Chương 3
TÂM TRÍ CỦA BẠN

Chúng ta bị cuốn theo hướng những ý nghĩ chủ đạo của chúng ta
Hãy thử bỏ chút ít thời gian xem xét thử những ý nghĩa của bạn ảnh hưởng đến đời sống của bạn như thế nào. Có thể một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà bạn nên biết về trí óc của bạn là bạn sẽ tuân theo cái mà bạn nghĩ nhiều nhất.
Tôi gặp một người phụ nữ. Cô ta nói: "Khi tôi còn nhỏ, tôi nói là mình sẽ không bao giờ lấy một người tên là "Smith", tôi sẽ không lấy người trẻ hơn tôi, tôi sẽ không bao giờ rửa đĩa để kiếm sống. Thế mà lại phải làm cả ba việc này!"
Ghét của nào trời trao của đó!
Bạn có từng nghe câu chuyện nào tương tự thế không? Bạn có bị rơi vào tình huống trên bao giờ chưa? Bạn có bao giờ tự nhủ: "Nếu có điều gì đó tôi không bao giờ muốn xảy ra...một câu hỏi tôi không muốn bị hỏi...một lỗi lầm tôi không muốn mắc phải...và bạn đoán thử xem tôi được gì?"
Nguyên tắc này là: "Hễ nghĩ đến cái gì đó là bạn sẽ làm theo hướng đó ngay". Ngay cả điều mà bạn không muốn,bạn cũng sẽ hành động theo hướng dó. Ðó là do đầu óc của bạn sẽ bị điều đó hút vào chứ không phải đẩy ra xa. Nếu tôi nói với bạn "Ðừng nghĩ đến một con voi lớn màu hồng, có đốm tím, tai lớn!", đầu bạn sẽ có gì nào? Một con voi!
Bạn có hay nghĩ "Mình phải quên điều này" và rồii quên đi được không? Ðầu bạn không thể rời khỏi cái ý nghi quên di.Nó có thể chuyển sang nhớ nhưng chỉ khi bạn nghĩ là "Tôi muốn nhớ cái đó".
Chính sự nhận biết hoạt động của trí óc sẽ giúp chúng ta xem xét những gì chúng ta đang nói với người khác và với chính chúng ta. Khi bạn nói với một đứa bé: "Đừng té khỏi cái cây đó!", bạn đang làm cho nó bị té! Nếu bạn tự nhủ: "Tôi không muốn quên quyển sách", bạn đang sắp sửa quên rồi.
Đó là vì đầu bạn hoạt động bằng những bức tranh. Khi bạn tự nhủ: "Tôi không muốn quên quyển sách", trong đầu bạn có hình ảnh về việc quên này. Dù bạn nói là "Tôi không muốn điều đó", tâm trí bạn vẫn bám lấy bức tranh này và kết quả là bạn quên quyển sách. Khi bạn nhủ mình "Tôi muốn nhớ quyển sách", bạn sẽ có hình ảnh là mình nhớ nó trong đầu và bạn sẽ có xu hướng nhớ hơn.
Trí óc bạn không muốn và không chịu lật ngược ý tưởng. Vì thế khi một huấn luyện viên hét lên với cầu thủ "Đừng đá trật", ông ta đang làm cho họ đá trật! Khi bạn nói với con mình "Đừng làm vỡ cái bình cổ 10.000 đô của và ngoại!", thì bạn đang gây ra tai họa đó!
Nhiều phụ huynh biết làm dịu tình huống bằng cách sử dụng ngôn ngữ vẽ nên bức tranh về kết quả mà họ mong muốn trong đầu con trẻ. "Đừng hét!" sẽ trở thành "Im lặng đi con". "đừng làm đổ mì lên áo của con" thành "Hãy cẩn thận khi con ăn". Sự khác nhau này dù nhỏ nhưng rất, rất có tác dụng.
Nguyên tắc này có thể giải thích tại sao bạn có thể lái chiếc xe cũ trong 15 năm mà không bao giờ làm xước nó…Vừa lái xe vừa nghĩ, "Mình không được làm hỏng chiếc xe này" sẽ rẩt nguy hiểm. Phải nghĩ là mình sẽ lái một cách an toàn.
