Dịch giả: seahawk1
P2 - Chương 3

Sáng ngày 11, sau một đêm bận rộn phân tích và tập hợp thông tin về lực lượng máy bay sẵn có cho cuộc tấn công, thiếu tướng Paul L. William, tư lệnh không đoàn vận tải số 9 của Mỹ, đã trình những ước tính của mình lên Brereton. Theo ông thông báo, máy bay vận tải và tàu lượn thiếu đến mức cho dù có huy động toàn lực, trong trường hợp khả quan nhất cũng chỉ có thể hy vọng đổ bộ được một nửa lực lượng của Browning vào ngày N. Những khí tài thiết yếu như pháo binh, xe jeep và các trang bị nặng khác được dự tính vận chuyển bằng tàu lượn sẽ chỉ có thể mang theo được ở mức tối thiểu cần thiết. Brereton đã yêu cầu viên chỉ huy vận tải đường không của ông nghiên cứu khả năng tiến hành hai đợt đổ quân vào ngày N, nhưng đề xuất này không khả thi. "Tính đến khoảng cách cũng như thời gian ngày ngắn, không thể tiến hành hơn một đợt đổ quân mỗi ngày," tướng William nói. "Làm vậy sẽ quá mạo hiểm. Nếu thế sẽ không có thời gian cho việc bảo trì hay sửa chữa những hư hại trong chiến đấu, ông chỉ rõ, và hầu như chắc chắn " việc phi công và phi hành đoàn bị kiệt sức sẽ gây ra tổn thất."
Bị trói tay bởi sự thiếu hụt phương tiện vận chuyển và thời gian, Brereton đã thực hiện một số điều chỉnh quan trọng. Sẽ cần một ngày trọn để chụp ảnh không thám các cây cầu và địa hình ở Hà Lan; hai ngày nữa cần thiết cho việc chuẩn bị và phân phát bản đồ các khu tác chiến, thu thập và phân tích tin tình báo, chuẩn bị kế hoạch tác chiến chi tiết. Quyết định quan trọng nhất: Brereton bị buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch Market cho phù hợp với số lượng phương tiện chuyên chở sẵn có. Ông đành phải vận chuyển dần các đơn vị, đổ bộ ba sư đoàn rưỡi tới đích tấn công trong vòng 3 ngày. Nguy cơ là rất lớn: viện binh Đức có thể sẽ tới khu quyết chiến của Market Garden sớm hơn dự kiến; hỏa lực phòng không có thể quá mạnh; và luôn phải tính đến khả năng thời tiết xấu. Sương mù, gió mạnh, một cơn bão bất ngờ - tất cả đều có thể xảy ra vào thời gian này trong năm - đều có thể gây ra tai họa.
Tệ hơn nữa, một khi đã đổ bộ, lực lượng dù và đổ bộ bằng tàu lượn, tới nơi không có pháo binh nặng hay xe tăng, sẽ rất dế bị tiêu diệt. Đoàn xe tăng của quân đoàn 30 của tướng Horrock, tiến thành một cột theo một con đường hẹp duy nhất, sẽ không thể thực hiện cú đột kích 64 dặm tới Arnhem và xa hơn trừ khi quân của Brereton chiếm các cầu và giữ thông suốt đường tiến. Mặt khác, lực lượng đổ bộ cũng cần được tiếp ứng càng nhanh càng tốt. Bị cô lập sâu phía sau chiến tuyến địch và phải phụ thuộc vào tiếp tế đường không, lực lượng đổ bộ sẽ phải với đối đầu với lực lượng địch mỗi lúc một mạnh hơn theo từng ngày. Tối đa các lực lượng bị cô lập này cũng chỉ có thể giữ được những 'đầu cầu' của mình trong vài ngày. Nếu lực lượng thiết giáp Anh bị cầm chân hoặc tiến không đủ nhanh, lực lượng đổ bộ sẽ không tránh khỏi bị áp đảo và tiêu diệt.
