Đại Lãn biên soạn
Hồi thứ mười ba
Tần Hán hạ sơn cứu sư huynh
Đinh San trổ phép đuổi yêu đạo

Đậu Nhất Hổ tuân lệnh, đến canh hai liền độn thổ qua trại quân Liêu, chẳng cần tìm kiếm cũng biết là nơi Phi Bạt thiền sư đang ngồi bởi vì khi ấy Tô Bảo Đồng đang cho mở tiệc ăn mừng, treo bảo bối phi bạt lên ngọn cờ cho quân tướng chiêm ngưỡng, gọi là hội Tế Bảo.
Đậu Nhất Hổ nghe phía trên có tiếng người ăn uống cười nói ồn ào liền thò đầu lên quan sát. Chẳng ngờ Phi Bạt thiền sư nhìn thấy, bèn ghé tai Tô Bảo Đồng báo cho biết, nói đừng kinh động để địch nhân biết mà chạy trốn. Sau đó Phi Bạt thiền sư lấy một bảo bối khác tên là Kim Cương chỉ địa ném ra, niệm chú làm cho đất cứng lại như gang thép.
Đậu Nhất Hổ thấy đột ngột Phi Bạt thiền sư dùng tới bảo bối thì biết mình đã lộ hình tích, kinh hoảng toan chui xuống đất bỏ trốn thì đã không kịp mất rồi, hai cái mảnh phi bạt từ trên cao bay xuống hợp lại làm một, giam Đậu Nhất Hổ vào giữa. Đậu Nhất Hổ dùng đao cố cạy miệng chui ra nhưng phi bạt cứng như kim cương, không sao thành công nổi. Đậu Nhất Hổ hết sức chán nản, ngồi bó gối thở dài một hồi, chợt nghĩ:
- “Ta vì tham sắc đẹp của Tiết tiểu thư mà thành ra bị hại. Tuy nhiên trước kia sư phụ có ban cho ta một viên linh đan, bặn bao giờ gặp nạn thì uống vào, có lẽ chính là bây giờ chẳng sai.”
Đậu Nhất Hổ nghĩ xong liền thò tay vào trong túi tìm viên linh đan, sau khi uống xong thấy tinh thần sảng khoái hẳn lên, chẳng còn biết đói khát gì nữa nên yên tâm ngồi trong cái bạt ấy mà chờ đợi. Khi ấy Tô Bảo Đồng định lôi Đậu Nhất Hổ ra chém quách nhưng Phi Bạt thiền sư ngăn lại, cười nói:
- Tên này là đệ tử của Vương Thiền lão tổ, chưa chắc chém chết được. Nay ta giam trong đó thì dù thần tiên sau bảy ngày cũng tan thành đống máu, cần gì phải ra tay?
Tô Bảo Đồng nghe vậy mới yên lòng, cùng hai vị quốc sư ăn uống cho đến tận sáng. Trong khi ấy Tiết Nhơn Quý thấy trời sáng hẳn mà Đậu Nhất Hổ chưa về thì rất nghi ngại, sai Trình Thiên Trung lên địch lâu xem thử bên trại Liêu có bêu đầu Đậu Nhất Hổ hay chưa. Nghe Trình Thiên Trung về báo là không thấy động tĩnh gì, Nhơn Quý cũng hơi mừng là Đậu Nhất Hổ chưa chết nhưng lại buồn bực vì như thế là hết cách đối địch.
Nhơn Quý đang ngồi suy nghĩ, chợt nghe quân sĩ vào báo có Thiết Bảng đạo nhân đến khiêu chiến thì hội chư tướng đến soái phủ thương nghị, nói:
- Trước kia là hòa thượng, bây giờ là đạo sĩ, có lẽ toàn là bàng môn tả đạo. Vì thế chúng ta không nên ra đánh vội, chờ ba ngày nữa để xem tin tức Đậu Nhất Hổ ra sao rồi hãy tính.
