Hồ Nam dịch
Phần 3
Thứ sáu, ngày 27 tháng 7

Tình hình lúc bắt đầu cuộc thi “vườn hoa” của các lều, hoàn toàn đúng như tôi đã đoán trong nhật kí hôm qua.
Tất cả đều đứng xúm quanh chị Hai-ga, thà là làm một vài công việc gì chứ không chịu sửa sang “vườn hoa”.
“Vườn hoa” nói ở đây, không phải là vườn hoa thật, mà là một mảnh đất nhỏ ở ngoài lều, phải sửa sang sắp đặt và tô điểm sao cho đẹp mắt.
Bên trái lều chúng tôi là hình huy hiệu của Đoàn Thanh niên tự do Đức, bên phải là huy hiệu Đoàn Thanh niên dân chủ thế giới. Những huy hiệu này trước kia đã có một thời kì rất nổi; bây giờ thì rêu đã úa, cát và cuội đã biến thành màu tro, nhìn chung cả vườn không còn tí gì là đẹp nữa.
- Việc gì phải làm một cái mới nữa nhỉ? – Khơ-lao hỏi. – Chúng mình chả đã có một cái rồi đấy à?
Chích choè liến láu:
- Mà còn đẹp chán.
Lô-ti và Phu-lân không lên tiếng. Mai-ơ cũng không nói gì. Chúng nó hình như không dám tự tin nữa. Chả là vì tối hôm qua chị Hai-ga đã nói một hồi với Lô-ti rồi, nên hôm nay coi bộ nó không còn dám để xảy ra chuyện gì không vui nữa. Còn hai cậu kia, thì chị cũng không hề đả động gì đến chuyện chúng nó đi chơi bè, mà chị cũng không tỏ ý gì là không ưa chúng nó cả.
- Các em thử xem hai cái vườn của các em xem. – chị Hai-ga nói, – Sao mà trông chán thế!
- Thôi thì xấu hay đẹp cũng mặc. Vì chỉ còn hai ngày nữa là chúng mình đã về nhà rồi – đó là câu nói của Chích choè. Tiếp đó, nó lấy hai ngón chân quặp một hòn cuội lên, vứt đi.
- Cậu nghĩ mới đơn giản chứ! – Oan-tơ nói. – Thứ nhất, chúng ta còn phải ở đây năm ngày nữa. Thứ hai, ngày mai có người đến thăm quan.
- Vậy phải làm thế nào?
- Em nghe đây, Chích choè à! – Chị Hai-ga nói. – Và cả các em nữa. Ngày mai có khách đến tham quan. Đó là những lao động tiên tiến ở nhà mãy đỡ đầu trại hè. Vậy không nói chúng ta cũng phải cố gắng sửa sang lại mọi thứ cho thật đẹp, để khách đến xem được thoả mãn, vui thích!
- Chính thế. – Li-pu-li-pu nói to. – Nếu các bạn ấy không chịu làm, thì chỉ mấy chúng em đây làm cũng không được.
- Ừ, thế thì các cậu đi mà làm. – Chích choè lại nói kháy và cười nhạt.
- Không, nói thế không được, – chị Hai-ga nhắc nhở. – Đây này, chúng ta không những phải sửa sang lại mấy cái vườn cũ mà tất nhiên là chúng ta còn phải làm thêm một cái mới nữa, một cái vườn mới cho thật đẹp, như thế thì phải có nhiều người cùng làm với nhau. Mọi người đều góp sức thì việc làm mới có ý nghĩa. Giá từ giờ đến trưa chúng ta có thể nói được rằng: chúng ta đã làm được hai mảnh vườn mới. Đó là công lao động của tất cả chi đội chúng ta cùng xây đắp, thì có phải hay biết bao.
Qua mấy phút yên lặng, Oan-tơ cất tiếng nói:
- Thôi, nếu tất cả nhất trí còn gì hay hơn. Nhưng chắc là có một số không thích.
- Không, có ai nói sao đâu. Chúng chỉ giương mắt ra mà ngó, vờ như không hiểu gì thôi.
- Thôi, thôi, lại sắp cà khịa đấy.
