Phụ lục
SỰ NGHIỆP CỦA G.C. GIUCỐP TRONG BÁCH KHOA THƯ QUÂN SỰ NGA
Nhà Xuất bản Quân sự - Matxcơva - 1995 (t.3, tr. 188, 189)

G.C.Giucốp sinh ngày 1-12-1896 tại làng Xtơrencôpca, nay là huyện Giucôva. Mất ngày 18-6-1974 tại Matxcơva.
Là nhà hoạt động quân sự của Liên bang Xôviết, một vị thống soái, G.C. Giucốp được phong Nguyên soái Liên Xô năm 1943 và 4 lần danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào những năm: 1939; 1944; 1945; 1956.
G.C. Giucốp vào quân ngũ năm 1915 và tham gia quân đội Liên Xô năm 1918. Đã tốt nghiệp các khóa học: Kỵ binh năm 1920, bổ túc sĩ quan kỵ binh năm 1925, bổ túc cấp cao năm 1930.
Trong Thế chiến thứ nhất là hạ sĩ quan, được tặng thưởng 2 Huân chương chữ thập Giêocgi.
Trong Nội chiến là chiến sĩ Hồng quân, đã giữ những chức vụ trung đội trưởng, đại đội trưởng, tham chiến truy quét thổ phỉ trên các mặt trận phía đông, phía nam và phía tây.
Sau Nội chiến, G.C. Giucốp giữ chức vụ đại đội trưởng kỵ binh. Đến tháng 7 năm 1923 được đề bạt trung đoàn kỵ binh và tháng 5 năm 1930 ở cương vị lữ đoàn trưởng kỵ binh 4. Tháng 7 năm 1937 là quân đoàn trưởng kỵ binh 3 và từ tháng 2 năm 1938 là quân đoàn trưởng kỵ binh 6.
Tháng 6 năm 1938 giữ cương vị phó tư lệnh quân khu Bêlôruxia. Tháng 7 năm 1939 được bổ nhiệm làm tư lệnh cụm tập đoàn quân 1 trên địa hạt Mông Cổ đã đánh thắng chiến dịch tiêu diệt quân xâm lược Nhật ở vùng sông Khankhin Gôn.
Được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì đã khéo lãnh đạo các đơn vị và tỏ ra can trường, dũng cảm trong chiến dịch này.
Tháng 6 năm 1940, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Kiép. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1941 giữ cương vị Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tài năng cầm quân của G.C. Giucốp rực sáng trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Ngày 23-6-1941, được Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô cử làm thành viên của Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh (đến tháng 8 năm 1941 gọi là Bộ Tổng tư lệnh tối cao).
Tháng 8 năm 1942 là Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng và Phó Tổng tư lệnh tối cao.
Trong những ngày đầu chiến tranh được Đại bản doanh cử làm đại diện của Đại bản doanh xuống phối hợp với Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam, sử dụng lực lượng các quân đoàn cơ giới tổ chức phản đột kích ở gần thành phố Brôđưi, phá vỡ âm mưu đột phá trong hành tiến bằng các binh đoàn cơ động của Bộ chỉ huy Hitle (xem trận đấu xe tăng năm 1941). Tháng 7 đến tháng 9 năm 1941 là Tư lệnh Phương diện quân dự bị, đã chỉ huy chiến dịch tiến công đầu tiên trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại đánh thắng cụm các Tập đoàn quân của nước Đức phát xít ở vùng Ennhia (xem chiến dịch Ennhia năm 1941).
Tháng 9 năm 1941 trong những ngày chiến đấu căng thẳng và nặng nề nhất tại cửa ngõ Lêningrat, G.C. Giucốp được phái xuống làm Tư lệnh Phương diện quân Lêningrat. Đồng chí đã cùng với Hạm đội Bantích và được nhân dân Lêningrat hết lòng ủng hộ, đã chặn đứng các mũi tiến công, bẻ gãy âm mưu đánh chiếm thành phố của địch.
Từ tháng 10 năm 1941 đến tháng 8 năm 1942, G.C. Giucốp được Đại bản doanh triệu tập về làm Tư lệnh Phương diện quân Tây, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ Matxcơva. Và từ tháng 2 đến cuối tháng 5 năm 1942, G.C. Giucốp đồng thời kiêm chức Tổng Tư lệnh Mặt trận hướng Tây.
Dưới sự lãnh đạo của Giucốp, bộ đội của Phương diện quân Tây và cả Mặt trận hướng Tây đã chiến đấu quyết liệt, làm tiêu hao và suy yếu các đơn vị tinh nhuệ của Hitle và chuyển sang phản công kiên quyết. Bộ đội của Phương diện quân Tây đã hiệp đồng với các Phương diện quân Calinin, Briancơ và cùng với bộ đội cánh phải của Phương diện quân Tây Nam hất quân địch ra xa Thủ đô tới 100-250 kilômét (xem chiến dịch Matxcơva năm 1941-1942).
Trong các năm 1942-1943, Giucốp với tư cách là đại diện của Đại bản doanh xuống các mặt trận trực tiếp chỉ đạo và phối hợp hành động của các Phương diện quân trong chiến dịch Xtalingrat. Kết quả đã đánh tan các tập đoàn quân xe tăng 6 và 4 của Đức, các tập đoàn quân 3 và 4 của Rumani và tập đoàn quân 8 của Italia.
