Tập 2- J

Cũng đêm ấy, cách 1050km tính từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Trong một căn nhà nhỏ, có chiếc chuông gió treo ở trước cửa, được bao bọc bởi hàng dừa, cau xen lẫn, một người đàn bà cô độc ngồi trước cái ti vi, nghe rõ lời nhắn tin tìm người của Văn.
Người đàn bà tóc bạc trắng, dáng cao gầy, thanh mảnh trong bộ lụa trắng ngà, ngồi bất động một lúc lâu rồi thở dài đứng lên tắt ti vi, chậm rãi bước ra ngoài. Cơn bão đã đi qua cả tuần rồi, hàng cau, hàng dừa không cây nào đổ nhưng tơi tả xác xơ như cuộc đời của bà. Ngôi vườn sau cơn bão cả tuần, đầy lá, cành gẫy, chưa được dọn sạch. Bà đi thơ thẩn quanh vườn, vật vờ như một bóng ma. Tám năm rồi bà về lại nơi chôn nhau cắt rốn, làm một con người sống không quá khứ, ngày phơi gió cát, đêm nhìn trăng đèn, cố quên đi tất cả.
Quên được sao?
Kìa con cáo già đội lốt người, nhe nanh cười ngạo nghễ:
- Nó là con bà, đồ đê tiện.
Kìa Phong Linh réo vang trong gió, thành lời.
- Mẹ ơi! Nếu con yêu một người nghèo.....
- Không sao cả. Miễn là hắn tốt. Mẹ ngày xưa ở với ngoại của con, chỉ giàu hơn ăn mày, quanh năm gió cát, đèn trăng suốt thời thơ dại, vẫn có tương lai, có con.
- Mẹ ơi! Anh Bảo....
- Nó được lắm. Để mẹ nói dì Út mời nó lại ăn cơm.
Quên được sao?
Con cáo nhe nanh vuốt cắn nát con tim người mẹ. Cắn nát linh hồn của đứa con. Bà rời rã, chết điếng thấy Cái Chuông bé nhỏ thân thương, nhạt nhòa nước mắt.
- Các người bỉ ổi, đê tiện....
Gã con trai gào lên thất thanh:
- Anh không có. Hãy tin anh.
Và rồi.... Quên được sao?
Những mảnh pha lê vỡ nát, những cành hồng tơi tả trên nền gạch hoa. Mỗi giọt máu là lưỡi dao cứa nát trái tim của người mẹ.
- Mẹ là hồng nhung, gai hồng nhung đâm nát tim tình địch là con.... ha....ha...
Quên được sao?
- Ba con bỏ thuốc mê cho mẹ và Bảo uống.
- Chát!
Người đàn bà giật nẩy mình, thân run bần bật trong cơn gió mùa đông, đưa tay ôm lấy mặt, ngồi thụp xuống dưới gốc dừa nghiêng nghiêng.
Cái tát tai duy nhất trong đời bà nhận lĩnh là cái tát giết hết lòng tin, tình thương người mẹ đặt vào đứa con bà yêu thương nhất trên đời.
Đau đớn, đau lắm trời ơi! Người đàn bà quỳ giữa khu vườn xơ xác, đưa tay lên, ngữa mặt nhìn trời đêm, đen màu tăm tối, nức nở, gào thép trong câm lặng.
Không. Không thể nào quên.....
Người thanh niên đẩy cổng rào bước nhanh đến, anh cúi xuống đỡ bà lên, ngậm ngùi ôm bà than:
- Dì ơi. Tội chi mà hành hạ mình rứa dì?
Gương mặt hằn nếp nhăn năm tháng càng rúm ró, duy đôi mắt ráo hoảnh, rực tràn nỗi đau sâu kín.
- Con tìm dì có chuyện gì không?
Người thanh niên dìu bà vào nhà, đỡ bà nằm xuống chiếc giường nhỏ, lấy mền đắp kín cho bà, nhẹ nhàng nói:
- Nếu dì nói hắn bất hiếu, vô đạo, rồi răng buồn đau thế ni? Tám năm rồi, muốn từ, dì cứ gặp hắn công khai, không mắc chi mần thinh rứa. Còn nếu thương con, dì đừng để chị Vân khổ tâm rứa, tìm suốt mấy năm ni, tiền núi cũng hết.
Người đàn bà thều thào:
- Dì không có con, đừng nói nữa. Cát ơi!
Người thanh niên thở dài:
- Nó nói mô được, chị Vân thiệt là ghê gớm. Không biết mần tới cái chi, bắt được ủy ban dân số, kiểm kê nhân khẩu. Sớm muộn chỉ cũng tìm ra dì. Còn nữa, số tiền thưởng lên hai chục triệu đã thông báo ra, nội sáng mai, quanh làng ni sẽ gọi về cho ông Văn nớ, dì tính răng đây?
- Không biết. - Người đàn bà ngơ ngẩn thì thầm.
Cát lại thở dài. Chị em chỉ có hai người, người mô cũng nắm số đoạn trường, mẹ Cát mất sớm coi như trần ai cũng trả nợ xong rồi. Còn lại dì, tắm năm nước mắt chan cơm. Khổ chi mà khổ rứa tề?
- Dì ơi! Chị Vân có sự cố chi rồi. - Cát bỗng sực nghĩ ra buột miệng. - Chớ nếu chỉ còn khỏe mạnh, mắc chi người nớ tìm gấp chứ? Còn treo bảng thưởng hai chục triệu lận tề.
Người đàn bà bịt chặt tai run rẩy:
- Đừng nói nữa. Sống chết mặc nó. Đừng nói nữa.
