Hồ Nam dịch
Phần kết
Thứ tư, ngày 1 tháng tám

Sáng hôm nay, dưới ánh sáng ban mai tươi sáng chúng tôi cùng tập một buổi thể dục cuối cùng.
Tới giờ rửa mặt, chúng tôi lại cùng tắm với nhau dưới những vòi hương sen xoè ra như thùng tưới. Và sau đó là một bữa điểm tâm lần cuối mà chúng tôi cùng ăn với nhau ở sân lều.
Chúng tôi đã chào lá cờ Đội và đã hát chung một bài hát lành mạnh của tuổi xanh.
Tôi luôn luôn tự bảo hôm nay là ngày cuối cùng ở trại. Chúng tôi bắt đầu đi thu xếp hành lý. Cả buổi sáng hôm nay chỉ dùng vào mỗi một việc gói gém ba lô. Tiếng còi tàu ở ngoài hồ đã réo, chiếc tàu đón chúng tôi cập bến, các đội viên liên tục xuống tàu.
Cả khu trại hè như một đàn kiến vừa bị người ta cầm que chọc vào tổ.
Chừng khoảng một giờ chiều, chi đội chúng tôi mới bắt đầu xuất phát. Bây giờ còn những bốn tiếng nữa cơ. Chúng tôi không biết làm gì cho khỏi phí thì giờ.
Soát lại ba lô, nghỉ một lúc; lại soát lại ba lô, rồi nói tếu. Cứ như thế cho qua thì giờ.
Chị Hai-ga cũng ở đây.
Chiếc vali của Chích choè đóng thế nào cũng không kín nắp. Chả là vì nó xếp nhiều thứ quá, mà xếp thật lung tung; nào áo, nào giày, bạ cái gì cũng ấn vào mà không hề gập vuốt cho ngay ngắn. Ấy thế mà nó cứ ngồi đại trên nắp để cằn nhằn gắt gỏng đấy. Chị Hai-ga đi qua phải đứng lại giúp nó một tay:
- Ồ, em Chích choè à, em xếp cộm cả lên thế này thì làm sao mà đóng được.
Nói xong, chị Hai-ga ngồi ngay xuống, lôi hết các thứ trong vali ra và gập lại thật vuông vắn. Sau đó chị xếp từng thứ vào. Chích choè chỉ ngồi im mà chăm chú nhìn theo hai bàn tay chị. Li-pu-li-pu bị mất chiếc gương con, đang đi tìm. Hen-mu thì bị lạc mất một chiếc giày vải. Về sau chiếc gương con tìm thấy ở dưới rãnh, còn chiếc giày thì chính Hen-mu để quên dưới gầm giường.
Chúng tôi nhân thể giũ chăn, gối đi một lượt rồi gập cả lại, xếp vào một chỗ.
- Chúng ta phải thu dọn các thứ cho thật sạch sẽ gọn gàng. – Pô-le nói. – Vì rồi đây, còn có các đội viên khác đến đây ở.
- Thế thì chúng nó cũng được hưởng cái không khí trong trẻo này à? – Lô-ti hỏi có vẻ ngớ ngẩn.
- Mà không biết là những tướng nào sẽ tới cái lều của chúng ta nhỉ? – Pô-le nói.
- Thấy tớ về, nhất định mẹ tớ thích lắm đấy. – Éc-vin ngồi trên giường nói góp.
“Mẹ tôi cũng đang mong tôi về thì phải”. – tôi nghĩ thầm thế. Và tôi thấy Éc-vin lúc này quả là còn nhớ mẹ như con nít ấy.
Chúng tôi cứ mỗi người mỗi câu như thế mãi. Nghĩ tới đâu là nói tới đó. Thành ra câu chuyện đầu Ngô mình Sở không ra thế nào hết.
Chúng tôi hỏi địa chỉ của chị Hai-ga tại Bá-linh, định để về rồi sẽ lại thăm chị. Rồi chúng tôi lại ghi địa chỉ của nhau, vì về tới Bá-linh là thế nào cũng còn gặp nhau nhiều.
Chúng tôi ăn cơm trưa sớm hơn mọi ngày. Ăn xong, ai nấy đều tự đi rửa bát đĩa cho nhà bếp.
Đã có nhiều lều dọn đi sạch, trống toang. Còn các lều khác đều ngổn ngang những ba lô, vali xếp đống cả ở sân; các chi đội viên đều đứng quanh đấy sẵn sàng chờ đợi đến lượt lều mình đi.
Chúng tôi không đợi được nữa, ra cả ngoài bến.
Bấy giờ vừa hay đã có một chiếc tàu mở máy chạy và chiếc chở chúng tôi thì đang từ từ tiến sát vào bờ Lúc mạn tàu chạm vào hàng cọc gỗ, cầu phao bị va mạnh, kêu lên những tiếng ken két.
Chúng tôi chạy thình thịch qua bến, nhảy lên tàu. Chúng tôi là toán lữ khách đầu tiên lên chiếc tàu này, nên đã chiếm được mấy hàng ghế ngồi ở đằng mũi. Đó là chỗ ngồi mơ ước nhất của mọi người trên một chiếc tàu.
Chị Hai-ga đưa chúng tôi lên tàu, ngồi với chúng tôi mãi cho tới lúc tàu đã chật ních những đội viên và đã kéo còi, chị mới xuống từ biệt trở lại trại.
Chị như có ý bịn rịn không nói gì; chúng tôi cũng như chị, càng gần tới phút chia ly, chúng tôi và chị càng yên lặng thêm. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ là chị cũng sẽ về Bá-linh với chúng tôi một chuyến; sau mới nhớ ra là trong các anh chị phụ trách chúng tôi vốn không có chị. Chị chỉ tạm thay anh Mích một thời gian thôi. Giờ chị còn phải ở lại tiếp tục công tác.
