Dịch giả: seahawk 1
P1- Chương 3

Elias Broekkamp, một người nhập khẩu rượu vang, thấy một số đơn vị tiến về phía bắc tới Arnhem, nhưng phần lớn đã bị hãm lại. Như tại Arnhem, đám khán giả có vẻ không hề nhận ra sự khác biệt. Broekkamp thấy nhiều thường dân Hà Lan cười cợt chế nhạo trước cái mà họ coi là sự hỗn loạn của người Đức.
Trên thực tế, sự hỗn loạn đã giảm dần cường độ. Nijmegen trở thành điểm tập kết quân, một lần nữa lại nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân cảnh Đức. Xa hơn về phía nam, tại Eindhoven, chỉ cách biên giới Bỉ có mười dặm, cuộc rút lui đã gần như ngừng hẳn. Trong những đoàn xe hỗn độn chạy lên phía bắc có nhiều thường dân Nazi hơn là binh lính. Frans Kortie, người đã thấy quân Đức tháo súng khỏi nóc nhà máy Philips, nhận ra một thay đổi khác. Tại một tuyến đường ray nằm sát nhà ga, ông nhìn thấy một đầu máy đẩy các toa sàn phẳng vào vị trí. Trên các toa có đặt súng phòng không. Kortie cảm thấy thất vọng.
Còn thất vọng hơn, ông này phát hiện ra viện binh đang từ Đức tới. Tại Tilburg, Eindhoven, Helmond, và Weert, dân chúng nhìn thấy các đơn vị còn nguyên vẹn được chuyển tới bằng tàu hoả. Được nhanh chóng đưa xuống tàu và tập hợp lại, các đơn vị này hành quân về phía biên giới Bỉ - Hà lan. Chúng không phải là lính bộ binh Wehmarcht thường. Binh lính của đơn vị này được trang bị chu đáo, có kỷ luật, và kiểu mũ sắt và binh phục nguỵ trang đặc trưng cho thấy đây là những lính dù kỳ cựu của Đức.
Vào cuối buổi chiều ngày 5/9, những đơn vị dù đầu tiên của đại tướng Kurt Student đã bắt đầu đào công sự tại nhiều điểm dọc bờ bắc kênh đào Albert. Sự khẩn trương của chúng gần như điên cuồng. Student, khi tới nơi vào lúc trưa, đã phát hiện ra rằng « ranh giới mới của nước Đức » của Model chỉ đơn giản là dải chướng ngại bằng nước rộng 80 bộ này. Chưa có vị trí phòng thủ nào được chuẩn bị. Không có công sự kiên cố, chiến hào hay pháo đài. Và, để làm cho sự tình tệ thêm cho những người phòng thủ, Student nhận xét, « hầu như ở khắp mọi nơi bờ nam con kênh cao hơn bờ bắc ». Ngay cả những cây cầu bắc qua con kênh cũng còn nguyên vẹn. Chỉ đến lúc này đám công binh mới đang bắt đầu đặt bộc phá. Có vẻ trong cơn hỗn loạn đã chẳng có ai ra lệnh phá cầu.
Tuy vậy, thời gian biểu của Student đã được tính toán hoàn hảo. Chuyến « di chuyển chớp nhoáng » của lực lượng đổ bộ đường không của ông ta là một thành công ngoạn mục. « Nếu tính đến việc lực lượng dù đã được tập hợp lại từ khắp nước Đức, từ Gustrow ở Mecklenburg tới tận Bitsch ở Lothringen, » sau này ông nhớ lại, « và vũ khí quân bị, được chuyển tới từ những vùng khác của nước Đức để đợi binh lính ở ga tập kết, tốc độ hành quân quả là đáng ghi nhận. » Student chỉ có thể thán phục « sự chính xác đáng kinh ngạc của bộ tổng tham mưu và toàn bộ tổ chức của Đức. » Sư đoàn phòng thủ bờ biển 719 của trung tướng Karl Sievers cũng đã hành quân rất khẩn trương. Student cảm thấy phấn chấn hơn khi thấy đội hình của đơn vị này hướng tới vị trí ở phía bắc Arnhem « rải dọc những con đường dẫn ra mặt trận, đồ hậu cần và pháo binh được kéo bằng ngựa. » Từng giờ trôi qua, đạo quân dù thứ nhất vừa được vội vã thành lập dần dần tới nơi. Cùng lúc, nhờ một vận may hiếm có, sự giúp đỡ cũng tới từ một nguồn ít được trông đợi nhất.
Cuộc cắm đầu cắm cổ chạy dài từ Bỉ tới Hà Lan đã được làm chậm lại và sau đó chặn đứng hẳn nhờ sự cương quyết và năng lực của một người: trung tướng Kurt Chill. Vì sư đoàn bộ binh 85 của ông ta đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, Chill được lệnh cứu tất cả những gì còn có thể cứu được và di chuyển về Đức. Nhưng viên tướng giàu nghị lực, quan sát thấy cảnh tượng gần như hoảng loạn trên các tuyến đường và dựa theo bản nhật lệnh của Model, đã quyết định không làm theo mệnh lệnh nhận được. Chill kết luận rằng cách duy nhất để ngăn chặn thảm hoạ là tổ chức một tuyến dọc kênh đào Albert. Ông sát nhập lực lượng còn lại của sư đoàn 85 vào đám tàn quân của hai sư đoàn khác, và nhanh chóng phân bổ những đơn vị này tới những điểm trọng yếu ở bờ bắc con kênh. Sau đó, ông quan tâm đến các cây cầu và thiết lập những « trạm tiếp đón » ở các đầu cầu phía bắc. Trong vòng 24 giờ, Chill đã thành công trong việc tập hợp lại hàng ngàn quân nhân thuộc đủ binh chủng của quân đội Đức. Đó là một đám hỗn tạp bao gồm lính cơ khí của Luftwaffe, các nhân viên hành chính, các đơn vị hải quân bảo vệ bờ biển và lính của chừng 12 sư đoàn khác nhau, nhưng đám tàn quân tơi tả này, khá lắm cũng chỉ được trang bị súng trường, ít nhất cũng đã có mặt sẵn sàng ở kênh đào khi Student tới nơi.