Cát cương quyết kéo tay dì, nghiêm giọng nói:
- Dì nghe con lần ni tề. Tám năm nay dì thay mẹ lo cho con, một lời con không dám trái, nhưng chuyện ni bao năm con nghĩ kỹ rồi, trăm điều tội lỗi là nơi dượng, chị Vân lúc nớ còn chưa đủ chín chắn, mới làm ra chuyện tày đình. Dì ơi! Nghe con, dao cắt ruột đau, dì hải hà độ lượng, tha thứ cho chị ấy đi dì, để rủi như chị Vân có chuyện chi, sống chết còn một đường tơ, cũng an lòng.... nhắm mắt.
- Đừng nói bậy. - Người đàn bà la lên.
Cát ngoan cố:
- Con nớ nói bậy mô! Chị Vân có chuyện rồi, ông nớ mới khẩn thiết tung tiền đi tìm dì. Con không thể để ai nhanh chân bợ hai chục triệu của chỉ mô.
Cát đứng lên ra cửa, người đàn bà nói theo:
- Con đi đâu?
- Con lên xã, gọi cho ổng thử coi chị Vân chết chưa?
Bên ngoài có tiếng gọi ơi ới:
- Ông chủ tịch xã có đó không hè?
- Cát đây. Chi rứa tề?
- Đài báo bão khẩn cấp, lên xã lẹ thôi.
Một lúc, tiếng loa đã vang đầy xã đến cuối xã. Tiếng người ơi ới gọi nhau khẩn thiết. Người dân xã có một nữa là nghề chài, cả đoàn thuyền ra khơi, nếu có bão biển, cầm bằng là chết chắc rồi.
Người đàn bà ngồi dậy quấn vội mái tóc rối lên, ruột gan như ai xé ai cào. Dân làng và thiên tai. Con gái và cái tát. Đầu óc bà như bấn loạn. Bà chạy ra khỏi nhà, băng cả lên đồi cát phía sau, chạy miết đến triền biển. Trời đất tối đen, thỉnh thoảng chớp lên lằn sáng rạch ngang trời. Loa phát thanh xã oang oang gọi cán bộ xã về ủy ban tham gia chống bão. Dân toàn xã ơi ới gọi nhau, kêu khóc cho đoàn thuyền ra khơi ban chiều. Tất cả thật náo loạn.
Người đàn bà tóc bạc đứng ngay bờ biển, nước lấp xấp dưới chân. Bà đứng bất động, hướng mắt nhìn ra khơi nhớ từng chiếc ghe chiều nay rời bến, tai nghe văng vẳng: “Bà Lê Thị Huyền Vi nay ở đâu, con bà là Cái Chuông, xin mẹ tha thứ lỗi lầm, quay về....”, “Hồ Hữu Văn, phóng viên Sài Gòn Times Group, nhắn tìm bà Lê Thị Huyền Vi..... Rất cần gặp bà... Hậu tạ hai mươi triệu đồng”.
Người đàn bà ngu ngơ nhìn xuống làn nước, nước trong đêm đen ngòm chợt hiện ra một gương mặt đẫm máu..... “Con sắp chết rồi, mẹ hãy tha thứ cho con, cho con gặp mặt lần cuối”.
- Không đâu. Không thể nào đâu.
Người đàn bà hét lên, ôm đầu, chạy như điên dại, trên nền trời, dội cơn sấm động, rạch một lằn chớp xé trời đêm. Rầm. Rầm! Ầm! Cơn bão xoáy tràn vào làng chài nhỏ miền Trung dữ dội, tàn phá suốt một đêm rồi biến mất.
Văn mở mắt khi nghe tín hiệu phát ra từ máy cầm tay. Mới năm giờ sáng, ai gọi nhỉ? Văn mơ màng bấm nút play. Giọng nói miền Trung khá nặng khiến cho Văn tỉnh ngủ hẳn.
- Tôi muốn gặp ông Văn.
- Tôi đây.
- Chị Vân can chi không rứa?
Văn rùng mình, giác quan thứ sáu cho anh biết, có sự cố về người mẹ của Vân đang tìm. Anh quyết định thật nhanh.
- Cô ấy gặp chuyện không lành. Xin lỗi, anh từ đâu gọi tới?
- Chị Vân đang ở mô? Còn sống không? - Giọng người đàn ông đầy lo lắng.
- Còn sống không sao. - Văn buột miệng.
Người kia thở phào nói nhanh:
- Anh nghe hí? Tui không có thời gian mô, còn phải điều động toàn xã đi dọn dẹp hậu quả của bão rớt. Nói với chị Vân như ri: “không nhớ cội nguồn, mất luôn mạ”. Mạ chị Vân chỉ cho tui nói chừng nứ thôi, nếu mà chị ấy thật lòng muốn tìm gặp mạ, thì sẽ tìm ra.
Người kia gác máy, Văn cuống cuồng:
- Này. Khoan đã, khoan....
Máy câm bặt. Hoán Vân vùng dậy hỏi:
- Chuyện gì hả anh?
Văn bối rối chìa máy định nói, máy lại phát ra tín hiệu. Vân bấm play đưa lên nghe:
- Nì anh ni, hỏi Vân dùm tôi, có nhớ chi nơi gió cát, đèn trăng không? Rứa hỉ. Tui phải đi đây.
Hoán Vân ngơ ngác lẩm bẩm:
- Gió cát, đèn trăng.... là sao?
Cô nhìn Văn, anh thở ra:
- Người đó là do mẹ em bảo gọi đến.
- Mẹ.