Lúc từ biệt, chị cười híp đôi mắt lại, bắt tay từng đứa chúng tôi. Tất cả đều như lưu luyến không muốn rời chị. Và lúc chị quay đi, chúng tôi cùng nhìn theo chị. Rồi chị đứng lại ở trên bến, nhìn chúng tôi. Khi máy tàu xình xịch nổ, chị giơ khăn tay lên vẫy, chúng tôi cũng giơ tay ra vẫy lại.
Một cảm giác bùi ngùi nửa như vui sướng, nửa như buồn rầu tràn ngập mọi người.
Chúng tôi nghĩ: Thôi được, sang năm sẽ lại gặp nhau. Ý nghĩ đó hiện giờ vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi.
Tàu chạy theo tốc độ bình thường như mọi ngày. Sóng nước phun ra hai bên mạn tàu thành những đám bọt trắng như hoa mai. Toàn thân con tàu cứ rung rinh không một phút nào ngừng.
Không còn trông thấy trại hè nữa rồi. Nhưng vẫn thấy được cái tràn đất phẳng, cái bờ dốc ở ven hồ và những chòm thông chen chúc. Ba tuần vừa qua, chúng tôi đã từng qua lại mấy lần ở quanh bờ hồ đó.
- Chúng mình đã tắm một bận ở cái chỗ bên tay phải kia kìa! – Chích choè tự nhiên reo lên.
Lô-ti cũng se sẽ nói theo:
- Và chúng mình đã đóng bè ở chỗ ấy đấy.
Nói tới chuyện đóng bè, chúng tôi lại nhớ tới chị Hai-ga, vì đó là chuyện mở đầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa chị với chúng tôi. Giờ đây chị còn ở lại trại hè, còn chúng tôi đã ngồi cả trên tàu này để về với gia đình.
Tôi đã viết xong trang nhật ký hôm nay rồi.
“Sau khi về tới Bá-linh, chúng ta phải kiếm dịp gặp nhau để thảo luận qua về tập nhật ký này. Chúng ta phải xét xem nó sẽ có ích gì cho chúng ta”. Câu này là câu mà chị Hai-ga đã dặn chúng tôi lần cuối.
Tôi không hiểu chị nói như vậy là có ý gì. Thật ra tôi không định đưa quyển nhật ký này ra làm mất thì giờ của ai hết. Tôi muốn giữ nó lại, vì ở trong đó có ghi tất cả những hoạt động của mười lăm đứa chúng tôi và chị Hai-ga. Tôi định tới hôm nào có cuộc họp liên đội, sẽ chọn một hai đoạn đọc cho mọi người nghe thử.
Tôi cứ mải miết viết mãi không thôi, thành ra bỏ phí mất bao nhiêu cảnh đẹp không được xem. Bây giờ tôi phải gập nó lại.
Không mấy chốc, tàu đã tới bến Me-rô-sơ. Cả bọn cùng ngóng lên bờ lao xao bàn tán. Tôi cũng phải lên chơi một lát.
Nói cho đúng ra, tôi kết thúc quyển nhật ký này ở đây thật không được hay cho lắm; song tôi không biết nói gì hơn. Có thể là tôi lại xin nhắc lại một câu đã nói từ trước rằng:
- Không bao giờ tôi quên được những ngày đã sống ở bên hồ Cây gạo này. Những ngày ấy thật là những ngày rất vui, đẹp, nên thơ…
Thưa bạn đọc thân mến, tập nhật ký này tôi đã viết xong, tôi rất đỗi vui sướng, vì đối với tôi, nó là một công việc không phải dễ gì.
Tôi không hề nghĩ là lại có thể xuất bản nó thành sách. Sáng kiến này là do chị Hai-ga nêu lên trước. Còn tôi, tôi thật không dám nghĩ như thế. Tôi chỉ có ý định là sẽ đọc nó cho các đội viên trong chi đội chúng tôi nghe thôi.
Bây giờ, tôi xin nói thêm một vài chuyện về tình hình buổi họp mặt đầu tiên của chi đội chúng tôi từ khi rời Bá-linh:
Buổi họp mặt của chi đội lều số 13 sau khi về tới Bá-linh đã được tổ chức vào khoảng tháng 10, hai tháng sau ngày chúng tôi từ giã trại hè. Oan-tơ đã được bầu làm uỷ viên ban chỉ huy liên đội, trên cánh tay đã có đeo hai vạch đỏ. Li-pu-li-pu thì làm chi đội trưởng. Chích choè khoe là đã được chỉ định làm uỷ viên dự khuyết trong ban chỉ huy. Đó là một điều không ai ngờ tới.
Chị Hai-ga đến giữa tiếng cười chào đón náo nhiệt của chúng tôi. Chị hỏi thăm từng người và luôn luôn cười khi nghe mọi người kể lại thành tích. Nói chung là về tới đơn vị cũ, bạn nào cũng có tiến bộ rõ rệt.
Sau một chập hàn huyên náo loạn, tôi đem tập nhật ký ra đọc. Măm-phơ-lê có ý kiến gạch bỏ đoạn đánh đổ nước cà phê vào chân Pô-le. Nhưng Khơ-lao không đồng ý, bảo là việc đó có thật, thì cần phải để nguyên. Chị Hai-ga cũng cho như thế là phải. Măm-phơ-lê không biết nói sao chỉ ngồi cắn móng tay, mãi mới nói:
- Có điều là ghi chuyện đó vào nhật ký, thì người ta xem tới, sẽ cho là tớ chẳng ra gì!
Chúng tôi không nghĩ thế, vì nghĩ như cậu thì tập nhật ký này sẽ phải xoá hết một nửa mất.
Người đòi chữa nhật ký nữa là Chích choè:
- Tớ không đồng ý, cậu viết tớ chẳng khác gì nói một thằng hề trong chi đội.
