Dịch giả: seahawk1
P1- Chương 6

"Chúng tôi không thể dựa vào những thông báo đó," Montgomery nói với ông ta. "Vì việc lực lượng kháng chiến Hà Lan tuyên bố rằng bọn Đức đã rút lui từ hôm 2/9 không có nghĩa là chúng vẫn đang tiếp tục rút lui." Bernhard đã phải thừa nhận rằng cuộc tháo lui "đang chậm lại", và đã có "dấu hiệu tái tổ chức". Tuy nhiên, theo quan điểm của hoàng thân, có lý do xác đáng cho một cuộc tấn công ngay lập tức.
Montgomery vẫn không bị lay chuyển. "Dù sao đi nữa," ông nói, " mặc dù tôi rất muốn tấn công và giải phóng Hà Lan, tôi không thể thực hiện được vì thiếu hậu cần. Chúng tôi đã gần cạn đạn. Chúng tôi không còn đủ nhiên liệu cho xe tăng và nếu cứ cố tiến hành một cuộc tấn công, chắc chắn nó sẽ bị chặn đứng".
Bernhard sững sờ. NHững thông tin hoàng thân nhận được khi còn ở Anh từ cả SHAEF và các cố vấn của ông đã thuyết phục ông rằng việc giải phóng Hà Lan sẽ hoàn tất chỉ trong vài ngày. "Hiển nhiên là tôi nghĩ rằng Montgomery, người chỉ huy chiến trường trực tiếp, nắm tình hình rõ hơn ai hết," Bernhard nhớ lại sau này. " Thế nhưng chúng tôi đã có tất cả những thông tin chi tiết về quân Đức- quân số, số lượng xe tăng và xe thiết giáp, vị trí đặt súng phòng không - và tôi biết rõ, ngoài lực lượng triển khai trực tiếp trên chiến tuyến, kẻ thù không còn nhiều lực lượng phía sau. Tôi cảm thấy thật nặng nề, vì tôi biết sức mạnh của bọn Đức sẽ tăng lên từng ngày. Tôi không thể thuyết phục được Montgomery. Trên thực tế, chẳng lời nào tôi nói tỏ ra có trọng lượng".
Sau đó Montgomery tiết lộ một cách thật đáng kinh ngạc. "Tôi cũng nóng lòng muốn giải phóng Hà Lan như ngài vậy," ông nói, "nhưng chúng tôi dự định thực hiện nó bằng một cách khác, thậm chí tốt hơn." Thống chế dừng lời, suy nghĩ giây lát, sau đó nói gần như miễn cưỡng,"Tôi đang xây dựng một kế hoạch đổ bộ đường không ngay phía trước lực lượng của tôi." Bernhard ngỡ ngàng. Lập tức trong đầu hoàng thân nảy ra hàng loạt câu hỏi. Các bãi thả dù sẽ được lựa chọn ở đâu? Khi nào kế hoạch đó sẽ được tiến hành? Và ra sao? Thế nhưng ông kìm mình không hỏi. Thái độ của Montgomery có thấy viên thống chế sẽ không tiết lộ thêm. Cuộc tấn công hiển nhiên vẫn còn trong giai đoạn thành hình và hoàng thân có cảm tưởng chỉ thống chế và vài người trong ban tham mưu của ông biết về kế hoạch. Tuy viên thống chế không đưa ra thêm chi tiết nào, giờ đây Bernhard lại thầm hy vọng rằng việc giải phóng Hà Lan, bất chấp việc thiếu hụt về hậu cần mà Montgomery đã nói trước đó, đã gần kề. Ông cần kiên nhẫn và chờ đợi. Danh tiếng của ngài thống chế không ai không bíêt. Bernhard tin vào nó và bản thân viên thống chế. Hoàng thân cảm thấy hy vọng một lần nữa quay trở lại, vì "bất cứ điều gì Montgomery làm, ông sẽ làm đến nơi đến chốn."
Eisenhower, nhượng bộ yêu cầu của Montgomery, ấn định cuộc gặp giữa hai người vào chủ nhật 10/9. Ông không thích thú gì vào cuộc gặp với Montgomery cũng như những lời lẽ thái độ mà ông đã quen chờ đợi từ phía ngài thống chế. Tuy thế, ông cũng quan tâm muốn biết những tiến bộ nào đã đạt được trong một khía cạnh tác chiến của Montgomery. Cho dù tổng tư lệnh cần phê duyệt mọi kế hoạch tấn công đổ bộ đường không, ông đã trao cho Montgomery quyền sử dụng đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh cũng như quyền xây dựng các kế hoạch có tính đến việc sử dụng lực lượng này. Tổng tư lệnh biết Montgomery, ít nhất kể từ ngày 4, đã lặng lẽ nghiên cứu khả năng dùng một cuộc tấn công đổ bộ đường không để chiếm lấy một đầu cầu qua sông Rhine.