Mặt của Hoán Vân tái xanh, cô lảo đảo. Văn ôm cô lại, quát khẽ:
- Hoán Vân. Bình tĩnh lại, nghe hết đã.
Cô vùng ra, run lập cập, líu lưỡi:
- Đi... mau... đi.... gặp mẹ, mau.
- Bình tĩnh em. Anh ta chưa cho biết chỗ của mẹ ở.
- Anh gạt em. - Hoán Vân la lên.
Văn nhìn theo Hoán Vân hoảng loạn, lo điếng người. Anh ôm cô lại, nói nhanh:
- Anh không gạt em. Anh ta gọi chỉ nói một câu: “không nhớ cội nguồn, mất luôn mạ”. Và còn nói, nếu em thực sự muốn gặp mạ thì sẽ tìm ra”.
Hoán Vân thất thần, cô cố suy nghĩ điều gì đó, rất xa mà thật gần, nhưng cô không nghĩ ra, chỉ ôm đầu lẩm bẩm:
- Mẹ không tha thứ, không tha.....
Văn ngồi dậy đăm chiêu, anh vụt nhổm lên, tươi ngay nét mặt:
- Hoán Vân, anh nghĩ ra rồi.
Văn nhảy bổ đến máy, điện thoại liền cho ai đó.
- Cho tao toàn bộ thông tin về cơn bão gần đây nhất, khẩn cấp....
Văn đợi máy khá lâu, nghe xong anh quay qua Hoán Vân.
- Qua phòng làm việc với anh.
Cả hai đứng trước bản đồ Việtnam, Văn chỉ vào khúc giữa nói:
- Lúc nãy người báo tin, khi nói, anh nhận ra âm sắc của người miền Trung, từ Bắc, Hải Vân trở ra đến Quảng Trị. Người ấy khiến anh nghĩ ra ba vấn đề. Thứ nhất, hình như mẹ em không muốn gặp lại em. Thứ hai, riêng người ấy thì muốn em gặp lại mẹ và không muốn em mất hai mươi triệu cho người khác. Thứ ba, người ấy muốn biết là em có xứng đáng được tha thứ không nên đã đặt ra thử thách này.
Văn vừa nói, anh vừa sắp xếp lại từng ý nghĩ trong đầu mình:
- Từ đó, anh lại tìm ra ba vấn đề khác. Thứ nhất, đêm qua vùng mẹ ở có bão. Thứ hai, người này có quan hệ gia tộc với em. Thứ ba, nơi mẹ em ở có liên quan đến bài thơ mẹ em để lại trước lúc bỏ ra đi.
- Về nơi gió cát, đèn trăng - Hoán Vân lẩm nhẩm đọc, cô bậy dậy bồn chồn đau đớn nói:
- Nơi nào gió cát bay, trăng là đèn? - Nơi nào?
Văn khoát tay, anh tập trung suy nghĩ. Võ bước vào, vẻ như đã nghe hết cả câu chuyện, góp ý:
- Nếu mà nơi đó được nhắc đến, nghĩa là đã từng được nhắc khi xưa và rõ ràng đó là nơi mà mẹ chị rất gần gũi và thân thiết.
Văn trở lại bên bản đồ, chỉ tay lên đọc dài:
- Đêm qua, cơn bão bắt đầu từ vịnh Bắc Bộ đổ vào đến Quảng Trị Huế, bị chặn lại vùng Ven Lãng Cô, tạo nên cơn bão xoáy ra biển. Và chấm dứt ở đất liền lúc ba giờ sáng. Hoán Vân. Anh chợt nhớ, em chưa một lần nói về quê ngoại của em ở đâu em biết không?
Hoán Vân bứt tóc, mếu máo:
- Từ nhỏ em không nghe mẹ nhắc đến, chỉ biết ngoại, mẹ và dì ở Đà Nẵng. Rồi ngoại mất, chôn ở Nam Ô. Dì lấy chồng đi mất. Mẹ không hề nhắc, có lẽ vì ba em, một lần em còn nhớ ba mẹ cãi nhau dữ dội vì mẹ nhắc đến dì.
Hoán Vân lạ irun lên, đầu cô đau nhứt, cơn buồn nôn ập đến, cô gượng dằn xuống nói với Văn:
- Em phải về Đà Nẵng hỏi ổng cho rõ.
Văn lắc đầu định nóị Hoán Vân chặn ngang:
- Em nhất định phải đi.
Cô cương quyết, nét mặt trở nên lạnh lùng, Võ chen lời:
- Anh Hai đi với chị Hai luôn đi. Nhất định lần này tìm được.
Văn biết không còn cách nào khác, anh nhìn Hoán Vân:
- Vậy thu xếp nhah, ta sẽ bay chuyến bảy giờ.
Cả hai hối hả làm vệ sinh. Soạn áo quần cho vào valy. Võ lo phần điểm tâm. Ăn xong, Vân gọi taxi ra phi trường. Ngồi trên máy bay, Hoán Vân nghĩ đến mẹ, nước mắt cứ lặng lẽ rơi....
Chuyến bay tiếp đất đúng tám giờ. Cả hai lên xe về thẳng nhà. Ông Thịnh và Bảo đều ở công ty, còn mỗi dì Út ở nhà.Thấy Hoán Vân có thai, bà Út sững sờ đứng lặng, Hoán Vân không màng, hỏi ngay:
- Họ đâu rồi?
- Mới đi ra, chắc đến công ty. Hoán Vân, con...
- Con phải gặp ổng đã. Mội chuyện nói sau.