Người chơi quần vợt thắng trận đấu quan trọng là vì anh ta luôn luôn nghĩ "Tôi muốn ghi điểm này. Nó là của tôi!". Người thua là người nghĩ "Mình không nên đánh quả này!"
Tương tự, người nói "Tôi không muốn bị bệnh" phải chiến đấu để không bị bệnh, còn người nói họ không muốn rỗng túi, không muốn cô đơn thì bị rơi vào chính tình trạng này
Đúc kết
Suy nghĩ tích cực sẽ thành hiện thực bởi vì người ta bám vào suy nghĩ đó và làm đúng như thế. Hãy luôn nghĩ đến những điều bạn muốn.
Tiềm thức của bạn
Có lẽ bạn cũng lờ mờ biết được tiềm thức là gì và chúng hoạt động như thế nào. Có hàng trăm quyển sách viết về sức mạnh của tiềm thức.
Nói ngắn gọn, nếu tiềm thức tin vào cái gì đó thì bạn sẽ có được cái đó. Tác dụng và sự kiểm soát của nó có ý nghĩa to lớn đến nỗi cha để của nền tâm lý học Mỹ William James đã cho rằng nó là một phát minh lớn nhất trong mấy mươi năm trở lại đây.
Trí óc bạn như tảng băng mà khi bạn ngày càng nhận thức được thế giới bên ngoài thì cái phần được che dấu chính là phần có ảnh hưởng mạnh nhất. Tất cả các ý nghĩ được ý thức của bạn góp phần tạo nên cái tiềm thức đó. Khi bạn học cách ăn bằng dao hay bằng nĩa, bạn cần phần ý thức và phải nỗ lực rất nhiều. Cùng với thời gian, sự khéo của bạn trong việc sử dụng bộ đồ ăn sẽ trở thành một phần của chương trình tiềm thức cho nên bạn không thể đút thức ăn nhầm chỗ được! Các chức năng cơ thể, thái độ và tất cả các kỹ năng học được đều đã được cài vào tiềm thức của bạn.
Nếu bạn hỏi một người đánh máy 80 chữ/phút về vị trí của những phím chữ trên bàn phím, họ sẽ không nhớ được! Họ có thể bấm 5 phím trong một giây mà mắt nhắm lại, chỉ sử dụng tiềm thức của mình, nhưng họ không nói cho bạn nghe được các chữ cái được sắp như thế nào trên bàn phím trừ khi họ đặt tay lên bàn giả bộ đang đánh máy! Thú vị không bạn?
Claude Bristol đã viết trong cuốn sách "Ma thuật của niềm tin" của mình rằng "Khi ý thức là nguồn gốc của tư tưởng, thì tiềm thức là nguồn gốc của sức mạnh". Chính tiềm thức của bạn chứa các "chương trình" đi, nói, giải quyết vấn đề khi bạn đang ngủ, phục hồi cơ thể bạn, giữ tính mạng của bạn mỗi khi nguy hiểm và nhiều việc khác nữa.
Nó gồm tổng số những ý nghĩ có ý thức của bạn cho đến lúc này và bất cứ cái gì bạn gởi gắm trong tiềm thức của bạn bằng những suy nghĩ hằng ngày đang mang lại kết quả hiện tại cho cuộc sống của bạn, Chương trình tiềm thức của bạn sẽ chịu trách nhiệm về thành công và thất bại của bạn. Hơn nữa, không cần biết điều mà tiềm thức bạn tin là đúng có đúng hay không, bạn sẽ gặt hái hay chịu đựng cái mà chương trình bên trong của bạn đã quyết đinh là sẽ xảy ra.
Ví dụ, nếu bạn nói chuyện và nghĩ đến "thành công" thì chắc chắn bạn sẽ phát triển một ước muốn thành công. Bạn sẽ thu hút hay thể hiện nó.
