Phần 1: Hồi ức của lính bộ binh
Toivo M. Kattonen
Xạ thủ súng máy,
Đại đội súng máy số 1, Tiểu đoàn Trượt tuyết độc lập tình nguyện 99

Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải thúc nhau xông lên phía trước. Đôi khi chúng tôi thậm chí không kịp cả chuẩn bị chiến hào xuất phát khi có mệnh lệnh “xung phong” ban ra. Điều gì khiến tôi nhớ nhất à? Tôi chỉ nhớ nhất một điều rằng chiến tranh là chiến tranh. Chúng tôi không lần nào được ở qua đêm trong một ngôi nhà đàng hoàng - chỉ được ở trong rừng. Ba tháng trời ở trong rừng. Cố gắng ẩn nấp và sống sót trong đó. Chỉ có đôi người là còn sống trở về.
Tôi tới từ vùng Toksova, thuộc làng Veikkala. Tôi sinh năm 1917, nông trường quốc doanh kolkhoz thành lập ở làng tôi năm 1930 và thế là chúng tôi làm việc trong nông trường cho tới năm 1936. Và rồi người ta bảo rằng chúng tôi phải dời đi, do biên giới ở sát đó. Họ cưỡng ép mọi người phải chuyển đi 30 kilômét, tới tận Gruzino. Chúng tôi có một con bò cái, đồ đạc, mùa màng thì vừa mới gieo, lúa mạch đã lên rất cao, vậy mà lại phải chuyển đi. Chúng tôi không biết đó là ý kiến của ai, và ai là có tội trong chuyện này. Toàn bộ gia đình tôi, cùng ngựa và tất cả đồ đạc, phải dọn đi và chuyển tới vùng Vologda. Tôi làm việc tại đó cho tới năm 1937, năm 1937 tôi đi tới Lenenergo (xí nghiệp trực thuộc Leningrad) để làm người đào đất. Sau đó tôi được lên làm thợ máy và kế nữa là làm người đặt cáp. Tôi làm thế từ 1937 cho tới 1942. Năm 1942 một lần nữa người ta lại không chịu để cho người Phần Lan yên, họ trục xuất chúng tôi tới Toksova, Kavgolovo và nhiều nơi khác nữa. Họ chỉ cho chúng tôi có 24 giờ để chuẩn bị. Tôi ở đây, tại Leningrad vậy mà cũng bị trục xuất. Tôi tới chỗ chị mình ở vùng Vologda, trong khi tất cả những người khác đều bị chở tới Siberia. Họ bị chuyển đi rất xa, tới lưu vực sông Ugryum và nhiều nơi khác. Người ta cũng hỏi tôi – anh đi tới đâu đây? Tôi trả lời: anh sẽ không có giấy tờ của tôi đâu, tôi không đưa giấy tờ tuỳ thân của mình cho anh và tôi đang đi về nơi mà từ đó tôi đã tới. Tôi tới đây bằng xe lửa. Tôi làm nghề điện thoại viên tổng đài ở đây, tại vùng Vologda, nơi đây có một tổng đài điện thoại trong một ngôi làng Xôviết. Năm 1942 chúng tôi bị động viên, lọt qua được kỳ kiểm tra y tế và được chuyển tới vùng Chelyabinsk. Toy cho rằng đó cũng là một dạng động viên vào quân đội, nhưng là lao công quân đội. Nó cũng tựa như quân đội, nhưng khắc nghiệt hơn. Chúng tôi bị nhốt sau hàng rào kẽm gai. Ở đó có các tù binh Đức, và chúng tôi ở ngay bên cạnh họ. Họ bị đưa tới chỗ làm việc bằng lính gác, có súng trường và chó canh, chúng tôi cũng bị áp tải bằng lính gác mang súng. Cứ như trong tù vậy.