Student đã gọi hành động của Chill trong việc chặn đứng một sự tan rã hoàn toàn là một « phép màu nhiệm ». Với một sự khẩn trương đáng nể, ông này đã thiết lập một tuyến phòng thủ lâm thời, giúp có thêm thời gian để toàn bộ lực lượng của Student kịp tới nơi. Chuyện này có thể cần thiết đến vài ngày. Ngay cả với sự giúp đỡ của Chill, lực lượng của đạo quân dù thứ 1 của Student tối đa cũng chỉ có 18000 đến 20000 người, cùng một ít pháo binh, súng phòng không và 25 xe tăng - một lực lượng thậm chí còn chưa tương đương với một sư đoàn Mỹ. Và hướng tới lực lượng ít ỏi này - mỏng đến mức Student thậm chí không có đủ người cho dù chỉ để rải dọc khoảng hở dài 75 dặm giữa Antwerp và Maastricht – là đạo quân Anh thứ hai và một phần đạo quân Mỹ thứ nhất. Student bị áp đảo cả về hoả lực lẫn quân số ; đứng giữa ông ta và thảm hoạ chỉ còn lại duy nhất con kênh đào Albert.
Đối phương sẽ tấn công tại điểm nào? Phòng tuyến của Student yếu ở mọi nơi, nhưng có một số địa điểm nguy hiểm hơn những nơi khác. Ông ta đặc biệt quan ngại khu vực bắc Antwerpt, nơi sư đoàn 719 yếu ớt chỉ vừa chiếm lĩnh vị trí. Liệu vẫn còn thời gian tận dụng lợi thế của dải chướng ngại rộng 80 bộ do nước tạo ra để biến nó thành một phòng tuyến chủ lực có thể kìm chân Đồng minh đủ lâu tới khi lực lượng tăng viện kịp tới nơi? Đây là hy vọng lớn nhất của Student.
Ông ta chờ đợi bị tấn công bất cứ lúc nào, thế nhưng vẫn chẳng có thông báo nào về sự xuất hiện của thiết giáp Đồng minh. Student đặc biệt ngạc nhiên khi thấy hầu như không có giao chiến với quân địch ở phía bắc Antwerpt. Ông ta cho tới lúc này vẫn tin rằng xe tăng Anh, sau khi chiếm thành phố, hẳn sẽ tấn công về phía bắc ; cô lập bán đảo Beveland và tiến sâu vào Hà Lan. Nhưng Student nhận thấy có vẻ người Anh đã giảm tốc độ tấn công. Tại sao?
Bốn lần trong 18 ngày tổng hành dinh của lực lượng Đức ở phía Tây đã phải di chuyển. Bị oanh kích, pháo kích, suýt nữa bị thiết giáp Đồng minh tập kích, cuối cùng OB West đã dừng lại thiết lập vị trí của mình ở phía sau biên giới đế chế. Và vào hơn 2 giờ chiều ngày 5/9, viên tổng tư lệnh mới tìm thấy sở chỉ huy của mình ở thành phố nhỏ Aremberg gần Koblenz.
Mệt mỏi và căng thẳng sau chuyến đi dài, thống chế Gerd von Runstedt dẹp sang một bên các nghi lễ quân sự và các màn chào đón trống rong cờ mở thường đi theo việc thay đổi tư lệnh trong quân đội Đức. Ngay lập tức, ông lao vào một loạt cuộc họp với ban tham mưu kéo dài cho đển đêm. Các sĩ quan chưa trực tiếp biết ông ngỡ ngàng với tốc độ nắm bắt tình hình của thống chế. Với những người cũ, mọi việc diễn ra như thể ông chưa từng vắng mặt. Với tất cả mọi người, chỉ sự có mặt của von Runstedt thôi cũng đã đem lại cảm giác nhẹ nhõm và nhen nhóm trở lại sự tự tin.
Trách nhiệm đặt ra cho von Runstedt thực sự nặng nề, khó khăn phải đương đầu là khổng lồ. Ông cần càng nhanh càng tốt vạch ra một kế hoạch chiến lược mới cho mặt trận phía tây chạy dài 400 dặm từ biển bắc tới biên giới Thuỵ Sĩ - một kế hoạch mà thống chế Model đã thẳng thắn thừa nhận vượt quá khả năng của mình. Với những lực lượng tơi tả mà von Runstedt có trong tay - cụm quân B ở phía bắc và cụm quân G ở phía nam – viên thống chế được trông đợi giữ vững mọi nơi và thậm chí phản công, như Hitler đã chỉ đạo. Đồng thời, để ngăn chặn một cuộc tấn công vào chính đế chế, ông còn phải biến thành thực tế phòng tuyến Siegfried « bất khả xâm phạm » của Hitler - một tuyến phòng thủ kiên cố chưa hoàn tất đã lỗi thời, bị bỏ bẵng không phòng thủ, bị gỡ bỏ hết vũ khí từ năm 1940. Vẫn còn nhiều nữa, nhưng vào buổi chiều này von Runstedt dành ưu tiên cho những nguy cơ trước mắt. Thực tế còn xấu hơn nhiều những gì ông đã dự cảm.
