Chương 1

Bóng mấy cây vải trồng trước sân đã ngả dài trên sân gạch lát. Thủy bỏ tờ tạp chí Pháp trên chiếc ghế chao, giơ tay lên phía trên đầu, nhìn ra nắng lim dim mắt nói:
- Nằm mãi thế này thì đến mệt rã người ra mất. Đạm nói theo:
- Trời đã lập thu mà còn nắng thế hẳn ở Hà Nội khổ lắm!
Họa sĩ Phan nhìn cái vóc người thanh tú của Thủy bằng một vẻ cảm phục. Chàng lấy điếu thuốc ở miệng ra kẹp trên tay mà tiếp:
- Những người sung sướng thì ở đâu mà chẳng kêu khổ? Tôi cho khí hậu ở đồn điền này là được lắm rồi.
Thủy lườm, nũng nịu:
- Anh Phan thì bao giờ chẳng vậy. Cứ động tôi nói là anh thế đấy.
Rồi nàng lững thững bước xuống vườn để đi ra phía ao mà nàng vừa nghe có tiếng cười. Đạm nói:
- Chị Thủy thực là một thiếu nữ xinh đẹp hoàn toàn. Chả trách chị nổi tiếng ở Hà thành, trong đám sinh viên. Đến tôi là đàn bà mà trông chị còn phải yêu huống chi anh.
Phan tủm tỉm cười, nhìn theo bóng Thủy. Chàng lẳng lặng ngắm dáng đi của người đàn bà đẹp mà mọi người đinh ninh là người mơ ước của chàng.
Còn Đạm thì nhìn cái thân hình cân đối của Phan bằng con mắt của một nhà nghệ sĩ. Phan chỉ mặc một cái áo lót mình vải trắng cụt tay và một cái quần cụt, nhưng trông chàng khác hẳn bọn đàn ông đến chơi ở đồn điền. Gần chàng, người ta thấy rằng chàng không những chỉ đẹp có cài bề ngoài mà thôi, lòng chàng hình như có ánh sáng chiếu ra, khiến chàng có một vẻ riêng, không thể lẫn với người nào mà trong bọn nam nhi. Đạm đương nghĩ vậy, thì Phan đổi chỗ ngồi sang chiếc ghế Thủy vừa bỏ đi. Chàng ném điếu thuốc lá ra xa mà nói:
- Cái đời sống ở đây thực là đời sống của những người vô dụng. Chị xem có phải chúng ta chẳng khác gì những ông Hoàng bà Chúa đại lãn xưa kia ngự trong những lâu đài đồ sộ để mà ăn hại hay không?
Không thấy Đạm nói gì chàng lại tiếp:
- Một bọn tiểu thư và công tử bột con cưng, con cầu tự, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến giải trí, và nghỉ mát, và ăn ngon mặc đẹp… Mà tôi ở đây cũng vậy, tôi cũng chỉ là một anh thợ vẽ tầm thường mà thôi. Một kẻ có dư tiền tiêu, không biết làm gì ở đời nữa thì học vẽ. Thực tôi đã chọn lầm nghề rồi chị ạ. Những bức tranh của tôi có ích gì cho bọn người kia chả bạn?
Họa sĩ vừa nói vừa chỉ một bọn đàn ông dân quê đương dắt mấy con trâu đi ở cổng đồn điền. Mồ hôi chảy láng trên bộ mặt rám đen, trên những bộ ngực và những bắp chân thô kệch. Mấy người dân quên kính cẩn ngả nón chào Phan và Đạm.
Thiếu nữ rót một chén nước trà ở ấm nước đặt trên một cái bàn gần đấy.
- Quả vậy, đời sống ở đây thực phong phú. Nhưng của đáng tội, tính nết của tôi, của bà Hân có thể làm cho người ta tha thứ cái giàu sang của bà được lắm. Thực là một người đàn bà đáng kính. Chồng chết đi, một tay cai quản lấy đồn điền và nuôi con, ít người đàn bà còn trẻ được như bà.
- Hình như người ta bảo nhà bà Hân đã mấy đời làm ruộng, nên bà mới có thể trông nom đất đai của mình như một kẻ đàn ông vậy.
