Chương 22

Quốc Vinh cúi xuống bàn làm việc, chỉ lên cái bản đồ thành phố, báo cáo với đồng chí phái viên của Khu uỷ khu XI đang ghi sổ. Anh nói thì thầm tiếng phào đi như hơi thở:
- Chúng tôi đã tổ chức những đội tự vệ và thanh niên hướng dẫn dân chúng tản cư như sau: Khi nổi hiệu kháng chiến, những khu phía bắc và tây hồ Gươm, từ Cửa Nam đến hồ thì rút về phía đông bắc, tức phía bờ sông Hồng để ngược mãi lên bãi Phúc Xá hạ, Chèm, Vẽ. Những khu phía đông. thì rút xuống bãi Phúc Tân để theo dọc bờ sông tiến về phía Cơ Xá, Thanh Trì. Những khu phía nam thì rút về Bạch Mai và Quỳnh Lôi. Trường hợp không chạy được thì ở trong nhà, rồi bố trí cho ra sau.
Đồng chí phái viên và mấy người khác chụm đầu cúi xuống làm cho cái bản đồ tối như trong bóng râm. Họ tì xuống bàn, nhưng người nào cũng đứng, nhấp nhổm. Chỉ nghe thấy tiếng thở. Chốc chốc họ lại xem đồng hồ. Đồng chí phái viên hỏi:
- Cho đến bây giờ. ngoài thanh niên không kể, dân chúng còn lại là bao nhiêu?
- Con số cuối cùng là bốn nghìn. Phần thì tiếc của, phần thì tình cảm lưu luyến thủ đô, phần thì chủ quan, cho là Hồ Chủ tịch sẽ lại dàn xếp được như hồi mồng sáu tháng ba. Từ sáng ngày, lại vận động riết. Ngay bây giờ, vẫn còn người tản cư. Cái khổ là không nói thật được vì nguyên tắc bí mật.
- Cái này đảm bảo chứ?
- Ngay trong đồng chí cũng có người chúng tôi không phổ biến.
- Vấn đề tản cư hẵng tạm như thế nhỉ. Đồng chí Bí thư đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Còn tác chiến?
Quốc Vinh lại chỉ lên bản đồ:
- Mệnh lệnh cấp tốc của đồng chí khu trưởng vừa đưa xuống buổi chiều, cả mệnh lệnh hướng dẫn phá hoại, làm chướng ngại vật. Nhà máy điện, máy nước Yên Phụ, đã bố trí một đội đặc vụ phối hợp với anh em công nhân để phá huỷ ngay khi có pháo lệnh. Cầu Long Biên, một đội quyết tử gồm bộ đội và tự vệ chiến đấu đã có kế hoạch phá nhịp giữa. Két nước ở vườn hoa Hàng Đậu, nhà máy đèn Bờ Hồ cũng đã bố trí xong. Vườn hoa Cửa Nam thì đồng chí Vi Dân trực tiếp đặt bom để phá đoàn xe của nó tiến vào đường Tràng Thi. Trong thành, xưởng sửa chữa vũ khí của nó, đã có kế hoạch phá huỷ từ mấy hôm trước. Anh em công nhân rất quyết tâm, rất hăng…
Anh nhoẻn miệng cười:
- Chúng tôi đã hạ quyết tâm thực hiện bằng được. Thành thì đỡ đổ máu nhiều lắm. Trường bay Gia Lâm bên ấy mà cũng giải quyết gọn, cái khoản máy bay của nó mà bị tiêu nữa thì có thể nói là mình ăn chắc.
Mọi người cười:
- Nhất cái khoản máy bay đấy.
