Chương 3

Một ngày lại đến, Đường nghĩ cuộc sống cứ mãi như dòng trôi thật là đáng chán!
Một ngày từ tám giờ sáng, bệnh, tiếng ho, ống nghe, đo huyết áp, tiêm thuốc, ra toa...Một mạch đến mười một giờ khuya, đời sống cứ như những bánh xe lăn trên những vết răng quen thuộc, trôi qua...Lặp đi lặp lại...
Chu Châu nói:
– Hình như bác sĩ đang có nỗi niềm riêng.
Có thật như vậy không? Đường lặng lẽ ngắm Châu. Khuôn mặt bầu bĩnh, mi nhạt, mái tóc ngắn ngang tai gọn ghẽ. Như chiếc áo blouse trắng tinh khiết đơn điệu.
– Làm gì có nỗi niềm riêng?
– Vậy thì, có lẽ bác sĩ đang phiền muộn điều gì – Chu Châu vừa điền phiếu bệnh lý vừa nói – Cuối tuần này bác sĩ về Đài Trung không?
Hằng tuần vào thứ bảy và chủ nhật, phòng khám nghỉ việc, Đường thường lái xe về Đài Trung thăm cha mẹ. Cha chàng là một công chức tỉnh nhỏ. Mẹ nội trợ. Em gái Mộ Hoa có chồng là một giáo viên, em trai Mộ Nghiêu là giảng viên trường đại học, cả nhà coi như là công nhân viên cả. Mỗi lần về, Đường vẫn nghe quanh quẩn bao nhiêu chuyện. Điều mẹ chàng quan tâm nhất là “Mãi đến bây giờ sao Đường chưa lập gia đình”?
– Chưa biết.
Tại sao chưa biết? Có lẽ vì Đường không muốn về để nghe bao nhiêu câu hỏi “lặp lại”. Nhưng nếu ở lại thành phố này thì sao? Bất giác Đường nhìn lên lầu.
Phòng trọ của chàng ở lầu ba. Chàng đã mướn hai tầng ở cao ốc này. Tầng một dùng làm phòng khám bệnh, còn tầng ba dùng làm chỗ ở, phòng dùng cho kẻ độc thân:
chỉ có sách vở và sự cô độc.
– Vậy thì thế này nhé, đi Trúc Nam với chúng tôi đi! – Chu Châu đề nghị.
Đường ngập ngừng:
– Trúc Nam à? Nhà cô ở đấy phải không?
– Vâng, bác sĩ đã biết từ lâu rồi mà!
– À tôi nhớ ra rồi.
– Không phải bác sĩ nhớ ra mà bác sĩ có để ý đến điều tôi nói đâu?
Đường liếc nhanh về phía Chu Châu. Con gái thời nay hay trực tính.
– Gia đình tôi ở Trúc Nam là một gia đình nông dân điển hình bình thường không có gì nổi bật nhưng rất “quê”, rất thôn dã. Nhà tôi có chiếc ao cá lớn, cá rất nhiều, có con nặng tới năm sáu ký. Ngồi bên hồ câu là cả một sự thú vị.
Đường nhìn qua khung cửa sổ. Anh nghĩ đến cái mùa mưa năm nay sao cứ kéo dài mãi, thỉnh thoảng lại đổ ào xuống, lại còn chở thêm cái lạnh lẽo cô đơn.
– Trời lạnh thế này dầm mưa câu cá mà thú vị? Không sợ cảm ư?
Chu Châu trừng mắt:
– Anh phải có cái đầu thi sĩ một chút chứ? Không lẽ làm bác sĩ để trở thành người máy à? Vậy chứ anh đừng lo, dự báo thời tiết cho hay thứ bảy này sẽ không mưa. Thời tiết thích hợp nhất cho những cuộc đi chơi xa, khỏi sợ phải dầm mưa câu cá.
– À...- Đường liên tưởng đến hình ảnh chiếc ao cá, khung cảnh thôn quê, ánh nắng mặt trời rồi chuyện đi câu cá...Tất cả không đến nỗi nào, ít ra cũng tránh được những hình ảnh trùng lặp – Được rồi để tôi chuẩn bị.
– Tại sao phải chuẩn bị?
– Phải chuẩn bị cần câu chứ?
– Nếu bác sĩ không muốn thì coi như cuộc đi hủy bỏ.
Đường ngạc nhiên:
– Tại sao vậy?
– Nhiều lúc trông bác sĩ như cánh bướm đổi màu, thấy sự e dè đó người ta dễ bực mình. Ao cá nhà tôi dù sao cũng tồn tại mười mấy năm rồi, lúc nào bác sĩ muốn thì đến chơi, đừng vì lời nói của tôi mà nghĩ rằng đó là một sự ép buộc.
Vả lại...- Chu Châu ngập ngừng với nụ cười má lúm của cô bé tinh nghịch – Cũng không phải tôi đang “cưa” bác sĩ mà.
