Lẩm bẩm

Ba mươi tuổi gã mới được vào đại học (Ta không nên biết quá khứ của gã làm gì). Ba mươi tư tuổi gã tốt nghiệp ra trường với cái bằng loại giỏi. Gã đem nó đi gõ cửa khắp nơi và cuối cùng một trong hàng chục nơi ấy đồng ý nhận gã vào làm việc với mức lương hai trăm năm mươi ngàn đồng một tháng. Mặc dù còn lâu mới nhìn thấy tiền nhưng gã không chịu nổi khi không quy nó ra giá trị cụ thể. Thế là gã cứ lẩm bẩm tính toán. Hai-trăm- năm-mươi-ngàn, quy ra phở, loại trung bình, được sáu mươi hai bát rưỡi; nếu ăn cơm bụi được năm mươi bữa; được chẵn một trăm cốc bia hơi Hà Nội đấu ba mươi phần trăm Việt Hà và ghi là “Hà Nội xịn”; được một cuốn từ điển biểu tượng trong đó thiếu biểu tượng của “hợp đồng hai trăm năm mươi ngàn”; được hai chai rượu vang Boóc-đô loại dưới hai tuổi; được một phần tám chai X.O mà bạn gã - một kẻ hoàn toàn bỏ đi - thỉnh thoảng vẫn thủ của “cụ khốt” đêm bán lại cho ả hàng rượu gồm cả tấm “cạc” của người biếu với giá một buổi karaôkê mỏi tay; được... Gã bật cười; cứ kiểu này mình đâm lẩn thẩn mất. Còn may là gã có căn nhà cấp bốn một phòng thông thống để ở nhờ, nếu không thì phèo luôn, khỏi phải tính toán. Có lúc cao hứng gã đã dám quy ra một căn hộ, dù hạng bét cũng nuốt đúng mười năm lương của gã. Mười năm chỉ uống nước máy công cộng... Gã lại bật cười.
Ở nhà cô em, gã luôn luôn thấy thân hình gã quá cồng kềnh. Có đúng một gian nhà, đứng ngồi chỗ nào gã cũng thấy bất tiện. Vì thế gã thường tận dụng mọi cơ hội để ra khỏi nhà. Gã tìm được một cách giết thời gian rất độc đáo: đi đi lại lại trên một đoạn vỉa hè. Đầu này là cổng một trường đại học đồng thời là điểm chờ xe buýt xanh sạch đẹp luôn luôn có một gã say rượu án ngữ. Đầu kia tiếp vào con đường sỏi dẫn đến một tụ điểm cờ bạc, hút chích... Đầu này là các em sinh viên luôn luôn có các chàng đợi; đầu kia là các chị cave không bao giờ phải chờ một phút để có trong tay gã béo ị nào đó nặn bóp toàn diện. Tối nào gã cũng bước từ Thiên đường đến Địa ngục, rồi lộn ngược lại. Cả thảy một trăm bảy mươi chín bước. Trên đoạn vỉa hè ấy có bảy chiếc cột các loại, hai chiếc thùng rác mô phỏng chim cánh cụt Nam Cực. Gã đếm được cả thảy năm trăm bốn mươi bảy viên gạch hàng dọc, trong đó chỉ có chín mươi bảy viên không sứt mẻ. Ngày nào cũng như ngày nào, khi gã có đủ lại các số liệu của hôm trước thì chuyến xe buýt cuối cùng cũng về tới nơi. Trên xe bước xuống là sinh viên còn lên xe thường chỉ có một thiếu nữ luôn luôn bịt kín mặt. Cô ta không bao giờ quan tâm đến mọi động tĩnh xung quanh, kể cả lời lẩm bẩm của gã. Sau đó gã về nhà cô em, từ phút ấy trở đi gã cảm thấy thoát nạn, cho đến năm giờ sáng hôm sau. Một ngày mới ập đến với gã cùng với cơn lẩm bẩm tính toán mà gã cố xua đi không được. Ở cơ quan gã luôn luôn tự cảnh cáo: “Mình thành lẩn thẩn mẹ nó rồi” để nhớ đừng có lẩm bẩm tính toán. Nhưng cứ nhìn thấy vật gì đó, lập tức gã lại quy ngược về lương hợp đồng của gã.
... “Được một cái quạt M.D; được một trăm năm mươi cái cặp Clipsal kẹp tài liệu; được hai trăm năm mươi cuộn giấy vệ sinh loại bình dân...” và: “mình lẩn thẩn mẹ nó rồi”.