Bức tranh toàn cục thật ảm đạm. Trước khi bị Hitler cách chức vào tháng 7, von Runstedt có trong tay 62 sư đoàn. Lúc này phụ trách tác chiến của ông, trung tướng Bodo Zimmermann, đưa ra một bản tổng kết tồi tệ. Trong hai cụm quân, ông này báo cáo với thống chế, có « 48 sư đoàn trên giấy, 15 sư đoàn Panzer và 4 lữ đoàn hầu như không có chiếc tăng nào. » 48 sư đoàn này, quá yếu về nhân lực, trang bị và pháo binh, Zimmermann nói, nên theo nhận định của ông ta chúng chỉ có « năng lực tác chiến tương đương với 27 sư đoàn. » Lực lượng này chỉ chưa bằng một nửa lực lượng Đồng minh. Von Runstedt được biết bộ tham mưu của ông tin rằng Eisenhower có ít nhất 60 sư đoàn, hoàn toàn cơ giới hoá và đạt sức mạnh tối đa (ước tính này sai. Vào thời điểm này, Eisenhower có 49 sư đoàn trên lục địa)
Còn về lực lượng Panzer của Đức, chúng hầu như không còn tồn tại. Trên toàn mặt trận, chống lại sức mạnh của Đồng minh với ước chừng hơn hai ngàn xe tăng, chỉ còn lại 100 xe thiết giáp. Luftwaffe đã hoàn toàn bị tiêu diệt ; trên chiến trường, quân Đồng minh có ưu thế hoàn toàn về không quân. Bản tổng kết u ám của von Runstedt cho thấy về quân số, phần lớn đã kiệt sức và không còn tinh thần chiến đấu, ông ta bị áp đảo 2 chống 1 ; về pháo binh 2,5 khẩu chống 1 ; về xe tăng 20 chống 1 ; và về máy bay 25 chống 1°. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn trầm trọng về xăng, phương tiện vận tải và đạn. Tham mưu trưởng mới của von Runstedt, tướng Siegfried Westphal, sau này nhớ lại, « Tình hình thật sự tuyệt vọng. Một thất bại quan trong ở bất kỳ điểm nào trên chiến tuyến - với nhiều khoảng trống đến mức có lẽ cũng không xứng đáng tên gọi này – cũng sẽ dẫn tới tai hoạ nếu đối phương tận dụng triệt để các cơ hội. »
°Chú thích: tổn thất về nhân lực và khí tài của quân Đức là hết sức nặng nề. Trong 92 ngày kể từ sau cuộc đổ bộ lên Normandy, 300000 lính Đức bị giết, bị thương hoặc mất tích ; 200000 bị bao vây, đang tiếp tục giữ lấy các « pháo đài » như các cảng hoặc các đảo trên biển Manche. Khoảng 53 sư đoàn Đức bị tiêu diệt, và bị thiệt hại rải khắp Pháp và Bỉ là một lượng lớn phương tiện chiến tranh bao gồm ít nhất 1700 xe tăng, 3500 pháo, hàng ngàn xe bọc thép, xe tải, xe ngựa kéo, cùng một lượng khổng lồ vũ khí, từ súng bộ binh cho đến những kho đạn lớn. Trong số tổn thất nhân lực có 2 thống chế và hơn 20 tướng.
Tướng Blumentritt°, hoàn toàn nhất trí với nhận định của Westphal, còn cụ thể hơn. Theo quan điểm của ông này, nếu Đồng minh tổ chức « một mũi đột kích mạnh tạo ra một đột phá khẩu ở bất cứ nơi nào », sự sụp đổ sẽ kéo theo sau. Những lực lượng có khả năng chiến đấu duy nhất von Runstedt có trong tay đang trong lúc này đối đầu với đạo quân Mỹ thứ ba của tướng George S.Patton, lực lượng đang tiến tới Metz hướng về vùng công nghiệp Saar. Những đơn vị đó có thể làm chậm bước tiến của Patton, nhưng không đủ mạnh để chặn đứng ông ta. Thay vì để phí thời gian quý báu, theo Blumetritt có lẽ Đồng minh sẽ tấn công vào điểm yếu nhất của quân Đức - bằng cách tung một mũi đột kích mạnh vượt qua sông Rhine đánh vào vùng Ruhr. Mũi đột kích này, ông ta tin tưởng, sẽ là ưu tiên của quân Anh Mỹ, vì như ông sau này có nói, « Ai chiếm được bắc Đức chiếm được cả nước Đức. »
°Chú thích: Trước sự bực bội của von Runstedt, tướng Blumetritt, người đã từ lâu làm tham mưu trưởng của ông và được ông tin cậy nhất, bị thay thế bằng tướng Westphal hôm 5/9 và nhận được lệnh phải quay về Đức. Von Runstedt phản đối sự thay thế nhưng vô ích. Tuy vậy, Blumetritt vẫn có mặt trong những cuộc họp đầu tiên ở Aremberg và chỉ rời sở chỉ huy hôm 8/9.
Von Runstedt cũng đã đi tới cùng kết luận. Chiếm vùng Ruhr hiển nhiên sẽ là mục tiêu chính của Đồng minh. Quân Anh Mỹ ở phía bắc đang tiến theo hướng này, về phía biên giới tại Aachen. Hầu như không có hy vọng ngăn chặn được họ chọc thủng phòng tuyến lỗi thời Siegfried không ai phòng thủ, sau đó vượt qua sông Rhine, chướng ngại thiên nhiên cuối cùng che chở nước Đức và đánh thẳng vào trái tim công nghiệp của đế chế.