Nhã Bội đứng một bên tiếp lời:
– Thế mới lạ chứ! Ao cá của cô tồn tại trên mười mấy năm tại sao không mời tôi! Lại rủ Ngụy Lan và Điền Tố Mẫn? Nếu chúng ta không câu được cá vẫn có cá ăn chứ?
Chu Châu cười thoải mái.
– Được, chúng ta cùng đi nào! Bác sĩ này, chúng ta thành lập đoàn du lịch ngoài trời của phòng mạch bác sĩ Đường đi, bác sĩ dẫn đầu nhé, tôi sẽ nhờ mẹ tôi sửa lại kho thóc để tất cả chúng ta đều ngủ trên nệm cỏ.
Nhã Bội hứng thú.
– Tuyệt quá! Nhưng mà Chu Châu này, có thật là cô mời chúng tôi hay chỉ nói suông.
– Mời thật mà.
Nhã Bội quay lại.
– Thế còn bác sĩ, anh tính sao?
– Nếu mọi người muốn thì tôi xin theo vậy.
– Vậy thì tôi điện thoại ngay cho cô Lan và cô Mẫn. Có điều là...Nếu tất cả đi mà vào giờ cuối bác sĩ bận việc là mất vui nhé, có thật là bác sĩ đi chứ?
Châu cười nhẹ.
– Bác sĩ chưa muốn đi đâu, chẳng qua vì chúng ta lôi cuốn nên miễn cưỡng...
– Ha ha!....- Đường cười lớn, chàng nhìn thẳng Chu Châu. Cô bé thật thông minh! Câu cá bên hồ, kế hoạch hay đó chứ. Trước mắt chàng hiện ra hình ảnh thôn quê với những cánh đồng, ao cá và những tia nắng cuối cùng của mặt trời sắp lặn...”reng” tiếng chuông cửa reo vang. Lại bệnh nhân tới khám. Đường bất giác nhìn đồng hồ. Đã 12 giờ 10 phút, giờ nghỉ rồi? Nếu không có chuyện tính toán đi câu cá thì Chu Châu và Nhã Bội đã về, như vậy là rắc rối cho bệnh nhân.
Có tiếng Chu Châu vọng từ nơi phát thẻ vào.
– Cô họ Phàn à? Phàn Lê Huê? Không phải? Cô từng đến phòng mạch? À, Phàn Như Băng à? Cô cần gặp bác sĩ Đường à? Vâng, bác sĩ Đường vẫn còn, nhưng sao tôi không tìm thấy phiếu bệnh của cô? Lần trước cô đến đây vào ngày mấy tháng mấy? Thứ hai à? Thứ hai tuần trước? Sao? Cô không có bệnh?
Cô đến không phải để khám bệnh mà chỉ để gặp bác sĩ Đường? Ờ...ờ...
Đường ngồi thẳng lưng lắng tai nghe. Chu Châu đã đẩy cửa nói lớn vào.
– Bác sĩ Đường ơi! Có khách! Có một cô họ Phàn cần gặp bác sĩ.
– Họ Phàn? – Đường ngẩn ngơ, chàng không nhớ mình có quen cô gái nào họ Phàn cả. Đường đứng dậy bước ra mắt chợt sáng, người con gái ấy! Đúng rồi cô gái nửa đêm mang mảnh tơ mưa bất chợt đến...đang đứng lồ lộ giữa phòng khách. Tối nay không là chiếc áo dạ hội mà là chiếc áo sơ mi màu xanh lam, chiếc quần cùng màu như pho tượng đá quý màu lam, vẫn những hạt mưa lấp lánh trên tóc. Cô gái lại dầm mưa. Một điều chắc chắn là cô không thích dùng ô.
Chắc không dùng thuốc ngủ nên có vẻ tươi tỉnh. Mắt sáng mày cong. Dư vị của mùa xuân tràn ngập căn phòng chật hẹp.
– Ồ!
Đường không biết phải xưng hô với cô gái như thế nào? Cô gái cười thật tươi.
– Bác sĩ quên tôi rồi sao? Tôi là Băng Nhi đây này.
– Băng Nhi à? – Đường lặp lại – Làm sao quên được. Chàng buột miệng – Hôm nay trông cô có vẻ khỏe đấy.
– Nụ cười cô gái thật tươi.
– Cám ơn bác sĩ nhiều lắm! Có điều hiện nay tôi đang bị dị chứng.
– Sao? – Đường hơi căng thẳng. Tôi đã nói rồi cô cần phải tiếp hết chai nước biển mới được – Bây giờ vẫn còn thấy choáng à?
– Dạ không phải. Dị chứng ở đây không liên quan gì đến dịch truyền cả mà là...Thứ nhất là mỗi lần đi ngang qua cửa phòng mạch của bác sĩ là tôi muốn ghé vào tán gẫu. Thứ hai là từ cửa sổ phòng ngủ của tôi nhìn là là đúng ngay tấm biển “Phòng khám bệnh của bác sĩ Lý Mộ Đường”, tôi cảm thấy tên của bác sĩ quá thân thuộc vì dù sao chúng ta cũng đã cùng chiến đấu với thần chết...Ngoài ra...Ồ quên rồi, có lẽ mãi đến bây giờ bác sĩ vẫn chưa biết nhà tôi ở cao ốc đối diện với đây.
