Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
CHƯƠNG NĂM
KHÔNG NẢN LÒNG TRƯỚC VẬN ĐEN

“Trong cuộc đời, lòng nhiệt tình và phương pháp tư duy còn trọng hơn cả năng lực. Giả dụ, có người năng lực tuy yếu nhưng luôn suy nghĩ cần phải làm việc gì đó cho mọi người và luôn nỗ lực không ngừng, thì người đó nhất định sẽ đạt được thành quả hơn hẳn người có năng lực nhưng cách tư duy sai lầm và thiếu nỗ lực. Các bạn đừng bao giờ nản chí nếu thấy rằng năng lực của mình yếu. Việc tư duy đúng và nỗ lực không mệt mỏi sẽ nuôi dưỡng bạn trưởng thành.”
MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC ĐỜI – TÂM HỒN CAO THƯỢNG
Tôi là người sáng lập Công ty Kyocera và nuôi dưỡng nó trong suốt hơn 40 năm. Đến nay, Kyocera đã trở thành một công ty khổng lồ. Và một công ty khác, Công ty Dainhi Denden do tôi lập ra sau đó - hiện nay là công ty KDDI- cũng trở thành công ty lớn.
Ngoài ra, tôi còn được rất nhiều trường đại học trao danh hiệu Tiến sĩ danh dự, được nhiều đoàn thể và quốc gia trao giải thưởng và huân chương cao quý.
Phải chăng tôi là một vĩ nhân? Không, không phải như vậy. Các bạn nên nhớ rằng: những người nổi tiếng được cả thế giới thừa nhận là vĩ nhân thật ra đều là những con người rất đỗi bình thường.
Mục đích cuộc đời của tôi ở chỗ: Phải trở thành người tốt. Người tốt là người có tâm hồn cao đẹp. Tâm hồn cao đẹp và luôn quan tâm tới người khác. Đối với tôi, việc luôn quan tâm đến người khác là điều rất quan trọng.
Người luôn quan tâm đến người khác nói một cách khác là người có lòng nhân hậu. Mục đích cuộc đời tôi là trở thành người có tâm hồn cao đẹp, có lòng nhân hậu, luôn quan tâm đến người khác.
Có nhiều người muốn trở thành tổng giám đốc công ty lớn, muốn trở thành tỷ phú… Nhưng, ở góc độ ý nghĩa cuộc sống, mục đích sống, thì những ước muốn như thế hoàn toàn không có một chút giá trị nào. Đứng ở góc độ làm người thì cuộc đời chỉ có giá trị khi người đó đã trở thành con người tuyệt vời đến độ nào. Đó cũng là lý do mà giới tự nhiên, vũ trụ và Thần Phật mang đến biết bao thử thách cho chúng ta. Những thử thách đó không chỉ là những hoạn nạn hay bất hạnh mà còn là sự thành công nữa.
GIAN NAN RÈN LUYỆN MỚI THÀNH NHÂN
Thời trẻ, biết bao lần tôi gặp thất bại và nản chí. Nhưng, cũng có người thành công rất sớm và cuộc đời luôn thuận buồm xuôi gió. Ví dụ, trong giới kinh doanh mạo hiểm (venture business) có không ít người thành lập công ty từ rất sớm, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch và mới ngoài 30 tuổi mà đã có tài sản lên tới hàng trăm tỷ yên. Người ngoài nhìn vào thì nghĩ: anh ta sao mà sung sướng thế. Nhưng, đối với những người trong cuộc như anh ta thì sự thành công cũng là một thử thách. Mà thử thách đó là do ông Trời mang lại. Và ông Trời muốn biết con người anh ta thay đổi ra sao trước thử thách đó.
Con người thường ngạo mạn và xa hoa vì gặt hái thành công và có địa vị từ quá sớm. Nhưng có vay thì có trả. Sự thành công thường là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng, chỉ tiêu đúng mức, tính toán chi li, không hoang phí. Tuy vậy, sau những thành công thì con người hay dành nhiều tiền bạc và thời gian vào các thú vui, chơi bời… Ngoài ra, mới vừa thành công đã lên mặt huênh hoang. Như thế thì thành công cũng chỉ đến trong phút chốc. Đến cả tài sản và địa vị phải vất vả lắm mới có được, cũng sẽ biến mất lúc nào không hay. Và cuộc đời sẽ trở nên bi đát.