Đầu óc phân tích của von Runstedt cũng đã phát hiện ra một sự kiện khác. Lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ được huấn luyện kỹ càng của Eisenhower, được sử dụng rất thành công trong cuộc tấn công Normandy, đã biến mất khỏi bản đồ chiến sự của Đức. Những lực lượng này đã không được sử dụng như bộ binh thường. Hiển nhiên chúng đã được rút về hậu cứ, chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ đường không khác. Nhưng khi nào và ở đâu? Hiển nhiên một cuộc đổ bộ đường không sẽ trùng hợp với mũi đột kích vào Ruhr. Theo nhận định của von Runstedt, một cuộc đổ bộ như vậy có thể diễn ra tại một trong hai vùng trọng yếu: hoặc vào phía sau các pháo đài của « bức tường phía tây », hoặc về phía đông sông Rhine để chiếm lấy các cầu. Trên thực tế, vài ngày trước đó, thống chế Model cũng đã bày tỏ mối lo ngại tương tự trong điện gửi cho Hitler, nhấn mạnh khả năng này như một mối đe doạ nghiêm trọng. Mặt khác, von Runstedt không thể bỏ qua khả năng toàn bộ trận tuyến Đồng minh cùng đồng loạt tấn công vào Ruhr và vùng Saar với lực lượng đổ bộ đường không được sử dụng ở cả hai nơi. Viên thống chế không nhận ra có giải pháp nào để đối phó với những mối đe doạ này. Đồng minh có quá nhiều cơ hội để chọn và ở quá nhiều nơi. Sự lựa chọn duy nhất cho ông là cố gắng chấn chỉnh lại kỷ luật và tranh thủ thời gian để phán đoán trước dự định của Đồng minh nếu có thể được.
Von Runstedt không hề xem thường thông tin tình báo Eisenhower có được về thực lực quân Đức. Nhưng, ông tự hỏi, liệu viên tư lệnh Đồng minh có thực sự biết tình hình của họ đã tuyệt vọng tới mức nào không? Sự thật, như ông nói với Blumetritt, là ông đang phải chiến đấu « với những người già sắp kề miệng lỗ » và đám công sự của « bức tường phía tây » sẽ « hoàn toàn vô dụng trước một cuộc tấn công của Đồng minh ». Sẽ là « điên rồ », ông nói, « khi khăng khăng chống giữ những cái lỗ chuột đào đó chỉ để giữ thể diện. » Dù sao đi nữa, phòng tuyến Siegfried cũng cần được tái trang bị, các vị trí phòng thủ củng cố sẵn sàng và bổ sung quân đồn trú. Von Runstedt khô khan nói với ban tham mưu của mình: « Chúng ta cần bằng cách nào đó giữ vững ít nhất 6 tuần. »
Nghiên cứu mọi mặt tình huống phải đối đầu, hoạch định các di chuyển có thể của lực lượng Đồng minh và cân nhắc các khả năng, ông nhận thấy những cuộc tấn công ác liệt nhất vẫn là từ Patton, đang hướng tới Saar. Ở phía bắc áp lực của quân Anh Mỹ nhẹ hơn rất nhiều. Von Runstedt cho rằng ông đã nhận thấy sự vắng mặt của mọi di chuyển, gần như một sự dừng lại, tại khu vực này. Chuyển sự chú ý của mình vào chiến tuyến của Montgomery, như Blumetritt sau này nhớ lại, von Runstedt tập trung sự chú ý vào tình hình tại Antwerp. Ông hơi ngạc nhiên trước báo cáo rằng, từ 36 giờ qua, quân Anh đã không tiến lên phía bắc từ phía thành phố, cũng chưa hề cắt đứt bán đảo Nam Beveland. Hiển nhiên, bến cảng lớn của Antwerp sẽ giúp giải quyết vấn đề hậu cần của Đồng minh. Nhưng họ không thể sử dụng được cảng nếu cả hai bờ đoạn cửa vào dài 54 dặm vẫn nằm trong tay quân Đức. Với viên thống chế, xem ra hiện tượng ông nhận thấy là có thật, quân Đồng minh đã hoàn toàn dừng lại trong khu vực của Montgomery.
Trong suốt sự nghiệp của mình, von Runstedt đã nghiên cứu kỹ lưỡng chiến thuật quân sự của người Anh ; ông cũng đã có cơ hội, một cơ hội chẳng may mắn gì cho bản thân ông, được tự mình quan sát cách tiến hành chiến tranh của người Mỹ. Ông phát hiện ra rằng người Mỹ sáng tạo và táo bạo hơn trong sử dụng thiết giáp, người Anh tuyệt vời trong sử dụng bộ binh. Tuy vậy, trong mỗi trường hợp, những người chỉ huy đã tạo ra sự khác biệt. Thế nhưng, von Runstedt coi Patton là một đối thủ đáng gờm hơn nhiều so với Montgomery. Theo lời Blumetritt, von Runstedt nhận thấy thống chế Montgomery là một người « quá thận trọng, hành động theo thói quen và quá nguyên tắc. » Lúc này, viên thống chế cố lý giải nguyên do của sự chậm trễ cuả Montgomery. Với các cảng bên bờ biển Manche vẫn nằm trong tay quân Đức, von Runstedt thấy rõ Ant werp là tối cần thiết cho tiến công của Eisenhower - vậy tại sao Montgomery án binh bất động trong 36 giờ và hiển nhiên là bỏ lỡ cơ hội giải toả cảng biển lớn thứ hai châu Âu? Chỉ có một nguyên nhân duy nhất: Montgomery chưa sẵn sàng để tiếp tục tấn công. Von Runstedt tin chắc rằng ông này sẽ không từ bỏ thói quen của mình. Người Anh sẽ không bao giờ tấn công cho tới khi ông thống chế cẩn trọng chi li Montgomery đã được chuẩn bị và cung cấp hậu cần đầy đủ. Vậy câu trả lời, Von Runstedt đoán, là người Anh đã bị căng ra quá xa. Đây không phải là sự tạm dừng, von Runstedt nói với ban tham mưu. Cuộc truy kích của Montgomery, ông hoàn toàn cảm thấy được thuyết phục, đã chấm dứt.
