THẤT SƠN HUYỀN BÍ,
“CẢNH TIÊN” TẠI THẾ CỦA CÁC CHIẾN SĨ CẦN VƯƠNG

Khi xã hội nông nghiệp tổ chức theo lối cổ truyền bị lung lay trước sự xâm nhập của một hệ thống kinh tế có thể lực hơn như hệ thống tư bản thì xảy ra khủng hoảng, chẳng những về kinh tế mà còn cả về tâm lý. Kẻ sĩ (trong đó có tu sĩ) và nông dân, điền chủ lần lần bị mất vai trò quan trọng; giới thương gia, kỹ nghệ gia, giới cho vay, những người đảm trách dịch vụ, chuyển chỡ giao thông chi phối nhanh chóng và nắm guồng máy chánh trị. Phản ứng của xã hội nông nghiệp cổ truyền là tự vệ, hoặc là cải cách, hoặc là cách mạng. Những tín ngưỡng của xã hội phong kiến cổ truyền là không còn hợp thời. Vài vị Hoạt phật (Phật sống) xuất hiện để cứu thế, phổ độ chúng sanh, mong cứu vãn cơ cấu nông nghiệp cổ truyền với vài sự cải cách.
Bên Âu Châu, bên Mỹ Châu, những phong trào “cứu thê” này thường xảy ra, các nhà nghiên cứu xã hội xem đó là đề tài hấp dẫn. Vị cứu thế xuất hiện (Messie) được dân chúng địa phương rầm rộ tham gia và tích cực ủng hộ, ngài rao giảng những lời tiên tri thường mà Thượng đế sắp đặt (sao chổi mọc, bệnh dịch hoành hành, núi lở.. ). Ở Nam Kỳ Lục Tỉnh từ đời Tự Đức và đến khi người Pháp chiếm cứ bằng võ lực, một phong trào khá mạnh bùng nổ ra, mang tánh chất độc đáo trong hoàn cảnh địa phương khá phức tạp. Chúng ta nghe đến những danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật sống, Phật thầy, Đức Bổn sư hoặc ông đạo này ông đại kia rao giảng, gây nhiều thắc mắc cho chánh quyền hồi cuối đời Tự Đức và người Pháp.
Người quá thiên về khoa học thì cho là chuyện khó tin. Người trong cuộc thì tự tôn cho rằng sự thật lần hồi phải thắng, vì vũ trụ càn khôn biến chuyển theo qui luật riêng không ai cưỡng lại được; hết xuân hạ thu đông thì mùa xuân trở lại, theo vòng tròn. Thượng ngươn, Trung ngươn đến Hạ ngươn để rồi có hội Long Hoa, tại lập đời Thượng ngươn.
Bà Maria Isaura Pereira De Queiroz đã dày công nghiên cứu và tổng kết các phong trào Cứu thế phổ độ của toàn thế giới. Chúng tôi xin tóm lược để gợi ý qua vài phong trào tiêu biểu, một ở Ý Đại Lợi, một ở Nam Mỹ, rất tiếc là tác giả ấy không nói đến trường hợp ở nước Việt Nam ta.
Khoảng năm 1870, vùng phía Nam xứ Toscane (Ý) còn sống trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu, thất học, đạo Thiên Chúa ở đây chưa được thuần thục, trong dân gian hãy còn nhiều thần thoại mê tín cố hữu. Nhiều “ông đạo” đi giảng trong xóm, hoặc tu luyện riêng biệt trong rừng; dân ở địa phương sống nghèo nàn, ít giao thiệp với các vùng phụ cận.
Nhưng lúc bấy giờ nhà vua bắt đầu thi hành những chủ trương nhằm thống nhứt các địa phương. Các cơ sở kỹ nghệ và thương mãi lớn bắt đầu phát triển, đời sống dân chúng ở nơi xa xôi hẻo lánh bị xáo trộn; phải đóng nhiều sắc thuế mới, góp phần vào việc xây đắp và tu bổ những đường giao thông, trong khi mùa màng thất bát liên tiếp. David Lazzaretti xuất hiện tự xưng là đấng Cứu thể, loan truyền rằng nay mai một nước Cộng hòa của Thượng đế thành hình. Giáo chủ Lazzaretti đã có vợ con nên không được chấp nhận vào hàng giáo phẩm. Ông ta thất vọng rồi công kích nếp sống không vợ con của các linh mục đương thời. Thoạt tiên, ông đến các vùng phụ cận La Mã, sống cô độc như một tu sĩ chịu khổ hạnh rồi trở về quê, lập ra ba nhóm tín đồ.
- Nhóm thứ nhứt gồm những người tự nguyện sống tập trung như các dòng đạo thời Trung cổ. Non 100 tiểu điền chủ tự nguyện hiến tất cả các đất đại cho đạo, sau những ngày làm việc đồng áng, họ tụ họp để đọc kinh. Việc đời và việc đạo xen kẽ nhau theo thời khóa biểu nhứt định.