Phan đương nói thì nghe có tiếng dép đi rất nhẹ ở trong nhà. Chàng đứng lên bảo nhỏ người bạn gái:
- Có lẽ bà Hân đã ngủ dậy. Chúng ta đi ra con đường giồng chẩu, rồi ra ruộng mía, bao giờ tắt nắng sẽ về. Hôm nay không hiểu sao tôi muốn nói rất nhiều. Mà ở đây, thì tôi biết là trừ Đạm ra, chẳng ai chịu nghe tôi. Họ hát, họ đi bắn, họ cưỡi ngựa, họ không có thì giờ nói chuyện. Chúng ta tránh họ đi một chốc được không? Chỉ một chốc nữa họ câu cá chán, là lại xông cả đến đây mà làm ồn như họp chợ cho mà xem. Tôi thực khiếp!
Phan nhìn Đạm cười. Hai hàm răng chàng trắng bóng. Ở đồn điền có lẽ Phan là người nhiều tuổi nhất, nhưng trông chàng nhiều lúc lại hình như còn non trẻ quá. Đạm gật đầu. Và hai người đi ra khỏi cổng đồn điền.
Đạm ngắt một cái búp tre ở cạnh đường đi. Thiếu nữ bỗng dưng thấy mình ngượng ngịu. Phút đó, nàng hiểu là nàng xấu, nàng không xứng đáng đi bên cạnh một người đàn ông có tài và trẻ đẹp như Phan. Nàng nghĩ:
“Giá Thủy đi cạnh chàng thì đẹp hơn. Thì ai cũng phải trầm trồ khen ngợi là xứng đôi”.
Đạm hỏi Phan đột ngột:
- Sao? Anh còn chờ lúc nào mới vẽ xong tranh cho chị Thủy? Mùa thu này anh có bày tranh đó chứ?
- Có lẽ tôi phải chờ lúc về Hà Nội rồi mới vẽ lại. Ở đây, tôi không thấy hứng nữa rồi. Tôi chỉ vẽ được khi nào tôi thấy tôi say mê, tôi yêu thành thực cái gì mình vẽ.
- Ồ, anh Phan thì ai còn biết được là anh yêu lúc nào nữa. Ai anh cũng yêu mà ai anh cũng bỏ.
- À, thế ra chị Đạm cũng lại xoàng như những người khác thôi à? Chị tưởng rằng yêu chỉ có nghĩa nhất định là hôn sự thôi ư? Tôi cứ nghĩ chị có những ý tưởng đàn ông hơn, lạ hơn kia đấy!
- Thôi đi anh! Những người bạn thân của anh có ai không bảo là anh cần phải lấy vợ. Anh chỉ có một mình. Anh có tiền. Ai không bảo rằng người bạn trăm năm của anh sau này sẽ phải là một người đẹp tuyệt trần.
Phan cau mày một lát trả lời:
- Cái đẹp chỉ là cái mặt ngoài. Tôi trông thấy và tôi cảm phục. Tôi yêu nó và tôi vẽ. Mà khi tôi vẽ chỉ biết có nó. Trong quãng thời giờ tôi vẽ tranh cho một người nào tôi chỉ tìm cái hồn của người ấy, tôi muốn làm rõ trên vải. Vậy mà chị Đạm có biết không? Tôi đã khám phá ra được điều này: là một người đàn bà đẹp, thường thường không có một “linh hồn” đẹp.
Đạm lặng yên. Nàng không muốn nói động tới những chuyện về đàn bà khác, e không lịch sự.
Phan lại nói:
- Chỉ có một lần tôi vẽ một người con gái Mường vùng thượng du Thanh Hóa là tôi thấy người đó đẹp hoàn toàn. Cô ta không biết tiếng Kinh, nhưng đôi mắt cô ta thì phản chiếu rõ cái “linh hồn” cao quý của con người, và chúng nói với tôi nhiều lắm. Cái đẹp hoàn toàn bao giờ cũng làm tôi đau xót. Tôi chỉ được yên lòng khi nào tôi tạo nên được một cái đẹp khác để trả lời cho cái đẹp của tạo vật, của lòng người. Sự phụng thờ cái đẹp vì vậy đối với người nghệ sĩ đã thành ra một đạo giáo.
- Một đạo giáo không có Trời hay Phật.
- À không, những cái gì thật đẹp đều tự nơi “trời” mà có và rồi sẽ trở lại Trời. Cái gì thật đẹp đều phải có nguồn gốc ở chỗ thiêng liêng. Không có cái gì xấu mà lại đẹp hoàn toàn, và cũng không có cái gì tốt mà lại thành ra xấu hẳn.