- Ai cà khịa mà cà khịa?
- Thôi im đi, các cậu!
Hen-mu như con ngựa hoang nhảy cỡn lên:
- Người ta đã đi làm… làm cả kia kìa, còn bọn mình thì cứ cãi… cãi nhau mãi thôi.
Đúng thế thật. Chi đội 10 và chi đội 11 đã đi lấy được vô số cát và cuội trắng. Các em gái ở lều số 4 thì mang những quả bồ quân đựng trong khăn quàng đi qua chỗ chúng tôi đứng.
Cuối cùng, chúng tôi đã bắt đầu vào việc. Thái độ của chị Hai-ga thật hết sức tự nhiên. Lô-ti và Phu-lân đã có đôi chút thay đổi, cả Mai-ơ cũng vậy. Chúng nó không dám trái ý tập thể nữa và cũng không phản đối chị Hai-ga. Không thế thì chúng cũng bẽ với mọi người, vì chị Hai-ga đối với chúng rất đại lượng. Còn mấy cậu Măm-phơ-lê, Chích choè và Đích-dơ cũng đã đỡ nhiều. Nếu không có ai chòng ghẹo đến chúng nó, tất không có chuyện gì xảy ra được.
- Chích choè! – Oan-tơ gọi.
- Cái gì?
- Bây giờ, không phải lúc bắt dòng dòng đâu. Có được cũng vô ích.
- Ồ, sao lại vô ích. Bắt được thì mang về nuôi trong hồ nuôi động vật bò sát không được à?
- Nhưng bây giờ không phải lúc. Bây giờ là đi lấy rêu cơ mà.
Đến đây, Chích choè mới chịu nghe, không cãi nữa. Cả khu rừng tràn ngập một bầu không khí vui vẻ. Chỗ nào cũng có các đội viên chạy đi chạy lại. Vì chi đội nào cũng có người đi lấy rêu và hoa thông cùng bồ quân.
Kết quả là chúng tôi đã lấy được đầy một làn rêu. Trên đờng về, chúng tôi gặp mấy đứa đi lấy bồ quân, chúng kéo sền sệt một túi to đầy quả ở trong. Từ xa, tôi nghe tiếng Li-pu-li-pu cười khà khà như tiếng chim quạ cãi nhau.
Chị Hai-ga đang chờ chúng tôi.
- Trưa mất rồi! – Pô-le kêu lên. Nó nheo một bên mắt nhìn về phía chúng tôi qua ánh nắng chói loà.
Những cậu đi lấy cát này ngồi cả lên cái đòn càn có vẻ rất đắc ý. Thật ra thì chúng chỉ về sớm hơn chúng tôi mấy phút thôi, chứ có gì đáng kiêu ngạo đâu, vậy mà chúng nó làm như đã ghê lắm ấy. Cậu Đích-dơ đứng dựa bên cột nghịch một cái gậy, lim dim cặp mắt, vờ như buồn ngủ. Tôi bực là không thể chạy ngay tới thụi cho nó một qủa. Lát sau Li-pu-li-pu đã cười hì hì, vác một túi đầy những hoa thông về.
Lớp kịch náo nhiệt nhất đã mở màn, chúng tôi đã bắt tay vào việc cuốc vườn lại.
Các bạn gái ở lều bên cạnh đã sửa sang lại mảnh vườn bên ấy từ lâu. Chúng làm rất tỉ mỉ, trông kĩ ghê! In như một tấm chắn thêu ấy. Chúng nó vừa làm vừa tán chuyện; tôi nghe câu được câu chăng. Lúc thì nghe “Chứ không ư”. Lúc lại nghe: “Thế không được”. Nhưng nhìn sang thì thấy đứa nào cũng nghiêng nghiêng cái đầu ngắm nghía thành quả của chúng. Chúng đắp một cái huy hiệu Đội Thiếu niên tiền phong. Hai chữ T.N và hai chữ T.P, chúng xếp bằng hoa thông, hai chữ Sẵn Sàng chúng điểm bằng rêu thẫm. Còn ba ngọn lửa thì ghép bằng những quả bồ quân non màu hồng nhạt. Bốn bề xung quanh toàn là cát trắng có viền rêu xanh. Nhìn toàn bộ thì đúng là một hình huy hiệu của Đội.
