Dịch giả: seahawk1
P 2- Chương 6

Với Knap, quan trọng hơn cần cập nhật tình hình lực lượng địch tại vùng quanh Arnhem. Anh này biết có các nhân viên tình báo khác gửi thông tin về trung tâm từ mỗi thành phố và anh chỉ “là một mắt lưới nhỏ trong một mạng lưới thu thập tin rộng lớn”. Kết quả là, rất có thể có nhiều việc sẽ trùng lặp nhau. Tuy thế, mọi thông tin đều quan trọng, vì “những gì một nhóm bỏ sót, chúng tôi có thể thu lượm được”.
Hai tuần trước đó, như anh nhớ lại sau này, “gần như không có tên Đức nào ở vùng Arnhem”. Sau đó, tình hình quân sự thay đổi hẳn. Giờ đây, Knap ngỡ ngàng trước sự củng cổ lực lượng của quân Đức. Từ mạng của anh, Knap đã được báo trong 7 ngày trước rằng “tàn quân của nhiều sư đoàn, bao gồm cả các đơn vị panzer, đang trong quá trình tái tổ chức tại Arnhem và vùng phụ cận hoặc đang di chuyển về Đức.” Đến lúc này, những tin cụ thể hơn lại tới. Điệp viên của anh thông báo về sự có mặt của xe tăng ở phía bắc và đông bắc Arnhem. Knap tin rằng “một số đơn vị của ít nhất một hay hai sư đoàn panzer” đang có mặt trong vùng, nhưng địa điểm và phiên hiệu cụ thể của chúng tới lúc này vẫn chưa được xác định.
Knap muốn có các chi tiết lập tức. Anh gấp rút yêu cầu mạng lưới của mình. Anh yêu cầu có thêm thông tin chính xác hơn về hoạt động của lực lượng panzer và anh cũng muốn biết lập tức tên, cấp bậc của “khách trọ mới” của khách sạn Tafelberg.
Anh thanh niên 25 tuổi Wouter van de Kraats chưa bao giờ nghe nói đến Henri Knap. Nhân mối liên lạc của anh trong lực lượng kháng chiến ngầm là một người đàn ông anh chỉ biết là “Jansen” đang sống ở Arnhem. Jansen có một nhiệm vụ mới cho anh này – khách sạn Tafelberg. Anh được biết một sĩ quan Đức cao cấp đã tới khách sạn và Van de Kraats phải xem xem có chiếc xe nào đỗ bên ngoài “có mang phù hiệu hay cờ hiều” không. Nếu có, anh cần thông báo lại màu và biểu tượng trên phù hiệu.
Van de Kraats đã nhận thấy sự tăng cường hoạt động của bọn Đức quanh khách sạn. Quân cảnh Đức và lính gác được bố trí trong khu vực. Khó khăn của anh là làm thế nào qua được bọn lính gác trên đường và đi ngang qua Tafelberg. Anh quyết định công khai đi bừa qua.
Khi anh tới gần khách sạn, anh lập tức bị một tên lính gác chặn lại. “Nhưng tôi phải đi qua,”Van de Kraats nói với tay Đức. “Tôi làm việc ở cây xăng đầu phố”. Tay lính Đức để anh thanh niên đi qua. Ba tên lính gác khác chỉ nhìn theo anh soi mói. Sau đó, khi Van de Kraats đi ngang qua khách sạn Tafelberg, anh liếc nhanh về phía lối vào và bãi đỗ xe. Không có chiếc xe nào đỗ ở đó có mang bất cứ phù hiệu nào, nhưng gần cổng trước khách sạn có dựng một tấm biển kim loại màu đen, đỏ, và trắng – ký hiệu của một chỉ huy cụm quân Đức.
