Chương 19 (Chương kết)
DỄ CÓ MẤY AI

Mất con lìa vợ gần sáu năm trường rồi, thình lình trong một buổi mà cha con tương phùng, vợ chồng hội hiệp; làm người ai gặp cái cảnh như vậy, dầu tánh tình trầm tịnh đến thế nào đi nữa cũng khó mà giấu cái mừng, cái vui trong lòng được. Chánh Tâm được sum hiệp với vợ con, tuy chàng không lộ cái vẻ vui mừng của chàng cho ai thấy, nhưng mà chàng ngồi cứ ngó vợ rồi ngó con mà cười hoài. Lâu lâu chàng ngoắc con lại gần rồi ôm mặt nó mà hun, hoặc chàng lại đứng một bên vợ mà coi vợ may áo cho con bận. Chàng hưởng thú hòa hiệp một cách êm ái như vậy đó, người ngoài dòm vô ai cũng tưởng chàng không vui mừng cho lắm duy Cẩm Vân biết tánh ý chồng, nên nàng hiểu cái cử chỉ ấy là cử chỉ khoái lạc của chồng thuở nay.
Trọn buổi sớm mơi, Chánh Tâm xẩn bẩn ở nhà mà chơi với vợ con. Buổi chiều, chàng đi ra Sài Gòn, mướn Trưởng tòa ra giấy ký cho người mướn nhà lầu của chàng trong vòng 15 ngày phải dọn đồ đi và trả lại cho chàng ở. Việc đó xong rồi chàng mới lại hãng xe hơi chồng bạc mà lấy xe.
Đến 5 giờ chiều, chàng đem xe về. Chánh Hội nghe thấy xe thì mừng quýnh, chạy vô trong nó kéo má nó ra coi.
Chánh Tâm mời Cẩm Vân với cô Ba Hài đi thử. Cẩm Vân từ rằng:
- Để tôi may đồ sắp nhỏ riết cho rồi đặng mai có đi, chớ đi chơi rồi mai đi sao được. Chánh Tâm nghe nói như vậy thì không dám ép nên đi một vòng với cô Ba Hài và hai đứa nhỏ, còn để vợ ở nhà may đồ.
Áo quần của sắp nhỏ may xong rồi, Chánh Tâm bèn thưa với cô Ba Hài đặng rước vợ về Láng Thê thăm nhà ít bữa.
Cô Ba Hài nói rằng:
- Nó phải đi chớ. Nó có nói với tao rằng, hồi chị Tổng mất, nó có bịnh nó không hay. Mấy năm nay nó phiền mầy nên nó không tới nhà được mà lạy chị Tổng. Bây giờ vợ chồng con cái hiệp với nhau rồi, thì nó đi mới phải chớ.
Cẩm Vân lo thâu xếp áo quần bỏ vào hoa ly. Chánh Tâm lấy đồ tây mà bận cho Chánh Hội với thằng Qui, sửa soạn xong rồi mới từ cô Ba Hài mà lên xe. Hai đứa nhỏ rủ nhau ngồi phía trước với sốp phơ, bỏ Chánh Tâm với Cẩm Vân ngồi sau chen ngoẻn.
Xe mới, máy còn êm nên chạy nghe tiếng vù vù xuống tới nhà ga An Lạc, Chánh Hội ngoái đầu lại mà nói rằng:
- Tôi với thằng Quì có ngủ lại đây một đêm má a.
Chánh Tâm ngó vợ mà cười.
Xuống tới chợ Đệm, Chánh Hội lại chỉ quán bà già cho ăn cơm hồi trước, rồi xuống tới Gò Đen nó chỉ luôn trường học nó học ngày xưa nữa. Hai đứa ngồi trước, nói chuyện cãi lẽ om sòm. Vợ chồng Chánh Tâm ngồi sau cứ ngó rồi cười cùng nhau.
Có một lúc xe đương chạy mau, Chánh Tâm nắm tay vợ mà nói rằng:
- Em ốm lung quá! Để dọn nhà ở yên rồi qua đem em cho quan thầy thuốc coi, để cho thuốc em mập lại như xưa mới được.
Cẩm Vân lắc đầu đáp rằng:
- Em có đau đâu mà uống thuốc. Bây giờ em gặp con rồi, em hết buồn rầu nữa, thì trong ít ngày đây em mập lại chớ gì.