- Đẹp thật! – Oan-tơ khen.
Hen-mu há mồm nhìn kĩ một lúc rồi nói:
- Cái… cái… này, thì… bọn mình cũng làm thừa… thừa đi.
- Ừ ừ, tớ thấy khó lắm, làm thế nào được! – Khơ-lao nói có vẻ không tin Hen-mu.
Hen-mu tức:
- Thì cuộc nào, cuộc… cuộc cái xem! Xem… xem thế nào nào!
Đến lúc chúng tôi bắt đầu đắp hình thì tất cả đều rối lên. Ai cũng muốn thọc tay vào. Lúc san cát, thật là loạn xạ. Pô-le và Chích choè lại cãi nhau chí choé. Đứa nọ bảo đứa kia là không san được bằng phẳng, đưa kia bảo đứa nọ là vẫn còn để nhiều chỗ lồi lõm.
Chị Hai-ga vạch cho chúng tôi hình huy hiệu Đoàn Thanh niên tự do Đức. Trước hết, chị viết ba chữ tắt của huy hiệu để chúng tôi ghép. Thế là cả bọn ồ đi lấy hoa thông, đứa nào cũng ôm đến một đống, định để nhét thêm vào, gọi là có phần đóng góp của mình ở trong ba chữ đó. Tôi nghĩ, nếu tất cả bao nhiêu hoa thông của chúng đều được dùng cho hết, thì có lẽ phải vạch lại huy hiệu to lên gấp năm lần mới đủ chứa.
Chị Hai-ga đề nghị chỉ một mình Han-si làm công việc ghép chữ thôi. Còn tất cả mọi người đi làm việc khác. Đó là việc đắp hình ba cái đầu người: một người da trắng, một người da vàng, và một người da đen. Cuội và cát trắng đổ thành đống; chị Hai-ga lại vạch cho chúng tôi hình cái đầu người. Chị vạch rất thạo.
Chi đội 8 và chi đội 9 phối hợp cộng tác với nhau. Chúng làm chung nhau ở trước hai lều, mỗi đầu là một mảnh vườn hết sức tỉ mỉ. Còn khoảng đất ở giữa hai lều thì đắp hình một ngôi sao đỏ năm cánh thật lớn, tượng trưng cho Liên Xô; trông rất ngay ngắn và đẹp đẽ. Chúng nó lại còn chừa sẵn một chỗ trống giữa sân hai lều dùng làm chỗ cắm cờ luân lưu của liên đội. Có thể là chúng nó thật sự cướp được lá cờ đó cũng nên.
Ờ phải, chắc các bạn chưa hiểu thế nào là cờ luân lưu. Cờ luân lưu tức là lá cờ, mà hàng ngày cứ tới lúc hạ cờ, trại trưởng trại hè mang trao cho chi đội nào tỏ ra là khá nhất trong ngày hôm đó, Nói đến chỉ càng thêm thẹn, chi đội tôi thực ra chưa bao giờ lấy được lá cờ ấy. Bây giờ có chị Hai-ga về phụ trách, may ra có lẽ chúng tôi có thể cướp được một lần cũng chưa biết chừng.
Có điều là chúng tôi định trông vào thành tích thi đua làm vườn này để đoạt lá cờ đó, thì không hi vọng gì. Vì chẳng riêng hai chi đội 8 và 9 đã bỏ ra rất nhiều công sức, gây được thành tích tốt đẹp như kia, mà ngay đến các đội viên ở lều số 5 cũng rất là cố gắng. Trong bọn chúng, có mấy cậu là tổ viên tổ nghiên cứu kĩ thuật. Các cậy ấy biết mắc dây điện như thế nào, biết lắp các bóng đèn nhỏ ra sao,… Bây giờ, chúng nó lợi dụng ngay những điều đã học được, đi mượn mấy cái “pin”, mấy đoạn dây và hai tá bóng đèn “pin” về lắp vào xung quanh chân dung chủ tịch Vin-hem Pích của chúng ta, được treo ở giữa trại. Như thế, cứ tưởng tượng ra, các bạn cũng thấy ngay, là đêm nay, khi những bóng đèn ấy sang lên thì sẽ đẹp đến thế nào. Không nói cũng biết ngay là nó phải xán lạn huy hoàng đến loá cả mắt đi ấy. Như thế thì tất nhiên là chúng tôi không thể đuổi kịp chúng được.