Cô kéo Văn đi nhah ra cổng. Văn dừng lại hỏi bà Út:
- Quê của bà Vi ở đâu, dì biết không?
Mặt bà Út sa sầm, nói nhát gừng:
- Không biết. Mà cậu hỏi chi vậy? Bộ có tinh chị Vi hả?
- Dì nói thật đi - Hoán Vân vụt quát - Quê mẹ tôi ở đâu, có biết không?
- Tôi không biết - Bà Út hoảng hồn - Cô không biết răng dì biết? Có một lần, hồi cô còn nhỏ. Huyền Vi, bồng cô đùa nghịch với cái chuông gió buột miệng nói với dì "Mai sau Cái Chuông lớn, tôi đưa nó về quê, nơi đó gió cát, đèn trăng, nghèo mà thanh thản".
"Về nơi gió cát đèn trăng ". Hoán Vân lẩm bẩm, đầu nhức nhốt, chợt nghe thèm một chút men say. Không!
Văn nhìn Hoán Vân hiểu ngay. Ba tháng cai rượu chưa phải là thời gian lý tưởng an toàn. Cô đã vượt qua cơn ghiền, sự vật vã thể xác nhưng nỗi buồn trong cô nếu chưa giải toả sẽ là cầu nối đến, nó thành tệ hại hơn. Văn nắm tay cô siết chặt như truyền thêm nghị lực, ôn tồn nói:
- Đừng quá căng thẳng, nghe anh, nội chiều nay, Đại sẽ gởi phần điều tra dân số phía Trung Trung bộ, anh đã bảo nó gởi về văn phòng báo Doanh Nghiệp Miền Trung cho anh. Chỉ trong hai ngày, anh hứa với em tìm được mẹ. Nào. Đi thôi.
Họ chưa kịp đến công ty, Bảo đã về, đâm bổ vào nhà gọi gấp rút:
- Dì Út ơi!
Bảo khựng người, như trời trồngh nhìn sững Hoán Vân, mặt anh biến dạng, lúc tái nhợt, lúc nhăn nhúm như đang chịu đựng bao nỗi đau. Anh lắp bắp:
- Em....Cái Chuông... em...
Hoán Vân cúi mặt. Đây là nỗi ray rứt duy nhất của cô dành cho Bảo. Là lỗi của cô. Nhưng biết làm sao hơn, tình yêu đầu đời đã chết theo nỗi đau ngày ấy. Cô ngẩng lên:
- Ba tôi đâu?
- Chú đi với giám đốc nhà máy bia Sông Hàn vô Quảng Ngãi. Mai mới về.
Bảo nói thật khóc nhọc, ngồi thả người ra salon. Hoán Vân xoắn tay vào nhau vẻ rối rắm, bồn chồn, buột miệng:
- Đi Quảng Ngãi?
Văn cương quyết lắc đầu:
- Có đến Quảng Ngãi, chưa chắc em tìm ra ba, tốt nhất ở nhà nghỉ ngơi chờ ba về.
- Em làm sao chờ đợi nổi.
Văn ra hiệu cho bà Út đưa hành lý lên phòng, ung dung nói:
- Em tìm mẹ suốt bảy năm, chờ thêm một ngày, có gì không được. Luôn tiện gặp Bảo hai người nên dành thời gian trò chuyện cảm thông tốt hơn.
Văn hướng mắt nhìn Bảo, mỉm cười:
- Hồ Hữu Văn là tôi. Ta từng gặp nhau rồi.
Bảo ôm đầu đứng lên, nói khó nhọc:
- Xin lỗi, tôi phải về công ty.
Bảo phóng như điên ra khỏi nhà. Bà Út nhìn theo ứa nước mắt. Hoán Vân quay lưng đi lên lầu:
- Dì Út, cho con nước nóng tắm. Com muốn ngỉ một chút.
Suốt đến trưa, không khí trong nhà thật nặng nề. Bảo không về, Văn ngồi ở phòng khách, thỉnh thoảng gọi cho ai đó. Xong bữa cơm trưa, anh đưa Hoán Vân vô phòng riêng chỉ hỏi một câu:
- Thức ăn dì Út nấu, không hợp khẩu vị, em muốn ăn gì thêm không, anh mua.
- Không. Em muốn ngủ thôi.
Cô nằm nghiêng trên giường, lăn qua trở lại. Văn ngồi ở bàn kê sát cửa sổ, đọc sách, họ không nói nhau câu nào.
Đến chiều, Bảo không về, bên bàn cơm, bà Út vừa xới cơm vừa chảy nước mắt. Văn nhìn bà thở dài, hỏi:
- Sao dì khóc? Hoán Vân đã kể với dì, sắp tìm được mẹ rồi, đáng lẽ dì nên mừng mới phải.
Bà Út sụt sịt:
- Phải. Người đi tìm lại được, còn nỗi lòng và năm tháng đợi chờ kẻ khác không tìm lại được. Hoán Vân. Cô nghĩ có phải?
Hoán Vân cúi đầu. Miệng cô đắng ngắt, lòng cô rối bời.
Bữa cơm đi qua. Bảy giờ tối, Bảo vẫn chưa về. Tám giờ tối vẫn chưa về. Bà Út điện qua công ty, thường trực cho biết Bảo không hề đến công ty. Bà Út điện thoại, òa khóc.
Chín giờ tối, Văn nhận điện thoại, anh nói với Hoán Vân:
- Anh đi lấy đĩa tư liệu. Đại gởI đến rồi. Em nghỉ đi.