- nhóm thứ nhì theo qui chế khá dễ dãi, tập hợp để thành một kiểu hợp tác xã, cứu trợ nhau khi cần. người trong đạo phải đóng nguyệt liễm, hết thức ăn thì đến kho của nhà đạo mà lãnh, khi đau yếu thì được trợ cấp. Mỗi năm, họ đến Thánh địa vài lần mà đọc kinh, lo việc đạo hạnh.
- Nhóm thứ ba quan trọng hơn, cũng do giáo chủ Lazzaretti điều khiển gồm những tín đồ hăng hái tình nguyện tập trung đất đai, nông cụ, gia súc, cũng làm việc và chia nhau huê lợi, đồng thời tuân theo một thời khoá biểu thống nhứt về tu học. Tài sản được coi là công cộng, họ ra sức cày bừa một lượt, nhờ vậy mà năng suất cao, mùa màng thu hoạch khá hơn khi canh tác riêng rẽ. Vì tự xem là một tiểu uqốc riêng biệt nên họ không chịu đóng thuế cho chánh phủ trung ương ở La Mã và họ cũng không chịu đi xem lễ ở nhà thờ thuộc Ki tô giáo. Họ đọc kinh và tu học với các chức sắc ở địa phương do Lazzaretti đặt ra, dưới quyền tối cao của ông òn có 12 vị sứ đồ trung kiện. Và họ chế biến ra một loại sắc phục khác với những người nông dân “ngoại đạo”
Ba nhóm nói trên cùng một giáo chủ nương dựa nhau về mặt tinh thần và kinh tế mà sống. Lần hồi, dường như họ đã đạt được mục đích là cứu vớt cho cơ cấu xã hội cổ truyền không bị tan rã trước cao trào thống nhứt lãnh thổ, thống nhứt thuế má, phát triển giao thông mà chính phủ trung ương đã đặt ra. Họ duy trì quyền tự trị địa phương.
Uy thế của giáo chủ David Lazzaretti càng tăng, nhiều nhân sĩ và người giàu có sẵn sàng ủng hộ tiền bạc và phương tiện để ông đi du lịch và in ra các tác phẩm hoàng dương đạo pháp. Từ năm 1876 về sau, Lazzaretti trở nên tích cực và hung hãn hơn, ông công khai công kích chánh quyền trung ương, cho rằng chánh quyền này đi sai đường lối của chúa Kitô, đồng thời ông tuyên bố thành lập một quốc gia riêng, mang danh nước Công hòa của Thượng đế (République de Dieu). Ông tự xưng là người lãnh trách nhiệm vì thiên hạ trong thời Mạt Pháp. Lời tiên tri này ứng nghiệm với tình thế: mùa màng trong nước gặp những phen thất bát liên tiếp, đức Giáo hoàng Pie IX và vua nước Ý là Victor Emmanuel lần lượt băng hà. Thừa thắng xông lên, Lazzaretti cùng với 3.000 tín đồ trung kiên bèn diễu hành đến thành phố kế cận để cướp chính quyền, số tín đồ này không mang khí giới mà chỉ trương lên những cờ xí và hình ảnh. Họ bị lực lượng cảnh sát chận lại, giáo chủ Lazzaretti tử trận. Nhưng cái chết lại gây thêm uy thế cho giáo chủ Lazzaretti vì hồi sanh tiền, ông đã tiên đoán cái chết của mình để rồi ông sẽ phục sinh, tạo lập một thiên đường ở cõi thế.
Các nhóm giáo dân tự trị do ông lập ra lần lượt bị giải tán, không làm chánh trị nữa nhưng về mặt tốn giáo họ vẫn tiếp tục sanh hoạt riêng biệt, do người cam niên nhứt trong họ đạo lần lượt kế vị nhau, và người lãnh đạo cuối cùng đã mất vào năm 1943.
Ở Nam Mỹ châu, huyện thoại về sự phục sinh của vua D.Sebasstiao tiêu biểu cho tinh thần dân tộc Bồ Đào Nha cùng những lời sấm truyền được phát động thành phong trào mạnh mẽ, đặc biệt là ở Brésil, nơi người Bồ Đào Nha di cư lập nghiệp khá đông và mang theo những tín ngưỡng từ chánh quốc. Nhiều “ông đạo” rao giảng sự phục sinh của vua d.Sebastiao, cho rằng vua này sẽ ban bố hạnh phúc và tiền bạc cho tín đồ. Năm 1817, ông đạo Sylvestre José dos Santos đi tới vùng Pernambuco rao giảng rằng khi nào ông gom đủ 1.000 tín đồ thì vua D.sebastiao sẽ xuất hiện để lập bộ đội nhằm giải phóng thành Jérusalem, lúc ấy địa cầu này sẽ trở thành một Thiên đàng; người nghèo khó trở thành giàu, kẻ nào đang giàu thì sẽ giàu thêm lên. Hàng giáo phẩm của ông 12 ông “hiền”, số tín đồ thoạt tiên lên đến 400, ông tuyên bố thành lập trước tiên một thành phố nồng cốt mang danh là ‘thành phố của Thiên đàng ở hạ giới”. Lúc đầu, tín đồ của ông tu hành theo nghi thức do chính ông bày ra. Cuộc tập họp của tôn giáo mới này khiến chánh quyền địa phương lo ngại, quân đội được phái tới để giải tán, tín đồ chống cự mãnh liệt để rồi gần như bị tàn sát trọn vẹn.
