Phần 2:Gương những người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh và các lĩnh vực khác
Chương 18
Elizabeth Lindermayer - Đặc sứ hòa bình

Ở Liên hiệp quốc (LHQ), Elizabeth là người luôn theo dõi những vụ xung đột, tranh chấp căng thẳng nhất như ở Irak, Somalie, Ruwanda. Hôm nay, bà là người đang đương đầu với cuộc chiến tranh ở Koxovo. Bà là cố vấn chính trị của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và là người rất có ảnh hưởng đến mọi quyết định của “ông chủ LHQ”.
Bà là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, tóc hung hung, thường xuất hiện trên vô tuyến sau Tổng thư ký LHQ. Khi đang chuẩn bị luận án tiến sĩ ngôn ngữ học thì LHQ tìm đến bà vào năm 1977, người phụ trách việc này là Kofi Annan. Bà đã nhanh chóng thăng tiến trên từng nấc thang của công việc. Đặc biệt là luôn quan tâm đến những hoạt động gìn giữ hòa bình ở Irak, Koweit, Somalie, Ruwanda. Elizabeth Lindermayer sinh ra ở Gaoa, trong một ngôi làng nhỏ ở Burkin, và hiện nay vẫn là cố vấn chính trị của Tổng thư ký LHQ.
Elle: Bà là người thân cận nhất của Tổng thư ký LHQ nhưng ít người biết đến bà. Bà có thể cho biết công việc của bà là gì?
Elizabeth Lindermayer: Cương vị của tôi là cương vị của “niềm tin”. Khi xem xét tất cả những hồ sơ, tôi phải có khả năng nắm bắt nhanh các vấn đề và phán đoán được những gì xảy ra. Kofi Annan và tôi hiểu nhau trong từng lời nói. Vai trò của tôi là đưa cho ông tất cả những yếu tố tích cực và tiêu cực mà ông cần trước khi đưa ra quyết định về một vấn đề gì, và tôi không giấu ông một điều gì cả.
Elle: Theo Tổng thư ký, bà là người phụ nữ Pháp duy nhất dám “đương đầu” với ông?
EL: Đúng vậy, tôi luôn nói với Kofi Annan những gì tôi suy nghĩ, cũng như những điều có lúc không dễ nghe lắm nhưng quả thật ông ta thường xuyên có lý.
Elle: Bà đến với chính trị như thế nào?
EL: Tôi xuất thân trong một gia đình quân đội, cha tôi là sĩ quan nhảy dù được cử đi công tác ở châu Phi. Tôi thích làm những công việc nhân đạo, tôi hiểu sâu sắc nỗi đau của nhân dân ở những vùng chiến sự vì tôi đã từng sống trong một thời kỳ sôi động của lịch sử Pháp. Giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa thực dân. Từ đó, mong muốn của tôi là giúp đỡ những ai không có tổ quốc. Tôi đã sống ở châu Phi và tôi tự hào về nơi đó. Khi nào về hưu, tôi dự định quay về đó giảng dạy và hưởng cuộc sống thanh thản của tuổi già.
Elle: Koxovo hiện là “điểm nóng” được mọi người quan tâm. Mọi người đều tự đặt câu hỏi: liệu chiến tranh thế giới lần thứ ba sẽ nổ ra ở đây không?
EL: Khả năng đe dọa này là hiện thực. Ngay khi cuộc chiến ở Serbia bùng nổ, sự cân bằng trong toàn khu vực bị rối loạn. Nguy hiểm có thể đến từ Macedonia. Lượng người tị nạn gốc Albani tràn vào đất nước này đã phá vỡ sự cân đối mong manh giữa người Serbia và Albani. Ngày nay, số người Albani đã áp đảo và để tự bảo vệ, người Serbia ngày càng đề cao chủ nghĩa dân tộc. Nếu nội chiến xảy ra, đó sẽ là một thảm họa. Bằng mọi giá phải tránh cho cuộc khủng hoảng lan rộng ra khu vực Bancăng vì đó là nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng chính trị thực sự. Hơn nữa, việc ném bom phá hủy các cầu ở Beograt đã làm phong tỏa hoạt động kinh tế thương mại trên sông Danuyp. Những nước láng giềng như Rumani, Ucraina... mất đi một lượng tiền lớn, môi trường bị hủy hoại. Thật là khủng khiếp. Mặt khác, nếu sau đó, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ và NATO, một số nước vẫn tiếp tục cung cấp xăng dầu và vũ khí cho Nam Tư hay cho lực lượng vũ trang KLA thì khi đó chiến tranh thế giới thứ ba vẫn có nguy cơ bùng nổ.
Elle: Vậy vai trò của LHQ như thế nào?
EL: ở thời điểm hiện tại, NATO và Liên minh Châu Âu đang tham dự "cuộc chơi". Nhưng người nhìn xa trông rộng và những người đang căm phẫn chỉ nhìn thấy một điều: bom đạn NATO đã ném xuống Nam Tư, gây thiệt hại cho người và của ở đất nước này. Hiển nhiên, ở vai trò của Tổng Thư kýLHQ - ông Kofi Annan cũng đã nghĩ đến việc tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Chính ông quyết định phá vỡ sự im lặng bằng cách đưa ra tuyên bố 5 điểm giúp ông Milosevic một bưóc trong việc tìm ra giải pháp hòa bình.
ELLE: Chúng ta có thể hy vọng giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới như thế nào?
EL: Chính trị không phải là phạm trù trừu tượng. Những cuộc tranh chấp cá nhân cũng là nghững cuộc tranh chấp chính trị. Khi hai thực tế cùng tồn tại nghĩa là đã thiết lập một quan hệ quyền lực. Nhưng cần biết xử lý như thế nào khi tranh chấp phát sinh để tránh hồi kết thúc như ở Somali. Tình hình hiện nay rất giống với tình hình của chiến tranh thế giới thứ hai. Cần phải bắt đầu cho cuộc tái thiết khổng lồ ở Bancăng và đưa đến đó những đội quân gìn giữ hòa bình dưới sự chỉ đạo của LHQ. Nhưng cần phải có thời gian và không được mất niềm tin.
ELLE: Bà đã giữ niềm tin như thế nào?
EL: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải luôn luôn hành động. Tôi đã trải qua cuộc sống của mình trong lòng các cuộc tranh chấp và tìm cách giải quyết các tranh chấp đó. Và xa hơn nữa, tôi nghĩ rằng mình luôn muốn làm việc cho hòa bình. Đôi khi tôi cảm thấy mình bị đổ vỡ niềm tin, song tôi tự nhủ rằng người ta không thể không giúp đỡ đồng loại đang sống trong đau khổ tột độ, hẳn cuộc sống sẽ không có ý nghĩa gì cả. Tôi luôn lạc quan và không bao giờ đầu hàng.
Elle: Bà làm việc 15 tiếng mỗi ngày, bà có mặt ở mọi “điểm nóng”. Bà đã có chồng là bác sĩ và hai con 18 và 23 tuổi. Vậy bà làm thế nào để tạo sự cân bằng giữa hai cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp?
EL: Tôi vẫn làm đúng những thiên chức của người phụ nữ như tôi có thể. Tôi cũng đã sống với nghề của mình. Bây giờ nếu cho tôi chọn giữa nghề nghiệp và gia đình, tôi sẽ không do dự mà trả lời rằng:
"Tôi chọn gia đình".
=============================
P/s: Ngô Thị Thu Sương sưu tầm theo “Elle” và Báo Thế giới phụ nữ số 71 ra ngày 10-7-1999.