Nếu trong ý nghĩ, bạn thường thích bị bệnh và cứ nói hoài về bệnh tật thì tiềm thức sẽ chấp nhận nó và bạn sẽ sẵn sàng mắc bệnh. Có thể là khi mắc bệnh, bạn không ý thức về điều này. Bạn lý luận là mình không muốn bị bệnh, không nghĩ đến việc bị bệnh và cũng không mong nó xảy đến. Tuy nhiên, chính tiềm thức đã làm cho bạn dễ mắc bệnh và cứ mãi như vậy cho đến khi bạn thay đổi chương trình bên trong này của mình.
Khả năng giải quyết vấn đề của tiềm thức thật kỳ diệu. Có thể bạn đã từng một lần nghĩ là mình đi nằm để suy nghĩ tìm ra giải pháp cho vấn đề nào đó, nhưng rồi bạn quyết đinh không lo nghĩ nữa và ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau bạn thức dậy và thấy là tiềm thức của mình đã tìm ra được câu trả lời và nói cho ý thức của bạn.
Cố gắng hiểu rõ hoạt động của trí óc không phải là việc dễ làm, nhất là khi bạn hiểu được rằng não con người là bộ phận phức tạp nhất đối với con người!
Đúc kết
Cứ nhớ là hằng ngày bạn tạo ra những chương trình trong tiềm thức của mình bằng suy nghĩ của mình, vì thế phải kiểm tra các suy nghĩ! Sử dụng đầu óc của bạn như những người thành công và hạnh phúc đã làm. Xem nó như não của những học giả, soạn giả, nghệ sĩ, nhà phát minh hay vận động viên vậy. Hãy cấy mục tiêu của bạn vào tiềm thức như thể bạn đã đạt được nó rồi. Ví dụ, nếu bạn muốn là người tự tin, hãy hình dung bằng chính trí tưởng tượng sáng tạo của bạn sự tự tin mà bạn có được. Xem như là bạn đã đạt được nó và bên trong đầu óc của bạn sẽ nghĩ đến việc mang lại kết quả cuối cùng lý tưởng nhất. Nếu bạn muốn giàu có, cũng làm như thế, cứ liên tục vẽ ra trong tâm trí hình ảnh kết quả lý tưởng. Hãy tự nhủ là bạn vui mừng với thành công và sự giàu có mà bạn mong ước và tiềm thức sẽ phục vụ cho bạn. Nguyên tắc này hoạt động thống nhất và tuyệt đối. Một số người cứ mất thời gian tìm kiếm sự giải thích logic và cố gắng tìm hiểu trong khi người hàng xóm đã áp dụng và trở nên giàu có, khỏe mạnh rồi. "Nếu có kết quả thì áp dụng liền". Tìm hiểu sau.
Trí tưởng tượng
"Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức" - Einstein
"Trí tưởng tượng thống trị thế giới". - Disraeli
Người ta ước lượng là chúng ta học được khoảng 70% kiến thức trong 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Khả năng tiếp thu cái mới của chúng ta cũng tốt nhất vào giai đoạn đó. Đây là thời gian mà trí tưởng tượng của ta phong phú nhất.
Cái sau giải thích cái trước. Chúng ta cần có trí tưởng tượng tốt mới có thể học nhanh và dễ dàng. Vì thế chúng ta cần biết đề cao trí tưởng tượng sáng tạo và nên kích thích, phát triển nó trong suốt thời gian trưởng thành.
Có khi ta nghe một ông bố hay bà mẹ than phiền: "Tôi lo cho thằng Johnny bé bỏng của mình quá, nó có một trí tưởng tượng phi thường!" Một số người lại cho là trí tưởng tượng của trẻ con chỉ để làm vui người lớn.
Một chân lý đơn giản rằng trí tưởng tượng là chìa khóa của khả năng học tập và giải quyết vấn đề và như thế những Edison và Einstein có một trí tưởng tượng tuyệt vời. Chẳng hạn, Albert Einstein đi đến những kết luận về không gian và thời gian bằng cách tưởng tượng chính ông bị phóng ra giữa các hành tinh và ông bay theo ánh trăng đi khắp nơi. Khả năng làm cho mình giống trẻ con đã làm cho ông thành một học giả vĩ đại
Một trí tưởng tượng tốt cũng rất cần cho trí nhớ. Đây là một lý do tại sao người già thường có trí nhớ kém - họ đã để cho trí tưởng tượng suy giảm đến nỗi trí óc không thể sáng tạo ra những hình ảnh có thể "gắn" với não của họ, Khi chúng ta thu nhận thông tin vào ngân hàng trí nhớ của mình, chúng ta sử dụng trí tưởng tượng và khả năng hình dung để tạo ra một bức tranh. Chính hiệu quả của việc tạo ra bức tranh này làm cho chúng ta nhớ lại thông tin dễ dàng.