Văn đi biệt. Mười giờ đêm, cả hai người đàn ông vẫn chưa về. Bà Út khóc mãi, đay nghiến Hoán Vân:
- Răng cô ác rứa? Cả nhà cô bôi tro trát trấu vô mặt hắn, giờ cô làm khổ hắn, bảy năm hắn chờ đợi cô, bảy năm tui đứt ruột theo hắn. Cô nỡ lòng mô chà đạp lên tấm chân tình của hắn, khiến hắn đau khổ như ri.
Hoán Vân chảy nước mắt. Bà Út thê thiết kể lể:
- Cháu tôi là hắn, con tui cũng là hắn, huyết mạch nhà tui, dòng họ nhà tui còn mỗi mình hắn. Vinh nhục buồn vui của hắn chính là của tui. Ba chục năm ở vơi gia đình cô, tui cắn răng ở chỉ vì hắn, vì tình cảm cô với hắn. Nếu cô khinh tui kẻ ăn người ở, khinh hắn không địa vị, giàu có, răng cô không nói quyết một lời hồi bảy năm trước đi, để hắn chờ, sống mà như chết rứa cô ơi!
Hoán Vân khóc theo bà Út, Từng lời bà trách móc, xé nát cả lòng cô. Là cô bội bạc, là cô không đúng. Đi! phải đi tìm Bảo. Nói cho rõ một lời. Đi. phải đi.
Trời buốt giá, Hoán Vân bất chấp, tung cửa chạy ra đường đón taxi. Cô cho xe chạy quanh khắp các bar rượu, vũ trường. Vẫn không thấy Bảo. Xe quanh lại một vòng khắp nơi Bảo có thể đến rồi dừng ở công ty ba Hoán Vân nằm góc Trần Quốc Toảnh. Hoán Vân đâm bổ vào. Người bảo vệ chận lại.
Cô quát:
- Ông Bảo đến đây không?
- Dạ, anh Bảo vừa lên trên đó.
Xô đại người bảo vệ, Hoán Vân chạy lên lầu, như quán tính, cô vào phòng làm việc ngày xưa của mẹ cô. Bảo đang ngồi đó, ôm đầu, người nồng nặc rượu. Dưới chân là những mảnh pha lê vỡ nát và hoa hồng dập nát, tả tơi.
- Bảo!
Bảo ngẩng lên, mắt ngập ngừng bóng nước:
- Đứng đó. Em đừng lại gần tôi.
- Bảo. Nghe tôi nói đi.
- Tôi không nghe - Bảo bịt tai hét - Là em phải nghe tôi nói. Tôi yêu em. Vì yêu em phải chịu bao điều uất ức, bảy năm rồi từ ngày em bỏ đi, tôi luôn nhớ bàn tay em đẫm máu trên mảnh pha lê và hoa hồng. Tôi nhớ ánh mắt em đầy tuyệt vọng vì thiên đường tình yêu đôi ta bị đổ nát. Tôi biết em yêu tôi và ngỡ tình yêu ấy không hề phai nhoà theo tháng năm, bởi máu của em đã vì tôi tuôn đổ, màu máu ấy ám ảnh tôi, không hề biến mất trong mắt tôi suốt bao năm. Hoán Vân. Tôi yêu em, quyết xây dựng lại thiên đường, nơi đây ngày xưa làm tiim em tan nát, tôi biến thành niềm hạnh phúc tương lai. Chiếc bình pha lê trở lại trên bàn, những đóa hồng nhung tươi thắm, ngát hương...
Bảo cười phá lên, đầy nước mắt:
- Tôi đã lầm, pha lê tan vỡ đâu thể nguyên vẹn lại. Hoa hồng tan tác từ tám năm trước và tình yêu đã tan vỡ theo hoa hồng và pha lê ngày đó. Hoán Vân. Em thiệt tàn nhẫn.
Hoán Vân rã rời, quỳ thụp xuống nền đá hoa lạnh lẽo. Những mảnh pha lê nhọn vỡ đâm vào hai đầu gối cô,vào cẳng cô, cô run rẩy:
- Bảo. phải. Là em có lỗi. Để anh chờ đợi khổ đaụ, nhưng anh hãy nghe em nói một lời. Không ai quay trở lại được với quá khứ. Và sự thật thì không thể chối bỏ. Anh nói đúng, tình yêu em đã tan vỡ theo những mảnh pha lê ngày đó, trước là oán hận, sau là tủi hổ. Anh vì em, bị cha em cài bẫy, mẹ vì em tha phương. Em chẳng còn gì để được yêu thương cả. Bảy năm, tình yêu đã hết, em tự đày ải mình kiếm tiền tìm mẹ. Quên cả nỗi đau trong men rượu cả ngày đêm. Thế rồi Văn đến...
Cô quắt mắt:
- Em chợt đêm nằm tự hỏi, tình yêu anh là vậy sao? Nhận chịu tất cả, ôm lòng chờ đợi là đủ. phải. Em trốn chạy anh vì ba em bỉ ổi. Vì hình ảnh mẹ nằm trong tay anh mãi mãi ám ảnh em. Nhưng người đàn ông em yêu không hề biết vùng lên, đấu tranh giành lại tình yêu ngày nào. Chỉ biết mỗi một việc là chờ đợi, em càng xa cách anh. Bảo. Em yêu anh là mối tình đầu trong sáng tuổi học trò. Bảy năm sau, càng lúc em càng không thể yêu anh vì người đàn.ông bên em phải là nơi em có thể nương tựa, biết che chở cho em khi giông tố cuộc đời muốn nhận chìm em. Anh đã cho em được gì? Trong bảy năm em lang thang tìm mẹ,anh cho em sự chờ đợi. Bảy năm em nghiện ngập, đắm chìm trong men rượu. Anh chỉ cho em sự chờ đợi. Và tất cả chỉ có chờ đợi mà thôi. (Đúng quá còn gì!!!)