Chúng tôi làm việc tại đó, xây dựng những lò luyện than cốc, hiện nay chúng vẫn còn ở đấy. Người ta đưa chúng tôi tới một khu rừng, ở đó chúng tôi chặt cây và xây lò. Và rồi, khi bắt tay vào xây thì thời tiết lại chuyển thành rất nóng. Có năm cái lò, nhiệt độ lò phải lên được tới 1000 độ, nếu không lò sẽ không hoạt động được. Chúng tôi khởi động lò, đổ than vào theo lệnh. Không khí quá nóng đến nỗi chúng tôi như muốn đổ xuống, không thể làm tiếp nổi do mặt trời hun cháy mọi người cộng thêm với cái nòng tỏa ra từ lò. Thế là xuất hiện hệ thống thay ca – chúng tôi nghỉ và những người ca khác tới thế. Rồi, một thời gian sau, chúng tôi bắt đầy xây nhà và xưởng máy khi đã hoàn tất các lò luyện cốc. Năm 1945 tôi có quay lại đây. Chiến tranh đã kết thúc, và tôi trở về nhà ở Leningrad bắt đầu làm việc tại xưởng đúc, nhưng tôi chỉ có thể làm việc đó trong một thời gian ngắn. Người ta lại bắt đầu réo gọi bọn tôi là tụi Phần Lan, và lại không cho chúng tôi sống trong thành phố. Họ bảo rằng tôi phải chuyển đi, xéo tới bất cứ chỗ nào mà tôi thích. Vài tay Đoàn viên Komsomol tới và bảo tôi phải xéo đi. Tôi quay về ngôi làng sinh quán của tôi, nhưng tại đó tôi cũng bị đuổi đi. Tôi lại đến vùng Pitkaranta, gần Jannisjarvi, cách Phần Lan không xa. Tôi làm nghề thợ rèn ở đấy. Tôi làm việc ở đấy không lâu, chỉ trong vòng vài tháng, dù tại đấy người ta đã cấp cho tôi một ngôi nhà hai tầng. Tôi đã viết thư cho vợ rằng tôi sẽ quay về và đón cô ấy đi, nhưng nàng trả lời là nàng không muốn tới đó. Thế là tôi quay về (với vợ - LTD). Sau đấy, khi Stalin chết, chúng tôi đã có thể quay lại Leningrad, và tôi quay lại và làm việc ở một nông trường. Đấy là một chuyến du hành dài đằng đẵng. Tôi định cư lại ở đây trong một thời gian dài, kể từ 1959. Tôi làm việc ở nhà máy LTM và nghỉ hưu ở tuổi 55, sau đó tôi phải chịu một cuộc phẫu thuật và không tiếp tục làm việc nữa. Thế rồi tôi lại vào làm cho nhà máy Svetlana trong 20 năm nữa. Hiện giờ tôi lại đã nghỉ hưu, bắt đầu từ năm 1993.
Năm 1939, khi chiến tranh nổ ra, người ta huấn luyện 120 giờ cho chúng tôi rồi đưa ra mặt trận. Họ dạy chúng tôi cách bắn, ẩn nấp và nguỵ trang. Không có thời giờ để tập đi đều bước và những nghi thức khác. Tôi thuộc Tiểu đoàn trượt tuyết 99, vừa làm xạ thủ súng máy vừa làm xạ thủ tiểu liên. Từ khi còn bé tôi đã biết trượt tuyết, việc này trong gia đình tôi là rất đỗi bình thường. Những người dân tộc Nga trong tiểu đoàn cũng trượt tốt, nhưng khởi đầu thì không êm ái lắm. Người ta cũng dạy cho chúng tôi một khoá trượt tuyết ngắn hạn trong nội dung huấn luyện nêu trên. Những người tình nguyện trong tiểu đoàn hầu hết là học sinh trung học và sinh viên đại học. Không có người tình nguyện nào mà không thề trượt tuyết được hết - nếu vậy họ làm cái quái gì ở đây. Hầu hết tình nguyện viên đều là Đoàn viên Komsomol, kể cả tôi. Người ta hỏi: “Ai muốn tình nguyện tham gia chiến tranh với Phần Lan?” Tôi đáp: “Tôi đi, viết tên tôi vào.” Vậy là tôi được tuyển dụng tại quận uỷ Dzerzhinski của thành phố. Tôi không còn nhớ rõ làm cách nào mình biết về bản thông báo kêu gọi những người tình nguyện nữa. Tất cả những tình nguyện viên trong tiểu đoàn tôi đều là người Nga, chỉ mình tôi là người Phần. Thái độ của mọi người với tôi rất tốt, không ai thắc mắc về việc tôi là người Phần. Cũng không có sự chú ý đặc biệt nào của NVKD hay của politruk (chính trị viên) tiểu đoàn đối với cá nhân tôi. Anh chàng chính trị viên khá dễ thương và cả tiểu đoàn trưởng cũng vậy.