Các tướng đều xin nghe theo, vì thế Nhơn Quý sai quân lên thành treo bảng miễn chiến bài. Thiết Bảng đạo nhân thấy vậy cười ngất, lui quân về trại nghỉ ngơi.
Khi ấy tại Liên Hoa động núi Song Long là nơi Vương Thiền lão tổ tu hành. Lão tổ đang ngồi thiền định, chợt thấy tinh thần máy động thì biết là có việc nguy cấp, vội vàng đánh tay bói một quẻ. Khi biết đệ tử Đậu Nhất Hổ của mình đang bị lâm nạn, lão tổ liền gọi Tần Hán đến nói:
- Sư huynh của ngươi bị nạn nơi Tỏa Dương thành. Nay ta ban cho hai bảo bối là Phi Thiên mạo và Nhập Địa hài cùng một lá linh phù, hạ sơn xuống trần cứu sư huynh cho mau. Sau đó ngươi theo Tiết nguyên soái chinh Tây mà lập công, sẽ gặp lương duyên tốt đẹp.
Tần Hán từ trước tới nay không dám hỏi sư phụ về thân phận của mình, nhân dịp này liền xin được biết để đối xử với mọi người cho đúng. Vương Thiền lão tổ gật đầu nói:
- Ngươi chính là con trưởng của Tần Hoài Ngọc, phò mã triều Đường nhưng đã chết khi khởi đầu việc chinh Tây. Khi ngươi ba tuổi, ta đi ngang qua hoa viên thấy ngươi có duyên phận nên nổi trận gió mang về đây nuôi dưỡng, đến nay đã mười ba năm. Nay cơ trời đã tới, ta cho ngươi xuống núi lập sự nghiệp công danh, tuy nhiên bản tính ngươi rất háo sắc, phải cố mà giữ gìn mới thành người tốt đẹp được.
Tần Hán nghe xong cúi đầu xin tuân theo, lãnh nhận bảo bối rồi từ biệt sư phụ xuống núi. Đang đằng vân, Tần Hán chợt thấy có một tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, đứng tựa gốc tùng nhìn mình mà cười thì không sao nhịn nổi lòng dâm, lập tức hạ xuống mở lời trêu chọc. Tiên nữ ỏng ẹo nửa như chịu nửa như không khiến Tần Hán bừng bừng như bị lửa đốt, xông vào ôm lấy định giở trò mây mưa cho thỏa lòng dâm.
Chẳng ngờ trong chớp mắt tiên nữ biến đâu mất còn mình thì đang ôm chặt gốc cây tùng, hai tay dính cứng. Khi ấy Tần Hán mới hiểu ra là sư phụ thử lòng, vội vàng nói lớn:
- Đệ tử đã biết tội rồi, từ nay trở đi không dám làm càn như thế nữa.
Tần Hán vừa nói xong thì trên không có tiếng Vương Thiền lão tổ nói vọng xuống:
- Nghiệt súc! Ngươi vừa mới vâng vâng dạ dạ thế mà rời núi chưa đầy nửa khắc đã phạm tội rồi. Vì việc gấp nên ta tha cho lần này, nếu tái phạm thì đừng trách.
Lão tổ nói xong tự nhiên Tần Hán hai tay rời khỏi gốc tùng, vội quỳ xuống tạ ơn rồi cấp tốc đằng vân xuống thành Tỏa Dương. Khi ấy Nhơn Quý đang cùng các tướng thương nghị quân cơ, chợt thấy có một người thấp lùn bay xuống thì lại tưởng là Đậu Nhất Hổ. Đến khi người này bước vào xá dài chứ không lạy, Nhơn Quý nhìn kỹ mới biết là lầm, cau mặt hỏi:
- Ngươi là yêu quái ở đâu, dám đến đây trêu chọc bản soái?
Tần Hán cúi đầu, thưa:
- Tôi chính là cháu nội của Tần Thúc Bảo, con của Tần Hoài Ngọc tên là Tần Hán. Khi lên ba tuổi đi dạo hoa viên được Vương Thiền lão tổ mang về nuôi dạy. Nay được lệnh sư phụ xuống cứu sư huynh là Đậu Nhất Hổ và giúp nguyên soái diệt trừ bằng hết bọn yêu đạo.