Thà rằng đừng sớm thành công và nếu như tiếp tục nghiêm túc trong công việc và cuộc sống thì đâu đến nỗi… Hối hận thì đã muộn. Những ví dụ như trên thì vô vàn, kể ra không hết.
CHẤP NHẬN ĐỐI ĐẦU VỚI THỬ THÁCH
Tôi cũng có kinh nghiệm tương tự.
Câu chuyện xảy ra trong lần hội lớp tiểu học, tổ chức ở tỉnh Kagoshima. Tôi có đến tham dự. Vả lại trước đó bạn bè đã nhắn tin: “Cậu phải đến nhé, mọi người ai cũng mong gặp lại cậu đấy.”
Ngày hội lớp, mọi người kéo đến đông vì bạn bè đều muốn gặp và hỏi chuyện tôi - một người được coi là thành đạt trong sự nghiệp. Các bạn tôi mỗi người mỗi vẻ. Có người thì làm công ăn lương, sắp về hưu. Có người thì kinh doanh cửa hàng.
Bạn bè gặp lại nhau mừng mừng rỡ rỡ. Những lời thăm hỏi những câu chuyện về quá khứ thật rôm rả vui vẻ. Trong không khí đó, có một người - từng là lớp trưởng, đỗ vào trường trung học mà tôi trượt - nhắc lại câu chuyện từ thuở đi học. “Có một lần, tớ mặc đồng phục đang trên đường đến trường thì gặp cậu đi ngang qua. Cậu chẳng nói chẳng rằng, chỉ lườm tớ một cái rồi đi thẳng. Đến tận bây giờ, tớ vẫn không thể quên được cái trừng mắt như giận dữ, ghen tức của cậu lúc đó.”
Tôi thì chẳng nhớ gì cả. Có lẽ cũng có chuyện đó thật. Vì lúc đó tôi đang trong tâm trạng buồn chán. “Tại sao số mình lại đen thế này? Vì sao mình toàn gặp những điều không may thế này? Thi lần nào cũng trượt…” Vì thế việc tôi ghen tức với bạn tôi - học giỏi, đỗ vào trường tốt – là chuyện có thật.
Về sau, tôi có nghe anh kể lại, sau khi học lên trung học Kagoshima, nhà anh bị trúng bom cháy sạch, gia cảnh tan nát. Thời đó, trẻ mồ côi do chiến tranh đầy rẫy, ở khu phố nào cũng đều có các băng nhóm trẻ bụi đời. Anh tham gia vào một băng, làm điều xấu, từ đánh lộn đến lừa đảo, trộm cắp. Cuộc đời chẳng đâu vào đâu. Thế rồi, may sao như anh nói: “Mình tỉnh ngộ vì nhận ra, nếu sống như thế mãi thì cuộc đời hỏng mất. Mình bắt tay làm lại từ đầu. Nhờ thế mới có ngày hôm nay.”
Thành công nhỏ nhoi thời niên thiếu khiến cho cuộc đời anh đảo lộn.
Chắc các bạn đã hiểu điều tôi muốn nói thông qua câu chuyện của con người và sự việc cụ thể. Đó là trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là dù có thành công sớm thì cũng đừng vì thế mà vội hài lòng, vỗ ngực huênh hoang. Ngược lại, trước hoạn nạn hay thất bại cũng đừng vì thế mà buông xuôi, đầu hàng. Tất cả những thứ thành công, hoạn nạn, thất bại đều là những thử thách do Trời Phật mang lại. Và thiện ý của Trời Phật là muốn chúng ta hãy vượt qua mọi thử thách và hãy tiếp tục cuộc sống. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là thái độ của chúng ta trước thất bại và thành công ra sao? Việc chấp nhận thử thách, không ngừng nỗ lực vượt qua thử thách cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện bản thân.
GƯƠNG TÔI LUYỆN TRONG THỬ THÁCH
Tôi thường nghĩ, con người ta khi mới sinh ra ai cũng như viên đá thô. Theo thời gian, nhờ được rèn giũa mới trở thành người có nhân cách giống như viên ngọc quý tỏa sáng.
