánh từ nước ngoài về chịu tang bố, béo thấp như khúc giò lụa, gào khóc bên quan tài rồi đưa mắt ráo hoảnh nhìn đoàn anh chị, lại gào to hơn. Mặc niệm, thắp hương, trao phướn, đặt phong bì... Chu tất đâu đấy xin phép linh hồn chú lên xe về. Trời nổi trận mưa to. Sáng mai người ta đưa chú Ngần ra đồng.
Đúng sáng hôm sau, anh Túng nhân danh tộc trưởng gọi điện từ xa ngàn cây số về chia buồn cho thêm phần trọng thể, thì đôi bên nổi trận lôi đình, đến mức phải giập máy xuống. Tiếng khóc gào còn phụt ra từ máy nói:
- Thật quá người dưng nước lã!
- Hôm nào bác mất chúng em sẽ cho người trả lại chiếc phong bì ba trăm!... Hu... Hu... Hu...
Anh Túng:
- Thật là nhân quả!
Đến lượt anh Vấn choáng. Mơ hồ nghĩ đến cái nét “xa thơm gần thối” của ông bố. Anh Túng nói điều ấy chăng? Nhưng choáng, lòng thành, tiền mất tật mang. Trao đổi với mấy bạn giỏi về văn hóa phong tục, họ nhao nhao:
- Đúng rồi, bởi ông anh bà chị “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” quá. Về lại đi ngay...
- ít ra phải ở lại đưa chú ra đồng đã!
- Hoặc nhấp chén rượu, bát cơm cúng, hoặc lăn lộn gào khóc bên quan tài...
- Bảo quá người dưng nước lã là đúng!
Hu... Hu... Hu...
Ha... Ha... Ha...
Anh Vấn lấy lại bình tĩnh kể với cô vợ đang ngồi một cục trước mâm cơm.
- Oan gì! Anh đối với họ mạc đôi bên còn thua cả người dưng nước lã! Cô vợ ráo hoảnh.
- Cô bảo ai?
- Như với cái Hường vợ thằng Huấn nhà em, hoặc với cô Thứ vợ chú Đắt bên anh. Bao giờ mặt anh chẳng lạnh như tiền!
- Cô im đi. Đó là chuyện khác. Đó không phải là chuyện người dưng nước lã mà là chuyện loạn luân?
- Loạn luân thế nào?
- Chúng nó xinh đẹp, phởn phơ thế. Mặt không lạnh băng thì cứ nhìn chúng mà nuốt nước bọt ừng ực, mắt chớp beng beng chắc!... Thời nay bao nhiêu ông anh chồng anh vợ đã đổn đốn như vậy rồi. Cô không biết à?
Hu... Hu... Hu...
Ha... Ha... Ha...
Xóm Mỗ Hương, 17.6.2001