Nhơn Quý nghe xong hết sức mừng rỡ nhưng không nhịn được cười thầm bởi vì hình như đệ tử của Vương Thiền lão tổ người nào cũng thấy lùn. Nhơn Quý cố nhịn cười nói ngay:
- Đậu Nhất Hổ biệt tăm đã bảy ngày rồi, nếu tướng quân có lệnh của sư phụ thì mau đi cứu ngay kẻo trễ.
Tần Hán vâng lệnh cùng em là Tần Mộng hàn huyên mấy lời rồi bay sang trại quân Liêu, lén giết chết một tên quân có đeo lệnh bài, lấy quần áo mặc vào. Đọc lệnh bài, Tần Hán biết tên quân này là Hắc Đắc Cường thì rất yên trí, ung dung tìm đường vào dinh.
Tần Hán chợt nhìn thấy tên một tên quân cầm lệnh tiễn đi có vẻ hối hả thì chặn lại hỏi thăm có việc gì không. Tên quân này ngay tình cho biết mình đang đi đến đại trướng dẫn Đậu Nhất Hổ về cho quốc sư đốt chết vì hạn bảy ngày đã tới. Tần Hán nghe vậy mừng thầm trong bụng, giết chết tên quân ấy rồi chạy đến nguyên soái trướng bẩm báo cho Tô Bảo Đồng biết.
Tô Bảo Đồng thấy đó là lệnh tiễn thật thì chẳng nghi ngờ chi cả, sai quân giao cái bạt cho Tần Hán mang về. Tần Hán cả mừng, ra khỏi trướng liền dùng phép đằng vân bay tuốt về thành, đặt cái bạt trước sân rồi vào trình với nguyên soái. Nhơn Quý cả mừng, lập tức sai quân dùng cây gậy sắt cạy gỡ hai mảnh bạt ra nhưng dùng hết cách, cả đến búa nặng mà không sao làm cho cái bạt ấy suy suyển được tí nào.
Tần Hán đứng nhìn, chợt nhớ đến đạo linh bùa sư phụ ban cho, lập tức lấy dán vào miệng bạt, chỉ trong chớp mắt hai mảnh bạt tự động mở toác ra. Đậu Nhất Hổ từ trong nhảy ra, không dám nhìn mọi người, diện mạo đỏ bừng vì hổ thẹn. Nhơn Quý thấy vậy cũng thương hại, mở lời an ủi:
- Đậu tướng quân nhịn đói đã bảy ngày thì chẳng cần đa lễ, về dinh nghỉ ngơi đi.
Sau đó Nhơn Quý truyền cho quân hạ miễn chiến bài xuống, sửa soạn ngày mai xuất quân giao đấu. Trong khi ấy ở bên trại Liêu, Phi Bạt thiền sư biết có người lừa lấy phi bạt của mình thì rụng rời tay chân, than dài:
- Công phu tu luyện của ta trong bấy lâu nay mới được bảo bối ấy, nay bị mất thì lấy gì dương danh với thiên hạ.
Thiết Bảng đạo nhân cười, khuyên nhủ:
- Mất một cái phi bạt thì đã sao? Tôi còn đủ mười hai cây thiết bảng đây, thừa sức đánh tan bọn quan tướng nhà Đường rồi.
Nói xong, Thiết Bảng đạo nhân hung hăng điểm quân kéo tới trước thành khiêu chiến. Nhơn Quý liền cấp cho Tần Hán ba ngàn quân mở cửa thành ra đối địch. Thấy tướng mạo của Tần Hán thấp lùn, Thiết Bảng đạo nhân cười mỉa, nói:
- Chắc Đường triều hết tướng rồi mới sai ngươi ra trận.