Ngoài ra, trí tưởng tượng tốt cần thiết cho bạn khi bạn muốn thư giãn trí óc và thân thể. Ví dụ, nếu bạn có thể tập trung tưởng tượng ra một cảnh thiên nhiên nào đó, chẳng hạn cảnh biển, bạn sẽ có khả năng thư giãn tinh thần. Thật là một tài sản quý báu! Mặt khác, ai không có trí tưởng tượng tốt sẽ khó mà thư giãn được.
Đúc kết
Hãy rèn luyện trí tưởng tượng của bạn như với thân thể bạn vậy. Càng phát triển nó, bạn càng có khả năng giải quyết vấn đề và ghi nhớ tốt hơn.
Trí tưởng tượng và những giấc mơ
"Thành tích lớn nhất thoạt tiên là những giấc mơ. Nụ hoa chờ nở, chim chờ trong trứng và thiên thần náo động trong đỉnh cao của tâm hồn. Những giấc mơ là hạt giống của hiện thực".
James Allen
Chúng ta phải nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình, khả năng ước mơ....vì những người có thành tích cao từ khi lịch sử bắt đầu là những người mơ mộng, biết kết hợp mồ hôi và khát vọng để có được những đóng góp có một không hai.
Leonardo de Vinci lúc 12 tuổi đã thề rằng "Tôi sẽ trở thành một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trên thế giới và một ngày nào đó, tôi sẽ sống cùng với các ông vua và đi chơi với các hoàng tử".
Khi còn nhỏ, Napoleon đã ngồi hàng giờ tưởng tượng ra cảnh mình chinh phục Châu Âu, mơ về việc lãnh đạo và điều hành quân đội của mình. Phần sau của đời ông thì lịch sử đã nói.
Anh em nhà Wright biến giấc mơ của họ thành những chiếc máy bay. Henry Ford biến giấc mơ về chiếc xe hơi giá rẻ cho tất cả mọi người thành các dây chuyền sản xuất ô tô hàng loạt.
Ngay khi còn nhỏ, Neil Armstrong đã mơ đến việc lập thành tích trong lĩnh vực hàng không. Vào năm 1969, anh đã trở thành người đàn ông đầu tiên bay lên mặt trăng.
Mọi cái đều bắt đầu từ những giấc mơ. Hãy đứng bên giấc mơ của mình. Như một bài hát đã nói: "Nếu bạn chưa bao giờ mơ thì không có giấc mơ nào sẽ thành sự thật"
Diễn tập tinh thần
Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng để cải thiện hiệu quả làm việc vào những việc bạn làm như thế nào.
Cách đây vài năm, tạp chí Reader Digest đăng kết quả một cuộc thử nghiệm ở một trường trung học. Sinh viên có trình độ gần bằng nhau được chia thành 3 nhóm để kiểm tra khả năng ném banh qua một cái vòng. Nhóm đầu tiên thực hành mỗi ngày một tíếng trong một tháng. Nhóm thứ hai là nhóm chính của cuộc thử nghiệm không thực hành gì cả. Nhóm 3 thực hành bằng tưởng tượng một giờ mỗi ngày.
Nhóm được thực hành thực tế cải thiện khả năng được 2%. Nhóm không thực hành gì cả kém đi 2%. Nhóm 3 chỉ thực hành bằng tinh thần tiến bộ được 3.5%!
Điều này chứng minh điều mà nhiều người biết là thực hành bằng trí tưởng tượng mang lại kết quả không ngờ. Bạn có bao giờ tưởng tượng mình chơi gôn, diễn tập thử một cuộc phỏng vấn hay hình dung mình đang de xe vào bãi đậu xe....trước khi thật sự làm những điều này? Đó là sự diễn tập tinh thần mà chúng ta thường làm mà không hề nghĩ đến trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một quá trình tưởng tượng giống như trẻ con và quá trình tưởng tượng có giá trị to lớn của nó.