Rồi Hen-mu cũng kêu là mình gọi chị Hai-ga là “cô” chẳng qua chỉ để đùa thôi chứ có gọi thật đâu. Và Lô-ti thì khăng khăng đòi gạch hẳn cái đoạn cướp bánh mì.
Những ý kiến trên đều bị tập thể gạt bỏ, vì như chị Hai-ga đã nói, nhật ký phải đúng sự thật mới là nhật ký.
Sau khi tôi đọc xong, tất cả mọi người đều vui vẻ, và hứa là cũng sẽ cố gắng viết nhật ký, vì nó là một việc làm vừa có lợi cho mặt luyện tập làm văn, vừa kiểm điểm được sâu sắc về mọi hoạt động hàng ngày của mình.
Cuối cùng, chúng tôi thấy cuộc họp mặt của chúng tôi hôm nay có môt ý nghĩa đoàn kết mạnh mẽ và là một dịp ít có; nên có đề nghị để Li-pu-li-pu chụp một tấm ảnh làm kỉ niệm.
Li-pu-li-pu làm đội viên trong tổ nghiên cứu nghệ thuật nhiếp ảnh. Cậu ta có mang máy ảnh theo. Khi nghe chúng tôi có ý kiến vậy thì cậu ta không từ chối gì, vui vẻ nhận lời ngay. Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ để sửa soạn chỗ đứng và các dáng ngồi cho từng người một. Vì chụp một tấm ảnh đông tới mười lăm người, mà trong đó lại có những tướng hay cà khịa như Chích choè và Măm-phơ-lê thì không phải là chuyện dễ.

Hết


Xem Tiếp: ----

- Đích-dơ à! – Han-si gọi, – Cậu đừng dối trá thế. Chân cậu có đau đâu mà bảo đau.
- Ờ, đúng như cậu nói thì đã sao chưa?
- Như thế là cậu lừa dối chị Hai-ga, mà cũng là lừa dối cả anh tổng phụ trách nữa.
- Phải, đừng có ra điều tiến bộ dạy đời. Tớ nghe mãi, ngấy lắm rồi.
Li-pu-li-pu xô lên một bước, nói:
- Chúng tớ có gì là ra điều tiến bộ, chúng tớ có lên mặt bao giờ đâu. Có cái là một đội viên thiếu niên tiền phong thì không được nói dối, có thế thôi, biết không?
Đích-dơ “pì” một tiếng, quay mặt đi.
Chích choè réo:
- Cứ mang nước vào giội cho nó một mẻ, xem nó có dậy không?
- Ấy, đừng có dại dột thế. – Oan-tơ can, – chúng mình phải nghĩ cách sửa chữa cho nhau chứ. – nó nói câu này hơi to: – Tớ đề nghị là phải triệu tập cuộc họp ban chỉ huy chi đội ngay, chào cờ xong là họp luôn.
Đích-dơ cười nhạt một tiếng, lại giở sách ra xem.
Sau bữa cơm sáng, chúng tôi lại mạn đàm với nó một lúc nữa. Nó nhất định không chịu nhận khuyết điểm. Cuộc họp ban chỉ huy chi đội không thể nào họp được.
Vì là họp sau lễ chào cờ, nên chị Hai-ga không biết tí gì. Mãi khi xong việc, chị mới biết là chúng tôi đã quyết định ra sao. Đó là quyết định của toàn thể đội viên chi đội lều số 13, kể cả Mai-ơ nữa, đều nhất trí thông qua, nội dung bản quyết định là: Đích-dơ phải nhận lỗi của mình, phải thành thật kiểm điểm. Trứoc khi nó làm xong hai việc trên, toàn thể chi đội không ai được nói chuyện với nó.
Chị Hai-ga không đồng ý lắm về quyết định của chúng tôi. Chị nói, chúng tôi cũng không chịu dậy sớm, mà cho rằng nó có dậy sớm chăng nữa, thì so với các chi đội khác cũng chẳng có gì là sớm cả.
Chúng tôi không đồng ý với lời phê phán ấy. Thứ nhất, chúng tôi bao giờ cũng dậy đúng giờ; thứ hai, chúng tôi không bao giờ định trốn tập thể dục. Còn Đích-dơ thì dối trá rành rành ra. Vì thế chúng tôi không chơi với nó nữa.
Thế là chúng tôi cứ mặc cho nó nằm và cũng mặc cho Mai-ơ ngồi bên cạnh nó. Chúng tôi lấy vở kịch, theo chị Hai-ga ra lùm cây.
Vẫn trên khoảng đất sáng hôm kia chúng tôi đã họp để chuẩn bị tiết mục góp vui và rồi đã bị nhục một vố nên thân, hôm nay chúng tôi lại họp ở đấy để tập vở kịch này lần thứ nhất.
Chúng tôi ngồi cả trên thảm cỏ. Chị Hai-ga bảo chúng tôi hãy đọc cả vở ba bốn lượt từ đầu đến đuôi, mỗi người đều phải đọc lời của mình. Chị nhắc chúng tôi là tất cả đều phải luôn luôn nhớ câu cuối cùng của người khác (cũng gọi là câu nhắc ngầm), để biết mà nói tiếp câu của mình ra sao. Đồng thời, chị cũng dặn chúng tôi nên nhấn mạnh vào những chỗ nào; câu nào, tiếng nào thì nên dằn giọng.
Chúng tôi theo lời chị, đọc như thế ba lượt từ đầu đến cuối. Sau đó, Oan-tơ nói:
- Bây giờ, chúng em có thể yên trí diễn thử được rồi, vì vở kịch chúng em đã học thuộc ngay từ tối hôm qua.
- Ừ. – chị Hai-ga nói. – Có điều là các em phải chú ý những chỗ dừng, nghỉ, nếu không sẽ diễn không được hay. Phải đấy, chị cũng thấy là bây giờ có thể diễn thử được rồi.
Bấy giờ, mọi người đều như nghiêm túc lên. Ngay Chích choè cũng không còn bụng dạ nào đùa nghich như mọi khi nữa.
Chị Hai-ga nói:
- Để chị ra sân khấu trước, tuyên bố với các đội viên là chúng ta diễn tiết mục gì đã.
Lúc chị nói, mọi người đều lẳng lặng nghe.
Lô-ti se sẽ hích Phu-lân một cái, rồi hai đứa nhếch mép cười với nhau.
- Thưa các bạn, chúng tôi sẽ biểu diễn tất cả những chuyện đã lần lượt xảy ra từ trước tới nay. Chúng tôi xin kể tóm tắt tình hình sinh hoạt ở trại hè bắt đầu từ ngày thứ nhất để các bạn nắm vững nội dung tối kịch, sau đó chúng tôi mới biểu diễn.
- Chị Hai-ga à! – Hen-mu nói cướp lời. – Cái vai anh Mich thì làm… làm thế nào? Có thể tìm được ai đóng… đóng anh ấy không?
- Chị đã bàn cả với anh Mích rồi. Anh ấy đã bằng lòng đóng với chúng ta. – Khi nói, mắt chị sáng lên một cách sung sướng và tự hào.
Chúng tôi đều giật mình, trố mắt lên hỏi:
- Chị đã bàn với anh ấy thật à?
- Thật, đã bàn bạc đâu vào đấy rồi.
- Thế anh ấy cũng tham gia biểu diễn ạ?
- Phải, anh ấy cũng tham gia với chúng mình.
- Thế anh ấy không giận chúng em nữa ư?
- Việc gì mà anh ấy giận? Các em không hợp với anh ấy. Tất nhiên, cũng có những chỗ mà lỗi là tự các em, các em phải chịu trách nhiệm. Còn anh ấy, thì cũng thế, anh ấy cũng có chỗ không đúng. Điểm này, anh ấy đã nhận cả. Vì thế, anh ấy mới vui vẻ đến tham gia biểu diẽn với mình chứ.
- Phục thật, phục thật! – Li-pu-li-pu nói. – Anh Mích như thế thì phục thật đấy!
Chúng tôi đều mừng rỡ và rất phấn khởi về cái tin quý báu này.
Tôi nghĩ nếu anh Mích mà thấy rõ những chuyển biến mới đây của chúng tôi, nhất định anh sẽ phải ngạc nhiên. Mà nói cho thật, thì ngay tôi, tôi cũng không tin là chúng tôi lại có thể chóng tiến bộ được đến thế.
- Thôi, để chị tiếp tục nói đã. – chị Hai-ga lại nói. – Sau khi anh Mích đi khỏi, tôi mới về thay. Các đội viên ở đây, đều không thích làm và học, nghĩa là chỉ có độ năm ba em thích thôi, còn thì đại đa số là không thích. Và do đó chi đội này đã đi đến chỗ bị gãy trước mặt mọi người trong tối liên hoan vừa qua. Sau đây, chúng tôi sẽ biểu diễn những chuyển biến tốt của chi đội này, chúng tôi đã đồng tâm hợp lực cộng tác, và đã thành công. Màn kịch thế là hết!
- Màn kịch thế là hết. – chúng tôi cùng nhắc lại.
Li-pu-li-pu nói:
- Tục ngữ nói đúng quá: Màn kịch hết là mọi việc xong, tất cả đồng lòng là ai cũng thích.
Tiếp đó, chúng tôi bắt đầu diễn thử ngay. Trước hết, chị Hai-ga nói rõ là chúng tôi phải đứng ở đâu, đứng như thế nào. Chị bảo chúng tôi phải làm giả như vừa mới ở Bá-linh về trại và chị bảo Măm-phơ-lê đừng cầm cái lọ thuỷ tinh đựng thằn lằn vội, vì nó cứ mang kè kè mãi cái lọ ấy không chịu rời ra lúc nào. Đó cũng là tại chúng tôi đồng ý cho nó mang lên sân khấu, nhưng là để đến lúc diễn cơ, đằng này nó cứ cầm luôn ở tay.
Rồi chúng tôi bắt đầu diễn lại những niềm vui sướng của những bạn mới tới trại hè.
Đến đây, chị Hai-ga cũng phải nói đúng như trong vở. Chị tạm thay anh Mích ra diễn vai của anh ấy. Trong vở có ghi rõ là lúc anh ấy tới lều thì chúng tôi đang lăn lộn trên giường và cũng ghi rõ những câu nói khích của anh Mích để động viên chúng tôi bỏ tật xấu, ghi rõ những câu chúng tôi bắt bí anh ấy. Chúng tôi diễn lại những câu nói kháy giữa chúng tôi, những cuộc tranh cãi giữa Hen-mu và Chích choè; Chích choè làm lại cái ngón cướp bánh mì và Măm-phơ-lê làm lại cái trò nhai nhồm nhoàm lúc ăn. Sau khi diễn xong cái trò tranh ăn giữa chúng tôi, chúng tôi nằm lăn ra bãi cỏ, vỗ bụng, làm các điệu ngáo ộp, và lúc đó anh Mich lại đến…
(xin nhớ là vẫn chị Hai-ga đóng thay, chưa phải anh Mich thật).
Anh Mích: “Các em chú ý. Sáng ngày mai các em phải họp chi đội, để bầu ban chỉ huy chi đội của chúng ta”.
Oan-tơ: “Nhưng chúng em chưa thật hiểu nhau thì làm sau mà bầu được”.
Anh Mích: “Cái đó không ngại. Các em đã có lúc cùng đợi tàu với nhau, cũng không còn lạ nhau lắm. Hơn nữa lại đều là đội viên thiếu niên tiền phong cũng khá lâu rồi kia mà”.
Pô-le: “Không đâu, em mới gia nhập tháng trước thôi”.
Phu-lân: “Em cũng thế”.
Măm-phơ-lê, Ếc-vin và Chích choè: “Em cũng thế”.
Anh Mích: “Ờ, nhưng ban chỉ huy chi đội là gì, tất cả các em phải biết cả chứ?”
Pô-le: “Em vẫn chưa biết ạ”.
Oan-tơ: “Thế thì cậu ở liên đội nào đến đây đã? Ở liên đội các cậu không có ban chỉ huy chi đội à? Nếu thế thì các cậu làm thế nào mà hoạt động chi đội được?”
Pô-le: “Tớ không biết chúng nó làm thế nào cả”.
Anh Mích: “Có điều là, các em đã là đội viên thiếu niên tiền phong thì phải biết tổ chức của đội là thế nào rồi chứ”.
Pô-le và Chích choè: “Ồ, chúng em vừa mới vào Đội, cái đó có gì là lạ; chúng em không biết tổ chức của Đội ta ra sao là thường chứ”.
Anh Mích: “Không biết thì cũng phải biết. Sáng mai các em phải bầu ban chỉ huy chi đội”. Và anh nói với Oan-tơ: “Em có thể nói qua về nhiệm vụ của ban chỉ huy chi đội cho các em ấy nghe một lượt không?”
Oan-tơ: “Anh hỏi buồn cười quá. Ban chỉ huy chi đội có nhiệm vụ điều khiển mọi hoạt động của chi đội và cắt đặt công tác cho các phân đội chứ gì!”
Khơ-lao: “Mà các phân đội phải giúp đỡ ban chỉ huy. Chẳng hạn như lúc chuẩn bị họp thì một phân đội phụ trách sắp xếp chỗ họp, một phân đội khác thì lo việc thảo luận tác phẩm văn nghệ,…”
Anh Mích: “Đúng, đúng lắm. Do đó, các đội viên mới vào Đội, phải chịu khó học tập ở trại hè này, để rồi khi về đội mình, sẽ giúp đỡ được các đội viên ở nhà”.
Pô-le: “Chúng em muốn tha hồ tắm có được không?”
Anh Mích: “Bây giờ, không nói chuyện ấy vội”.
Lô-ti: “Thì hỏi thế có làm sao. Anh hãy trả lời câu em hỏi ấy đã”.
Anh Mích: “Thì hẳn là có thể tắm được chứ sao.”
Hen-mu: “Mà chúng em có thể đi chơi được chứ?”
Han-si: “Ở đây, có tổ chức thi đạt huy hiệu thể dục thể thao không hả anh?”
Măm-phơ-lê: “Ở đây có thằn lằn không anh?”
Khơ-lao: “Buổi sáng chúng em phải dậy từ mấy giờ ạ?”
Pi-tơ: “Ở đây có thuyền không anh?”
Oan-tơ: “Chúng em ở đây có được bầu ban chỉ huy liên đội không anh?”
Anh Mích: “Thôi, thôi, khoan hẵng! Các em cứ hỏi rối lên thế, thì anh trả lời làm sao được!”
Thật vậy, chúng tôi cứ mỗi đứa một câu nhao nhao lên như thế thì anh Mích làm sao mà trả lời kịp. Nên chi anh cũng kêu toáng lên. Và do đó, về sau giữa anh và chúng tôi cứ xa nhau mãi, càng ngày càng tệ. Điểm này các bạn đã biết rồi, đây không nhắc lại nữa. Có điều là về phần vở kịch thì tôi không chép thêm mà nói ngay chuyện chúng tôi đi thuyền đã.
Hôm nay, lúc ăn sáng xong, tất cả chúng tôi đều đi chơi thuyền. Li-pu-li-pu, Lô ti và Pô-le ngồi chung một chiếc, Pi-tơ, chị Hai-ga và tôi ngồi một chiếc khác. Chị Hai-ga cũng đi, vì chị còn phải trông coi chúng tôi.
Mỗi chi đội được đi thuyền một giờ. Những ai muốn đi phải rút thăm để cho khỏi suy bì.
Những cậu không rút thăm đều giảu môi phụng phịu tỏ ý hậm hực. Nhưng chúng cũng không thể không đồng ý với cách giải quyết rất công bằng hợp lý là rút thăm này. Chúng thừa biết là, cả chi đội chỉ có năm người được đi, vì thuyền có ít mà người lại nhiều, phải để cho các chi đội khác cũng được hưởng quyền lợi như chi đội mình, không thể chiếm cả được.
Hai chúng tôi đẩy thuyền xuống nước. Bọn chúng nhìn chúng tôi bằng cái nhìn thèm thuồng và ghen tị.
Chúng tôi và chị Hai-ga cùng ra bến ở bên hồ. Những chiếc thuyền này vừa nhỏ vừa dài, xung quanh có mấy đội viên thiếu niên tiền phong đang đứng.
Li-pu-li-pu, Lô-ti và Pô-le cãi nhau ỏm tỏi vì tranh nhau chỗ ngồi. Pô-le cứ đòi cầm chèo.
- Mày chèo uể oải lắm. – Li-pu-li-pu nói.
- Còn mày ngù ngờ thế, mà lại đòi chỉ huy chúng tao à? – Pô-le vặn lại.
- Ở đây không có ai có quyền chỉ huy ai cả. – Chị Hai-ga nói. – Các em nên nhớ là đầu mũi càng cao thì chèo càng đỡ mệt. Có phải thế không? Vậy thì em nào nhẹ người nên ngồi ở mũi, để em nặng cân ngồi ở lái mới đúng.
- Cái đó, em biết thừa đi rồi. – Pô-le nói có vẻ ấm ức, song cũng phải nghe ngay.
Lô-ti là đứa thứ hai trèo vào thuyền.
- Phải giẫm vào ván thuyền kia! Tuyệt đối không đuợc giẫm vào cạp thuyền! – Chị Hai-ga nhắc nó.
Nó bặm môi thật chặt, đứng lom khom ở giữa lòng thuyền, lảo đảo, định vớ một cái gì có thể vịn được.
- Hừ, ngồi xuống đi! – Li-pu-li-pu cười nói.
Lô-ti tức thì ngồi phịch xuống như bị ngã.
Pô-le cáu tiết, mắng:
- Mày điên đấy à!
- Không sao, – Lô-ti nói, và nó thấy là đã thật sự an toàn, không sợ gì hết. Không ngờ tới lúc Li-pu-li-pu trèo vào thuyền, nó lại hoảng lên, vội đưa tay ra vịn vào cạp thuyền. May mà cũng chẳng sao cả.
Li-pu-li-pu thành thạo như một chú lái nhỏ. Nó trèo vào thuyền đã gọn mà tìm chỗ ngồi cũng rất dễ.
Đã có thể bắt đầu chèo được rồi. Chị Hai-ga và chúng tôi đều đợi chúng nó mất khá lâu.
- Chúng ta chèo đi đâu bây giờ nào? – Chị Hai-ga hỏi.
- Ồ, đi đâu thì đi. – Pô-le đáp và nói thêm. – Mục đích chỉ cốt chèo chơi một lát cho khoái thôi. – Rồi nó huýt một tiếng còi thật to, tỏ vẻ rất thích thú.
- Em muốn vào trong bụi lau để lấy ít ống sậy, chị ạ. – Lô-ti nói.
- Không được. – Li-pu-li-pu gạt ngay. – Vào trong ấy không có chỗ đỗ, mà lội xuống thì cũng không lội được. Gọi là cứ bơi thẳng ra sông con thôi.
Pi-tơ và tôi không nói gì, chúng tôi cũng nghĩ như Pô-le. Thế là tất cả cùng lái về phía đông bắc, bơi men theo bờ hồ ở ngay chỗ đầu dốc gần trại.
Ở đây, có một đám lau xanh rờn và rất rậm, ngăn hẳn tầm mắt chúng tôi. Lái qua đám lau, chúng tôi bơi đến chỗ bến tắm. Từ trong thuyền nhìn ra, cảnh vật xung quanh – khu trại và mấy người cảnh vệ đang ngồi ở trên chiếc thuyền cũ kĩ tại bến tắm – đều như có vẻ khác lạ, không giống mọi khi. Chúng tôi ngắm nhìn những hàng lau sậy và rặng thông trên bờ, lắng nghe các đội viên đang hát theo nhịp một chiéc phong cầm nào đó.
Bồng bềnh trên mặt nước thế này thật là thú quá! Thuyền thì nhỏ, càng nhỏ càng xinh, bóng thuyền lung linh lồng xuống đáy nước. Mặt hồ lăn tăn ánh sáng, sáng lên như muôn chuỗi pha lê. Nhìn sang bờ trước mặt, sao mà xa quá thế. Rừng thông ở đằng xa kia, hôm nay như xanh thắm lại và êm ái quá chừng. Mấy cây to lá ở gần đó trông cứ thưa dần. Bóng cây dốc ngọn xuống hồ trông như mọc ngược. Lau sậy và những cột buồm trên các xuồng máy cũng như cắm ngược cả xuống hồ.
Bức tranh đó thật là càng ngắm càng thấy đẹp không sao tả xiết.
Người ta như không nghe thấy tiếng chiếc xuồng lướt trên mặt nước.
Mỗi khi mũi thuyền cản sóng, thường reo lên những tiếng nước vỗ lép bép. Và mỗi khi mái chèo khuấy xuống là bọt nước lại tung lên, rồi nước từ mái chèo lại rơi như mưa xuống mạn thuyền.
Mấy chiếc xuồng ở các chi đội khác cũng đang chèo sát bên xuồng chúng tôi.
Lô-ti và Pô-le lại bắt đầu cãi nhau.
- Mày thì biết gì. – Pô-le nói. – Thuyền con tất nhiên là phải lướt nhanh như nó đã lướt chứ.
- Nhưng dù sao cũng không nhanh bằng xe đạp được. – Lô-ti nói.
- Ai bảo. Chính mắt tớ thấy là nó nhanh bằng đấy. – Pô-le cãi lại.
- Có lẽ là cậu nằm mơ thấy chứ gì. – Lô-ti bảo.
- Chị Hai-ga ơi! – Pô-le bỗng gọi váng lên. – Chị Hai-ga à! Chị bảo cái thuyền con này có đi nhanh bằng xe đạp không?
- Còn tuỳ xem người bơi thuyền thế nào đã chứ.
Ngoắt một cái, Pô-le quay ngay lại:
- Ờ, cậu có nghe thấy không? Giờ cậu đã tin chưa? Hử?
Lô-ti cười nhạt nói:
- Nếu người ngồi thuyền là cậu, thì nhất định không thể nào nhanh bằng xe đạp được, vì cậu có biết bơi thuyền đâu!
Pô-le trợn mắt lên không nói được nữa. Nó quay mặt đi; vì còn biết nói thế nào được. Chính nó từ trước tới nay không biết chèo thuyền.
Chỗ giáp với hồ Cây gạo với con sông con có một doi đất nhô hẳn ra. Sau doi đất này về phía bờ sông có một vũng nhỏ, trong vũng có hai chiéc thuyền buồm đậu bến. Cả hai thuyền đều vững và to, có khoang lớn lại có cột buồm rất cao. Trên một chiếc có một người đàn ông và một người đàn bà đang ăn cơm. Chỗ này rất tĩnh mịch, chúng tôi nghe rõ cả tiếng thìa canh chạm vào bát đĩa.
- Chúc hai bác ăn ngon nhé. – Pô-le vẫy tay về phía hai người nói thật to. Họ cũng cười nheo mắt và giơ tay vẫy lại.
- Giá được một cái thuyền buồm như thế mà bơi thì thích nhỉ. – Pi-tơ nói.
- Chị Hai-ga ạ, – tôi nói to. – giá ở trại chúng mình cũng có một chiếc thuyền như thế này thì thích quá, chị nhỉ.
Pi-tơ tiếp:
- Tớ chỉ muốn được ngồi thuyền buồm một chuyến xem nó thú vị hơn ngồi thuyền con ra sao thôi.
Nói xong nó cho tay xuống nước vốc một vốc rồi tung cao lên trên khôn, lập tức có tới hàng nghìn giọt nước rơi toả xuống như những giọt thuỷ tinh trông rất đẹp mắt.
- Chị Hai-ga ạ! – Lô-ti ở thuyền bên kia lại lên tiếng. Nó hỏi: – Tại sao nước hồ ở xa trông xanh biếc, mà ở đây trông xuống thì nó lại xanh lục hả chị?
- Đó là tại sắc trời ánh xuống mặt nước chứ sao! – Li-pu-li-pu nói.
- Thế sao nước ở ngay cạnh thuyền trông cũng xanh lục?
- Vì vốn dĩ nó có màu xanh lục.
- Sao, nước màu xanh lục à?
- Ừ. – Li-pu-li-pu đáp.
- Thế mà cũng đòi! Nước không có màu gì cả, nó trong suốt.
Tôi liền nhìn chị Hai-ga một cái. Chị cười tủm tỉm thú vị nghe hai đứa nói. Hễ khi nào chị cười là đôi mắt chị cũng híp lại thành hai vệt ngay. Tôi thích nhìn cái lối cười chân thật đó của chị.
- Đến màu sắc mà cậu cũng không biết phân biệt nữa à! – Li-pu-li-pu nói.
Lô-ti nhìn sang chị Hai-ga nói:
- Kìa chị bảo đi, xem nó như thế nào.
- Li-pu-li-pu nói sai rồi. Nước hồ không phải màu xanh lục đâu, nhưng vì ở trong nước đó có rất nhiều động vật và thực vật nhỏ, cho nên ta trông cứ thấy như nó có màu xanh lục. Cái hồ này của chúng ta vốn có nhiều dương liễu đấy, nghĩa là ở đáy hồ có rất nhiều bùn, mà trong bùn thì thường có cơ man nào các loài động vật, thực vật. Cho nên trông nước hồ cứ như có sắc xanh lục là vì thế.
- Ồ ra là thế đấy? – Lô-ti nói. – Em thật không hề nghĩ đến bao giờ cả.
- Có lẽ khi ở lớp giảng tới bài này thì cậu lại vừa mới xin nghỉ xong. – Li-pu-li-pu cười nói.
- Thì cậu cũng vừa mới trốn học đấy thôi. – Lô-ti đáp.
- Không, ở lớp tớ chưa giảng tới môn này.
Li-pu-li-pu nói rồi đưa cái bơi chèo cho Pô-le:
- Pô-le à, cậu cứ bơi một lát xem.
Pô-le đón lấy mái chèo, lóng ngóng mãi mới biết cách cầm như thế nào. Nhưng rồi nó cũng chỉ bơi quấy quá một hồi thôi, không làm sao mà làm cho thuyền tiến lên được.
- Trước hết, hãy để chếch cái mái chèo lên phía trước mà đẩy đã, rồi mới ngả nó xuống độ bốn nhăm độ mà bơi ở dưới nước. Khi bơi thì nhè nhẹ tay thôi, đừng đẩy mạnh quá. Cứ như thế là nó tự khắc nổi lên mặt nước.
- Hì hì. – chúng tôi đều phì cười.
- Cậu nói có vẻ thạo lắm nhỉ. Cậu học ở đâu thế, Li-pu-li-pu?
- Tớ học anh phụ trách chúng tớ đấy, trước chúng tớ vẫn bơi với anh ấy mãi.
Bây giờ, Pô-le đang mắm môi mắm lợi cố học lấy được. Những là đặt bơi chèo xuống nước ra sao, vẫy nó về phía sau như thế nào. Nó cứ ngoay ngoáy cái đầu trọc mà nhô lên cúi xuống mãi, trông rất buồn cười.
Chúng tôi bơi qua bến của các vận động viên bơi lội. Trước đây bốn ngày, chúng tôi đã vào đây chơi trong một dịp đi bộ mà tôi đã nói ở trên; bây giờ, chúng tôi lại trông thấy lần nữa.
- Không biết có phải hai người hôm nọ nhóm bếp mãi không cháy kia không? – Li-pu-li-pu thình lình hỏi to thế, và cong hai ngón tay đưa vào miệng, huýt một tiếng còi gọi.
Hai người kia cũng huýt lại nó một tiếng.
Gần chỗ họ dứng, cũng có một đống lửa đang bốc khói; một chiếc giường treo mắc trên hai thân cây như cái võng đan ở trên có một người đang nằm xem sách, miệng ngậm điếu xì gà.
Pô-le đắc ý khoe:
- Loại giường này, tao đã được nằm một lần rồi!
- Ờ, thế thì có gì là lạ. – Lô-ti nói.
Li-pu-li-pu nghĩ một lúc nói:
- Để hai năm nữa, thì ra, tớ sẽ học nghề thuỷ thủ, chuyên chạy trên tàu biển. Bấy giờ, tớ tha hồ ngủ giường treo; mà là giường treo chính cống cơ, chứ không phải thứ giường làm bằng võng này.
- Hừ, ở tàu làm gì có giường treo. – Lô-ti nói. – Tớ có một ông chú, công tác trên tàu đánh cá, chỉ ngủ giường đóng vào vách gỗ thôi.
- Đấy là chỗ nằm ở trong khoang đáy. – Chị Hai-ga nói.
Li-pu-li-pu không biết nói gì, cứ nhìn chị Hai-ga rồi lại nhìn Lô-ti.
- Thật không?