Von Runstedt khẩn trương quay sang xem xét những mệnh lệnh của Model trong 24 giờ trước đó. Bởi vì lúc này, nếu giả thuyết của ông là chính xác, von Runstedt nhìn ra cơ hội không những ngăn cản Đồng minh sử dụng cảng Antwerp,mà, quan trọng không kém, còn có thể cứu được đạo quân số 15 đang bị bao vây của tướng von Zangen, một lực lượng gồm hơn 80000 quân - số quân mà von Runstedt cần đến mức tuyệt vọng.
Từ các lệnh của Model, ông nhận thấy, trong khi von Zangen đã được lệnh giữ vững bờ nam Schelde và tăng cường các cảng ở bờ biển Manche, ông này cũng được lệnh dùng lực lượng còn lại tấn công về phía đông bắc vào sườn của mũi đột kích Anh - cuộc tấn công được dự kiến tiến hành vào sáng 6/9. Không chần chừ, von Runstedt đình chỉ cuộc tấn công. Trong hoàn cảnh hiện tại, ông thấy nó không cần thiết. Hơn nữa, ông có một kế hoạch táo bạo hơn. Phần đầu mệnh lệnh của Model cần tiếp tục được thực hiện, vì giữ vững các cảng ở biển Manche lúc này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhưng thay vì tấn công về hướng đông bắc, von Zangen được lệnh rút toàn bộ lực lượng còn lại của mình bằng đường biển, qua cửa Schelde tới đảo Walcheren. Sau khi tới bờ bắc của lối vào cảng, lực lượng của von Zangen sẽ hành quân về hướng đông tới một con đường chạy từ đảo Welcheren, đi dọc bán đảo Nam Beveland cho tới khi đến đất liền Hà Lan ở phía bắc Antwerp. Để tránh không quân Đồng minh, việc chuyển quân bằng phà qua cửa Schelde rộng 3 dặm, giữa các cảng Bresken và Flushing, phải thực hiện ban đêm. Tuy thế, nếu may mắn, một phần lớn đạo quân số 15 có thể rút an toàn trong vòng 2 tuần. Von Runstedt biết kế hoạch này mạo hiểm, nhưng ông không thấy có cách nào khác, vì, nếu thành công, ông sẽ có trong tay gần như một đạo quân Đức nữa, cho dù nó cũng đã tổn thất khá nặng. Hơn thế nữa, ông vẫn có thể - một cách khó tin - kiểm soát cảng yết hầu Antwerp. Nhưng thành công của kế hoạch phụ thuộc hoàn toàn vào phán đoán của von Runstedt rằng cuộc đột kích của Montgomery đã dừng hẳn.
Von Runstedt hoàn toàn chắc chắn về việc này. Hơn nữa, ông còn tin rằng sự giảm tốc của Montgomery có một ý nghĩa khác nữa. Vì các tuyến vận tải và liên lạc đã kéo quá dài, ông hoàn toàn chắc chắn rằng cuộc tấn công nhanh chóng mặt của Đồng minh đã đạt tới giới hạn. Và để kết thúc cuộc họp, như Blumetritt sau này nhớ lại, « von Runstedt nhìn chúng tôi và nhắc đến khả năng khó tin rằng, ít nhất lần này, Hitler có thể có lý. »
Đánh giá tình hình của Hitler và von Runstedt, cho dù chỉ chính xác một phần, còn sát sự thật hơn họ có thể ngờ tới. Thời gian quý báu mà von Runstedt cần để ổn định chiến tuyến của mình đã được chính Đồng minh cung cấp. Sự thật là người Đức đã thua nhanh hơn Đồng minh có thể thắng.
Trong lúc von Runstedt đang đánh một canh bạc liều để cứu đạo quân số 15 bị hợp vây, thiếu tướng George Philip Roberts, tư lệnh sư đoàn thiết giáp số 11 của Anh, đang ở cách đó 150 dặm tại Antwerp, hân hoan thông báo với cấp trên của mình một biến cố bất ngờ. Sư đoàn của ông ta đã chiếm được không chỉ thành phố mà cả bến cảng lớn.
Cùng với sư đoàn thiết giáp cận vệ, xe tăng của Roberts đã thực hiện một cuộc thọc sâu ngoạn mục hơn 250 dặm chỉ trong có 5 ngày. Mũi nhọn của đạo quân Anh thứ hai hùng hậu của trung tướng Miles C. Dempsey đã được trung tướng Brian Horrock, tư lệnh quân đoàn 30, ra lệnh « tiến nhanh như ma đuổi ». Để lực lượng cận vệ chiếm Brussels, sư đoàn của Robert bỏ qua thành phố và vào rạng sáng ngày 4/9, được sự trợ giúp quả cảm của lực lượng kháng chiến Bỉ, tiến vào Antwerp. Lúc này, khoảng 36 giờ sau, sau khi đã quét sạch kẻ thù đang choáng váng và hoảng loạn khỏi khu cảng liên hợp nước sâu, Robert báo cáo rằng quân của ông đã chiếm được nguyên vẹn khu bến cảng Ant werp rộng hơn 1000 mẫu. Nhà kho, cần cẩu, cầu, bến, cầu tàu – và, thật khó tin, ngay cả những cánh cửa vào cảng đóng mở bằng điện ở trạng thái sẵn sàng hoạt động - đều được kiểm soát.
Kế hoạch phá cảng của quân Đức đã thất bại. Thuốc nổ đã được cài lên các cầu chính và các khu cơ sở hạ tầng quan trọng, nhưng bị áp đảo trước sức tấn công ngoạn mục của người Anh và các nhóm kháng chiến (trong số họ có các kỹ sư Bỉ biết rõ bộc phá được đặt ở đâu), trại lính vô tổ chức của người Đức đã không hề có cơ hội phá huỷ khu cảng khổng lồ.