Chúng tôi có ba anh em, anh cả tôi Semen được động viên trong thời gian chiến tranh Phần Lan, anh ấy không đi tình nguyện như tôi. Anh được tuyển vào Quân đội Nhân dân Phần Lan, đóng tại Zelenogorsk (Terijoki). Anh được huấn luyện để luồn ra sau phòng tuyến địch và làm tình báo viên. Họ được ăn mặc khác chúng tôi, chúng tôi thì trang phục nhẹ, như yêu cầu của lính trượt tuyết phải thế. Anh thứ tôi cũng được gọi nhập ngũ. Người thứ ba được ở lại nhà để không có chuyện tất cả phải vào quân đội. Năm 1941 lúc đầu tôi cũng được miễn quân dịch vì công việc của mình, nhưng rồi việc miễn trừ đã bị huỷ bỏ. Thật kinh khủng khi phải sống ở đây cho tới năm 1942, trời rất lạnh, xung quanh âm 40 tới 45 độ, sương giá khủng khiếp. Người ta đi xuống sông Narva để lấy nước và chết gục trên đường đi. Anh tôi Matvei cũng chết trong thời kỳ bao vây Leningrad, tôi đã tự tay chôn cất cho anh năm 1942.
Semen bị động viên cũng như những người Nga khác, rồi anh ấy tham gia chiến tranh, và anh được gửi đi lần cuối cùng làm một điệp viên hoạt động đằng sau phòng tuyến Phần Lan. Lúc đấy đã là giữa cuộc chiến lần hai. Theo như tôi hiểu, người ta đã gửi anh ấy đi làm điệp viên. Thậm chí có đồng đội vẫn còn nhìn thấy anh trong thời kỳ chiến tranh. Điều ấy có nghĩa là anh vẫn còn sống được thêm một thời gian nữa, và rồi anh bị giết, được chôn cất tại Turku. Có tin đồn rằng anh có mặt tại Turku. Tin đồn nói rằng những tù binh chiến tranh Nga đã trông thấy anh tại đó. Họ thấy anh đi qua trong quân phục sĩ quan Phần Lan. Anh ấy cứ đi ngang qua, trong khi các tù binh đang làm việc, không hề chào hỏi họ. Họ nhận ra anh, do họ ở cùng làng và cùng học với nhau. Sau chuyện đó, người anh em họ chúng tôi, hiện đang sống ở Phần Lan, bảo rằng người ta tìm thấy mộ anh và con anh ta thậm chí còn chụp ảnh cả nơi ấy. Thế là giờ chúng tôi biết được rằng anh ấy đã bị giết và người Phần Lan đã giết anh ấy. Tuy nhiên, chẳng ai biết chuyện đó đã xảy ra thế nào, và làm sao người Phần lại phát hiện ra anh là điệp viên Xôviết. Một điệp viên chỉ có thể mắc sai lầm một lần duy nhất trong đời. Chúng tôi đã nhờ Hội Chữ thập Đỏ giúp tìm kiếm anh, nhưng không thấy, và giờ đây chúng tôi biết điều gì đã xảy ra với anh. Chúng tôi không biết được ai đã chôn cất cho anh - tất cả những điều ấy vẫn còn chưa sáng tỏ. Pavel cũng bị thương trong chiến tranh tại Pskov và khi chúng tôi chuyển tới vùng Chelyabinsk, anh ấy đã chết vì vết thương tại đây.
Vậy là họ đưa chúng tôi lên tàu chuyển tới tiền tuyến, ra lệnh không được hút thuốc và phải tiến về phía trước thật yên lặng. Chúng tôi đeo thanh trượt vào và lặng lẽ tiến vào rừng. Và rồi chúng tôi băng qua Raivola. Kế đó là tới Mustajoki, và rồi chúng tôi tới Phòng tuyến Mannerheim, lúc này đang có chiến sự ác liệt ở đó. Chúng tôi cũng tới Metsakyla, ngày nay có tên là Molodezhnoe. Rồi chúng tôi tới bờ Vịnh Phần Lan và tiến quân dọc bờ vịnh.
Suốt trong Chiến tranh Phần Lan, chúng tôi phải chặt cành thông và tự dựng lên cho mình những hầm trú ẩn rồi nhóm một ngọn lửa ở giữa – chúng tôi sinh sống như vậy đấy. Nhiệt độ khoảng -50, xung quanh tuyết dày khoảng một mét. Tôi đeo các thanh trượt và mang theo một khẩu súng máy, nó nặng tới 16.5 kí lô cộng thêm với một băng đạn hình đĩa. Thêm vào đó tôi còn có cái balô trên lưng..