Hoá ra chỉ những khi đi bách bộ trên vỉa hè là gã thoát được khỏi những tính toán chỉ mình gã hiểu. Bỗng một buổi tối, khi gã đếm được già nửa số viên gạch hàng dọc thì có một đôi ì ạch đẩy chiếc xe máy ghé vào. Người đàn ông ăn mặc theo lối công chức, mặt mũi nhễ nhại mồ hôi. Có lẽ ông ta đã phải đẩy chiếc xe một đoạn khá xa. Thiếu phụ đi sau còn khá trẻ. Chán chường, mệt mỏi hiện ra mặt. Chị không ngớt cằn nhằn vì không gặp may, rằng biết thế này ở nhà quách đi lại khỏe, rằng xe với chả pháo. Người đàn ông cố gắng chứng tỏ mình là đàn ông bằng cách cũng thử hí hoáy xem xét. Thấy vậy gã bỏ dở công việc đếm gạch, sán lại gần. Người đàn ông có vẻ chẳng quan tâm trong khi thiếu phụ lộ ra tia nhìn canh chừng.
- Xe của anh chị làm sao thế ạ?
- Không sao đâu ạ. - Thiếu phụ trả lời như muốn xua gã đi.
- Tôi biết chút ít về xe pháo đấy.
- Dạ, cảm ơn ạ. - Vẫn thiếu phụ, chị giục người đàn ông: - Cố đẩy ra đằng kia, ném vào hiệu người ta sửa cho.
- Ấy đừng! - Gã sốt sắng. - Giờ này các hiệu đóng cửa rồi. Còn hiệu nào họ cũng chém bằng chết.
Gã cúi xuống nghiêng ngó, đạp thử mấy cái rồi nói như thánh phán:
- Bugi bị “dính”. Để tôi giúp.
- Dạ, chả dám phiền... - Chị gắt với người đàn ông: - Đã bảo đẩy cố đi một đoạn.
- Tôi giúp được mà. - Gã khẩn khoản.
Người đàn ông có vẻ muốn buông xuôi, nhìn gã từ đầu đến chân rồi thở dài:
- Nhưng tôi không mang theo đồ nghề.
- Nhà em gái tôi ở phía trong kia, tôi có đồ nghề để ở đấy.
Thiếu phụ bắt đầu ác cảm ra mặt với thằng cha “đỉa đói” này. Nhưng bất ngờ người đàn ông bảo:
- Thôi được, phiền anh vậy.
Gã đi sau xăm xắn đẩy xe cho người đàn ông qua một khu vườn tối om. Chính người đàn ông cũng chờn chờn hỏi:
- Sao xa thế...?
Gã bật cười:
- Anh chị yên tâm đi.
Tới cửa nhà cô em, gã lấy đồ nghề, miệng nói cười, tay nhoay nhoáy tháo, lắp. Chỉ một lát chiếc xe đã nổ ngon lành. Gã hân hoan nhìn hai vị khách như vừa trút được nỗi lo âu, bảo:
- Anh chị đi đi, được rồi đấy. Đêm, cẩn thận bọn đua xe.
Người đàn ông làm động tác móc ví:
- Tôi xin được...
Gã xua tay:
- Ai lại thế, ai lại thế! Tôi không tiễn đâu...
Gã thu đồ nghề, miệng huýt sáo ầm ĩ như vừa trải qua những giây phút hạnh phúc không thể nào kìm nén nổi, đến nỗi cô em gái đang đan len cũng phải dừng lại hỏi:
- Bạn của anh à?
- Bạn thì cũng đúng. Họ là khách đi đường tôi nhặt được.
Mặt gã vẫn cứ hơn hớn, tâm hồn thanh thoát, tràn ngập cảm xúc. Lần đầu tiên gã quên đứt nỗi ám ảnh của những phép tính. Cứ như gã đã tìm được con đường để tránh nó.
Cũng vào một buổi tối, điều này gã lẩm bẩm không biết, ở góc chéo bên kia đường, hai vị khách hỏng xe hôm nọ đang hồi hộp như chờ đợi một kết quả gì đó.
Người đàn ông:
- Anh ta cứ đi đi lại lại như chờ ai thế nhỉ?
- Em không quan tâm. Em muốn anh thừa nhận thất bại.
- Thực ra hôm đó ngay lúc ra đến đường anh nghĩ hình như mình vừa may mắn thoát nạn. Làm gì còn có người tốt bụng một cách vô tư đến thế. Nhưng như em thấy, mọi việc... Khó hiểu thế đấy. Không có cớ gì bảo anh ta xấu cả.
- Anh nhìn xem, gã bước rất khác người.
Người đàn ông tỏ ra như đang suy đoán một điều sâu xa, bí ẩn gì đó. Đúng lúc ấy có một chị lao công đi sang từ bên kia đường. Thiếu phụ vội đón đầu chị ta, giọng thì thào:
- Này chị, chị có biết cái nhà anh đang đi đi lại lại kia không?
- Biết chứ! Tối nào anh ta chả vòng đi vòng lại, miệng lẩm bẩm gì đó.
Thiếu phụ reo lên đắc thắng:
- Anh thấy chưa. Cuối cùng em không sai mà. Chỉ có điều em không đoán ra. Về thôi anh. Gã dở người, giời ạ...