16 QUẺ LÔI ĐỊA DỰ
Trên là Chấn (sấm sét,) dưới là Khôn (đất)

Đã Đại hữu mà lại Khiêm thì tất nhiên là vui vẻ, sung sướng, cho nên sau quẻ Khiêm, tới quẻ Dự (vui, sướng).
Thoán từ:
豫: 利建侯, 行師.
Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.
Dịch: vui vẻ: Dựng tước hầu (để trị dân), ra quân thì tốt.
Giảng: Có ba cách giảng ý nghĩa quẻ này.
- Chấn ở trên, Khôn ở dưới, có nghĩa là ở trên thì động, hành động; ở dưới thuận theo, như vậy tất vui vẻ.
- Sấm ở trên đất, nghĩa là khí dương phát động (chấn thuộc dương) mà muôn vật ở trên phát sinh, cũng là cảnh tượng vui vẻ.
- Quẻ này chỉ có một hào dương (hào 4), 5 hào âm đều theo nó, nó làm chủ trong quẻ, như một người tài đức, làm việc gì cũng thuận cả, tất thành công, sẽ vui vẻ, an ổn.
- Thuận với lẽ tự nhiên thì dù trời đất cũng nghe theo, huống hồ là việc dựng tước hầu, ra quân, dân há lại không theo.
- Thoán truyện bàn rộng thêm: Cái đạo thuận lẽ mà hành động đó là đạo trời, cho nên mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng ban ngày ban đêm, không bao giờ lầm; bốn mùa thay nhau chẳng bao giờ sai. Thánh nhân thuận lẽ mà hành động thì hình phạt không phiền phức mà dân chúng phục tòng.
Hào từ:
1.
初六: 鳴豫, 凶.
Sơ lục: Minh dự, hung.
Dịch: Hào 1, âm: Khoe mình vui sướng một cách ồn ào, xấu.
Giảng: Chữ Dự, tên quẻ có nghĩa là trên dưới thuận nhu hành động mà cùng vui vẻ; còn chữ dự trong các hào thì có nghĩa là cá nhân vui vẻ.
Như hào âm nhu ở dưới cùng này, bất trung, bất chính, là một tiểu nhân, ỷ có hào 4 cương kiện và có địa vị ở trên ứng viện, lấy làm đắc ý, bộc lộ nỗi sung sướng của mình một cách ồn ào, thế là kiêu mạn, xấu.
2.
六二: 介于石, 不終日, 貞吉.
Lục nhị: giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát.
Dịch: Hào 2, âm: Chí vững như đá, chẳng đợi hết ngày (mà ứng phó ngay), chính đính, bền, tốt.
Khổng tử, theo Hệ từ hạ truyện, Chương V, cho rằng người quân tử biết trước được triệu chứng từ khi mới có dấu hiệu, cho nên ứng phó mau, giao tiếp với kẻ trên thì không nịnh, với kẻ dưới thì không nhờn, biết lúc nào nên nhu, lúc nào nên cương.
3.
六三: 盱豫, 悔遲, 有悔.
Lục tam: Hu dự, hối trì, hữu hối.
Dịch: Hào 3, âm: Ngửa mặt lên trên (mong được phú quí) mà vui mừng, như vậy thế nào cũng ăn năn, mà sửa đổi chậm, lại càng ăn năn hơn.
Giảng: Hào này cũng bất trung, bất chính, như kẻ tiểu nhân ngó lên trên là hào 4 dương cương, mong được phú quí mà vui mừng; không sớm rút chân ra khỏi cái bẩy quyền thế thì sẽ ân hận lớn.
4.
九四: 由豫, 大有得; 勿疑, 朋盍簪.
Cửu tứ: Do dự, đại hữu đắc; vật nghi, bằng hạp trâm.
Dịch: Hào 4, dương: người khác nhờ mình mà vui, mình có thể thành công lớn được; cứ hết lòng chí thành, đừng nghi ngờ thì các bạn thanh khí sẽ lại giúp mình đông mà chóng.
Giảng: Hào này làm chủ trong quẻ, có tài, có địa vị cao, lại được hào 5 (vua) hết lòng tin, nên tạo hạnh phúc được cho người, thành công lớn được.
Nhưng là hào dương độc nhất trong quẻ một mình đảm đương gánh nặng, có lúc chán nản, nghi ngờ, nên Hào từ khuyên cứ chí thành, thì sẽ có nhiều bạn tới giúp.
5.
六五: 貞疾, 恆, 不死.
Lục ngũ: Trinh tật, hằng, bất tử.
Dịch: hào 5, âm: Bệnh hoài, dai dẳng nhưng không chết.
Giảng: Hào 5, ở địa vị chí tôn, nhưng âm nhu, và có hào 4 được lòng dân, gánh hết việc thiên hạ, chuyên quyền; 5 chẳng phải làm gì cả, chỉ chìm đắm trong cảnh hoan lạc (vì ở thời Dự), nên ví với một người bị bệnh hoài. Nhưng may là có 5 đắc trung mà 4 cũng không áp bức, nên vẫn giữ được hư vị, cũng như bị bệnh dai dẳng mà không chết.
Phan Bội Châu cho hào 5 này đúng là trường hợp các vua Lê nhu nhược bị chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng vẫn giữ được hư vị.
6.
上六: 冥豫,成有渝, 无咎.
Thượng lục: Minh dự, thành hữu du, vô cữu.
Dịch: Hào trên cùng, âm: mê tối vì hoan lạc, nhưng nếu biết sửa đổi nết xấu thì không lỗi.