Tần Hán giận quá chẳng thèm đáp lại, bất ngờ múa roi đánh tới tấp khiến Thiết Bảng đạo nhân không sao xoay trở kịp, rốt cuộc phải nhảy xuống ngựa mới giữ được thế cầm đồng, rảnh tay lấy thiết bảng quăng lên. Tần Hán lập tức xỏ chân vào Nhập Địa hài, chui xuống đất rồi chạy về thành. Thiết Bảng đạo nhân thấy vậy rất kinh sợ, vội rút quân về chứ không dám hung hăng như trước nữa.
Hôm sau, Tần Hán nghe báo Thiết Bảng đạo nhân lại đến khiêu chiến thì liền xin đi. Nhơn Quý trong ý không muốn nhưng Tần Hán năn nỉ quá, quyết hôm nay sẽ trổ tài nên rốt cuộc phải bằng lòng. Lần này Thiết Bảng đạo nhân chẳng thèm nói năng gì cả, vừa thấy Tần Hán là niệm chú khiến cho trời đất tối đen như mực để tìm cơ hội đánh giết. Tần Hán thất kinh hồn vía, vội lấy Phi Thiên mạo ra đội vào, bay vút lên tận mây xanh.
Thiết Bảng đạo nhân thấy vậy cũng kinh hãi, nghĩ thầm:
- “Hôm qua hắn chui xuống đất, hôm nay bay lên trời thì thật là thần thông. Ta chẳng nên cố sức làm gì, nếu thất bại e rằng mang tiếng với Tô nguyên soái.”
Vì thế Thiết Bảng đạo nhân rút quân về trại. Riêng Tần Hán biết mình chỉ có hai món bảo bối đó không thể đánh nổi với Thiết Bảng đạo nhân nên cũng bay về thành. Ngày hôm sau nữa, Thiết Bảng đạo nhân vẫn chưa kinh sợ, vẫn dẫn quân đến khiêu chiến khiến Nhơn Quý hết sức lo lắng chẳng biết sai ai ra đối phó. Thấy vậy mấy vị tổng binh kết nghĩa đồng bước ra xin được xuất chiến.
Nhơn Quý tuy không bằng lòng nhưng vẫn không khỏi lo lắng, cho luôn Đậu Nhất Hổ và Tần Hán đi theo lược trận. Thiết Bảng đạo nhân thấy các tướng Đường xông ra quá đông thì sợ hãi lập tức dùng hết mười hai cây Thiết Bảng quăng lên một lượt. Mấy vị tổng binh chưa kịp đối phó thì đã bị thiết bảng bay xuống tới tấp, đánh chết trong chớp mắt.
Tần Hán và Đậu Nhất Hổ vô cùng kinh sợ, nghiến răng xông vào đánh với Thiết Bảng đạo nhân để cho quân sĩ cướp xác các vị tổng binh mang về.
Nhơn Quý nghe tin này hầu như chết ngất cả người, khóc thương các anh em kết nghĩa mãi không thôi. Trình Giảo Kim thấy vậy liền bước đến khuyên:
- Trước kia nguyên soái bị phi phiêu, nhờ dùng linh đan của Đinh San mà khỏi nạn. Nay thử dùng linh đan ấy thì may ra có thể cứu sống được các vị tổng binh.
Nhơn Quý túng thế đành phải xuống lệnh thả Đinh San ra, hỏi về số linh đan còn lại. Đinh San thưa:
- Sư phụ ban cho con một hồ lô, mới dùng một viên nên còn đủ số để cứu các vị thúc thúc, xin phụ thân đừng lo lắng.
Nói xong, Tiết Đinh San lấy linh đan ra hòa với nước, cạy miệng đổ vào, trong chốc lát các vị tổng binh đều sống lại khỏe mạnh như xưa. Trong khi ấy Thiết Bảng đạo nhân không hề hay biết, trở về khoe công trạng với Tô Bảo Đồng, cho rằng quân tướng nhà Đường bị phen này đều khiếp vía kinh hồn, có thể công phá thành trì được rồi. Tô Bảo Đồng nghe theo, xuống lệnh sai Thiết Bảng đạo nhân dẫn quân tiến đánh cửa đông; Phi Bạt thiền sư đánh cửa nam; Tô Bảo Đồng đích thân đánh cửa bắc, còn cửa tây bỏ trống.