Kể từ khi đạo quân đổ bộ đường không số 1 của đồng minh được thành lập 6 tuần trước dưới quyền một tư lệnh người Mỹ, trung tướng Lewis Hyde Brereton, Eisenhower đã tìm kiếm cả một mục tiêu và một cơ hội phù hợp để sử dụng lực lượng này. Vì mục đích đó ông đã thúc giục Brereton và nhiều tư lệnh các đạo quân khác xây dựng những kế hoạch đổ bổj đường không sáng tạo và táo bạo nhằm tấn công quy mô lớn vào sâu trong hậu phương kẻ thù. Nhiều nhiệm vụ đã được đưa ra và phê chuẩn, nhưng tất cả đều bị đình chỉ. Gần như trong tất cả các trường hợp, bước tiến nhanh chóng của lục quân khiến lực lượng này đã tới các mục tiêu vốn chỉ định cho quân dù.
Kế hoạch táo bạo do Montgomery đưa ra dự định dùng các đơn vị của Brereton để mở một đột phá khẩu ở phía tây thành phố Weselm ngay trên biên giới Hà Lan - Đức. Tuy nhiên, hỏa lực phòng không quá dày đặc tại đây đã buộc viên thống chế phải thay đổi kế hoạch. Lần này, địa điểm ông lựa chọn nằm xa hơn về phía tây trong lãnh thổ Hà Lan: cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem - một nơi nằm phía sau chiến tuyến Đức 75 dặm.
Vào ngày 7/9, chiến dịch Cornet, như kế hoạch này được đặt tên, đã sẵn sàng; sau đó thời tiết xấu, cộng với sự lo ngại của Montgomery trước sức kháng cự ngày càng tăng của quân Đức mà binh lính của ông gặp phải, đã khiến chiến dịch bị bãi bỏ. Những gì có vẻ sẽ thành công vào ngày 6 hay ngày 7 xem ra quá mạo hiểm vào ngày 10. Eisenhower cũng lo ngại; một mặt ông cảm thấy tung ra một cuộc tấn công đổ bộ đường không vào mục tiêu này sẽ làm chậm việc giải tỏa cảng Ant werp. Thế nhưng vị tổng tư lệnh vẫn bị thu hút bởi khả năng của một cuộc tấn công đổ bộ đường không.
Những cuộc tấn công bị bãi bỏ, có lần gần như vào phút cuối cùng, đã gây ra một vấn đề đau đầu cho Eisenhower. Mỗi lần kế hoạch đến bước chuẩn bị cuối cùng, máy bay vận tải, vốn đang tiếp tế nhiên liệu cho tiền tuyến, phải được tập trung lại dưới mặt đất ở trạng thái sẵn sàng. Thiếu hụt gây ra khi thiếu nguồn tiếp tế đường không quý giá này đã khiến Bradley và Patton kịch liệt phản đối. Trong bối cảnh truy kích không ngừng nghỉ như hiện tại, việc vận chuyển nhiên liệu bằng đường không, họ tuyên bố, quan trọng hơn nhiều so với những kế hoạch đổ bộ đường không. Eisenhower, nóng lòng muốn sử dụng lực lượng dù và bị Washington hối thúc làm vậy - cả tướng Marshall lẫn tướng Henry H. Arnold, chỉ huy không lực của quân đội Mỹ, đều muốn xem đạo quân mới toanh của Brereton có thể làm được gì - không hề có ý để các sư đoàn dù tinh nhuệ của ông ngồi dài dưới đất. Ngược lại, ông nhấn mạnh rằng các đơn vị này cần được sử dụng ngay khi có cơ hội. Quả thực, đây có thể là một cách để giúp đưa quân vượt sông Rhine trong bối cảnh đà tấn công đang chững lại. Nhưng vào buổi sáng ngày 10/9 này, trong khi bay tới Brussels, mọi thứ khác đều trở thành thứ yếu trong đầu ông so với việc khai thông cảng chiến lược Ant werp.