Giảng: hào này âm nhu, bất trung bất chính, lại ở thời cuối quẻ Dự, cho nên ví với người mê tối vì hoan lạc. Nhưng cũng may, hào này ở trong ngoại quái Chấn, Chấn có nghĩa là động, có hy vọng nhúc nhích tự cường được, như vậy sẽ không xấu.
°
Chúng ta nhận thấy tên quẻ là Vui, mà sáu hào chỉ có hai hào (2 và 4) là tốt, còn 4 hào kia xấu nhiều hay ít cả, xấu nhất là hào 1 vì kiêu mạn, khoe khoang ồn ào cái vui bất chính của mình; mà tốt nhất là hào 2, vì không ham vui mà giữ vững chí mình.
Phan Bội Châu dẫn câu “Sinh ư ưu hoạn, nhi tử ư an lạc” của Mạnh tử để kết, là tóm tắt được triết lý của quẻ này. Quốc gia cũng như cá nhân, hễ sống trong cảnh vui sướng, vui vẻ quá thì sẽ mau chết.

Truyện Kinh dịch - Đạo của người quân tử Lời nói đầu của VNthuquan Lời nói đầu của Nguyễn Hiến Lê Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 chương 7 PHẦN II - KINH VÀ TRUYỆN I. Quẻ Thuần Càn 2. Quẻ Thuần Khôn 3. QUẺ THỦY LÔI TRUÂN 4. Quẻ SƠN THỦY MÔNG 5. QUẺ THỦY THIÊN NHU 6. QUẺ THIÊN THỦY TỤNG 7.QUẺ ĐỊA THỦY SƯ 8. QUẺ THỦY ĐỊA TỈ 9. QUẺ PHONG THIÊN TIỂU SÚC 10. QUẺ THIÊN TRẠCH LÝ 11. QUẺ ĐỊA THIÊN THÁI 12. QUẺ THIÊN ĐỊA BĨ 13. QUẺ THIÊN HỎA ĐỒNG NHÂN 14. QUẺ HỎA THIÊN ĐẠI HỮU 15. QUẺ ĐỊA SƠN KHIÊM 16 QUẺ LÔI ĐỊA DỰ 17. QUẺ TRẠCH LÔI TÙY 18. QUẺ SƠN PHONG CỔ 19. QUẺ ĐỊA TRẠCH LÂM 20. QUẺ PHONG ĐỊA QUÁN 21. QUẺ HỎA LÔI PHỆ HẠP 22. QUẺ SƠN HỎA BÍ 23. QUẺ SƠN ĐỊA BÁC 24. QUẺ ĐỊA LÔI PHỤC 25. QUẺ THIÊN LÔI VÔ VỌNG 26. QUẺ SƠN THIÊN ĐẠI SÚC 27. QUẺ SƠN LÔI DI 28. QUẺ TRẠCH PHONG ĐẠI QUÁ 29. QUẺ THUẦN KHẢM 30. QUẺ THUẦN LY 31- QUẺ TRẠCH SƠN HÀM 32. QUẺ LÔI PHONG HẰNG 33. QUẺ THIÊN SƠN ĐỘN 34. QUẺ LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG 35. QUẺ HỎA ĐỊA TẤN 36. QUẺ ĐỊA HỎA MINH DI 37. QUẺ PHONG HỎA GIA NHÂN 38.QUẺ HỎA TRẠCH KHUÊ 39. QUẺ THỦY SƠN KIỂN 40. QUẺ LÔI THỦY GIẢI 41. QUẺ SƠN TRẠCH TỔN 42. QUẺ PHONG LÔI ÍCH 43. QUẺ TRẠCH THIÊN QUẢI 44. QUẺ THIÊN PHONG CẤU 45. QUẺ TRẠCH ĐỊA TỤY 46. QUẺ ĐỊA PHONG THĂNG 47. QUẺ TRẠCH THỦY KHỐN 48. THỦY PHONG TỈNH 49. QUẺ TRẠCH HỎA CÁCH 50. QUẺ HỎA PHONG ĐỈNH 51. QUẺ THUẦN CHẤN 52. QUẺ THUẦN CẤN 53. QUẺ PHONG SƠN TIỆM 54. QUẺ LÔI TRẠCH QUI MUỘI 55. QUẺ LÔI HỎA PHONG 56. QUẺ HỎA SƠN LỮ 57.QUẺ THUẦN TỐN 58. QUẺ THUẦN ĐOÀI 59. QUẺ PHONG THỦY HOÁN 60. QUẺ THỦY TRẠCH TIẾT 61. QUẺ PHONG TRẠCH TRUNG PHU 62. QUẺ LÔI SƠN TIỂU QUÁ 63. QUẺ THỦY HỎA KÍ TẾ 64. QUẺ HỎA THỦY VỊ TẾ HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN THƯỢNG - CHƯƠNG I CHƯƠNG II CHƯƠNG III CHƯƠNG IV CHƯƠNG V CHƯƠNG VI+VII CHƯƠNG VIII CHƯƠNG IX CHƯƠNG X CHƯƠNG XI CHƯƠNG XII HỆ TỪ TRUYỆN - THIÊN HẠ - CHƯƠNG I CHƯƠNG II CHƯƠNG III+IV CHƯƠNG V CHƯƠNG VI CHƯƠNG VII CHƯƠNG VIII CHƯƠNG IX CHƯƠNG X+XI CHƯƠNG XII Lời của học giả Nguyễn Hiến Lê