Thấy quân Liêu đồng loạt tấn công, Nhơn Quý vội phân phó các tướng ra chống cự. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ dẫn ba ngàn quân ra cửa nam, Tiết Đinh San và Đậu T Bình Liêu vương, đời nào chịu sánh duyên cùng nữ tặc.
Phàn Lê Huê nghe mắng liền nổi giận, niệm chú khiến cho trời đất bỗng nhiên tối tăm mù mịt, cát bay đá chạy cuồng loạn. Nhân lúc Tiết Đinh San đang mặt mày tối tăm, Phàn Lê Huê xông tới bắt sống, trói nghiến rồi mới thâu phép về, chỉ mặt Đinh San nói:
- Nếu ngươi chịu cùng ta kết hôn thì được sống, trái lại đừng trách ta vô tình.
Tiết Đinh San thấy tình hình này khó thoát nổi nên gật đầu, giả bằng lòng ưng chịu. Phàn Lê Huê mừng lắm, bắt Đinh San phải thề thốt thì mới tin. Đã lỡ dối trá, Đinh San đành phải lớn tiếng thề:
- Nếu Đinh San này bội ước thì sẽ bị treo lơ lửng giữa trời.
Phàn Lê Huê nghe vậy liền hối quân mở trói. Tiết Đinh San lên ngựa chạy một đoạn, khi thấy chắc chắn đã được thả mới quay đầu lại, lớn tiếng mắng:
- Phàn Lê Huê! Ta bị tà phép của ngươi nên mới bị bắt, đành phải hứa dối cho qua chuyện chứ đời nào lại ưng chịu dễ dàng như thế?
Mắng xong, Tiết Đinh San không để Phàn Lê Huê trả lời, múa kích đánh liền. Phàn Lê Huê hết sức nổi giận, đón dỡ mấy hiệp thì bỏ chạy lên núi. Khi thấy Tiết Đinh San đuổi theo đến giữa chừng, Phàn Lê Huê niệm thần chú biến mất, phong cảnh cũng đổi ra khác hẳn. Đinh San nhìn chung quanh chỉ thấy toàn là vách đá lởm chởm, không hề có đường lên hay xuống, thì kinh hoảng vô cùng, cứ đứng sững mà nhìn. Chợt thấy có một tiều phu đang đi trên cao, Đinh San mừng rỡ gọi lớn, xin chỉ đường cứu mình. Tiều phu quay lại, nhìn xuống tỏ vẻ rất ngạc nhiên hỏi:
- Sao tướng quân xuống được vậy? Nơi đây chẳng có đường lối nào cả, nếu muốn lên thì buộc dây vào lưng, lão sẽ kéo giúp cho.
Tiết Đinh San cả mừng, với sợi dây lão tiều phu vừa thòng xuống, buộc ngang lưng thật chặt rồi nói:
- Tôi buộc rồi, lão kéo lên đi.
Chẳng ngờ lão tiều phu kéo nửa chừng thì buộc vào gốc cây lớn rồi cười nói:
- Tôi đi ăn cơm đây. Tướng quân đã thề thốt như thế nào thì cố mà chịu, đừng kêu la làm gì, nơi đây chẳng có ai đâu.
Nói xong, lão tiều phu bỏ đi ngay. Tiết Đinh San còn đang kinh hoảng chưa biết làm sao, chợt có mấy con chuột núi ở đâu chạy lại, cứ nhè sợi dây mà gặm. Tiết Đinh San sợ quá, thất thanh kêu cứu tuy biết rằng như vậy chỉ là vô vọng mà thôi. Ngờ đâu lại có một tiểu thư cùng với tám a hoàn đi tới. Nghe tiếng kêu, tiểu thư này liền nói với bọn a hoàn:
- Các ngươi hỏi xem người ấy là ai, vì sao lại bị treo lơ lửng ở đây.