Đội viên ở lều số 3 thì đắp hình bốn chữ “chăm chỉ học tập”, nét chữ thật là rõ ràng. Còn đội viên ở lều số 16 thì xếp một khẩu hiệu lớn, trên có khảm dòng chữ “Chúng em nhiệt liệt hoan nghênh các dơn vị đỡ đầu trại hè tới tham quan”. Những công tác có tính chất sáng tạo đó, chúng tôi đều không sao bì kịp. Nhưng chúng tôi không vì thế mà nản lòng. Chúng tôi đã cố hết sức, mà là lao động tập thể cơ đấy, để đắp được hai mảnh vườn con. Việc đó chẳng lẽ lại không có giá trị gì sao? Ít nhất thì chị Hai-ga, Oan-tơ và tôi cũng đều nghĩ như thế, mà tôi cho có lẽ tất cả các cậu khác cũng đang nghĩ như thế hết.
Tới gần trưa, chúng tôi đều đứng dậy cùng ngắm lại mảnh vườn do chính tay chúng tôi đắp nên. Tất cả mọi thứ đều rất đẹp, vừa sạch sẽ gọn gang, lại vừa mới toanh. Ai nấy đều hớn hở trong lòng. Ngay như Lô-ti và Phu-lân cũng phải vui như tết, thậm chí đến cả Chích choè chỉ quen cáu kỉnh và chỉ nghĩ đến ăn, hôm nay cũng tỏ ra nhanh nhảu. Nhưng, người vui nhất vẫn là chị Hai-ga.
Chiều hôm nay, các phân đội đều đi sinh hoạt. Nhưng chúng tôi vẫn chưa được đi, vì cho tới tận ngày hôm nay, trong bọn tôi vẫn có người chưa lao động đủ tiêu chuẩn như liên đội đề ra. Như thế nghĩa là chúng tôi còn phải qua nhiều đợt kiểm tra, bao giờ toàn chi đội đều đạt đủ tiêu chuẩn thì bấy giờ chúng tôi mới được lĩnh huy hiệu “Lao động bảo vệ Tổ Quốc” và mới được cử đại biểu đi dự các cuộc họp này.
Toàn thể đội viên chúng tôi chia ra làm nhiều tốp. Tốp đi kiểm tra nhảy xa, tốp kiểm tra bơi lội, chay thi hoặc chuyền bóng, đấu bóng. Mấy cậu ở tốp tôi đi kiểm tra về môn leo dây.
Tốp chúng tôi có năm đứa là Lô-ti, Phu-lân, Han-si, Khơ-lao và tôi.
Ở gần bãi bóng sau trại, có một cây sồi to, chúng tôi phải tới đó để kiểm tra leo dây. Yêu cầu không cần phải leo cao lắm, chỉ độ bốn thước là cùng. Người ta buộc sợi chão vào một cành sồi. ai leo hết dây và nắm được vào cành đa là đạt yêu cầu. Lúc chúng tôi đến, đã có mấy cậu ở các chi đội khác đến trước. Anh phụ trách thể dục đứng giữa, tay cầm một tập giấy chứng nhận thật dày. Chúng tôi liền đưa tất cả giấy chứng nhận của chúng tôi cho anh.
Ngay dưới cành sồi đang có một cậu treo lủng lắng. Cậu ta cố với tay lên để nắm lấy cảnh sồi, song mãi vẫn không nắm được, vì còn cách một bước mới tới. Tôi không hiểu cậu ta tính toán thế nào mà lại với non quá như thế.
- Thôi tụt xuống đi, nắm cho chắc mà xuống độ hai sải tay là được. –Anh phụ trách thể dục nói to
Thế là thằng bé đành phải tụt xuống.