Tôi sử dụng khẩu trung liên DP, những người còn lại hầu hết dùng súng trường, chúng tôi chỉ được nhận tiểu liên về sau này và thực ra chúng tôi không sẵn sàng sử dụng chúng. Chúng tôi cũng có súng cối, tôi không nhớ rõ cỡ nòng bao nhiêu, chúng khá nhỏ và có thể vác trên lưng một người được. Đại liên Maxim được di chuyển trên xe trượt, tuy nhiên chúng tôi có hơi ít súng Maxim. Tôi ở trong đại đội súng máy số 1, và chỉ có bảy người trong đại đội tôi sống sót. Một đại đội súng máy quân số ít hơn một đại đội bộ binh thường, nhưng vẫn được gọi là một đại đội. Tôi không biết gì về thiệt hại của các đại đội khác. Trợ thủ số một cho xạ thủ đại liên phải mang hai băng đạn, trong khi người trợ thủ hai phải mang theo ba băng. Họ vận chuyển đạn trong những thùng đặc biệt có tay cầm khi mang vác. Các trợ thủ của tôi rất vất vả gian khổ, tất cả cánh xạ thủ đại liên chúng tôi rất vất vả gian khổ. Chúng tôi phải vác tất cả đạn dược theo mình. Chúng tôi không thiếu đạn, nhưng tất nhiên vẫn phải tiết kiệm đạn. Tôi thường bắn từng loạt ngắn, nhiều người chưa quen có thể bắn hết cả băng đạn chỉ một lần nhấn cò. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với khẩu súng của mình; nó rất đáng tin cậy. Nó hoạt động tốt thậm chí ngay cả khi bị ngấm nước hay dính tuyết bên trong. Khẩu đại liên này là người bạn chiến đấu trung thành nhất của tôi. Cũng có loại súng trường bán tự động 25 viên, tôi nhớ thế, nhưng chúng luôn bị kẹt đạn. Ngay khi bị tuyết lọt vào khóa nòng là bị. Chúng tôi thậm chí không thèm đem chúng theo, mà lập tức vứt chúng lại - khẩu súng trường Mosint thân thương tốt hơn nhiều. Trợ thủ súng máy của tôi cũng dùng một khẩu súng trường Mosint. Lựu đạn cầm tay là loại quả dứa, hoặc loại cán dài. Lựu đạn quả dứa là tuyệt nhất, dễ mang theo, nhưng cũng khá nguy hiểm, ngừơi sử dụng phải cẩn thận nếu không sẽ bị dính mảnh khi ném nó. Đấy là cách chúng tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến ấy, cho tới tận khi kết thúc. Một lần chúng tôi chiếm được mấy ngôi nhà hai tầng nằm trên một ngọn đồi, tôi không nhớ rõ nó ở vùng nào, phía Bắc Metsakyla hay nơi nào khác, từ hồi đó cho tới nay đã lâu lắm rồi. Chúng tôi muốn nghỉ qua đêm trong đó, nhưng chỉ huy khuyên mọi người không nên ở lại. Thật may mắn, bằng không hôm nay tôi đã chẳng còn ngồi đây để kể chuyện cho các bạn. Mấy ngôi nhà bị bắn trúng bằng đạn cối và cháy trụi hoàn toàn - đấy là điều suýt nữa đã xảy ra với chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có nhiều người bị chết và bị thương.
Từ Metsakyla chúng tôi đi tới Koivokyla, và rồi mội vài kyla (ngôi làng) khác nữa, tôi không còn nhớ tên làng nào cả, và rồi tới Vyborg. Chúng tôi còn cách Vyborg khoảng ba kilômét. Ngày 12 tháng Ba chiến tranh vẫn còn rất ác liệt, đại bác và súng vẫn bắn loạn xạ. Rồi ngày 13 tháng Ba tới, chiến tranh kết thúc và chúng tôi được đưa về. Tại đó người ta tổ chức một cuộc mít tinh, tất cả chúng tôi đều hân hoan, nã mọi loại súng lên trời. Pháo cũng bắn mừng. Rồi tới ngày thứ hai sau khi chiến tranh kết thúc người ta yêu cầu chúng tôi tập trung súng ống lại vào thùng, bôi dầu mỡ cẩn thận, chúng tôi làm theo. Hai hay ba tuần sau, theo tôi là khoảng 25 tháng Ba, chúng tôi được trở về nhà. Vì là tình nguyện viên, chúng tôi được phép về thẳng nhà. Đại loại thế.