Chánh Tâm muốn tính việc sẽ tới, chớ không nghe chuyện qua rồi, bởi vậy chàng nín khe một hồi lâu, rồi chàng dựa vào vai vợ mà nói rằng:
- Qua nhứt định từ rày về sau qua không rời em một giây phút nào hết.
Cẩm Vân liếc mắt ngó chàng mà cười.
Cách ngó, cách cười ấy, trót hơn mười năm Chánh Tâm mới được thấy một lần nữa đây, thấy rồi chàng quên các mối sầu, các mối thảm ngày xưa hết.
Lúc 12 giờ trưa, xe hơi xuống tới Láng Thê.
Hai vợ chồng Hương bộ Huỷnh nghe tiếng xe hơi vô sân, không biết là xe của ai, nên lật đật chạy ra mà dòm, Hương bộ Huỷnh ngó thấy Chánh Tâm mà lại có Cẩm Vân, thì chưng hửng không hiểu sao mà vợ chồng được sum hiệp.
Chánh Tâm mở cửa bước xuống xe, nắm tay đỡ vợ xuống nữa, rồi nói với Hương bộ Huỷnh rằng:
- Tôi tìm được con tôi rồi, vợ tôi hết phiền tôi nữa nên dắt nhau về đây mà lạy thầy với má tôi.
Hương bộ Huỷnh hỏi Chánh Tâm rằng:
- Chánh Hội đâu?
Chánh Tâm chỉ Chánh Hội mà đáp rằng:
- Nó đó.
Hương bộ Huỷnh lõ cặp mắt chau quảu mà nói rằng:
- Thằng nầy là thằng Hồi mà.
- Nó đó đa.
- Trời ơi! Sao cháu dắt về chuyến trước cháu không nói cho cậu biết.
- Hồi đó tôi không dè.
Chánh Hội nắm tay má nó mà dắt vô nhà, và đi và nói rằng:
- Tôi về đây với ba hôm trước, tôi có tập cỡi trâu. Bây giờ tôi leo lên lưng trâu khỏi ai đỡ nữa. Để chiều tôi cỡi cho má coi.
Cẩm Vân đáp rằng:
- Ý! Hổng được đa con. Cỡi trâu làm chi?
- Cỡi chơi, ngộ lắm chớ.
- Má không muốn con cỡi. Con đừng có cãi lời, má giận đa.
- Má giận thì thôi.
- Chánh Tâm đưa bạc cho Hương bộ Huỷnh, biểu kiếm mua một con heo, đặng ngày mai làm thịt mà cúng cha mẹ.
Đến chiều, hai vợ chồng Chánh Tâm, dắt Chánh Hội với thằng Quì đi bộ trên bờ lộ Láng Thê qua Ất Ếch mà chơi.
Hai đứa nhỏ chạy trước, hai vợ chồng Chánh Tâm thủng thẳng đi sau.
Ra khỏi đầu giồng rồi Chánh Tâm thấy đồng rộng minh mông, trong lòng sinh mối cảm tình lai láng. Chánh Tâm rủ vợ ngồi dựa gốc cây cồng mà nghỉ chưn. Chánh Tâm ngồi ngắm cảnh một hồi rồi ứa nước mắt mà nói với vợ rằng:
- Năm trước, lúc qua mới về dưới nầy, qua có ra đây chơi một lần. Qua thấy cảnh, qua nhớ lúc vợ chồng mình mới cưới. Hai đứa mình ra đây đứng trò chuyện với nhau, tình dan díu rất mặn nồng, thì qua buồn quá, qua muốn tự vận chết phứt cho rồi. Thiệt qua nhớ cô Năm Đào lung lắm. Nếu không có cô thì qua đã chết từ lâu rồi.
Cẩm Vân ngó chồng mà hỏi rằng:
- Cô Năm Đào nào ở đâu?
- Cô là con người cậu của anh Trọng Quí, chồng chết rồi, nên mới trở về ở với cha mẹ trong Trà Bang.
- Cô làm sao mà anh hết buồn?
- Cô có cái cách khuyên giải hay lắm. Chẳng những là lời nói cô khôn khéo mà thôi, mà cô còn có cái duyên lạ lùng quá, hễ qua thấy mặt cô là qua bớt buồn. Qua nói thiệt với em, vì cái tình của qua đối với em nặng quá, qua không thể nào quên em được, nên gần gũi với cô năm sáu năm, tuy dan díu với nhau nhưng không có đìều gì đáng trách. Nếu người nào khác không phải là qua, thì qua chắc phải xe tơ kết tóc với cô rồi.