Nhưng tiếng cười lại tan ngay, lạc điệu trong giờ phút cấp bách và nghiêm trọng này, mặt mọi người trở lại trầm ngâm. Đồng chí phái viên ngừng tay ghi, nói cũng rất khẽ:
- Bên ấy các đồng chí chúng ta và đại biểu nhân dân tám xã cũng đã thề tiêu diệt hoàn toàn trường bay, để mừng Hồ Chủ tịch. – Đồng chí nói tiếp – Hơn sáu giờ rồi. Chết chửa. Sao chóng thế này. Bọn mình phải đi. Nói cái chính thôi…
Quốc Vinh nói nhanh:
- Những việc khác, chúng tôi đã tổ chức xong hai đội cảm tử xung phong phá chiến xa. Bom ba càng trên mới cho năm chiếc, đang phải huấn luyện gấp. Các dây nói từ khu bộ đến các bô phận trực thuộc đã mắc xong. Chúng tôi đã đặt từng trạm tiếp tế, cứu thương, tổ chức các trạm thu dụng để thu nạp các đội viên lạc lõng. Các ban vận thâu đã được chấn chỉnh. Đội bảo an các khu đã được lệnh triệt để thi hành canh gác và ngăn ngừa tụi gian phi phá hoại để bảo vệ an ninh cho dân chúng tản cư…
Đồng chí phái viên vặn nhanh nhanh nắp bút máy, gập cuốn sổ lại:
- Thôi, tạm thế nhỉ? Bây giờ mình phải về báo cáo. Nếu có gì khác thì trên sẽ báo đồng chí bằng vô tuyến điện. Bằng không thì cứ như thế này tiến hành. Mình đi nhé. Sợ về không kịp. Xe đạp nổ lốp, đến đây muộn quá.
Họ đứng cả dậy. Một tay cuộn lại đưa lên miệng, Quốc Vinh đứng nhìn bằng đôi mắt lồ lộ của anh. Đồng chí phái viên đang vội vã cho sổ vào cái xà-cột. Anh nhận thấy rõ là họ không được bình tĩnh. Anh nghĩ thầm: Bọn tớ còn mãi trong này thì sao? Đồng chí phái viên như cũng cảm thấy cử chỉ hấp tấp của mình không được chỉnh lắm, hỏi thêm:
- Tinh thần cán bộ, bộ đội, tự vệ thế nào?
- Nói chung tốt. Lòng yêu nước ghét giặc rõ lắm. Ai cũng chỉ mong được đánh. Nhưng cũng có một số các cô, các cậu bỏ đi. Ví dụ như các tổ cứu thương bây giờ đang thiếu người chạy ráo cả. Một anh tự vệ rất tốt là Trần Văn, cũng đi mất. Nói gì quần chúng. Một đồng chí tình báo mới được ban chỉ huy mặt trận gửi xuống để giúp chúng tôi tổ chức việc phòng gian diệt phỉ đã mất tinh thần trốn biệt, ức nhất đấy lại là đồng chí của mình. Khu Long Biên viện lí là ở ngoài bãi, phải chống giữ cả mặt bờ sông, cả cầu Long Biên, đề nghị cho bộ đội ra. Tôi đã nói trông vào lực lượng tự vệ là chính và ra lệnh chiến đấu đến cùng.
Mạt anh đỏ lên vì bực tức, bàn tay phải chém xuống không khí một cách quyết liệt. Anh lại ho. Đồng chí phái viên nói:
- Đúng. Thôi mình đi nhé. Thắng lợi nhé.
Quốc Vinh tiễn họ ra cửa. Bên ngoài chỉ có tiếng gió và ánh đèn trên đường và trên hè. Phố thăm thẳm như nuốt lấy người. Anh trông thấy mấy người theo đồng chí phái viên tái mặt. Quốc Vinh chỉ lên trời:
- Chốc nữa nhé. Tôi gửi lời hỏi thăm sức khoẻ tất cả các đồng chí và nhân dân ở ngoài. Bọn chúng tôi xin một mất một còn với Hà Nội.
Anh vẫy tay chào họ. Phố Hàng Đào, ba anh bảo an nép bên hè đi tuần theo lối chữ chi, nhìn mấy người phái viên phóng xe đạp. Anh thoáng thấy Nhật Tân và con Lu lu. Thoáng trong đầu anh hình ảnh Phượng.