Nhiệm vụ của chúng tôi thường là đi lùng sục các khu rừng. Lùng sục khu rừng để không còn tên địch nào nấp bên trong. Quân phục chúng tôi là một áo sơmi lót vải ấm, một áo sơmi thứ hai, một áo nịt len, một áo jacket trắng làm bằng vải dầu. Chúng tôi cũng có cả bao tay xỏ hai đầu và găng tay. Chúng tôi vứt bao tay đi và đem theo găng tay để bắn súng dễ hơn. Tay tôi không bao giờ bị lạnh cóng, tôi chưa lần nào bị giá ăn, mặc dù nhiều người trong đơn vị bị giá ăn tay hoặc chân, và rất nhiều người đã chết. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu người bị chết. Tôi đi ủng cao cổ, cỡ 44, một đôi tất hoặc xà cạp. Chân tôi được giữ khá ấm. Tôi đi ủng dạ chỉ một lần, chúng được chuyển tới quá trễ. Toàn tiểu đoàn đều đi ủng cao cổ. Khi còn trong thời gian huấn luyện ở Ga Maskva, chúng tôi đang đi giày quấn xà cạp, một vị chỉ huy tiến tới và nói: đám nào đang đi giày kia vậy, tình nguyện phải không? Lấy cho tất cả chúng nó ủng cao cổ! Do đó tất cả chúng tôi đều có ủng cao cổ, mỗi người chọn lấy cỡ ủng hợp với mình. Tôi quay về nhà trên đôi ủng ấy, tôi không làm cháy nó trong chiến đấu cũng như không làm hỏng rách nó. Tôi mặc áo choàng chỉ một lần, khi tôi trên đường về nhà, hầu hết thời gian là tôi mặc áo vatnik lót bông và áo khoác vải bạt màu trắng ngụy trang phủ bên ngoài. Trời lạnh, nhưng ta có thể làm thế nào bây giờ? Đồ che đầu của chúng tôi là mũ budennovka đội mùa đông, (budennovka là kiểu mũ chóp nhọn của kỵ binh Hồng quân Budionnưi, nổi tiếng thời kỳ Nội chiến – LTD), mũ cát lót len, phủ được kín cả mặt và cổ, chỉ hở hai con mắt. Thế là chúng tôi đội mũ len lên trước, rồi tới cái budennovka, và cuối cùng là mũ sắt. Ban đầu chúng tôi không đội mũ sắt, thế mà về sau chúng tôi bắt buộc phải đội tất. Nếu tôi không đội nó, chắc giờ tôi chẳng còn để ngồi ỡ đây. Mũ sắt sơn màu xanh, trên cùng bọc vải bạt trắng, cùng thứ vải bạt để làm áo choàng ngụy trang của chúng tôi. Người ta khuyên tất cả chúng tôi khâu miếng sắt ghi số lính đeo cổ vào cổ áo jacket của mình. Miếng sắt đeo cổ phẳng và có hình chữ nhật. Những chỉ huy ban đầu mặc áo khoác lông cừu màu trắng. Thế rồi bọn Phần bắt đầu săn những chiếc áo khoác lông cừu, nhắm vào các sĩ quan, cho nên họ chuyển sang mặc quân phục bình thường. 
Người ta bảo rằng khẩu DP có vấn đề với cái càng hai chân, nó hay lún vào trong tuyết. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đôi khi tôi gác cái càng ấy lên xác một lính Phần hay lính Nga và bắn. Tôi rất ít khi quàng khẩu DP của mình bằng dây đeo lưng.  Chúng tôi không trú trong các ngôi nhà, tất cả đều có bẫy mìn gài. Mìn có ở khắp nơi. Có lần một đồng đội của chúng tôi phải kiếm cho mình một bộ ván trượt mới - bộ cũ của anh ta đã gãy hoặc bị mất đâu đó. Lần ấy là ở quanh Koivokyla hay chỗ nào khác tôi không nhớ rõ nữa. Có một bộ ván trượt khá tốt đang dựng vào một thân cây, thế là anh ấy bảo rằng anh phải đi lấy chúng. Anh ta đi lấy bộ ván trượt và nằm lại đó vĩnh viễn. Cái cây nổ tung cùng với bộ ván trượt. “Bộ ván trượt tốt thế đấy,” tôi nói với mọi người.
Chúng tôi hầu như chỉ toàn ăn đồ khô, do không có nơi để nấu nướng thức ăn. Ban đầu chúng tôi có một xe nhà bếp có ngựa kéo, nhưng nó đã bị phá huỷ - trúng phải một quả mìn cài trên đường. Chúng tôi thường ăn bánh bích quy và xong thì để tuyết tan trong cà mèn và uống nó. Chúng tôi cũng được phát 100 gram vodka mỗi ngày.