Viên tướng 37 tuổi Robert đã thực hiện mệnh lệnh một cách xuất sắc. Nhưng thật không may, trong một trong những tính toán sai lầm lớn nhất trong cuộc chiến ở châu Âu, không ai ra lệnh cho ông tận dụng lợi thế - có nghĩa là tấn công lên phía bắc, chiếm lấy đầu cầu qua kênh đào Albert ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố, sau đó đột kích thẳng vào căn cứ ở bán đảo Nam Beveland chỉ cách đó có 18 dặm. Bằng cách chặn lấy đoạn cổ chai dài 2 dặm này, Roberts đã có thể nhốt chặt quân Đức trong rọ, sẵn sàng cho việc quét sạch đoạn bở bắc quan trọng. Đó là một sai lầm lớn. Cảng Ăntwerp, một trong những mục tiêu chiến lược, đã được kiểm soát ; thế nhưng lối vào cảng, vẫn bị quân Đức chiếm, thì chưa. Khu cảng lớn này, đáng ra đã có thể rút ngắn đường tiếp vận và cung cấp hậu cần cho cả mặt trận của Đồng minh, vẫn vô dụng. Thế nhưng không ai, trong không khí hứng khởi của thời điểm đó, nhận định sự sai lầm này hơn là một hoàn cảnh tạm thời. Quả thật, xem ra chẳng có lý do gì để vội vã. Với sự tháo chạy của quân Đức, việc khai thông cảng có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Sư đoàn thiết giáp 11, nhiệm vụ đã hoàn thành, bèn án binh bất động chờ mệnh lệnh mới.
Cú đột kích ngoạn mục của lực lượng thiết giáp của Dempsey ở phía bắc, tương đương với bước tiến của Patton ở phía nam Ardenne, đã đến hồi kết, cho dù vào lúc đó rất ít người nhận ra. Người của Roberts đã kiệt sức, cạn nhiên liệu và hậu cần. Tình hình cũng tương tự với phần còn lại của quân đoàn 30 của tướng Brian Horrock. Như vậy, cùng vào buổi chiều hôm đó, áp lực liên tục đã đẩy bật quân Đức ở phía bắc, khiến lực lượng này suy sụp và tan rã, bất ngờ giảm hẳn. Chiến thắng ngoạn mục ở Ăntwerp đến đúng lúc lực lượng Anh bắt đầu dừng lại để « nghỉ ngơi, chỉnh đốn lực lượng, và tiếp liệu. »
Tướng Horrock, viên tư lệnh rất có năng lực và linh hoạt của quân đoàn 30, đã không hề nghĩ tới Ăntwerp.(Giống như thống chế Montgomery, tư lệnh đạo quân 21 của Anh, ông ta chú ý tới một mục tiêu khác: vượt sông Rhine và kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Chỉ vài giờ trước đó, khoan khoái trước bước tiến như vũ bão của đạo quân của mình, Montgomery gửi điện cho tổng tư lệnh, tướng D.D. Eisenhower: « Lúc này chúng ta đã đạt tới thời điểm một mũi đột kích tổng lực mãnh liệt về hướng Berlin có thể tiến được tới đó và như vậy chấm dứt chiến tranh »). Horrock, trong hồi ký của mình, đã giải thích khá thẳng thắn. « Lý do để biện hộ cho tôi là tôi hoàn toàn tập trung sự chú ý về hướng sông Rhine và mọi thứ khác đều có vẻ chỉ là thứ yếu. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc cửa Schelde có thể bị rải mìn và chúng tôi sẽ không thể sử dụng Ăntwerp cho tới khi toàn bộ con kênh đã được quét sạch và quân Đức bị đánh bật khỏi hai bên bờ. Napoleon hẳn đã nhận ra điều này nhưng Horrock thì không. » Ông cũng thừa nhận không gặp phải nhiều chống cự và « chúng tôi vẫn còn đủ nhiên liệu cho 100 dặm nữa trên mỗi xe và có dự trữ đủ cho một ngày nữa. ». Rất có thể « sự mạo hiểm là đáng kể, » nhưng « tôi tin rằng nếu chúng tôi nắm lấy cơ hội và tiếp tục tiến thẳng thay vì dừng lại ở Brussels, diễn biến của cuộc chiến ở châu Âu có thể đã thay đổi hoàn toàn. »
Tại London, hoàng thân Hà Lan hội kiến nữ hoàng Wilhemina và sau đó điện thoại cho vợ, công chúa Juliana, lúc đó đang ở Canada. Hoàng thân thúc giục vợ bay ngay tới Anh, sẵn sàng cho chuyến trở về Hà Lan vào thời điểm quốc gia này được giải phóng. Cuộc lưu đày dài đằng đẵng của họ sắp đến hồi kết. Cuộc giải phóng, khi tới, sẽ xảy ra rất nhanh. Họ cần sẵn sàng. Thế nhưng Bernhard vẫn thấy bất an.
Trong 72 giờ trước đó tin tức gửi tới ông từ lực lượng kháng chiến Hà Lan không ngừng nhắc tới sự hoảng loạn của quân Đức tại Hà Lan, và lặp đi lặp lại rằng cuộc tháo chạy, bắt đầu hôm 2/9, vẫn đang tiếp tục. Đến lúc này, vào mồng 5, chỉ huy lực lượng kháng chiến ngầm thông báo rằng cho dù quân Đức vẫn còn hỗn loạn, nhưng cuộc tháo chạy có vẻ đã lắng xuống. Bernhard cũng gặp viên thủ tướng lưu vong của Hà Lan. Thủ tướng Gerbrandy có vẻ bối rối. Rõ rằng là bản thông báo ngày 3/9 của ông đã quá lạc quan ; lực lượng đồng minh chắc chắn chưa vượt qua biên giới Hà Lan. Hoàng thân và thủ tướng cân nhắc tình hình. Tại sao người Anh không tấn công? Hiển nhiên, tình hình Hà Lan là hoàn toàn rõ ràng với những thông báo nhận được từ lực lượng ngầm.