Hoán Vân đứng lên, cô không nghe đau ở những vết thương, chỉ nghe trống vắng một vòng tay, từng cho cô niềm hạnh phúc bình yên. Cô quay đi.
- Bảo đừng chờ đợi nữa. Đừng yếu hèn đau khổ, anh hãy mạnh dạn đứng lên, rời bỏ cơn say, quét sạch những mảnh pha lê và hoa hồng cho vào quá khứ. Ngày mai hãy là Bảo có mục đích có tương lai bằng đôi tay và trí tuệ mình.
Cô bước đi thì thầm theo cơn gió đông lạnh buốt:
- Anh sẽ quên được em thôi, người con gái có trái tim pha lê, dễ vỡ. Anh là Bảo, đứa con dì Út đặt hết hy vọng, niềm tin mà.
Cô trở về nhà, ướt đẫm với đôi chân loang lổ máu. Văn đợi cô trong căn phòng vừa được treo lại chiếc chuông gió ngày xưa. Nhìn cô, anh giấu nỗi đau qua vẻ thản nhiên lạnh lùng:
- Em té ngã ở đâu hả? Để anh gọi gì Út lấy bông băng.
Anh không nói một lời hỏi cô đi đâu, làm gì lúc nửa đêm. Anh chu đáo dùng nước nóng tắm cho cô. Thay bộ đồ ấm. Lúc bà Út sấy tóc, anh lau rửa vết thương ở đầu gối rồi băng lại. Xong đâu đó, anh thu dọn, không nhìn cô nói:
- Em uống sữa xong ngủ đi. Có gì gọi anh.
Anh rời phòng cô,qua phòng khách kế bên ngủ. Hoán Vân đau khổ nhìn anh khuất dạng, vùi mặt vào gối. "Là em có lỗi đã giấu anh nhưng thật lòng em nghĩ, không còn gì nên không nói mà thôi. Sao anh không hỏi em một lời, sao anh bỏ em đơn độc thế này hở Văn?"
Đêm ấy, Hoán Vân dài thao thức, cô trăn trở nhớ vòng tay Văn ấm áp biết nân niu trìu mến, giúp cô vượt qua nỗi đau và cơn nghiện. Chiếu, chăn, nệm, gối không có hơi anh lạnh lẽo quá Văn ơi! Ôi, em nhớ anh. Vì sao gần trong gang tấc, như xa ngàn trùng?
Bên căn phòng kế, Văn cũng thao thức. Anh ngồi dậy đến bên cửa sổ nhìn vào đêm đen. Gió mùa đông buốt lạnh tim Văn tê tái, nhói đau từng hồi. Hoa hồng và pha lê làm em bị thương hay người đàn ông đó làm em bị thương. Tại sao giấu anh. Tại sao không nói? Vì em cần anh như chiếc phao cứu hộ, chớ chưa phải tình yêu có trong em hở Hoán Vân?
Hồ Hữu Văn! Mày đã hiểu thế nào là đau khổ rồi. Suốt đêm Văn không ngủ, anh thèm thuốc lá lấp nỗi hoang mang trong lòng. Nhưng vẫn đứng mãi bên cửa sổ bất động đợi bình minh đến.
Cánh cử bật mở, ông Hổ bước vô, Văn ôm choàng ông thân thiết, hỏi:
- Chú khỏe không? Thằng Võ nhớ chú lắm.
Ông Hổ chào Hoán Vân kính cẩn, cười tươi:
- Nó mới gọi về hồi hôm, dặn chú chăm sóc vợ chồng mi chu đáo.
Hoán Vân mời ông Hổ ngồi dùng điểm tâm chung, ông nói:
- Tôi ăn rồi. Cảm ơn cô Hai.
- Chú gọi con là Vân. Con rất cảm ơn.
Văn ăn nhanh đứng lên. Hoán Vân theo anh ra xe. Ông Hổ chở họ đến trung tâm máy tính. Văn nói:
- Em vô đọc đĩa khu vực Thừa Thiên. Một lúc anh về?
- Anh đi đâu?
- Anh về nhà thắp hương cho ba mẹ đã.
- Cho em đi với - Hoán Vân hồi hộp nói.
- Không cần thiết. Điều quan trọng nhất là tìm mẹ em.
Văn chui vô xe. Ông Hổ cho chạy, nhìn vào kính ông nói:
- Mi giận vợ mi chuyện chi?
- Không có gì.
- Đừng giấu chú. Tao hai thứ tóc trên đầu. Vợ chồng sắp có con, chuyện chi cứ trải lòng ra đối với nhau mới ăn ở bạc đầu được.
- Khó nổi bạc đầu - Văn thở dài.
- Nói bậy. Con nó mang trong bụng thề lề, mắt nhìn theo mi muốn nuốt cả mi vô bụng. Nó thương mi lắm. Đừng có nói ác rứa.
Văn làm thinh. Yêu anh có bằng tình xưa rải máu trên pha lê và hoa hồng? Văn về nhà, thấy nhà cửa đàng hoàng, nơi thờ tự hương, hoa tươi thắm, anh rất vui. Anh thắp hương cho cha mẹ, đi quanh nhà, xong nói vơi ông Hổ để về lại chỗ Hoán Vân.