Montgomery thì không. Nóng ruột và kiên quyết, ông chờ sẵn ở sân bay Brussels khi máy bay của Eisenhower hạ cánh. Với sự chính xác đặc trưng của mình, ông đã trau chuốt lại các lý lẽ chuẩn bị cho cuộc hội kiến. Ông đã trao đổi với tướng Miles C.Dempsey của đạo quân Anh số 2, và trung tướng Frederick Browning, tư lệnh quân đoàn đổ bộ đường không số 1 của Anh, đồng thời là tư lệnh phó đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh. Browning đợi bên ngoài cho đến khi cuộc gặp kết thúc. Dempsey, lo ngại trước sức kháng cự mỗi lúc một quyết liệt của kẻ thù phía trước mình và biết rõ từ các báo cáo tình báo cho biết các đơn vị mới của kẻ thù đang xuất hiện, đã yêu cầu Montgomery hủy bỏ kế hoạch tấn công đổ bộ đường không vào cây cầu tại Arnhem. Thay vào đó, ông này đề nghị tập trung vào chiếm đầu cầu vượt sông Rhine tại Wesel. Ngay cả khi phối hợp với lực lượng đổ bộ đường không, Dempsey e ngại, đạo quân Anh số 2 có thể vẫn không đủ mạnh để một mình tiến tới bắc Arnhem. Ông tin tưởng rằng tốt hơn nên tiến lên hội quân với đạo quân Mỹ số 1 về hướng đông bắc tới Wesel.
Dù thế nào đi nữa, bằng mọi giá lúc này cần mở một mũi tấn công vào Hà Lan. Bộ chiến tranh Anh đã cho Montgomery biết rằng V2- loại tên lửa đầu tiên của Đức - đã rơi xuống London hôm 8/9. Các bãi phóng được cho là nằm đâu đó ở phía tây Hà Lan. Montgomery đã thay đổi kế hoạch của mình, có thể trước hay sau khi nhận được tin này. Kế hoạch Comet, như trong dự kiến ban đầu, chỉ sử dụng một sư đoàn rưỡi - sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đoàn dù Ba Lan số 1; lúc này ông tin rằng lực lượng này không đủ mạnh để thành công. Kết quả là ông bãi bỏ Comet. Tuy vậy, chỉ có một số ít sĩ quan cao cấp dưới quyền viên thống chế biết về nó và, biết quá rõ ảnh hưởng của tướng Bradley với Eisenhower, họ đã cẩn thận giữ gìn để không một tin phong thanh nào về kế hoạch này lọt tới tai các sĩ quan liên hợp Mỹ có mặt tại các sở chỉ huy Anh. Cũng như Eisenhower, trung tướng Browning và bộ tư lệnh đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh tại Anh vào lúc này vẫn chưa biết gì về kế hoạch đổ bộ đường không mới của Montgomery.
Vì đầu gối bị thương, Eisenhower không thể rời khỏi máy bay và cuộc họp diễn ra ngay trên máy bay. Montgomery, giống như ngày 23/8, quyết định ai được có mặt trong buổi hội kiến. Tổng tư lệnh đã mang theo người phó của mình, Thống chế tư lệnh không quân Sir Arthur Tedder, và một trợ lý tham mưu, trung tướng Sir Humphrey Gale, phụ trách tổ chức. Cụt lủn, Montgomery yêu cầu Eisenhower loại Gale khỏi cuộc họp, đồng thời khăng khăng đề nghị người phụ trách tổ chức và hậu cần của chính mình, trung tướng Miles Graham, được ở lại. Một tổng tư lệnh ít nhún nhường hơn rất có thể đã phản pháo lại thái độ của Montgomery. Eisenhower kiên nhẫn chấp nhận đề nghị của viên thống chế. Tướng Gale rời nơi họp.
Gần như ngay lập tức Montgomery chỉ trích chiến lược chính diện rộng của tổng tư lệnh. Liên tục trích dẫn các thông điệp liên lạc của Eisenhower đã tới trong tuần trước đó, ông cảnh cáo tổng tư lệnh về sự thiếu nhất quán của mình khi không định nghĩa rõ "ưu tiên" có nghĩa là gì. Ông phàn nàn rằng cụm quân 21 của ông đã không nhận được "ưu tiên" về hậu cần mà Eisenhower đã hứa; rằng cuộc tấn công của Patton vào Saar vẫn được chấp nhận cho tiếp tục thay vì sự trợ giúp cho lực lượng của Montgomery. Eisenhower bình thản trả lời rằng ông không bao giờ có ý cho Montgomery " ưu tiên tuyệt đối" và gạt sang bên tất cả những ngừơi khác. Chiến lược của Eisenhower, Montgomery lặp lại, là sai lầm và sẽ có "hậu quả nghiêm trọng". Chừng nào hai mũi đột kích "đơn độc và thiếu lực vẫn tiếp tục", với tiếp tế bị chia sẻ giữa ông và Patton, " không ai có thể thành công". Eisenhower cần quyết định lựa chọn giữa ông hoặc Patton. Ngôn từ của Montgomery gay gắt và thiếu kiềm chế đến mức Eisenhower bất thần cúi người về phía trước, đập tay vào đầu gối Montgomery và nói.
