Dịch giả: LÝ TRƯỜNG CHIẾN
Chương Sáu c
SUY NGHĨ NHẤT ĐỊNH THÀNH HIỆN THỰC

Xã hội hiện nay tràn ngập các loại hàng hóa tiện lợi như ô tô, đồ điện gia dụng, máy tính… Những sản phẩm do tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại. Tư duy xuất phát từ những khao khát của con người – “muốn được như thế kia” hoặc “có nó thì tiện quá” – đã mang lại văn minh vật chất như vậy. Chẳng phải là văn minh vật chất bùng nổ và phát triển khiến xã hội loài người trở nên mất thăng bằng và sa đọa đó sao? Nếu đúng như vậy thì cần phải phát triển văn minh tinh thần - thứ văn minh có gốc rễ ở thiện tâm - để điều hoà và làm cho xã hội tốt hơn.
Mọi người điều biết chân lý: Thiện tâm sẽ mang đến kết quả tốt. Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Tích thiện dư phúc”. Những người thiện tâm, luôn làm điều thiện thì nhất định sẽ hạnh phúc. Có phúc do tích tâm đức. Lời khuyên đó được truyền từ đời này sang đời khác bởi vì từ xa xưa, con người đã biết rõ thiện tâm sẽ mang đến kết quả tốt.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào “tư duy xuất phát từ dục vọng” đã tạo nên văn minh vật chất hiện nay thì có thể thấy người ta thiếu hẳn ý thức về thiện tâm. Bởi vì, để có kết quả tốt từ ý nghĩ tốt cần cả một khoảng thời gian dài. Có khi là một tháng, hai tháng sau, có khi là một năm, hai năm sau và cũng có khi là 10 năm sau hoặc 20 năm sau. Tức là có sai lệch về thời gian giữa giai đoạn “nghĩ điều tốt, làm điều tốt” và giai đoạn “đem lại kết quả tốt”.
Trong khi đó, với tư duy xuất phát từ dục vọng đã tạo nên văn minh vật chất thì người ta dễ nhận thấy vì nó có mục tiêu cụ thể và kết quả một cách cụ thể. Do đó, trong suốt một thời gian dài, nhu cầu hoạt động tinh thần thuần tuý bị xem nhẹ nếu đem so với văn minh vật chất.
May mắn thay, thế hệ trẻ đang suy nghĩ lại về tầm quan trọng của văn minh tinh thần - một khái niệm khó cảm nhận – thông qua các hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường, hoạt động từ thiện… Tôi rất vui mừng vì xu hướng đó mở ra tương lai tươi sáng cho nhân loại.
THIỆN TÂM VÀ Ý CHÍ CỦA VŨ TRỤ
Tôi cho rằng thiện tâm – hay nói cách khác là tấm lòng quan tâm tới người khác - sẽ đưa xã hội loài người đến một viễn cảnh tốt hơn. Nói theo cách khác nữa thì thiện tâm là tinh thần tất cả vì xã hội, vì mọi người. Thực hiện hàng ngày những việc vì người khác còn là việc phát huy bản chất con người. Bời vì, con người vốn có khả năng hướng thiện, lựa chọn hành động vì mọi người, muốn giúp ích cho người khác. Và tôi cho rằng vũ trụ cũng tràn đầy tấm lòng vị tha, tràn đầy tình thương yêu.
Vũ trụ ra đời cách đây 130 tỷ năm. Lúc đó, vũ trụ chỉ là một khối vật chất nóng bỏng, nén chặt nhỏ bằng nắm tay. Khối vậy chất nén chặt gây ra một vụ nổ lớn và trở thành vũ trụ như ngày nay. Và theo như giả thuyết mới nhất của ngành vật lý vũ trụ thì vũ trụ vẫn đang tiếp tục giãn nở. Loài người chúng ta sinh ra và hiện đang sống trong vũ trụ này. Trong vũ trụ, các hạt cơ bản kết hợp với nhau tạo thành nguyên tử. Và đến lượt các nguyên tử hợp với nhau tạo thành phân tử, đại phân tử. Rồi xuất hiện các phân tử hữu cơ hợp thành tế bào. Những tế bào ngày một phức tạp, có khả năng di truyền tạo ra sự sống. Sự sống trải qua nhiều quá trình tiến hoá mới xuất hiện loài ngừơi. Nếu như hạt cơ bản cứ giữ nguyên là hạt cơ bản… Hay nếu như nguyên tử cứ giữ nguyên là nguyên tử… thì không biết nhờ những nguyên nhân bí ẩn nào, tất cả mọi thứ đều sinh thành, phát triển và tiếp tục phát triển cho tới khi xuất hiện loài người.