- Cô ở đâu mà anh gần cô được?
- Cô ở nhà anh Trọng Quí.
- Cô ở đó luôn hay sao?
- Ở luôn luôn. Nếu cô về Trà Bang thì qua buồn quá, nên anh Trọng Quí cậy cô ở coi sóc dùm việc nhà cho ảnh, đặng cho qua thấy mặt, qua bớt buồn.
- Bây giờ cô còn ở bên Cần Thơ hay không?
- Cô vái van đêm ngày, cô trông cho qua tìm được con, đặng có hội hiệp với em. Anh Trọng Quí về thông tin cho cô hay đặng cô mừng.
Cẩm Vân ngồi suy nghĩ, rồi kiếm chuyện khác mà nói không hỏi thăm việc cô Năm Đào nữa.
Qua bữa sau cúng quải cha mẹ rồi, Cẩm Vân thôi thúc Chánh Tâm qua thăm Trọng Quí.
Chánh Tâm thâu xếp hành lý bỏ lên xe, rồi đi Cần Thơ với Cẩm Vân và hai đứa nhỏ.
Trọng Quí thấy vợ chồng Chánh Tâm qua thì mừng rỡ, hối trẻ xách đồ vô phòng, sai múc nước rửa mặt lăng xăng.
Vợ chồng Chánh Tâm rửa mặt thay áo rồi ra ngồi uống nước trà. Chánh Tâm hỏi Trọng Quí rằng:
- Cô Năm đã về trong Trà Bang, hay là đi đâu, mà không thấy ở nhà đây?
Trọng Quí đáp rằng:
- Ờ, cha chả? Bữa hôm tôi về tôi nói cậu đã tìm được Chánh Hội rồi, mà mợ Ba cũng đã hết giận cậu nữa thì con Năm nó mừng quá. Nó mới về trỏng hôm qua. Tôi có nói nay mai gì đây cậu mợ sẽ dắt Chánh Hội qua chơi, tôi biểu nó ở lại đặng cho biết mợ Ba với Chánh Hội. Nó cười và nói rằng phận sự của nó đã dứt rồi, cứ đòi về hoài, tôi cầm không được nên phải cho xe đưa mẹ con nó về.
Cẩm Vân nói rằng:
- Hôm qua em nghe ở nhà em nói, mấy năm nay ở nhà em nhờ có cô Năm khuyên giải nên bớt buồn rầu mới còn sống được mà hòa hiệp với vợ con đây, thì em khoan khoái trong lòng, em bươn bả qua đặng tạ ơn cô Năm. Chẳng dè qua mà không gặp được, thiệt là rủi quá.
Trọng Quí chau mày nín thinh một hồi đáp rằng:
- Cậu ba nhờ nó thiệt, song mang ơn nó thì tôi mang ơn nhiều hơn.
- Sao vậy?
- Mợ nghĩ đó mà coi; tại tôi làm cho cậu Ba lìa vợ mất con, nếu để cậu ba buồn rầu mà chết thì tôi mang cái quả báo lớn biết chừng nào. Con Năm Đào nó lãnh việc khuyên giải cậu Ba, tuy nó đã cưu mang cậu, song kỳ trung thì nó giúp cho tôi khỏi mang tội ác chớ. Tôi nói với nó hết sức, nó mới chịu lãnh cái vai tuồng khó khăn đó, chớ phải nó tự ý làm đâu.
Chánh Tâm nghe nói như vậy thì chưng hửng, bèn hỏi rằng:
- Té ra anh cậy cô Năm ra công mà khuyên giải cho tôi bớt buồn đó hay sao?
- Chớ sao! Mấy năm nay cậu không dè hay sao?
- Không.
Trọng Quí cười ngất rồi nói rằng:
- Bây giờ cậu đã kiếm được cháu, mà mợ cũng hết giận cậu nữa, chắc cậu hết buồn rầu rồi, vậy tôi nói thiệt cho cậu hiểu.