Một lần khi chúng tôi đang tiến công, tôi phát hiện một tên xạ thủ bắn tỉa cúc ku Phần, và chuẩn bị bắn hạ hắn. Nhưng hắn đã nhanh tay hơn, ngay khi tôi đang ngắm thì hắn đã bắn vào tôi "shhhhhh", và tôi chúi xuống tuyết để tránh. May là tôi đang đội cái mũ sắt, nếu không hắn đã hạ tôi rồi. Tôi vừa chúi đầu xuống tuyết thì phát đạn đã bắn trúng như thể có ai đó đập búa lên đầu mình vậy. Tôi như bị điếc nhẹ. Tai chỉ nghe lại được sau đó nhiều ngày, nhưng tôi không bị thương trong lần ấy. 
Ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi là tiếng Phần Lan, nhiều lần họ yêu cầu tôi tham gia dịch những cuộc thẩm vấn, nhưng ở đấy cũng có một người phiên dịch, anh ta điều hành việc dịch thuật của tôi - để đảm bảo là tôi không nói láo. Viên chỉ huy có một cuốn từ điển hội thoại tiếng Phần Lan, và anh ta kiểm tra xem tôi có biết tiếng Phần Lan không. Anh ta rất ngạc nhiên khi tôi nói chính xác tất cả các câu. Mọi người đều sửng sốt vì tôi lại chiến đấu bên phe Hồng quân. Viên chỉ huy hỏi tôi: “Tại sao anh không chạy sang phía Phần Lan?” Tôi đáp: "Ừ, đúng, để cho anh bắn vào đầu tôi ngay bây giờ à.” Tôi không hề có một suy nghĩ nhỏ nhất về việc đào ngũ theo quân Phần Lan, họ cũng sẽ giết tôi ngay lập tức. Thêm nữa, cha tôi khi đó vẫn còn sống mà tôi lại không còn họ hàng gì ở bên Phần Lan hết.
Suốt thời gian chúng tôi ở trong rừng, không có một đơn vị nào đóng bên sườn trái chúng tôi, còn bên phải là Tiểu đoàn trượt tuyết 100, tôi có một người bạn ở trong đơn vị đấy. Họ gần như bị diệt sạch. Chúng tôi có 900 người, bốn đại đội. Giờ đây tôi là người duy nhất của tiểu đoàn ấy còn sống. Năm ngoái chúng tôi còn năm người, giờ chỉ còn mình tôi. Anh sẽ không thể tìm thêm được người nào thuộc Tiểu đoàn 99 ở Leningrad. Có rất nhiều tình nguyện viên trong các tiểu đoàn trượt tuyết đến từ Leningrad, gồm tiểu đoàn tôi, tiểu đoàn 100, và tôi cho là cả ở tiểu đoàn 101 nữa, nhưng họ đóng xa hơn, đâu mãi tận vùng Priozersk. Chúng tôi thì ở ngay chỗ này, trên Phòng tuyến Mannerheim, nơi có các boongke bằng bê tông, bằng gỗ và đắp đất. Boongke bêtông có ba tầng và rất rộng, tháp quan sát làm bằng cao su để đạn bắn vào sẽ bật ra - một thiết kế hoàn hảo. Chính mắt tôi đã trông thấy một boongke ba tầng, sau khi nó bị chiếm. Không thể chiếm nó được, do đó người ta đã đổ ngập nước vào, có lẽ do người kỹ sư Phần Lan đã xây ra nó. Vẫn còn nước bên trong cái boongke khi tôi bước vào trong.
Các chiến hào của họ cũng rất hiểm yếu, một khẩu súng máy có thể bắn vào chúng tôi mà chúng tôi không thể xác định được hướng đạn tới từ đâu. Chúng được ngụy trang bằng tuyết, cho nên chúng tôi không trông thấy chút gì hết. Khi chúng nã đạn, chúng tôi theo thói quen sẽ nằm xuống và nổ súng, và nếu chúng tôi không xác định được đạn bắn từ đâu, chúng tôi sẽ nấp kỹ, để đạn địch không bắn trúng. Nếu chúng tôi bị bắn trực tiếp, chúng tôi sẽ không thể nằm lâu mà phải đứng dậy và tấn công. Chúng tôi sẽ vứt gậy trượt tuyết xuống, băng lên trước và vừa chạy vừa nổ súng.  Quân Phần Lan hoàn toàn không dùng gậy trượt tuyết. Tôi không rõ tại sao chúng tôi phải cần những cây gậy trượt tuyết ấy. Ban đầu thì chúng tôi sợ pháo binh Phần Lan, chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ trúng đạn, và rồi chúng tôi cũng quen dần. Chúng tôi thường xuyên phải nằm dưới làn đạn cối pháo kích, nhưng dù sao chúng tôi cũng thoát được. Chỉ có ở hai ngôi nhà kia tại Metsakyla, mới có ngừơi bị trúng đạn cối - ở đấy chúng bắn cối thật dữ dội. Hai căn nhà ấy cháy suốt cả ngày, nhờ thế mà chúng tôi có thể tự sưởi ấm bên đống lửa. Đáng lẽ chúng tôi đã cháy ra tro nếu ở lại trong đó qua đêm. Tôi nhớ không có một đêm nào mà chúng tôi được nghỉ qua đêm dưới mái nhà. Chỉ một lần chúng tôi được ngủ lại trong một hầm trú ẩn chiếm được của quân Phần Lan, nhưng tất cả thời gian còn lại chúng tôi ngủ trong tuyết, trong các hầm hố chúng tôi tự đào. 