Vào chiều ngày thứ năm 14/9, Henri Knap nhận tin từ mạng lưới của mình. Một số nguồn cho anh biết những đơn vị lớn lính panzer, xe tăng và xe bọc thép đóng theo một vòng cung ở phía bắc Arnhem. Cũng có các đơn vị tại Beekbergen, Epse, và dọc sông Ijssel. Thậm chí còn có một thông báo đáng kinh ngạc về sự có mặt của “20 đến 30 xe tăng Tiger”. Chính xác có bao nhiêu đơn vị, anh không thể đoan chắc được. Anh có thể xác định chính xác phiên hiệu một đơn vị nhờ một phù hiệu. Một trong số các điệp viên của anh đã ghi nhận “ một phù hiệu lạ - hình chữ F lộn ngược với một quả bóng ở dưới chân- trên một số xe tăng. Kiểm tra lại trong một cuốn danh sách các đơn vị Đức, Knap đã xác định được đơn vị này. Anh lập tức gọi điện thoại cho đầu mối liên lạc của mình và thông báo sự có mặt của sư đoàn Panzer SS số 9 Hohenstaufen. Theo thông tin của người điệp viên, Knap nhận định đơn vị này đóng quân về phía bắc giữa Arnhem và Apeldoorn và từ đó về phía đông tới Zutphen.
Ngay sau đó anh nhận được tin về khách sạn Tafelberg. Anh cũng kiểm tra lại tin này. Tấm biển màu đen, đỏ và trắng đã nói lên tất cả. Chỉ có một tư lệnh cụm quân Đức tại khu vực này của mặt trận phía tây. Cho dù Knap chuyển tin này đi như một thông tin chưa chắc chắn, nhưng anh tin rằng viên sĩ quan này hẳn là thống chế Walter Model.
Cách Oosterbeek 25 dặm về phía đông, trong sở chỉ huy của quân đoàn panzer SS số 2 của mình tại một lâu đài nhỏ nằm ở ngoại ô Doetinchem, tướng Wilhem Bittrich chủ trì một cuộc họp với tư lệnh hai sư đoàn còn lại của mình. Bittrich đang bực bội, cố gắng lắm mới giữ được sự tự chủ. Triển vọng cho quân đoàn panzer đã tơi tả của ông ta lúc này còn tệ hơn một tuần trước đó. Bittrich đã bồn chồn chờ đợi tăng viện về người, xe và phụ tùng. Không có gì tới cả. Ngược lại, lực lượng của ông còn bị rút bớt đi. Ông ta đã được lệnh gửi hai đơn vị chiến đấu ra mặt trận. Một đang cùng đạo quân số 7 cố gắng chặn người Mỹ gần Aachen; đơn vị kia được cử đi tiếp viện cho đạo quân dù số 1 của tướng Kurt Student sau khi xe tăng Anh đột kích thành công qua phòng tuyến kênh đào Albert, vượt qua kênh Meuse-Escaut và chiếm được một đầu cầu tại Neerpelt gần như ngay trên biên giới Hà Lan. Lúc này, trong khi quân Anh đang tập trung lực lượng để tiếp tục tấn công- một cuộc tấn công mà phụ trách tình báo cụm quân B coi là “cận kề”- Bittrich đã nhận được từ Berlin một “mệnh lệnh điên rồ từ những thằng khùng ở Berlin”. Một trong các sư đoàn đã tơi tả của ông sẽ bị tước hết xe và chuyển về Đức.
Đã từng là đảng viên Nazi tích cực, lúc này Bittrich cay độc chỉ trích mệnh lệnh. Ông “phát ốm và phát chán lên vì những mệnh lệnh của Berlin và đám nịnh thần bâu đầy quanh Hitler chỉ biết hót ra đủ trò nhảm nhí”. Can đảm và có năng lực, Bittrich đã trải qua phần lớn cuộc đời mình trong bộ quân phục. Trong thế chiến thứ nhất, ông ta là một trung uý trong không lực Đức và đã từng bị thương hai lần. Sau đó, trong vài năm, ông làm việc trong một văn phòng chứng khoán. Sau đó, quay trở lại quân đội, Bittrich gia nhập lực lượng Luftwaffe mới được thành lập nhưng đến khi ngoài ba mươi tuổi ông ta chuyển sang lực lượng Waffen SS, nơi việc thăng tiến thuận lợi hơn.