Tôi nghĩ có một thứ “nguyên khí” đẩy vạn vật theo chiều hướng tốt tràn ngập vũ trụ. Hoặc trong vũ trụ vạn vật quấn quýt nhau, và tràn đầy một năng lực như tình yêu thương, dẫn đường cho vũ trụ sinh hoá và trở nên tốt lành.
Nhìn lại quá trình hình thành vũ trụ, mặc dù người ta gọi vũ trụ là vô thức nhưng rõ ràng là có quy luật vận động theo chiều hướng tốt. Có lẽ đó là ý chí của vũ trụ.
Kết luận của tôi sau bao trăn trở, suy nghĩ và tìm kiếm là chỉ khi nào tư duy và hành động trong con người phù hợp và thích ứng hoàn toàn với ý chí của vũ trụ và tất cả đều tiến hoá theo chiều hướng tốt thì mọi việc đều trôi chảy. Nếu chúng ta đi ngược lại với ý chí của vũ trụ như chỉ muốn tốt cho riêng mình, còn mặc kệ mọi người xung quang thì mọi việc đều trục trặc.
Do đó, chúng ta phải nỗ lực sao cho mọi người đều có lòng vị tha, xã hội tràn đầy tình thương yêu.
MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI LÀ DƯỠNG TÂM
Chắc các bạn cũng giống như tôi, thời trẻ ai cũng vẽ ra hình ảnh lý tưởng cho cuộc đời mình: Nào là “mình sẽ sống thế này”, nào là “mình sẽ thành người thế kia trong tương lai”
Với tôi, khi đang là sinh viên Đại học Kagoshima, tôi mong muốn trở thành chuyên gia kỹ thuật hàng đầu. Và tôi cũng đã từng mơ được nhận giải Nobel cho những phát minh tuyệt vời.
Kể từ khi lập Công ty Kyocera, tôi luôn nỗ lực và bằng mọi cách biến nó thành một công ty tầm cỡ, điều kiện làm việc tốt và mọi người đều hăng say lao động. Thật may mắn, tôi đã gặt hái thành công trên cả hai phương diện là chuyên gia kỹ thuật và doanh nhân.
Tuy nhiên, đến một lúc nào đó thì tôi cũng sẽ từ giã cõi đời. Con người không thể mang theo được chút gì sang thế giới bên kia. Công ty Kyocera sẽ ra sao? Công ty KDDI sẽ ra sao? Tổ chức Quỹ Inamori sẽ ra sao? Tất cả những thứ tôi phải vất vả tạo lập sẽ ra sao? Vì cái gì mà tôi làm việc hết mình như vậy?
Mục đích của cuộc đời là gì?
Như tôi đã nhiều lần đề cập, mục đích cuộc đời tôi là làm sao nuôi dưỡng tâm hồn mình tốt được chút nào hay chút đấy, chứ không phải nhằm mục đích có được địa vị, danh tiếng, tiền bạc. Và việc đó cũng phù hợp với ý chí của vũ trụ mà tôi đã nói tới khi nãy.
Chỉ riêng việc được sống trên thế gian này đã không phải là ý chí của bản thân tôi. Và trong cuộc đời hơn 70 năm qua, tôi gặp biết bao hoạn nạn cũng như được hưởng biết bao hạnh phúc. Một lần nữa tôi nhận thấy, mục đích cuộc đời tôi là đối đầu với thử thách, nuôi dưỡng tâm hồn, làm tâm hồn thêm cao thượng.
 PHÁT HUY THIỆN TÂM - BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Tôi muốn thế kỷ 21 là thế kỷ mà con người phải ý thức rõ rệt hơn nữa về “thiện tâm”. Dân tộc Nhật Bản vốn là dân tộc có truyền thống nuôi dưỡng tinh thần hào hiệp vì mọi người. Khí hậu Nhật Bản với bốn mùa thay đổi phong phú, không có vùng sa mạc khô cằn cũng như vùng băng tuyết giá lạnh. Người Nhật Bản sống trong điều kiện thiên nhiên ôn hoà, hưởng ân huệ, phúc lộc từ núi non, biển cả. Hơn nữa, được đại dương bao bọc nên Nhật Bản hầu như tránh được các cuộc chiến tranh với các dân tộc khác. Tôi cho rằng tinh thần hiền hoà của người Nhật Bản được tạo nên bởi thiên nhiên phong phú và lịch sử như vậy.