- Ồ, cái cậu ngốc quá. Tụt như thế thì xước hết đùi, còn gì. – Khơ-lao vừa nói vừa nhìn cậu ấy rồi cười.
Cậu ta chùi mãi hai tay vào áo, có lẽ là tay nó bị rát lắm thì phải. Tiếp đó, đến lượt cậu khác ra kiểm tra. Cậu này không leo được quá nửa dây.
Anh phụ trách động viên:
- Cố leo cho hết, leo cho hết!
Nhưng nó chỉ múa mãi hai chân lên thôi.
- Sao mà ngốc đến thế, – Phu-lân cười nói, – cứ lủng lẳng như cái bị.
Thật thế, cậu ta rơi bịch ngay xuống đất như một bị nặng. Nó cười ngượng nghịu.
Đến lượt một cậu khác. Cậu ta đứng ưỡn ngực một lát trước sợi dây như xưa nay chưa từng trông thấy bao giờ. Lô-ti khẽ hích tôi:
- Cậu trông, kì chưa?
Và chúng tôi cùng không nhịn được cười.
Bỗng cậu ta nhảy tót lên, hai tay nắm chắc sợi dây, và chỉ có ba sải đã lên tới nút buộc.
- Nhanh như vượn ấy nhỉ! –Khơ-lao buột miệng khen. Trông đôi mắt cu cậu, người ta biết ngay là cu cậu phục rõ lắm.
Tay chuyên môn leo dây này lên tới đích xong, lại từ từ leo xuống một cách vững vàng. Vẻ mặt cậu ta trông không có gì là kiêu ngạo về thành tích của mình.
Lô-ti nhìn khắp lượt như để dò ý mọi người xem thế nào, rồi nói:
- Tớ cũng leo được như thế.
- Cậu cũng leo được nhanh thế à? – Han-si hỏi.
- Có thể là nhanh hơn ấy. – Lô-ti đáp và xoa mạnh hai bàn tay.
Chúng tôi thấy nó nói thế, đều giật mình. Trước kia, tôi cứ tưởng nó không biết leo dây, giờ thì chính mắt sắp thấy rõ. Lô-ti cử động có phần mạnh hơn cậu vừa rồi một chút. Nó nhảy lên, bám lấy sợi dây như một con vượn. Nó bắt sải ba bốn cái liền, toàn thân vẫn cứng như một súc gỗ không hề thay đổi. Chúng tôi đều há hốc miệng ra mà phục. Anh phụ trách cũng luôn miệng khen giỏi.
Chúng tôi không một đứa nào leo được như thế hết. Khơ-lao thì uể oải, khó lòng leo được. Phu-lân thì yếu tay. Han-si thì chậm chạp. Còn tôi, tôi không biết cặp đùi vào sợi dây cho thẳng.
Lần leo thử, tôi lên tới nửa chừng phải bỏ vì đang leo tôi lại phì cười. Anh phụ trách lấy thế phê bình tôi một trận. Anh nói: “Khi làm động tác mạnh và gấp thì tuyệt đối không được cười”.
Tuy nhiên, tôi cũng lên tới đích và cả bọn đều đạt yêu cầu. Anh phụ trách ghi điểm vào giấy chứng nhận cho từng người xong, chúng tôi liền cùng nhau tiếp tục đi kiểm tra về môn nhảy.
Chúng tôi ra sân vận động. Sân này ở ngoài khu trại, gần hồ, mới trông như một mảnh vườn cải củ. Tới bờ hồ, Lô-ti thấy không có người quen, định nhảy ngay xuống nước để tắm. Nhưng Phu-lân và Khơ-lao đã biết giữ luật, chúng nó không a dua, cứ đi thẳng. Thế là cả bọn tiếp tục đi một mạch ra tận hố cát tập nhảy xa.
Hố này toàn cát trắng và mịn. Hai bên đường các đội viên đứng xem xúm xít. Cứ mỗi lúc có người nhảy chúng lại “à” lên một tiéng.
Han-si nhảy rất đẹp và xa. Vọt một cái đã được bốn thước hai. Như thế là vượt tiêu chuẩn, vì chúng tôi chỉ cần nhảy ba thước tám là đạt rồi.