Còn nhiều thứ nữa có thể xảy ra không theo dự kiến. Nếu những chú "chim ưng gầm thét" của tướng Taylor không kiểm soát được đầu cầu phía trước lực lượng thiết giáp mũi nhọn của đạo quân Anh số 2, cho dù người của tướng Gavin hay tướng Uqhart có chiếm được mục tiêu của họ ở Nijmegen và Arnhem hay không cũng không có ý nghĩa gì nữa. Họ kiểu gì cũng sẽ bị cô lập.
Cần chấp nhận một số rủi ro truyền thống trong đổ bộ đường không: các sư đoàn có thể nhảy dù hay đáp nhầm khu vực; cầu có thể bị đối phương phá hủy ngay khi cuộc tấn công bắt đầu; thời tiết xấu có thể ngăn cản việc tiếp tế bằng đường không; và thậm chí nếu tất cả các cầu đều được chiếm nguyên vẹn, hành lang tiến quân vẫn có thể bị cắt đứt tại bất kỳ điểm nào. Đây chỉ là một vài trong
số những yếu tố không thể lường trước. Những người lập kế hoạch đã đặt cược vào tốc độ, sự bất ngờ, táo bạo và chuẩn xác - tất cả dựa trên một kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng đổ bộ và lực lượng mặt đất, kế hoạch này, đến lượt mình, lại trông đợi vào sự hỗn loạn và yếu kém của quân Đức. Mỗi mắt xích trong Market Garden phải ăn khớp với nhau. Nếu một mắt xích không khớp, rất có thể sẽ là tai họa cho tất cả các đơn vị.
Theo quan điểm của Brereton, cần chấp nhận những nguy cơ này. Rất có thể không bao giờ có một cơ hội thứ hai. Hơn nữa, dựa trên những thông tin mới nhất về lực lượng của kẻ thù nhận được từ cụm quân số 21 của Montgomery, sở chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không của đồng minh vẫn tin lực lượng của Brereton sẽ “chạm trán một kẻ địch vô tổ chức với khả năng tác chiến không đồng đều”. Người ta không tin rằng “bất cứ lực lượng nào lớn hơn cỡ lữ đoàn (chừng 3000 người) cùng một số rất ít xe tăng và pháo có thể được tập trung để chống lại lực lượng đổ bộ trước khi lực lượng này được lực lươngj mặt đất giải toả”. Người ta chờ đợi “rằng chuyến bay tới đích cùng quá trình đổ bộ sẽ có thể gặp trở ngại, và việc chiếm nguyên vẹn các cầu mục tiêu sẽ dựa chủ yếu vào yếu tố bất ngờ và hỗn loạn phía kẻ thù hơn là vào chiến đấu ác liệt”. Không có gì mà những người xây dựng kế hoạch không cân nhắc tới. Những tổng kết tình báo cuối cùng có vẻ gần như chắc chắn “bước tiến của lực lượng mặt đất sẽ rất nhanh nếu chiến dịch đổ bộ thành công”.
Thiếu tá Brian Uqhart rất bất an trước không khí lạc quan tràn ngập sở chỉ huy các đơn vị thuộc quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của tướng Browning. Viên sĩ quan phụ trách tình báo 25 tuổi cảm thấy mình có lẽ là người duy nhất trong ban tham mưu có chút nghi ngờ về Market Garden. Uqhart (không có họ hàng gì với tư lệnh sư đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, thiếu tướng Robert Uqhart) không tin vào những ước tính lạc quan về lực lượng đối phương tới gần như hằng ngày từ Bộ tư lệnh cụm quân số 21 của Montgomery. Vào sáng thứ ba 12/9, chỉ còn cách ngày N năm hôm, sự nghi ngờ của anh này về Market Garden đã gần như trở thành kinh hoàng.