Cô đang ngồi bất động trước màng hình, mắt đăm đăm, nhìn ảnh người phụ nữa hiện trên đó. Bà có mái tóc bạc trắng bới cao, gương mặt gầy hóp má với những nếp nhăn, da đen, môi miếng nhợt nhạt, ánh mắt u tối khắc khổ vơi vết đen rỏ mõ ngay má phải kéo lên sát màng tang to bằng ba ngón tay chụm lại.
Thấy anh, Hoán Vân mơ màng hỏi:
- Có phải mẹ không anh?
Văn nhẹ nhàng nói:
- Hoán Vân. Tập trung tinh thần, sáng suốt nhận xét đi. Từ hình dáng đến lý lịch. Bảy, tám năm rồi, mẹ em có thay đổi hay không, tự em phải biết, bà là mẹ của em mà.
Văn bấm qua phần lý lịch: Lê Thị Huyền Vi, sinh năm 1930. Chánh quán: Cát - Phong - Đăng Nguyệt. Nhập cư tháng 8 năm 1990.Quang cảnh Bắc Hải Vân sau cơn bão tiêu điều. Xuống chân đèo, chạy thêm một đoạn tới khu vườn vừa xơ xác, ông Hổ dừng lại hỏi thăm thôn Cát Phong. Dân làng chỉ về hướng biển.
- Về sâu miệt đồi cát nớ, chỗ hồi xưa ông đạo diễn quay phim á. (Chắc phim "Đời Cát"...hihihi)
Ông đạo diễn quay phim trời ơi mô đó, ai mà biết, nhưng dọc đường cát vô sâu,ông Hổ đưa cả hai đến đúng đầu thôn Cát Phong. Văn đỡ Hoán Vân xuống xe, hỏi người thanh niên đẩy một xe bò đầy cây, lá:
- Tôi muốn đến nhà bà vi, bà đầu bạc có thẹo ở mặt.
Bỗng dưng mọi người xúm lại, đám trẻ tranh nhau nói:
- Ông ni treo giải hai chục triệu, xã trưởng bợ đủ hè.
Người thanh niên vũ trang nạt đám trẻ lui, nói:
- Anh Cát chờ anh chị đến trên xã, anh phải tên Hồ Hữu Văn không?
Hoán Vân gần như ngất đi, cô thều thào gọi:
- Mẹ ơi!
Văn đỡ cô, hỏi người thanh niên:
- Vô xã đi xe được không?
- Được. Tui dẫn đường cho.
Xe băng qua những con đường đất cát, còn nguyên vẻ tả tơi sau cơn bão. Dừng trước ngôi nhà ngói trốc nóc một bên có hàng chữ: Ủy ban nhân dân xã Đăng Nguyệt. Người thanh niên ngồi ở bàn chủ tịch xã, mặt đầy vẻ mệt mỏi, thấy họ, mắt bừng lên tia vui mừng, đứng lên nhìn Hoán Vân trân trối.
Cô cũng nhìn sững anh ta, buột miệng:
- Em phải con dì Hồng không?
Cát gật đầu cười, thở phào:
- Thì ra chị mô có quên cội quên nguồn, hú vía hè. Em là con mạ Hồng.
Hoán Vân cười như mếu, run run hỏi:
- Mẹ chị đâu?
- Ở nhà. Dì bịnh hung, em đang lo chị nỏ về kịp.
cát rời bàn. Bắt tay ông Hổ và Văn nói:
- Đi hè. Vừa đi vừa bàn xem cách chi để dì chịu gặp mặt.
Trênxe Văn hỏi Cát mọi chuyện. Cát nói ngắn gọn:
- Đêm nớ nghe tin ảnh rao trên đài, em qua dì, nói chưa xong chuyện, cú tin báo khẩn, rứa là hè nhau đi chống bão tới sáng. Lúc ra biển thấy dì nằm mê man ở đồi cát, em đưa vô bệnh xá, lúc mê man dì cứ lảm nhảm: "Không có cội nguồn, không có mẹ" rồi thì "Về nơi gió cát, đèn trăng" chi đó. Em liền quyết định gọi cho anh, có điều lúc nớ em chưa rõ chị Vân ra răng, thật sự cần mẹ không. Bởi em... thật ra, sợ mất dì, dì như mẹ, lo cho em nhiều lắm, nên em không nói rõ, để thử thách chỉ chút rứa thôi. Ai dè. Chị tìm ra liền, không phụ bảy, tám năm dì Vi thương nhớ.
- Sao Cát lại nói sợ dì Vi không cho gặp mặt?
- E là rứa, thương nhớ thì thương nhớ, giận buồn càng thâm sâu, tính dì Vi hồi nớ mô chừ khó lắm. Dân cả xã không ai dám làm quen.
Dừng xe bên ngoài khu vườn có hai hàng dừa, cau xơ xác, tất cả xuống xe đi vào. Cát chận lại, nói:
- Để em vô trước.
Hoán Vân ruột gan như bị ai thiêu đốt, mấy lần cô định xông vào căn buồng khoá kín lớp cửa phên tre, nhưng bị Văn cản lại, sau đó, Cát trở ra rầu rĩ nói:
- Dì nói, biết dì còn sống được rồi, cứ về đi, đừng tìm gặp nữa.
Hoán Vân nhợt nhạt đi lại gần cửa, cô vụt gào lên quì thụp xuống:
- Mẹ ơi! Tha lỗi cho con mẹ ơi.
Hoán Vân gào mặc kệ Hoán Vân. Cô khóc hế nước mắt, khan tiếng khóc, cánh cửa vẫn đóng im lìm. Hoán Vân lăn lộn bò lê ra đất đến ngất đi. Cánh cửa vẫn lạnh lùng chốt chặt.