Trong thảm hoạ động đất Hanshin (1), hình ảnh những người bị nạn giúp đỡ, san sẻ cho nhau, hình ảnh những thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động cứu trợ… đã làm cả thế giới thán phục. Đó là biểu hiện của tinh thần Nhật Bản - truyền thống tương thân, tương ái.
Bước vào thế kỷ 21, văn minh vật chất vẫn tiếp tục lấn tới mạnh mẽ. Cần phải phát triển hơn nữa văn minh tinh thần dựa trên cơ sở thiện tâm, sao cho không để bị những tiến bộ của văn minh vật chất lấn át. Trong quá trình tiến hoá của văn minh tinh thần trên thế giới, tôi tin rằng người Nhật Bản - với truyền thống tuyệt vời của mình - nhất định có vai trò quan trọng. Nếu chúng ta - người Nhật Bản - sống có thiện tâm, đi đầu trong việc tạo ra một xã hội tốt đẹp thì nhất định sẽ được cả thế giới kính trọng.
Chú Thích
1. Trận động đất lớn xảy ra ngày 17 tháng Giêng năm 1995, gây thiệt hại nặng nề và cướp đi sinh mạng của hơn 5.500 người vùng phía nam tỉnh Huogo và nhất là thành phố Kobe, Nhật Bản.
MONG SAO NHẬT BẢN LÀ SOHOUKA TRÊN THẾ GIỚI
Trước đây, tôi được mời tham gia vào dự án cải cách hành chính Nhật Bản. Tôi đã từng giữ chức chủ tịch một uỷ ban nghiên cứu về vai trò của Nhật Bản trên thế giới. Kể từ đó, tôi chỉ mong sao Nhật Bản trở thành một đất nước được các dân tộc khác thực sự kính trọng. Hình ảnh cụ thể về một nước Nhật Bản như thế ở tôi là hình ảnh của những người được gọi là sohouka trong các làng xóm, thị trấn ngày trước.
Sohouka là những người như thế nào? Lẽ dĩ nhiên, họ không phải là những người có chức vụ công, làm công việc hành chính. Người nắm quyền lực chính trị tuơng đương với chức trưởng thôn, trưởng xã như ngày nay là các vũ sĩ với chức danh daikan (thế quan) hay shouya.
Sohouka là những người không có bất cứ quyền lực và địa vị nào ở địa phương đó. Nhưng nhân cách và lòng bao dung ở họ khiến cho họ là những “lãnh tụ” trên thực tế. Sohouka là những người có chút ít tài sản, có học thức, được giáo dưỡng và nhất là có nhân cách. Người trong vùng, bất cứ gặp hoạn nạn gì cũng tìm tới sohouka để được bàn bạc, khuyên bảo. Và sohouka còn giúp đỡ cho những người nghèo khó trong vùng cả về vật chất và tinh thần. Mặc dù có ảnh hưởng lớn tới dân chúng như vậy, song sohouka không bao giờ tỏ ra quyền thế, hách dịch.
Tôi muốn Nhật Bản từ nay về sau, được người ta biết đến không phải chỉ là một cuờng quốc kinh tế nhiều tiền lắm của, cũng không phải như một con sen đầm có sức mạnh quân sự mà là đất nước có vai trò như sohouka đầy lòng vị tha trên thế giới. Nếu được như vậy, thì Nhật Bản chắc chắn sẽ được các dân tộc khác tôn trọng thực sự. Tôi vẽ nên viễn cảnh này, lý tưởng này và tôi mong sao những người thực hiện viễn cảnh đó, lý tưởng đó chính là các bạn trẻ, những người đang đọc cuốn sách này.
Từ những trang đầu tiên của cuốn sách, tôi luôn nói rằng suy nghĩ của bạn nhất định thành hiện thực. Tôi mong rằng các bạn hãy tin lời tôi, hãy mang trong lòng ước muốn cao cả và hãy nỗ lực quên mình. Làm được như thế, tôi chắc rằng các bạn sẽ có cuộc đời tuyệt đẹp.
Từ đáy lòng, tôi cầu chúc cho các bạn trẻ - những người gánh vác đất nước trong tương lai - sức khỏe và tinh thần hăng hái.
Cho phép tôi dừng bút ở đây.