Tại Normandy, niềm tin của Bittrich vào tài chỉ huy của Hitler bắt đầu lung lay. Ông ra mặt ủng hộ thống chế Rommel chống lại triết lý “điên khùng chống giữ đến người cuối cùng” của Hitler. Có lần ông đã tâm sự với Rommel rằng “chúng ta bị chỉ đạo tồi đến mức tôi không thể nào thi hành những mệnh lệnh vô lý đó được nữa. Tôi chưa từng là một robot và không có ý định trở thành như vậy”. Sau vụ âm mưu ngày 20/7, khi ông ta được biết chỉ huy trước đây của mình, đại tướng Eric Hoepner, bị buộc tội tham dự vào âm mưu, bị treo cổ, Bittrich đã phẫn nộ lớn tiếng nói với ban tham mưu của mình rằng “đây là ngày đen tối nhất trong lịch sử quân đội Đức”. Những chỉ trích công khai của Bittrich nhằm vào khả năng quân sự của Hitler đã đến tai Berlin. Và như Bittrich sau này nhớ lại, “những nhận xét của tôi đã được báo lại cho thủ lĩnh SS, Reichsfuhrer Heinrich Himmler, và cái tên Bittrich sau đó không còn được nhắc tới tại bản doanh của Hitler nữa”. Chỉ tình hình nguy ngập của mặt trận phía tây, một hoàn cảnh đòi hỏi đến năng lực của những người như Bittrich, và sự thông cảm của những chỉ huy cấp trên đã giúp ông không bị triệu hồi. Mặc dầu vậy, Himmler vẫn “mong muốn tôi quay về Đức để trao đổi một chút”. Bittrich không hề có chút ảo tưởng nào về lời mời của Himmler. Cả Model cũng vậy. Ông này đã kiên quyết giữ Bittrich ở lại phía tây và thẳng thừng từ chối chấp nhận yêu cầu của Himmler đề nghị gửi Bittrich về Đức.
Lúc này Bittrich phẫn nộ thông báo lại chủ định cuối cùng của Berlin cho tư lệnh các sư đoàn của ông - thiếu tướng SS Heinz Harmel của sư đoàn 10 Frunsberg và trung tá SS Walter Harzer của sư đoàn 9 Hohenstaufen. Bittrich thông báo với Harzer- người đã nghe phong thanh về kế hoạch từ tham mưu trưởng của Model, trung tướng Hans Kreb-rằng sư đoàn 9 của ông ta sẽ lập tức quay về Đức, đóng quân gần Siegen ở phía đông bắc Koblenz. Sư đoàn 10 của Harmel sẽ ở lại Hà Lan. Nó sẽ được củng cố lại và tăng cường tại vị trí đóng quân hiện nay ở phía đông và đông nam Arnhem, sắn sàng tham chiến trở lại.
Viên sư trưởng 38 tuổi Harmel, mà tính tình vui vẻ đã khiến ông ta được thuộc cấp đặt biệt danh “bố già Frunsberg”, chẳng hề hứng thú gì trước quyết định này. Theo ông, “Bittrich, như thường lệ, lại tỏ ra thiên vị sư đoàn Hohenstaufen, có lẽ vì đó đã từng là sư đoàn của ông ta trước khi ông ta lên làm tư lệnh quân đoàn và cũng có thể vì Harzer đã từng là tham mưu trưởng của ông ta”. Cho dù ông không nghĩ rằng “Bittrich cố tình thiếu công bằng, dường như luôn là phía Hohenstaufen nhận được phần hời”.
Người đồng nhiệm trẻ tuổi hơn của ông ta, viên sư trưởng 32 tuổi Walter Harzer, khoan khoái trước tin này, cho dù anh ta nghĩ “ triển vọng được về Berlin nghỉ phép xem ra không hiện thực lắm”. Lý tưởng ra, sau khi chỉnh đốn anh ta hy vọng có trong tay “một sư đoàn Hohenstaufen mới tinh”. Viên sư trưởng cứng cỏi Harzer, khuôn mặt hằn một vết sẹo, tràn đầy hy vọng đạt được tham vọng của mình: được cất nhắc lên một cấp bậc tương xứng với tư lệnh một sư đoàn SS - cấp thiếu tướng. Tuy thế, khi Bittrich phổ biến toàn bộ kế hoạch, có một chi tiết không lọt tai Harzer chút nào.