Bernhard không có nhiều kiến thức quân sự và phụ thuộc vào các cố vấn của mình, tuy thế ông vẫn ngỡ ngàng. Nếu quân Đức vẫn còn hỗn loạn và, như các chỉ huy lực lượng kháng chiến của ông tin tưởng, một « cuộc đột kích với một ít xe tăng » có thể giải phóng nước này trong « vài giờ »- vậy, tại sao người Anh không tiến quân? Có lẽ Montgomery không tin vào thông báo của lực lượng kháng chiến Hà Lan vì ông coi họ chỉ là những tay nghiệp dư hoặc không đáng tin cậy. Bernhard không tìm ra lời giải thích nào khác. Nếu không thì vì sao người Anh chần chừ, thay vì lập tức vượt qua biên giới? Cho dù ông thường xuyên liên lạc với các bộ trưởng của mình, với đại sứ Mỹ,Anthony Biddle và tham mưu trưởng của Eisenhower, Bedell Smith, và vì thế biết rõ rằng vào thời điểm đó, cuộc tiến công thuận lợi đến mức tình hình thay đổi hầu như từng giờ, nhưng dù thế Bernhard nghĩ ông cần biết thông tin trực tiếp hơn. Ông quyết định: cần yêu cầu SHAEF chấp nhận cho mình bay tới Bỉ và trực tiếp gặp thống chế Montgomery càng sớm càng tốt. Hoàng thân hoàn toàn tin tưởng vào bộ tư lệnh đồng minh, và đặc biệt là Montgomery. Tuy thế, nếu có gì không ổn, Bernhard muốn được biết.
Trong khu lều của sở chỉ huy của mình đóng tại Laeken, cách trung tâm Brussels vài dặm, thống chế B.L.Montgomery sốt ruột chờ đợi câu trả lời cho bức điện mật « Chỉ dành riêng cho cá nhân Eisenhower đọc » của mình. Yêu cầu tiến hành khẩn cấp một mũi đột kích tổng lực tới Berlin được gửi đi tối 4/9. Lúc này, vào trưa ngày 5/9, vị anh hùng 58 tuổi của El Alamein chờ đợi một câu trả lời và sốt ruột nghĩ tới cục diện sắp tới của cuộc chiến. Hai tháng trước cuộc đổ bộ lên Normandy ông đã nói, « Nếu chúng ta thực hiện đâu ra đấy công việc của mình và không phạm sai lầm, thì tôi tin rằng nước Đức sẽ bị loại khỏi vòng chiến trong năm nay. » Theo quan điểm bất di bất dịch của Montgomery, một sai lầm chiến lược lớn đã xảy ra ngay trước khi lực lượng đồng minh chiếm Paris và vượt sông Seine. « Chiến lược mặt trận rộng » của Eisenhower – đưa các đạo quân của ông đồng loạt tiến tới biên giới Đức, sau đó vượt qua sông Rhine- có thể là đúng đắn khi nó được hoạch định trước cuộc đổ bộ, nhưng với sự sụp đổ tan rã bất ngờ của quân Đức, viên tướng người Anh tin tưởng, chiến lược này đã trở nên lỗi thời. Như Montgomery nói, chiến lược đó đã trở nên « thiếu linh hoạt ». Và tất cả kiến thức quân sự của ông đã cho ông thấy « chúng ta sẽ không thể thành công với nó... và có thể sẽ phải tính đến một chiến dịch mùa đông kéo dài cùng tất cả những khó khăn người dân Anh sẽ phải chịu đựng. »
Vào ngày 17/8, ông đã đề nghị với tướng Omar N.Bradley, tư lệnh cụm quân Mỹ số 12, một kế hoạch với một mũi đột kích. Đạo quân của ông và đạo quân của Bradley sẽ hợp lại thành một khối mạnh gồm 40 sư đoàn, một lực lượng đủ mạnh để không phải e ngại bất cứ nguy cơ nào. Quả đấm này sẽ tiến lên phía bắc. » Cụm quân số 21 sẽ quét sạch bờ biển, chiếm Ăntwerp và nam Hà Lan. Cụm quân số 12 của Bradley, với cánh phải ở Ardenne, sẽ tiến tới Aachen và Cologne. Mục tiêu chính của cuộc đột kích do Montgomery đề nghị sẽ là « chiếm lĩnh các đầu cầu qua sông Rhine trước khi mùa đông tới và chiếm lấy vùng Ruhr một cách thần tốc. » Theo suy luận của ông, nó sẽ chấm dứt cuộc chiến một cách chắc chắn. Kế hoạch của Montgomery sử dụng 3 trong số 4 đạo quân của Eisenhower - đạo quân Anh số 2, đạo quân Mỹ số 1 và đạo quân Canada số 1. Đạo quân thứ tư, đạo quân Mỹ số 3 của Patton, trong lúc này đang xuất hiện trên trang nhất của các báo khắp thế giới vì bước tiến ngoạn mục của mình, Montgomery không đả động đến. Ông chỉ bình thản gợi ý là lực lượng này cần dừng lại.