Đánh nhau giáp lá cà ư? Làm thế nào tôi đánh giáp lá cà được trong khi còn phải vác khẩu đại liên? Chúng tôi không phải đánh giáp lá cà, chúng tôi không hô "Hurrah". Chúng tôi chưa hề bị bao vây, mà chỉ luôn tấn công về phía trước.
Điều mà tôi nhớ nhất có lẽ là lần chúng tôi đã suýt chết đuối trên mặt băng của Vịnh Phần Lan thế nào. Chúng tôi đang đi bộ trên băng thì một quả đạn pháo hay đạn cối bắn trúng băng và tạo ra một cái hố trên đó.  Có những chiếc xe tăng đang đi phía trước chúng tôi, chúng tôi nhảy lên mấy chiếc tăng đó và sống sót, bằng không thì đã chết đuối cả rồi. Tổ lái tăng cho chúng tôi một ít thức ăn. Tôi không biết được họ là đơn vị nào và chỉ huy là ai. Lần đó lúc đầu pháo bắn rất dữ dội. Tôi cũng không nhớ tên hòn đảo mà chúng tôi đã tấn công. Chúng tôi bắt được vài tù binh, nhưng nói chung thì có rất ít tù binh bị bắt. Tất cả đám tù binh Phần Lan chúng tôi bắt được đều hung dữ khủng khiếp, chúng sẵn sàng ăn sống chúng tôi. Tôi đã nói chuyện với một tên trong số đó, và đột nhiên hắn nhảy xuống một cái hố trên mặt băng, xuống Vịnh Phần Lan, ngay chỗ mà chúng tôi suýt chết đuối. Hắn không thèm để ý là nước lạnh cóng thế nào, hắn chỉ muốn không phải đầu hàng. Quân Phần Lan có ít người, nhưng họ đều nguỵ trang rất tốt, họ có boongke và cứ điểm vững vàng. Họ cũng có lương thực và mọi thứ cần thiết. Họ quan sát rõ chúng tôi, trong khi được nguỵ trang trong tuyết, còn chúng tôi chẳng thấy được chút gì. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng, nhưng chỉ có quỷ mới biết súng bắn từ hướng nào. Cũng có bọn xạ thủ bắn tỉa cúcku nào trên cây. Lính trượt tuyết Phần Lan không dùng gậy trượt. Ban đầu chúng tôi dùng gậy trượt tuyết, nhưng chúng rất phiền toái. Quân địch cũng có những đôi giầy có mũi cong, chúng có thể nhảy xuống từ trên cây, đeo giày trượt vào và biến mất. Chúng cũng lót da nai ở dưới giày trượt để giảm ma sát. Chúng tôi không có những giày trượt như thế. Chúng là những chiến binh thực sự, và chiến đấu rất giỏi. Bọn chúng có ít người, nhưng giết rất nhiều người của chúng tôi. Tôi cho là chúng tôi cũng thiệt hại nặng vì giá rét – giá ăn chân tay. Người của chúng tôi đi giày cổ ngắn và quấn xà cạp, chỉ còn biết cố gắng sống sót trong nhiệt độ âm 50 với đôi xà cạp quấn chân.