Mức quy định này rất thích hợp với các đội viên loại B, từ mười hai tới mười bốn tuổi. Thấy Han-si nhảy gọn quá, tôi cứ nghĩ: “Giá mình mượn được cặp giò của nó thì thích quá”. Phu-lân có vẻ hăng. Nó chạy ngược từ chỗ nhảy tới chỗ xuất phát, nó bảo làm như thế để vận động trước cho gân cốt đôi chân quen đi đã, đồng thời cũng để nhẩm sẵn cho thuộc cái độ xa của con đường. Nhưng tới lượt nó, nó lại chạy hăng quá, băng qua cả hố cát, làm mọi người đều cười ồ. Lần thứ hai, nó nhảy rất gọn, chỉ tiếc lúc nhảy, nó lại đặt chân lên quá vạch nên phải nhảy lại lần nữa. Nó tức tối nhìn mọi người nhưng không biết nói thế nào được. Thật ra giá nó đừng khoác lác làm bộ tính toán thì có lẽ cũng không ai cười gì nó cả.
- Em chỉ được nhảy lần này nữa thôi.
Anh phụ trách thể dục cũng lo cho nó. Lô-ti và Han-si thì đã không lo hộ nó, còn vênh mặt lên chọc tức. Nếu lần này nó lại nhảy hỏng, thì thật đáng tiếc, vì như thế là nó không đạt được huy hiệu.
- Lần này mà được cậu phải khao đấy.
Khơ-lao bảo Phu-lân thế. Phu-lân gật đầu, và lại chạy bay như gió. Dọc đường, nó hơi ngượng chân suýt ngã, may lại gượng được, và cũng chạy được tới chỗ nhảy.
Lúc anh phụ trách cầm cái thước dây đo cho nó, chúng tôi đều thấp thỏm hộ. Đến khi nghe có tiếng tuyên bố: “ba thước tám”, chúng tôi mới cùng thở một hơi dài.
Lô-ti nhảy rất khá. Khơ-lao thì cũng như tôi, chỉ đủ đạt yêu cầu. Thật tình mà nói, chúng tôi còn phải tập nhiều. Nhưng dù thế nào, trên giấy chứng nhận của chúng tôi đều đã có ghi là đạt yêu cầu về môn nhảy xa. Hiện giờ, chỉ còn thiếu có môn bơi lội.
Những môn khác như đi đều, thể thao, chuyền bóng, chúng tôi đã kiểm tra từ lâu và đã đạt cả. Ngoài ra, còn một môn vấn đáp những hiểu biết về xã hội. Đó cũng là một điều kiện bắt buộc đối với người muốn được huy hiệu thể dục thể thao. Lúc đầu tôi cũng hơi lo. Mà có lẽ tất cả mọi người đều lo. Nhưng kết quả môn này chúng tôi đều khá cả. Như về tiểu sử chủ tịch Vin-hem Pích của chúng ta, thì dù có nói bao nhiêu tôi cũng thấy không thành vấn đề. Và như về ba nguyên tắc nội quy của đội viên thiếu niên tiền phong thì tôi đã thuộc làu rồi. Nhất là về câu hỏi thứ ba thì lại càng dễ trả lời nhất. Câu đó là: “Tại sao chúng ta yêu quý Liên Xô?” Thật không cần phải nghĩ đâu xa, chỉ nghĩ ngay tới con đường mà chúng ta đang đi đây là đủ rồi. Tôi có quen ba bạn thiếu niên, đều học ở trường trung học. Trong đó, có một bạn có ông bố làm công nhân lái xe chở rác. Ông bố một bạn nữa làm công nhân ở nhà máy điện. Còn ông bố cậu bạn thứ ba làm thợ nguội ở xưởng Lô- vơ. Trước kia, không bao giờ có chuyện như thế được, công nhân bình thường là không thể nào cho con đi học được tới cấp ba. Chỉ những con nhà giàu mới được học thôi, mặc dù chúng học dốt không thể tả. Đó mới chỉ là một thí dụ. Tôi còn có thể kề nhiều sự việc khác nữa để chứng tở rằng Nhà nước chúng ta đã thay đổi lại hết, hoặc đã cải tiến về tất cả mọi mặt rất nhiều. Nếu không có người anh cả Liên Xô giúp đỡ, thì nhất quyết là ngày nay chúng ta không thể có được những thành tích to lớn như vậy. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất, tôi thấy vẫn là vì “Liên Xô là thành trì của hoà bình”. Bố tôi vẫn thường nói thế, mà ông già Khơ-lân-khen ở trong công viên cũng thường nói thế.