Khi tôi làm đủ cách mà tìm Chánh Hội không ra, tôi nói khô nước miếng mà mợ Ba cũng phiền cậu hoài, cậu qua ở bên nầy, cậu không ăn không ngủ, ngày khóc đêm than, tinh thần một ngày một thêm suy, hình dạng một ngày một thêm ốm, tôi sợ cậu chết quá. Tôi cứ nói láo với cậu rằng tôi chắc tìm được cháu, tôi cứ nói gạt cậu rằng mợ ba bớt giận cậu.
Mà nói láo, nói gạt, thì trong năm mười bữa, chớ gạt luôn luôn năm nầy tháng kia hoài sao được.
Tôi tính gần nát trí khôn, mà cũng không biết liệu làm sao. Tôi thấy con Năm Đào nết na đằm thắm, mà nhan sắc lại đẹp đẽ nữa, tôi mới năn nỉ với nó đặng nó giúp tôi mà gỡ sầu cho cậu. Tôi xin nó giả dạng đẩy đưa lời nói, trêu ghẹo dung nhan cho cậu say đắm mà tạm quên việc nhà, đặng cho tôi có giờ kiếm Chánh Hội và năn nỉ với mợ Ba.
Ban đầu nó không chịu. Nó nói cũng phải, phận đàn bà ra lãnh vai tuồng trêu hoa ghẹo nguyệt như vậy thì còn gì là danh dự, bởi vì dầu nó có giữ gìn nết na thì người ngoài ai có biết được, mà không chê cười nó.
Tôi cãi với nó, tôi cắt nghĩa cho nó nghe, tôi nói nó làm một việc đại nghĩa, nó liều mang tiếng thị phi chút đỉnh mà cứu được sanh mạng của cậu, lại cũng cứu cho tôi khỏi mang quả báo nữa. Tôi năn nỉ quá nó chịu. Mà chừng nó làm cho cậu bớt buồn rồi, thì nó lại buồn, nên cứ theo đòi về hoài.
Mấy năm nay tôi nói lắm, mà cậu mợ tôi cũng ép nó nữa, nên cực chẳng đã nó phải ở ngoài nầy, mà coi bộ nó khổ tâm không biết chừng nào. Bữa hổm tôi về tôi nói cậu đã hòa hiệp với vợ con rồi thì nó vui mừng quá, mừng cho cậu hết buồn rầu, và cũng mừng cho nó hết nhọc lòng nữa, nên đòi về Trà Bang liền.
Cẩm Vân nghe rồi thì nàng nói rằng:
- Em phải vô Trà Bang mà thăm cô Năm mới được. Cô biết liều danh dự mà làm việc đại nghĩa, có lẽ nào em vì đường xa mà không đến tạ ơn cô hay sao.
Chánh Tâm cũng nói rằng:
- Tôi cũng phải đi tạ ơn cô Năm nữa. Thuở nay tôi không dè cô có lòng muốn cứu tôi như vậy. Ngày nay tôi đã hay rồi, mà tôi không đến tạ ơn cô thì tôi vô tình bất nghĩa lắm.
Trọng Quí sẵn lòng dắt hai vợ chồng Chánh Tâm đi, nên qua ngày sau, ăn cơm sớm mơi rồi, chàng biểu đem hết hai cái xe hơi ra mà đi Trà Bang với chàng.
Ông Hội đồng Quyên hút cữ trưa đã rồi. Sau vườn gió đánh lá cây khua lạch xạch, trước sân gà cồ rống cổ gáy ó o.
Ông nằm mơ màng, nửa mê, nửa tỉnh, thình lình nghe tiếng xe hơi quẹo vô cửa, ông lồm cồm ngồi dậy mà dòm.
Ông thấy hai cái xe hơi đậu nối đuôi, cái trước thì có hai cha con Trọng Quí đang dắt nhau bước xuống, còn cái sau mới tinh thì Chánh Tâm ngồi với một người đàn bà với hai đứa nhỏ. Vì ông có nghe cô Năm Đào về nói việc Chánh Tâm đã tìm được con và đã thuận với vợ rồi, nên ông thấy Chánh Tâm đi với đàn bà con nít thì ông định chắc rằng là vợ con của chàng, bởi vậy ông kêu bà Hội đồng với cô Năm Đào om sòm, biểu ra tiếp khách.
Bà Hội đồng với cô Năm Đào vừa ra thì khách đã bước vô cửa, ba người lớn đi trước, ba đứa nhỏ đi sau.