A hoàn vâng lệnh chạy tới hỏi ngay. Tiết Đinh San đành phải trả lời:
- Tôi là Tiết Đinh San, Nhị lộ nguyên soái của Đường triều. Hôm nay giao đấu với yêu nữ Phàn Lê Huê bị nó lừa lên núi, sau đó bị lão tiều phu dối trá treo trên vách núi. Nếu bằng lòng cứu giúp ơn ấy tôi nguyện chẳng dám quên.
Bọn a hoàn nghe vậy bỏ đi một lúc rồi mới quay lại nói:
- Nếu muốn được cứu thì phải bằng lòng ưng chịu một điều kiện của tiểu thư tôi mới xong.
Lúc ấy mấy con chuột đã cắn gần hết sợi dây nên Tiết Đinh San chẳng cần biết đó là điều kiện gì, gật đầu bằng lòng ngay. Bọn a hoàn liền xúm lại kéo Đinh San lên. Không thấy tiểu thư đâu, Đinh San ngạc nhiên hỏi thì được bọn a hoàn cho biết:
- Tướng quân cứ đến vườn hoa trước mặt là gặp. Tiểu thư chúng tôi họ Thôi, là con của Binh Bộ thượng thư, không phải là người tầm thường đâu. Vì thế tướng quân nên giữ đúng lời, chớ bội ước mà rước nguy hiểm.
Tiết Đinh San nghe vậy nhờ mấy a hoàn dẫn đường tới đó. Thấy tiểu thư đang ngồi uống trà, Đinh San liền bước đến gần bái tạ, hỏi:
- Tiểu thư có điều kiện gì muốn Đinh San này thi hành chăng?
Thôi tiểu thư gật đầu mỉm cười nói:
- Thật ra điều kiện này cũng không có gì khó khăn. Phàn Lê Huê vốn là chị em với tôi, nếu tướng quân bằng lòng kết lương duyên thì tôi sẽ đứng ra làm mai mối, long phụng vui vầy. Bằng tướng quân bội ước không nghe theo thì đừng mong trờ về nhìn lại gia đình.
Đinh San đành phải chối quanh:
- Đúng là điều này không có gì khó nhưng tôi còn nhỏ tuổi mà đã có hai vợ thì thật không dám đèo bồng thêm nữa.
Thôi tiểu thư nghe vậy cả giận, mắng lớn rồi sai a hoàn trói nghiến Đinh San lại. Thình lình có tiếng sấm sét nổ vang, chấn động cả một vùng khiến Đinh San ù tai hoa mắt, tối tăm cả mặt mũi. Khi trời yên đất lặng, Đinh San mở mắt ra thì chẳng còn thấy Thôi tiểu thư cùng vườn hoa ở đâu nữa, chỉ có mình đang ngồi trong cũi còn Phàn Lê Huê đứng trước mặt quát hỏi:
- Ngươi là tên vong ân bội nghĩa, mấy lần chẳng giữ lời thề. Lần này là cuối cùng, nếu ngươi không bằng lòng việc hôn nhân thì ta quyết chém đầu chẳng tha.
Bất đắc dĩ Tiết Đinh San phải nói:
- Tiểu thư bằng lòng tha chết thì ngày mai tôi sẽ cho người đến mai mói, nếu bội ước sẽ chết dưới biển sâu muôn trượng.
Phàn Lê Huê nghe Tiết Đinh San nói vậy liền truyền quân mở cũi thả Tiết Đinh San ra. Chờ lấy ngựa kích xong, Tiết Đinh San nhảy thót lên, chỉ mặt Phàn Lê Huê mắng tràn:
- Tiện tì! Ngươi hai phen làm nhục thì ta đâu còn tình nghĩa với ngươi mà đòi cưới hỏi. Ngươi nằm mơ cũng chẳng thấy được đâu.