Cho dù đã tổn thất nặng, sư đoàn của anh ta vẫn còn mạnh hơn sư đoàn của Harmel. Thay vì quân số 9000 người thông thường, sư đoàn Hohenstaufen chỉ có 6000 người, sư đoàn Frunsberg chừng 3500. Harzer có chừng 20 xe tăng kiểu V Panther, nhưng không phải tất cả đều sử dụng được. Tuy vậy, anh ta có trong tay một số lượng đáng kể xe bọc thép: pháo tự hành, xe thiết giáp và 40 xe chở quân bọc thép, tất cả đều trang bị trọng liên, một số được lắp pháo. Sư đoàn Frunsberg của Harmel hầu như không còn chiếc tăng nào và thiếu trầm trọng mọi loại phương tiện cơ giới. Cả hai sư đoàn đều còn một lực lượng mạnh đại bác, cối và súng phòng không. Để củng cố sư đoàn Frunsberg, đơn vị sẽ tiếp tục ở lại, Bittrich nói, Harzer cần chuyển giao càng nhiều càng tốt phương tiện cơ giới và phụ tùng cho Harmel. Harzer cảm thấy ngờ vực. “Trong thâm tâm,” Harzer sau này nhớ lại, “tôi thừa biết rằng nếu tôi chuyển giao số xe tăng và xe bọc thép ít ỏi tôi có cho Harmel, chúng sẽ chẳng bao giờ được thay thế”. Harzer không phản đối quyết định này, nhưng anh ta không hề có ý định chuyển giao hết xe cộ của mình.
Harzer đã từ lâu học được cách vun vén cho lực lượng của sư đoàn mình. Anh ta có nhiều xe hơn là Bittrich ngờ tới – bao gồm cả những chiếc xe jeep của Mỹ chiếm được dọc đường rút lui khỏi Pháp. Anh ta quyết định tảng lờ mệnh lệnh bằng “vài thao tác trên giấy tờ”. Bằng cách tháo xích, bánh xe hay súng khỏi xe của mình, anh ta có thể làm chúng trở nên không sử dụng được cho tới khi tới Đức. Trong lúc đó, chúng sẽ được đưa vào danh sách trả lời trên bảng thống kê phương tiện của sư đoàn như là các khí tài hư hỏng.
Ngay cả với binh lính và phương tiện cơ giới điều từ sư đoàn của Harzer sang tăng cường, Bittrich tiếp tục, sư đoàn Frunsberg vẫn quá yếu. Chỉ có một cách để nhấn mạnh tính khẩn cấp của tình hình cho Berlin: trình bày thực tế trực tiếp với sở chỉ huy tác chiến của lực lượng SS. May ra lúc đó binh lính và phương tiện tăng cường sẽ được điều tới. Nhưng Bittrich không hề có ý định quay về Berlin; Harmel được chỉ định làm sứ giả trong sự ngạc nhiên của ông này.
“Tôi không biết tại sao ông ấy chọn tôi thay vì chọn Harzer”, Harmel nhớ lại, “nhưng chúng tôi cần gấp người và phương tiện; và có lẽ Bittrich nghĩ rằng một sĩ quan cấp tướng sẽ có trọng lượng hơn. Tất cả chuyện này cần được giữ kín với thống chế Model. Và vì chúng tôi không nghĩ sẽ có biến động gì ở khu vực Arnhem, chúng tôi quyết định rằng tôi sẽ về Berlin vào tối ngày 16/9”.
Việc chuyển giao phương tiện giữa hai sư đoàn và việc di chuyển sư đoàn Hohenstaufen đã bị tước bớt trang bị về Đức, Bittrich ra lệnh, cần bắt đầu lập tức. Trong khi kế hoạch được thực hiện, ông nói thêm, thống chế Model muốn một số nhóm tấn công cơ động được tổ chức sẵn sàng chờ điều động trong trường hợp khẩn cấp. Kết quả là Harzer ngầm quyết định rằng những đơn vị khá nhất của anh ta sẽ di chuyển sau cùng. Bittrich dự kiến việc chuyển giao vũ khí và chuyển quân sẽ hoàn tất vào ngày 22/9. Vì mỗi ngày có 6 chuyến tàu về Đức, Harzer nghĩ việc chuyển quân có thể hoàn tất sớm hơn. Anh này tin rằng những đơn vị cuối cùng và cũng là khá nhất của mình sẽ quay về Đức trong vòng 3 ngày tới- có thể vào chiều ngày 17/9.
Một tin đồn đáng lo ngại đang lan truyền. Cho tới ngày 14/9, một số sĩ quan cao cấp Đức tại Hà Lan đang nói tới một cuộc tập kích đường không có thể sẽ diễn ra.