Chủ khách chào nhau lăng xăng rồi ông Hội đồng mời ngồi. Cô Năm Đào hỏi Chánh Hội là đứa nào, rồi cô ôm nó mà nựng nịu và nói với Cẩm Vân rằng:
- Bữa hổm anh hai em về thuật chuyện lại cho em nghe thiệt em mừng quá. Trời khiến thiệt cũng kỳ! Kiếm nó hết sức không được rồi thinh không nó về ở trong nhà mà không hay!
Con Lý đứng lấp ló trong cửa buồng mà dòm. Chánh Tâm ngó thấy bèn kêu nó ra rồi vỗ đầu nó mà nói với Cẩm Vân rằng:
- Cháu đây là con của cô Năm. Nó một tuổi với con mình.
Cẩm Vân kêu nó lại gần, lấy tay rờ rẫm nó, còn mắt thì ngó cô Năm Đào mà hỏi rằng:
- Cô có một mình cháu đây sao?
- Phải, em có một mình nó đó thôi.
- Bữa hổm, về Láng Thê, ở nhà tôi nói chuyện lại tôi mới hay mấy năm nay nhờ có cô khuyên giải nên ở nhà tôi bớt buồn rầu mà lo kiếm con. Tôi nong nả qua Cần Thơ đặng gặp mặt mà tạ ơn cô, té ra qua đó thì cô đã về trong nầy rồi, mà anh Bác vật lại thuật rõ công việc lại cho vợ chồng tôi nghe. Tôi hay cô vì đại nghĩa mà phải liều danh dự đặng cứu ở nhà tôi thì tôi càng kính mến cô lắm, nên vợ chồng tôi vô đây, trước thăm hai bác, sau tạ ơn cô.
Cô Năm Đào cười rất hữu duyên mà đáp rằng:
- Anh Hai em thêu dệt nhiều chuyện đặng cho mợ tưởng em là đúng đắn, chớ việc em làm đó là việc thường, có chi đâu mà gọi là ân nghĩa. Em sợ cậu Tú tài rầu quá, cậu chết đi, thì cái tội của anh Hai em không thể nào chuộc được, nên em phải ráng mà khuyên giải cậu Ba. May nhờ cậu không chê những lời khuyên của em, cậu bớt buồn chút đỉnh và cậu sống đặng mà hòa hiệp với mợ và cháu, ấy là cái phước đức của cậu Ba, chớ không phải công cán gì của em đâu, xin mợ đừng nói tiếng cám ơn mà ái ngại cho em lắm.
Chánh Tâm vừa nghe nói như vậy thì chàng đứng dậy nói rằng:
- Cô khiêm nhượng, cô không chịu lãnh lời cám ơn của hai vợ chồng tôi, không lẽ tôi dám cãi. Nhưng mà tôi xin tỏ cho cô biết rằng mấy năm nay cô vì tôi mà nhọc lòng cực trí, cô muốn cứu tôi mà phải liều mang tiếng thị phi, cái cử chỉ ấy tôi kính trọng lắm, tôi sẽ ghi tạc trong tâm trí tôi hoài, dầu cô cản cũng không được.
Cô Năm Đào cười rồi mời Cẩm Vân uống nước, cô không trả lời với Chánh Tâm.
Cẩm Vân thấy cô Năm Đào có nhan sắc, mà lại có nết na, thì yêu cô liền mà ngồi nói chuyện với cô một hồi, nghe cái giọng thanh tao, nghe những lời trung hậu thì càng mến cô nhiều hơn nữa. Nàng theo mời cô ra Cần Thơ chơi, đặng chị em có ngày giờ nhiều mà nói chuyện với nhau.
Cô Năm Đào lấy cớ không có ai ở nhà mà từ, và lại cầm khách ở lại ăn bữa cơm chiều rồi sẽ về.Cách cô cầm làm cho vợ chồng Chánh Tâm không thể từ được, mà cũng tại mến cô không muốn về, nên ai nấy đều vui mà ăn cơm.