"Hãy chừng mực, Monty! Ông không được nói bằng giọng đó với tôi. Tôi là sếp của ông". Cơn bực tức của Montgomery hạ hỏa. "Tôi xin lỗi, Ike", ông khẽ nói. Lời xin lỗi không hay gặp nhưng có vẻ thành thật này vẫn chưa phải là câu kết. Kiên quyết, cho dù ít gay gắt hơn, Montgomery tiếp tục biện minh cho "mũi đột kích duy nhất" của mình. Eisenhower lắng nghe một cách chăm chú và thiện chí, nhưng quan điểm của ông vẫn không thay đổi. Cuộc tấn công trên chính diện rộng sẽ vẫn tiếp tục. Tổng tư lệnh giải thích rõ với Montgomery tại sao. Như Eisenhower sau này hồi tưởng lại (với tác giả), ông nói "Điều mà ngài đề nghị với tôi là như sau - nếu tôi cho ngài toàn bộ lượng tiếp tế cần thiết, ngài có thể tiến thẳng tới Berlin - tới tận Berlin? Monty, ngài thật là khùng. Ngài không thể làm được điều đó. Chết tiệt! Nếu ngài thử một mũi đột kích dài như thế, ngài sẽ phải ném hết sư đoàn này đến sư đoàn khác vào để bảo vệ hai bên sườn mình khỏi bị đột kích. Bây giờ hãy giả sử rằng ngài chiếm được một đầu cầu qua sông Rhine thật. Ngài sẽ không thể phụ thuộc lâu vào chỉ một cây cầu để tiếp tế cho mũi tấn công của mình. Monty, ngài không thể làm được điều đó."
Montgomery, theo lời Eisenhower, đã trả lời, "Tôi sẽ tiếp tế được ổn thỏa. Chỉ cần cho tôi những gì tôi cần và tôi sẽ tiến tới Berlin và chấm dứt chiến tranh."
Eisenhower vẫn kiên quyết bác bỏ. Ông nhấn mạnh rằng Ant werp cần được giải tỏa trước khi cân nhắc tới bất cứ cuộc tấn công quan trọng nào vào Đức. Montgomery liền giở cây bài cuối cùng của mình ra. Những diễn biến gần đây nhất - cuộc tấn công bằng tên lửa vào London từ các bãi phóng ở Hà Lan - đòi hỏi cần tiến công lập tức vào Hà Lan. Thống chế biết chính xác cần bắt đầu tấn công từ đâu. Để đánh vào nước Đức, Montgomery đề nghị sử dụng hầu như toàn bộ đạo quân đổ bộ đường không số 1 của Đồng minh trong một cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn.
Kế hoạch của ông là một phiên bản mở rộng của chiến dịch Comet. Montgơmry giờ đây muốn sử dụng 3 sư đoàn rưỡi - các sư đoàn 82 và 101 của Mỹ, sư đoàn dù Anh số 1 và lữ đòan dù Ba Lan số 1. Lực lượng đổ bộ đường không sẽ chiếm một loạt điểm vượt sông tại Hà Lan phía trước lực lượng của ông, với mục tiêu chính là cây cầu qua sông Rhine Hạ tại Arnhem. Thấy trước quân Đức sẽ chờ đợi ông sử dụng con đường ngắn nhất và tiến về phía đông bắc tới sông Rhine và vùng Ruhr, Montgomery đã cố ý chọn một "cánh cửa sau" phía bắc hướng tới đế chế. Cuộc tấn công đổ bộ đường không bất ngờ sẽ tạo ra một hành lang cho xe tăng của đạo quân Anh số 2 thuộc quyền ông, lực lượng này sẽ nhanh chóng vượt qua các cây cầu đã được chiếm giữ tới Arnhem, vượt qua sông Rhine và xa hơn nữa. Một khi mục tiêu này đạt được, Montgomery có thể quay sang phía đông, đánh thọc sườn phòng tuyến Siegfried và tiến thẳng vào vùng Ruhr.
Eisenhower đã bị ấn tượng và thu hút bởi ý tưởng này. Đó là một kế hoạch táo bạo và đầy sáng tạo, đúng là mô hình tấn công quy mô lớn mà tổng tư lệnh đang tìm kiếm cho các sư đoàn dù đã ăn không ngồi rồi quá lâu của mình. Nhưng lúc này ông đang lâm vào thế trên đe dưới búa: nếu chấp nhận kế hoạch này, việc giải tỏa cảng Antwerp sẽ bị trì hoãn và sẽ phải lấy bớt phần tiếp tế dành cho Patton. Tuy thế, đề nghị của Montgomery có thể làm hồi sinh đà tấn công đang đuối dần và rất có thể sẽ giúp đẩy ra cuộc truy kích qua sông Rhine vào vùng Ruhr. Eisenhower, thực sự bị thu hút trước sự táo bạo của kế hoạch, không những phê chuẩn, mà còn yêu cầu tiến hành chiến dịch ngay khi có thể.