Mắng xong, Tiết Đinh San múa kích định đánh tiếp. Phàn Lê Huê biết trước như vậy nên không đón đỡ, niệm thần chú khiến Đinh San như bị búa đánh vào đầu, ngã lăn ra bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Đinh San thấy mình trôi lềnh bềnh trên mặt biển thì kinh hoàng hơn, ngỡ rằng phen này chắc chết tới nơi. Đinh San chợt thấy có một chiếc thuyền lớn đi tới, trên thuyền là một vị thế tử đang ngồi ngắm cảnh thì liền kêu cứu. Vị thế tử này nghe kêu thì cho người cứu Đinh San lên ngay nhưng khi biết mọi việc liền nói:
- Tuy ngươi thân phận cũng lớn nhưng Phàn Lê Huê theo lệnh sư phụ mở lời trước thì đáng lẽ ra ngươi đừng từ chối mới phải. Hai người mà hợp lực với nhau thì chắc chắn việc chinh Tây sẽ hoàn thành tốt đẹp.
Đinh San bướng bỉnh đáp:
- Phàn Lê Huê là đệ tử của tiên thì tôi cũng có sư phụ là Vương Ngao lão tổ. Nếu biết tôi bị nạn, thể nào sư phụ cũng đến cứu ngay.
Thế tử tức quá, sai quân buộc một viên đá lớn vào người Đinh San rồi quăng luôn xuống biển. Đinh San kinh hoảng đến ngất người đi, đến khi tỉnh lại tưởng như mình đã xuống âm phủ. Chẳng ngờ tỉnh táo lại một chút thì thấy mình vẫn còn nằm dài dưới đất, viên đá buộc nơi chân, chẳng sao nhúc nhích được. Đinh San chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì Phàn Lê Huê đi tới cười hỏi:
- Ngươi lại bị ta bắt lần nữa. Bây giờ ngươi tính sao đây?
Túng thế Đinh San đành phải năn nỉ xin tha mạng. Phàn Lê Huê liền nói:
- Ngươi đã hai lần bội thề thì không thể tin được. Nếu ngươi không thề nặng thì ta quyết không tha cho đâu.
Tiết Đinh San không còn đường nào khác đành phải lớn tiếng thề:
- Lần này tôi còn phụ bạc tiểu thư nữa thì xin trời đất trừng phạt cả nhà chết bằng đao kiếm.
Phàn Lê Huê nghe Đinh San thề nặng thì xúc động vô cùng, êm ái nói:
- Tôi chờ đợi ngày này lâu rồi, xin chàng mai đến sớm một chút rồi chúng ta cùng về thành lo toan việc chinh Tây.
Tiết Đinh San không đáp, lẳng lặng lên ngựa về thành, ra mắt Nhơn Quý thuật hết đầu đuôi nhưng vẫn quyết không chịu theo lời kết hôn. Đậu Tiên Đồng và Kim Định nghe vậy rất cảm động, trong lòng đã muốn khuyên lang quân nên giữ lời hứa cho trọn đôi bề. Riêng Trình Giảo Kim thì cười ngất nói:
- Thánh thượng quả là có hồng phúc rất lớn. Theo lão thì chẳng bao lâu nữa việc bình Tây Liêu sẽ kết thúc.
Nhơn Quý ngơ ngác hỏi nguyên do thì Trình Giảo Kim giải thích:
- Phàn Hồng là danh tướng được an đến tước vương tất nhiên là mưu cơ tài giỏi, nay con gái lại biết vãi đậu thành binh, chẳng tướng nào chống cự nổi mà nặng tình với lệnh lang thì tất phải quy thuận Đường triều. Như vậy việc đánh bắt Phiên vương dễ như trở bàn tay mà công đầu thuộc về nguyên soái, chẳng phải là thánh thượng có hồng phúc hay sao?
Nhơn Quý nghe vậy liền nhờ Trình Giảo Kim đứng ra làm mai mối hộ mình. Vốn là sở trường nên Trình Giảo Kim nhận lời đi ngay, lập tức về dinh sửa soạn lễ vật.