Những môn thể thao mà đội viên thiếu niên tiền phong phải biết và kiểm tra để đạt huy hiệu thể dục thể thao chúng tôi đều làm xong cả. Lô-ti thích chí múa tay huơ chân; chúng tôi cũng vui mừng vô hạn…
Nhân nói tới bơi lội, Phu-lân đề nghị:
- Hay là chúng ta đi tắm một cái đi.
- Không được, chúng ta chưa được phép.
- Được phép? Đợi tới lúc được phép thì có mà bạc hết cả đầu!
- Tớ không đi đâu. – Han-si nói.
- Cậu không dám đi, thì cứ ở đây mà đợi. – Phu-lân nói.
- Không phải là dám hay không dám, mà là nhỡ để chị Hai-ga biết thì chị ấy giận.
- Chị ấy không giận đâu. Chị ấy làm sao mà biết được.
- Cậu nên nhớ là cái gì chị ấy cũng biết hết.
Lúc này chúng tôi đã về tới cổng khu trại. Lều số ba ở đây là của đội nữ.
- Cậu trông, ở đây sạch quá nhỉ! – Han-si bảo Khơ-lao thế.
- Bọn con gái chúng nó làm gì cũng có vẻ kĩ và đẹp thật. – Khơ-lao đáp.
- Chúng mình mà quyết tâm thì cũng giữ được sạch như chúng nó thôi.
- Nhưng tội gì mà làm thế cho khổ.
- Không. – Lô-ti chỉ thốt ra một tiếng thế, rồi im không nói gì thêm.
Chúng tôi đã ra tới chỗ cầu phao. Ở đây thật là náo nhiệt, bọn trẻ nhỏ ở lều số 2 đang tắm. Chúng hò hét váng cả lên.
- Ồ, tao cũng phải xuống tắm một cái đây. – Lô-ti nói. – Ở đây, có ai biết mà sợ.
- Không, chúng mình phải kiểm tra nốt môn bơi lội đã rồi mới tắm được.
Chúng tôi đến chỗ kiểm tra. Yêu cầu của môn này là phải bơi được đủ một trăm thước, không hạn định thời gian. Trước khi bơi phải nhảy từ trên cao một thước xuống. Thật là dễ như trò trẻ con ấy, ai mà không làm được. Có thể là chúng tôi cứ nằm xoài mà bơi cũng không sao hết.
Lô-ti đã xuống nước và bắt đầu nghịch.
Anh phụ trách quát:
- Hừ, cấm nghịch đấy.
Lô-ti vội lặn mất hút. Phu-lân cũng lặn xuống, mò tới kéo cẳng Khơ-lao, làm cậu này cứ kêu lên oai oái.
Han-si thấy thế gắt:
- Đừng có nghịch như thế đi.
Nhưng Lô-ti vẫn cứ vừa lặn vừa nghịch như thường.
Anh phụ trách phải quát một hồi và phê bình nó. Anh cảnh cáo là:
- Nếu ai còn nghịch nữa, sẽ coi như người ấy không đạt yêu cầu.
Đến bấy giờ, chúng nó mới chịu thôi.
Cuối cùng, chúng tôi đều được lĩnh huy hiệu thể dục thể thao của thiếu niên tiền phong. Lúc ấy, chỉ giận là không làm sao chạy ngay được về lều để kể lại hết các chuyện cho chị Hai-ga và các bạn khác nghe.