Năm 1834, có phong trào ủca ông đạo Joao Ferreira nhằm mục đích tạo lập Thiên đường ở tại thế. Lại còn phong trào của Joao Maria (năm 1844), của Antonio conselheiro (năm 1873) với nội dung tương tự nhưng thâu hút nhiều tín đồ, hoạt động chánh trị hăng hái hơn.
Việc xuất hiện những đấng Cứu thế là hiện tượng thường có qua lịch sử nhân loại từ Âu sang Á. Ở Trung Hoa, ta hẳn nghe đến Thiên quốc của Hồng Tú Toàn, và ở Việt Nam thì miên Nam là vùng mang vài nét đặc thù. Đất mới khẩn hoang; đời Minh Mạng, đời Thiệu Trị, đời Tự Đức vùng biên giới Việt – Miên gặp nhiều tai hoạ chiến tranh co cuộc tranh chấp với Cao Miên, chiến trường là vùng An Giang; Phật giáo đời nhà Nguyễn nói chung đã suy đồi, một tôn giáo mới là Thiên Chúa giáo đã gây được cơ sở ở cù lao Giêng, Năng Gù, Bò Ót bên sông Tiền và sông Hậu.
Thuyết “hội Long Hoa” được phổ biến và trở thành động lực thực tế để chấn hưng Phật giáo, khởi đầu từ An Giang.
- “Nói đến Hội Long Hoa tức là nói đến đức Phật Di Lặc, vì theo đức Phật Thích Ca cho biết torng kinh Di Lặc thì thời kỳ Mạt pháp có đức Phật Di Lặc ra đời, là vị Phật thứ năm trong tiền kiếp, lập nên hội Long Hoa, mở ra truyền thuyết pháp hóa độ chúng sanh.
“Trong kinh chỉ nói đức PHật Di Lặc ra đời vào thời kỳ Mạt pháp nhưng không nói rõ là vào khoảng nào, cho nên về ngày giờ lập hội Long Hoa có nhiều giải thuyết khác nhau, mỗi người hiểu một cách.. Vả chăng trong kinh điển còn chia từ lúc Phật ra đời về sau làm ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp và phỏng định thời kỳ Chánh pháp là 500 năm, thời kỳ tượng pháp là 1.000 năm và thời kỳ Mạt pháp là 10.000 năm.. Cứ theo Phật lịch mà tính thì hẳn chúng ta ở vào thời Mạt pháp, nhưng thời kỳ này lại kéo dài đến một muôn năm, thế nên phái Thiền gia chưa tin đức Di Lặc hạ sanh trước khi thời kỳ Mạt Pháp chấm dứt.
“Tin tưởng hội Long Hoa lập ra trong một ngày gần đây chăng, chỉ có giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương và Cao Đài giáo.
“có thể nói đức Phật Thầy Tây An, vị sáng lập ra giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương là người thứ nhứt đã báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời kỳ Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Di Lặc hạ sanh lập nên hội Long Hoa, như ngài (đức Phật Thầy Tây An) cho biết:
- Hạ ngươn đã cận người ôi,
Nay cho giáng bút để thôi coi đời”
Đức phật Thầy Tây An là nhân vật có thật, đản sanh năm 1807, tịnh diệt năm Bính Thìn (1856), ngài gây được ảnh hưởng ở vùng khá rộng theo biên giới Việt – Miên (SaĐéc, Long Xuyên, Châu Đốc). Lúc còn tại thế, ngài hướng dẫn tín đồ đi khẩn hoang lập nghiệp nhiều trại ruộng phía núi Két, Láng Linh, Đồng Tháp Mười, Cái Dầu.
“Chủ trương của Phật Thầy là lấy đạo Phật làm căn, nhưng không thờ cốt Phật, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Theo giáo lý của ngài thì người tu cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm tịnh và hằng thực thi bốn ân lớn:
- Ân tổ tiên cha mẹ.
- Ân đất nước
- Ân Tam bảo
- Ân đồng bào nhân loại”