Câu chuyện này bắt đầu từ một cuộc trao đổi giữa phụ trách tác chiến của Hitler, đại tướng Alfred Jodl, và tổng tư lệnh phía tây, thống chế Von Runstedt. Jodl lo ngại rằng Đồng minh có thể tấn công Hà Lan từ phía biển. Nếu Eisenhower làm theo chiến thuật thông thường của ông ta, Jodl nói, lực lượng đổ bộ đường không sẽ được đổ xuống mở đường cho cuộc đổ bộ đường biển. Von Runstedt, cho dù nghi ngờ giả thiết này (ông này, ngược lại, tin chắc rằng lực lượng dù sẽ được thả xuống phối hợp với một cuộc tấn công vào vùng Ruhr), chuyển thông tin này cho tư lệnh cụm quân B, thống chế Model. Quan điểm của Model cũng giống Von Runstedt. Tuy thế, ông ta cũng không thể bỏ qua lời cảnh báo của Jodl. Ông ta ra lệnh cho chỉ huy lực lượng Đức tại Hà lan, viên tướng không quân Friedrich Christiansen, đưa một số đơn vị thuộc đám quân hổ lốn lẫn lộn cả bộ binh, lính thuỷ, lính không quân, lính Waffen SS Hà Lan của ông ta tới bờ biển.
Từ sau thông báo của Jodl vào ngày 11/9, tin này đã lan tới nhiều cấp chỉ huy khác nhau, nhất là qua Luftwaffe. Tuy rằng cuộc tấn công đã không xảy ra, sự lo ngại về một cuộc tập kích đường không vẫn tăng lên. Mỗi người đều cố đoán địa điểm có thể xảy ra đổ bộ. Trên bản đồ của họ, một số chỉ huy Luftwaffe nhận định rằng vùng mở trải dài giữa bờ biển phía bắc và Arnhem có thể là địa điểm cho các bãi đổ quân. Một số người khác, lo ngại sự tái diễn cuộc tấn công của ngưòi Anh vào Hà Lan qua đầu cầu qua kênh đào Meuse-Escaut tại Neerpelt, tự hỏi liệu lực lượng dù có thể sẽ được dùng phối hợp với cuộc tấn công đó và cho đổ xuống vùng Nijmegen không.
Vào ngày 13/9, đại tướng không quân Otto Dessloch, chỉ huy tập đoàn không quân số 3, được biết tới lo ngại của Berlin tại sở chỉ huy của Von Runstedt tại Koblenz. Dessloch đã quan ngại tới mức ông ta lập tức gọi điện cho Model ngày hôm sau. Model, như ông nhớ lại, cho rằng sự e ngại của Berlin về một cuộc tấn công là “vô căn cứ”. Viên thống chế cũng chẳng hề lo ngại, kết quả là “ông ta mời tôi đến ăn tối tại sở chỉ huy mới của ông ở khách sạn Tafelberg tại Oosterbeek.” Dessloch từ chối. “Tôi không hề có ý để mình bị bắt làm tù binh,” ông nói với Model. Ngay trước khi gác máy, Dessloch nói thêm: “Nếu tôi là ngài, tôi sẽ rời vùng đó”. Model, Dessloch nhớ rõ, chỉ cười.
Tại sân bay Deelen ở phía bắc Arnhem, tin về khả năng của một cuộc đổ bộ đường không đến tại chỉ huy tiêm kích của Luftwaffe, thiếu tướng Walter Grabman. Ông ta đi xe tới Oosterbeek để trao đổi với tham mưu trưởng của Model, trung tướng Hans Krebs. Khi Grabmann nói về sự e ngại của Luftwaffe, Krebs nói, “Vì Chúa, đừng nói đến những chuyện như vậy. Hơn nữa, chúng có thể đổ xuống đâu?” Grabmann đến bên một tấm bản đồ, và chỉ vào những khu vực phía tây Arnhem, nói, “bất cứ chỗ nào ở đây. Địa hình hoàn hảo cho lính dù đáp xuống”. Krebs, Grabmann nhớ lại, “bật cười và cảnh cáo tôi rằng nếu tôi cứ tiếp tục nói như vậy, tôi sẽ biến mình thành lố bịch”.