Chừng 48 giờ sau Montgomery được tin là Bradley, người mà ông tin sẽ ủng hộ ý kiến của ông, lại đang nghiêng về một mũi đột kích của lực lượng Mỹ, một cuộc tấn công do Patton chỉ huy hướng tới Rhine và Frankfurt. Eisenhower bác bỏ cả hai kế hoạch ; ông không định thay đổi chiến lược của mình. Vị tổng tư lệnh muốn duy trì sự linh hoạt để có thể đột kích cả ở sông Rhine lẫn Saar khi có cơ hội. Với Montgomery, đây không còn là « chiến lược chính diện rộng » nữa mà là một kế hoạch hai mũi đột kích. Ông cảm thấy rằng lúc đó mọi người « mạnh ai nấy đánh »- đặc biệt là Patton, người có vẻ tự cho mình quyền tự quyết rất lớn. Quyết định của Eisenhower giữ nguyên nguyên tắc chiến lược ban đầu của mình đã cho thấy rất rõ ràng, theo quan điểm của Montgomery, rằng tổng tư lệnh « trên thực tế đã hoàn toàn không kiểm soát được diễn biến thực địa chiến trường nữa. »
Suy nghĩ của Montgomery dựa trên một sự kiện mới diễn ra đã làm ông bực mình và cảm thấy vai trò của mình bị hạ thấp. Ông ta không còn là người nắm toàn quyền chỉ huy quân đội trên lục địa. Hôm 1/9, Eisenhower đã đích thân nắm lấy quyền chỉ huy. Bởi vì viên tổng tư lệnh tin rằng « Montgomery là một bậc thầy trong việc chỉ huy chiến dịch », ông ta đã để viên tướng người Anh giám sát cuộc đổ bộ vào D-Day cũng như giai đoạn đầu chiến dịch sau đó.
Như vậy, đạo quân số 12 của tướng Omar N. Bradley lại nằm dưới quyền chỉ huy của Montgomery. Tới cuối tháng 8, việc báo chí tiết lộ chuyện này đã làm công chúng bực tức đến mức Eisenhower đã được tướng Marshall, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, ra lệnh « phải lập tức nắm lấy quyền chỉ huy trực tiếp » của toàn bộ lực lượng trên lục địa. Các đạo quân Mỹ lại được chuyển về dưới quyền chỉ huy của người Mỹ. Động thái này khiến Montgomery sửng sốt. Như tổng tham mưu trưởng của ông, tướng Francis de Guigard, sau này nhớ lại: « Tôi tin rằng Montgomery không bao giờ ngờ ngày đó lại tới sớm đến thế. Có thể ông hy vọng rằng chức chỉ huy được thiết lập ban đầu sẽ tiếp tục được duy trì một thời gian dài nữa. Tôi cho rằng ông ta có thói quen hơi quá coi nhẹ lòng tự tôn dân tộc và hãnh diện, cũng như sự đóng góp ngày càng tăng của người Mỹ cả về quân số và trang bị...tuy thế, với phần lớn chúng tôi, thật hiển nhiên là không thể có chuyện một viên tướng Anh và một bộ tư lệnh Anh nắm mãi quyền chỉ huy các đạo quân Mỹ vốn đông đảo hơn. » Điều đó có thể là hiển nhiên với bộ tham mưu của Montgomery, nhưng không phải với bản thân ông. Ông cảm thấy bị làm bẽ mặt trước công chúng. Dù sao thì Montgomery cùng dư luận Anh, cũng cảm thấy phẫn nộ không kém ông, đã phần nào được an ủi khi vua George VI, trước sự hối thúc của Churchill, đã phong chức thống chế lục quân cho Montgomery hôm 1/9.
Hầu như ai cũng biết Monty và cấp trên của mình, Sir Alan Brooke, tổng tham mưu trưởng quân đội của đế quốc, đều rất không hài lòng về Eisenhower. Cả hai đều cho ông là thiếu thẳng thắn và thiếu quyết đoán. Trong một lá thư gửi cho Montgomery hôm 28/7, Brooke bình luận rằng Eisenhower thậm chí chỉ có « vài khái niệm mơ hồ nhất về chiến tranh! ». Vào một dịp khác, ông này nhận xét rằng vị tổng tư lệnh là người « có tính cách rất hấp dẫn », nhưng « với một bộ óc vô cùng hạn chế nhìn từ quan điểm chiến lược ». Montgomery, chẳng bao giờ là người biết kiềm chế lời lẽ của mình, đã « nhìn thấy ngay từ đầu rằng Ike chỉ đơn giản là chẳng có chút kinh nghiệm nào cho cương vị của mình », và ông cảm thấy rằng trong khi lịch sử sẽ rất có thể ghi lại « Eisenhower như là một tổng tư lệnh tốt, ông này chỉ là một tư lệnh chiến trường rất, rất xoàng ». Bực mình, Montgomery bắt đầu cổ động cho ý tưởng của một « tổng tư lệnh lực lượng mặt đất », một vị trí trung gian giữa các cụm quân và Eisenhower. Ông này cũng biết rõ ai sẽ là người cần thiết cho vị trí này – chính bản thân mình. Eisenhower biết rất rõ về chiến dịch ngầm này. Ông ta vẫn giữ vẻ bình thản. Theo cách của mình, vị tổng tư lệnh cũng cứng đầu chẳng kém Montgomery. Lệnh ông nhận được từ tướng Marshall là hoàn toàn rõ ràng và ông không hề có ý định chấp nhận ý tưởng về một viên chỉ huy lực lượng mặt đất nào khác ngoài mình.
Montgomery đã không có cơ hội nào để trình bày kế hoạch một mũi đột kích cũng như ý tưởng về chức tư lệnh lực lượng mặt đất của mình trực tiếp với Eisenhower cho đến tận ngày 23/8, khi vị tổng tư lệnh tới ăn trưa tại bộ tư lệnh cụm quân 21.