– Tôi đoán cô ở đối diện nhưng tầng mấy thì không biết.
– Ở lầu tư. Bác sĩ nhớ nhé phòng số 34 lầu tư đối diện với phòng mạch của bác sĩ...thứ ba là...
– Còn gì nữa?
– Dị chứng thứ ba là không hiểu sao tôi cứ cảm thấy như mắc cỡ, xấu hổ, áy náy mãi. Thứ tư là tổ tiên đã khiến tôi khó xử...
– Tại sao có tổ tiên trong ấy nữa?
– Vâng, vì hồi xưa đã có ông nào đó nói “đã thi ân thì đừng nhớ, đã thọ ân thì đừng quên” vì vậy mỗi lần nghĩ tới là tôi cảm thấy còn thiếu nợ bác sĩ.
Đường cười.
– Ồ, cô đừng nghĩ như vậy, cô không nợ nần gì tôi hết.
Băng Nhi đưa tay lên vuốt tóc theo thói quen nhưng chợt nhớ ra tóc đã bị cắt ngắn, mắt thoáng buồn.
– Sự thật vẫn là sự thật, không nghĩ không được. Tóc tôi cắt ngắn trông có xấu lắm không? Hẳn xấu xí lắm?
Đường thật thà:
– Thú thật tôi chưa trông thấy mái tóc dài của cô, nhưng nhìn mái tóc ngắn thế này tôi thấy cô trẻ, sáng sủa và dễ thương.
Cô gái phì cười.
– Ông là một bác sĩ thú vị. Thôi được, bỏ chuyện mái tóc qua một bên đi.
Đêm nay đến đây là tôi muốn bác sĩ tiếp tục điều trị cho tôi.
Đường ngơ ngác.
– Sao, còn điều trị gì nữa?
– Tôi cùng Thế Sở và A Thái đã bàn với nhau và chúng tôi đi đến quyết định là mời bác sĩ tối thứ bảy này đến nhà chúng tôi ăn lẩu. Thế Sở nói cái vui lớn nhất của con người là giữa đêm đông lạnh lẽo, hai ba tri kỷ ngồi quây quần bên nhau ăn lẩu. Được không bác sĩ? Chúng tôi biết là phòng mạch thứ bảy nghỉ, khoảng bảy giờ tôi mong bác sĩ đến để cùng nghiên cứu bệnh của tôi.
– Thứ bảy à?
Có tiếng ho khan của Chu Châu từ phòng ngoài vọng vào, tiếp theo là tiếng ho của Nhã Bội.
– Vâng thứ bảy, ngày thường tôi với A Thái đều phải làm việc, Thế Sở cũng chỉ ở không được bữa thứ bảy và chủ nhật. Thế này nhé, nếu thứ bảy thứ bảy mà bác sĩ quên thì chúng tôi sẽ đến nhắc lần nữa. Thôi nhé, không làm phiền bác sĩ nữa đâu. Bái bai!
Cô gái khoát tay quay lưng đẩy cửa kính bước ra ngòai. Gió lạnh ùa vào phòng. Màn đêm và mưa mù nuốt chửng cô gái...Đường ngẩn ngơ mãi đến khi Chu Châu xách ví bước ra đụng vào người chàng mới giật mình.
– Xin tạm biệt đòan du lịch ngoài trời của bác sĩ Lý Mộ Đường.
Một nụ cười ẩn ý của Chu Châu, cô gái mở cửa và biến mất trong màn mưa.
Nhã Bội tiếp theo nháy mắt với chàng.
– Không có gì phải ngại. – Cô ta an ủi. – Dù sao thì cái ao cá ở nhà Chu Châu đã có sẵn trên mười năm, bác sĩ muốn bao giờ đến cũng được, riêng với bệnh nhân đang bị dị chứng thì khó lắm, nếu bác sĩ không trị hết coi chừng bị đưa ra tòa đấy. Trị bệnh phải ưu tiên hơn câu cá chứ?
Nói xong cô ta cũng biến mất ngoài cửa.
Nguy thật! Tất cả đều hiểu lầm ta rồi! Đường nghĩ. Đàn bà rắc rối quá, rồi mai đây cô Lan, cô Mẫn sẽ biết và họ lại dệt chuyện. Rõ khổ! Ở phòng khám này giữa bác sĩ và các cô y tá không có bức tường ngăn cách vì vậy coi như Đường lãnh đủ. Riêng với cô gái tên Băng Nhi cái dị chứng lớn nhất của cô ta phải là cái anh chàng Thế Sở! Đường uể oải ngồi xuống lặng lẽ nhìn những hạt mưa rơi ngòai trời, bất giác chàng cảm thấy kẻ thật sự đang bị dị chứng là chàng chứ chẳng phải là ai.