Dự cảm của anh đã bị đánh thức bởi một bức điện thận trọng gửi tới từ Sở chỉ huy đạo quân Anh số 2 của tướng Dempsey. Dẫn ra một thông báo từ phía Hà Lan, ban tình báo của Dempsey cảnh báo về sự tăng cường lực lượng quân Đức trong khu vực sẽ diễn ra Market Garden và nói tới sự có mặt của “các đơn vị Panzer đã tổn thất được cho là đóng tại Hà Lan để củng cố lại.” Cũng cần thừa nhận rằng thông tin này khá mơ hồ. Thiếu bất cứ sự khẳng định nào, thông báo của Dempsey không được đưa vào bản tổng kết tình báo trong các Bộ tư lệnh của cả Montgomery lẫn Eisenhower. Uqhart không hiểu tại sao. Anh này cũng đã nhận được những tin tức đáng lo ngại tương tự từ phía sĩ quan liên lạc Hà Lan tại sở chỉ huy quân đoàn. Và, cũng như ban tham mưu của Dempsey, anh tin vào tin này. Thêm thông tin tự mình tìm hiểu được vào thông tin do Dempsey gửi tới, thiếu tá Uqhart tin rằng các đơn vị thuộc ít nhất hai sư đoàn Panzer đang đóng đâu đó quanh Arnhem. Bằng chứng khá mong manh. Các đơn vị này chưa được nhận diện, lực lượng không rõ bao nhiêu, và anh cũng không thể đoan chắc được chúng hiện đang được củng cố lại hay chỉ đơn giản là tình cờ hành quân qua Arnhem. Dù thế nào đi nữa, Uqhart, như anh nhớ lại sau này, “đã bị chấn động mạnh”.
Ngay từ khi hình thành ý tưởng về chiến dịch Comet, rồi đến sự biến đổi nó thành Market Garden, nỗi lo ngại của thiếu tá Uqhart cứ tăng dần. Hết lần này đến lần khác, anh đã lên tiếng phản đối kế hoạch này với “bất cứ ai muốn nghe tại ban tham mưu”. Anh “thực sự phát hoảng về Market Garden, vì điểm yếu của nó là giả thiết rằng quân Đức sẽ không gây ra kháng cự nào đáng kể”. Bản thân Uqhart tin rằng quân Đức đang hồi phục nhanh chóng và có thể đã có nhiều lính và khí tài tại Hà Lan hơn bất cứ ai có thể ngờ. Thế nhưng, toàn bộ cốt lõi của kế hoạch, theo như quan điểm của viên thiếu tá, “dựa trên kịch bản không thể tin nổi là một khi các cầu được chiếm, xe tăng của quân đoàn 30 có thể tiến dọc theo hành lang rất hẹp này - gần như một con đường độc đạo, không cho phép có một khả năng cơ động nào - rồi sau đó thủng thẳng tiến vào nước Đức như thể người ta bước qua cửa nhà thờ. Tôi chỉ đơn giản là không tin rằng quân Đức sẽ tiếp tục cắm đầu cắm cổ chạy và đầu hàng.”
Tại cuộc họp xây dựng kế hoạch, thiếu tá Uqhart càng phát hoảng hơn nữa khi anh này thấy “tất cả mọi người đều thèm muốn bằng mọi giá đưa lực lượng đổ bộ đường không vào cuộc”. Người ta liên tục so sánh tình hình hiện tại với sự suy sụp của nước Đức năm 1918. Uqhart nhớ rằng tướng Browning, có lẽ phản ánh quan điểm chung của Montgomery và “một số tướng lĩnh Anh khác, lúc đó đang nghĩ tới một cuộc đột kích quy mô nữa”. Viên sĩ quan tình báo có vẻ lo ngại khi mọi người quanh anh đều nghĩ chiến tranh có lẽ sẽ kết thúc trước mùa đông và “cuộc tấn công Arnhem rất có thể là cơ hội cuối cùng để lực lượng đổ bộ được tham chiến”.