Ở nhà, mọi người đang ngồi cả ở sau lều đợi chúng tôi. Trước mặt mọi người, đều có một phần bánh mì và nước sốt. Thì ra đã đến giờ ăn điểm tâm. Mùi cà phê thơm quá làm chúng tôi càng muốn ăn ngay. Tất cả đều vừa ăn vừa tranh nhau nói. Ba cậu Mai-ơ, Éc-vin và Măm-phơ-lê còn kém về mặt lí luận, kiến thức nên chưa đạt tiêu chuẩn. Rồi đây, chúng nó còn phải kiểm tra nữa.
Lô-ti và Phu-lân đã kiểm tra các môn này từ ba bốn hôm trước, nhưng không đạt, nay mai cũng phải kiểm tra lại. Tôi lo quá, không biết rồi chúng nó có trả lời rành rọt hay không. Tôi cho là cần phải theo dõi và phụ đạo cho hai đứa thật tỉ mỉ mới có thể mở mang đầu óc chúng nó. Mà cần nhất là chúng nó phải bỏ tính hay tếu, lười biếng đi mới đước.
Có điều là tôi rất tin tưởng ở chị Hai-ga, nhất định chị sẽ giúp đỡ cho chúng nó tiến bộ. Và với những đứa khác, chị cũng có thể giúp cho chúng đạt được nhiều thành tích.
Uống cà phê xong, mọi người cùng theo chị Hai-ga ra sân bóng. Lúc đầu tôi cũng định đi, sau lại nghĩ: phải lấy nhật kí ra viết đã.
Ngồi bên bàn viết, tôi nghe rõ những tiếng hò reo của mọi người ở bãi bóng. Khắp trại, chỗ nào cũng rộn lên từng đợt cười đùa, kêu hét và cả những tiếng hát vui tươi nữa.
Ở ngoài kia, từng đám bụi bốc lên như khói cuộn. Đó là vì có mấy đội viên nào đó đang đua nhau kéo sệt những cành củi cồng kềnh đi qua sân ra bãi. Chúng khuân cả những cành gãy dở dang, hoặc những cành chỉ còn nửa gốc.
Tối hôm nay, sẽ có một cuột đốt lửa trại hết sức to. Trước đây và cho mãi tới bây giờ, chỉ mới có chi đội chúng tôi tổ chức được một đêm lửa trại xoàng xoàng, nhưng cũng không đến nỗi nhạt. Hôm đó, chúng tôi ngồi xúm quanh đống lửa, nghe anh Mích kể chuyện, và nhìn lửa cháy đùng đùng. Mỗi khi có lửa trại là phải có quy định chủ để câu chuyện kể. Kì lửa trại ấy nhân ngày lễ kỉ niệm Ten-lơ-man, anh Mích kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cách mạng của nhà lãnh tụ vĩ đại. Anh kể về các cuộc đấu tranh, về những thành tích chiến đấu với kẻ thù của giai cấp công nhân. Chúng tôi đều ngồi im, nín thở để mà nghe. Qua ánh lửa tưng bừng, chúng tôi đều tưởng nhớ tới Ten-lơ-man.
Hôm nay, đống củi dùng để đốt lửa trại nhất định phải to hết sức. Tôi nóng cả ruột, đến mức không đợi được nữa. Bỗng thấy Hen-mu ở đâu chạy về. Nó và chạy vừa kêu:
- Đi tắm thôi! Chúng ta được phép đi tắm đấy!
Thế là Lô-ti, Phu-lân, Oan-tơ, Li-pu-li-pu và tất cả chi đội đều ùa ra chạy theo nó, mỗi người cũng hớn hở kêu vang cả lên.
Nếu mỗi sang dậy tập thể dục mà chúng nó cũng chạy nhanh như bây giờ thì có lẽ chúng tôi không đến nỗi chậm lắm.
- Kìa, cậu định thế nào? – Chích choè thình lình tới sát bên cạnh tôi hỏi. – Đã được phép tắm rồi mà còn ngồi viết gì thế?
Nói xong nó đi ngay, không cần biết tôi trả lời ra sao nữa. Nhưng tôi thì tôi phải viết nốt vài dòng nữa mới có thể đi được.
Hôm nay, tôi ghi chép nhiều việc quá. Tình hình lửa trại tối nay ra sao, đành phải để đến mai mới ghi nốt được.
Giờ tôi phải đi tắm thôi.