Bất kỳ khi nào bạn thực hiện một hành động, chẳng hạn đánh banh, thân thể bạn phản ứng lại với "chương trình" trong não bạn, giống như chương trình máy tính, bảo bạn "làm cái này hay làm cái kia". Nếu bạn lập một chương trình "tôi không thể làm cái này" tức là bạn đang giao trứng cho ác! Rõ ràng khi bạn nghĩ theo các hướng tốt, bạn sẽ dần dần chọn lọc được những chương trình tự động và đánh banh ngày càng tốt hơn.
Bây giờ nhiều người tin rằng cách tốt nhất để cải thiện một kỹ năng là thực hành trong thực tế. Không phải vậy! Chắc chắn là bạn có thể lập trình lại não của mình thông qua thực hành trò chơi, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Cách nhanh nhất để cải thiện tình hình là kết hợp thực hành bằng thực tế và bằng tinh thần.
Những phát minh khoa học mới nhất đã chứng minh được là khi bạn tưởng tượng ra chính mình đang làm điều gì đó, bạn thay đổi chương trình não của mình như bạn muốn khi bạn thực sự đang làm nó. Não bạn trải qua những thay đổi hóa điện luôn tạo ra những hành vi mới. Để cho kỹ hơn thì bạn có thể giả định là chúng ta muốn những khuôn mẫu của mình cũng hoàn thiện càng tốt trong não của mình. Vì thế chúng ta nhìn thấy nó với kết quả tốt nhất. Chúng ta cần thực hành cả bằng thực tế và cả bằng đầu óc. Bạn có thể chơi gôn hay hơn, nói chuyện trước công chúng hay hơn, tự tin hơn, lái xe giỏi hơn hoặc làm bất kỳ điều gì khác giỏi hơn bằng cách ngồi vào một chiếc ghế và diễn tập bằng đầu óc.
Các cuộc thử nghiệm liên tục chứng minh nguyên tắc này. Trong cuốn "Điều khiển học - Tâm lý", tiến sĩ Maxwell Maltz còn nêu ra những ví dụ về các cầu thủ bóng rổ hay người phóng phi tiêu đã tăng hiệu quả biểu diễn của họ thông qua sử dụng kỹ thuật này. Các vận động viên Olympic và những người chơi thể thao ban đầu sẽ hình dung trước, vì thế đôi lúc bạn thấy họ nhắm mắt trên sân để thực hành. Họ đang cấy những động tác biểu diễn tuyệt vời vào trong tiềm thức của mình để chơi cho tốt hơn. Tôi không phủ nhận giá trị của việc thực hành và luyện tập thực sự. Tôi muốn nhấn mạnh rằng hình dung kết quả cuối cùng tốt đẹp sẽ giúp chúng ta thực hiện khả năng của mình dễ hơn, ít mất công hơn.
Đúc kết
Giá trị lớn nhất của diễn tập tinh thần là bạn có thể tạo ra những mô hình thực hiện hoàn hảo trong não. Trong trí tưởng tượng của bạn, bạn không được phạm sai lầm. Từ điều này chúng ta học được bài học là nếu chúng ta liên tục nghĩ đến điều mình không muốn thì bạn sẽ có chính cái kết quả đó! Nhiều người sống cuộc đời mình theo cách đó, nghĩ đến điều họ sợ nhất và thắc mắc không biết tại sao nó lại xảy ra với họ! Tôi sẽ nói nhiều hơn về vấn đề này sau.
Từ bây giờ, bạn hãy tạo thói quen gạn lọc khả năng của mình thông qua tưởng tượng. Dù bạn đang dạy trong lớp học, đang xử lý một cuộc điện thoại khó hay lướt ván lần đầu tiên trong đời, hãy dành thời gian làm thật tuyệt những việc này trong trí tưởng tượng trước. Những người thành công nhất trên thế giới đã làm như thế, hãy học theo họ.