Về tới nhà Trọng Quí thì Cẩm Vân cứ khen ngợi cô Năm Đào hoài, nàng khen nhan sắc, khen nết na, khen tánh tình mà cũng khen lanh lợi nữa. Chẳng hiểu trong đêm ấy nàng nghĩ thế nào, mà sáng bữa sau nàng tỏ với Chánh Tâm rằng nàng muốn kết nghĩa chị em và ở chung một nhà với cô Năm Đào, rồi lại cậy Trọng Quí làm mai đặng cho chồng nàng cưới cô làm đệ nhị phòng. Chánh Tâm nghe vợ tính như vậy thì biến sắc mà nói rằng:
- Em tính như vậy không nên. Thiệt mấy năm nay cô Năm Đào có làm cho qua động tình chút đỉnh. Nhứt là mấy bữa rày qua hiểu rõ cử chỉ của cô thì qua càng yêu mến lung lắm. Nhưng mà cô là người phẩm giá cao thượng, mình không làm cho hèn hạ cái ân nghĩa của cô. Em có mến cô thì kết làm chị em lên xuống thăm nhau mà thôi, chớ đừng tính việc gì khác mà chỗ phải thành ra chỗ quấy"
Cẩm Vân một là vì cảm nghĩa, hai là vì mến nết na của cô Năm Đào, nên chồng ngăn cản nàng không chịu nghe lời, cứ nài nỉ Trọng Quí làm mai hoài. Trọng Quí thấy Cẩm Vân thiệt tình mà cũng muốn cho em được gần người phải, nên ngồi xe đi Trà Bang một mình.
Đến chiều xe về tới, chàng vừa bước vô cửa thì lắc đầu nói rằng:
- Không được. Nó rầy quá.
Cẩm Vân lấy làm lạ nên hỏi rằng:
- Tại sao mà không được?
- Để tôi đọc hết công chuyện lại cho mợ nghe; vô tới nhà tôi thưa với cậu mợ trước, cậu mợ tôi bằng lòng. Tôi mới kêu con Năm ra mà hỏi ý nó. Nó vừa nghe nói thì nó cự dữ quá. Nó nói, không phải nó chê cậu Ba, hay là nó nghi bụng mợ. Nó được làm em mợ thì nó có phước lắm. Chớ chi thuở nay nó không quen biết cậu Ba thì nó ưng. Ngặt vì nó gần gũi với cậu Ba đã hơn năm năm, nếu bây giờ nó ưng cậu thì còn gì là danh dự của nó. Nó khuyên cậu Ba như có thương nó thì làm anh em vậy thôi, đặng cho cậu trọn nghĩa cang thường, và cho nó khỏi nhuốc nhơ danh dự. Nó nói tôi nghe phải quá, tôi nghẹn họng, cãi không được, nên leo lên xe mà về đây liền.
Chánh Tâm cười mà nói rằng:
- Tôi nói hay hôn? Với cô Năm không phải như mấy người khác đâu.
Cẩm Vân chắc lưỡi than rằng:
- Người đàn bà biết làm đại nghĩa, lại biết trọng danh dự như vậy mà tôi không được ở chung một nhà, thiệt là đáng tiếc quá!
Vợ chồng Chánh Tâm ở chơi với Trọng Quí ít ngày rồi dắt nhau về Chợ Lớn.
Chánh Tâm mướn người sơn vẽ cái nhà lầu đường Thuận Kiều lại, mua thêm bàn ghế, tủ giường mà dọn dẹp hực hỡ, rồi rước vợ con về đó mà ở.
Chiều lại trời trong gió mát, ngoài đường kẻ ngồi xe, người đi bộ, qua lại dập dìu, Chánh Tâm nhắc ghế để trước sân ngồi chơi với vợ nhìn cảnh cũ thì nhớ dạng bà Tổng vô ra, nhắc chuyện xưa thì thương phận Tố Nga vắn vỏi.
Vợ chồng đàm đạo, đương say vì nghĩa, đương mến vì tình, thình lình Chánh Hội đứng chơi với thằng Quì ngoài cửa ngõ, nó vùng la lớn lên rằng:
- Quì ơi, phải rồi mầy ạ! Năm trước tao vô nhà nầy tao kiếm má tao đây. Tại ba tao cho Tây mướn nhà, nên mình vô mình mới gặp bà đầm bà nói lăng líu đó chớ gì, phải hôn mầy?
Thằng Quì gật đầu.
Vợ chồng Chánh Tâm ngó con mà cười rồi kêu nó vô dành nhau ôm nó mà hun.
Càng Long, 3 - 1929
HẾT

Xem Tiếp: ----