Một lần đám chỉ huy của chúng tôi đang đi trên mặt băng của Vịnh Phần Lan, khi đó tôi đang trong phiên gác, nằm phục với khẩu súng máy của mình. Chúng tôi dùng một khẩu lệnh được thay đổi liên tục trong ngày - một khẩu lệnh thường là “súng trường” hay “súng máy” hay đại loại thế. Mấy người kia bắt đầu đi sau nửa đêm và không biết khẩu lệnh mới. Tôi đang nằm trong rừng với khẩu súng máy và nghe thấy họ đi tới và trò chuyện. Toy hét lên: "Dừng lại! Khẩu lệnh!" Họ nói: "Súng máy", tôi đáp: "Không, không đúng. Nằm xuống đất ngay lập tức nếu không tôi bắn.” Tôi kéo khóa nòng và chuẩn bị bắn. “Được, chúng tôi đang nằm xuống đây.” họ bảo. Và rồi đội tuần tra tới và thả cho họ đi. Họ đứng dậy và tôi trông thấy cả hai đều mặc áo lông cừu trắng, một là đại tá và người thứ hai là trung tá. Thế đấy, tôi nghĩ, bây giờ mình sẽ gặp rắc rối cho mà xem. Chỉ là vì họ đã đi sau nửa đêm và không biết khẩu lệnh mới. Nếu họ biết thì tôi đã để họ qua, thậm chí nếu một tên Phần biết khẩu lệnh thì tôi cũng để cho hắn qua. Làm sao mà tôi biết được hắn là lính Phần hay không? Đó là một bí mật nhỏ của chúng tôi. Sáng hôm sau tôi nhận được lời tuyên dương trước đơn vị vì đã gương mẫu thực hiện nhiệm vụ.
Tôi không nhớ rõ những gì quân Phần Lan la hét với chúng tôi, dù tôi biết tiếng Phần rất giỏi. Tôi cũng không nhớ nội dung những tờ truyền đơn. Tôi nhớ có lần chúng tôi bắt được một tên xạ thủ cuckoo, quật ngã hắn và bắt đầu thẩm vấn. Hắn nói rằng đã giết được 9 lính Nga, và hắn phải giết được mười người. Tôi bảo hắn, không đâu, "et sina osaat minun tappaa" (Mày sẽ không thể giết được tao - tiếng Phần Lan). Hắn nhìn tôi, nhận ra tôi là người Phần và nổi điên còn hung dữ hơn trước. Rồi tôi hỏi hắn tại sao lại leo lên cây và giết chúng tôi. Hắn đáp rằng hắn phải giết chúng tôi, rằng hắn đã giết chín và phải giết được mười, nhưng giờ thì không làm được nữa rồi. Tuy nhiên hắn đã dành sẵn cho tôi một viên đạn.
Sau chiến tranh người ta tổ chức một cuộc diễu binh, người ta cấp cho chúng tôi quần dài màu xám, áo sơmi trắng, cà vạt, mũ lưỡi trai trắng có gắn ngôi sao đỏ và trong bộ quân phục như vậy tôi đi tới trụ sở dân uỷ và báo cáo rằng tôi đã trở về. Tôi không được nhận phần thưởng vì đã tham gia cuộc chiến đó. Tôi không nghĩ là có ai trong tiểu đoàn tôi được thưởng. Tôi đoán là chúng tôi không đáng được vậy. Chiến tranh là chiến tranh. Ban đầu người Nga không muốn gọi đó là một cuộc chiến tranh. Ý tôi là … người ta gọi nó là gì nhỉ? Một chiến dịch, chiến dịch Phần Lan, người ta gọi như thế đấy. Tôi nghĩ là tới khi Yeltsin tuyên bố cái gì đó về nó thì người ta cuối cùng mới bắt đầu gọi đó là một cuộc chiến tranh thực sự. Đó là một công việc cực nhọc. Chiến tranh nói chung là một công việc cực nhọc, và hơn nữa, để thêm vào với tình cảnh khổ cực của chúng tôi là một mét tuyết dày và cái lạnh -45 tới -50 độ. Chỉ còn biết cố gắng sống sót trong rừng trong điều kiện như vậy mà thôi.
Chúng tôi không được tiếp viện hay bổ sung quân số, chỉ còn tự biết lo cho thân mình. Khi chúng tôi quay về nhà, tới ga Phần Lan ở Leningrad, các cô gái chạy ra đón những bạn trai của họ trong đội tình nguyện. Chúng tôi đã phải giải thích cho rất nhiều người trong số họ là bạn trai của họ sẽ không trở về nữa. Những người bị giết được chuyển tới nghĩa trang Ohta, có 700 người được chôn ở đó. Tôi không biết họ có thuộc tiểu đoàn tôi hay không. Có một nhà thờ ở Zelenogorsk (Terijoki), ở đó có cả những bia mộ của người Nga lẫn người Phần Lan.
Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân