P2 - Chương 2

Sự lạc quan của Browning có thể dễ dàng nhận ra. Khi cuộc họp lớn đã chấm dứt, nhường chỗ cho những cuộc họp quy mô nhỏ hơn của các nhóm tham mưu sẽ kéo dài suốt đêm, chỉ vài sĩ quan nhận ra mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Brereton và Browning. Thoạt đầu, khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 được thành lập, người Anh đã rất kỳ vọng rằng Browning, sĩ quan hàng đầu của Anh về đổ bộ đường không và là một trong những người đi tiên phong trong sử dụng lính dù, sẽ được chỉ định làm tư lệnh. Vì ưu thế về quân số và trang bị của người Mỹ trong đạo quân mới này, vị trí đáng thèm muốn đã thuộc về một người Mỹ, tướng Brereton.
Về cấp bậc, Browning còn lên cấp trước Brereton 6 tháng, và cho dù viên tướng Mỹ là một sĩ quan nổi bật về chiến thuật không lực, ông chưa bao giờ chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không. Thêm vào đó, tính cách của hai người cũng khác xa nhau. Brereton đã từng là phi công trong thế chiến thứ nhất và phục vụ nổi bật trong thế chiến thứ hai, đầu tiên ở Trung Đông và Viễn Đông, sau đó trên cương vị tư lệnh tập đoàn không quân số 9 của Mỹ tại Anh. Ông là một người giản dị và kiên trì, nhưng sự đam mê thành công của ông được giấu kín dưới một phong cách điềm đạm, lặng lẽ ít nói. Lúc này ông thực hiện bổn phận quan trọng được giao phó với sự kiên quyết và độc đoán vốn đặc trưng cho nhiều sĩ quan chuyên nghiệp đồng hương của ông.
Browning, một sĩ quan pháo thủ cận vệ, cũng là một người cầu toàn, kiên quyết không kém trong việc chứng minh giá trị của quân dù. Nhưng ông chưa bao giờ chỉ huy một đơn vị đổ bộ đường không. Trái với Brereton, "Boy" Browning có thể nói là một nhân vật rất cuốn hút, hào hoa tề chỉnh đến không chê vào đâu được, với vẻ tự tin thường hay bị hiểu lầm là kiêu ngạo, không chỉ bởi người Mỹ mà cả một vài chỉ huy dưới quyền.
Cho dù ông là người hay thay đổi quan điểm và đôi khi quá nóng vội, danh tiếng của ông với tư cách một lý thuyết gia về đổ bộ đường không đã trở thành huyền thoại trong những người ngưỡng mộ. Tuy thế, ông thiếu kinh nghiệm chiến trường so với một số sĩ quan khác, như tướng Richard Gale của sư đoàn đổ bộ đường không số 6 của Anh, và các tư lệnh kỳ cựu của Mỹ, các tướng Gavin và Taylor. Và, Browning còn cần chứng tỏ rằng ông sở hữu tài năng tổ chức tương đương với người giàu kinh nghiệm nhất trong các tư lệnh đổ bộ đường không, tướng Ridgway.
Chỉ vài ngày trước đó, một sự việc đã làm bộc lộ sự khác biệt giữa Brereton và Browning. Hôm 3/9, Browning đã phản đối Brereton về sự nguy hiểm khi cố gắng tổ chức một cuộc tấn công đổ bộ đường không chỉ sau 35 giờ chuẩn bị. Kể từ ngày 6/6, 17 kế hoạch đổ bộ đường không đã được chuẩn bị và bãi bỏ. Trong 33 ngày dưới sự chỉ huy của Brereton, trong sự nóng lòng muốn nhập cuộc của viên tư lệnh, các kế hoạch đã được xây dựng với tốc độ gần như mỗi bản một tuần. Không bản nào đi tới trạng thái sẵn sàng bắt đầu. Browning, quan sát việc xây dựng ồ ạt kế hoạch tấn công như vậy, rất e ngại về sự vội vã này cũng như những nguy cơ có thể gặp phải. Khi chiến dịch Linnet 1- một cuộc đổ bộ trước mặt quân Anh tại Bỉ - bị bãi bỏ hôm 2/9, Brereton lập tức tìm ra một cái đích mới phía trước các đạo quân mặt đất đang tiến nhanh và đưa ra chiến dịch Linnet 2, như là một cuộc tấn công thay thế dự kiến diễn ra hôm 4/9.
Như Brereton sau này nhớ lại sự kiện đó,"Browning có vẻ rất bồn chồn về kế hoạch Linnet 2 vì thiếu trầm trọng thông tin, ảnh trinh sát, và nhất là bản đồ. Kết quả, "Boy" tuyên bố là binh lính của ông ta sẽ không thể được phổ biến nhiệm vụ một cách chu đáo." Browning nói," không nên toan tính thực hiện các chiến dịch đổ bộ đường không một cách cập rập như vậy". Về nguyên tắc Brereton đồng ý, nhưng viên tư lệnh đã nói với cấp phó của mình rằng "sự tan rã vô tổ chức của kẻ địch đòi hỏi phải nắm ngay lấy cơ hội". Sự bất đồng giữa hai người kết thúc với việc Browning kiên quyết tuyên bố ông dự định sẽ viết đơn phản đối bằng giấy trắng mực đen. Lá đơn tới vài giờ sau. Vì "sự khác biệt sâu sắc về quan điểm giữa chúng ta," Browning viết, ông ta không thể "tiếp tục đảm nhiệm vị trí phó tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh". Brereton, không hề bị dao động, đã bắt đầu nghĩ đến chuyện thay thế Browning. Ông này báo cho tướng Ridgway "sẵn sàng để thay thế". Vấn đề tế nhị này được giải quyết khi chiến dịch Linnet 2 bị bãi bỏ; ngày hôm sau Brereton đã thuyết phục được Browning rút đơn xin từ chức.
Lúc này, dẹp bỏ khác biệt sang bên, cả hai cùng đối mặt với nhiệm vụ khổng lồ và phức tạp cho việc chuẩn bị Market. Dù Browning còn gì không vừa ý, giờ đây những điều đó cũng chỉ là thứ yếu so với công việc trước mắt.
Có một quyết định mà Brereton đã không thể đưa ra đựơc trong cuộc họp đầu tiên: lực lượng đổ bộ đường không tạo nên tấm thảm lót đường sẽ được đưa tới mục tiêu một cách cụ thể ra sao. Chỉ huy các đơn vị không thể lên được kế hoạch chi tiết khi vấn đề hóc búa nhất này chưa được giải quyết.
Trên thực tế các đạo quân đổ bộ đường không chỉ có thể có mức cơ động tương đương như các phương tiện chuyên chở chúng. Ngoài các tàu lượn có trong tay, Brereton không có máy bay vận tải của riêng mình. Để đạt được yếu tố bất ngờ hoàn tòan, kế hoạch lý tưởng nhất dự kiến đưa 3 sư đoàn rưỡi tham gia chiến dịch tới các khu đổ bộ trong cùng ngày cùng giờ. Nhưng quy mô khổng lồ của chiến dịch đã loại bỏ khả năng này. Máy bay vận tải và tàu lượn thiếu trầm trọng; các máy bay sẽ phải bay thành nhiều chuyến. Nhiều yếu tố khác cũng khiến những người lập kế hoạch phải thay đổi cách tiếp cận. Mỗi sư đoàn có yêu cầu tác chiến khác nhau. Ví dụ, lực lượng vận chuyển sư đoàn 101 của tướng Taylor dứt khoát phải chuyên chở nhiều người hơn trang bị tiếp tế khi bắt đầu chiến dịch để sư đoàn này có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao là thực hiện hội quân với lực lượng Garden trong vòng vài giờ đầu của chiến dịch. Hơn nữa lực lượng của Taylor cũng phải nhanh chóng hội quân với sư đòan số 82 trên hành lang phía bắc họ. Tại đó, đơn vị của tướng Gavin không những cần làm chủ những cây cầu lớn qua sông Maas và sông Waal mà còn phải giữ dải núi Groesbeek ở phía đông nam, một khu vực phải không cho quân Đức chiếm bằng mọi giá vì nó khống chế cả vùng xung quanh. NHiệm vụ cụ thể giao cho Gavin cũng đòi hỏi những trang bị đặc biệt. Vì sư đoàn 82 sẽ phải chiến đâú lâu hơn sư đoàn 101 trước khi hội quân được, Gavin cần không chỉ lính mà cả pháo binh.
Xa hơn nữa về phía bắc, những vấn đề đặt ra cho sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh dưới quyền tướng Uqhart còn khác hẳn. Sư đoàn này cần chiếm cây cầu tạiArnhem và giữ vững tới khi được giải tỏa. Nếu may mắn, phản ứng của quân Đức sẽ đủ chậm để lực lượng mặt đất hội quân kịp với lực lượng dù trang bị nhẹ trước khi sức mạnh của kẻ thù tăng lên. Nhưng cho tới khi xe tăng của Horrock tới nơi, người của Uqhart cần giữ vững. Uqhart không thể dàn mỏng lực lượng của mình bằng cách cử các đơn vị đánh xuống phía nam hội quân với Gavin. Nằm ở đầu xa nhất của hành lang, sư đoàn 1 của Anh sẽ phải chống giữ lâu nhất. Vì lý do này, lực lượng của Uqhart cũng là lớn nhất, sư đoàn của ông được tăng cường với lính dù Ba Lan, cùng sư đoàn Lowland số 52, đơn vị này sẽ được đổ xuống khi chuẩn bị được sân bay ở khu vực Arnhem.