Đồng thời, Giucốp còn chỉ đạo việc phối hợp hành động của các đơn vị phá vỡ vòng vây Lêningrat năm 1943 và đã cùng với Vaxilepxki (Tổng tham mưu trưởng) phối hợp hành động của các Phương diện quân trong chiến dịch Cuôcxơ năm 1943. Chiến dịch Cuôcxơ là giai đoạn quan trọng dẫn tới thắng lợi của Liên Xô trước nước Đức phát xít.
Năm 1943, Giucốp còn chỉ đạo phối hợp các hành động của 2 phương diện quân Vơrônegiơ và Thảo Nguyên, giải phóng vùng Đơnhiep (xem chiến dịch Đơnhiep năm 1944).
Tháng 3 đến tháng 5 năm 1944 Giucốp chỉ huy Phương diện quân Ucraina 1. Hè năm 1944 đồng chí đã chỉ đạo phối hợp ngoài mặt trận các hành động của 2 Phương diện quân Bêìôruxia 1 và 2 trong chiến dịch - chiến lược Bêlôruxia năm 1944.
Sang giai đoạn cuối Chiến tranh giữ nước vĩ đại (11-1944 - 5-1945) Giucốp chỉ huy Phương diện quân Bêlôruxia 1 đã hiệp đồng với bộ đội của Phương diện quân Ucraina 1 tiến hành chiến dịch - chiến lược Vixla - Ôđe. Kết quả đã đánh tan Cụm các tập đoàn quân “A” (từ 25-1-1945 gọi là Cụm các tập đoàn quân “Trung tâm”) của phát xít Đức, giải phóng thủ đô Vacxava và đại bộ phận lãnh thổ Ba Lan. Trong quá trình chiến dịch, bộ đội Liên Xô đã vượt qua 500 kilômét, tiến vào lãnh thổ nước Đức phát xít.
Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1945 bộ đội của Phương diện quân Giucốp đã hiệp đồng với bộ đội của Phương diện quân Ucraina 1 và Phương diện quân Bêlôruxia 2 tiến hành chiến dịch Béclin.
Ngày 8-5-1945, được ủy nhiệm thay mặt Bộ Tổng tư lệnh tối cao, G.C. Giucốp đã tiếp nhận việc đầu hàng của các lực lượng vũ trang nước Đức phát xít tại Cackhoocxtơ ở đông nam Béclin.
Giucốp là một trong những thành viên chính biên soạn và thực hiện các kế hoạch chiến dịch - chiến lược lớn của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Đặc điểm nổi bật ở Giucốp là sức mạnh ý chí kiên cường, trí tuệ cao sâu cùng với khả năng đánh giá đúng các tình huống chiến lược phức tạp. Đồng thời, Giucốp còn giỏi dự đoán tiến trình hoạt động quân sự có thể xảy ra. Đồng khí biết tìm ra những giải pháp đúng trong các tình huống thay đổi nhanh và phức tạp. Khi cần thiết dám đi tới những quyết định táo bạo và đảm nhận hết trách nhiệm về các hành động quân sự của mình.
G.C. Giucốp là con người tài năng, xuất sắc trong công tác tổ chức, trong sự can đảm của bản thân. Đồng khí còn giỏi vận dụng trong thực tiễn một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nghệ thuật quân sự, là tập trung lực lượng và phương tiện trên hướng đột kích chủ yếu nhằm tiêu diệt các cụm quân chính của địch.
Sau chiến tranh, G.C. Giucốp là Tổng Tư lệnh Cụm quân Liên Xô đóng trên nước Đức và là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Béclin từ tháng 6 năm 1945 đến tháng 3 năm 1946.
Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1946 là Tổng Tư lệnh Lục quân và Thứ trưởng Bộ các lực lượng vũ trang.
Từ 1946-1953 chỉ huy bộ đội các Quân khu Ôđetxa và Uran. Tháng 3 năm 1953 lại được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất và từ tháng 2 năm 1955 cho đến tháng 10 năm 1957 là Bộ trưởng Quốc phòng.
Trên các cương vị này, G.C. Giucốp đã khéo vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu phong phú trong công tác huấn luyện bộ đội và thường xuyên quan tâm đến việc nắm vừng các chủng loại vũ khí mới.
Nhưng số phận G.C. Giucốp sau chiến tranh không đơn giản. Hầu như gần nửa thế kỷ dưới thời Xtalin, Khơrútxốp, Brêgiơnép, đồng chí đã bị thất sủng.
Song G.C. Giucốp đã kiên gan chịu đựng mọi khó khăn một cách thật xứng đáng.
G.C. Giucôp là đại biểu của Xôviết Tối cao các khóa 1 - 4. Được tặng thưởng 6 Huân chương Lênin, Huân chương Cách mạng tháng 10, 3 Huân chương Cờ đỏ, 2 Huân chương Xuvôrôp hạng nhất và nhiều huy chương khác cùng nhiều huân chương của nước ngoài. Hai lần được tặng thưởng Huân chương “Chiến thắng”, huân chương cao quý nhất của quân đội. Đồng chí được tặng thưởng khẩu súng vinh quang.
Khi mất, di hài được chôn cất tại chân tường điện Kremli ở Hồng trường.