Văn ôm Hoán Vân lại, quát:
- Bình tĩnh Vân. Em như thế làm sao được. Để anh thuyết phục mẹ.
Cả Văn lẫn Cát đều thất bại. NGười mẹ dường như đã chết cõi lòng.
Trời chiều, cả ngày khÔng hột cơm, Vân cứ ngồi trước cửa khóc gọi mẹ Văn không chịu nổi, anh gần như cùng ông Hổ bó tay đem cô ra xe, đổ sữa cho cô, ép cô ăn vài miếng cháo. Sau đó về nhà Cát, cách nhà mẹ Vi một con đường cát.
Vợ cát dọn cơm tối, ăn xong nói với chồng:
- Dì bớt sốt từ sáng, nhưng cứnằm rứa thì nguy. Chừ em đem thuốc qua chích, hay nói cô Vân đi luôn.
Cát khoát tay:
- Cả ngày ni, chỉ quì trước cửa dì có động lòng mô. Để anh nghĩ cách đã, em cứ qua chích thuốc rồi dò ý thử, thấy có chi khác, nói liền nghe.
Bầu trời lại đen nghịt sắp đổ mưạ Hoán Vân thờ thẫn nhìn ra, ứa nước mắt, than:
- Cho con gặp mẹ một lần rồi chết cũng can tâm, ông trời ơi!
Mưa đổ xuống ào ạt, gió thổi mạnh qua từng mảnh vườn quê. Cau, dừa uốn mình răng rắc, theo gió, Hoán Vân vụt chay vô lấy cái chuông gió, đâm bổ về nhà mẹ cô.
Văn hốt hoảng chạy theo. Cát, ông Hổ cũng qua theo. Cả ba thấy Hoán Vân quì truớc sân, sát cửa sổ phòng bà Vi. Đôi tay nâng cao chiếc chuông gió. Gió thổi mạnh, mưa quật xối xả, tiếng chuông vang nghe uất nghẹn não nề. Lời đứa con gái cũng não nề uất nghẹn.
- Mẹ ơi! Cái chuông đây mẹ tha thứ cho con đi mẹ. Bảy năm con ăn năn dù biết đã muộn, bảy năm sống mà như chết mẹ ơi! Tiếng chuông gió mẹ tặng con vang đây mà sao lời me. Thứ tha không nói được.
Hoán Vân tiếp tục gào thét, khóc kể kể, Văn muốn điên khi thấy cô quì trong mưa gió. Không ai kéo vô được, ướt sũng, run bần bật. Vẫn hai tay nân chuông, cho gió lồng vào, phát tiếng vang.
Trong đời, đây là lần đầu tiên Văn nổi giận, anh đạp mạnh vào cửa phèn, quát to:
- Đủ rồi. Bà đừng hành hạ cô ấy nữa. Bà ra nhìn xem đi. Cô ấy mang con trong bụng, quì trước gió mưa xin lờitha thứ, bà làm mẹ, sắt đá nỡ lòng không cho sao? Cô ấy có lỗi gì? Bà tưởng bảy năm qua cô ấy sung sướng lắm sao? Bà đau khổ bao nhiêu, cô ấy đau khổ bấy nhiêu. Nhớ thương bà, vì bà, vì lỗi lầm thuở ấy, cô ấy đã đày đọa thân xác mình suốt bao năm, bao nhiêu tiền của đổ đi tìm bà, từ Nam ra Bắc, từ biển rộng đến núi cao, không hề sờn chí. Vì bà, cô ấy thành con nghiện rượu, bị bao người dè bĩu. Vì bà, cô ấy mang con trong bụng, định hủy nó đi để có thời gian tìm kiếm, từ chối cả chuyện kết hôn với tôi. Bà còn muốn cô ấy khổ đau đến mức nào. Hai người đau khổ bao năm rồi, còn chưa đủ sao? Tại sao không cùng nhau xóa sạch mọi hiểu lầm bằng cuộc tương phùng chớ? Bà có nghe tôi nói không?
Văn gầm lên, đạp tung cánh cửa. Anh khựng lại khi thấy người đàn bà đứng lặng. Phía sau là vợ Cát choàng tay đỡ. Ánh mắt sâu thẩm của bà nhìn anh từ từ hỏi:
- Nó có con rồi à? Với cậu ư?
Bao uất ức, bất hạnh, buồn đau dường như phủ kín người đàn bà. Nhìn bà bằng xương bằng thịt, Văn chợt thấu hiểu thế nào là đau khổ triền miên. Anh khựng lại, ấp úng:
- Dạ... Với con.
Người đàn bà khó nhọc bước đi. Ông Hổ, Cát, dạt ra, bà lần ra hiên. Văn đỡ thay cho vợ Cát. Bà ra sân, từng bước đến bên Hoán Vân đang quì gục đầu.
Mưa gió thét gào, lòng người mẹ thét gào, lòng đứa con thét gào. Tất cả đều biết điết đau khổ, nhớ thương.
Mưa phủ kín ba con người, người đàn bà cúi xuống, Hoán Vân ngẩng lên. Qua màn nước mắt mờ mịt, cô đà tìm thấy mẹ Người mẹ đau khổ bất hạnh cô tìm kiếm bao năm. Gió lại thổi mạnh, từ cửa nhà, chiếc chuông gió reo vang:
- Mẹ - Hoán Vân gào lên tiếng xé lòng.
- Cái Chuông! - Người mẹ lảo đảo đưa tay ra thì thào.
Giữa đêm đen mưa gió, ba con người ôm nhau khóc. Họ đã tìm lại được hạnh phúc đời mình.