- Em ấy nói thật đấy. – chị Hai-ga đáp. – Tàu buôn kiểu mới bây giờ không có giường treo nữa, trên tàu chia thành từng ngăn, mỗi ngăn hai người ở chung.
- Ồ! – Li-pu-li-pu kêu lên một tiếng, rồi tỏ vẻ suy nghĩ như tiêng tiếc cái gì.
- Chị Hai-ga à, chúng ta có nên đi luôn một mạch ra tận Mi-rô-si không chị? – Pô-le hỏi.
Chị Hai-ga cười đáp:
- Thế thì xa quá! – rồi chị xem đồng hồ, nói tiếp: – Bây giờ, chúng ta phải quay về thôi, không thì lại đi quá giờ đã quy định.
Lẽ ra chị không nên nói cái câu cụt hứng này mới phải.
Chúng tôi đều nhăn nhó, không đứa nào muốn về, vì đang chơi vui và vào giữa lúc thích nhất! Nhưng Pi-tơ và tôi không thể cưỡng được. Chị ngồi ở thuyền chúng tôi, nên chúng tôi đành phải cho thuyền quay lại. Còn Li-pu-li-pu, Lô-ti và Pô-le thì cứ làm như không nghe thấy gì, chúng vẫn tiếp tục bơi. Mãi tới lúc chị Hai-ga phải quát lên, chúng mới dừng chèo và quay lại.
- Đi thêm một quãng nữa không được ư chị? – Li-pu-li-pu hỏi ề à.
- Không, chúng ta phải về thôi. – chị Hai-ga vừa lắc đầu vừa đáp.
- Không, chị cho chúng em đi nữa cơ.
- Đừng có kèo nhèo thế. Mau lên! Người ta còn đợi hai chiếc thuyền này đấy.
- Ồ, ra là thế ạ. – Li-pu-li-pu nói xong, bẻ mũi thuyền quay lại. Chúng tôi cùng chèo về.
Hồ Cây gạo bây giờ lại hiện ra một vẻ khác. Chúng tôi bơi về phía mặt trời, ánh nắng chiếu rọi xuống mặt hồ nhấp nhánh, những làn sóng lại càng thêm sáng chói. Mỗi khi Pi-tơ cất mái chèo lên, những giọt nước lại rơi xuống lả tả như những giọt thuỷ tinh lóng lánh mọc trong nắng vàng.
Đường về sao mà ngắn quá! Khu trại mỗi lúc một gần thêm. Chúng tôi lại nghe thấy những tiếng ồn ào, lại trông thấy chỗ bến tắm và mấy người cảnh vệ ngồi trên chiếc thuyền cũ kĩ.
Lát sau, chúng tôi đã về tới bến. Các đội viên ở một chi đội khác đã đứng sẵn ở đó chờ chúng tôi. Chúng tôi vừa lên bờ một cái chúng nó đã theo anh phụ trách và xuống thuyền ngay.
Nhìn chiếc thuyền rời bến, Pô-le vẫn còn thèm thuồng nói:
- Ngồi thuyền thật thú ghê!
Cuộc đi chơi thuyền của chúng tôi thế là kết thúc. Thời gian tuy rất ngắn, trước sau không tới một tiếng đồng hồ, song cũng đã thú lắm rồi. Tôi thấy là không thể im không nói lại được những cái thú trong cuộc đi thuyền này với mọi người được.
Buổi chiều, tất cả chi đội chúng tôi lại tập diễn lại vở kịch một lần nữa. Mặc dù chị Hai-ga đặt mức yêu cầu với chúng tôi có phần gay gắt, nhưng chúng tôi cũng đồng ý cố gắng tập thật cẩn thận. Và cũng xin nói thêm là chúng tôi còn học được một bài hát nữa, học thật sự. Đó không phải là bài gì mới lạ, mà là bài “Tương lai tươi sáng”. Trong chúng tôi đã có nửa số đội viên học thuộc từ lâu rồi. Bài hát này, chúng tôi định để tới lúc diễn xong vở kịch sẽ cùng hát một lượt. Hôm nay, mọi người học hát đều khá cả. Tuy có một số chưa thuộc, song chỉ cần sáng mai ôn lại một vài lượt, là đến chiều nhất định hát phải trơn tru. Về kịch, cũng chắc chắn không có vấn đề gì.
Tôi thấy mệt quá, ngáp luôn mấy cái. Ngày giờ đã muộn; mặt trời soi trên ngọn thông như cũng có vẻ uể oải; nó đỏ ra, không còn chói sáng như trước nữa. Bầu trời trên mặt hồ cũng ảm đạm. Từng bè mây tản mát đều có đượm chút nắng hồng.
Tiếng nhạc truyền thanh lại vang lên. Trong lều số 14 và số 4, đều có tiếng cười nhảy múa. Các lều ấy đang luyện một điệu múa dân gian. Không riêng gì các bạn gái ở lều số 4 và các bạn trai ở lều số 5, tất cả các đội viên ở những lều khác cũng tham gia nhảy múa. Chúng vây cả lại thành một vòng rất rộng, lúc thì nhảy và hát, lúc lại đứng ngoài đánh nhịp hoan hô. Có thể là hầu hết đội viên ở trại đều có mặt tại đây. Chỉ riêng hai cậu Mai-ơ và Đích-dơ là vẫn lẩn ở trong lều thôi. Đích-dơ thì đang ăn một quả táo.
Chập tối chúng tôi lại ra hồ tắm một lượt, khắp trại đều đi hết. Chúng tôi thả sức vui đùa, làm nhộn lên một trận, tưởng như đến phải lật úp cả cái hồ Cây gạo này thì mới đã.
Ngày mai lại sẽ viết tiếp cuốn nhật ký này.
Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng ở trại hè. Thật là lưu luyến biết bao.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: PCCC
Nguồn: vnthuquan.net
Được bạn: conbo2 đưa lên
vào ngày: 9 tháng 7 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--