Anh trở vào, cảm thấy chân tay lạnh buốt. Anh rùng mình, ngáp luôn mấy cái. Anh xem đồng hồ tay:
- Được lắm. Thằng Tây chó chết không biết gì cả.
Gian phòng lạnh và trống hoác. Trên trần chỉ còn trơ cái cửa võng sơn then thếp vàng như trong một cung đình. Tường vôi đều mới quét. Sau lưng bàn làm việc của anh, âm thầm bức tranh Đức phối Càn khôn của Khổng Phu tử, treo cao. Tường bên trái, tranh anh hùng độc lập vẽ trên kính lồng khung chạm cuốn thư, hai bên là đôi câu đối với những mặt đá vân xanh đủ các hình vuông tròn thay cho chữ Hán. Im lặng. Đèn ống sáng dịu lạnh tanh. Gió ở lỗ tường đục bên phải thổi như đưa từ hang sâu lên. Anh thấy lạ lạ cho anh lại ở nhà một tay triệu phú của cái phố Hàng Bạc thớ lợ và ham lợi này.
Anh đã được chính thức cử làm Phó chủ tịch uỷ ban kháng chiến Liên khu và phụ trách công việc thường trực. Anh vốn đã quen cái nếp giải quyết các việc bằng họp hành. Nhưng suốt từ mấy hôm nay và nhất là từ sáng, anh chỉ vùi đầu vào các cuộc họp lớn nhỏ liên tiếp và thấy sốt ruột. Chưa bao giờ anh phải đối phó với nhiều việc lặt vặt,phức tạp cùng đến một lúc như trong ngày hôm nay. Người anh lại yếu. Cách đây nửa tháng, anh đã đi nằm bệnh viện, nhưng vì tình hình, lại phải trở về công tác. Thầy thuốc khuyên không nên thức quá chín giờ, nhưng anh có thực hiện được lời dặn ấy đâu. Mấy đêm liền không ngủ. Người anh bã ra, anh ho hơn trước, toàn thân đau đớn vì hậu quả của những trận tra điện, lộn mề gà mà anh đã phải chịu hồi bị mật thám bắt năm bốn mươi hai. Anh lo cho sức khoẻ, không biết có thể đảm đương công việc không? Mà công việc thì thật là mò mẫm. Anh chỉ là một người thợ nhà in, rồi đi làm cách mạng. Hồi bí mật, có nhiều lúc khó khăn, anh bị đói khát, bị truy nã, nhưng việc tuyên truyền, vận động quần chúng thẳng một chiều anh thấy còn dễ. Ngày bị bắt, vấn đề chỉ là cắn răng chịu đựng để không phản bội. Cướp chính quyền ở Hà Nội, sự thật là nhờ cái uy thế của Cách mạng, sự hưởng ứng của quần chúng mà thành công, cái phần đóng góp của anh được là mấy? Nhưng bây giờ thì công việc như rừng. Anh như người mới thấy cái hướng ở đằng xa, và đang đi vào hướng đó, nhưng chưa tìm được lối đi giữa muôn vàn cây rậm rạp, mà không khéo vẫn có thể lạc ngay trong đó. Anh chỉ nghĩ chung chung mấy điểm, nắm vững lực lượng đồng chí, dựa vào quần chúng, bồi dưỡng tinh thần kháng chiến quyết tâm diệt địch đến cùng, và những điểm mà anh chưa trình bày được một cách cụ thể trong hội nghị đêm qua. Tất cả các đồng chí trong cái liên khu của anh đã gửi thư lên Trung ương hạ quyết tâm chiến đấu. Cái ý nghĩ Liên khu I sẽ chống giữ đến cùng làm cho anh quên mệt. Công việc kéo anh đi. Quốc Vinh đang sống cái giờ phút nghiêm trọng, trong nhiều giờ phút nghiêm trọng mà đời người cán bộ đã trải qua, và ngập trong đó, lo ngại và say sưa, dạn dày và đau đớn, cô đơn và bị ràng buộc, họ phải tiến lên gánh vác những trách nhiệm ghê gớm nó đòi hỏi, thôi thúc, tiêu hao họ.