Vậy ta phải rèn giũa bản thân như thế nào? Có một người để các bạn có thể tham khảo. Đó là ông Saigo Takamori (1), một nhân vật có vai trò quan trọng trong công cuộc Minh Trị Duy Tân.
Saigo Takamori là một nhân vật lịch sử mà tôi rất khâm phục. Thuở nhỏ, ông là một đứa trẻ bình thường như bao đứ trẻ khác, có biệt danh là Uđo. Tuy vậy, về sau ông là một người có nhân cách được mọi người tôn kính, kể cả các bậc vĩ nhân thời cuối Mạc Phủ như Katsu Kaisyu (2) chẳng hạn. Saigo Takamori đã góp phần vào sự nghiệp vĩ đại trong lịch sử Nhật Bản - sự nghiệp Minh Trị Duy Tân.
Saigo Takamori là người từng trải qua biết bao thử thách. Thời trẻ, ông cùng với người bạn nối khố - một nhà sư – đã từng trầm mình xuống biển Kagoshima để cùng chết. Nhưng kết cục là người bạn thì chết, còn ông vẫn sống. Nỗi đau đó theo suốt cuộc đời ông. Chưa hết, ông đã từng chuốc lấy sự nổi giận của Shogun (tướng quân) và bị đầy ra đảo hai lần. Đặc biệt là lần thứ hai, ông bị đưa ra tận đảo Okierabu thuộc tỉnh Kagoshima, cách xa đất liền. Ông bị tống vào ngục tối, chịu cảnh lao khổ dãi nắng dầm mưa. Cuộc đời ông trải qua biết bao cay đắng.
Chú thích
(1): Saigo Takamori (1827 – 1877) là võ sĩ xuất thân ở lãnh địa Satsuma - tỉnh Kagoshima ngày nay. Là một trong ba chính trị gia xuất sắc thời Minh Trị. Chủ trương của ông là thiết lập chính thể cộng hoà ở Nhật Bản. Năm 1877, do khác biệt về đường lối với chính phủ mới về vấn đề Triều Tiên, ông trở về Kagoshima và mở trường tư thục. Ông là người lãnh đạo đội quân của những người thuộc hàng sĩ tộc bất bình với chính phủ mới ở đảo Kyushu. Ông đã tự vẫn sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Tây Nam (1/1877 – 99/1877) chống lại quân đội của chính phủ mới.
(2): Katsu Kaisu (1823 – 1899) là Hạm trưởng nổi tiếng với việc chỉ huy chiến hạm Kanrimaru Nhật Bản vượt Thái Bình dương năm 1860. Ông là người chủ trương chuyển giao quyền lực của Mạc Phủ cho chính phủ mới Minh Trị trong hoà bình. Ông lần lượt trải qua các chức vụ Tư lệnh Hải quân, thành viên của viện Cơ mật trong chính phủ Minh Trị. Đồng thời ông cũng là tác giả của tác phẩm Lịch sử Hải quân, Kỉ nguyên khai quốc.
Tuy nhiên, trong nghịch cảnh, ông vẫn nỗ lực tìm mọi cách học tập, tu dưỡng bản thân. Ông chịu đựng gian khổ, biến gian khổ trở thành sức bật cho sự trưởng thành của mình. Và ông kiên trì nỗ lực mài giũa nhân cách. Về sau, ông được tha và trở về đất liền. Ông trở thành một người có tài phán đoán, có tài thấy được sự vật, nhân cách của ông thu phục lòng người và ông trở thành một trong những người kiến tạo công cuộc Minh Trị Duy Tân.
Tôi giới thiệu chuyện này với các bạn vì nó dạy cho chúng ta biết Saigo Takamori đã hành động ra sao khi gặp thử thách trong cuộc đời. Khi gặp gian nan, bị hoàn cảnh quật ngã thì các bạn chọn cách sống oán trách số phận, thù hận con người hay chọn cách sống như ông Saigo Takamori: nỗ lực quên mình, vượt qua gian khổ.
Con người trưởng thành hay không chính là ở chỗ rẽ này.
Dám đứng trực diện với khó khăn, nỗ lực không ngừng. Không huyên hoang trước thành công, tiếp tục thận trọng nỗ lực. Chỉ khi nào con người dám đối diện với nhiều thử thách trong cuộc đời như vậy thì mới trưởng thành được.