Đạm cười nhìn Phan đi trong ánh nắng chiều. Phan cũng là một cái mẫu đẹp hoàn toàn của người đàn ông lúc đó, nên chàng mới có thể nói về một vấn đề bất lợi cho nàng như vậy mà không nghĩ đến nàng. Đạm muốn có một tấm gương để nhìn ngay khuôn mặt mình lúc đó, để mà tủi nhục. Câu chuyện có một vẻ mỉa mai chua chát đối với nàng khiến nàng thêm chú ý.
- Anh nói vậy thì những người không nhan sắc cũng không làm gì có tính tốt phải chăng?
- Không, tôi có bao giờ nói vậy. Sự thiếu nhan sắc không phải là một điều xấu. Khi tôi còn ít tuổi, tôi đã nhận ra như vậy. Một hôm mẹ tôi cho mời một ông thầy tướng già đến chơi nhà. Ông ta là một người đàn ông xấu nhất đời. Tôi vừa trông thấy mặt anh ta đã run sợ. Nhưng lạ thay khi ông ta bắt đầu nói thì mặt ông ta như khác hẳn đi, mắt long lanh, mồm rất có duyên. Tuy tôi còn nhỏ tuổi nhưng tôi hiểu là cái phút cảm hứng, phút mà lòng người ta tràn ngập những yêu thương, những điều hay, điều thiện thường khiến người ta trở nên đẹp đẽ vô cùng. Nhưng... đó không phải là những bộ mặt mà người ta ao ước được trông thấy suốt đời, trước
mắt.
- Vậy thì những cái mặt hoa da ngọc của một thiếu nữ như cô Thủy, mà ngồi đối diện với nhà họa sĩ, thì họa sĩ phải hài lòng chứ?
- Tôi xin chị đừng kể đến tên một người nào trong khi chúng ta nói đến những câu chuyện như thế này.
Họa sĩ Phan rút một điếu thuốc khác ra cầm ở tay, ngừng một lát rồi lại nói:
- Nhưng chị đã nhắc đến cô Thủy thì tôi cũng xin nói luôn để chị biết là trong đời tôi chỉ có hai người đàn bà đáng kể: là mẹ tôi với cô tôi. Mẹ tôi thì chỉ còn là một kỉ niệm thiêng liêng, nhưng cô tôi, mới chính là người đã chăm tôi từ bé. Bây giờ người đàn bà ấy vẫn cai quản cả nhà cửa, và của riêng của mẹ tôi để lại. Mỗi lần tôi ở xa về, đẩy cửa đi vào nhà tôi vẫn nắm lấy tay cô như hồi tôi lên bảy. Ngày nào tôi dẫn về trình diện với cô tôi một người bạn trăm năm thì tôi muốn rằng cô tôi sẽ thấy đó là một người đàn bà lý tưởng của tôi, tức là của mẹ tôi.
Phan thấy Đạm tủm tỉm cười có vẻ suy nghĩ và cảm động, thì cũng cười theo.
- Ừ, không hiểu sao tôi lại nói với chị những chuyện như thế này, vì chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Đây là lần đầu mà tôi nói ra lời vậy. Có lẽ cũng tại chị khác tất cả mọi người mà tôi quen biết. Chị sẵn lòng tốt nghe tôi nói phiếm hơn là các cô khác ở đây, một đôi khi.
Tự dưng Đạm thấy có một sự gì khó khăn cản trở, như khi người ta đứng trước một bức tường cao quá, không thể vượt được. Tư tưởng của nàng không tìm thấy lối ra. Sự tin cẩn của Phan làm cho nàng cảm động thật tình. Những lời vừa nói của Phan để lộ cho nàng thấy một người đàn ông khác của Phan. Một người đàn ông mà bề ngoài người ta tưởng là nông nỗi, ăn chơi, thạo việc xã giao, nhưng kỳ thực chỉ là để giấu kín một cái đời trầm lặng mình yêu quý.
Không hiểu sao Đạm bỗng kêu lên:
- Tôi rất muốn biết bà cô của anh hôm nào anh về trại nhà. Mắt Phan bỗng sáng lên vì vui thích.
- À, thế thì còn gì hay hơn nữa.
Để rồi tôi cũng phải mời các bạn của tôi về một lần, như bà Hân mời mọi người bạn của con bà đến đây nghỉ mát mới được. Lúc đó rồi chị sẽ được biết cô tôi hơn, và chị sẽ cùng đồng ý với tôi rằng đó là một người đàn bà đáng kính.