Anh vừa vào thì đồng chí thư kí ở nhà bên chui qua lỗ tường sang, đưa anh một tờ giấy đề kí và một số công văn. Anh lấy trong túi ra con dấu mới tinh của uỷ ban kháng chiến Liên khu I, tự tay đập đập con dấu vào hộp mực dấu. Anh kí và đóng dấu, xem lại những cái hình tròn đỏ ướt trên giấy. Đây là cái lệnh số một trưng dụng xẻng cuốc nhà Quảng Xương Long. Anh cho con dấu vào túi, quay lại, cười với đồng chí thư kí:
- Thế là kháng chiến thôi. Vui chứ đồng chí?
- Thưa anh vui lắm. Mong mãi.
- Cố lên. Chốc nữa chúng nó chết. Bây giờ mới được trưng dụng đây. Làm cách mạng khổ thật, nắm chính quyền mà có nhiều lúc không được sử dụng quyền. Nhớ nổ súng rồi mới ra lệnh này nhé. Đưa trước lộ ốm đòn. Xẻng cuốc về phân phát cho tự vệ phá cho ra phá.
Anh bóc vội công văn. Đồng chí thư kí nói:
- Thưa anh còn mấy việc.
- Đồng chí nói.
Đồng chí thư kí đọc từng việc ghi trong sổ:
- Xin anh cho một cái máy chữ. Cái máy chữ của ta xấu lắm. Đánh là băng nó rối tung.
- Những cái này phải lo từ trước chứ. Bây giờ lấy đâu? Tạm vậy. Kháng chiến thế nào xong thôi cũng được.
- Tuyên truyền đang bí bài hát. Đề nghị giải quyết.
- Có Diệt phát xít, Bao chiến sĩ anh hùng, còn gì nữa!
- Không đủ ạ.
- Thì có cậu gì mới đến đấy, bảo làm thơ thêm vào.
- Các chị đề nghị hát Suối mơ, Đàn chim Việt.
- Đánh nhau mà lại Suối mơ!. Còn Đàn chim Việt thì cái tên được đấy. Nói với đồng chí trưởng ban là những việc lặt vặt đấy cứ liệu mà giải quyết. Mình biết bài nào vào bài nào. Cái gì động viên được tinh thần chiến đấu thì làm. Bảo anh ấy chuẩn bị máy in, có tài liệu cấp tốc in ngay đêm nay. Hỏi cái hiệu triệu của uỷ ban đã xong chưa? Nổ súng một cái là tung ngay cái hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và của Uỷ ban.
- Vâng. Tôi đã hỏi rồi. Việc thứ ba, Anh em tự vệ hỏi khi đánh nhau thì vấn đề chó thế nào, để hay giết?
- Giết. Nhớ là mình đánh du kích.
- Việc thứ tư. Đồng chí Sĩ đề nghị cho thêm thuốc mê, một bộ đồ giải phẫu. Đề nghị trưng dụng mấy nhà bào chế.
- Được, làm như đối với Quảng Xương Long.
- Đồng chí Sĩ lai hỏi ý kiến. Bác sĩ Quán, cả bác sĩ Pha đều không nhận làm trưởng ban quân y, và đề nghị đồng chí Sĩ làm, hai ông ấy không quen tổ chức. Đồng chí Sĩ không muốn nhận, nói đây là một vấn đề chính trị.
- Đúng. Nhưng về tổ chức phải giúp các ông ấy. Phải động viên lòng yêu nước của bác sĩ Quán, nghe nói hoang mang lắm. Đối với bác sĩ Pha phải rất trọng. Người ta mới ở Pháp, lại là một đại trí thức. Phải theo dõi, nhưng cũng phải hết sức bảo vệ.
- Đồng chí Sĩ lại xin phép đưa vợ con tản cư rồi về ngay.
- Bảo về ngay không không kịp. Sáu rưỡi rồi đây này. Đến phút cuối cùng rồi mà còn lúng túng. Thế mà lúc nào cũng nói vấn đề chính trị. Bảo chuẩn bị làm thêm cáng đã làm chưa?
- Chưa được báo cáo.
- Cáng tải thương cũng là vấn đề chính trị đấy. Thôi chứ.
- Thưa anh, còn một vấn đề nữa. Cụ Chủ tịch hành chính và cụ Chủ tịch Liên Việt báo cáo là số dân chúng còn ở lại không phải là bốn nghìn…
- Bao nhiêu? Năm nghìn…
- Không ạ. Thưa anh đến hơn hai vạn.
- Hai vạn?
Quốc Vinh đang ngồi đứng phắt dậy, đầu choáng như bị người bổ mạnh. Anh thừ người một lúc. Anh lẩm bẩm: “Đồng chí bí thư đã dặn. Phen này thì mất đầu!”. Anh nghiêm nét mặt, theo cái thói quen đã thành tự nhiên chuyển rất nhanh từ tình cảm này sang tình cảm nọ, nhiều khi đột ngột, khó hiểu. Anh cố giữ bình tĩnh:
- Hết chứ? Việc này là lớn nhất, đáng lẽ đồng chí phải báo cáo từ đầu. Thôi được.
Tay anh ôm lấy đầu. Anh ho rũ xuống. Văn Việt đẩy cửa chạy vào, nét mặt hầm hầm. Cái ve áo bờ-lu-dông tím của Văn Việt đã đính cái huy hiệu Hồ Chủ tịch mà anh chỉ đeo khi có việc quan trọng hay trong ngày lễ. Văn Việt hỏi:
- Ông Quốc Vinh, tôi muốn ông nói rõ cho tôi.
- Cái gì thế anh? Tôi tưởng anh đang bố trí ở hãng Sauvage.
Quốc Vinh bắt tay Văn Việt có điều không bằng lòng. Văn Việt nói:
- Chúng ta chủ động hay nó đánh ta? Tối nay, mình hay là nó? Tôi là uỷ viên quân sự, tôi phải biết chứ?
Vàn Việt trừng trừng nhìn Quốc Vinh.,cuống họng đưa lên đưa xuống, cái cằm râu quai nón đã xanh hơn ban sáng; Quốc Vinh cũng nhìn người uỷ viên quân sự, bàn tay cuộn để trước miệng, nhưng anh không ho. Anh nói:
- Tất cả những điều anh muốn biết rồi anh sẽ biết. Không có điều gì giấu anh cả. Kế hoạch sáng ngày đã bàn rồi, anh cứ làm như thế.
Văn Việt cau mặt, nhún vai, tay đập mạnh vào bao súng. Lời nghẹn trong cổ:
- Được. Các ông bảo làm gì, tôi làm cái ấy. Tôi hoàn toàn chịu quyền chí huy của các ông kia mà. Cái kiếp một thằng quần chúng vĩnh viễn là như thế thôi. Nó có được biết cái gì đâu?
Văn Việt đóng rầm cửa lại. Quốc Vinh định đuổi theo thì đồng chí thư kí lại chui lỗ tường sang:
- Thưa anh, có thằng lãnh sự Trung Hoa muốn gặp.
Quốc Vinh lắc đầu:
- Sao lại để cho người ta biết mình ở đây? Phải tìm ngay một trụ sở khác. Bảo chờ đấy, tôi ra ngay.
- Nghe nói bọn khách nó nuôi bốn mươi thổ phỉ.
- Ta đã có đội kiểm soát.
Anh bảo đồng chí thu dọn bàn để cho việc tiếp khách được đường hoàng, rồi quay vào nhà trong. Quốc Vinh chải lại đầu, nắn lại cái cờ-ra-vát, chải lại bộ quần áo. Từ khi về công tác ở đây, anh đã chú ý ăn mặc cho tề chỉnh, lịch sự nữa, để cho bọn nhà giàu không coi thường được một cán bộ. Trong sự giao thiệp với người nước ngoài, anh thấy phải giữ cái thể thống quốc gia. Tình hình càng nghiêm trọng, mình càng phải đĩnh đạc để họ không dám nhờn. Anh nhìn đồng hồ. Đã gần bảy giờ rồi. Còn hơn một tiếng nữa thôi. Anh vội như lửa đốt đầu, nhưng đối với họ, giờ này lại là giờ an nhàn nhất. Anh nghĩ: bí mật được giữ rồi. Văn Việt không nên trách mình mới phải. Anh trịnh trọng bước ra, niềm nở bắt tay viên lãnh sự là một người có tuổi, to béo nặng nề, như đem theo cả cái ngậy cái béo của những xíu mại, xíu dề, những buổi trà bánh ngọt, liên miên hết ngày này sang tháng khác, giữa những tiếng bô bô của hầu sáng, những tiếng xoa rào rào của mạt chược. Ông ta có cái vẻ trịch thượng lộ liễu của một người nước lớn hoà với cái vẻ ung dung ích kỉ của người ngoài cuộc. Tuy nhiên, ông ta cũng vẫn khúm núm, thói quen của một anh Hoa kiều trước chính quyền một nước mình ở nhờ. Quốc Vinh mời mãi, ông gật gật lia lịa, tay khòng khòng co ra duỗi vào một lúc lâu mới gật gật đầu ngồi xuống. Sau một vài câu mào đầu, ông đi vào vấn đề chính. Ông nói tiếng Việt Nam rất sõi, và Quốc Vinh tự nhiên có cái thú của một người có thế. Ông lãnh sự nói:
- Chúng tôi chỉ là những người làm ăn buôn bán, mong sao được yên ồn, một lòng tôn trọng pháp luật của Chính phủ. Nhưng chúng tôi thấy tình hình mỗi lúc một nặng ra. Có đánh nhau thì chúng tôi không biết đi đâu cả. Chúng tôi chắc rằng Cụ Hồ cũng tôn trọng người Hoa kiều, mà Pháp nó cũng phải tôn trọng. Chúng tôi đã dán ở cửa mỗi nhà Hoa kiều một cái giấy có cờ Trung Quốc. Uỷ ban đã biết rồi đấy.
Viên lãnh sự nhìn Quốc Vinh một cái nhìn lấm lét. Quốc Vinh làm như không để ý, chỉ ngồi nghe không tỏ một thái độ gì. Nhưng trong lòng, anh phản ứng mạnh. Mấy anh Hoa kiều con buôn để chữ Pháp lên trên là đã rõ cả cái thái độ của họ rồi. Anh nghĩ: Chờ đấy rồi xem tụi Pháp chúng nó có bảo vệ các anh không.
Viên lãnh sự lại nói:
- Tôi biết là hai bên đều phải tôn trọng người Hoa kiều. Sáng nay Uỷ ban cũng đã nói rõ chủ trương của Chính phủ rồi. Chúng tôi cảm tạ lắm. Nhưng đến lúc chiến tranh thì biết thế nào. Tôi làm lãnh sự, tôi phải lo trước cho tính mạng, tài sản của người Tàu chúng tôi. Tôi đến xin các ông cho chúng tôi hẳn một khu an toàn, một khu riêng của chúng tôi. Trong khu ấy, người Việt Nam không ở mà quân Pháp cũng không tới.
Quốc Vinh cố giữ để khỏi ho, và bực với mình là mất vẻ tự nhiên nghiêm chỉnh đi nhiều. Anh chìa tay cầm lấy cái thư mà theo lệnh của viên lãnh sự, người thư kí lấy trong cặp đưa trình anh. Anh bình tĩnh trả lời:
- Việc này chúng tôi là cấp dưới không có quyền quyết định. Chúng tôi xin nhận cái thư này và sẽ đệ lên Chính phủ chúng tôi xét. Trong khi chờ đợi lệnh của Chính phủ, thì các ông ở đâu cứ ở đấy không lo gì cả. Việt Nam với Trung Hoa là hai dân tộc anh em, chúng tôi mong rằng các ông sẽ ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng tôi. Hoà bình cũng như trong chiến tranh, chính sách của chúng tôi là tuyệt đối tôn trọng người ngoại quốc. Trước mặt ông, tôi tuyên bố rõ ràng là chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ các ông. Anh em bộ đội, công an, tự vệ đã được lệnh rất nghiêm là không để cho một kẻ nào xâm phạm đến tính mệnh, tài sản của các ông. Không những thế, Ấn kiều và Hoa kiều, nhất là Hoa kiều, nếu như chiến tranh xảy tới mà cần đến cái gì, chúng tôi sẽ hết sức giúp đỡ. Đây là đất nước chúng tôi, các ông sống trên đất nước chúng tôi, chúng tôi là người chủ, chúng tôi phải có cái trách nhiệm ấy.
Anh nói tiếp:
- Nếu có chiến tranh, không một người Trung Hoa nào được sang khu Pháp nếu không có giấy của Uỷ ban.
Viên lãnh sự cúi đầu một cách miễn cưỡng. Nhưng người thư kí, một thanh niên có vẻ tây học, thì cười và gật đầu ra ý tán thành những ý kiến của Quốc Vinh. Khi tiễn họ ra. Quốc Vinh thấy anh thư kí nắm tay anh rất chặt, hình như muốn nói điều gì trong nắm tay ấy. Anh ta lùi lại nói với Quốc Vinh:
- Các ông có điều gì cần phổ biến cho chúng tôi xin cho tôi biết. Tôi xin dịch và đăng trên tờ báo Hoa – Việt của chúng tôi ở đây. Tôi xin giúp các ông. Như hôm nay ông nói, Hoa kiều biết thì ai cũng yên tâm. Ông lãnh sự chúng tôi thì quên ngay đấy.
Quốc Vinh cảm ơn, quay vào ghi sổ tay: Ban Hoa vận chú ý người thư kí của lãnh sự Trung Hoa.
Anh mệt rũ người xuống. Anh muốn ngả lưng một lát, nhưng lại thôi. Anh vào thay vội quần áo, mặc lại bộ ka-ki, đeo súng lục.
Một công văn hoả tốc đưa xuống. Anh mở ra xem và vội vã đứng lên. Đấy là cái mệnh lệnh chuẩn bị.

°

° °

Quốc Vinh khẽ đặt cái máy nói xuống bàn, nhìn Oanh và hai đồng chí nữa ngồi trước mặt anh. Họ hẹn gặp nhau trước giờ nổ súng. Anh nói rất gọn và nhỏ:

- Pháo đài Láng chuẩn bị pháo lệnh kháng chiến.
Lời nói âm vang trong lòng mọi người và trong lòng anh. Không ai nói. Mắt họ sáng lên, rồi lại dán vào cái đồng hồ đeo tay của mình. Họ như những người đi thi chờ đợi kết quả những công việc họ đã làm. Bốn bề sao mà tĩnh mịch. Tiếng chuông đồng hồ Nhà thờ lớn mà ở đây lần đầu tiên người ta nghe thấy, văng vẳng và thong thả điểm tám tiếng. Im lặng lại trả về im lặng. Kim phút nhích rất chậm. Thì giờ đi, nặng như kéo theo sau một quả núi. Oanh hơ cái đuôi một cây bạch lạp cho nó cháy, rồi dựng nó lên bàn. Chị giở cuốn sổ con của chị ra. Quốc Vinh cầm lấy cái ảnh Hồ Chủ tịch đặt lên bàn rồi lại để xuống. Anh chưa được gần người đồng chí già ấy bao giờ, trừ cái ngày mồng hai tháng chín ấy. Đứng dưới lễ đài để bảo vệ, anh ngước lên, thấy lẫn với nhiều người, lẫn với cờ và ô, nhà cách mạng lăn lộn khắp năm châu bốn bể trở về, đen xạm vì nắng mưa và sốt rét, vừa ho vừa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc này đây, lãnh tụ đang trông ngóng chờ anh. Đã đánh được chưa? Lời đồng chí bí thư lại văng vẳng, và cũng văng vẳng lời nói của anh: Đánh – Trong cái vắng lặng của một cuộc đời đang sắp thay đổi lớn, anh cảm thấy đất ở dưới chân anh chuyển động. Anh như đang trông thấy, nghe thấy đồng chí và đồng bào tiến sát tới cầu Long Biên, Cửa Đông, Cửa Bắc; Vi Dân đã chôn bom ở Cửa Nam; những ống hơi của Sinh sắp nổ trong lò than của xưởng giặc trong thành; phủ Bắc Bộ đã sẵn sàng, các ô Cầu Rền, ô Chợ Dừa, ô Cầu Gíấy đang vít chúng nó lại, trường bay Gia Lâm sắp bốc cháy; xa xa Cầu Đuống sắp được chiếm lại; xa nữa, Bắc Ninh, xa nữa Nam Định, xa nữa xa nữa Huế, Sài Gòn đang hướng cả về Thủ đô. Trong cái chấm nhỏ của một thuộc địa con con, tiếng súng bắt buộc sắp phải nổ chống sự nhơ nhuốc của thống trị, chống cái thảm hoạ của đói khổ, bệnh tật, dốt nát, chống cái vô lí của hai bên thù ghét. Kim đồng hồ nhích dần, thu hẹp cái mênh mông của chờ đợi, và bội phần cái lo âu của trách nhiệm vừa lạnh lùng vừa đau xót. Trên con đường tiến lên đạp đổ mọi ngai vàng và xiềng xích, dẫn đến công lí và hạnh phúc, anh đã trông thấy nhiều máu phải chảy ra, nhiều đầu phải rụng xuống. Giờ đã đến mà sự chém giết sẽ dữ dội hơn nữa, đồng bào anh sẽ trải qua những tang tóc lớn lao. Nhưng cách mạng cứ phải đi, và cuốn theo nó hàng vạn, hàng triệu con người trong đau thương và trong tin tưởng, đứng dậy, lớn lên.
Phút cuối cùng. Và phút đầu tiên.
Họ nín thở lắng nghe. Trong cái tĩnh mạc của thành phố bỗng có tiếng sành sạch, sành sạch, tiếp theo một tiếng nổ ùng oàng vang trời. Oanh nảy người, giữ lấy đồng chí ngồi bên, kêu:
- Có lẽ rồi…
Quốc Vinh đứng dậy nói to như để bù những chuỗi ngày uất ức:
- Tiêu diệt thực dân Pháp!
Tiếng kêu của anh chìm trong nhiều tiếng nổ lớn. Căn nhà chao đi. Điện nê-ông nháy nháy như cưỡng lại. Họ ôm choàng lấy nhau trong bóng tối; giữa những tiếng reo ngoài phố khi đèn vừa tắt, tiếng chân chạy ngoài đường và tiếng chó sủa vang. Mọi sự thay đổi đều không có gì ghê gớm ban đầu. Họ chuyền cho nhau sổ tay để kí dưới ánh sáng lay động và nóng nóng của ngọn nến. Oanh quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt chảy trên gò má chị. Tiếng một người chạy ở ngoài đường nói như hỏi ai, như trả lời mình, như ở đâu đưa tới:
- Kháng chiến rồi!
Lại có tiếng ùng oàng, lần này kéo theo những tiếng tằng tằng của liên thanh ran ran bốn phía của Thủ đô bắt đầu đêm đông tối…