Chỉ huy cảnh sát nổi danh nhất tại Hà Lan, trung tướng SS Hanns Albin Rauter, cũng đã nghe tới tin đồn, rất có thể từ cấp trên của y, tướng Christiansen. Rauter tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả một cuộc đổ bộ đường không. Rauter, kiến trúc sư chính của ách khủng bố Nazi tại Hà Lan, chờ đợi việc lực lượng kháng chiến Hà Lan sẽ tấn công và dân chúng nổi dậy bất cứ lúc nào. Y quyết định sẽ dẹp tan bất cứ cuộc nổi dậy nào đơn giản bằng cách xử bắn ba người Hà Lan kháng chiến cho mỗi tên Nazi bị giết. Rauter đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngay sau cuộc rút chạy của quân Đức và việc đám Nazi Hà Lan kéo nhau trốn về Đức hai tuần trước đó. Thủ hạ của y đã trả thù tàn bạo bất cứ ai dính líu dù không trực tiếp tới lực lượng kháng chiến Hà Lan. Đàn ông và phụ nữ bị bắt, hành quyết hoặc đày vào trại tập trung. Những thường dân bình thường cũng chẳng được chừa ra. Đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác bị cấm ngặt. Nhiều luật lệ hà khắc hơn được thiết lập. Bất cứ ai bị bắt gặp ngoài đường sau giờ giới nghiêm đều có thể bị bắn không cảnh cáo trước. Khắp miền nam Hà Lan, để đối phó với tấn công của quân Anh, người Hà Lan bị ép buộc lao động đào công sự cho quân Đức. Tại Nijmegen, Rauter thu thập đủ nhân công bằng cách đe doạ tống cả gia đình những người bị gọi vào trại tập trung. Tụ tập dưới bất cứ hình thức nào đều bị cấm. “Bất cứ đâu có năm người trở lên bị trông thấy đi cùng nhau,”một trong những thông cáo của Rauter cảnh cáo, “những người này sẽ bị lực lượng SS hay cảnh sát bắn hạ”.
Lúc này, khi cuộc tấn công từ phía nam lên của quân Anh có thể nổ ra bất cứ lúc nào và Berlin cảnh báo về nguy cơ tấn công từ trên không và phía biển ở miền bắc, thế giới của Rauter bắt đầu sụp đổ. Y cảm thấy sợ hãi. Biết được Model đang ở Hà Lan, Rauter quyết định tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn và lên đường tới khách sạn Tafelberg. Vào tối ngày 14/9, Rauter gặp Model và tham mưu trưởng của ông ta, tướng Krebs. Rauter nói với hai người rằng y “tin rằng Đồng minh lần này sẽ sử dụng lực lượng đổ bộ đường không ở phía nam Hà Lan”. Model và Krebs không đồng ý. Các đơn vị đổ bộ tinh nhuệ, Model nói, “quá quan trọng, việc huấn luyện quá tốn kém” để có thể đem ra sử dụng bừa bãi. Viên thống chế quả thực chờ đợi Montgomery tấn công vào Hà Lan từ Neerpelt, nhưng tình hình chưa đủ nghiêm trọng để biện hộ cho việc sử dụng lực lượng đổ bộ đường không. Hơn nữa, vì lực lượng tấn công sẽ bị ngăn cản bởi ba con sông rộng, ông ta không tin rằng một cuộc tấn công của người Anh nhằm vào Arnhem có thể xảy ra. Cả Nijmegen và Arnhem đều nằm quá xa lực lượng Anh. Hơn nữa, Model tiếp tục, Montgomery “về mặt chiến thuật là một người cực kỳ thận trọng. Ông ta sẽ không bao giờ dùng lực lượng đổ bộ vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc”.
Khi người tù được giải tới sở chỉ huy của thiếu tá Friedrich Kieswetter tại làng Driebergen, phía tây Oosterbeek, vào ngày 15/9, viên tư lệnh phó lực lượng phản gián của Wehrmacht tại Hà Lan đã biết quá rõ về y. Đã có cả một hồ sơ dày về gã ù lì 28 tuổi Christiaan Antonius Lindemans, thường được biết, vì kích thước khổng lồ của y (cao 6 bộ 3 tấc, nặng 260 cân Anh), dưới biệt danh King Kong. Lindemans đã bị một đội tuần tra bắt gần biên giới Bỉ - Hà Lan, trên vùng chiến tuyến giữa quân Anh và quân Đức. Lúc đầu, vì bộ đồ lính Anh mặc trên người, Lindemans bị coi như tù binh, nhưng tại sở chỉ huy tiểu đoàn gần Valkenswaard, trước sự ngạc nhiên của những người hỏi cung, y đề nghị gặp trung tá Hermann Giskes- trùm phản gián Đức tại Hà Lan và là cấp trên của Kieswetter. Sau một loạt cuộc điện đàm, những người bắt được Lindemans còn ngạc nhiên hơn khi được lệnh đưa ngay tên tù binh tới Driebergen. Chỉ mình Lindemans chẳng có vẻ gì ngạc nhiên. Một số đồng bào của y nghĩ y là một thành viên kháng chiến kiên cường; nhưng bọn Đức biết y dưới một tư cách khác- một gián điệp. King Kong là một điệp viên hai mang.
Lindemans đã phản bội từ năm 1943. Lúc đó y đã đề nghị làm việc cho Giskes để đổi lấy tự do cho cô nhân tình và người em trai, Henk, bị Gestapo bắt vì tham gia kháng chiến và được thông báo là sẽ bị đem xử bắn. Giskes lập tức đồng ý; và từ đó, Lindemans đã phục vụ đắc lực cho quân Đức. Sự phản bội của y đã dẫn tới sự vỡ lở của nhiều nhóm kháng chiến ngầm và những vụ hành quyết rất nhiều người yêu nước Bỉ và Hà Lan. Cho dù là một kẻ thô lỗ cộc cằn, nát rượu và mê gái, cho tới lúc đó Lindemans vẫn không bị lộ. Tuy vậy, nhiều chỉ huy kháng chiến coi y là một mối nguy tiềm tàng, không như một số sĩ quan Đồng minh tại Brussels đã bị King Kong thuyết phục đến mức lúc này Lindemans đang là người của một đơn vị tình báo Anh dưới sự chỉ huy của một sĩ quan Canada.
Trong khi Giskes vắng mặt, Kieswetter làm việc lần đầu tiên với Lindemans. Ông ta thấy tởm lợm gã cục súc to xác luôn mồm tự xưng với tất cả mọi người trong sở chỉ huy rằng y là “King Kong vĩ đại”. Lindemans báo cáo lại kết quả nhiệm vụ cuối cùng của y. Viên sĩ quan tình báo Canada đã cử y tới thông báo cho những người chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm tại Eindhoven rằng không cần gửi phi công đồng minh bị bắn rơi qua đường dây bí mật sang Bỉ nữa. Vì quân Anh dự định đột kích từ đầu cầu tại Neerpelt tới Eindhoven, các phi công được cứu thoát cần được giấu kín. Lindemans, sau khi mất 5 ngày để vượt qua chiến tuyến, đã có thể cho Kieswetter biết một số chi tiết về kế hoạch của quân Anh. Cuộc tấn công, y nói chắc chắn, sẽ xảy ra vào ngày 17/9.
Tin về cuộc tấn công sắp xảy ra của người Anh chẳng có gì là mới. Kieswetter, cũng như những người khác, chờ đợi nó xảy ra bất cứ lúc nào. Lindemans cũng thông báo Kieswetter một động thái khác: cùng lúc với cuộc tấn công trên bộ, y báo cáo, một kế hoạch đổ bộ quân dù cũng đã được dự kiến ở gần Eindhoven nhằm đánh chiếm thành phố. Tin này làm Kieswetter thấy khó hiểu. Tại sao phải sử dụng lính dù trong khi lực lượng mặt đất của Anh bản thân nó cũng có thể dễ dàng tiến được tới Eindhoven? Có thể vì tin do Lindemans cung cấp có vẻ không thực tế hoặc có lẽ chủ yếu vì ác cảm của mình với King Kong, Kieswetter đã lệnh cho Lindemans tiếp tục nhiệm vụ của y và quay trở lại chiến tuyến Anh. Kieswetter không có hành động lập tức nào. Ông ta ít quan ngại về thông tin của Lindemans đến mức chẳng buồn chuyển trực tiếp nó về tổng hành dinh của Wehrmacht. Thay vào đó, ông ta chuyển nó tới cơ quan an ninh và tình báo của SS. Đồng thời viên thiếu tá cũng viết một bản tóm tắt cuộc trao đổi giữa ông ta và Lindemans cho Giskes, lúc này đang vắng mặt do một nhiệm vụ khác. Giskes, luôn coi King Kong đáng tin cậy, chỉ nhận được bản báo cáo này vào chiều ngày 17/9.
(còn tiếp)